A book is like a garden carried in the pocket.

Chinese Proverb

 
 
 
 
 
Tác giả: Phan Hồn Nhiên
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Lý Mai An
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1642 / 24
Cập nhật: 2016-03-03 14:02:03 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Vụ Mất Tích
gày 16 tháng 7 năm 19.. tại trung tâm nuôi trồng các loài sinh vật biển xảy ra một ách tắc nhỏ. Cô Vinh, người mới vào làm một năm chuyên chụp ảnh và vẽ tiêu bản cá đột ngột biến mất. Ông trưởng phòng Ly điện thoại nhiều lần về chỗ cô ở nhưng chỉ có từng loạt chuông âm u trả lời. Ông Ly ngồi cắn nắm tay, sốt ruột với mấy bà trung niên lừ đừ sau những bể kính lớn, ném vào đấy vài nắm rong một cách mơ hồ. Bàn Vinh khuất sau kẹt, cái máy ảnh vận hành phức tạp đổ nghiêng, cất giấu tấm phim con lươn sói đã chết mà ông đang cần. Góc bàn còn dăm chiếc kẹo bọc giấy màu cũ kỹ như làm từ 30 năm trước. Vắng người hai ngày, góc kẹt bao trùm độ ẩm hủy hoại. Những người đàn bà xong việc đi ăn cơm, chẳng buồn để ý sự vắng mặt của cô gái trẻ. Giữa trưa T. gọi điện đến. Trưởng phòng cáu bẳn thông báo với bạn trai của Vinh về cách cô ta vô phép tắc trốn việc. "Ông biết Vinh đâu không?" - T. hỏi. Người đáp máy quát to: "Nó tự do. Tôi đâu nuôi nó trong bể cá". "Không sao. Chúng ta sẽ đợi!" - Giọng anh ta đều đều, bình thản.
Họ biết nhau đã khá lâu, trong khai mạc triển lãm tranh ảnh của một người Nhật buôn ô tô - khách hàng lớn của văn phòng T. Anh lạc lõng giữa những người đàn ông mặc quần rộng, những người đàn bà xem tranh qua kính râm, tóc dựng đứng. Ngồi dưới bức ảnh bầy ruồi vùng vẫy trong lưới nhện, T. so vai như con chuột bị đe dọa, mong thoát sớm khỏi bài nhạc Cara Mai ủ ê, khỏi đống hoa lạ quanh chân tường ngai ngái bốc mùi chết chóc. Tiếng ai đó rên rỉ vẳng tới tai T. Ở góc, trong ghế đệm dày, một cô gái níu chặt cái ly chân cao co ro ngủ, chỗ rượu thừa hắt lên cổ một vệt sáng hổ phách. Cô ta kêu khẽ, thoáng co giật chống trả hơi lạnh và sóng âm thanh rầm rì dội từ thế giới bên ngoài. T. cúi nhìn thứ sinh vật yếu ớt, do dự rồi chạm ngón tay trỏ lên cổ người ngủ. Cô gái giật mình choàng dậy, nói lầm bầm: "Chào anh T.". Trong vài giây, T. bàng hoàng khi nghe tên mình rỉ ra từ miệng người lạ. Một anh phục vụ đến đổi rượu mới cho họ, nhìn Vinh bằng khóe mắt buồn buồn: "Lại cô nữa à?". Vinh kêu: "Đây này", đưa ra giấy mời chưa một vết mờ. Anh phục vụ quay gót đi. T. bước theo anh ta, dò hỏi: "Anh biết cô gái?". "Cô Vinh ư? Hình như cô ả không bình thường, nhưng hay tha thẩn trong gallery lắm". Người phục vụ mỉm cười, giữ thăng bằng những ly rượu rộng và đầy. Vinh vẫn ở chỗ cũ, thấy T. trở lại, bảo: "Đừng tin họ. Tôi không sao đâu". T. hoài nghi: "Sao cô biết tên tôi?". "Tại sân bay quốc tế có người cầm bảng tên đón anh. Lúc ấy tôi ở đó". Chuyến đi cách đây 5 năm, thế mà cô ta còn nhớ. T. rùng mình. Về sau, gần gũi cô ta hơn, anh biết Vinh có trí nhớ gần như bệnh hoạn. Cũng giống nhiều xúc cảm khác, sự thích thú lạ lẫm ban đầu dần dà biến thành cảm giác ghê sợ. Nhưng đó là chuyện sau này.
