A book is to me like a hat or coat - a very uncomfortable thing until the newness has been worn off.

Charles B. Fairbanks

 
 
 
 
 
Tác giả: Chu Thiên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 48
Cập nhật: 2017-06-20 14:35:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
ai tháng sau, một hôm Tâm đang ngồi đọc bộ ‘’Thi Lâm’’ thì thấy ông Lý Tưởng ra. Chàng vội chào rồi hỏi dồn:
- Thầy ra chơi hay có việc gì thế thầy? Mẹ con có khỏe không? Lúa má độ này thế nào?
- Ở nhà bình yên cả, lúa má năm nay thuận mưa tốt lắm. Tôi ra ngoài này chơi thăm anh và mang cho anh tờ giấy sức này!
- Tờ sức gì thế hở thầy?
- Tờ sức về kỳ thi khảo vừa rồi! May quá, cả làng mừng! Con được đỗ đầu con ạ! Đỗ đầu cả Tỉnh.
- Đâu? Thầy đưa tờ sức cho con xem.
Ông Lý giở vòng khăn lượt trên đầu, mở nếp ra lấy một tờ giấy gập làm tám nép chặt vào nếp khăn, ông đưa cho Tâm. Tâm cầm lấy mở tờ giấy ra, chữ thảo múa mang, dấu son đỏ se cả, chàng đọc:
‘’Hàn Lâm Viện Thị Độc lĩnh Nghĩa Hưng phán phủ Huấn Đạo Quan Trần, thông sức Phú Lão Tổng, Thịnh Hậu Xã chu trì, tư thừa Tỉnh Đường Học Chính lục sức bản hạt trúng khảo khóa sĩ nhân danh sách, chiếu đặc y xã nhân Nguyễn Đức Tâm niên canh thập ngũ tuế, thiếu niên mẫn tiệp, danh quán quần mông, nạp quyển chi hậu, hựu đắc Thượng quan triệu nhập diện hạch văn tài lưu loát, mông ân ưu thưởng, tư sức y xã đồng dân chu trì, rĩ khuyến hậu lai tu chi thông sức giả.
Tự Đức thập ngũ niên, tứ nguyệt, thập nhị nhật. Thư lại Nguyễn Bích phụng thảo’’
Dịch ra quốc văn:
‘’Quan Hàn Lâm Viện Thị Đốc, lĩnh chức Huấn Đạo phân Phủ Nghĩa Hưng họ Trần, thông sức cho lý dịch xã Thịnh Hậu, Tổng Phú Lão tuân, nay nhân theo Nha Học Chính Tỉnh Đường lục sức danh sách những người trong hạt ta trúng kỳ khảo khóa này, xem có tên đỗ đầu tức là người xã ấy tên là Nguyễn Đức Tâm, mười lăm tuổi, tuổi trẻ tài nhanh, danh trùm mọi trẻ, sau khi nộp quyển lại được các quan trên triệu vào diện hạch, văn tài trôi chảy, mông ơn được ưu thưởng, vậy sức cho lý dịch xã ấy chuyển bảo cho đồng dân đều biết, để khuyến mọi trẻ sau này. Vì vậy phải thông sức.
Hoàng hiệu Tự Đức năm 15, tháng 4, ngày 12
Thư lại Nguyễn Bích thảo’’
Quan Huấn phê một chữ ‘’chiếu’’ dài.
Tâm đọc xong tờ sức, gập lại đưa giả ông Lý rồi hỏi:
- Ở làng người ta có nói sao không thầy?
- Giấy sức về ai cũng mừng. Có một vài đứa xấu bụng ghen ghét phao những tin ám muội. Nhưng mồng một hôm nọ nhân kỳ lễ sóc, đông đủ các cụ quan viên, đồng dâng chiếu lệ làng, trừ cho con mọi công sai, tạp dịch. Thôi đỗ đặt chưa đến, nay hẵng cứ dần dần như thế cũng vẻ vang với làng nước và bõ công thầy mẹ nuôi con đi học.
- Ấy sao thầy lại nghĩ thế. Mình bằng lòng với sự ít như vậy thì còn mong đỗ cao làm sao được.
- Nhưng mà chưa có hoa, ta hãy mừng nụ đã. Con xem cả làng ta hiện giờ đã có ai được trừ như thế chưa. Trước kia mới có ông Đồ Thức được thôi.
- Đã đành thế, nhưng mình đi học phải mong Cử Nhân, Tiến Sĩ chứ cần gì cái vặt ấy. Lạy Giời lạy Phật, đi hạch cũng đỗ mà Thi Hương cũng đỗ cho, thì còn mừng chán. Dạo này nắng, thầy về đánh cho cái bia lều. Đã có cậy chưa nhỉ?
- Cậy tháng bảy, tháng tám mới có chứ. Về dạo ấy hẵng đánh, đánh sớm nó nhầu nát đi.
