Những người vĩ đại không những phải biết chớp lấy cơ hội mà còn phải biết tạo ra cơ hội.

C.C. Colton

 
 
 
 
 
Tác giả: Chu Thiên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 48
Cập nhật: 2017-06-20 14:35:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
ồng mười tháng tư, ngày Đình Thi Tâm mặc áo, đội mũ, cầm hốt, đi hia chỉnh tề, cùng các bạn đợi ở cửa Ngọ Môn. Bấy giờ vào khoảng cuối giờ Dần. Mặt trời đầu mùa Hạ đã lên cao, chiếu ánh nắng vàng tươi ấm áp xuống cả Hoàng Thành yên lặng, bên con sông Hương lững lờ và trên núi Ngự Bình hiền hậu.
Cái cổng Ngọ Môn đồ sộ và cao vót tắm trong ánh nắng tưng bừng càng tăng vẻ thiêng liêng cao cả. Trên lầu, một hồi trống rồng ung dung rơi từng tiếng một lan tỏa ra không gian và bay theo dòng nước bạc. Cổng tả và cổng hữu từ từ mở. Các thí sinh vuốt lại áo, ngắm lại hốt, đứng theo hàng chữ nhất, thứ tự sau viên Tham Tri Bộ Lễ tiến vào Nội. Đi theo một con đường thẳng lát đá chạy giữa một bãi cỏ phẳng giồng cây cau rủ bóng, đoàn nho thần ấy để chân lên một chiếc cầu sơn bắc qua Hổ Ngọc Tỉnh. Ở trên cầu xuống đi ngoặt về bên tả, mọi người rẽ vào dẫy nhà đợi. Ở đấy đã sẵn bàn ghế và nước chè giải khát. Phía trước nhà đôi là một khoảng đất chữ nhật chạy dài, lát gạch có một hàng cây thưa để dành riêng cho các quan từ tứ phẩm giở xuống. Ngoài khoảng đất ấy là cái sân lát cẩm thạch. Trong cùng sân là Điện Thái Hòa. Một tòa lâu đài bề thế to tát chạy dài đến hai mươi thước tây. Trong điện cột sà chạm rồng sơn vàng chói lọi, trông lóa cả mắt. Ở giữa có một cái sập long tọa trên đặt một cỗ ngai vàng lóng lánh. Trên mái, chỗ ngự tọa ấy, căng một bức phương du đỏ thêu rồng vàng, vây lấy bốn chữ ‘’Thánh cung vạn tuế’’. Ngoài ra không còn một thứ đồ đạc nào. Trong cung điện, đục qua bức tường chắn ngang, có hai cửa thông sang Điện Cần Chánh.
Tâm đang mải đưa mắt đi lục soát mọi nơi mọi xó. Ông Hội tân khoa của chúng ta vốn là một người ham thanh chuộng lạ, thấy một nơi cảnh trí khác đời, ngài mắt la mày lét, nhất định xem cho được, chợt ba tiếng khánh ngân nga giục giã. Vị quan dẫn đạo truyền mọi người bước lên sân cẩm thạch. Mấy vị quan cao cũng lục tục đứng lên hàng trên. Trong Điện một toán quân ngự vệ, mặc áo vàng đi ủng đen, vác gươm giáo sáng quắc. Ra đến giữa Điện, bọn lính chia tách ra làm đôi, túc trực hai bên ngự toạ. Một viên nội giám cũng đội mũ đi hia cầm lệnh ra đứng giữa điện, đánh ba tiếng và hô:
- Thiên tử lâm triều!
Tất cả mọi người đều phủ phục nằm xuống sân. Khi ngẩng lên quỳ để tung hô ‘’Vạn thọ vô cương’’ Tâm trông thấy ngồi trên ngai một người ngăm đen nghiêm nghị dưới cái mũ long miện, trong cái áo long cổn bằng dạ đen thêu vàng. Dứt lời tung hô một vị đại thần xuất ban phủ phục tâu:
- Thần đẳng xin dẫn mười bẩy người dự trúng cách vào Đình đối.
