Số lần đọc/download: 32823 / 2111
Cập nhật: 2015-09-09 20:10:53 +0700
Bài viết: Đọc Nguyễn Ngọc Tư qua Cánh đồng bất tận
Đ
ọc Nguyễn Ngọc Tư qua Cánh đồng bất tận
Hoàng Thiên Nga
Cái tên Nguyễn Ngọc Tư gắn liền với tên truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” đầy ma lực in giữa trang 1 báo Văn nghệ số ra ngày 13/8/2005 buộc tôi phải đọc ngay. Sau 2 điệp khúc “Còn nữa” với cảm giác nóng lòng chờ số Văn nghệ tiếp theo, tiếp hàng chục lần trang nọ trang kia mới thấy truyện không ngắn, lên mạng đếm tới gần mười bảy ngàn chữ. Song có lẽ việc phân chia thể loại chẳng mấy quan trọng. Điều đáng nói là truyện quá hay. Và độc giả nào cũng thèm, cũng thiết tha cần cái sự hay ấy.
Vẫn bút pháp giản dị gọn ghẽ đầy ắp âm sắc Nam bộ, cách chọn lọc ngôn ngữ cử chỉ sống động như đẽo như tạc, trên bối cảnh tiêu sơ ruộng đồng sông nước Cửu Long vẫn là những mảnh đời nghèo khó xiêu dạt bơ phờ vì áo cơm. Nhưng không cũ mòn, không nhàm chán, mạch văn liên kết chặt chẽ bởi vô số chi tiết hình ảnh thú vị, cốt truyện hình thành theo dòng suy tưởng của nhân vật xưng tôi, nhẫn nhịn lặng lẽ mà xuyên mỗi lúc một sâu phơi mở tận đáy tâm hồn, tính cách, số phận con người.
Vào truyện, những chấm phá đầu tiên đã báo hiệu chuỗi ngày khắc nghiệt phía trước. Cha con người chăn vịt trong mùa đồng cháy nước cạn vì hạn hán đã tình cờ cưu mang một người đàn bà bị đánh ghen tơi tả, không chốn nương thân. Triền miên chịu đựng thái độ lạt lẽo và những trận đòn vô cớ của người cha chất chứa đầy hận thù, hai đứa trẻ chăn vịt luôn khát khao được chia sẻ yêu thương dễ dàng chấp nhận người đàn bà lẳng lơ vừa gặp đã “Ba mấy cưng đẹp trai dễ sợ” sống bên mình. Khốn khổ cả vật chất lẫn tinh thần, hai đứa trẻ già trước tuổi chẳng ngạc nhiên khi nghe người đàn bà cười nhận mình làm đĩ, “mặt buồn như phủ một lớp sương giá” nhưng vẫn mong sự chung đụng với chị sẽ khiến cha mình trở lại “người” hơn. Ba nhân vật tội nghiệp cun cút chịu đựng mọi nỗi đau với hy vọng xoay chuyển tâm tính một gã đàn ông chai sạn tàn nhẫn. Không chút thành kiến, hai đứa trẻ đã hồn hậu công bằng nhìn ra vẻ đẹp đầy sức sống bản năng và nỗi buồn, lòng tự trọng che giấu sau lớp vỏ lơi lả của ả điếm lạc loài. Sau một đêm quyến rũ cha bọn trẻ thành công, “chị bước ra khỏi chòi, khoan khoái vươn vai. Sự ưng ý, mãn nguyện lấp lánh trên khoé mắt. Khuôn mặt chị tràn ngập ánh sáng, như chị vừa mở ra một cánh cửa mặt trời...”. Lập tức niềm hạnh phúc nhỏ nhoi bị chà đạp tan nát: Cha đưa chị một ít tiền ngay trong bữa cơm, khi nhà đủ mặt “Tôi trả cho hồi hôm”. Rồi cha điềm nhiên phủi đít đủng đỉnh đứng lên, sự khinh miệt và đắc thắng no nê trong mắt. Chị nhét tiền vào trong áo ngực, cười “Trời ơi, cha mấy cưng sộp quá chừng.” Truyện dài mà dung lượng vẫn dồn nén vì câu văn ngắn gọn, chuyển cảnh dứt khoát lạnh lùng, bỏ lại phía sau lớp lớp ngữ nghĩa ẩn chứa đầy mùi vị cay đắng.
