Sở dĩ bạn thất bại là do bạn dám tiên phong đi tìm vùng đất mới, phương pháp thực hiện mới, và những cách thức thể hiện mới.

Eric Hoffer

 
 
 
 
 
Tác giả: Chu Thiên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 48
Cập nhật: 2017-06-20 14:35:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
ề đến nhà trọ, ông Lý Tưởng đã chạy ra cổng đón:
- Tôi cứ tưởng đến trưa mới về.
Ông Đồ Trí đáp:
- Lớp đại tập khác, chứ như trường trẻ con ở xóm làng mình ấy, kể nghĩa trưa giặt ra chửa hết.
Ông Lý quay lại hỏi Tâm:
- Thế nào cậu đỡ bỡ ngỡ không cậu?
Ông Đồ đáp thay ngay:
- Đã có tôi nói với anh em, anh em ai cũng mến cả. Chỉ còn việc cố mà học thôi!
Tâm làm ra vẻ nũng nịu, nói một cách trách móc thân mật với ông Đồ:
- Năm ngoái, thầy không bảo con mọi lối kinh nghĩa, làm con thoạt thấy mấy chữ kẹ ấy ở dưới đầu đề, cứ ngẩn người ra chẳng hiểu gì cả. Giá Cụ Nghè không giảng thì thật ù càng cạc!
- Nhào! Không biết cũng vẫn làm được bài. Cứ hiểu ý trong đầu đề là ra tất. Đấy chẳng qua là những lối các cụ ngày trước chia ra cho dễ hiểu, dễ làm hơn đôi chút, chứ cũng không cần gì cho lắm!
- Nhưng thưa thầy, biết được vẫn hơn!
Ông Đồ Trí thấy Tâm có vẻ xẵng, ông hiểu nỗi băn khoăn ở Tâm lắm, nên ông dịu giọng nói nửa đùa nửa thật:
- Cái ấy đã hẳn, nhưng mà thưa cậu, tôi đã bảo cậu rằng chưa cần lắm mà ‘’lị’’, nếu cần tôi đã dạy cậu rồi. Cậu nghĩ lại xem trong năm ngoái tôi bảo cậu bao nhiêu là thứ. Nội lề lối đi thi là đủ cả. Bao giờ tôi cũng mong cậu hơn tôi cơ mà. Các lối kia biết thì hay. Có không biết cũng không sao. Và bây giờ cậu biết cũng đã muộn gì đâu mà cậu đã trách!
Ông Lý Tưởng nghe thấy vậy, liền líu tíu vừa chắp tay vái vừa nói:
- Thôi tôi xin thầy, tôi cắn cỏ lạy thầy, con dại cái mang, cháu nó hỗn láo xin thầy bớt giận làm lành, đánh ngay cho nó một trận nó biết thân.
Ông nói lắp bắp xuýt xoa như người khấn hứa một vị thần nào đó làm cả bọn trong nhà trọ phải bật cười mà không dám cười, họ lảng ra ngoài cả. Ông Đồ cũng không nhịn được cười nói:
- Ông làm gì mà rối lên thế, người ta cười cho kia kìa. Tôi có giận cháu đâu. Tôi bảo cho cháu biết đấy chứ. Kẻo cháu lại nghĩ tôi dạy không đến nơi đến chốn.
- Vâng, tôi xin thầy.
Ông Lý quay lại mắng Tâm:
- Sao mày hỗn thế, Tâm, Thầy Đồ tác thành cho mày, chốc đã mấy năm giời, rèn đúc cho mày đến bây giờ được như thế, mà mày ăn nói vậy à? Thế mà đòi đi học!
Tâm cãi:
- Con có nói gì đâu. Con hỏi thầy về các lối kinh nghĩa đấy chứ!
Nói xong Tâm ngoảnh mặt ra sân hơi cau mày lủng bủng. Xưa nay chàng vẫn phục ông Đồ, chàng phục như thần, như thánh: Ông Đồ không những là người hay chữ, giỏi chữ, giỏi văn, ông còn là người đại lượng biết tận tâm đào tạo cho cháu ra người, chàng phục cái tâm địa của ông lắm, nên lúc nào chàng cũng tỏ vẻ biết ơn và kính mến. Nhưng với cái óc thông minh mau lẹ, hơi một tí gì khang khác là có thể gieo rắc hoài nghi vào rồi. Ngay từ lúc biên đầu bài chàng đã đâm nghi ngờ đến cái thông minh và cái lòng tốt của ông Đồ, có lúc chàng đã phân vân tự hỏi:
- Cớ sao ông Đồ lại không bảo ta những lối ấy. Phải cớ sao? Hay là...