Một viên nội giám được lệnh truyền, lại gần vị Lễ Bộ Thượng Thư, hô lớn:
- Thánh Thượng cho Quan Lễ Bộ bình thân dẫn tiến.
Vị đại thần bình thân đi sang bên hữu, nhường chỗ cho vị quan dẫn đạo và mười bẫy nho sinh phủ phục đồng thanh tâu:
- Thần đẳng khể thủ bái chúc Thánh thọ vô cương.
Lại một viên nội giám cầm bài ra hô:
- Thánh Thượng truyền cho các nho sinh đăng điện đối sách. Cả bọn bình thân yên lặng, nhẹ nhàng bước ba bậc lên điện do mấy vị đại thần dẫn tiến. Trên Điện, người ta đã đặt đủ mười bẩy cái yên với mười bẩy cái tráp trên mười bẩy cái chiếu rải rác khắp Điện.
Viên nội giám lại hô:
- Thánh Thượng tứ tọa!
Ai nấy đều quay đầu phủ phục về phía Vua rồi ngồi xuống. Lúc ấy viên nội giám lại hô:
- Thánh Thượng truyền khai độc chế sách!
Ở mỗi yên đã có một cuộn giấy tròn, ai nấy đều cầm lên mở ra xem. Khi ấy một hồi lệnh đánh mau, hai đoàn quân ngự vệ hợp làm một hộ giá Hoàng Thượng đi sang lối Điện Cần Chánh hồi cung, sau khi viên nội giám hô lần cuối cùng:
- Thiên Tử bãi triều!
Các quan cũng ra về cả, chỉ còn hai vị võ quan Hậu Quân Đô Thống vận triều phục ngồi ở hai đầu Điện để giám cuộc.
Từ lúc vào Điện đến giờ, Tâm cảm thấy đầy vẻ sợ sệt, trong trí óc chàng vẫn thấy nơm nớp lo sợ, mặc dầu chàng cố bình tĩnh. Gia dĩ chiếc áo cử nhân thân dài, tay rộng lùng thùng, lúc nào cũng vướng vít như trêu chòng chế giễu chàng, chàng càng thêm luống cuống, đọc chế sách không hiểu được rõ ràng nữa, chàng nghĩ bụng:
- Chết chữa! Khéo lại đến trượt mất thôi!
Nhưng bây giờ Thánh giá đã hồi cung, chàng mới dần dần bình tĩnh lại và đọc hiểu hết ý nghĩa trong chế sách. Chàng lấy bút ra nháp bài. Viết xong hai chữ ‘’Thần văn...’’ (tôi nghe) chàng đặt bút xuống đọc lại chế sách, ngồi thừ một lúc ngẫm nghĩ, con mắt đăm đăm nhìn bọn lính thị vệ đi riễu quanh Điện. Rồi chàng cầm lấy bút thoăn thoắt nháp lựa theo câu đầu chế sách mà tán dương công nghiệp và nhân chính của Nhà Vua, từ khi lâm trị đến nay, liền đến cái ý nghĩa kỳ thi ân khoa này. Sau mười hai dòng dài dằng dặc mào đầu, chàng viết đến câu ‘’Phục độc chế sách hữu viết’’ chàng xem lại chế sách, chép lại một đoạn đầu, rồi luận rộng ra vừa một tờ đặc. Qua mỗi đoạn lại phải lấy câu ‘’Phục độc chế sách hữu viết’’ để chắp đoạn khác trong chế sách rồi lại đáp suy rộng ra. Trong mỗi đoạn thuật lại công việc thời cổ, đều phải đem so sánh với công nghiệp của Nhà Vua bây giờ. Cứ thế cho hết mỗi đoạn trong chế sách, để kết cấu bằng một trang về ý định và chính sách của Hoàng Thượng và mong Nhà Vua xét theo những điều đã trình bầy ở trên. Cuối cùng là một câu nói nhún mình sức học tầm thường chưa quen được quy mô hoàng viễn, chưa có những lời khẩn thiết để báo đáp tấm lòng Hoàng Thượng sách hỏi. Cái câu ấy đồng ba chữ ‘’Thần cẩn đối’’.
