When you're young, you want to do everything together, when you're older you want to go everywhere together, and when you've been everywhere and done everything all that matters is that you're together.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Chu Thiên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 48
Cập nhật: 2017-06-20 14:35:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
hoa Thi Hương Đinh Mão này đã định kỳ thông sức khắp mọi nơi đều biết: Ngày hai mươi nhăm tháng chín tiến trường, mồng một tháng mười vào trường nhất, mười hai trường nhì, hai mươi trường ba, hai mươi sáu Phúc Hạch, mồng một tháng một xướng danh, yết bảng.
Tiếp được giấy sức, Cụ Nghè đinh ninh dặn dò học trò cặn kẽ mọi phép tắc trong trường thi. Nhất là đối với những người mới ứng thi lần thứ nhất, cụ càng ân cần lắm, dặn đi dặn lại mấy lần. Cụ nói:
- Các anh chớ nên khinh xuất đừng có nóng nẩy, chớ có luống cuống, cứ bình tĩnh như ở nhà. Nhất là chớ có mang một tí giấy má gì khả nghi, mà người ta khám phá được thì chết. Không được thi mà còn bị tội nữa kia đấy. Các anh chớ để trong bài phải khiếm đài, khiếm trang. Các anh lại phải nhớ luôn luôn đến những chữ phạm huý, ngộ nhỡ ra liên lụy đến cả tôi chứ chẳng chơi đâu!
Cụ bắt nhắc lại tất cả những chữ phạm huý mà các học trò đã phải học đến ngay từ khi mới tập làm bài. Có sáu bẩy chữ trọng huý là tên các tiên đế và Kim Thượng thì cấm ngặt không được dùng trong các văn bài. Ngộ gặp những chữ ấy trong câu văn không thể bỏ được, phải đổi ra những chữ khác có nghĩa tương tự như vậy. Còn độ mười chữ khinh huý là những chữ đệm trong tên các vua đương triều và tên các lăng tẩm của Nhà Vua, những chữ ấy được dùng trong văn bài, nhưng phải tỉnh hoạch, nghĩa là bỏ bớt nét đi. Muốn cho những chữ ấy nhớ như chôn vào ruột người ta đọc và viết theo lối ‘’Tả tông...hữu tông’’ (bên trái có chữ gì, bên phải có chữ gì). Cụ dặn riêng Tâm:
- Anh Tâm cố giật lấy cái Cử Nhân, nếu không giành được cái Giải Nguyên cho thầy nhé!
Tâm hồi hộp cảm động quá, đỏ bừng mặt lên, không dám nói gì. Ở trường về đến nhà trọ, Tâm đã thấy ông Đồ Trí và ông Lý Tưởng mang lều chõng ra đưa chàng đi thi. Chàng mừng quá nói nũng với ông Đồ:
- Gớm thầy có công với con quá. Thầy cho học trò nghỉ để đi với con kia à.
Ông Đồ dịu giọng đáp:
- Cũng không phải tự mình cho nghỉ, vì dạo này nghỉ mùa tháng mười.
- Thế mà con quên đi đấy. Dạo này mải học mụ người đi.
Ông Lý ngồi buộc lại cái khung lều, giờ mới nói chêm vào:
- Tôi cứ nói chuyện với bu cháu, giá năm nay Thầy Đồ cứ đi thi với cháu có phải hay, cháu nó khỏi bỡ ngỡ.
- Chuyện! Bắt buộc thế chứ, ai muốn làm gì. Đợi đằng đẵng ba năm nữa mới lại được thi, chậm mất một khoa, một tuổi một già, chính tôi, tôi sốt ruột lắm, song cư tang bất khả ứng thí, mình đi học biết chữ thì phải theo cho đúng, không có người ta chửi cho đấy chứ!
Tâm đổi sang câu chuyện khác, hỏi ông Đồ:
- Sáng mai thầy có xuống Tỉnh, xem tiến trường không ạ?
- Có, tôi đưa anh và ông Lý cùng xuống.