Sông dài, đồng rộng với những xóm làng cặp bến giây lát rồi lại ra đi khiến hình ảnh hai đứa trẻ càng nhỏ nhoi cô độc. Nguyễn Ngọc Tư không sa đà tả cảnh, tả người. Chỉ miên man thao thức cùng nhân vật xưng Tôi để mổ xẻ căn nguyên của mỗi tính cách. Các nhân vật trong truyện đều đầy tính thiện, thế nhưng cái vòng lẩn quẩn của đói nghèo dốt nát lam lũ và điều kiện sống tù túng ngột ngạt dần xô đẩy người này trở thành nạn nhân của người kia. Bà vợ nhẹ dạ nông nổi là nạn nhân của chiếc ghe đầy vải vóc. Ông chồng bị cắm sừng trả thù bằng cách chim vợ người khác rồi vứt bỏ họ giữa đường. Con cái là nạn nhân của cha ấy mẹ ấy phải sống vạ vật với đầy tàn tích trong tâm hồn. Sự báo ứng rơi vào hai đứa trẻ trong trắng đáng thương: Điền tự huỷ hoại bản năng đàn ông của mình, vô vọng chạy theo người đàn bà bị sỉ nhục. Nương bị đám trai làng hãm hiếp ngay trước mặt người cha tội lỗi đang bị đè nghiến xuống bùn. Không lên gân bạo liệt, không tăm tối bi quan, những đoạn văn đầy tình tiết trắc ẩn như thủ thỉ dịu dàng mà đẩy dần số phận từng nhân vật tới tận cùng bi thảm. Đồng khô, lúa cháy, đàn vịt là nguồn sống cuối cùng cũng bị chôn sống! Đại diện hiếm hoi cho phía chính quyền trong suốt câu chuyện là 2 ông cán bộ ấp và xã, không chỉ vô cảm với nỗi khổ dân quê mà còn sẵn sàng vét nốt của họ cả mảnh tình rách nát. Bản lĩnh tác giả đã níu cảm xúc người đọc kịp dừng lại bên bờ tuyệt vọng, khi mầm thiện trong trái tim nhân vật xưng tôi ngập trong máu và nước mắt vẫn bừng xanh niềm hy vọng sâu sắc thiêng liêng: nếu như Nương “bị có con” sau cuộc bạo hành, thì “ đứa bé không cha nhưng chắc chắn sẽ được đến trường”, sẽ sống hạnh phúc “vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn”.
Hơn chục năm trước nếu đưa tới bất kỳ toà soạn nào bản thảo Cánh Đồng Bất Tận, hầu hết các chủ bút sẽ dè dặt lắc đầu. Còn bây giờ, khi những nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước cũng đã thẳng thắn nhìn nhận nỗi nhục tụt hậu và đói nghèo, có lẽ gì nhà văn không dám lặn xuống đáy xã hội để soi rọi phản chiếu những cảnh đời cùng khổ! Bối cảnh xã hội thấp thoáng đan xen trong cốt truyện là rất thật, vốn đã và đang được phản ánh nhan nhản trên báo chí. Cũng bởi trong đời thực, Nguyễn Ngọc Tư còn là người viết báo. Vì vậy mà nỗi đau càng thật, càng ngấm như máu ứa trong lòng từng độc giả. Nhìn từ khía cạnh khác, thay vào cố tật chụp mũ chính trị, ta cũng có thể nói về trách nhiệm công dân, Nguyễn Ngọc Tư qua Cánh Đồng Bất Tận đã góp lời giục giã chính quyền phải thấm thía hơn về trách nhiệm nâng cao mức sống người dân, có nhiều hơn nữa những xoay chuyển thiết thực để giảm tỉ lệ dân nghèo rất đáng kể ở nông thôn, cụ thể là ngay tại đồng bằng sông Cửu Long.
