In order to heal others, we first need to heal ourselves. And to heal ourselves, we need to know how to deal with ourselves.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Chu Thiên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 48
Cập nhật: 2017-06-20 14:35:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
ai mươi nhăm, Tâm vào cung dâng biểu bái tạ Hoàng Thượng được ngài ban lời ủy lạo và ân tứ vinh quy. Ngài lại ban sắc đối hàm Hàn Lâm, để đợi đến tuổi lục dụng. Theo lời tâu xin, Hoàng Thượng truyền Bộ Lễ giao giả quyển thi. Chàng lạy tạ lui ra, qua Bộ Lễ nhận quyển. Ở đấy người ta giữ bản chính, chỉ giả bản sao có châu phê của Hoàng Thượng, Tâm kính cẩn mở ra xem, trông thấy nét son múa mang già dặn của Hoàng Thượng phê mấy chữ: ‘’Sác hữu học, từ lão’’ (thực có học, nhời già giặn). Chàng bủn rủn cả người, vẻ sung sướng có phần trọng đại rõ rệt hơn khi nghe tên gọi ở cửa Ngọ Môn. Chàng mang quyển về, bằng một vẻ thiêng liêng sợ sệt gấp quyển cùng với tờ sắc bỏ vào hòm sắc sơn son thếp vàng chói lọi, chàng mua sẵn từ mấy hôm trước.
Đúng ngày đã định, chàng thu thập mọi thứ, thuê võng lên đường. Suốt dọc đường thiên lý, chỗ nào người ta cũng đón tiếp chàng một cách niềm nở thân mật. Những quan chức địa phương, những bậc văn thân trong xứ, được tin chàng qua đều thân hành ra nghênh tiếp và lưu chàng ở lại tiếp đãi ân cần. Họ lại gửi thơ và câu đối đề tặng nữa. Thành ra tiền lộ phí không mất, mà còn được lợi thêm. Về đến Thanh, gặp ông Lý dẫn gia nhân đi đón. Chàng bảo về trước để sắp sửa lễ vinh quy, còn chàng thẳng đường đi Nam Định. Tính từ Kinh về đến đây hành trình vừa đúng một tháng hai mươi ngày. Thấy mình đi mất lâu ngày quá, chàng lật đật về Dinh chào Quan Tổng Đốc, rồi ra thăm Quan Bố, Quan Án và Quan Đốc Học. Chiều hôm ấy, Quan Tổng Đốc đặt tiệc đãi Tâm, có đông đủ văn võ quan trong Tỉnh đến dự. Ai nấy đều tỏ vẻ hoan hỉ mừng chàng thanh vân đắc lộ, và mừng Tỉnh nhà được bậc khôi nguyên trẻ tuổi, làm rạng vẻ tiếng tăm cho cả châu quận.
Tan tiệc, Quan Tổng Đốc lấy hai vuông vóc tầu ra, thân thiết viết câu đối mừng:
‘’Giáp bảng thất đề danh. Thánh Thiên tử đắc gia kỳ từ lão!
Cao đường song chi khánh. Sĩ đại phu vưu quý hồ hiển thân’’
Hôm sau, chàng chỉnh tề áo mũ vinh quy. Quan Tổng Đốc đã thông sức tất cả các làng trên con đường từ Tỉnh về đến làng Thịnh Hậu phải sẵn sàng túc trực để đón tiếp Quan Nghè Nhị Giáp Vinh Quy. Đầu tiên, làng Mỹ Trọng, gần Tỉnh nhất, đem cờ quạt, dân phu cùng với nghi vệ rước thần đến trước cửa Đốc Bộ Đường. Các kỳ lý mặc áo thung lam đội mũ tím vào Dinh, phủ phục trình diện trước bảo tọa Quan Tổng Đốc. Quan cho ra truyền sắp sửa khởi hành. Đúng giờ định, ông Nghè Tâm vận sắc phục mới vào, bái biệt Quan Tổng Đốc, ngồi lên cái võng đào, đòn sơn hai đầu rồng thiếp vàng chói lọi do hai tên phu, đội nón sơn, vận áo nâu đỏ, rước ra cổng. Các đồ nghi vệ đã dàn đủ cả. Đi đầu là mười lá cờ ngũ sắc uyển chuyển đùa với gió. Kế đến hàng bát biểu do tám tên phu cầm đi rất nhịp nhàng đều đặn. Mỗi tên phu mặc áo nâu đỏ, kính cẩn cầm lá cờ ‘’Nhị Giáp Tiến Sĩ Xuất Thân’’ đứng dưới lá lọng vàng của tên phu khác, và cả hai đều thong thả cất bước. Liền đấy cái biển ‘’Ân Tứ Vinh Quy’’ cũng ở tay một tên phu áo đỏ thêu kim tuyến, đang ngạo nghễ khoe mầu sơn chói lọi. Đằng sau là một cái trống tiêu cổ oai nghiêm điểm những tiếng dẫn đường.
