Thất bại lớn nhất là thất bại trong việc cố gắng.

William A. Ward

 
 
 
 
 
Tác giả: Chu Thiên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 48
Cập nhật: 2017-06-20 14:35:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
hoa Canh Ngọ, Tâm lại lều chiếu vào trường. Lần này, có cả ông Đồ Trí đi thi càng khiến Tâm vui vẻ. Chàng sung sướng hơn nữa khi nghĩ đến hai cô vợ trẻ đang ngóng đợi tiếng tăm chàng, hai cô vợ trung thành và tận tụy. Chàng tự tin ở sức mình lắm, vì từ sau khi nghe lời khuyên của ông bố vợ thân yêu, chàng đã dốc trí học cho bằng vượt mọi tay danh sĩ trong vùng mới thôi. Cho nên vào trường, chàng làm văn chắc chắn lắm. Qua ba kỳ: Đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, chàng có tên trên bảng Phúc Hạch cùng với ông Đồ. Ông Đồ mừng quá, nói khoe với mọi người:
- May ra lớp này phụ tử đồng khoa!
Ông Tú Phú Đông cũng được vào, đắc chí lắm. Ông vẫn lên mặt kẻ cả với Tâm, lại vin là bạn ông Đồ, hay sai phái chàng một cách hách dịch nên chàng muốn ông trượt quách cho đỡ ghét. Hôm ấy ba người đến nộp lều chõng và quyển ra về, ông Tú vẫn tỏ vẻ kinh nghiệm mà nói:
- Cậu Tâm cố làm nhanh và đứng cuống thế nào chứ không có không kịp, cả thầy ba bài kia đấy.
- Kịp chứ làm gì chả kịp! Ông Đồ nói.
- Biết đâu đấy!
Hôm sau, vào trường, Tâm tìm đến lều mình, lột tờ giấy đầu bài xuống xem, kỳ này là lược hạch cả ba kỳ trước nên có một bài kinh nghĩa, một bài phú ba vần, một bài văn sách ngắn. Chàng làm xong bài văn sách, rồi mới nghĩ đến bài kia. Làm hết cả quyển đem nộp rồi ra về cũng chưa có trống tan.
Đến hôm làm lễ xướng danh, đông đủ mọi học trò và người xem đều tụ tập cả ở cửa trường. Hàng quà bánh trầu nước được phép dọn bán quanh đấy. Thật là một ngày long trọng và nhộn nhịp. Trong Nhà Thập Đạo, chiêng trống khua vừa dứt, một đoàn lọng rước các quan lên đàn trong cổng Tiền Môn. Lá cờ Khâm Sai bay phấp phới trên cái biển Phụng Chỉ, dưới hai lá lọng vàng. Các quan vận đại triều phục phân thứ tự sau trước ngồi. Bên lá cờ, một người lại phòng cầm danh sách các vị tân khoa. Liền đấy một viên đội lệ cầm loa xăm xăm chực gọi. Ở dưới cổng trường trong một quán nước, ông Tú Phú Đông ngồi với ông Đồ Trí, đang vân vê điếu thuốc cầm đóm đưa cho Tâm và giục:
- Cậu thổi hộ cái đóm mau.
Tâm cầm lấy đóm rồi. Nhưng lúc ấy trên chòi tiếng trống vừa dứt, viên đội lệ đã đứng dé chân chèo ra, giơ loa lên chỉ còn đợi nghe người lại phòng đọc. Ở dưới bỗng im bặt, mọi người đều chú mục lên đàn, chỉ có ông Tú nóng hút thuốc giục Tâm:
- Người ta đã gọi đâu, thôi đi nào.
Tâm vẫn cầm yên cái đóm, ngẩng mặt lên đàn. Viên đội lệ quay loa đi một vòng rồi hét:
- Canh Ngọ khoa, Nam Định Hương thi trường Cử Nhân đệ nhất danh...
Viên đội lệ ngừng lại cho thêm vẻ thịnh trọng.
Ông Tú thúc Tâm:
- Chặc chặc! Thổi mau đóm, cậu Tâm!
Viên đội lệ trên chòi lại hét:
- Nam Định Tỉnh...Đại An Huyện...Phú Lão Tổng...Thịnh Hậu Xã...
Viên đội lệ ngừng lại để thêm phần sốt ruột ở mọi người đứng nghe. Theo lệ thì cứ gọi tên rồi đến tỉnh, huyện, làng là xong. Nhưng kỳ này muốn cho tiếng Thủ Khoa được khác với mọi ông Cử Nhân khác, nên mới truyền gọi như vậy. Tâm vẫn cầm que đóm, chăm chú nghe viên đội gọi tiếp:
- Nguyễn Đức Tâm!