- Bao giờ cũng được. Thầy chọn tre để sửa gọng lều và đóng chõng cho con nhé. Thầy để ý cho con việc ấy đấy. Cuối năm nay đã thi hạch rồi.
- Được rồi, bao giờ cậu đi là có sẵn tất cả.
Tháng mười năm ấy mùa gặt vừa xong, giấy sức đã về khắp cả các làng báo cho sĩ tử biết kỳ thi hạch sẽ mở vào ngày mồng một, tháng một để chọn những học trò đủ sức vào dự kỳ Thi Hương năm Mão sắp tới. Kỳ thi hạch cũng do Quan Đốc Học mỗi Tỉnh chỉ định lấy. Cách thức kỳ thi này khó hơn kỳ khảo nhiều. Đầu đề phần nhiều ra tương tự như đề mục Thi Hương. Muốn cho việc chấm được công bằng, người ta thường rọc phách của quyển rồi bỏ cả vào một hòm gửi đi Tỉnh khác đổi lấy bài nơi khác về chấm. Những người trúng hạch gọi là thí sinh, tức là người đi thi (candidat admissible au concours triennal)
Mồng một tháng một, ông Lý Tưởng thành tâm sửa một lễ chay đủ xôi gà oẳn quả, năm trăm vàng hoa, một thẻ hương tầu bầy vào một cái quả phù trang để đưa Tâm ra lễ Đức Thượng đẳng tối linh ở đình làng, cẩu khẩn ngài phù hộ độ trì cho sở cầu như ý, sở nguyện lòng Tâm...
Quỳ trước bàn thờ, trông lên hương án vàng son chói lọi, khói hương nghi ngút cuồn cuộn bay lên tản mát cả trong chính tẩm, Tâm chắp tay lâm râm khấn, tâm tâm niệm niệm thành kính cầu Đức Thượng Thần trong làng hết sức tin tưởng ở sự mầu nhiệm của ngài. Khấn xong, chàng khom khom giơ tay phải giọt ném hai đồng tiền trinh lên cái đĩa để trên chiếu xin một đài ‘’âm dương’’ chứng tỏ sự bằng lòng của đức tối linh. Hai đồng tiền rơi xuống quay quay tít, rồi dần dần nằm im hẳn trên đĩa, một đồng ngửa, một đồng sấp. Nhìn hai đồng tiền song song đối nhau, Tâm thỏa thích lắm, để tiền lên hương án rồi lễ tạ bốn lễ. Thế là Tâm được yên lòng ra đi với một vẻ tự tin mãnh liệt.
Hôm sau, mồng hai, Tâm đi sớm. Ông Lý Tưởng cùng với chú cu Thìn đem lều chõng đưa chàng đến tận trường. Một tấm bia to hơn cái chiếu phết bằng cậy, hai mép viền vải để căng, che mưa gió. Bốn cái khung bằng tre mật vót rất nhẵn nhụi để cắm xuống bốn con cá đóng bám ở mỗi bên thang chõng. Mỗi khung lại có ba cái ống tre luồn vào để uốn cong cho dễ. Khung ấy cuộn vào với tấm bia vác lên vai rất tiện. Cái chõng tre thanh thấu nhẹ nhõm, vừa một người nằm để cậu thí sinh nằm đấy mà viết bài. Ông Lý để mọi thứ ấy lên vai chú cu Thìn và nói:
- Lều chõng này là lều chõng cử nhân đấy chứ chẳng phải chơi.
Tâm vội nói gạt:
- Thầy chỉ được cái chưa chi đã nói trước!
Rồi cả bọn ba người ra đi với một vẻ hoan lạc riêng.
Sáng sớm tinh mơ, các học trò đã tề tựu đông đủ ở phía Đông trường thi, trước lối vi Giáp, thật là nhung nhúc như đàn kiến tha mồi chen chúc nhau mà đứng. Ai nấy đều ôm lều vác chõng, cổ đeo một cái ống quyển. Ống quyển là một cái ống gỗ có nắp hẳn hoi, tựa như cái ống bút cậu học trò, để đựng quyển thi, đầu và đít đều có hai bên hai cái móc đồng để luồn dây qua đeo vào cổ, quay chéo xuống nách. Những người giầu có, những con nhà quan cách đều có người nhà đầy tớ vác lều chõng và mang nắm cơm bình nước theo sau. Mọi người đều ngóng đợi, thì thầm:
- Các quan chưa đến kia nhỉ?
- Sắp đến Dần sang Mão rồi còn gì!
- Còn chờ sĩ tử đến đủ đã chứ!
- Lại còn chưa đủ à. Đông chen chúc như thế kia còn gỉ nữa! Năm nay còn đông hơn năm Hợi trước nhiều!