Sừng sững đi sau là một cỗ kiệu son vàng đỏ ối, có cái quạt vóc thêu cắm liền với bàng tam sơn, mang sắc và những đồ vật quý giá của vua ban: Ấm cổ, chén bạc, dao bạc, đũa ngà. Hai bên, hai lá lọng vàng tranh nhau che không kín kiệu. Kế đến võng điều của Quan Nghè, có hai lọng xanh bốn nụ bông che nắng, hay che râm cũng vậy. Đi sau nữa, hai người đội hai cái hòm phủ vuông vải đỏ đựng mọi thứ vặt vãnh của Quan Nghè. Cái trống cái cao bằng nửa người sơn son vẽ rồng, kĩu kịt ở dưới cái đòn son, giữa hai tên phu lực lưỡng. Một người nai nịt gọn gàng đứng ré chân chèo thỉnh thoảng múa dùi lên điểm vào mặt trống thùng thùng...
Sau cùng là các Hương Lý kỳ dịch mặc áo thụng xanh đi đón rước. Muốn cho thêm phần long trọng, Quan Tổng Đốc phái năm người lính với một người cai, nón dấu, đai vàng, đi hộ tống, chia nhau đi trước đi sau, với một chiếc loa đồng, để tiền hô hậu ủng. Đám rước đều đặn đi về làng Mỹ Trọng. Hai bên đường, người đứng xem đông như hội, trẻ già, giai gái, ai cũng có lòng ngưỡng mộ Quan Nghè Tân Khoa, khi võng ngài đi qua, ai cũng cúi đầu một cách kính cẩn. Qua địa phận làng này, đã có làng khác sẵn sàng thay phiên nghinh tiếp. Các bậc văn thân trong làng hết thảy đều có mặt ra chào mừng.
Nhân làng Phạm Xá ở gần đường đi, nên Tâm cho đám rước đi vòng qua đấy để vào làm lễ bái tạ Cụ Nghè. Đến cổng làng, đám rước đứng cả lại, Tâm xuống võng đi bộ vào. Ở đấy dân làng đã bái vọng và từ cổng vào đến nhà Cụ Nghè, rải rác có cắm cờ. Đến nơi chàng thấy đông đủ các anh em bạn học đón chào, chàng vui vẻ đáp lại và ân cần hỏi thăm. Rồi vào nhà. Cụ Nghè ngồi bệ vệ trên sập, dưới đất đã giải sẵn một cái chiếu, Tâm chào cụ, rồi bước vào chiếu lễ phủ phục xuống mà nói tiếp:
- Đội ơn thầy đào luyện cho con ngày nay thành danh, con xin đem đầu đến làm lễ bái tạ!
Cụ Nghè rung đùi nói:
- Thôi, thầy miễn lễ cho!
Tâm liền quay mình, lùi về bên phải mấy bước, chắp tay đứng. Cụ Nghè gọi:
- Trẻ lấy ghế thầy tân khoa ngồi, rót nước đi.
Người nhà mang ghế vào.
Cụ Nghè bảo:
- Thầy ngồi.
Tâm xin phép rón rén ngồi xuống. Cụ Nghè hỏi qua về chuyện thi, khuyên bảo và mừng Tâm ít điều. Một lúc lâu sau Tâm xin bái biệt lui ra. Đám rước lại bắt đầu đi vòng về đường cũ.