Tâm dạ một tiếng dài, quay lại ném cái đóm vào mặt ông Tú và nói:
- Bây giờ tôi không đốt đóm cho ông nữa.
Viên đội nhắc lại một lượt nữa, Tâm lại ‘’dạ’’ một tiếng nữa lách vào trước đàn, vái chào các quan rồi lĩnh áo mũ: Một cái mũ tím, một cái áo nam sa mầu lam, một đôi hia, một cái hốt gỗ. Mặc áo đội mũ đi hia rồi, Tâm được rước vào Nhà Thập Đạo. Ở ngoài, người ta lần lượt gọi tiếp các ông Cử sau, tất cả có 24 vị tân khoa, trong số đó có cả ông Đồ Trí. Tâm mừng quá, nhắc lại câu ông Đồ nói hôm Phúc Hạch:
- Phụ tử đồng khoa, thầy ạ!
Mọi người chuyện trò vui vẻ, hỏi thăm quê quán nhau, ai nấy đều phục Tâm tài giỏi, khôi nguyên mới một tí tuổi đầu!
Buổi sáng hôm sau, cả bọn được rước sang Đốc Bộ Đường chào mừng Quan Tổng Đốc, rồi sang bên vọng cung lễ tạ và ăn yến. Lúng túng trong chiếc áo thụng, Tâm rất sung sướng được đứng đầu hàng, ngắm thẳng lên ngai vua mà lễ. Mình run run vì cảm động ngắm kỷ những áo của các bạn đồng khoa, tự phụ áo của mình đẹp hơn nhiều, chàng khoái chí lắm, tuy rằng mũ áo ấy cùng một kiểu, cùng một thứ vải. Lễ xong cả bọn được mời vào ăn yến do một đội lính hầu hạ. Yến cũng như bữa cổ thường thôi, chỉ khác có ít bánh bột pha đủ các mầu. Nhưng ai cũng không hề để tâm đến thức ăn cho lắm. Chỉ có riêng Tâm, mỗi thứ chàng đều véo lấy một ít, như các cụ ăn giỗ lấy phần, gói vào khăn tay chặt chẽ, bụng tự nghĩ:
- Lộc vua, lộc nước đây, mất bao công của mới có ngày nay. Ta đem về cho hai cụ xơi được nếm mùi sung sướng.
Tan yến, chàng với ông Đồ, bây giờ là ông Cử Trí trở ra cổng trường xem lại bảng. Cái bảng sơn son vẽ con hổ vàng đi hùng dũng, lưng đội cái khoảng biên tên mấy ông Cử mới. Liền ngay đấy gài vào tường nứa, một cái phên phất giấy trắng, chi chít những tên bẩy mươi hai ông tú tài. Tâm đọc lần lượt, bỗng reo lên:
- A, ông Tú Phú Đông lại đỗ...Tú Tài, Tú kép rồi!
Đoạn hai người về mặc sắc phục vào hầu các quan hành tỉnh rồi đi chơi phố. Ông Lý đã mua hai cái lọng xanh ngay sau khi xướng danh. Ông thuê hai tên phu cầm lọng che cho hai người dạo chơi các phố phường. Thật là một vinh dự độc nhất cho ông, khi thấy các người hai bên phố phải đứng lại hay ở trong nhà chạy ra xem. Người ta trầm trồ khen:
- Kìa trông phúc đức chửa. Mới từng kia tuổi đã Cử Nhân! Cái áo lê thê còn phải xắn lên kìa!
Nghe những lời khen ấy, Tâm cũng bội phần hoan hỉ, thật là sung sướng nhất đời. Chàng nghĩ:
- Giá bây giờ có cả hai vợ ta ở đây thì hoàn toàn sung sướng!
Ông Cử Trí và Tâm còn lưu lại chơi ít bữa và vào Phạm Xá lễ bái tạ Cụ Nghè để ông Lý về trước sắp sửa rước vinh quy.
Tin Tâm đỗ về đến làng, ai nấy đều vui mừng hớn hở, chỉ trong chốc lát đã truyền tự miệng người nọ sang người kia:
- Cậu Tâm đỗ Thủ Khoa trường Nam!
- Quý hóa nhỉ! Cậu làm vẻ vang cho cả làng!
- Cả hàng xã, hàng tổng ấy chứ lị!
- Cả hàng huyện! Huyện ta đã có ông Thủ Khoa nào đâu!