Tâm đương nháp thì lính thị vệ đã bưng trà ra cho chàng giải khát. Một cái ấm Thế Đức màu gan gà, một cái chén bạc chạm rồng quấn chung quanh, đặt lên một chiếc đĩa cũng bằng bạc, vừa để xuống, với tiếng mời của lính thị vệ:
- Thánh Thượng ban trà cho quý sĩ.
Chàng đứng lên hướng về Nội Điện, khấu đầu năm lượt, mồm đọc:
- Mông ân Bệ hạ, thần phụng ẩm.
Đoạn chàng vội cầm lấy giấy nháp đọc đi đọc lại, xóa bỏ, thêm, bớt hai ba lần. Rồi chàng lấy quyển ra viết văn vào rất đằng tả, tuy trường quy cho phép viết thảo. Quyển đây khác cả những quyển Thi Hương và Thi Hội, trông thấy ai cũng mến yêu.
Đóng toàn bằng một thứ giấy hội kẻ dòng và ô đỏ thắm tươi như ngày mùa Hạ. Ở ngay trang đầu cũng đã khác. Ngoài chỗ tên và cung khai tam đại như thường, lại có một dòng ở giáp lề, biên niên hiệu, khoa và ngày điện thí. Ở dòng niên cạnh quán chỉ lại phải chua cả đỗ Thi Hương khoa nào và dự trúng cách số mấy. Chàng chú hết tinh thần vào đấy, không dám sao nhãng đi đâu cả. Chàng đang mải nắn nót, thì một tên thị vệ đã bưng trầu đứng bên cạnh và nói:
- Thánh Thượng ban trầu.
Chàng khó chịu lắm, nhưng không dám để lộ vẻ bực mình. Nhanh nhẹn, chàng thắp bút lại, nhìn đến đĩa trầu trên cái đĩa sứ Nhật Bản, lỏng chỏng một miếng cau tươi và một miếng trấu quế tiêm cánh phượng, chàng nghĩ bụng:
- Có thế này mà cũng làm rầy rà! Lễ năm lễ lấy cái đĩa Nhật kia đắt quá.
Chàng buộc giải mũ, thắt giải áo tử tế, rồi đứng ngay ngắn, sụp lạy năm lạy miệng đọc:
- Mông ân Hoàng Đế, Bệ hạ tứ phù lưu, thần bái lĩnh.
Lễ xong, chàng để đĩa trầu vào ngăn yên không ăn, chỉ mải nghĩ đến bài. Chàng cặm cụi viết được nửa quyển, thắp bút ngồi lên mài mực, đã thấy một tên lính thị vệ bưng khay quả lại gần:
- Thánh Thượng ban quả.
Chàng lại lạy như trước. Làm xong cái việc lễ nghi, chàng mới kịp nhìn đến khay quả, một cái khay nhỏ bằng gỗ trắc khảm xà cừ, đựng ba thứ quả với một con dao chuôi bạc, một quả chuối ngự, một quả vải tầu và một quả phi đào. Chàng bóc quả chuối ngự và quả vải. Còn quả phi đào chàng bỏ vào ngăn yên để định mang về cho ông bà Lý. Chàng nghĩ bụng:
- Quả đào đò ối này đem về cho thầy me gọi là một ít dư huệ của Hoàng Thượng. Còn con dao chuôi bạc quý giá này ta đem về lập bàn thờ chấn trạch, trị hết tà ma quấy nhiễu để bảo hộ bình an.
Nghĩ vậy, nhưng chàng lại phải vội vàng để ý vào bài. Chàng nháp sang đoạn khác, nháp xong đọc lại kỹ càng, chữa xóa ưng ý rồi mới lại viết vào quyển. Trong Điện vẫn lặng lẽ như không, ai phận sự nấy, không ai dám nói một tiếng thừa.
Lính ngự vệ đi lại hầu hạ một cách im lặng lễ phép.