Sau ba ngày cô Lê Thái Vinh bặt tăm không gửi về dấu hiệu nào, ở trung tâm nuôi trồng sinh vật biển xuất hiện một điều tra viên. Ông ta hỏi chuyện trưởng phòng Ly đang mỗi lúc thêm tái xám. Vài chị đứng nép vô nhau ngoài ô kính, mặt cũng bạc đi vì sợ sệt và tò mò. Người điều tra xỏ găng, nhón chìa khóa, bình thản đi vào góc kẹt. Ông ta đứng ngửa mặt nhìn lâu vết mưa ố vàng khè, thở dài. Mặt bàn đầy bụi. Một chiếc kẹo vừa bóc bở lả tả, nhanh như xác chôn lâu tan ra dưới ánh sáng trời. Những con gián mới lột xác chạy túa khi cái máy ảnh được cầm lên, cẩn thận nhét vô lớp bao trong. Tiếng ông Ly lạc hẳn, the thé: "Trong đó có tấm phim tôi cần". "Phim?" - Người điều tra ngẩng lên, chăm chú và lạnh lẽo. Ông Ly lắp bắp: "Vâng. Ảnh con lươn biển". Dường như từ người điều tra vẳng ra tiếng cười lờ mờ. Trưởng phòng lặng im. Những ô kéo được tháo ra. Vô số thuốc nước, bột màu. Các viên keo trong và đĩa pha màu sạch bong. Những cây cọ mòn vẹt. Một chị cao kều đánh bạo bước vào phòng, đứng sau lưng điều tra viên, thì thào: "Kìa, quyển sổ!". Ông ta lôi quyển sổ nhỏ dưới đáy ngăn, lật từng trang. Trên chất giấy dày và xốp, Vinh vẽ toàn cá. Những con rosy rockfish, surfperch, cabezon hay lingcord được vẽ với tỷ lệ giải phẫu và tô màu chính xác, nhưng được gắn mắt người: Các đôi mắt rụt rè, lơ đãng, kinh hoàng hoặc lo âu. Chị cao kều bỏ chạy, buồn nôn. Một chị cận thị thế chân. Người điều tra viên mở trang cuối. Các dòng chữ dài thượt ghi chép tỉ mỉ về mảnh đất rộng mênh mông bỏ hoang sau lưng trung tâm. Ở đấy có các hố rất sâu cần phải tìm ra và rào lại để không ai tình cờ ngã xuống. Chị cận thị nhẩm qua vai người điều tra, thở mạnh: "Tôi làm ở đây lâu năm, cóc thấy hố nào như thế!". Điều tra viên khen: "Chị biết nhiều nhỉ". "Hơ, tôi đã đón và sắp xếp cho cô Vinh khi anh T. giới thiệu cô ta vô làm - người cận thị nhếch môi cười - Cô ta thất thểu nhưng kiêu căng tợn. Chẳng ai ưa cả". Điều tra viên xếp gọn các thứ thu được, trả chìa khóa, nhẹ nhàng ra về. Chuông điện thoại ré lên. Là T. Ông Ly kể lỗ mỗ về cuộc điều tra. Đầu dây bên kia tiếng T. mờ đục hẳn.