- Chuyện! Số học trò mỗi ngày một đông lên chứ.
Bỗng vẳng có tiếng trống tiêu cổ đưa lại:
- Bong! Bong! Bong! Bong!
Mọi người đều lắng tai nghe:
- Gì như tiếng trống các quan tiến trường ấy nhỉ?
- Chính phải rồi. Ta giãn ra để lấy lối các Ngài vào.
- Không các Ngài đi lối trên, tiện vào cửa tả nhị kìa. Đấy tiếng trống nghe gần gần rồi đấy. Mọi người chạy ùa ra ngó chỉ còn thấy mấy tên lính vác lọng đứng ở ngoài, võng Quan Đốc vừa chạy tuột vào trong vi tá rồi, còn các Quan Giáo Thụ, Huấn Đạo đi bộ cũng đang lục tục vào hết.
- Sắp vào trường rồi, các anh em ạ.
Người nọ nói chuyện với người kia, đang nhốn nháo chờ đợi thì cửa vi xịch mở, một người lính vác loa đồng ra để vào miệng múa một vòng rồi gọi:
- Oà! Sĩ tử các nhập!
Tức thì ai nấy đều chen nhau dồn cả đến lối vào. Bọn lính đứng khám lều, chõng, lục lọi ống quyển để ngăn cấm sự mang văn bài làm sẵn vào trường, chỉ kịp xem xét qua loa cho xong chuyện vì làn sóng người ở ngoài cứ cuồn cuộn tràn vào không tài nào mà ngăn cản được. Những lều chõng đều phải giơ lên trên đầu người tua tủa, trông ngổn ngang rối rít. Tiếng những người bị chen ngạt quá kêu oái oái, lấn át cả tiếng gọi nhau, hỏi nhau. Cái cảnh tượng ấy diễn ra đến nửa tiếng đồng hồ mới hết. Những người đã vượt qua cổng vi rồi, đi tìm chỗ để chõng, cắm lều. Những người quen nhau cùng ở một làng, cùng học một trường hay có cả một bọn thầy trò cũng tìm nhau cắm lều liền nhau vào một chỗ để họp nhau bàn bạc. Nhiều những tay lão luyện mà chưa có cái may mắn đeo cái danh ông Tú đều đua nhau mà làm gà (làm thầy thay hộ người khác) để kiếm lợi, khỏi lỗ vốn tiền đi và thừa tiền ché chén ở phố phường, lại có thêm tiền mang về cho vợ, mỗi quyển ba quan, năm quan, chục quan, tùy giá và tùy mặt. Còn quyển của mình làm lạo thảo về sau thế nào chẳng trôi, văn bài của những bậc ấy vốn đúng lề lối mẫu mực rồi kia mà!
Cho nên khi đề mục đã niêm yết rồi, mọi người đã đi chép về rồi, thì là lắm người chăm chăm viết lấy lệ để đợi bài của người khác đưa cho. Họ chạy lại, họ hỏi han, gần gần như ở nhà vậy.
Tâm hì hục mãi mới cắm xong lều, để chõng ngay ngắn lại rồi chễm chệ ngồi xếp bằng tròn rung đùi, ở ngay cửa lều, nhìn tất cả mọi lều. Có ông già đang cúi xuống nói thì thầm với một người trai trẻ. Có ông Đồ đang loay hoay ráp rất nhanh, có những chàng thanh niên thì thụt rụt rè chạy sang hỏi một vị đàn anh đang ngồi gật gù đọc. Tất cả đều đang làm việc hăng hái mải miết cả. Tâm trông họ chán, chợt nhớ đến mình, chàng lấy quyển ra viết. Chàng nghĩ:
- Rõ ác chữa, giá năm nay bà đừng mất, cậu Đồ Trí cùng đi hạch với mình, có phải mình làm nhẹ như tên!
Nhưng chàng lại nghĩ lại ngay:
- Không, mình đi học cốt để đi thi, chứ có phải cần lấy cái danh hão như họ đâu, mà mong ước ông Đồ đi làm giúp! Rõ lẩn thẩn?
Chợt đằng sau có tiếng gọi:
- Cậu Tâm, cậu Tâm! Chép đầu bài chưa?
Tâm ngoảnh lại, nhận ra cái người gọi mình là Nhất Phiêu học trò Cụ Nghè, đồng thời trông thấy cả bọn sáu bảy người, đều là bạn học cả. Chàng muốn chạy ngay ra họp mặt với họ, nhưng chợt nghĩ rằng nếu lại với họ, tức tỏ ra mình hèn, mình dốt, chả bõ để họ cười cho. Nên chàng lại thôi. Chàng tự nhủ:
- Mình đã nghiệp dĩ đóng lều ở đây rồi, không đi đâu cả. Đứa nào muốn đến thì đến, chẳng cần thằng nào hết.