Khi Quan Nghè muốn ngừng lại để bái yết nơi đình miếu linh thiêng hay vào thăm hỏi những bạn văn thân danh tiếng, cả đám rước lại đều phải nghỉ ngơi để đợi. Nếu tiện bữa, làng sở tại ấy phải thết tiệc cả đoàn, bổ cho các nhà giàu phải chịu mọi phí tổn. Ai nấy đều vui vẻ mà chịu lại cho là một vinh hạnh rất hiếm có ở đời. Tâm là người rất nhã nhặn đi đến đâu cũng ân cần hỏi han đến dân tình. Nên ai cũng mến yêu, thường cố mời chàng lưu lại trong làng chốc lát, thành thử cái hành trình vinh quy càng thêm kéo dài. Qua mỗi làng, Tâm đều có lời mời tất cả các huynh thứ trong làng về tận nhà mình dự tiệc. Nhưng muốn tỏ lòng ngưỡng mộ và theo lệ, mỗi làng chỉ cử một vài người tai mắt thân hành đến tận nơi bái hạ. Bởi vậy, số người theo sau đám rước cứ mỗi lúc một đông. Đi hai ngày mới về đến huyện.
Được tin báo, Quan Đồng Trí đã đem lính tráng và nha lại ra đứng đợi ở tận chỗ bái vọng của một làng liền huyện. Đám rước đến nơi, một tràng pháo nổ, Quan Đồng đi vượt lên, lại gần võng Quan Nghè vái chào:
- Hạ ti xin kính mừng Quan Hoàng Giáp Vinh Quy.
Tâm cũng đã xuống võng, cung kính vái lại:
- Xin kính chào quan lớn, hạt dân lấy làm cảm kích đa tạ quan lớn đã nhọc thân ra tận đây.
- Bẩm Quan Hoàng Giáp, theo lễ xử phải như vậy.
- Bẩm quan lớn, nói đến lễ thì lại khác, Tể Tướng còn bài Huyện Quan, huống chi là hạt dân!
Hai người cùng cười, rồi cùng đi bộ về huyện. Đám rước cũng thong thả đi kèm, Về đến huyện, lại một tràng pháo nổ liên thanh, chào mừng rất dòn dã. Ở đấy, tất cả các chức dịch và dân phu trong Tổng Phú Lão và Xã Thịnh Hậu đã đem đủ nghi vệ túc trực ở cổng huyện. Các văn thân trong làng huyện cũng đủ mặt, đứng thành một hàng dài sau Quan Huấn Đạo. Cuộc chào hỏi rất ồn ào, lời xưng hô rất phức tạp. Sự tán tụng rất quá đáng. Những tay chắp vái lia lịa cứ liên tiếp không ngớt. Phố huyện đông nghịt những người đến xem. Cờ quạt của hàng Tổng đến đón rước, cắm rải rác đỏ se như rợp cả giời.
Thật là một ngày long trọng từ cổ đến giờ chưa từng thấy diễn ra ở hạt này. Từ trong đám đông ra ngoài đồng ruộng, từ kẻ sĩ phu đến người thường dân, ai ai cũng đều một lòng hoan hỉ với cảnh tượng linh đình này, với cái tiếng ông Nghè vinh quy của hạt này. Chỗ nào người ta cũng nhắc đến tên ông Nghè một cách kính cẩn để đem làm gương khuyên con cháu. Tâm cùng Quan Đồng Trí, Quan Huấn vào cung đường ngồi chơi uống nước, trò chuyện vui vẻ. Hai quan cùng nghĩ một câu đối đứng chung nhau mừng chàng. Nghĩ xong, lính đem bút mực và vóc chữ thọ đến, quan Huấn viết:
‘’Vạn thọ đặc khoa, long hổ bảng đầu quy thế trụ,
Song thân vị lão, trâm bào tất hạ tức ban y’’
Nhận lấy câu đối, ông Nghè đứng dậy từ tạ ra về, mời cả hai quan đến chơi dự tiệc vinh quy. Quan Đồng bận việc quan, phải ở lại Huyện, cử Quan Huấn, một viên thư lại, một toán lính cùng đi hộ tống. Đám rước lại bắt đầu dàn ra, có phần to tát rộng rãi hơn trước. Lúc ấy, vợ ông Nghè cũng vừa xuống đến Huyện. Mọi người trông thấy đều thi nhau hoan hô, tức khắc người ta chạy vào những nhà khá giả gần Huyện kiếm được cái võng xanh bắt ép nàng ngồi lên. Hàng phố thì thầm bàn tán:
Rõ kia danh chiếm bảng vàng
Võng anh đi trước, võng nàng theo sau!
