Giá trị thật của một người không phải ở chỗ cách anh ta xử sự lúc đang thoải mái và hưởng thụ, mà là ở chỗ lúc anh ta đối mặt với những khó khăn và thử thách.

Martin Luther King Jr.

 
 
 
 
 
Tác giả: Chu Thiên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 48
Cập nhật: 2017-06-20 14:35:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ây giờ Tâm chỉ còn có điều bận rộn trong óc: Tưởng nhớ đến cô Mai và chuyện nghĩ đến kỳ thi sắp tới. Tuy vậy hai điều ấy liên can cần thiết tới nhau, kết tụ nhau thành một. Bởi hình ảnh cô Mai luôn luôn lúc nào cũng ở bên Tâm, an ủi chàng, tưởng lệ chàng, vuốt ve chàng, cho chàng nhất tâm mà nghĩ đến sự học, sự thi. Vậy thì ta có thể nói Tâm và Mai đang cùng nhau sửa soạn để lều chõng lên đường.
Nhưng trước khi theo Tâm vào trường, tưởng ta cũng cần phải biết nơi trường thi và cách xếp đặt trong ấy ra sao.
Chế độ khoa cử của ta thủa trước đều phỏng theo của người Tàu cả. Nước Tàu bắt đầu có khoa thi từ đời Vũ Đế Nhà Tây Hán (hai trăm năm trước Thiên Chúa Giáng Sinh), đặt ra khoa Bác Sĩ, bên ta Vua Thánh Tôn Nhà Lý, sau khi lập ra Văn Miếu, tô tượng Đức Thánh Khổng cùng chư Hiền và mở Trường Quốc Tử Giám, đã mở khoa thi trước nhất để lấy người bổ dụng vào các chức vụ của nước.
Đến Nhà Trần, Vua Trần T6hái Tôn đặt ra hai Trạng Nguyên, Kinh Trạng Nguyên và Trai Trạng Nguyên.
Đến đời Lê, cái nguyên tắc thi cử vẫn giữ nguyên, còn quy củ và chế độ trường thi cũng theo với các triều Minh, Thanh bên Tàu mà thay đổi thêm bớt đi ít nhiều Lại mở ra những khoa chuyên môn là khoa Minh Kinh và khoa Hoành Tứ. Cho đến triều Nguyễn gần đây, tuy có thêm bớt ít nhiều về thể lệ thi và thay đổi một ít danh từ (đời Lê Hương Cống, bây giờ đổi là Cử Nhân, Sinh Đồ đổi là Tú Tài), song vẫn theo y đường lối cũ, cứ ba năm một kỳ Thi Hương, năm sau Thi Hương là có Thi Hội và Thi Đình. Thi Hương mở đúng vào những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Hội Thi và Đình Thi nhầm vào những năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Ngoài những năm ấy mà gặp những trường hợp đặc biệt như Vua lên ngôi, sinh Thái Tử, Khánh thọ Thái Hậu hay Khánh thọ Đức Vua, lại mở những khoa đặc biệt gọi là ân khoa. Gần đến những khoa thi, thường khoa hay ân khoa cũng vậy, đều có chiếu chỉ của Nhà Vua ban ra và giấy thông sức của các quan địa phương biến báo cho thần dân khắp hang cùng ngõ hẻm đều biết. Đọc được tờ thông sức ấy, con nhà cử nghiệp phải đinh ninh nhớ lấy kỳ hẹn mà vác lều chõng đến trường thi. Ở Bản Triều về đời Vua Minh Mạng và Thiệu Trị có cả thảy bảy trường thi là Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên, Bình Định và Gia Định (Nam Kỳ).
Đến cuối triều Vua Tự Đức (1884) trường Hà phải thi chung vào trường Nam gọi là Hà Nam hợp thi. Từ đấy cho mãi đến năm 1915 là năm các nho sĩ Việt Nam tụ tập lần cuối cùng để vĩnh biệt cái lề lối học cũ, ở trong nước chỉ còn có bốn trường. Trừ ra trường Thừa Thiên ở Kinh Đô có tường gạch và hai mươi mốt tòa nhà lợp ngói để dùng làm cả nơi Hội thi, còn các trường khác đều có tính cách tạm thời, nhà gianh và rào nứa, thi xong có thể phá hủy đi, còn trơ một cái bãi mông mênh. Nay ta hãy lục bản đồ cũ mà xem lại cái địa thế trường thi Hà Nội tất ta hiểu được tất cả các trường kia, vì mọi trường đều giống nhau và cũng làm theo một kiểu vẽ, cùng một lối kiến trúc.