Và trong một ngày, suốt cả vùng...tổng xa, xã gần đều hay được cái tin vinh dự ấy. Ai cũng phục cậu là thiên tài và khen nhà cậu phúc đức. Trước cái vẻ vinh hoa rõ rệt ấy, bao nhiêu sự ghen ghét tầm thường, thù hằn nhỏ mọn đều dẹp đi hết, trong làng trên dưới nhất tâm trù định rước vinh quy Quan Thủ Khoa cho thật long trọng. Đến ngày đã định, tất cả làng hội họp tại đình cắt cử đàn anh Hương Lý và rất đông trai tráng đem đủ nghi lễ xuống tận huyện nha đón rước vị Khôi Nguyên.
Tâm cũng vừa về tới huyện. Chàng mặc phẩm phục đội mũ, đi ủng, do một tên hầu cầm lọng xanh che đi vào huyện chào Quan Đồng Trí. Vào đến cổng, trên chòi canh nổi giật sáu tiếng trống báo, tức thì cánh cổng mở rộng, một hàng lính đứng thẳng chống giáo chào. Và một tràng pháo nổ. Quan Đồng Trí nghiêm chỉnh trong cái áo tấc màu lam tiến xuống sân công đường đón. Tâm vái chào:
- Hạt dân xin kính chào quan lớn.
- Bản chức xin có lời mừng Quan Giải Nguyên.
Rồi hai người dắt nhau vào công đường chia ngôi chủ khách, cười nói vui vẻ. Quan Đồng gọi lấy giấy hoa tiên đề một bài thơ mừng Tâm, chàng họa ngay vần đáp tạ lại. Ở công đường ra, chàng rẽ sang Dinh Quan Huấn Đạo. Ở đấy cuộc tiếp kiến cũng tương tự như bên Nha. Lúc trở về đã thấy đông đủ dân làng tụ tập ở cổng Huyện, chàng vái chào đáp lễ các Hương Chức xuống đón mình. Chàng vồn vã hỏi thăm:
- Kìa ông Lý, kìa ông Chỉ! Phiền hai ông quá, xa xôi thế kia mà các ông cất công đi. Sao không để con em nó đi thôi, các cụ?
Họ lễ phép đáp lại:
- Bẩm Quan Thủ Khoa, chúng tôi không đi, để kệ chúng nó thì hỏng cả. Còn thiên hạ quan chiêm chứ.
Tâm đi vào nhà hàng, thay áo và mời kỳ dịch ăn trầu uống nước. Xong đâu đấy, đám rước khởi hành, có Quan Đồng Phủ, Quan Huấn Đạo và tất cả nha lại ra ngoài cổng Huyện tiễn. Bái biệt các quan, Tâm bước lên cái võng xanh mắc vào cái đòn sơn then chạy chỉ đỏ, do hai phu làng khiêng. Hai tên phu mặc áo chùng thâm, thắt ngoài một cái lưng xanh bỏ múi về hông bên phải. Một tên phu khác, cũng ăn mặc như thế, cầm cái lọng xanh che kèm. Đám rước bắt đầu đi. Hai mươi lá cờ ngũ sắc rải rác đều nhau, bay phất phơ trước gió. Tiếp đến hai hàng bát biểu và gươm giáo do những tên phu mặc áo nẹp đỏ vác trên vai đi rất nhịp nhàng, đều đặn như toán quân ra trận. Sau đó là một cái trống tiêu cổ sơn đỏ thiếp vàng anh ánh, thỉnh thoảng được điểm mấy tiếng bong bong từ tay một người đã đứng tuổi đầu đội nón dứa chóp bạc, quai lụa bạc. Rồi đến một cỗ kiệu vàng ối ngất nghểu trên vai bốn tên phu mặc áo nâu đỏ. Trên kiệu để mũ áo và hốt của vua ban, có hai cái lọng vàng đi kèm. Sau đó là cái võng của Tâm, có Hương Lý một lũ theo sau.
