Nothing is worth reading that does not require an alert mind.

Charles Dudley Warner

 
 
 
 
 
Tác giả: Chu Thiên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 48
Cập nhật: 2017-06-20 14:35:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần III - Chương 1
âm theo học Trường Cụ Nghè đã được một tháng. Lúc đầu ai nấy đều khinh thường thằng bé con dám ngạo nghễ đến đua đòi chơi trèo với người nhớn. Nhưng sau mấy kỳ đua tài thử sức, Tâm đã được kính trọng một cách không ngờ. Trong một tháng giời đã hai lần kinh nghĩa được ‘’ưu’’, bài được đem bình đi bình lại hai lượt, các ông đầu đã hai thứ tóc, các ông đã đứng tuổi, các ông nhàng nhàng đều tranh nhau mà mở xem quyển vở bài của Tâm, xem như ngốn, như nuốt lấy những câu văn hay trong bài. Và tự nhiên Tâm được người ta quý trọng mến yêu. Giá vào trạc tuổi họ, Tâm đã bị ghen ghét. Nhưng đàng này Tâm còn bé. Còn bé mà học giỏi thì là thiên tài rồi, còn ghen sao được. Gia dĩ Tâm lại nhã nhặn vui vẻ nữa. Ai mà không quý yêu. Không phải Tâm giỏi nhất trường ấy đâu. Còn nhiều tay cự phách về mọi thứ văn chương. Song với cái tuổi như Tâm, văn bài đã giữ được mực thường, thỉnh thoảng lại vượt lên có bài xuất sắc, Cụ Nghè tất nhiên phải đặc biệt chú ý và khen lao. Cụ đã khen, còn ai mà không phục. Nên danh Tâm đột nhiên đã vang lừng khắp cả. Nhiều người không học Cụ Nghè, cũng cứ rình ngày bình văn đến nghe văn của Tâm cho nhận rõ giá trị phao đồn. Người ta bảo số Tâm có Hồng Loan Thiên Hỷ chiếu mạng nên đến đâu cũng chóng lừng danh và được người ta quý yêu đến thế. Chả chắc có phải. Có điều mà Tâm tin hẳn là cứ chịu khó học cho nhớ sách và điêu luyện câu văn cho hay là thế nào cũng được người ta khen.
Hôm nay, mười hai tháng hai, lại kỳ kinh nghĩa. Bài của Tâm không được hay lắm, chỉ có thứ thôi, nhưng thứ mác, Cụ Nghè cũng cho bình và cụ bắt Tâm bình lấy, cụ dạy cho cái giọng ngân nga lên xuống, cụ chữa cái lối chuyển câu. Rồi cụ bảo:
- Văn hay phải biết bình mới được. Không biết bình lấy, để người khác bình, nhiều khi người ta làm sai cả cái hay của mình.
Bình xong cả rồi, Cụ Nghè còn ngồi nán lại nói chuyện về kỳ thi khảo năm nay. Thi khảo là kỳ thi hàng năm của các quan tỉnh mở ra để khuyến khích học trò. Vì sự trọng việc học nên những học trò trúng kỳ thi ấy đều được miễn trừ phu phen tạp dịch. Đấy là do hương lệ, chứ không phải do Nhà Nước bắt buộc. Có làng mộ học và trong làng chưa có người nào đổ đạc, lại trừ cả sưu thuế hay cấp học điền cho những người trúng khảo để khích lệ cho dân nhiều người đi học, mong kéo được cái cử nhân hay cái tú tài về làng, hưởng lấy chút thơm lây. Một người làm quan cả họ dài giòng!
Cụ Nghè nói đến chuyện thi khảo, hỏi mỗi người xem ai có học trò đi thi. Cụ dặn những điều cần biết về kỳ thi mà năm nay Quan Đốc đã thay đổi ít nhiều. Quan Đốc theo ý cụ Thượng, muốn cho học trò được xứng đáng với cái tiếng đã đỗ kỳ thi khảo, nên năm nay định ra đề mục khó lên, có cả thơ và phú. Sau cùng cụ dặn:
- Vậy các thầy nên chọn những đứa khá hãy cho đi. Đi nhiều mà hỏng lắm về mang tiếng!
Tâm thấy nói kỳ thi khó, trong lòng băn khoăn lắm. Chàng muốn tỏ nỗi lòng với các bạn, nhưng không một ai dể ý quan thiết đến kỳ thi này cả. Chàng lấy làm thẹn lại thôi. Chàng nhất định để hỏi thẳng Cụ Nghè. Nhưng thấy cụ rục rịch sắp sửa đứng dậy cho tan lớp, chàng vội vàng lách ngay vào sát giường nói ngượng ngùng:
- Bẩm thầy...