Sáng hôm sau hai nhăm, ba người xuống Tỉnh sớm, đến đợi ở trước cửa Đốc Bộ Đường. Ở đấy có bao nhiêu người tụ tập để đón xem cuộc rước long trọng uy nghi của các quan tiến trường. Cờ, lọng, võng ở ngoài đưa vào Dinh Quan Thượng, khuân khuân mãi. Quá Mão sang Thìn, tiếng chiêng trống trong Dinh nổi dậy, lên xuống rất nhịp nhàng. Tiếng loa truyền vang khắp: Bọn lính tráng chạy tới tấp nhộn nhịp:
- Loa! Truyền quân lính dẹp đường rẽ lối, các Quan sang Văn Miếu tiến trường!
Bọn lính cầm roi vụt lia lịa ra khoảng không, mọi người xem đều chạy tản mát hết. Các phu cầm cờ đã đến nhổ cán cờ lên, tiến đi dần dần. Chiêng trống đã ra đến cổng dinh: Này phường bát âm, này trống con, trống tiêu cổ thi nhau khua in ỏi. Rồi dưới hai cái tàn vóc đỏ thêu kim tuyến, lát mặt gương lóng lánh, cờ và bài của Nhà Vua chuyển thong thả do hai tên lính mặc áo nâu đỏ cầm.
Sau đấy là chiếc võng điều đỏ tươi, trên có một vị đại thần đội mũ có cánh hạc, vận áo vóc mầu cổ đồng, bối tử thêu tiên cưỡi hạc, có bốn lọng xanh che. Đấy là Quan Chánh Chủ Khảo. Lễ Bộ Tham Tri sung Biện Các Vụ Đại Thần. Tiếp đến võng điều thứ hai, ba lọng xanh che của Quan Phó Chủ Khảo. Võng đào thứ ba, thứ tư hai lọng, có hai Quan Giám Sát Ngự Sử, đội mũ đen cánh bạc, mặc áo mầu thanh thiên, bối tử thêu con công xòe cánh. Võng năm, võng sáu, hai lọng xanh có hai Quan Giám Khảo vận áo mầu cam bích. Võng bẩy, tám có hai Quan Đề Tuyển mặc áo mầu quan lục đi một lọng. Võng chín, mười, hai Quan Phân Khảo mặc áo mầu quan lục đi một lọng. Bốn võng theo sau nữa của bốn Quan Phúc Khảo vận áo mầu lam đi một lọng. Tiếp đến tám Quan Sơ Khảo đi bộ, đội mũ trơn hai hoa bạc mặc áo nam sa mầu bảo giám (xám xám), mỗi vị có một lọng theo. Lại có một cái võng điều với bốn lọng che Quan Tổng Đốc mặc đại triều phục đi tiễn các quan tiến trường.
Sau đấy một cái án thư to do bốn tên lính khiêng trên để tam sinh một con dê, một con bò, một con lợn. Có hai cái lọng đi kèm. Trên một án thư nữa có hoa quả và ván sôi con lợn chín do hai tên lính khiêng và hai tên phu che lọng. Kế đến bốn mươi lại phòng, khăn áo chỉnh tề, xếp hàng đôi đi trước, tám viên đội thể sát với một toán lính vác gươm cầm giáo rất hùng dũng. Lại phòng và lính do Quan Tỉnh cử vào giúp việc trong trường cho đến khi thi xong. Một toán lính lệ đi tập hậu dẹp đường. Đám rước đi rất oai nghiêm và thong thả. Đến trước cửa Văn Miếu các Quan ngừng lại, xuống võng đem lễ chín vào bái yết Đức Thánh Khổng. Lễ xong, các ngài lại ra thẳng đến trường thi. Đến trước cổng trường phu cờ tản ra hai bên, nhường chỗ cho phường trống tiến qua cổng chính (tiền môn), qua Nhà Thập Đạo, thẳng lối vào Thí Viện, cả đoàn võng lọng và người từ từ theo sau tụ tập ở đấy. Lễ tam sinh bầy ở giữa Thi Viện, các Quan chia cắt người vào làm lễ tế bách linh và tứ phương Thần chủ. Tiếng chiêng trống dịu dàng, tiếng thông xướng và đọc văn văng vẳng làm huyên náo trường thi trong chốc lát. Rồi lễ tất, các phu lọng đi rước lui ra, khu trường thi sẽ sống biệt lập giang sơn trong một tháng, nội bất xuất, ngoại bất nhập, chỉ trừ có mấy viên đội thể sát do Quan Ngự Sử cho giao thông với ngoài để chuyển vận lương thực.