Chiếc trống cái do hai tên phu khiêng đi tập hậu, chốc lại điểm mấy tiếng đo đường oai vệ. Vừa ra khỏi phố huyện, người ta trông ngay thấy ở đàng xa mấy lá cờ bay phấp phới ở bên một cái hương án che lọng, trên có đôi lọ song bình cắm hoa và một mâm bồng ngũ quả. Mấy người lố nhố đứng bên. Đám rước đi đến đấy, một tràng pháo nổ. Mọi người đều phải ngừng lại. Tâm xuống võng vui vẻ chào mừng Hương Lý đã có lòng tốt ra đón tiếp chàng. Nói chuyện qua loa, chàng lại lên võng và đám rước lại đi, có thêm ở đàng sau mấy lá cờ của làng ấy đi để tiễn về đến tận nhà, vì đây cũng là một làng cùng Tổng, cái Tổng chưa có một người đỗ đạt nào! Đám rước lại đi. Và từ đấy về đến nhà, Tâm phải xuống võng sáu, bẩy bận nữa để đáp lễ những làng ra bái vọng ở dọc đường qua. Đến quá Mùi, đám rước mới đến làng. Tất cả các bô lão nhân dân đều đủ mặt ở ngoài cổng làng ngóng đợi. Trông thấy võng Tâm, họ vui vẻ reo hò như hoan hô một vị đại anh hùng. Chàng chả là một vị anh hùng rồi còn gì! Chàng xuống võng vái chào các bậc già cả, hỏi han hết mọi người, như người đi xa mới về. Tất cả đoàn người đều thứ tự kéo vào nhà ông Lý Tưởng. Tiếng pháo nổ vang lừng. Sau khi vào bái tổ ở Từ Đường, sau khi đã lễ bái tạ ở Đình và ở Miếu, chàng mời mọi người vào ăn tiệc, một bữa tiệc linh đình mà ông Lý đã hiệp cùng nhà vợ chàng sửa ra để thết mọi người chạy đến. Khách ăn đông quá, phải ngồi san ra mấy nhà làng xóm. Người ta phá cả các bờ rào, đi lại cho tiện. Bà con họ hàng ai cũng muốn góp một phần vào bữa tiệc hiếm có này mà không nề tốn phí thiệt thòi. Hai cô vợ trẻ măng cũng về trông coi vào bữa mừng cho thêm phần vui vẻ. Trong khi ăn uống, người ta thi nhau khen ngợi nhà Tâm, khen chàng có thiên tài và lại duyên giời dun dủi se được nơi tài sắc vẹn mười. Có người phàn nàn cho cô Mai Mỹ Lương và giận ông Chánh Bá hám danh bỏ nghĩa, gả con cho một lão Cử góa vợ. Có người nhân đấy hỏi đùa:
- Bây giờ giá cô Mai Mỹ Lương xin về thì Quan Thủ nghĩ sao?
Tâm cười đáp:
- Sao lại có chuyện lạ thế?
Người khác chen vào:
- Bẩm đấy còn quyền ở quan bà chứ? Bẩm bà Thủ Khoa, cô Mai Mỹ Lương nhờ chúng tôi nói với quan nhà để xin về, bà định sao?
Vợ Tâm cười nóí:
- Bẩm, cái ấy dễ lắm ạ. Cô ấy về đây, chỗ chị em càng thêm vui.
Tiệc mừng còn kéo dài hai ba ngày. Các bạn làng nho trong vùng đến mừng đủ mặt, câu đối ca tụng treo đỏ se cả nhà.
Ngày hôm sau, Tâm đến bái tạ ông Đồ dạy học vỡ lòng. Một gánh quả lễ vật đi trước, Tâm đi lọng xanh đi giữa, Đằng sau một tên gia nhân đội cái hòm sơn mới sắm đựng mũ áo đăng khoa. Đến nơi, Tâm vào nhà một người bạn, mặc phẩm phục, rồi mới đem lễ vào nhà thầy. Ông Đồ đon đả ra đón. Tâm chắp tay vái chào:
- Lạy thầy ạ!
Ông Đồ vái lại:
- Chào thầy tân khoa!
Lễ vật để lên bàn thờ, đèn hương đã thắp rồi, chàng nghiêm trang vào lễ bốn lễ bái tổ. Lễ xong, chàng ra xin phép lạy tạ ông Đồ. Ông xua tay nói lắp:
- Thôi! Thôi! Xin thầy miễn cho! Xin, xin...
Tâm cung kính thưa:
- Bẩm thầy, công thầy khai hóa trước tiên, con chưa lấy gì báo đáp, đạo học mênh mông, ơn thầy giời bể. Một lễ sống bằng đống lễ chết, xin thầy cho phép...
Vừa nói, chàng vừa sụp xuống lạy. Ông Đồ ngồi tránh ra một bên. Lạy hai lạy đứng lên vái ba vái rồi Tâm xin phép lại ngồi vào giường bên. Bây giờ ông Đồ mới đứng dậy trước mặt Tâm và nói:
- Nãy ông giả nghĩa thầy mà lạy tôi, bây giờ tôi là người học trò hèn xin lễ mừng một vị Thủ Khoa...
Tâm vội vàng đứng dậy đỡ thì ông Đồ đã sụp xuống rồi. Chàng phải nằm soài xuống ôm ông lên. Ở ngoài bọn phu khúc khích cười ông Đồ quá cẩn thận.
Ở nhà ông Đồ ra về, chiều Tâm mới lên Mỹ Lý bái tổ nhà ông Cử Trí.
Mấy hôm sau, hai ông con rủ nhau ra Phạm Xá bái tạ Cụ Nghè và hỏi chuyện về đi Thi Hội.
Bút Nghiên Bút Nghiên - Chu Thiên Bút Nghiên