Mặt trời chừng đã lên gần đến đỉnh đầu. Ánh nắng vàng tươi đã trở nên gay gắt dội thẳng xuống sân rồng phản chiếu rằng rặc vào cả điện. Tâm viết xong một đoạn nữa vào quyển, thắp bút lại, ngồi lên vươn vai ngáp đói. Ngay lúc ấy, những lính ngự thiện đã lố nhố bưng cơm lên, đặt ở mỗi chiếu một mâm cơm với một câu mời chiếu lệ:
- Rước ngài nghỉ tay dùng cơm đã.
Sau khi đã giữ đủ lễ nghi, Tâm ngồi vào ăn. Bữa cơm thường của Nhà Vua thết các thí sĩ cũng đủ những món ăn ngon lạ mà dân gian không bao giờ có, đều bày trong đĩa sứ Giang Tây. Này món yến sào đựng trong cái chóe đậy kín, này món tái dê bày trên chiếc đĩa ‘’Thái công điếu vị’’ và mấy món rau, thịt trên những đĩa quý giá. Một liễn cơm trắng muốt để liền với cái bát dỡ kiểu ‘’ngoạn ngọc’’ và đôi đũa ngà bịt bạc. Tâm giở cơm ra ăn xong, đem rửa cả bát đũa vào chậu nước họ vừa bưng lên cho, để vào gầm yên đợi tí nữa mang về. Chỉ để lại cái mâm, cái liễn và mấy cái đĩa thường mà chàng cho là kềnh càng quá không mang xuể! Giá dư sức đem được cả, chàng cũng không tha. Vì theo lệ, ngày thi là ngày Nhà Vua thù tiếp các thí sĩ, cái gì vua ban ra là thuộc quyền sở hữu của học trò cả.
Cơm nước xong, Tâm lại bắt tay vào làm việc, nháp mấy đoạn rồi viết vào quyển. Viết xong, chàng đọc lại một lượt cẩn thận, rồi gấp quyển để đấy đợi người ta đến thu. Những người khác cũng làm xong cả rồi, cũng gấp quyển ngồi ngất ngưởng ngắm cung điện như chàng, nhưng trông thấy nhau chỉ đưa mắt làm hiệu chứ không dám nói năng gì cả, vì ở đây là nơi cung điện Nhà Vua, nào có phải nơi trường thi hỗn tạp.
Một hồi lệnh ngân nga điểm. Lúc ấy vào độ giờ Mùi. Trước mỗi yên đã có một người lính kính cẩn thu lấy quyển đệ lên Quan Hậu Quân Đô Thống để chuyền đệ sang cho các quan ‘’Nghè bút thiếp’’ chép lại. Các thí sĩ sửa soạn ra về. Tâm lễ tạ năm lễ, xếp gọn ấm, chén, bát đĩa, mọi thứ lấy được, bỏ vào tráp cắp lên (từ đời Vua Tự Đức trở về trước, trong ngày Đình Thí, mọi vật ban ra đều là những thứ quý giá của Nhà Vua cho hẳn học trò, ai muốn lấy thứ gì hay lấy cả cũng được. Về sau vì tiết kiệm dùng những vật thường nên cái lệ lấy đồ vật mang ra không còn nữa). Chàng chào viên quan võ ở đầu điện rồi bước xuống sân đi ra. Lúc ấy, gặp nhau, các bạn tha hồ nói chuyện, không ai cấm giữ nữa. Ra về ai nấy đều mang theo một kỷ niệm êm đềm thỏa thích.
Rong chơi luôn bốn ngày giời ở Đế Đô, bọn Cử Sĩ mới quen trong điện thi, thù phụng nhau, tán tụng nhau, tâng bốc nhau, tưởng như giời cũng phải nhỏ lại. Thành ra mấy ngày ấy, ai cũng bận rộn suốt ngày. Đến ngày rằm, truyền lô yết bảng, anh em đã bảo nhau tề tựu ở Ngọ Môn. Ở đấy hôm nay là nơi hò hẹn của tất cả giai thanh gái lịch cả kinh thành và xa nữa. Ai nấy đều muốn đến xem vẻ trịnh trọng của lễ ‘’truyền lô’’ và xem mặt các tay tân khoa giáp bảng, những rường cột quốc gia sau này. Cho nên trước cửa Ngọ Môn rất là náo nhiệt.
