Fiction reveals truths that reality obscures.

Jessamyn West

 
 
 
 
 
Tác giả: Chu Thiên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 48
Cập nhật: 2017-06-20 14:35:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
ết tháng Giêng năm Tân Mùi, Tâm với ông Cử Trí, hai cậu cháu thu xếp ít tiền để tiến Kinh Thi Hội. Thi ở mãi tận Kinh, đường xá xa xôi, phải đi mất hàng tháng xiên qua rừng sâu, ven bên bể cả, đi lại rất nguy hiểm, nên hai người đi rủ tất cả các người bạn trong vùng. Đi như thế lại xa phí nhiều, thường mỗi ngày phải đi mấy cung cáng, nên những bạn nghèo quá không thể đi được. Hai người vào đến nơi, để luôn hai ngày đi thăm Kinh Đô, vòng hết Hoàng Thành, chơi dòng sông Hương, quanh chân núi Ngự, thẳng đường đi chiêm ngưỡng lăng tẩm. Cả hai cậu cháu đều đồng ý rằng:
- Sao thì sao! Được dịp đến đây, ta hãy xem cho hả đã!
Đến đâu Tâm cũng nhận thấy sự đẹp nguy nga đài các của Nhà Vua. Đến đâu, chàng cũng nhận thấy một vẻ thiêng liêng chúa tể. Chàng thán phục lắm. Thăm hết Kinh Thành, chàng càng thấu rõ sự thịnh trị của Bản Triều, trăm họ sung sướng, thái bình âu ca! Mỗi khi nghĩ vậy, chàng lại ngoảnh mặt về cửa Khuyết vái ba vái.
Ngày thứ ba, hai người mới giở lại nhà trọ đóng quyển để đem nộp, tên tuổi, quán chỉ cung khai Tam đại, cũng đề y như quyển Thi Hương, chỉ khác ở dưới niên canh quán chỉ, phải để thêm cử nhân khoa nào. Viết xong hai người đem nộp quyển ở Dinh Quan Phủ Doãn Thừa Thiên, rồi ngài đệ lên các khảo quan Hội thi. Hội thi cũng thi ngay ở trường Thi Hương ở phường Tây Nghị, ngoài cửa Thượng Tứ. Các khảo quan cũng đủ bộ như ở Thi Hương, nhưng ít hơn, bởi vì số thí sinh ít lắm, từ ba bốn trăm đến sáu bảy trăm là cùng, ấy là kể cả các ông cử tân khoa, các ông cử khóa trước cùng những ông Tú Tài tứ thập và Tú Tài ấm sinh. Thí sinh Thi Hội không phải mang lều chõng.
Trong trường đã làm những nhà con sẵn sàng, nền cao tử tế, có kỷ viết hẳn hoi, đông thì hai người, mà vừa thì mỗi người một lều. Ở vi nào, người ta đã yết rõ ra đấy, chỉ việc mang ống quyển vào thôi. Thi Hội bài vở khác Thi Hương. Thi có bốn kỳ và một kỳ Phúc Hạch nữa gọi là Thi Trúng Cách. Kỳ đệ nhất, kinh nghĩa và luận, kỳ đệ nhị Tứ Lục, một bài chiếu, một bài biểu. Kỳ đệ tam, một bài thơ, một bài Phú. Kỳ đệ tứ, văn sách. Kỳ đệ ngũ là thi trúng cách, thi lược lại cả từng ấy bài. Về việc chấm ở bên Thi Hội cũng khác. Cũng chia ra Nội Trường, Ngoại Trường gọi là Nội Liêm, Ngoại Liêm. Nhưng khi Quan Đề Tuyển đã chia số quyển ra năm phần, đánh dấu bằng Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ hay Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, mỗi kỳ một khác, rồi đánh số rọc phách xong, giao xuống văn quan ở lại phòng chép sang quyển khác, chép đúng y như vậy, hai người soạn, hai người chép, một người ngồi coi, đọc, một người đọc chiếu lại. Xong, sáu người phải chua tên và chức tước vào trang đầu cả hai quyển chính và quyển sao. Viết làm ba dòng đại để như vầy:
‘’Hàn Lâm Viện Thi Độc, thần, Giám Soạn, Thị Lang, thần phụng soạn.
‘’Hộ Bộ Lang Trung, Thần...giám đằng. Hàn Lâm Biên Tu, Thần...phụng đằng.
