Nên coi những thất bại trong quá khứ là động cơ để hành động, chứ không phải lấy đó làm lý do để bỏ cuộc.

Charles J. Given

 
 
 
 
 
Tác giả: Martine Murray
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 38
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1302 / 8
Cập nhật: 2017-06-11 10:56:53 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
ó một hồi tôi cố tập trung vào chuyện hát, thay vì treo ngược đầu và hy vọng gặp được chàng người chim. Tôi không giỏi vụ hát hò. Tôi cho rằng có lẽ vì tôi không có một cây ghi-ta. Stinky và tôi đi lùng quanh đường Smith tìm kiếm trong các tiệm đồ cũ. Không cây ghi-ta nào có giá hai mươi ba đô-la, đó là tất cả số tiền tôi có, nên tôi bỏ cuộc và tới siêu thị Safeway[13] để ăn nho. Má không thích đi chợ ở Safeway. Bà cho rằng nó ủng hộ sự tham lam của tập đoàn và tính toàn cầu hóa, cho nên chúng tôi chủ yếu mua sắm ở Bạn-của-Trái-đất[14]. Ở đó khá hơn rất nhiều, bởi vì họ có xà-phòng oải hương làm theo phương cách thủ công và họ không tham lam. Điều tôi thích ở Bạn-của-Trái-đất là được tự gói hàng, cho nên nếu chỉ muốn mua tí xíu bột rau câu để làm rau câu, thì cứ gói ít thôi, nhưng nếu muốn ăn cả đống ngũ cốc và hạt quả hạnh rang, thì cứ gói gói to vào. Chỉ có hai lý do để đi Safeway: để mua bao đựng rác và để trốn tránh thời tiết.
[13] Safeway: một trong những hệ thống siêu thị rất lớn ở Mỹ và các nước phương Tây. ND.
[14] ‘Bạn-của-Trái-đất’: Friends of the Earth, là hệ thống những tổ chức bảo vệ môi trường. ND.
Stinky chờ bên ngoài Safeway khi tôi vào trong. Thường khi tôi trở ra lại thì nó làm như không gặp tôi từ lâu lắm vậy. Nó ve vẩy toàn thân. Nhưng khi tôi trở ra lần này, không có cái thân hình bé nhỏ nào ve vẩy với tôi cả. Stinky đang được ve vuốt và tất cả những gì tôi thấy là cái đít nhỏ xù lông lúc lắc dậm giật. Và ai là người đang làm chuyện vỗ về đó? Thật kinh ngạc, tôi nghĩ và rung bắn cả cái đầu tóc xoăn đỏ của mình. Cuộc đời là thế đó. Bạn cố gắng và cố gắng và cố gắng để làm một chuyện gì đó và rồi, cái khoảnh khắc mà bạn bỏ cuộc, thì nó sờ sờ ra kia kìa. Cậu người chim.
‘Xin chào.’ Cậu ta chào, và mặt tôi đỏ ửng lên.
‘Xin chào.’ Tôi chào lại, ước rằng mình không đỏ mặt. Rồi cả hai đứa vội quay mặt về phía Stinky, nó luôn luôn làm cho người ta chia trí và nó khoái được chú ý. Cậu người chim quì một gối xuống.
Tôi hỏi, ‘Stinky có nhận ra bồ không?’
Cậu ấy đứng lên gật đầu. Cậu mặc một cái áo thun với một cái quần nhung cũ kiểu rộng thùng thình. Cậu gầy nhom và có bề ngoài không chải chuốt. Tôi thích bề ngoài của cậu, giống như một cái lá bị gió cuốn đi mà cứ để mặc kệ.
‘Tôi không biết tên bồ.’
‘Kite[15].’
[15] Nghĩa là cánh diều. ND.
‘Kite! Tên đó cũng lạ giống như tên Cedar vậy. Ba má bồ cũng là dân hippy hả?’
‘Không hẳn thế. Đó là ba tôi, ông chỉ là lập dị. Ông bà già tôi không còn sống chung với nhau nữa.’