T. gặp Vinh vào thời điểm cô ta học xong và ở nhà. Cô sống một mình trong căn hộ nhỏ trên gác, dưới bóng tào nhà cao tầng. Thi thoảng mẹ cũ của Vinh ghé qua, nhắc cô thay quần áo và nhét vài thứ đồ hộp mở sẵn vào tủ lạnh. Trước kia cô sống với bố. Ông vẽ tranh. Nhưng ông chết đã hơn nửa năm. Tất cả thông tin này T. chắp nối từ lời cô kể rời rạc. T. quen nhiều cô gái trẻ nên đôi khi tạt chơi, tán chuyện nhảm với một kẻ hơi khác thường cũng chẳng phiền hà gì. Anh chạy lên căn hộ mốc meo trong ánh nhìn dò xét của người dưới nhà, thường bắt gặp cảnh Vinh ngủ mê mệt trên sàn hay so vai hóng nắng ngoài lan can, mặt trắng phếu. T. cố lùng việc làm khả dĩ giúp cô bạn bước ra trạng thái ngơ ngẩn nhưng Vinh nói đơn giản chẳng có việc vẽ vời nào không dính dấp tới sáng tạo. Tuy vậy, chụp ảnh và chép các loài bò sát, giáp xác hay cá biển là chuyện khác. Tại trung tâm người ta tiếp nhận Vinh ngay. T. mừng hơn hết. Anh chạy loạn lên với mớ thủ tục rối rắm vì nếu để Vinh dính vào điều này cô ta sẽ ngoắc ngoải như con cá mắc lưới. Chỗ làm khá xa. T. dạy cô cách hẹn chuông đồng hồ dậy sớm, cách nhảy xe buýt sao cho không ngã vỡ mặt. Một cách chậm chạp, Vinh bắt đầu trở nên gần giống với người thường. Mớ tóc lởm chởm dài ra, sạch bong. Vài bộ quần áo may kín bưng, sạch và mới.
Một tháng sau ngày Vinh đi làm, T. tình cờ gặp lại cô ở trạm xe buổi chiều. Cái mũ nhung thẫm lại dưới làn mưa lâm thâm. Những người vội vã trên vỉa hè xô lấn, chen bật cô ta khỏi tàng cây nhỏ. T. tấp xe vào lề, hỏi to: "Sao chưa về?". Mặt cô trắng nhợt. "Mưa. Có lẽ ở nhà mất điện". Anh chở cô khỏi vùng mưa, vào quán gọi cốc nước nóng. Cô lọt thỏm trong ghế, đôi mắt to tướng tối sẫm trong cơn phấn khích: "Chỗ tôi làm đẹp rùng rợn. Chung quanh đầy mùi biển. Cá thật. Nước thật. Tôi thuộc tên 150 loài cá". "Đồng nghiệp ra sao?" - T. kiểm tra. Vẻ bối rối bộc lộ rõ rệt: "Họ..., họ rất tốt". Cô ta nhãng ngay để sa vào lũ tôm cua ăn rong quen sống trong bóng tối. T. hết sức buồn cười khi Vinh nghiêm trang: "Từ nay tôi không ăn cá nữa đâu!". Đó là lối nghĩ của trẻ con. Chúng luôn tuyên bố bỏ ăn thịt lúc chơi cùng lợn con, gà con, nhưng rồi sẽ quên ngay. Và khi lớn lên, chúng trở nên những kẻ phàm ăn khủng khiếp. Bầu trời vàng vàng ngoài kia bị những dải mây xam xám đem mưa che mờ. Đường phố đột ngột lạnh cóng trong làn ánh sáng âm u tỏa sáng, thứ ánh sáng khiến hết thảy cây cối và nóc nhà phơi bày ra nỗi âu lo, sự lạc lõng khôn tả. Vinh lùi sâu hơn vào lòng ghế, bỗng hỏi: "Anh biết bố em không?". Cô ta xưng em. T. hơi ngạc nhiên, đáp: "Tôi làm kiểm toán, không biết gì về hội họa sất". Nụ cười Vinh dâng lên như một cơn sóng nhỏ. Giọng cô khô khan, thầm thì: "Bố em chết rồi, chết đơn độc trong tầng nhà giờ đây em sống một mình. Em không biết bố mất buổi tối hay ban ngày dù điều này rất quan trọng. Tuần lễ đó em đi vẽ rất xa. Khi em về mọi chuyện xong xuôi. Mẹ cũ ngồi ở