‘’Hàn Lâm Viện thị giảng thần...giám độc. Hàn Lâm tu soạn thần...đối độc’’
Chép lại xong tất cả. giao giả bên Đề Tuyển. Ở đây người ta chọn nguyên những quyển sao gửi vào Nội Liêm. Trong này hai vị giám khảo cùng chấm một quyển và cùng cho điểm. Bài nào khá thì phê rất đằng tả: ‘’Văn lý đắc phân’’ tùy giá trị được phê từ 1 đến 20 phân. Bài kém thì phê ‘’Văn lý bất cập phân’’. Chữ phê phải rõ ràng đằng tả. Nội Liêm chấm xong, các quyển được đem sang Ngoại Liêm để hai Quan Chánh, Phó Khảo chấm. Ngoại Liêm cũng chấm như vậy và phê điểm bằng son tầu. Qua cả bốn kỳ, Quan Đề Tuyển đóng dồn tất cả bốn kỳ, bản chính bản sao lại một tập soạn xem người nào đủ bốn phân thì được vào dự kỳ Trúng cách tức là đỗ Hội Thi, thí sinh chỉ còn có việc sửa soạn vào Thi Đình liền ngay mấy hôm sau, mà mong cướp lấy danh ông Bảng, ông Thám, ông Hoàng và ông Nghè.
Ngày mồng một tháng ba, kỳ đệ nhất Hội Thi, Tâm và ông Cử Trí đã đeo ống quyển cùng mấy trăm sĩ tử đứng đợi ở ngoài cổng trường. Ba hồi chuông, ba hồi trống vừa dứt, tiếng loa đồng đã âm oẹ gọi tên. Các sĩ tử lần lượt được vào, sau khi đã bị viên tứ phẩm xuất lục soát qua loa ống quyển và quần áo. Tâm vượt qua cổng và ngơ ngác đi tìm cái lều trước mành có giấy dán tên mình. Chàng bước vào đã thấy một người trong ấy. Chàng cúi đầu chào. Họ trọ trẹ đáp lại. Chàng hiểu ngay là người miền trong, nên không dám nói chuyện gì nữa, sợ họ nói khó nghe. Chàng ngồi vào cái kỷ mộc để ống quyển lên cái yên sơn dành riêng cho mỗi người. Vì số thí sinh ít nên việc nhập trường rất chóng vánh. Chàng mới ngồi được một lúc, thì đã có một hồi chuông và một hồi trống đóng cửa trường. Trong cái lều của chàng có hai người thi. Một tên lính đem bảng đầu bài đến treo vào cột rồi thản nhiên đi ra. Tâm chăm chăm viết đầu bài, rồi yên lặng giáp không hay trông ngang trông ngửa nói với người này người nọ. Ở giữa chốn yên tĩnh, liền kề ngay cung khuyết cao nghiêm, Tâm cảm thấy bỡ ngỡ và sờ sợ. Hơn nữa, mấy toán lính dưới quyền chỉ huy của hai Quan Ngự Sử Giám Sát Ngoại Liêm và Nội Liêm, luôn luôn đi tuần tiễu bên ngoài, làm cho Tâm thêm sợ. Chàng chỉ còn có việc cắm cổ làm bài.
Qua bốn kỳ cần cù như thế, đến hôm hai mươi bẩy yết bảng vào dự Trúng Cách, chàng mướt toát mồ hôi không thấy tên mình trên bảng. Cả ông Cử Trí cũng không được vào. Buồn rầu, tối hôm ấy hai cậu cháu thuê thuyền dạo chơi trên mặt sông Hương. Giời sáng sao mờ mờ, thuyền nhè nhẹ trôi, những cây cổ thụ, những làng mạc bù rù hiện ra tỏ mờ trước mặt. Gió hiu hiu lướt, làn sóng nhỏ vỗ vào thuyền lép bép. Hai người lẳng lặng như phiêu diêu lướt vào cõi mộng. Ông Cử Trí thung dung bảo cháu:
- Sướng thật, giá mà đỗ ngay thì thầy trò mình đâu được thế này!
Tâm cũng lên mặt khinh thường sự đỗ:
- Có thi trượt mới là tài giai chứ. Có trượt mới được ăn chơi lịch lãm.
Khoa sau, khoa Giáp Tuất, Tâm lại được dịp trẩy Kinh Thi Hội. Qua ba kỳ, văn làm cứng vá ý bàn xác đáng, chàng tự tin và nghĩ bụng:
- Số ta chỉ thi hai lượt là đỗ. Có lẽ kỳ này may ra ta lại đỗ Hội Nguyên cũng nên!