Dài độ 200 thước tây, rộng chừng 150 thước, trường thi Hà Nội phía Bắc là phố Trường Thi bây giờ, phía Nam, con đường từ Trường Bách Nghệ đến hết Tòa Án, phía Tây là phố Lambert và phía Đông là Phố Jauréguiberry. Trên khu đất ấy bây giờ ta thấy Sở Lưu Trữ Văn Thư, Phòng Thư Viện Pierre Pasquyer, Sở Thanh Tra Nông Vụ, Sở Sen Đầm và Trường Kỹ Nghệ. Phòng đọc sách ở Thư Viện bây giờ chính là chỗNhà Thập Đạo trường thi ngày trước, nơi các sĩ tử đón đổi quyển và đem nộp quyển.
Khu đất rộng ấy chia làm hai phần, phần ngoài ngắn hơn phần trong một ít tức là nơi thi, có rào riêng làm bốn vi Tả, Hữu, Giáp, Ất, để chừa ra hai con đường chạy gặp nhau thành chữ thập. Ở giữa chữ thập ấy người ta dựng Nhà Thập Đạo. Mỗi vi có hai cửa vào và một cửa lên Nhà Thập Đạo. Thẳng lối Nhà Thập Đạo đi ra là cổng Tiền Môn, cái lối của học trò ra, sau khi đã nộp quyển rồi. Thẳng Nhà Thập Đạo đi vào có một cái cổng đi vào phần trong. Phần trong lại chia ra làm hai: Nội Trường và Ngoại Trường.
Ngoại Trường rộng gấp rưỡi Nội Trường, cũng có hai phần. Ở giữa phần ngoài có một cái nhà rộng gọi là Thi Viện để các Quan Chánh, Phó Chủ Khảo và Phân Khảo làm việc xem lại các bài thi. Hai bên có bốn cái nhà ở của các vị quan ấy, mỗi ông một nhà. Ở trong cùng, giáp với phần trong có hai cái ao. Ở đầu bên trái có một tòa nhà của Quan Giám Sát coi cả Ngoại Trường. Về bên phải một dẫy nhà con, của các lại phòng (thư ký). Vào phần trong, ở giữa hai đầu hai cái ao rộng, một bức tường vây kín bốn mặt chỉ để một lối đi thẳng sang Thi Viện. Đây là nơi riêng của các Quan Đề Tuyển chuyên việc thu quyển. Ở giữa là Nhà Đề Tuyển, nơi làm việc. Hai đầu là Nhà Quan Chánh và Quan Phó Đề Tuyển. Trong cùng, sau Nhà Đề Tuyển là dẫy nhà lại phòng. Ở Khu Đề tuyển ra, ta vòng lại đằng sau, đi qua một cái cổng ngõ, ta vào đến Nội Trường. Ngay trên hàng đất ta vừa để chân lên, ở tận hai đầu quay lại mặt nhau, hai tòa nhà của các Quan Sơ Khảo. Đi thẳng vào giữa là Nhà Giám Viện, một cái nhà rất rộng như Thi Viện, là chỗ các quan đến đấy chấm bài. Hai bên giám viện là hai nhà các Quan Phúc. Đằng sau Nhà Phúc Khảo, bên trái có một tòa nhà của Quan Giám Sát coi Nội Trường. Vào hàng trong cùng, hai đầu lại có hai nhà sơ khảo đối với hai nhà ở hàng ngoài. Tất cả có bẩy cái chòi canh: Hai cái ở góc trong cùng Nội Trường, hai cái ở góc ngoài cùng bãi thi, hai cái ở hai lối vi Giáp Thông sang vi Tả và vi Ất thông sang vi Hữu: Một cái ở cạnh Nhà Thập Đạo. Những ngày thi, các Quan Ngự Sử giám sát và mấy viên đội thể sát lên ngồi trên chòi để kiểm soát hành động của mọi người. Ở cổng Nội Trường ra Ngoại Trường và cổng Ngoại Trường ra bãi thi, ngày đêm đều có lính canh, cấm ngặt hai bên không được giao thông với nhau. Đó là cách xếp đặt trong trường thi. Bây giờ ta mới xét qua đến chức vụ các khảo quan.