Chàng phải hỏi cho ra. Thì câu đáp lửng của ông Đồ càng làm rõ ràng cái lòng nghi ngờ của chàng, cái nghi ngờ đã dần bước được vào nơi chắc chắn. Do đó chàng kết luận ra hai cớ:
- Một là ông Đồ không biết.
- Hai là ông Đồ không muốn bảo.
Rồi Tâm lại tự giải đáp:
- Ông Đồ đã đi học lâu năm, đi thi nhiều lần, mà không biết các lối kinh nghĩa sao? Vô lý, chẳng qua ông biết, ông không muốn bảo đấy thôi.
Nhưng chàng lại tự cãi ngay:
- Biết mà không bảo mình, ra trường khác cấm mình học được à? Mình mà học được có phải ông ấy dơ mặt ra không? Vậy không phải ông ấy không muốn bảo, chính ông ấy không biết!
Tuy nhiên, chàng không chắc lắm, chàng vẫn bị băn khoăn giữa hai ý nghĩ. Sau cùng chàng cả quyết:
- Ta phải hỏi cho ra!
Ngồi nghĩ một lúc, Tâm quay lại hỏi đột ngột:
- Bẩm thầy, có ba lối đầu đề này thôi, hay còn nhiều lối nữa?
- Còn nhiều nữa chứ. Tất cả mười lăm lối kia mà. Nhưng chung quy cũng gần tương tự nhau cả. Người giỏi thì không cần biết các lối ấy cũng làm thành bài.
- Thưa thầy, các lối ấy thế nào, thầy nói qua cho con nghe, để gặp những cái đề như vậy, hiểu đôi chút rồi cũng đỡ bỡ ngỡ. Cứ như mấy cái đề ban sáng, con thấy tức tức là...
- Ừ, đã vậy tao giảng qua cho biết đại khái thôi, chứ nói tường tận vừa lâu mà chưa chắc có lý hội được cả không. Phải gặp những đầu đề như thế mà suy nghĩ kỹ ra và cụ sẽ giảng thêm cho, lúc bấy giờ mới mười phần chắc chắn là phân biệt được cả mười. Tất cả có mười lăm lối, sáng ngày đã có ba lối rồi, còn mười hai lối, tao lần lượt kể ra đây:
1.- Lối Tiệt hạ hay là Xúc cước là cái đề bỏ mất đoạn văn dưới đi. Ý trong để phải hợp với đoạn dưới ấy trọn vẹn.
2.- Lối Lưỡng phiến (hai cái quạt) là cái đề hai câu đều nhau đối nhau. Cả bài đề này nên chia ra làm hai vế đều nhau. Trong hai vế ấy lại chứa đựng đủ tám vế của bài.
3.- Lối Tam phiến, đề có ba đoạn, bài cũng nên bố cục làm sao cho ra ba vế.
4.- Lối Tháp tiệp là cái đề cất đoạn này để thêm với đoạn khác. Làm văn nên kết tròn lại thành một tảng, không nên để rời rạc, tuy rằng đầu đề bị cắt gán.
5.- Lối Ký sự, đề này chỉ ghi chép công việc, kệ minh dẫn chứng, không phải bó buộc lắm.
6.- Lối Điệp cú, đề nhiều câu, nhiều chữ quá nên phải tách khôn khéo, chớ để bị chê là trùm đầu lấp mặt.
7.- Lối Tị hứng là lối đề đem ví dụ mà gợi hứng chỉ vào việc gì.
8.- Lối Lưỡng tiệt. Có khi toàn chương mà lưỡng tiệt, có khi vài câu lưỡng tiệt, có khi một câu lưỡng tiệt, tức là lối đề có hai phần đều nhau, đều bỏ bớt đi mỗi đàng một ít. Gặp những bài như thế này, nên đoàn kết cả lại thành một khối thì hay. Cũng có thể làm ra hai vế như lưỡng phiến đề, nhưng đấy là biến cách.
9.- Lối Khô quẫn là lối đề ra buông lửng, không có ý nghĩa gì ở đề cả. Phải nhận rõ từng tích của nó, rồi sau mới bố cục xếp lời, hoặc tả hình, hoặc tả cảnh đem những đoạn văn trên dưới cho nó giăng dịt gẫy gọn với nhau, cho có từng thứ, thời khó cũng thành tươi mà quẫn cũng phải thư.