Cụ Nghè ngẩng lên trông:
- À, cậu Tâm hỏi gi đây?
- Bẩm thầy, con xin đi thi khảo, phải thế nào?
Cụ Nghè ngạc nhiên hỏi:
- Anh chưa đi thi khảo kia à?
Nhưng cụ hiểu ngay nên cụ đổi giọng:
- Anh muốn đi cũng được, không đi nữa cũng được. Thi khảo chỉ để khuyến khích, chứ không bắt buộc. Người như anh không cần thi khảo nữa, ai mà chả biết tài anh.
- Bẩm thầy, con muốn đi thi cho dân làng họ biết là có học có thi. Bẩm đỗ có giấy sức về làng không ạ?
- Cũng được. Hể đỗ là tức khắc có giấy sức về làng. Thi cái này cũng dễ, chả khó gì, cứ bình tỉnh là làm được. Phải đóng sẵn lấy một quyển vở, đề tên tuổi, sinh quán vào. Rồi sáng sớm mười sáu tôi bảo trẻ làng nó gọi đi thật sớm.
Mọi người đều hỏi:
- Sao anh không đi thi ngay từ khi đỗ kỳ thi văn ở làng Mỹ Lương năm nọ?
- Ấy cậu tôi ngại xa, không muốn cho đi. Cậu tôi bảo nhớn lên hãy hay.
- À, có lẽ ông Đồ muốn cho anh vượt kỳ thi thường ấy.
Sáng sớm tinh sương ngày mười sáu, Tâm đã cùng hơn một chục người làng Phạm Xá, học trò Cụ Nghè, tiến qua cánh đồng ra Tỉnh. Giời còn lạnh lắm, gió cứ từng cơn thổi ào ào. Mưa phùn tản tác lay phay rơi như cát bụi tung bay! Ai nấy đều co ro, xuýt xoa cắm đầu vượt qua gió bụi mà ra đến Tỉnh, thẳng tiến vào lối Đốc Bộ Đường. Đến cổng đã thấy đông đặc những người. Những sĩ tử lớn bé, đứng tuổi, đều đứng túm tụm với nhau thành từng tốp mà bàn tán về chuyện thi cử. Người ta phàn nàn lo lắng về cuộc thay đổi trong kỳ thi năm nay, về sự khó khăn mà thí sinh sẽ phải gặp. Dưới cổng Đốc Bộ cao rộng như một cổng thành, mấy người lính đội nón dấu vận áo xanh viền đỏ, thắt đai vàng, vẫn thản nhiên vác giáo đứng canh, không thèm đáp lại những câu hỏi khẩn khoản của học trò.
Đã quá Mão sang Thìn. Các quan đã tụ tập đông đủ ở Đốc Bộ Đường, Quan Án Sát, Quan Đốc Học và các Quan Giáo Thụ, Huấn Đạo, các Phủ Huyện lập thành hội đồng sát khảo kỳ thi này. Một hồi sáu tiếng trống vừa điểm dứt, cổng dinh mở rộng hai cánh cho sĩ tử ồ ạt kéo vào, đứng chật ních trong sân. Trên nhà bái đường rộng thênh thang, đã cất hết bàn ghế đồ đạc, đem giải chiếu càn lan để học trò nằm. Chỉ có ở gian giữa, sát gần nhà cung đường kê một cái bàn cao với một cái ghế để cho một viên đô lại ngồi thu quyển. Còn các quan ngồi ở bên cung đường. Một hồi ba tiếng trống đánh nữa. Học trò lần lượt vào ngồi xuống chiếu, sát gần nhau như ngồi vào chiếu rượu ở nhà quê. Ai nấy đã vào yên chỗ, ngồi nói chuyện ồn ào. Viên Quản Cơ đứng ở giữa sân, tay phải cầm cái loa đồng quát:
- Loa! Cụ lớn truyền các sĩ tử phải ngồi im mà đợi đầu bài!
Những viên đô lại, thơ lại tung tăng đi lại hầu hạ các quan trong cung đường. Những lính cầm roi đi riễu ở ngoài sân làm tăng vẻ oai nghiêm nơi Đốc Phủ!