Thế là đoàn vinh quy lại khởi hành. Đi đầu là một toán cờ dài gấp mấy trước. Rồi đến một hàng gươm giáo mới thêm vào giơ lên tua tủa. Kế đến bát biểu, cờ, biển vua ban, trống tiêu cổ...Sau kiệu lại thêm phường bát âm đi những bài cao sơn, lưu thủy đầy giọng vui tươi, rồi mới đến võng điều của Quan Nghè. Đi liền sau với võng điều là cái võng xanh của bà Nghè đi dưới lá lọng xanh. Đằng sau là võng Quan Huấn Đạo, rồi mới đến chiếc trống đại tập hậu.
Một đoàn dài những kỳ lý, và văn thân đi sau, chuyện trò ồn ào. Sau rốt là năm lá cờ lẻ tẻ cũng cố phất phới thi với dẫy cờ đầu. Những người đi xem lũ lượt theo sau. Thỉnh thoảng đoàn vinh quy lại phải ngừng lại theo tiếng pháo nổ của những làng bầy lễ báo vọng. Hương chức súng sính trong chiếc áo tế thần khom lưng vái và dâng lời chúc tụng. Tâm phải xuống võng chào hỏi lại họ rất vồn vã, gửi mấy lời cám ơn và khen lao họ, hỏi qua tình hình học hành trong làng, rồi chàng lại lên võng. Xế chiều đoàn vinh quy mới về tới làng, sau khi đã vượt qua mọi vẻ tưng bừng nô nức của cả bàn dân. Ở đầu làng, trong cái cổng kết lá cài hoa, một cái hương án đặt bên đường, trên bầy đồ ngũ sự bằng đồng sáng chói lọi. Hai bên có hai lá lọng tròn xoe, kêu hãnh như con cắt xòe cánh lượn. Nối liền vào đấy, quan viên chức sắc trong làng khăn áo chỉnh tề đứng thành một hàng dài. Những đàn bà, con trẻ chạy tản mát cả dưới bờ ruộng ngóng trông. Đoàn vinh quy từ từ tiến đến cổng thì đứng lại. Giữa tiếng pháo nổ vang khói tỏa mù mịt, ông Nghè, bà Nghè và Quan Huấn đều xuống võng vái chào các cố lão huynh thứ trong làng. Mọi người đều đứng nép ra bên đường đề nhường đám rước. Cả đoàn lại nhịp nhàng theo tiếng trống tiến về đến nhà. Ở đấy anh em họ hàng, người quen thuộc, đã cắt cử nhau khăn áo chỉnh tề đón mời quan khách và tiếp đãi những người có công trong cuộc tiếp rước. Sau khi đặt hòm sắc vào bàn thờ và lễ bái tổ rồi, Quan Nghè Tâm ra đi khắp mọi nơi mời các người dự tiệc, không phân biệt sang hèn trên dưới, ai nấy đều vui mừng thỏa thích vì cử chỉ nhã nhặn của Quan Nghè. Tâm đi qua rồi, họ còn bàn tán ca tụng mãi.
Chàng đi mời hết lượt mới giở lại nhà khách tiếp Quan Huấn và các bạn văn thân. Gần xa được tin Quan Nghè vinh quy, đều tấp nập đến mừng. Yến tiệc kéo dài đến bốn năm ngày, hóa kiếp mười trâu, mười tám con bò và hai mươi con lợn. Lễ vật mừng nhiều không kể hết. Có đến hai mươi bức trướng và ngoài một trăm câu đối của hầu khắp mọi người tai mắt trong Triều, ngoài Nội. Ta hãy xem qua một vài câu đối đặc sắc.
Câu của Hình Bộ:
Huyền cung tảo phó song đường khánh!