Nhưng đến kỳ đệ tứ văn sách, chàng quên khuấy ngay mất một đoạn trong Minh Sử, cái đoạn dễ nhớ nhất mà chàng vẫn coi thường. Cháng bóp trán suy nghĩ. Vẫn bị tắc không ra. Chàng lâm râm van lạy thần minh, cầu khẩn các bậc linh thiêng phù hộ, van xin những kẻ oán thù buông tha. Vẫn không nhớ ra một chữ nào. Chàng đành đánh bạo hỏi người cùng lều. Người này quê ở An Giang, Nam kỳ, thấy chàng hỏi, liền hỏi lại:
- Ang, ang quý quán ở đâu?
- Đệ ở Nam Định, tôn huynh ạ!
- Nam Định Bắc kỳ à!
- Phải Bắc kỳ.
- Ở Bắc kỳ ang có biết Tâm bánh mật không?
Tâm hớn hở nói:
- Có, đệ là Tâm bánh mật đây!
Người kia vờ làm ra vẻ kinh ngạc nhìn Tâm và nói:
- Tâm Bánh mật nổi tiếng Bắc Hà, tui không bảo. Bọn chúng tôi chỉ kiêng có Tâm bánh mật thôi!
Người kia nói vậy, rồi nằm xuống viết, không để ý gì đến Tâm đang bẽn lẽn tức tối bên cạnh. Chàng ngồi thừ một lúc, rồi làm quấy quá cho xong bài, đem nộp, chàng nghĩ thầm:
- Có lẽ oan hồn vào báo oán không cho ta làm xong bài. Thôi cầu khẩn không được, ta cũng đành chịu, biết sao. Hay là đất nhà ta không có đại khoa. Tâm buồn não giở ra, nói chuyện với ông Đồ:
- Con trượt mất thầy ạ!
- Sao vậy, con?
Chàng nghẹn ngào:
- Con quên mất đoạn Thường Ngộ Xuân trong Minh Sử.
- Thôi! Khoa này chẳng đỗ, để dành khoa sau, vội gì!
Rồi cả ông Cử Trí cũng trượt.
Hai cậu cháu lại phải khăn gói về quê, đợi chờ khoa sau.
Năm Bính Tí, Tâm vừa đúng hai mươi ba tuổi. Triều đình mở Hội Thi ân khoa để ghi nhớ và vui mừng lễ Ngũ Tuần đại khánh của Đức Kim Thượng. Ông Cử Trí bị đau không đi được. Một mình Tâm lại vượt đường thiên lý, leo qua Đèo Ngang vào Kinh ứng thí. Kỳ này qua cả bốn kỳ, chàng được vào dự thi Trúng Cách, văn lý được tất cả chín phần. Có năm mươi thí sinh được chọn, nên cổng trường thưa thớt lắm. Giời đã sáng rõ mới có trống báo cho thí sinh vào. Quan nơi cổng khám xét nghiêm ngặt, họ ùa chạy đi tìm tên mình trên mảnh giấy dán ở mành mành treo trước mỗi gian. Vào đến nơi chàng đã thấy mảnh giấy đầu bài để ngay ở trên yên. Chàng hăm hở đọc đi đọc lại, rồi đem nghiên bút, mực giấy ra nháp. Làm xong, chàng đọc lại rất kỹ, chữa lại những đoạn cho gọn, xem lại cho kỹ, rồi mới viết đằng tả vào quyển đem nộp.
Ngày mồng ba tháng tư yết bảng.
Thi Hội không có Truyền lô (gọi loa) nên các khảo quan cử hành lễ yết bảng rất long trọng. Sáng hôm ấy Tâm dậy sớm, ăn mặc gọn gàng. Chít khăn nhiễu chữ nhân, đội nón sơn chóp bạc ung dung ra đứng đợi ở trường thi. Quá Mão sang Thìn: Trên chòi, ba hồi chín tiếng chuông trống ngân nga vừa dứt, các khảo quan đã chỉnh tề y mão ra cổng trường. Lọng tàn che san sát, cờ bay phất phới, gươm tuốt sáng phản chiếu những tia nắng chói lọi. Cờ Mao tiết cắm bên hương án mềm mại bay dưới bốn lá lọng vàng. Các quan lạy tạ trước hương án rồi lên ghế tréo ngồi. Một hồi lệnh ai nấy im bặt, viên xuất đội tứ phẩm từ từ trịnh trọng treo cái bảng đỏ lên công trường.