Ban Khảo Thi gồm có một Quan Chánh Chủ khảo, hàm tùng nhất phẩm hay nhị phẩm, hai viên Phân Khảo, hai viên Giám Khảo, hai viên Đề Tuyển, bốn hay tám viên Phúc khảo, tám hay mười sáu viên Sơ Khảo (tùy theo số thí sĩ). Ban Giám Sát gồm có hai Quan Ngự Sử giám sát Nội Trường và Ngoại Trường và tám đội thể sát, bốn coi việc thi, bốn giữ trật tự.
Đến kỳ thi, Văn ban đình thần hội họp lại để cử Ban Khảo Thi, chọn hai viên Đề tuyển trong hạng lại điền xuất thân (không phải là người đổ đạc), còn các vị khác đều có chân khoa mục cả. Kén chọn xong, đình thần làm sớ tâu lên Hoàng Thượng lấy dấu chân phê (son phê). Từ năm Bính Tuất niên hiệu Đồng Khánh nguyên niên (1885), triều thần chỉ cử các Quan Phân Khảo Đề Tuyển giở lên thôi, còn các Quan Phúc Khảo và Sơ Khảo do các Quan Kinh Lược chỉ định.
Hoàng Thượng xem sớ tâu xong, phê lời chỉ dụ, đồng thời ngài phê cử hai ngự sử sung giám sát Nội Trường và Ngoại Trường.
Trước khi lên đường, các quan được cử đi phải vào bái mạng Hoàng Thượng, rồi ra Bộ Lễ (từ năm 1908 đổi sang Bộ Học) lĩnh cờ và bài, trên có chữ ‘’Chỉ’’ to và chữ ‘’Phụng’’ nhỏ, ý nói chỉ vua truyền và các quan phải tuân theo. Các quan phải đến trường thi trước ngày thi một tuần. Đến nơi các quan vào tiếp kiến Quan Tổng Đốc địa phương rồi tức khắc làm lễ tiến trường và ở luôn trong trường cho đến khi thi xong. Các quan chức địa phương phải cử bốn mươi người lại phòng sung việc biên chép trong trường thi và cử lính đặt dưới quyền Quan Ngự Sử, lại phải cung cấp lương thực cho các quan trường đủ trong thời hạn thi. Đến ngày thi, lại phái một viên Lãnh Binh đem quân hộ thành diễu quanh trường để tăng phần nghiêm ngặt.
Các quan đã vào trường rồi, phải ở riêng những nhà đã dành riêng cho mình, không được đi lại với nhau. Hai Quan Đề Tuyền soạn các quyển thi, đảo lộn lên, chia ra bốn phần rồi soạn các quyển thi riêng từng phần một, viết rõ tên và quán chỉ thí sinh dán ra ngoài cổng các vi cho họ xem trước phải vào vi nào. Độ hai giờ sáng hôm thi trường nhất, các quan chia nhau ra đứng các lối vào, gọi tên thí sinh và giao quyển cho họ, các sĩ tử vào hết rồi, các quan họp ởNhà Thập Đạo ra bài. Còn hai Quan Ngự Sử lên chòi trông coi sự gian lận. Các quyển thu về giao cho hai Quan Đề Tuyển rọc phách rồi đưa vào Giám Viện, ở đấy các Quan Sơ Khảo chia chấm rồi chuyển cho các Quan Phúc Khảo và Giám Khảo. Người nào chấm quyển nào phải đề chức phận, họ tên, rồi điểm phê. Một quyển thi đủ ba vị chấm rồi giao trả bên Đề Tuyển. Những quyển nào bình thứ trở lên đưa ra Thi Viện để đến lượt các Quan Chánh Phó Khảo chấm lại và phê điểm lên trên ba vị kia. Còn những bài bị loại thì giao các Quan Phân Khoa chấm.