góc giường, lưng còng xuống, hình như cũng buồn. Người dưới nhà mách ngay khi em về tới. Thế mà em không bất tỉnh, cũng chẳng khóc, cứ lặng lẽ đi lên thang. Mẹ cũ cho em ít thức ăn, rồi đi. Em loanh quanh trong phòng, ra lan can xưa kia bố làm chỗ vẽ. Mọi thứ không suy chuyển, chỉ khác là bố em không còn nữa đâu. Góc cửa kính có con ruồi xanh gầy rạc bay vo ve. Thật khó hiểu, nhưng em cứ nghĩ con ruồi này đã đậu trên khớ miệng bố em khi bố em nằm chết không ai biết. Em sống với bố từ bé. Mẹ em là bác sĩ, rất xinh. Thời gian đầu - bố kể lại - mẹ mang thai em và suốt ngày ở nhà ngồi mẫu cho bố ghi chép, ký họa. Hai năm đó bố mẹ hạnh phúc. Sinh em xong mẹ trở về bệnh viện. Những ca trực liên miên. Bố thôi không vẽ mẹ nữa. Tranh ông rất nhiều nhưng đôi khi mới bán được. Những ông nhạc sĩ, nhà thơ đi công tác nước ngoài đến xin tranh làm quà biếu. Khi về họ lại cho bố sơn dầu. Nhà nghèo túng. Năm 7 tuổi, em nhớ mẹ to tiếng khi bố đuổi ông khách tới thuê bố vẽ chân dung. Đến lần bố không đồng ý để mẹ mở phòng mạch vì sợ em ốm nếu cứ thấy mãi những đôi mắt bệnh hoạn, mẹ hắt lọ dầu hỏa vào bức lập thể mới. Các hình khối chảy khỏi khung tranh. Sau đó bố mẹ li dị. Bố ở tầng lầu trên. Mẹ tầng dưới. Rồi mẹ bán phần nhà của mình chuyển đi. Vì mẹ bận bịu, em được trả cho bố...". Vinh ngưng, thở khó nhọc. Ngoài quán mưa như trút, xe cộ lác đác bật đèn. Cô nhấm chút nước nóng, kể tiếp: "Bố bắt đầu thời kỳ vàng đất. Những bức tranh ảm đảm xấu xí lại bán chạy như điên. Ông rất buồn. Thường bán được tranh, ông dắt em đi ăn kem. Em ăn bao nhiêu cũng được, tới lúc bụng lạnh toát. Cha con trở về nhà. Bố lầm lũi đi trước, gọn gàng sạch sẽ như một kế toán quèn. Em líu ríu chạy theo sau, cố cầm lấy tay bố lạnh giá tựa con cá chết. Nhiều khi bố vẽ xong ngồi im lìm khóc, em khóc theo, ngủ quên, tóc dính sơn dầu. Bố xén tóc đi vì sợ xả xăng, đầu em sẽ cháy bùng lên như que diêm đỏ. Em học mọi thứ dễ dàng nhờ trí nhớ kỳ quặc. Nhưng bố lờ đi khả năng này. Ông bảo nó tầm thường như trò đi dây của diễn viên xiếc và là nguồn gốc sự khổ sở. Học xong em thi vào mỹ thuật. Bố khuyên em học nghề của mẹ. Nhưng khi đó em chỉ muốn giống ông. Vả lại nhìn vào mắt người khác khó khăn vô cùng. Em gần ra trường. Đúng lúc em sống khó khăn nhất thì bố chết..."
Màn mưa đen ngòm dày đặc. T. không muốn nghe nữa câu chuyện nặng nề. Vinh đã im lặng, sưởi ấm dưới bóng đèn vàng thấp. Chợt cô cất tiếng: "T., anh không ghét em, đúng không?". Một câu hỏi khó chịu. "Có thể, mà sao cơ?" - Anh nhướn mày. Một thoáng sợ sệt lướt dưới mí mắt xanh ve: "Em không rõ. Nhưng thi thoảng anh hãy nhớ đến em. Ví dụ như lúc đánh răng buổi sáng...". T. bật cười. Tối rồi. Một người chơi trumpet đứng gần quầy bar. Quán thưa thớt. Tiếng kèn treo lơ lửng, dai dẳng, khàn khàn. Ông ta thổi mãi, đến mức bức tường trơn bên cạnh dường như hiện lên mơ hồ mấy bóng đen. T. vòng tay ôm vai Lê Thái Vinh.