Đúng giờ Thìn giữa ánh nắng tưng bừng reo múa của một ngày đầu hạ, tiếng chuông và tiếng trống trên lầu thong thả liên tiếp nhau buông rơi ngân nga văng vẳng đủ ba hồi chín tiếng. Trước cửa Ngọ Môn, ngay lối giữa, Quan Thượng Thư và Quan Tham Tri Bộ Lễ đã đứng hai bên long đình để sắc Vua ban. Quan Tham Tri hai tay đỡ lấy tờ sắc mở ra tuyên đọc lòng sắc xong, đọc đến tên những vị đỗ cho người lính ngự vệ truyền lô:
- Bính Tý Ân khoa Điện Thí, Sắc tứ Đệ Nhị Giáp Tiến Sĩ xuất thân nhị danh:
- Đào Tiếng Tường, tam thập nhị tuế, Hữu trực kỳ, Quảng Nam, An Đà!
- Nguyễn Đức Tâm, nhị thập tam tuế, Bắc kỳ, Nam Định, Thịnh Hậu.
Tâm ‘’dạ’’ một tiếng dài rồi cùng theo viên Tiến Sĩ họ Đào vào lĩnh áo mũ, hia hốt, cân đai. Quan Tham Tri lấy ở trên hương án sau long đình một cái mũ cánh chuồn chạy chỉ kim tuyến, giát hoa vàng, hai cánh bạc, đội vào đầu Tâm, giao cho chàng cái xiêm bằng sa lam, một cái đai da đỏ có ba miếng bạc, một cái hốt ngà, một đôi hia vóc. Chàng giở áo ra mặc, áo mầu lục, bối tử hạc, mặt thêu tam sơn quần tụ. Chàng mặc sắc phục xong, đi hia cầm hốt đứng đợi các bạn đồng khoa. Ở ngoài cũng truyền lô vừa xong. Cái bảng rồng vàng mang tên các Quan Nghè mới đã ngang nhiên đứng dưới hai lá tàn vóc, và đám đông đang xúm xít đứng ngửa mặt lên xem. Tất cả có mười lăm người đỗ, bị loại mất hai người, còn hai Nhị giáp Tiến Sĩ, năm Tam giáp, tám Phó Bảng. Các vị tân khoa áo mũ chỉnh tề, do hai Quan Bộ Lễ dẫn vào Điện Cần Chính bái tạ. Vua ngự trên ngai vàng ban lời hỏi han và ủy lạo họ. Đoạn vua sai bầy yến ngay tại điện thưởng các vị tân khoa. Vua về cung, các quan cũng lui ra. Trong Điện chỉ còn có mười lăm người ngồi ăn uống, trò chuyện vui vẻ, họ tặng thơ, họa thơ cho nhau, mừng nhau, hay hỏi vặn nhau về những thiên tuyệt tác của các danh nhân đời trước. Bọn lính ngự thiện, áo vàng nai đỏ, vẫn kính cẩn đứng hầu rất chu đáo. Tâm vẫn không quên lấy phần một ít bánh ngọt để mang về dâng cha me.
Ăn yến ở Điện xong, Tâm sang bên Bộ Lễ, lĩnh cờ và biển, trên có chữ ‘’Đệ Nhị Giáp Tiến Sĩ’’ và một bên chữ ‘’Sắc Tứ Vinh Quy’’. Đoạn chàng về nhà trọ thảo biểu tạ ơn.