Một lúc sau, các quan ra đứng thành hàng cả trước cung đường, Quan Tổng Đốc, Quan Bố Chánh, Quan Án Sát, và Quan Đốc Học đứng giữa, còn hai bên là các Quan Giáo Thụ, Huấn Đạo. Quan Đốc Học nói qua mấy câu về ý nguyện của Quan Tổng Đốc đối với kỳ thi khảo này và khuyên các học trò nên cẩn thận làm văn, chớ nên gian lận. Quan Tổng Đốc có nói mấy câu khuyến khích học trò. Hai ngài nói xong, lại có mấy viên đô lại nhắc những lời ân cần của hai ngài cho những sĩ tử ngồi xa nghe rõ. Ai nấy đều phấn khởi bội phần. Rồi Quan Đốc Học đưa cho một viên đô lại tuyên đọc đề mục. Đọc xong, đem dán lên cái bảng treo ở giữa bái đường. Các học trò bắt đầu viết đầu bài ra một tờ giấy. Tất cả có ba bài: Một bài thơ, một bài phú năm vần và một bài văn sách độ bốn dòng.
Chép xong đầu bài rồi, ai nấy bắt đầu vào việc. Họ bàn nhau, họ hỏi nhau, lắm lúc có người mải nghĩ đến văn bài quá, quên cả mình đang nằm tại Dinh Quan Tổng Đốc, nói oang oang với người bên cạnh, khiến những viên đô lại phải nhắc họ bằng những lời gay gắt.
Đối với Tâm, ba bài này có thấm vào đâu. Nên chàng chẳng phải bàn tán gì với ai cả. Chàng cắm đầu nằm ngoáy thảo một mạch đặc chịt trang này đến trang khác. Rồi chàng ngồi dậy đọc lại kỹ càng, chữa những câu văn non, những chữ vụng mà chàng không vừa ý. Chung quanh chàng, người ta còn đương thì thầm bàn tán nhau về mấy chữ điển mơ hồ, mấy đoạn văn rất dể nhầm lẫn. Họ không để ý gì đến chàng. Họ khinh thường cái thằng bé con ấy ra mặt. Theo ý họ thì cái hĩnh bé bỏng ấy chỉ đi cho hại cơm, đi độn đường chứ được cái tích sự gì! Một người nằm liền đấy thấy Tâm đã làm xong bài, đang ngồi đọc lại, nói với mấy người bên kia rằng:
- Hình như cái thằng bé con kia nó làm xong cả rồi ấy?
Tức thì có người nói ngay:
- Nhào! Cu cậu bôi cho xong, để chuồn cho sớm mát mặt! Phú này và văn sách này mà làm xong ngay, có ngỡ thần đồng!
Tâm chỉ mỉm cười với những lời nói mỉa mai ấy, trong lòng tự đắc:
- Rồi chúng bây sẽ biết ông!
Nhưng liền đấy mấy hàng, những người làng Phạm Xá đang ngồi ngoảnh lại phía Tâm, gật gật có ý hỏi xem làm xong chưa và muốn xin bài ráp. Tâm cũng gật gật đáp lại. Rồi chàng nằm xuống viết chân phương vào quyển, viết nắn đằng tả cẩn theo như lối Cụ Nghè thường dặn. Tâm viết xong, thắp bút lại, rồi ngồi dậy đọc lại một lượt rất chăm chú xong đâu đấy, chàng gập quyển, ngồi nhìn ngắm khắp cả mọi người đang làm việc. Có anh đang ngồi đưa mắt bâng khuâng nhìn giời.
Những người làng Phạm Xá thì trông Tâm ra hiệu, chàng gập gọn tờ giấy ráp lại, rồi cầm quyển đứng lên, ngần ngừ trông lối đi nào tiện quăng giấy cho mấy người kia. Viên đô lại trông thấy liền hỏi:
- Anh kia đứng dậy làm gì thế?
- Bẩm ông tôi đi nộp quyển!
Mọi người đều quay dồn cả lại phía Tâm, ngạc nhiên và xấu hổ nữa. Viên đô lại, có lẽ cũng vì trọng tài, không nói năng thêm gì. Tâm nhân đi rẽ ngoặt qua cái cột, đi vào lối giữa những người làng Phạm Xá, bỏ rơi tờ giấy ráp đấy, rồi thẳng lên bàn viên đô lại thu quyển. Viên này nhận lấy quyển nhìn chàng một lúc, rồi mở quyển đọc qua một ít, không biết nghĩ sao, viên ấy đem quyển bài vào trình Quan Đốc cùng các Quan Khảo Sát. Không thấy nói gì đến mình, Tâm cứ đứng yên đấy đợi, đến lúc viên kia ra đến nơi, thấy Tâm, hỏi ngay:
- Cậu học trường nào thế?