Tâm được trông thấy cuộc rước cực kỳ oai nghiêm và long trọng, chàng hết sức thán phục và tự nhiên mộng tưởng ngày sau mình cũng sẽ thành một vị quan ngồi trong cái võng tiến trường kia. Muốn vậy chỉ có một cách: Do đường khoa cử mà lập thân. Lúc này chàng mới lại càng hiểu rõ câu: ‘’Nhất tự cách trùng’’. Tự tin ở sức mình, chàng tự nhủ:
- Thế nào ta cũng đỗ.
Buổi chiều hôm ấy, ông Lý Tưởng và Tâm mua vàng hương cau rượu vào lễ ở một ngôi đền tối linh gần Tỉnh, xin một quẻ thẻ. Thánh cho quẻ ‘’chu hành ngộ vũ’’ (đi thuyền gặp mưa). Cái quẻ thẻ nghe đã xấu lại có bốn câu thơ tổng đoán rất vu vơ, mà nhời giải lại chua ‘’Kim khắc hỏa, muôn việc đều không nên’’. Xem xong quẻ thẻ, Tâm buồn lắm, buồn hiện ra sắc mặt, không muốn ăn cũng không muốn nói. Chàng vừa buồn vừa tức, tự nhủ:
- Nếu quả thật thế nầy thì tội gì mà cắm cúi khổ thân, học phát ho, phát hen lên!
Lúc ấy ông Đồ lại đi chơi vắng. Ông Lý thấy Tâm buồn, không biết làm thế nào, đành khuyên giải con bằng những câu ngô nghê:
- Ấy con ạ, nhiều khi những thẻ tốt lắm người ta lại chê kia đấy. Chính quẻ xấu lại tốt. Và ‘’ngộ vũ tắc cát’’ (gặp mưa thì tốt), chữ sách dạy kia mà!
Tâm cũng phải bật cười. Chàng sực nhớ đến chuyện ông Đặng Đình Tướng đời Lê trước, gần kỳ thi cũng đến một đền thiêng lễ cầu mộng, đêm nằm thần báo cho biết đến bốn mươi tuổi mới đỗ. Lúc tỉnh dậy ông không tin, làm một bài thơ cãi lại:
Sách thuộc văn hay sự chẳng ngờ!
Văn hay chữ tốt đỗ đương vừa
Thần linh chẳng biết mà rằng vậy
Đến bốn mươi thì đã Thượng thư!
Sau quả như lời thơ, bốn mươi ông đã làm đến Thượng Thư. Tâm ngẫm nghĩ, tự bênh vực:
- Mình cũng vậy đấy! Có lẽ vị thần đây chưa biết mình cho lắm, có khi nhầm!
Lúc ấy chàng mới yên tâm.