‘Ba má tôi cũng vậy.’ Nói như vậy làm tôi có cảm giác khá hay, giống như cậu ấy và tôi tình cờ cùng ậm ừ ngân một đoạn điệp khúc với nhau. Nó làm cho tôi tự dưng cảm thấy táo bạo lên, chỉ vì chuyện chúng tôi cùng thiếu cha mẹ. Tôi hỏi cậu có muốn đi uống nước trái cây với nhau không, vì dù sao tôi cũng nợ cậu.
‘Được chứ. Phần thưởng đặc biệt, phải không?’ Kite nói và cười to, đôi mắt dịu dàng trở lại.
o O o
Chúng tôi tới tiệm Soul Food, ở đây người ta làm sinh tố chuối với sữa đậu nành, có những cái bàn gỗ và các cô bồi bàn không có khoen ở mũi. Khi tôi đủ lớn, có thể tôi sẽ đeo một cái khoen mũi. Barnaby có xâm hình một con bọ rùa ở bên hông, nhưng má không biết điều đó bởi nếu biết bà sẽ nổi giận. Bà sẽ nghĩ rằng nó không đẹp đẽ hay ho gì. Barnaby cho rằng nó là để lấy hên. Tôi nói, ‘Anh không thể xâm sự may mắn lên hông mình,’ và ảnh đáp, ‘Để rồi xem.’
Kite và tôi ngồi trên hai ghế cao ở cái bàn bên cửa sổ và ngắm thiên hạ đi lên đi xuống đường Smith. Má không thích tôi la cà ở đường Smith, nhưng chính điều đó làm cho tôi càng muốn la cà ở đó. Tôi nghĩ điều mà má không thích là mấy tên bán ma túy, nhưng chúng chỉ tìm cái gã tên là Chasen. Tôi thích những thứ của tiệm Melissa’s, bởi vì nó là đồ Hy Lạp và họ làm món bánh rau chân vịt ngon tuyệt với giá có hai tì thôi. Và tôi thích tiệm sách Awareness bởi vì sách trong đó là để bói vận mệnh của bạn. Và tôi thích những tiệm Á Đông bởi vì chúng có mùi là lạ và mấy món rau tua tủa lá và lá. Ở đó còn có một tiệm có tên là Punctured, nơi bạn có thể xỏ lỗ trên thân thể mình. Và ở đó còn có cả cửa hàng Friends of the Earth.
Môi Xanh đang rảo bước đi lên đi xuống con đường. Môi Xanh không bao giờ ngưng nghỉ. Ông ấy trông lúc nào cũng giống như sắp sửa đi giết ai đó, hay ít nhất là cho họ một trận nên thân, đá vào chiếc xế Hyundai của họ, hoặc giậm lên những đôi giày mới của họ. Ngày hôm đó hẳn là ông đang vui, bởi vì ông không chửi thề. Tôi không biết vì sao, nhưng Môi Xanh luôn gợi tôi nhớ tới Chúa Jesus. Tôi nghĩ rằng có thể vì đôi chân trần và mái tóc dài, khá đẹp (hơi giống mái tóc của Marnie Aitkin) - vàng óng, xoăn xoăn và sạch mướt. Không phải mái tóc mà bạn cho rằng thể nào cũng có ở một gã khùng, kẻ không bao giờ mặc áo, chỉ mặc độc cái quần da và thoa son môi xanh. Chắc ông ta mua cây son môi đó ở tiệm Punctured.
‘Nhìn kìa, Môi Xanh đã vào gặp Marge kìa.’ Tôi nói khi Môi Xanh rẽ vào tiệm Op Shop[16].
[16] Op Shop: Viết tắt của Opportunity Shop hay cửa tiệm Opportunity.
‘Marge là ai?’
‘Thật ra Marge là một nhân vật rất quan trọng.’ Tôi đáp, tình cờ trượt vào cái phần triết lý của bộ não tôi. Rồi tôi tình cờ lao vào lý thuyết về Cuộc-đời-theo-Cedar-B-Hatley. Thỉnh thoảng tôi không thể kềm chế được mình. Tôi có khuynh hướng dễ bị tổn thương hơn người khác.
Theo cách nhìn của tôi, không phải cách giả vờ biết-tuốt mà là cách đặc biệt thật ấy nhé, thì Marge thật sự rất quan trọng. Rất thầm lặng, không kèn không trống. Tôi nghi chẳng có ai khác trên thế giới đã từng nghe tới bà, hay có lúc nào nghe tới bà. Phần lớn thiên hạ thường chỉ thích lắng nghe những tiếng kèn chát chúa vang lên trên ti-vi mà thôi.