Người điều tra trở lại trung tâm sinh vật biển. Ông ta đưa trưởng phòng tập ảnh con lươn sói, lại đứng rất lâu ở góc kẹt ố mưa. Ông Ly xem lướt qua, chợt mệt mỏi. Hình như ông chẳng thiết tập ảnh nữa. Tại sao điều tra viên cố tình mặc cái áo màu nâu u ám kia? Người điều tra hỏi các chị nhân viên về thời điểm gặp cô Vinh lần cuối cùng. Họ đưa ra những mô tả mâu thuẫn, lộn xộn. "Còn cái hố bí ẩn sau tòa nhà?" - Ông ta thận trọng hỏi. Chị cao kều cười ré: "Chẳng có gì đâu". Ông Ly ngước lên, lưỡng lự: "Hay tôi với anh ra đấy xem sao?". "Họ bước qua bãi đất đầy lá ải, cỏ hoang lẫn cành khô. Vài con cá bươn chết được ném xuống đây. Có con chim sẻ chết lâu giống mẩu gỗ mục. Một côn mèo to lớn nhảy thốc khỏi bụi cỏ, gào lên man rợ. Hai người chậm lại, che giấu cái giật mình. Đâu đây cái hố nguy hiểm bí mật mà rơi vào, chẳng ai lên được nữa. Họ dò dẫm không biết bao lâu. Người điều tra ngoảnh lại, dự đoán: "Có thể cái hố người mất tích viết là một ám chỉ". "Ám chỉ cái cóc khô gì chứ?" - Trưởng phòng đờ đẫn. "Cái gì thì tùy mỗi người" - Điều tra viên nhỏ nhẹ. Họ mang cái nóng bức trên đầu quay về tòa nhà.
Điều tra viên áo nâu tìm đến T. ở văn phòng. T. rùng mình. Mấy hôm nay anh cũng timg Lê Thái Vinh, nhưng vô vọng. Anh phải nhớ chi tiết lần cuối thấy Vinh, nhưng cần bắt đầu từ ba tháng trước. Ba tháng trước cô ta thật sự sinh động, khác hẳn bóng ma xơ xác T. từng thấy ở gallery. Những lúc không bận việc hay các cô gái, anh đến thăm Vinh. Cô chạy tận đầu cầu thang đón, ngón tay bấu chặt bàn tay T. đến mức anh nhè nhẹ duỗi ra. Cô chỉ nói chuyện cá và cho anh xem các bức ghi chép cá đủ màu. "Những con cá mang mắt người?" - Điều tra viên xen ngang. "Không, chỉ là lũ cá sặc sỡ vô nghĩa lý" - T. nhún vai. Tóc vai Vinh tỏa mùi rong biển như thể cô không vẽ hay chụp ảnh, mà làm người chăn cá. Cô mở tủ lấy vài quả cây héo mời anh. T. băn khoăn: "Em đủ sống chứ?". Lương người ta trả Vinh rất thấp. Cô cười vô tư lự: "Thừa nhiều lắm. Em chẳng biết dùng tiền ấy làm gì?". Nhà không có tiện nghi nào ra hồn, mọi vật cũ kỹ trừ tranh của ông họa sỹ đã chết trên tường tỏa sáng. Họ ra lan can nhìn xuống đường, ở đấy dễ thở hơn. T. choàng vai cô, bỗng hỏi: "Sao em không vẽ nữa? Tôi xem hồ sơ thấy điểm em học vẽ khá cao". Trong khoảnh khắc, nhịp đập đều đặn trong ngực Vinh im bặt. Hồi lâu cô mới lào thào: "Vì bố em". Anh mỉm cười: "Nhưng bố em là họa sỹ". Đôi mắt rộng đột nhiên tối sầm, và cô ta bỗng tuôn ra như điên: "Bố chưa bao giờ muốn em học vẽ, nhưng em không nghe lời. Học vẽ rất dễ. Chẳng học cũng vẽ được. Nhưng để khỏi tự khinh miệt mình trước tranh, cái người vẽ như bố đã xé rách mình cho nét bút, vệt màu, cho hàng lô hàng lốc thời gian ngẫm nghĩ. Như thế chẳng còn gì cho người khác, nên mẹ cũ đành bỏ đi. Không có mẹ bố vẫn vẽ, nhưng kiệt cạn dần. Những ông bạn mách chỉ cần bố khơi lại các đề tài cũ, bố sẽ mở triển lãm, bán được tranh. Ông thử làm theo nhưng phát ốm và tuyệt