Đêm ba mươi ra tỉnh trọ, chàng trằn trọc suốt đêm không ngủ được, tuy đã sửa soạn xong tất cả, mà chàng vẫn khắc khoải sợ thiếu vật gì. Bút mực, giấy nghiên, bình nước đủ cả rồi mà! Chàng liên tưởng mà nghĩ cả đến lời ăn tiếng nói của cô hàng xén phố cửa trường ban chiều. Cô cười nói có duyên tệ. Cô bảo chàng:
- Hàng em may mắn lắm cơ, khoa nào những khách mua hàng nhà em đều đỗ cả. Đây bút ô long, bút thử tu, bút điệu tụ, thầy muốn chọn bút nào tùy thích, thầy lấy giấy à, giấy kỳ này chỉ còn ít giấy thường. Thầy lấy bốn tờ to đủ cánh quyển (đổi quyển, khi đổi quyển phải đem quyển cũ lên nộp lại phòng và mang theo quyển mới lên lấy dấu giáp phùng ở tờ đầu), kỳ đệ nhất này. Mười hai ngày nữa mới đến kỳ đệ nhị, có lớp giấy mới về thấy hẵng mua thêm. Ấy là nói phòng thế, chứ em thiết nghĩ làm văn đã cánh quyển thì cũng khó đỗ lắm.
Tâm nằm nghĩ lời nói cô hàng mà có phần đúng. Đi thi mà đổi quyển luôn thì cũng chẳng hay ho gì. Chàng quyết định viết rõ cẩn thận để khỏi cánh quyển. Biết đâu lời người con gái nói chả đanh thép như đinh đóng vô cột!
Rồi chàng nằm ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Đến lúc ông Lý đánh thức dậy thì chừng đã quá giờ Tý rồi. Trong nhà trọ, mọi người đều đã tỉnh cả, đang nói chuyện rì rầm. Họ đã sắp sửa xong cả rồi, chỉ còn ngồi nán lại một tí nữa cho tỉnh táo thêm. Tâm cũng vậy. Lều chõng, cơm nước, ống quyển, tráp, nghiên bút, đã để sẵn ra đấy. Và ông Lý cứ lăn xoăn đứng lên ngồi xuống, đi ra đi vào. Chỉ còn có việc đi, nhưng ông Đồ bảo:
- Thong thả đã nào. Ra sớm mà đứng mỏi chân!
Ở ngoài tiếng người đi lại nhộn nhịp, những ngọn đuốc tre tỏa những làn ánh sáng rung rinh nhảy múa lướt qua, rồi bỏ rơi phố phường vào đêm tối. Những người và đuốc đều đi dồn cả về phía trường thi.
Giời lay phay mưa. Gió heo may thổi lạnh từng cơn. Tối đen dày, giơ tay qua mặt không nhìn thấy gì. Mặc dầu những sĩ tử đã thuộc làu đường lối từ mấy hôm trước, cứ lần mò đường thẳng về phía bãi trường thi. Nơi đã có trăm nghìn bó đuốc làm đích lập lòe như đàn đom đóm trên một bờ rào rậm rạp. Tứ phía các sĩ tử đổ ra tiến về trường thi như nước chảy.
Chợt ba hồi trống đánh. Ở ba phía trường ba cây đinh liệu cháy ngút ngàn, bùng bùng sáng rực một góc giời, chiếu rõ ràng cảnh vật và mặt mũi các vị anh hào sắp sửa khua nghiên vác bút xông vào trận văn!
Thấy ánh lửa chiếu sáng rực, ông Đồ vội giục:
- Thôi ta đi mau!
Tức thì Tâm đeo ống quyển, khoác tráp, nghiên bút, treo gói cơm và lọ nước lên vai. Ông Lý vác lều và chõng cùng theo ông Đồ ra trường. Trên bãi cỏ rộng trước cửa trường, đặc nghịt những người, đầu nón chóp sơn nhô nhố chen sát nhau như đàn vịt bị xô dồn vào một góc ao. Làn sóng người cứ cuồn cuộn liên tiếp đẩy nhau vào trước bốn cửa vi ngỏ như nước chảy lan về mọi lỗ hổng.