Marge Manoli là một bà già có một nốt ruồi có lông trên má. Bà làm việc ở tiệm Opportunity ở đường Smith. Bà gọi bạn là ‘cưng’ và bà nói chuyện với bạn như thể bà rất thích bạn. Tôi nghe bà nói giống y như vậy với tất cả bọn khùng điên và những người vô gia cư và dân ghiền ma túy vào trong tiệm. Bà lắng nghe họ, ngay cả khi họ đang nói những điều hết sức vô lý. Bà không hề mất kiên nhẫn với họ vì họ cứ nói hoài nói mãi chỉ một chuyện thôi. Marge Manoli là bà mẹ của đường Smith. Chẳng bao giờ có ai nói lời cám ơn, chẳng ai trả bà xu nào về chuyện đó, và bà cũng không mong đợi điều gì từ bất cứ ai. Tôi cá là có hàng triệu người kiểu này trên thế giới - những người tốt và ân cần cải trang thành những tài xế xe buýt hay những người giao bánh mì kẹp hay những bà mẹ và những ông thợ ống nước.
Có Marge, rồi lại có cả vô số những người nổi tiếng có thật nhiều tiền, nhiều hơn là số họ cần; họ là những người nổi tiếng vì những điều ngớ ngẩn nhất, như là ra đời với một gia sản kếch sù, với một tờ báo, với một gương mặt đẹp, hay với một sự biệt đãi. Tôi không tài nào hiểu nổi. Tại sao tự nhiên lại có một ai đó chỉ vì rất giỏi trong chuyện đánh một trái banh tennis, đánh qua và đánh lại, đánh qua và đánh lại, liên tục liên tục, mà thành một vị anh hùng chứ?
Tất cả những người danh tiếng, giàu có, nhiều quyền lực này dường như bỏ thời gian của họ để cố lấy thêm điều đó nữa - đánh trái banh mạnh hơn, sửa lại hình dạng cái mũi để nó trông đẹp hơn, tân trang lại bộ ngực khi chúng trở nên quá già cỗi, hay kiếm thêm tiền, cho dù họ đã có nhiều hơn cần thiết. Giờ thì điều đó thật là khùng. Nó khiến tôi nghĩ rằng những thứ tượng trưng nổi tiếng đó, nếu có chúng thì thật quá nguy hiểm. Đó là lý do tại sao tôi mừng là mình không đẹp tự nhiên, hay có tài năng thiên phú, hay giỏi trong việc đánh banh.
Tôi giải thích với Kite, nghĩ tới Harold Barton với vẻ thể hiện lòng trắc ẩn hoang mang, ‘Người giàu cũng khùng luôn. Bồ không thể trách người giàu vì họ tham lam - nó giống như họ đang phê ma túy vậy. Còn khùng như Môi Xanh. Tôi không biết, có lẽ họ cần được quan tâm nhiều, giống như Barnaby. Má luôn lo lắng về ảnh. Bà từng bắt ảnh phải hôn bà khi ảnh về nhà trễ, làm vậy để bà có thể ngửi hơi thở của ảnh, để kiểm tra xem ảnh có uống rượu hay hút thuốc không. Barnaby gọi đó là sự kiểm tra bằng hôn.’
‘Có phải Barnaby là anh của bạn?’
‘Ừ, nhưng ảnh bỏ nhà đi và chưa chịu về. Tôi biết chỗ Barnaby cất thuốc lá. Thỉnh thoảng tôi thấy ảnh lấy thuốc ra từ ngăn kéo đựng vớ. Tôi nuôi một con rùa nước ngọt trong ngăn kéo đựng vớ của tôi. Tên nó là Moby Dick, tên đó được đặt theo tên một cuốn sách mà Barnaby đọc. Barnaby nói đó là một cuốn sách cổ điển. Con rùa nước ngọt của tôi cũng là một con rùa cổ điển. Barnaby cho rằng những gì cổ điển thì không làm gì nhiều, chúng chỉ hiện hữu thôi. Chúng có một phẩm chất không đo đếm được bằng thời gian, phi thời gian. Moby Dick, con rùa nước ngọt, quá xá phi thời gian, đến nỗi thỉnh thoảng nó quên cả thức giấc.’