- Bẩm ông, tôi đương học Quan Nghè Phạm Xá.
- Thôi được! Cậu cứ quanh quẩn ở đây. Đừng về vội. Có lẽ cụ lớn còn gọi cậu vào sát hạch.
- Bẩm vâng ạ!
Tâm thấy viên đô lại nói thế, vừa mừng vừa lo. Mừng sẽ được xem cuộc thi lâu đến bao giờ và sẽ được đi riễu ở ngoài mà xem họ thi cử ra sao, để cho cái bọn nhớn đầu lúc nãy khinh người bây giờ phải cúi đầu mà hối lỗi. Lo là lo phải vào hầu các cụ lớn sát hạch. Ngộ nhỡ cuống cuồng lên, văn bài làm chẳng ra làm sao thì khốn! Tâm nghĩ vẩn vơ rồi tự nhủ:
- Mặc! Ra sao thì ra! Mình hẵng được cái đứng đây xem các cu cậu làm ăn thế nào nào.
Chàng đi đi lại lại quanh chỗ viên đô lại thu bài, chàng lấy làm sung sướng đã làm bài xong trước tiên, trong khi mấy trăm người đương làm dở hay mới bắt đầu. Chàng kiêu hãnh nhìn vào những nét mặt đăm đăm như đương rặn ra của những con người bộ dạng khinh miệt chàng, khinh bỉ những người bé bỏng tầm thường như chàng.
Một lúc lâu, có lệnh các quan truyền gọi chàng vào. Chàng rùng mình run sợ, lặng lẽ đi theo một viên thư lại. Qua cung đường, chàng phải cúi đầu chào các viên thư lại tự Tào rồi vào đến nơi tướng phủ, chỗ các quan ngồi. Tâm thoạt trông thấy lóa cả mắt. Thật đẹp hơn chính tẩm của đình làng Tâm. Từ cái sà cho chí cái cột, bộ cánh cửa đều sơn son vẽ rồng vàng. Bức trướng thêu che cửa bằng một thứ nỉ rất tốt, thêu đôi rồng lượn chung quanh một mặt giăng. Trên một cái sập son chân quỳ với ở giữa một cái mặt hổ phù to tướng trông đáng sợ, Quan Tổng Đốc vận thường phục, ngồi bệ vệ ở giữa, hai bên là Quan Bố, Quan Án Sát và Quan Đốc. Bốn tên lính đứng túc trực bốn bên. Ở rẫy sập bên trái, ngồi lô nhô mấy Quan Giáo Thụ và Huấn Đạo. Vào đến nơi, Tâm vội sụp xuống lạy không dám trông nhìn gì cả. Quan Tổng Đốc truyền lính đỡ chàng dậy đứng ra một bên, rồi Quan Đốc Học truyền hỏi:
- Năm nay anh mười lăm tuổi à? Học trường nào?
- Bẩm lạy liệt vị các hạ, con học trường Quan Nghè Phạm Xá.
- Học từ lâu hay mới học?
- Bẩm lạy liệt vị các hạ, con mới học được một tháng nay!
- Thế trước học ở đâu?
- Bẩm lạy liệt vị các hạ, con học cậu con ở trong quê Mỹ Lý.
- Thế đi học từ bao giờ, có nhớ không?
- Bẩm lạy liệt vị các hạ, con đi học từ năm lên tám.
- Đã đi thi khảo kỳ nào chưa?
- Bẩm chưa đi, vì ở trong quê con ra đây xa lắm, cậu con không dám cho đi. Năm nay ra học gần đây mới được tạm vào bộc bạch chút học thô thiển.
- Được lắm, anh cố học đi, rồi có cái tương lai khá đấy. Đây các cụ lớn thấy anh có tài mẫn tiệp nên mời cho gọi anh vào truyền anh làm lại bài thơ thi này, lấy vần khác. Làm ngay đi. Tân, đem cái ghế kia lại cho anh ấy ngồi và lấy bút giấy ra.