Tâm với ông Lý, ông Đồ cũng bị cuốn về cổng vi Hữu, nơi hôm trước Tâm đã tìm thấy tên mình trên bảng yết. Thôi thì đủ mọi hạng người, già có, trẻ có, sang có, hèn có. Có người già nua sáu bẩy mươi tuổi, đầu bạc phơ đi run rẩy bẩy cũng lụ khụ vác lều chõng vào trường. Có người phong lưu đài các áo bông quấn sù sụ, thênh thang đi trong đám đông người, lều chõng đồ đạc đã có đầy tớ mang hầu. Có người đúng mặt hàn nho kiết xác, gầy như cái que, cái áo nâu mỏng dính đét vào da, co ro đứng nép người bên cạnh ngóng đợi. Có người yếu quá, cất cổ không nổi, lều chõng bị lôi sềnh sệch trên mặt đất. Cũng có người sức vóc rắn rỏi, hai vai đã nặng chĩu, hai khuỷu tay còn đủ sức thích bên kia, gạt bên nọ, len đi băng băng. Có nét mặt dương dương tự đắc, có vẻ mặt tư lự lo âu.
Đủ các người, đủ các vẻ. Học trò vẫn còn dần dần kéo đến. Họ gọi nhau, hỏi nhau, cãi nhau, nói chuyện lâm râm, hay quát tháo om sòm. Tất cả các thứ tiếng ấy hợp thành một tiếng vọng âm thầm chuyển tít đi xa như chợ tết.
Các cây đinh liệu đã cháy hết non một nửa. Tàn lửa đỏ lòm bay theo ngọn gió Bắc tản mát giữa lưng giời rồi từ từ rơi xuống đám đầu ngươi, xuống quãng đồng không, xuống những làng mạc xa tít nhanh vụt như sao sa!
Trước cửa vi hữu, cũng như ở ba vi kia, một toán lính kiểm soát đã đứng chực sẵn với một dáng điệu nghiêm trang. Gọn gàng trong tấm áo nẹp xanh viền đỏ, đội chiếc nón sơn quang dầu, tay nghênh ngang cầm một cái tay thước có sợi dây ngũ sắc thòng lọng xuống, họ đứng quanh cái ghế trèo cao chín bậc để dành đợi vị khảo quan. Cái khung bảng dán giấy hàng mấy nghìn tên người vẫn còn ngang nhiên treo ở cổng, tuy bấy giờ không còn ai đoái hoài đến.
Trong Nhà Thập Đạo, trống khẩu cùng với kiểng đồng theo nhau gióng đủ ba hồi chín tiếng. Bóng đèn lồng lay động, các Trường quan sắp sửa xuống các vi. Hai Quan Ngự Sử và mấy đội Thể Sát đã oai nghiêm với bổn phận giám sát trên chòi canh. Hai ông Phân Khảo ra hai vi Tả, Hữu. Ông Phó Chủ Khảo theo biển ‘’Phụng chỉ’’ đến cửa vi Ất. Cửa vi Giáp do ông Chánh Chủ Khảo ra với lá cờ Khâm Sai.
Hai hàng đèn lồng lấp ló soi hai bên đường, đôi lọng xanh nghiêm chỉnh che cho vị Phân Khảo phẩm phục oai nghiêm tiến ra cửa vi. Ông khoan thai trèo lên ghế, ngồi bệ vệ trên chiếc ghế tréo với một chồng quyển thi của học trò. Tiếng ồn ào ở ngoài im bặt. Hàng vạn con mắt đổ dồn cả vào vị Khảo Quan.
Bỗng như xé làn không khí, tiếng loa ‘’chiếu lệ’’ thét ở chòi canh:
- Báo oán giả tiên nhập! Báo ân gỉa thứ nhập! Sĩ tử thứ thứ nhập!
Tâm nghe thấy mà phát sợ rợn tóc gáy lên. Những chuyện báo ân, chàng đã được nghe nhiều rồi, không lấy gì làm quan tâm cho lắm. Nhưng giờ đây, ở giữa nơi trường ốc, nơi người học trò tìm thấy sự hiển đạt, mà đầu tiên chàng nghe ngay được thấy người ta mời các oan hồn báo oán vào trước, chàng càng nơm nớp sợ cho số phận mình, lo ông cha mình ngày trước có làm điều gì tàn ác tàn nhân hại vật. Những người lính đứng cạnh Khảo Quan theo miệng người lại phòng cầm danh sách vừa múa loa lên gọi tên học trò.