Kite thở dài, rướn người lên trên cái bàn và tựa đầu lên hai cánh tay khoanh lại. Kite nói cậu hiểu những cảm nhận của Moby Dick - con rùa nước ngọt. Có nhiều ngày cậu cũng không buồn thức dậy. Cậu nói cậu không thích đi học cho lắm và một ngày nào đó cậu sẽ thành lập một gánh xiếc.
‘Cho tôi tham gia với nha?’ Tôi hỏi, và Kite cười lớn. Một giọng cười trầm sâu như lòng sông.
Tôi nói, ‘Tôi không đùa đâu. Tôi đang luyện tập trên mấy cái cây. Chúng ta có thể tới sân vận động và tôi sẽ biểu diễn cho bồ xem. Hoặc bồ có thể dạy tôi một vài chiêu.’
Kite nhăn mũi như thể cậu đang cố tiếp nhận cái ý kiến đó, nhưng có vẻ như không dễ chút nào. Cậu nói điều đó có thể khá nguy hiểm và trước tiên tôi phải biết những bước căn bản, và tôi cần có một sức khỏe cùng sự uyển chuyển dẻo dai cần thiết, và tôi cần phải được chuẩn bị để thực thi những nguyên lý cơ bản và thêm nhiều điều nữa. Nhưng tôi thuyết phục Kite. Tôi học cách thuyết phục đó từ Barnaby, ảnh có thể thuyết phục người khác để vượt qua mọi khó khăn theo ý của ảnh. Má tôi nói Barnaby nói năng rất khéo, ảnh có thể dụ cho con kiến bò ra khỏi hang nữa kìa. Barnaby từng giả bộ dụ cái chân bàn rời bỏ cái bàn trong nhà bếp, chỉ để cho má thấy rằng ảnh không thể làm được điều đó. Nhưng ảnh luôn khiến bà cười to và chào thua. Cuối cùng thì Kite cũng bật cười và đồng ý chào thua.
‘Được rồi, được rồi. Tôi sẽ cố bày cho bạn vài chiêu căn bản, và nếu bạn làm giỏi thì tôi sẽ huấn luyện bạn cho gánh xiếc của tôi.’
‘Ừ.’ Tôi cố nén sự hào hứng của mình xuống cổ họng và nhìn những mẩu rác vụn trên sàn nhà. Có mẩu rễ củ cải đường bị bào ra vương ở chân cái ghế đẩu.
o O o
Trên đường tới sân vận động, chúng tôi ghé qua thăm bà Marge.
Marge nói, ‘Chào mấy cưng.’ Bà đang hát theo tiếng nhạc trong ra-đi-ô. Chúa của tôi hằng có, vâng Chúa Trời hằng có, bà vừa hát vừa chỉnh lại chuỗi hạt màu xanh quanh một cái đầu làm bằng mốp đặt trên quầy hàng. ‘Rồi đó, hai đứa thấy sao? Ôi, cô thích cái áo thun của cháu quá.’ Bà nói với Kite, ‘Cháu thích âm nhạc phải không cưng? Cháu có biết Mahalia Jackson không? Cổ đang hát trong ra-đi-ô đó.’ Kite lắc đầu trong khi bà hát vang, Vâng Chúa Trời hằng có, Chúa hằng có trong tâm hồn tôi... Ôi tình Ngài dành cho tôi như vàng ròng. Marge mở lớn đôi mắt. ‘Nhìn kìa, cưng, cô có mấy cái mũ nồi len mới trong đây nè. Nhìn nè, chúng đẹp quá ha.’