Tất cả có mười bẩy người trúng cách, Tâm được đứng thứ ba. Kể cũng là vinh hạnh lắm rồi, nên chàng vui sướng lắm, nét mặt tươi tỉnh với làn da bóng lộng, trông chàng xuất sắc hơn cả vị Hội Nguyên, một người tầm thước trạc gần tứ tuần. Chàng lại trẻ, ít tuổi hơn cả, ai ai cũng phải đặc biệt chú ý đến chàng. Các khảo quan mời những vị trúng cách vào ngồi hàng ghế ở cổng trường, dặn qua cách thức vào Điện Thi Đình thí và chúc cho được tên chiếm bảng Rồng! Rồi tan cuộc.
Tâm hớn hở cùng các bạn ra về, tâm niệm nghĩ đến ngày vào Đình Thi.
Đình Thi chỉ có một ngày thôi. Thí sinh được triệu vào hẳn trong Điện Nhà Vua để làm bài chế sách tự Vua ra, hay là các Văn Quan Đại Thần thay lời Vua mà ra. Bài chế sách cũng có hai phần, như văn sách: Một phần cổ văn hỏi về sự nghiệp của các đế vương thời trước và những cuộc bĩ thái biến chuyển của các thời đại, cùng những tai nạn lớn xảy ra với cách thức ngăn ngừa, một phần kim văn hỏi về công việc của Nhà Vua đã làm và hiện làm, cùng những phương pháp làm cho nước thịnh dân giầu. Như thế tức là làm một bài tổng bị bàn về mỗi vấn đề một ít. Thí sinh vào Điện thi không phải mang theo gì hết ngoài mũ áo hia bốt. Bút mực giấy, thức ăn, thức dùng đều tự Nhà Vua ban ra. Các giám khảo đều là các văn thần cao cấp được vua cử ra chấm bài rồi đệ lên vua điểm lại và phê thứ tự. Theo như của Tầu, ba vị nào đỗ cao và đúng số khuyên và số phân đã định, được gọi là Tam Khôi và mang danh:
1.- Đệ nhất giáp Tiến Sĩ cập đệ, đệ nhất danh (Trạng Nguyên)
2.- Đệ nhất giáp Tiến Sĩ cập đệ, đệ nhị danh (Bảng Nhỡn)
3.- Đệ nhất giáp Tiến Sĩ cập đệ, đệ tam danh (Thám Hoa)
Còn ngoài ra đều gọi là Tiến Sĩ xuất thân cả. Nhưng ở bên ta từ triều Lê, ngoài Tam Khôi ra, còn đặt thêm Đệ nhị giáp Tiến Sĩ xuất thân, đệ nhất danh (Hoàng Giáp).Và những người nào đỗ tương đương thế mà chưa đủ số phân, đều được gọi là Đệ nhị giáp Tiến Sĩ xuất thân.
Những người đỗ kém một ít được gọi là Đệ tam giáp Tiến Sĩ đồng xuất thân.
Tất cả các vị đỗ ấy đều mang danh Tiến Sĩ là những người đã được tiến lên Vua. Tức là người đỗ Giáp Bảng vậy (Đấy có chữ khoa giáp). Những người nào văn lý được nửa phân đỗ Phó Bảng. Phó Bảng là phụ vào bảng đỗ. Người ta còn gọi là đỗ Ất Bảng. Còn những người nào văn lý bất cập phân thì bị loại.
Muốn phân biệt hơn kém của ba giáp, người ta phải theo cái định lệ gấp đôi. Ví dụ Đồng Tiến Sĩ một phân, Nhị giáp Tiến Sĩ phải hai phân, Nhị giáp Tiến Sĩ, đệ nhất danh (Hoàng Giáp) bốn phân, Thám Hoa tám phân, Bảng Nhơn mười sáu phân, Trạng Nguyên phải ba mươi hai phân.
Về triều Nguyễn theo di ý của Vua Gia Long định ra cái luật ‘’tứ bất’’(bốn điều không) nên không có Trạng Nguyên. Tứ bất là: Bất thiết Tể Tướng, bất cử Trạng Nguyên, bất lập Vương tước, bất phong Hoàng Hậu
Bút Nghiên Bút Nghiên - Chu Thiên Bút Nghiên