Một tiếng ‘’dạ’’ dội lên trong đám đông. Một thiếu niên nóng nảy huých ngang huých dọc, lách qua ‘’vòng vây’’, để các đồ đạc kềnh càng trên khu đất trước mặt khảo quan cho toán lính kiểm soát xong vái chào rồi lĩnh quyển bỏ vào ống, được phép vào trường. Tiếng loa lên gọi tiếp, tiếng dạ đáp lại. Cứ lần lượt như thế mãi. Ở ngoài người đợi mỗi lúc một nóng ruột thêm, người ta chen, dồn vào, nhưng lặng lẽ nghe. Tiếng loa vẫn cách quãng gọi tiếp. Học trò ‘’dạ’’ tiến vào vẫn đều đều. Trong trăm người mới họa có người mang sách in hay văn cũ bị khám thấy, phải đuổi ra ngoài trường. Nhưng không ai thương hại gì người ấy, ai nấy đều mải lo đến lượt mình. Người ta nóng lòng ngóng đợi. Nóng lòng sốt ruột nhất là Tâm. Cây đinh liệu đã cháy hết ba phần tư rồi, chừng đã quá Sửu sang Dần, mà tên chàng vẫn chưa được chuyển vang lên loa đồng. Chàng ngơ ngác lo âu, chàng chỉ sợ vào sau hết chỗ và cắm lều lóng ngóng quá giờ không kịp biên đầu bài thì nguy khốn. Ông Đồ biết ý mắng yêu:
- Yên mà chờ, làm gì mà rối lên thế. Trường thi rộng chứa hàng mấy vạn người chưa hết, huống chi là từng này. Vào xong đâu đấy mới có bài ra. Im mà nghe!
Chợt tiếng loa gọi:
- Nguyễn Đức Tâm! Nam Định, Thịnh Hậu.
Ông Đồ giục:
- Kìa cháu! Dạ lên Nguyễn Đức Tâm, Thịnh Hậu đấy, chen vào.
- Dạ -a-ạ!
Tâm đáp lại một tiếng thật to rồi chen sấn vào, ông Đồ đã giật lấy lều chõng ở ông Lý đem theo vào cho Tâm. Vượt qua được làn người, ông Đồ mang mãi lên chỗ đất khám cho chàng. Chàng vái chào khảo quan, chào các lính kiểm soát. Bọn lính vẫn nghiêm nghị lạnh như sắt mà làm việc như máy. Họ tung cái nón lên, họ giở cuộn áo lều, họ nhòm những mộng chống, khe chõng, chân chõng nghi ngờ, họ tháo cả hai chân trước ra. Họ ghé mắt vào ống quyển, lấy que khuấy vào bầu nước. Họ lần giải lưng thọc tay vào túi, vuốt các gấu áo, gấu quần. Họ cởi tung cả bộ gọng lều. Sau cùng soát đến cái tráp son. Này một thoi mực, một cái nghiên và cái bút, một cái dùi vở, một tập giấy trắng để cánh quyển. Này mấy cái bánh lá, hai cặp bánh giầy, một nắm cơm, một khúc giò nạc và một gói muối vừng với năm trăm vàng hoa. Ngoài ra không còn gì nữa.
Tâm được phép lĩnh quyển. Người lại phòng đưa quyển cho chàng, chàng cuốn lại bỏ ống rồi thu lều chõng vác vào vi. Những người trước đã đặt chõng cắm lều thành từng hàng dài. Có người cắm riêng hẳn ra một nơi. Trông ngổn ngang như lều chợ cả một lượt. Tâm tiếp với dẫy của những người đến trước, cắm lều ngay lối ra đường lên Nhà Thập Đạo.
Bút Nghiên Bút Nghiên - Chu Thiên Bút Nghiên