Sạ sách tiên đằng Nhị giáp danh
(Treo cung sớm báo hai nhân thọ
Bắn sách truyền vang nhị giáp danh)
Của học sinh Trường Quốc Tử Giám:
Đương sĩ ngưởng chiêm
Hàn Bắc đẩu Hán Đình thủ cử Đồng hùng văn
(Học trò đời Đường ngửa xem sao Bắc đẩu họ Hàn (chỉ Hàn Dũ)
Triều đình Nhà Hán đầu trọn hùng văn họ Đổng (chỉ Đổng Trọng Thứ)
Câu của Viện Hàn Lâm:
Phẩm vọng Nam châu quy thiếu Nguyễn
Văn chương thiên hạ đáo Hàn Lâm
Của Hộ Bộ:
Thánh triều khao giáp quy danh sĩ
Thiên hạ văn chương xuất thiếu niên
Câu của Lễ Bộ:
Trữ trụ tự gia, vi văn lắc lưỡng Hán tam đường dĩ thượng
Phẩm đề tác sĩ, kỳ nhân ư Bồng lai Phương trượng chi gian.
Và bài trường của cả Văn thân hàng tỉnh mừng:
‘’Ông Hàn Xương Lê (Hàn Dũ) bảo rằng: Trước khi chưa ai làm ra được, dẫu cái hay cũng chẳng rõ ra, sau khi chửa ai làm ra được, dẫu điều lành cũng không thể truyền lại, mạnh thay lời nói ấy. Khoa danh hoạn nghiệp, điều lành, điều hay của sĩ đại phu đều ở cả đấy. Truyền lại và làm rõ ra, đáng là khởi thủy cho cả châu này. Đã làm khởi thủy cho châu này thời cái lòng mong mỏi của người ta càng sâu sắc. Lòng mong mỏi sâu sắc thời lúc mừng lời nói thiết mà tình thực. Khoa này Nhị Giáp Tiến Sĩ Nguyễn Quân là tay cự phách của Châu ta vậy. Đình đối một thiên, ý giầu nhời cứng. Hoàng Thượng khen thưởng, đỗ nhân đều vinh. Rằng Tích thiên, rằng Nghĩa phương, rằng Tráng chi, rằng Thịnh nhà, đếm những lời ấy mà mừng ai dám bảo là không được. Mà riêng châu ta như thế cũng chưa đủ để mừng Nguyễn Quân đây.
Quốc triều bắt đâu mở khoa thi đến giờ, Nhị Giáp ở Châu ta chưa quá ba người, từ ông Hương Cáp đến ông Trịnh Phố mới vừa vặn số ấy. Nay Nguyễn Quân tiến lên mà là bốn vậy. Thế là rõ cái điều hay về trước, một điều đáng mừng. Mà truyền được điều thiện về sau: Hai điều đáng mừng. Làm rõ ra và truyền lại, không thể tự người khác mà riêng tự Nguyễn Quân, lại càng nên mừng lắm. Đấy là điều đáng mừng. Hơn nữa khoa này là khoa thọ thảo nên người. Nguyễn Quân lạy vua vinh quy, mà mừng thọ cha mẹ, rồi từ đây về sau, đóng lại là học hành, phát ra là hoạn nghiệp, vẻ vang cho nước tức là vẻ vang cho châu quận, để cùng các vị nhị giáp lớp trước làm tiêu biểu cho đường đời. Đây là bốn điều đáng mừng. Rồi còn tiến lên làm trăm nghìn điều đáng mừng nữa.
Châu ta, tất cả Nho lâm danh sĩ, đều cầm bút lấy đợi ở Nguyễn Quân nhiều lắm. Cho nên có lời mừng.
Năm Bính Tị, tức là Hoàng Thượng Ngũ Tuần đại khánh mở Hội Thi ân khoa. Hội bảng trúng cách mười bẩy người. Đình Thi, phụng sắc từ Nhị Giáp hai người, Tam Giáp năm người. Phó Bảng tám người. Huyện ta, ông Giải Nguyên Thịnh Hậu là Nguyễn Quân tên đề Nhị Giáp, Tiệp thư về, cả Huyện cùng vinh. Đương lúc quốc triều trọng Khoa Giáp kén người, không phải học lực phi thường sao được đến thế, Huyện ta từ Trần, Lê đến giờ, đỗ Đại Khoa, lên quan to thường đời cũng có, tức là đất văn hiến vậy. Nguyễn Quân vốn là anh hoa phát triển từ nhỏ, học lực uyên nguyên. Thu thi Giải Nguyên, Xuân Khoa Nhị Giáp, mà vừa lúc song đường cập kiến còn vinh nào bằng!