‘’BIỂU RẰNG:
‘’Thần, Nguyễn Đức Tâm, rập đầu cúi đầu, cẩn tấu vi kính tạ Hoàng ân, ngửa mong soi xét:
Năm nay kính gặp Hoàng Thượng ngũ tuần Đại Khánh, chính là năm sau tiết thất tuần Đại Khánh của Thánh Hoàng Thái Hậu vậy. Năm ngoái hạ chiếu lấy năm nay làm XUÂN THI ÂN KHOA. Thi xong, thần dự trúng cách. Vào Điện Thi, khâm phụng Sắc tứ thần Đệ Nhị Giáp Tiến Sĩ xuất thân, lại cấp cho mũ áo, cờ biển các hạng. Bái lĩnh xong, trong lòng xiết bao hân hoan, cẩn phụng biểu trần tạ.
Thần trộm nghĩ nhà thần ở về Nam Định đời chuyên hào lý, ông thần, Bản triều linh binh đội trưởng Nguyễn Đức Tính tòng sự gần hai mươi năm, cha thần, Thịnh Hậu xã Lý Trưởng được từ dịch, Nguyễn Đức Tưởng, làm việc rất trung thành mẫn cán.
Thần, từ bé theo học đã trải nhiều nơi, vẫn không được thuần hậu. Thu thi đỗ rồi, xuân vi hai trượt. Năm nay nhân gặp Ân khoa, vốn biết văn rạng đã cùng, không tài khoe khéo, phương chi văn chiến thua nhiều, thực khó nói hay. May dự trúng cách vào đối đại đình. Ngửa xem văn tảo sáng ngời, thấu suốt GIỜI, NGƯỜI tinh túy. Đinh ninh phỏng vấn, tưởng thấy rõ cái lòng nghiêm kính nể yêu: Một hai phô bầy, làm sao có được cái học thông suốt rộng khắp. Nhân Hoàng Thượng muốn đổi cái thói quen sa lệ, mà cho thần được đem ra nhiều câu quê mùa. Thế mà được lấy, cũng bởi muốn CẦU SỞ TRƯỜNG vậy thôi. Lạy tạ ơn Vua, chính lúc nước nhà đương nam liên khánh. Thấy con thành danh lại kịp ngày cha mẹ thần đều còn. Thấm nhuần đã lắm, báo đáp chửa gì. Đương lúc quốc gia đa sự, chính thiết tài năng. Mà thần kiến thức thô thiển, học vấn vu khoát, biết đem kiến minh gì, biết thi thố được gì để mà báo đáp hậu ý Cửu Trùng. Ngày thường nghĩ đến, khôn xiết sợhãi. Thần chỉ còn cách càng đôn nghiệp cũ, cố sửa phép hay, đem đạo thờ cha ra thờ Vua, để khỏi phụ với nền giáo dục, hiến thân mình lấy nền tin, ngõ hầu không hổ với khoa danh.
Thần, tấm lòng cảm kích, cẩn phụng biểu bầy tạ đem tâu’’.
Tâm còn ở Kinh luôn mười hôm, đi bái yết các Quan trong Triều, đến đâu, chàng cũng được người ta quý trọng, tiếp đãi một cách thân mật. Chàng lại họp tất cả các bạn đồng khoa lại uống rượu trên sông Hương, trước hôm từ biệt Đế Kinh, chàng làm một bài tự tự với họ rằng:
‘’Khoa Ân khoa Bính Tí này, chính là năm Ngũ tuần Đại Khánh của Hoàng Thượng vậy. Tháng ba Hội Thi, tháng tư Điện Thi, ân tứ có bậc. Sau khi chiêm bái, đều cùng bảo nhau rằng:
‘’Thanh thiên tử chi thành muốn hỏi mong kẻ sĩ quên đau. Bài chế sách chăm chăm răn cái ngọn chương cú gọt rũa mà khuyên lấy phép trị nước thường dân. Ấy lũ chúng ta nên kinh ngẫm mà ngay ngáy trong lòng. Nay may được tuyển, phải nên thi triển thế nào để sở học sở hành, sở thủ, sở dụng không được trái nhau, lấy đáp cái ơn cao dầy trong muôn một. Lũ ta phải cố gắng vậy thay!’’
Bút Nghiên Bút Nghiên - Chu Thiên Bút Nghiên