Bà bước núng na núng nính như một con gà mái đẻ rồi trở lại với một mớ mũ nồi len, bởi vì bà biết tôi rất thích chúng. Tôi lấy cho cả Barnaby nữa. Bà hát, Tôi cảm nhận Ngài trong tâm hồn tôi. Tôi cố cảm nhận một điều gì đó trong tâm hồn mình nhưng tôi không biết rõ tâm hồn mình nằm ở nơi nào. Tôi đặt tay lên ngực để xem nó còn phập phồng không, nhưng tôi không biết chắc, nên tôi mua một cái mũ nồi màu quả mơ có hai sọc màu xanh chạy vòng quanh vành, bởi vì nó xinh xắn lắm mà chỉ có giá một tì thôi. Tôi tặng nó cho Kite, vì tôi đã có vài cái rồi. Cậu đội lên đầu cho dù trời không lạnh lắm.
Tôi bước dọc theo một tường rào. Mỗi khi nhìn thấy một bức tường mà tôi có thể đi dọc theo nó là tôi phải leo lên nó. Đó là quy luật rồi. Tôi giơ hai cánh tay ra như một người đi dây. Lần này khi lên đó thì tôi hơi làm kiêu một chút, như một ông mục sư, chỉ có điều là tôi không giảng giải gì về Thượng đế và đức công chính, vì tôi không biết gì về điều đó. Tôi chỉ loay hoay tìm trong trí một điều gì đó quan trọng để phán chơi. Bất cứ khi nào tôi khát khao tạo ấn tượng tốt thì trông tôi lại giống một tay điên rồ đào quanh để tìm vàng. Tôi phải lục tung rất nhiều rác rưởi. Tôi mở miệng mà cứ ấp a ấp úng, chỉ vì tôi vô vọng tìm kiếm một ý tưởng hay ho nào đó để phát biểu. Nhưng việc đó giống như mở nắp một thùng ủ phân bón và thải ra vô số rác rưởi và mùi hôi thối. Coi tôi nè, không dưng kể chuyện có lần tôi nuôi một con chuột lang có tên là John Newcombe, và rồi tôi chuyển qua chuyện tổ ong. Tôi nói mình thích ong và Barnaby cũng thích chúng, nhưng chỉ bởi vì chúng có màu vàng và những sọc màu đen (cùng màu với đội banh của ảnh, đội Mãnh Hổ), nhưng tôi thích chúng bởi vì chúng mang những cái vớ dài bằng phấn hoa.
Tôi hỏi, ‘Có bao giờ bồ nghĩ rằng vì đâu một con ong có một phần dịu dàng và một phần ác độc, một cái giỏ mật và một cây kim chích? Chắc một ngày nào đó, khi có đủ thông thái, tôi sẽ viết một lý thuyết về điều đó.’
Kite nói, ‘Cedar nè, bạn có biết là bạn đang làm sai động tác tay không?’
‘Bồ nói vậy là sao?’
Kite nhảy phóc lên bờ tường và bày cho tôi.
‘Khi bạn bị mất thăng bằng ở một bên, giống vầy nè, thì bạn nghiêng cánh tay về phía bên kia. Thấy chưa? Nó mang trọng lượng về lại trung tâm. Bạn đang làm ngược lại. Giống vầy nè.’ Cậu lắc lư về một bên.
Tôi nói, ‘Ô...’ Tôi thôi bàn về loài ong. Tôi đậy cái nắp thùng phân bón lại và nghĩ về gánh xiếc.
o O o
Điều đầu tiên Kite dạy tôi là lăn tròn thế nào. Chúng tôi lăn tới lăn lui, và lăn nghiêng một bên, những động tác đó gọi là những thế lăn theo môn Hiệp Khí Đạo. Chúng xuất phát từ một môn võ thuật. Kite nói nhiều về chuyện làm mềm dẻo thân thể khi tiếp cận với mặt đất, trải trọng lượng thân thể ra như mật ong, làm cho cột sống dài ra, giữ cho các cơ bụng thóp vào trong và hướng lên trên. Khi chúng tôi vào tư thế trồng cây chuối, cậu đặt ngón tay vào bụng tôi rồi nói, ‘Thóp chỗ này vô,’ nhưng nó làm tôi bật cười và té bịch xuống.
‘Làm sao bồ biết trò này hay vậy?’
‘Ba má tôi dạy hồi tôi còn nhỏ. Họ là những diễn viên nhào lộn. Có thời họ theo một gánh xiếc, sau đó họ có chương trình biểu diễn riêng tại các lễ hội. Thỉnh thoảng tôi cũng tham gia diễn. Họ cũng dạy ở các trường học nữa, và tôi theo họ để thao diễn cho học sinh xem. Do đó tôi được xem họ dạy và hướng dẫn thực nghiệm cho bọn trẻ con.’