Tôi chưa từng gặp nhưng đã yêu Nguyễn Ngọc Tư qua ngòi bút chị quá đỗi tinh tế, nhân hậu và trong lành. Nhiều người tò mò tìm hiểu đời riêng của nữ văn sĩ ngoài hai mươi tuổi bất chợt rực sáng tài năng từ một vùng thôn dã tận rẻo đất cực Nam đã không thể tin Tư mới học đến lớp 9 phổ thông, cấp ba bổ túc, sống giản dị với người chồng thợ bạc chẳng bao giờ đọc truyện vợ viết. Bạn bè Cà Mau của tôi kể: Vợ chồng Tư bình đẳng lắm! Và tự hào: Tư cá tính, thoải mái, ngồi đâu cũng viết được! Gọi điện thoại cho Tư, tôi nghe tiếng chị nhỏ nhẻ tự nhiên giữa ồn ào một cuộc nhậu. Tư cho biết lực lượng phóng viên và biên tập của Hội Văn nghệ Cà Mau có 4 người để chăm chút cho tập san Bán đảo Cà mau 1 kỳ/ 2 tháng, chị không bị cơ quan bó buộc giờ giấc nên viết khá thoải mái. “Học lóm” để làm báo, suy nghĩ về sáng tác giữa những đợt cơm sôi trong lúc lo nấu ăn cho chồng và nhóm thợ bạc, chăm sóc dạy dỗ thằng cu 3 tuổi rưỡi, Tư thấy mình vẫn còn nhiều thời gian để viết và... ngủ. Nhà Tư phía sau là sông, đằng trước là đường phố đông đúc, ồn lắm nhưng vẫn viết được. Truyện trong nước, Tư thích Phan Thị Vàng Anh, Lý Lan, Hồ Anh Thái thời Tiếng Thở Dài Qua Rừng Kim Tước. Tác gia nước ngoài Tư chưa được biết bao nhiêu. Thư viện tỉnh cũ kỹ nghèo nàn, dòm qua vài bữa thấy đã gần hết cái để đọc.
Nguyễn Ngọc Tư đã đôi lần trả lời phỏng vấn rằng chị không muốn màu mè, cũng không cố gắng cầu kỳ làm mới bởi đời chị và con người chị đã gắn liền với ruộng đồng lam lũ. Chị không muốn sống và viết vượt ra khỏi mảnh đất mà chị hiểu sâu xa tường tận hơn cả so với bất kỳ vùng đất nào khác. Chị tự biết mình cần phải tỉnh táo: “Viết văn mà cứ đòi lên dốc mãi thì cũng khó, mà làm gì có cái dốc nào cao đến thế nên đôi khi cũng phải dừng lại, ngoảnh lại, thậm chí đi xuống rồi mới đi lên. Mỗi tác phẩm hay là một món quà tinh thần tặng cuộc sống rồi, và cái hay thì luôn có hạn, lấy đâu ra mà tặng mãi?”. Với Cánh Đồng Bất Tận, tôi thấy Tư vẫn đang đi lên. Suốt câu chuyện dài mười bảy ngàn chữ chị không để thừa chi tiết hay câu văn nào non tay. Hấp dẫn từ đầu đến cuối, tới dấu chấm hết vẫn thấy ngòi bút tác giả bình thản như đôi chân vàng chưa đuối sức sau cuộc chạy maratông. Tôi tin với tư chất thông minh và văn tài thiên phú, Nguyễn Ngọc Tư đủ bản lĩnh để tỉnh táo trên quãng đường dài văn nghiệp vốn không hiếm cạm bẫy danh vọng và vô số khen chê luôn dễ khiến người nghe ngộ nhận, đánh mất mình.
Hoàng Thiên Nga