Tên lính đứng hầu vội chạy ra đem cái ghế dài vào và đưa cả bút giấy mực đến. Tâm quỳ lạy xin phép rồi ngồi xuống ghế, cầm bút dầm vào nghiên mực ngẫm nghĩ. Ngồi trầm ngâm một lúc thật lâu, không viết lách gì cả, chàng chỉ tần ngần hết trông câu đối này đến bức hoành treo quanh đấy. Người ta đã tưởng chàng mít đặc không làm gì được. Nhưng không, kìa chàng đã nằm xuống, cầm bút chấm vào mực thoăn thoắt viết luôn một mạch tám câu thơ, không ngần ngừ, không xóa bỏ. Viết xong, chàng đọc qua lại, rồi hai tay kính cẩn bưng đệ lên trước các Quan. Quan Đốc cầm lấy đọc trước, rồi đệ lên Quan Thượng. Ngài xem xong, đưa sang cho Quan Bố, Quan Án. Hai vị này chuyển xuống cho các Quan Huấn, Quan Giáo bên phản kia. Mọi người đều nhận là bài thơ khá và khen tài mau lẹ của một cậu bé mười lăm tuổi. Tâm đứng ngoài thấy vậy đã khấp khởi mừng thầm. Bài thơ lại đệ vế Quan Đốc. Ngài xem lại một lần nữa, rồi đưa giả lên Quan Thượng. Bốn vị trên sập chân quỳ đều gật gù khen hay. Cụ Thượng liền sai tên lính vào tư thất lấy ra một thoi mực tàu, hai ngọn bút ô long và một trăm giấy, cụ lớn cầm những vật ấy đưa cho Quan Đốc, miệng nói:
- Đây để thưởng cho tên Tâm. Quan lớn giao cho.
Quan Đốc gọi Tâm lại gần mà truyền:
- Cụ lớn vốn mộ học, yêu học trò, thấy anh còn bé mà có trí, có tài mẫn tiệp nên thưởng riêng cho anh đấy. Còn đỗ hay không chưa biết, chờ các quan chấm đã. Anh phải cố mà học, chớ có bỏ lỡ tuổi trẻ mà phụ tấm lòng cụ lớn đây quý mến. Thôi lạy tạ các cụ lớn đi, rồi cho ra.
Tâm khúm núm phủ phục lễ bốn lễ lạy tạ các cụ lớn, rồi sang phản bên trái lễ chào các Quan Giáo. Đoạn chàng lĩnh thưởng lui ra, nét mặt hớn hở. Viên đô lại trông thấy hỏi ngay:
- Cụ lớn thưởng cho cậu phải không?
- Bẩm ông vâng ạ.
- Đấy, tôi bảo cậu đợi có phải lợi cho cậu không?
- Bẩm vâng, xin cảm tạ ông. Tôi cứ đứng lại đây xem đến lúc thi xong có được không?
- Được cậu cứ đứng đấy.
Bây giờ Tâm mới được thảnh thơi sung sướng mà nhìn mọi người đang nằm xoài viết. Mới có một số ít người làm xong bài đệ lên bàn. Còn những người khác vẫn mải miết chiến đầu với câu văn. Cũng có người vở bài hẳn bỏ trống ít nhiều, mặt đỏ bừng, mắt ngầu ngầu, cứ ngồi lên nằm xuống mấy lượt mà bài văn vẫn không thành, đành viết quấy quá cho khỏi mang tiếng bạch duệ (bỏ giấy trắng). Trong số ấy, Tâm nhận kỹ thấy mấy người ở vùng chàng mà chàng đã biết mặt, vốn là những tay chơi bời lười biếng, nên chịu phải số phận như thế, thật là đáng kiếp. Chàng trông thấy cái cảnh tượng buồn cười mới cảm hứng làm bài thơ riễu này:
Ngày rộng tháng dài chỉ mải rong
Đến cơn thi cử rối bòng bong!
Trông giời đã đỏ hai con mắt!
Nuốt mực hầu đen một góc lòng!
Văn hỏi Hàn Cao, mần Sử thượng!
Bài ra Luận ngữ, đích Trung dung!
Nào thầy nào bạn đâu chăng tá?
Bỏ chết nhau đây chẳng giúp cùng!
Giời đã quá trưa, các quyển bài đã đem nộp gần hết. Chỉ còn thưa thớt độ năm chục người. Mấy viên đô lại đi quanh giục:
- Mau lên các thầy, quá Ngọ sang Mùi rồi, ngoại hàm (quá hạn) bây giờ.
Người làm, người đợi, người giục. Chỉ còn vài chục người nữa. Người ta đợi một lúc, lại ít quyển đưa lên. Các viên đô lại giục:
- Này ngoại hàm rồi!
Một hồi trống đánh rất mau. Những người còn lại sau rốt chạy cả lên bàn viên đô lại. Mấy người còn chữa lại mấy câu, quá hạn hẳn, đến không được nhận đành thui thủi, vác cái mặt sa chữ nãi ra về. Ai nấy đều ra cả ngoài đường, rồi ồ ạt tản về các ngả.
Bút Nghiên Bút Nghiên - Chu Thiên Bút Nghiên