‘Hướng dẫn thực nghiệm là làm sao?’
‘Đó là khi bạn dùng tay của mình để đỡ cho ai đó, để họ đừng sợ, và để họ cảm nhận được nơi mà thân thể của họ di chuyển đến. Giống như tôi làm với bạn lúc nãy.’
‘Ba má bồ vẫn còn làm việc cho gánh xiếc?’
‘Má tôi vẫn theo tua diễn ở nhiều nơi. Bà là huấn luyện viên cho gánh xiếc Berzerkus. Bạn biết nó không? Nó nổi tiếng lắm.’
‘Biết chứ.’ Tôi nói dối, vì tôi muốn Kite nghĩ rằng tôi có niềm mong ước trở thành một diễn viên xiếc. Thật ra chuyện này quả là có phần rất thật, vì tôi luôn luôn nhắm tới việc ấy. Thoạt tiên, tôi muốn trở thành một bác sĩ thú y, rồi là một y tá, rồi là một nữ diễn viên và rồi một vận động viên môn thể dục dụng cụ, nhưng giờ thì, sau cùng, tôi quyết định chắc cú lắm rồi. Tôi muốn trở thành một diễn viên xiếc, một diễn viên nhào lộn.
‘Còn ba của bồ thì sao?’ Tôi vội hỏi thêm, để đánh lạc hướng các câu hỏi về gánh xiếc Berzerkus.
Kite gục đầu xuống.
‘Bốn năm về trước ba tôi bị ngã và bị chấn thương ở lưng, có nghĩa là ông phải rời bỏ gánh xiếc. Hiện giờ ông làm việc trong một thư viện.’
Tôi nói, ‘Thư viện thì hay rồi.’ Nhưng tôi thấy ngay đó là một câu nói miễn cưỡng, nên tôi liền thực hiện một động tác trồng cây chuối để làm không khí vui lên.
Kite hỏi tôi, ‘Ba của bạn làm gì?’ Tôi ngã xuống khỏi tư thế trồng cây chuối và nằm ngửa ra, ngó lên bầu trời, dõi mắt theo những đám mây.
‘Ba tôi qua đời vì bệnh. Ông là một nhạc sĩ. Nhưng tôi chưa từng gặp ông. Tôi chỉ mới một tuổi khi ông chết.’
Kite nằm xuống theo. Và trong một lúc, cả hai chúng tôi nằm yên như hai tấm khăn cũ nằm trên bãi cỏ, và nhìn lên trời cao. Rồi tôi kể Kite nghe về anh Barnaby. Tôi không hiểu vì sao. Chắc vì tôi hay ba hoa chích chòe, như Barnaby vẫn nói.
o O o
Sau vụ mấy cây cần sa trên mái nhà, má gởi Barnaby tới một trường nội trú ở miền quê. Đó là năm học cuối của Barnaby, nhưng má nói anh cần theo kỷ luật, điều mà má không thể dạy anh, và sự ảnh hưởng của người miền quê tráng kiện cũng là điều mà bà không thể cho anh nốt. Trái tim tôi tan nát khi chúng tôi đưa anh tới đó. Anh có một cái giường nhỏ, trong một căn phòng dài sắp nhiều giường nhỏ, giống như những lát bánh mì nướng có một cái mền xám. Bọn con trai ở khắp nơi, một bọn nằm ườn trên giường của người khác, cười hô hố và đùa giỡn ầm ĩ. Chúng liếc nhìn chúng tôi khi chúng tôi bước vào, rồi tiếp tục đùa nghịch với nhau.
Barnaby ngồi trên giường, ôm lấy đầu. Tôi nghĩ có lẽ anh sắp khóc. Nhưng anh không khóc. Anh chỉ nói vọng ra từ hai bàn tay, ‘Thôi, cám ơn đã đưa con đến đây.’ Tôi nghĩ là anh muốn chúng tôi rời khỏi đó. Bạn có thể cảm thấy hơi giống một đứa bé khi gia đình bạn đứng quanh, cố làm mặt vui. Vậy nên tất nhiên là tôi khóc hu hu thay cho anh, vì tôi là con gái và tôi được quyền làm vậy.