Nếu có bài nào khá mà các quan kia bỏ sót thì sẽ được chọn lên cho Quan Chủ Khảo định đỗ. Khi có một ý kiến bất đồng giữa các khảo quan thì lập một hội đồng ở Thi Viện để bàn định, bao giờ cũng dựa theo ý kiến của vị quan hạ trật hơn. Chấm xong viên Đề Tuyển lại làm giấy yết lên những người vào kỳ sau. Khi ba kỳ thi chấm xong rồi, Quan Đề Tuyển kháp phách, đóng liền cả ba quyển của những người có một bình giở lên rồi đưa sang cho Quan Chánh Phó Khảo định thứ tự. Quan Đề Tuyển theo thứ tự ấy tra họ tên quán chỉ rồi làm danh sách niêm yết ra cổng trường. Những người có tên trong danh sách ấy được vào Phúc Hạch, phải đem nộp một quyển bài cũng như những quyển trước và cả lều chõng nữa. Ở vi nào vào vi ấy. Lại phòng nhận thấy lều chõng và quyển ấy, sai lính đem cắm lên sẳn sàng cách nhau rất rộng. Hôm sau thí sinh nhận được quyển, cứ việc tìm đến cái lều có tên mình, đầu bài Phúc Hạch sẵn đấy rồi, chỉ việc bắt đầu làm việc thôi. Xong kỳ Phúc Hạch Quan Chủ Khảo xét lại tất cả các quyển thi, định thứ tự, đưa sang Quan Đề Tuyển kháp tên làm bảng, cứ một Cử Nhân thì ba Tú Tài. Những người vào Phúc Hạch mà bài kém quá thì bị loại hẳn, còn những người khác được lấy làm Tú Tài. Nếu số người đỗ trong kỳ Phúc Hạch mà không đủ gấp ba số Cử Nhân thì lấy xuống những người ba trường đều được thứ cả.
Xong đâu đấy cử hành lễ Xướng Danh. Tất cả các quan đều họp ở cái đàn ngoài cổng Tiền Môn. Một viên đội thể sát cầm loa hét vang dậy tên các ông Cử mới. Thế là xong khoa thi, các Quan Trường làm danh sách các vị tân khoa (chỉ nguyên các ông Cử thôi) và làm sớ tường thuật vụ thi tất lên Hoàng Thượng. Nếu trong suốt kỳ thi có vị nào thiên tư, gian lận hay thiếu bổn phận cùng là chểnh mảng trong công việc, hai viên Ngự Sử sung chức giám sát sẽ làm sớ đàn hặc. Những người liên can sẽ bị giáng chức, cất chức hay tù tội tùy theo nhẹ nặng. Đồng thời, các trường quan lại làm bản tấu riêng những người viết chữ phạm huý đệ lên Hoàng Thượng phê phán. Phạm trọng huý sẽ bị tù tội, phạm kinh húy sẽ bị cấm thi trong một thời hạn dài hay ngắn.
Việc thi cử ngày trước nghiêm ngặt và bó buộc người ta như vậy nên kẻ cắp sách đi học, muốn cho nên danh phận phải cho việc thi là một việc quan trọng nhất trong đời người, hơn cả những nổi sinh ly, tử biệt. Từ lúc thi hạch đến lúc nộp quyển thi, lúc vào trường, việc gì cũng phải suy định ngẫm nghĩ chu đáo từ lâu, lúc nào cũng chỉ tâm tâm niệm niệm đỗ mà thôi. Có như vậy mới xứng đáng là con nhà cử nghiệp.