Nhất Phiêu tưởng Tâm chưa nghe thấy câu hỏi, vội nhắc lại:
- Cậu chép đầu bài chưa?
- Chép rồi, nhưng chưa nghĩ được chữ nào.
- Cậu mà chưa nghĩ được, thì người ta đều hỏng hết à?
- Đại huynh cứ dạy quá thế, chứ đệ khôn nhà lú chợ là thường.
Rồi Tâm nằm xuống viết bài. Thỉnh thoảng lại có người chạy đến thì thầm hỏi một đoạn trong ‘’tứ thư’’ mà họ quên khuấy đi mất. Tâm vui vẻ nhắc họ những đoạn mà chàng nhớ. Mà phần nhiều chàng nhớ hết. Vì đã từ lâu ông Đồ Trí bắt chàng học làu như cháu trơn, như chôn hẳn vào ruột. Nhưng sau, Tâm mải nghĩ bài mình cho thật hay, thấy họ cứ luôn quấy rầy, chàng dần dần đổi tính và không thể chiều họ mãi được, lắm lúc đâm bẳn nói một vẻ gắt gỏng mà họ vẫn không nể gì, cốt trơ mặt hỏi được thì thôi. Bởi vậy, có lúc chàng bực lắm, chỉ đợi đến một dịp là nó nổ bùng ra. Cái dịp ấy đã đến. Chàng đang mải viết nắn nót bài phú cho đẳng tả, óc đương chữa lại câu văn thì đằng sau có tiếng gọi:
- Này! Này! Ngồi dậy.
Tức quá chàng gắt một thôi:
- Hỏi đếch gì mà hỏi mãi, có yên để cho người ta làm xong bài không nào? Hay muốn cho người ta ngoại hàm thì bảo? Người ta là đầy tớ nhà các người đấy à?
Đằng sau có tiếng vừa cười vừa nói:
- Ơ hay! Cái bác này điên à? Mải gì mà mải thế?
Tâm càng tức nữa:
- Phải người ta điên! Người ta điên vì không bảo được các người.
Bấy giờ lại có bàn tay đập vào lưng và nói:
- Ừ thì bác không điên! Đưa quyển đây tôi đóng dấu giáp phùng (là dấu đóng rìa để đè lên hai mép giấy giáp nhau để không xé được) cho nào.
Tâm giật mình đánh thót một cái và ngồi nhổm dậy, trông thầy viên thư lại đi đóng dấu, chàng nhăn nhó mặt, chắp tay vái và nói khó:
- Lạy ông, xin lỗi ông, tôi mải để ý vào bài quá. Thành phạm đến công việc ông. Xin ông đại xá cho!
- Nào ai làm gì cậu đâu. Cố làm đi lấy đỗ nhé. Đỗ cho tôi uống rượu với. Không mấy, độ hai năm sành với chục đậu rán thôi!
Nói đoạn viên thư lại đi sang lều khác.
Tâm nói theo:
- Xin đội ơn ông lắm.
Rồi chàng nằm xuống viết. Từ đấy chàng không dám nói một câu nào. Mà cũng không còn ai dám chạy đến hỏi chàng câu gì nữa. Chàng được yên thân. Nhưng trong bụng thì bối rối. Chàng vẫn biết viên thư lại kia không làm gì mình, mà cho rằng hắn có ý muốn gì chăng nữa, thì cái lúc hỗn xược kia đã qua rồi, không còn bằng chứng gì, hắn cũng chẳng làm gì nổi mình. Thế mà chàng nghĩ vẫn thế nào ấy, trong lòng chỉ phập phồng lo việc gì xảy ra. Chàng nghĩ bụng:
- Không đỗ kỳ hạch này thì không được đi thi. Lại phải đợi ba năm nữa! Thế thì chết! Không dù sao mình cũng phải làm bài văn cho hay!
Chàng bình tĩnh lại, viết quyển rất cẩn thận. Được một lúc lâu, chàng thắp bút lại, ngồi lên bửa nắm cơm ra ăn. Ăn xong, tu một mạch nước ở cái bình sứ, xúc miệng đâu đấy rồi lại nằm xuống viết. Viết hết quyển, chàng vuốt phẳng phiu lại đem lên nộp. Đoạn chàng giở xuống thu lều chõng ra về...Lúc ấy chàng lại nhớ đến cái việc xảy ra ở trong trường. Chàng hối hận đã nóng nảy và ích kỷ quá để đến nỗi thất lễvới một người thừa hành công vụ. Chàng quyết định từ nay không bao giờ như thế nữa. Đọc nhẩm lại bài thi, mừng bài văn trôi chày như vậy, ý văn rõ ràng như vậy, làm gì mà không chắc. Nhưng hễ nhớ đến viên thư lại thì lại đâm lo!
Bút Nghiên Bút Nghiên - Chu Thiên Bút Nghiên