10.- Lối Cổn tác còn gọi là xuyến đề, cũng gần giống như lối lưỡng tiệt. Song đằng lưỡng tiệt, hai tầng hai ý khác nhau. Còn đằng cổn tác tuy có hai ý mà thực suốt nhau như ở một dây.
11.- Lối Đoạn lạc, cái đề này nhiều đoạn, nhiều ngành ngọn lắm. Không biết cách làm là đổ vỡ hết. Cần nhất nên tự chỗ tổng khởi và tổng kết mà rõ rệt tinh thần ra, chỗ khởi nên dùng hư chỗ kết nên dùng thực. Còn trung gian thời tùy đề mà phô diễn.
12.- Lối Tràng đề, có chỗ toàn chương tràng đề, có chỗ liên chương tràng đề. Gặp những đề như vậy phải biết phép ‘’Tải, tiễn, xuyên, quải’’ là tìm ở trong đề lấy một câu làm chủ. Rồi chỗ nào cũng đem cái câu ấy ra mà điều khiển, vận hóa toàn bài, khiến những tiền rơi đầy nhà đều phải thu lại xiên thành một dây dài.
Ông Đồ nói luôn một mạch hết mười hai lối, ông mới ngừng uống chén nước ông rót từ nãy. Ông Đồ nói đến đâu Tâm chăm chăm cầm bút biên đến đấy. Ông Đồ thôi nói, Tâm cũng để bút ngồi dậy, nét mặt hỉ hả lắm, mối nghi ngờ tiêu tán hết. Tâm thấy hối hận trót đã ngờ oan lòng tốt của ông Đồ, chàng bẽn lẽn nói như để chữa thẹn:
- May quá! Thế là con hiểu rồi, từ đây gặp những đề có chữ kẹ, chữ thích như ban sáng, con không cuống nữa.
Ông Đồ uống xong nước nghiêm nét mặt nói:
- Đây là nói qua loa cho mà hiểu lấy đại khái thôi, chứ đã hiểu rành mạch thế nào được. Đã không hiểu rành mạch thì cũng khó nhớ. Phải gặp những đầu đề như thế, phải ngẫm nghĩ để cố hiểu, rồi Cụ Nghè lại giảng thêm vào thì mới lĩnh hội được hết. Thế nào rồi cụ chả dạy đủ lối. Cụ dạy cẩn thận lắm, chỉ còn phải cố mà nghe, mà nhận.
Trong khi ông Đồ nói về mọi lối đề kinh nghĩa, những người cùng trọ trong nhà cũng đều ngồi im chú ý nghe. Bây giờ thấy ông đã nói xong và Tâm cũng không hỏi han thêm nữa, họ mới chêm vào câu chuyện. Một người ăn nói vui vẻ nhất, nét mặt lúc nào cũng tươi cười, đang nằm, ngồi nhỏm dậy, rất cung kính thành thật với ông Đồ:
- Này! Đại huynh Mỹ Lý, đệ xin hỏi tôn huynh câu này, tôn huynh có tha phép, đệ mới dám nói.
Ông Đồ cũng vui vẻ đáp lại:
- Gớm chư huynh dạy quá nhời thế! Chư huynh có tôn ý gì ban bảo, đệ xin sẵn sàng đợi mệnh.
- Chả nói giấu gì tôn huynh, thấy huynh nói các lối kinh nghĩa rõ ràng quá, mà chính đệ cũng ít khi phân biệt được, đệ rất lấy làm khâm phục. Nhân nghe huynh nói, đệ mới nhớ ra đệ có một đầu đề mà đệ phân vân chưa biết định nó vào lối nào, đệ muốn nhờ tôn huynh chỉ bảo hộ...
- Đại huynh mà còn phân vân thì chắc đệ cũng chả biết được, nhưng xin đại huynh cứ đọc, may...
- Xin tôn huynh có tha phép đệ mới dám đọc.
- Ờ! Sao đại huynh lại cứ dạy vậy?
- Bẩm vì đầu bài hơi thô một tí xin tôn huynh bất chấp, đệ mới dám.
- Đệ đâu dám. Xin đại huynh cứ truyền. Văn hành công khí...
Người kia với cái điếu, hút một mạch điếu thuốc lào, thở làn khói trắng tỏa bay là là, rồi mới nói:
- Đầu đề thế này:
‘’Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao?’’