Tâm từ lúc biết thích học đến giờ, đã luyện theo khoa cử, nhất nhất cái gì dính dáng về việc thi, chàng cũng lưu ý đặc biệt. Sau kỳ thi thử ở Trường Cụ Nghè, tin chắc học lực của mình có thể chống chọi được với mọi sĩ tử cừ khôi, chàng càng thận trọng để ý đến những sự vật chung quanh việc thi lắm. Nhất là về việc nộp quyển chàng săn sóc đến một cách thiêng liêng. Chàng đi ra chợ mua ba chục giấy tốt mặt trắng ngà mà mịn, không có một tờ giấy nhàu vá nào. Đem về, chàng lấy dao thật sắc rọc đôi ra, chọn cái dùi thật nhọn, se cái rất lề rất săn, đem đóng làm ba quyển vở rất đều, rất đẹp. Đoạn chàng lấy cái bút thật mới nguyên mài nghiên mực rất đặc, dầm bút viết thử ra một tờ giấy. Chàng nắn nót ba chữ ‘’Nguyễn Đức Tâm’’ cho thật đẹp, dưới ba chữ tên chàng viết hai dòng chữ nhỏ:
‘’Niên canh thập lục tuế, quán Nam Định Tỉnh, Nghĩa Hưng phân Phủ, Đại An Huyện, Phú Lão Tổng, Thịnh Hậu Xã, Thụ nghiệp ư Phạm Xá, Đinh Sửu khoa Tiến Sĩ Quan Trần...’’.Sang dòng bên liền mép giấy chàng viết bốn chữ to bằng chữ tên ‘’Cung khai tam đại’’, dưới lại viết hai dòng nhỏ ‘’Tằng tổ, Cố Lê Thập Lý Hầu Nguyễn Quốc Bảo, một Tổ, Tiền Bản triều tinh binh đội trưởng Nguyễn Đức Tích, một Phụ, Bản xã cựu Lý Trưởng Nguyễn Đức Tưởng, tồn’’. Viết thử luôn ba tờ như thế rồi chàng mới viết vào tờ đầu ba quyển thi kia. Viết xong chàng cuộn bỏ cẩn thận vào ống quyển rồi giục ông Lý sửa giầu rượu để lên cái khay son đem cả ống quyển ra đình lễ. Ông Từ thấp hương thỉnh chuông xong, chàng thành kính đứng trước hương án trong chính điện lễ bốn lễ rồi quỳ khấn rất lâu. Chàng đứng dậy, mở ống quyển lấy ba quyển vở ra đặt lên chiếc mâm bồng ở giữa án thư rồi lại quỳ xuống khấn xin âm dương. Keng một cái, hai đồng tiền quay quay rồi nằm dẹp xuống đĩa, một đồng sấp, một đồng ngửa. Chàng để đĩa tiền lên hương án rồi hớn hở lễ tạ. Về đến nhà, ông Lý hỏi ngay:
- Thế nào, con?
- Tốt lắm! Thầy ạ, mới có một đài âm dương ngài cho ngay.
- Thế con đi ra lễ miếu Đức Long Thần đi, thầy cùng đi.
Ông Lý bưng khay lễ cho Tâm, còn chàng thì cầm ống quyển. Cũng như ở đình, ở đây sau khi đã cầu khấn mọi lẽ rồi, chàng xin một đài âm dương được ngay. Hai bố con lạy tạ rồi hớn hở ra về.
Hôm sau Tâm mang ba quyển lên tỉnh nộp ở Dinh Quan Đốc Học. Ở đấy người ta đóng dấu giáp phùng vào tờ đầu rồi theo số quyển đã nộp làm bản thống kê đệ vào Bộ để trong triều biết số học trò ứng thí. Còn các quyển thi kia sẽ do Quan Tổng Đốc Sở tại giao cho Quan Đề Tuyển hôm tiến trường.
Nộp xong quyển ở Dinh Quan Đốc Học, chàng thấy nhẹ nhõm hẳn người, hớn hở đi ra. Thì một viên Đô Lại có tuổi gọi giật lại:
- Này cậu! Đầu xứ kỳ vừa rồi đấy phải không? Tôi cầu cho cậu được Khôi Nguyên khóa này nhé?
- Đa tạ cụ, nhưng làm gì đến lượt cháu!
- Không, giời không đóng cửa ai đâu! Cậu có tài, cứ chính tâm thành ý, là thế nào cũng được.
- Vâng xin chào cụ thôi, cháu về kẻo muộn.
Chàng trở về làng Phạm Xá, trong lòng mung lung rạo rực, nghĩ thấm thía về nhời viên lại già.
Bút Nghiên Bút Nghiên - Chu Thiên Bút Nghiên