Khoa này chế sách lấy thời vụ làm cốt yếu, ý muốn được người để mà vãn hồi thế đạo. Quyển văn của Nguyễn Quân ta phụng châu, phê ‘’Thực có học nhời già’’. Không phải bọn sơ học mon men đến được như thế. Những lời phô trần khẩn thiết, có đáng lòng vua sau này đem thực hành ra, tất có thể đưa hết hoài bão giáp vào Thánh chính. Ấy Huyện ta đại kỳ vọng vậy. Bèn viết vào lụa để mừng.’’
Đến ngày thứ năm tiệc chỉ còn lưu lại những người thân thiết mà thôi. Mấy anh em bên họ vợ, mấy bà con bên họ mẹ, mấy bạn văn thân ‘’nối khố’’ ông Cử Trí Mỹ Lý và cả ông Kép Phú Đông nữa.
Men rượu ngà ngà, làn không khí thân mật có đượm thêm mầu nhả nhớt. Người ta cười cợt thỏa thích, nói năng huyên thuyên. Vì đấy toàn là những người rất có công trong mấy ngày Khai hạ linh đình. Bây giờ, xong mọi công việc rồi, bữa rượu này là riêng tạ ơn trước khi giã đám. Cho nên người ta được tự do ăn nói hạch sách. Và có thế mới vui!
Đang giở chén giở say một người múa tay lắc lư nói:
- Im cả đã, xin anh em im cả đã! Xếp mọi công việc lại đấy. Tôi xin hỏi một câu này.
Mọi người im, quay cả mặt về phía hắn ta. Có tiếng nói:
- Hỏi gì thì hỏi đi nào!
Hắn ta ưỡn người lên, quắc mắc nhìn về phía người nói đưa một câu dọa nạt:
- Hượm đã nào! Việc gì đến anh?
Rồi hắn quay lại nhìn mọi người, hỏi một cách đắc chí:
- Thưa các ngài, tôi xin hỏi thế này: Đố các ngài biết tại sao lại có tiếng gọi là Quan Nghè, là ông Nghè, là cậu Nghè. Tại sao gọi là Nghè?
Giữa sự im lặng, bỗng nhao nhao nổi lên:
- À, Thằng nó nói láo!
- Nó hỗn xược với Quan Nghè.
- Say bét nhè ra rồi còn gì.
- Không, hắn hỏi khó đấy! Nghè là gì?
Vớ được câu ấy nên hắn vin ngay vào, bô bô nói át cả mọi người.
- Phải, Tôi hỏi chính như thế. Tại sao lại gọi là Nghè. Trạng Nguyên lại gọi là ông Trạng. Bảng Nhỡn gọi ông Bảng. Thám Hoa gọi ông Thám. Cử Nhân gọi ông Cử, Tú Tài gọi là ông Tú, Hương Cống gọi ông Cống. Sinh Đồ gọi ông Đồ. Sao Tiến Sĩ không gọi là ông Tiến, ông Sĩ, lại gọi là ông Nghè? Nghè là gì? Tôi xin hỏi các ngài?
Đâu đấy lại im lặng, người nào cũng có vẻ ngẫm nghĩ chợt có người nói:
- Ông Nghè là...
Người ấy mới nói được ba tiếng, không hiểu nghĩ sao, im bặt ngay, làm mọi người ngóng đợi một lúc, không thấy gì, nhao lên hỏi:
- Ô kìa, ông Nghè là...
- Ông Nghè là gì? Nói nốt đi chứ?
Có người khác đáp hộ:
- Ông Nghè là...là...ông Nghè trẻ tuổi.
Mọi người đều phá ra cười ồn ào một lúc, rồi mới lại im. Họ bảo nhau:
- Thế mà khó! Ta phải hỏi đến các ông vào trường hai thứ tóc.