Đệ chửa dám cho nó vào lối nào đấy.
Ông Đồ hơi cau mày, biết rằng cái bác ấy mỉa ngọt ông chơi, nhưng trót đã hứa rồi, nên ông đành nén tức mà đáp:
- Ồ, có thế mà đại huynh phải phân vân. Đấy là lối đề đơn cú chứ còn gì. Bao nhiêu ý nó rành rành ra đấy. Ra đại huynh tâm bất tại, chỉ nghĩ đi chỗ nào ấy thôi!
Người kia vẫn vui vẻ hỏi:
- Đệ cứ tưởng là lối tiệt thượng, vì còn có đoạn gì ở trên nữa kia chứ!
Một người khác xen vào:
- Tiệt hạ rõ ràng, lại còn tiệt thượng gì! Bao nhiêu ý chả ở cả phần dưới đấy là gì. Có vậy mà các bác cãi nhau mãi...
Cuộc cãi cọ có cơ lan rộng, thì may sao hai mâm cơm đã bưng lên, ông Phó Liên đang tất tả từ nhà dưới đi lên mời rối rít:
- Mời các thầy nghĩ tay lại mời cơm, việc gì cũng xin bỏ đấy đã. Có thực mới vực được đạo. Quá trưa rồi còn gì. Hôm nay nhà cháu đi chợ về muộn quá. Thành thử cả nhà lăn ra không kịp. Các thầy phải một mẻ đói. Từ mai, từ mai thì xin đúng bữa...Mời các thầy mời cơm đi...Kìa ông Lý, rước ông mời cơm đi.
Mọi người đều tuân lệnh ngồi vào mâm cơm vui vẻ.
Sáng hôm sau, cơm nước xong, Tâm đi tiễn chân ông Đồ và ông Lý ra tận đường cái. Vì không phải đi học, chàng muốn đi xa thế để nhận xét thêm phong cảnh cái nơi văn học và trù phú có tiếng này. Thỉnh thoảng, ông Đồ và ông Lý ngoảnh lại giục chàng:
- Thôi về đi con. Đi theo xa, về đến nhà trọ lại mỏi chân thêm tội!
Lúc nào Tâm cũng nói:
- Được để con đi với thầy ít nữa thôi.
Cánh đồng lúa xanh rờn mông mênh như đến tận chân giời rung rinh lượn sóng quanh co theo chiều gió xuân lả lướt...Trên bãi tha ma xanh biếc, mấy con trâu đang lặng lẽ gặm cỏ non, thỉnh thoảng phe phẩy đuôi, đuổi muỗi. Mấy con cò trắng bay qua mải miết vỗ cánh theo nền giời xanh dịu. Một vài cô gái làm cỏ lẩn khuất ở trong làn lúa tốt, đưa ra không gian những giọng hát du dương tình tứ:
Lấy chồng cho đáng tấm chồng
Bõ công trang điểm má hồng răng đen
Chẳng tham ruộng cá ao liền
Tham về cái bút cái nghiên anh đồ!
Hỡi anh đồ ơi!
Tâm trông trộm ông Đồ, mỉm cười. Không thấy ông nói gì cả, nét mặt vẫn thản nhiên như không, chàng biết ông đang bận nghĩ việc gì. Chàng thấy mình đáng thẹn với ông lắm.
Nhưng đã đến cái ngã ba của con đường cái quan, ông Đồ và ông Lý nhất định bắt chàng quay lại nhà trọ. Lúc này chàng vui vẻ vâng lời ngay. Ông Lý ân cần dặn:
- Con cố mà học nhé, học cho chóng công thành danh toại. Đừng nhớ nhà. Rồi thầy ra luôn.
Ông Đồ thấy ông Lý nói hờ, vì ông biết Tâm thường hay nhớ nhà, ông liền nói đón ngay:
- Người sắp đi thi, ông Cử, ông Tú nay mai, ai người ta nhớ nhà mà nói...
Rồi ông quay lại Tâm nói tiếp:
- Con chịu khó mà học. Ai người ta nói sao cứ mặc kệ họ. Đừng chấp! Hễ mình học giỏi là tất mọi người phải phục. Phải tử tế ngoan ngoãn với mấy người cùng trọ đấy nhé. Thôi con ở lại...
Bút Nghiên Bút Nghiên - Chu Thiên Bút Nghiên