Suốt trên đường về, tôi cứ mãi nghĩ về những cái giường hẹp đó và việc ảnh không biết một ai cả, thậm chí không có ai để chào hỏi hay chúc ngủ ngon, hay để hỏi nhà vệ sinh ở đâu. Không có con phố nào để la cà rong chơi. Tôi tự hỏi ảnh sẽ làm gì sau khi chúng tôi ra về: nằm dài trên giường, gác tréo chân và ngắm bức tranh ngộ ngộ vẽ Chúa Jesus trên tường chăng? Chúa Jesus chắp tay cầu nguyện và đang ngước nhìn lên. Trên đầu ông có vòng mão gai giống như những ngọn lửa, và bạn không kềm được nỗi băn khoăn rằng liệu Chúa Jesus có nghĩ rằng ông sắp bị phỏng hay không.
Barnaby hẳn là không thích lắm đâu... Một đám những đứa con trai nhà quê khỏe mạnh và những cái giường hẹp té. Sau một vài tháng, trường gọi điện báo cho chúng tôi biết rằng Barnaby đã trốn đi. Vài ngày sau đó, anh gọi cho chúng tôi từ Perth! Đó là một đoạn đường xa ơi là xa, xa tít băng qua sa mạc. Chúng tôi không biết anh tới được đó bằng cách nào, hay anh đang làm gì, bởi vì chắc là anh đã hết sạch tiền xu để gọi điện thoại công cộng. Giờ đây, tất cả những gì mà chúng tôi nhận được là những tấm thiệp ngộ ngộ thỉnh thoảng được gởi về.
Đây là hình Barnaby đang làm một cú lộn mèo:
Barnary rất tệ trong trò nhào lộn và viết thư. Nhưng anh rất giỏi về việc làm các tấm thiệp.
«Má và Cedar thương, phòng khi hai người đang thắc mắc, đây là một danh sách những điều mà một con linh dương không biết.
làm sao để nói một nửa điều dối trá
làm sao để cầm một cái tách đúng phép lịch sự
làm sao để mắc nợ
khi nào thì quá muộn
điều gì bị ngăn cấm
làm sao búng ngón tay
rằng ngó chằm chằm là thô lỗ
rằng tập thể dục thì tốt cho mình
rằng cuối cùng tất cả những con linh dương đều chết
may mắn thay con chưa phải là một con linh dương, XXXX»
Tôi hỏi, ‘Bồ có anh hay chị em gì không, hả Kite?’
Kite chầm chậm lắc đầu. ‘Không.’ Kite không nhìn tôi. Cậu chỉ ngó mãi lên trời, và trong một thoáng, thế giới dường như bình lặng xiết bao.
o O o
Kite nói ngày hôm sau cậu sẽ gặp tôi ở sân vận động. Tuy nhiên, cậu không làm ra vẻ nhặng xị lên với điều đó. Không nói, ‘Hân hạnh được biết bạn, bạn quả là một tài năng hiếm có.’ Không vỗ lưng tôi. Chỉ vẫy tay và đi ngược lên phố. Cậu nói, ‘Gặp sau nghen.’ Tôi nói, ‘Ừ, chào nghe.’ Rồi tôi cuốc bộ về nhà với Stinky.
Tôi thường phải đi qua con lạch với đôi mắt nửa nhắm nửa mở, để khi thấy mấy cái bọc nhựa bị móc và kẹt trên những cái cây thì trông chúng sẽ giống như những hình thể trắng mờ. Thế là tôi sẽ giả bộ rằng chúng là những con chim kiểng ngoại quốc tới chơi trên đường bay đến những cánh đồng tuyết của Siberia. Lúc đó, tôi nghĩ về Siberia và gánh xiếc của Kite. Tôi tập mấy trò trồng chuối. Trời, mọi người phải xem Barnaby trồng chuối đi. Mắc cười lắm!
Câu Chuyện Thật Tí Ti Của Cedar B. Hartley Câu Chuyện Thật Tí Ti Của Cedar B. Hartley - Martine Murray Câu Chuyện Thật Tí Ti Của Cedar B. Hartley