Ông Cử Trí, ông Kép Phú Động, và mấy ông Đồ ngồi riêng biệt ở gian cùng đầu nhà, thấy đám đông cười vang rồi im bặt, các ông ngừng nói chuyện, quay cả mặt về phía họ. Nghe được câu nói thế, các ông tưởng họ mỉa mai mình, vội quay đầu về mâm rượu, khề khà. Những bọn người kia không để cho các ông yên, họ quay dồn cả lại bảo nhau:
- Phải, ta hỏi ngay ông Kép nhiều tuổi kia trước.
Rồi một người đứng ra lễ phép nói:
- Bẩm trên có cụ Cử và cụ Kép, càng đông các cụ cả, kính lão đắc thọ, tôi xin thay mặt các anh em, hỏi cụ Kép hơn tuổi một câu này: Tại sao người ta lại gọi các ông Tiến Sĩ là ông Nghè?
Ông Kép Phú Động tớp một ít rượu, rồi ngồi ngay ngắn lại rung đùi đáp:
- Các ông thì biết thế nào được. Nghè là tiếng nghe mà ra. Người miền trong Quảng Nam thường nói tiếng nghe ra tiếng Nghè. Nguyên ngày trước có một ông người Quảng Nam thi đậu Tiến Sĩ, được bổ ngay vào Tòa Hàn Lâm, sung chức Thị Độc và Thị Giảng, suốt ngày chỉ nghe sách. Những người quen biết gặp ông, hỏi thăm là làm chức nghiệp gì, ông đều giả nhời gọn lỏn: ‘’Nghè...Tôi Nghè’’
Bởi vậy ai cũng gọi ông là ông Nghè quen đi, thành thử từ đấy hễ ai đỗ Tiến Sĩ, người ta đều tôn là ông Nghè.
Ông Kép nói xong, gật gù nhún nhẩy ra vẻ đắc ý lắm. Mọi người đều im lặng suy nghĩ không mãn nguyện vì câu giả nhời vu vơ. Có người ngông nghênh hỏi lại:
- Xin phép cụ Kép chứ, tôi vẫn thấy nó thế nào ấy! Có phải không cụ Cử nhỉ?
Ông Cử chưa kịp đáp, đã có người lanh chanh nói:
- Cố nhiên có vào nghe ở sân rồng mới được gọi là Quan Nghè chứ.
Ông Kép vin vào ngay lấy câu ấy, sừng sộ nói:
- Có đạt lý như thầy ấy mới hiểu, chứ còn những đồ ngu ấy nói làm gì.
Ông Cử phải vẫy tay bảo mọi người im đi để giữ hòa khí, trong khi người kia đang đỏ gay mặt toan cãi. Giữa lúc ấy Tâm thấy tiếng ồn ào, vội đến. Ai nấy đều im thin thít tỏ vẻ kính trọng mến phục. Một người ngồi ở góc giường ngay lối cửa vào, ghé vào tai người bên cạnh thì thầm.
Rồi người ấy đứng lên, một tay khoanh trước ngực, một tay gãi tay, nói rất lễ phép:
- Bẩm Quan Nghè, anh em chúng tôi đương mải bàn tán về tiếng Nghè. Cụ Kép Phú Động bảo tiếng Nghè là do tiếng nghe của người miền trong nói lớ ra. Chúng tôi chưa dám tin hẳn. Nhân quan lớn qua đây xin quan lớn phán bảo cho.
Tâm tươi cười nhã nhặn đáp lại:
- Cụ Kép dạy thế cũng chưa đúng lắm. Nguyên là thế này. Ở trong Điện Nhà Vua, cái Điện nào cũng có mái chạy dài ra hẳn quá sân, để khi mưa nắng che cho các đại thần cao cấp. Cái mái ấy gọi là Nghè. Các Tiến Sĩ vào Đình Thi phải đứng ở đấy tức là tiến lên vua rồi, cho nên người ta gọi gộp là các ông Nghè.
Mọi người đều thỏa ý nghe được câu giảng rất hợp lý. Cái người bị mắng lúc nãy, giờ mới gân cổ lên cãi:
- Bẩm trên Quan Nghè, Cụ Cử, Cụ Kép, dưới đông đủ anh em, tôi xin phép hỏi tôi ngu hay ai ngu, hả?
Ông Nghè và ông Cử phải quắc mắt:
- Suỵt im! Không được xấc, thầy Cả!
Bút Nghiên Bút Nghiên - Chu Thiên Bút Nghiên