vọng. Sau trận sốt kéo dài, bố xếp xó bút, màu, khung toan luôn, chỉ minh họa lay lất ở một tạp chí để nuôi em. Nhiều ông bạn thân tới giúp bố tiền, khuyên bố đừng ngông cuồng, bảo rất tiếc nếu ông bỏ vẽ. Bố em chỉ lắc đầu. Họ về, nhưng em thấy trong vài đôi mắt lóe lên niềm căm ghét và khoái trá. Có phải vì em mà bố không tìm nơi nương tựa mới? Vì em mà bố bỏ mặc những bức tranh thối rữa trong giấc mơ?" - Đột nhiên Vinh gào lên. T. giật bắn người: "Không hẳn thế đâu. Em cần bình tĩnh". Nhưng Vinh không nghe anh nói, hối hả kể tiếp: "Người ta giấu em cách bố chết. Hẳn là khủng khiếp lắm. Pháp y nói ông đi vì đột quỵ. Nhưng em nghĩ họ an ủi mình. Bởi dù thiếu đói, bố vẫn sống mạnh khỏe, rất hay đi bơi! Thế là em nghĩ ông tàng hình. Em duy trì lối sống như có bố. Em lấy thư mời tới dự các triển lãm, đi lang thang xem tranh. Nếu ai mời, em uống luôn phần rượu hộ bố. Em rất thoải mái, hệt như bố vẫn cạnh mình, vẫn chỉ cho mình các tranh lạ. Những người chung quanh ẩn náu trong vỏ bọc kỳ dị bởi họ thường sợ sệt. Em lại chẳng sợ gì hết. Em thuộc tên họ nhưng ai cũng xa lánh em. Học xong em không thể vẽ gì vì em hiểu em chỉ còn cách sống tiếp và vẽ tiếp những gì bố muốn. Một gánh nặng. Em là gì ngoài cái bóng của một người chẳng ai nhớ nữa?".
T. thôi choàng vai Vinh từ bao giờ. Anh khoanh tay trước ngực. Vinh nói rất thoảng: "Anh thật tốt dẫn em đến chỗ làm kỳ diệu. Có anh, em bớt bơ vơ". T. thấy lạnh. Anh đứng lên về, nói vội: "Đừng nghĩ vậy. Lúc nào rảnh rỗi, anh ghé qua...". Cô ta vẫn ngồi im. T. chạy vượt cái xích lô đang lững thững lăn vào bóng tối, cố thở lại bầu không khí quen thuộc. Tôi có thể tìm cho cô ta chỗ làm tuyệt diệu. Nhưng sự lạc lõng của cô ấy thì nguy hiểm và nặng nề.
T. bỏ qua Lê Thái Vinh. Cuộc sống trở nên giản dị, nhẹ nhõm. Vài buổi chiều T. uống bia với bạn hay ngồi bar nghe trumpet cùng cô gái khác, dường như Vinh đã ngang qua tuyến xe bus cuối ngày trống hoác, gương mặt trông nghiêng ủ dột. Dụi mắt, ảo giác tan đi. Thứ hai tuần trước, tức cách đây 12 ngày, T. thấy Vinh qua cửa sổ văn phòng. Cô chờ anh suốt chiều (anh khai rành mạch với điều tra viên). Cô lại đi đôi giày vẹt gót, mớ tóc bay phần phật. Anh không xuống gặp. Cô đến buồng bảo vệ, nhờ chuyển T. mẩu giấy. Thư viết: "Anh đi chơi núi với tôi không? Cách thành phố 200 cây, sau vệt rừng nhiệt đới ẩm ướt có núi. Giá được xuyên rừng mà nghe sự im lặng của núi một lần". Phần giấy bỏ trắng dường như bôi đầy nỗi buồn rầu, sự mong chờ khắc khoải. T. bận họp quên hồi âm sẽ không đi. Tờ giấy ấy giờ bỏ đâu chẳng thể nhớ.
Ngày 16 tháng 9 năm 19.., điều tra viên đến trung tâm sinh vật biển, chính thức xác nhận sự mất tích của cô Lê Thái Vinh. Ông Ly phờ phạc hỏi một câu bâng quơ: "Sao anh cứ mặc cái áo màu nâu này thế?". Người điều tra mở to đôi mắt lông mi bạc phếch: "Công việc của tôi thật đáng sợ và buồn". Trưởng phòng ngoảnh nhìn bãi đất trống âm u.
Cánh Trái Cánh Trái - Phan Hồn Nhiên Cánh Trái