In order to heal others, we first need to heal ourselves. And to heal ourselves, we need to know how to deal with ourselves.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Chu Thiên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 48
Cập nhật: 2017-06-20 14:35:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
áng hôm sau mặt giời đã lên tới ngọn tre, chiếu tỏa ánh sáng vàng tươi sáng. Làm tan sương mù trắng, Tâm theo ông Đồ Trí cùng mấy người bạn cùng trọ ở nhà ông Phó đến Trường Cụ Nghè. Đi đến ngã ba giữa làng, từ ngã ngoặt chạy ra một người đứng tuổi, vừa vẫy vừa gọi:
- Đợi tôi với, các ông đợi tôi với!
Cả bọn đứng lại, người kia đi thong thả lại, tiến đến, tay phe phẩy, miệng nói:
- Chào các quan bác ạ! A a, bác đồ Trí, bác Nguyễn Điều Bỉnh Sơn, bác Nhất Khoát. Sao khéo rủ nhau đi thế?
Một người nói:
- Người ta cùng ở với nhau một nhà mà lại.
- Ồ, Thế thì vui vẻ quá nhỉ? Bác Đồ Trí năm nay cũng đến học đó à? Đến hôm nào thế?
- Tôi mới đến chiều tối hôm qua. Nhưng không được đi học như các bác. Tôi đưa thằng cháu này vào học cụ và nhờ các bác!
Ông Đồ vừa nói vừa chỏ Tâm. Người kia nhìn Tâm chằm chặp:
- Quan bác cứ dạy thế, chứ đệ đâu dám. Bé nhưng bé hạt tiêu, bằng ấy mà đã đến trường cụ, ắt chẳng tay vừa. Con hay cháu bác đấy?
- Cháu gọi bằng cậu đấy mà. Tôi nói thực chứ có dụng ý gì đâu. Tôi cho cháu đến học trên là nhờ cụ, dưới phải nhờ các bác. Chỗ cụ thì cao xa, chả nhẽ nhất nhất cái gì cũng cứ đem lên hỏi cụ sao được. Học thầy không tày học bạn, xin các bác cứ coi cháu như con cái ở nhà, thấy điều gì trái lỗi, các bác cứ bảo thẳng ngay cho, cái ơn ấy chúng tôi xin minh tâm khắc cốt.
- Bác dạy quá thế. Cùng bạn đi học với nhau làm gì có ân với huệ.
- Cho mượn một quyển văn, bảo một đoạn sách, nhắc giúp một kỳ bài, là ơn đấy, sao bác lại bảo là không được?
- Chuyện! Đấy là việc thường. Mình bảo người ta cái này, người ta bảo mình cái khác. Người nọ nhờ ơn người kia cả.
Một người trong bọn hỏi:
- À quên, nghe nói đến kỳ bài, mình mới nhớ ra hôm nay kỳ nhỉ, bác nhất nhỉ?
Người đương nói chuyện với ông Đồ Trí quay lại cướp nhời:
- Hôm nay bắt đầu kỳ kinh nghĩa.
Ông Đồ hỏi:
- Lề lối vẫn như trước hay có khác. Hình như có khác thì phải? Kinh nghĩa trước kia ngày lẽ cơ.
- Phải, cụ mới đổi. Bây giờ mỗi tháng ba bốn kinh nghĩa, hai thơ phú, ba văn sách và bài tứ lục. Ngày chẵn kinh nghĩa và văn sách, còn ngày lẽ thơ phú, tứ lục.
Cả bọn vừa đến cổng, ai nấy đều im bặt. Qua cổng vào sân rồi tiến lên nhà học, ở đấy lác đác đã có nhiều người. Nhà học là một cái nhà gỗ lợp gianh chạy dài sáu gian, ghép liệt bàn, bốn chuồng cửa bướm cánh lim chắc chắn, đối diện với dãy nhà bếp. Cả bọn bước vào nhà, để sách vở vào giữa phản rồi chạy đi chào nhau, hỏi nhau, nói chuyện rất là thân mật, với một giọng nhỏ đủ nghe. Vì Cụ Nghè chưa sang trường. Ông Đồ dẫn Tâm đi giới thiệu với các bạn quen biết của ông và làm quen cả với các bọn mới lạ. Ai ai đều tỏ một vẻ hoan hỉ được biết tính danh nguyên quán của nhau, hỏi thăm đến cả những vị đại khoa trong vùng. Ở ngoài, sĩ tử vẫn lục tục đến. Lại chào nhau, lại giới thiệu, lại hỏi han. Và cứ thế mãi, Tâm mãi vào câu chuyện với người này, nhảy sang câu chuyện của người khác, quay đi, ngoảnh lại mà cười, mà nói, mà hỏi, mà thưa với những bậc đồng môn hơn tuổi...có người hơn cả tuổi ông Đồ...họ xoắn xuýt đến xoa đầu người bạn bè bé bỏng một cách vừa thân mật, vừa khinh thường.
Một lúc lâu, học trò đã đến đông đủ cả rồi, ngồi lố nhố đặc hết cả sáu gian nhà. Họ quay sang tụ hội với nhau nói về văn chương bài vở.
- Đệ mới vớ được ba quyển văn sách ‘’Quốc triều lịch khoa’’. Trong ấy lắm bài hay tuyệt. Đỗ Thủ Khoa, Cử Nhân cũng đáng.
- Huynh xem cũng để cho đệ mượn, đệ chép nhé.
- Để cho đệ mượn trước kia. Đệ cho mượn lại quyển này hay lắm kia.
- Được! Thế nào đệ cũng xin để hầu chư huynh thỏa ước mà xem. Huynh định cho đệ mượn lại quyển gì vậy?
- À, tập phú của Quan Hoàng Giáp Lê Khắc Cẩn mà ông Cử Đông Phú Nguyễn Tiên Lai chép lại công phu lắm. Phú của quan Hoàng Lê đền Cụ Nghè cũng phải khen là hay.
Họ mãi nói chuyện với nhau để Tâm được rảnh thì giờ mà ngắm chung quanh nhà học. Trong sáu gian nhà, trừ gian giữa là nơi Cụ Nghè ngồi, có kê giường và đôi trường kỷ, với ở trong cùng có một cái yên thư để ba tủ sách liền nhau, còn gian nào cũng toàn có phản với cái bàn mộc để sách vở. Học trò đều ngồi chung quanh phản còn sách vở, ống bút vất cả ở giữa phản, có chỗ đề gọn, có chỗ vất bừa bộn. Trên sà nhà, chỗ gian Cụ Nghè ngồi treo một bức hoành sơn đỏ thiếp vàng với bốn chữ ‘’THÁI SƠN BẮC ĐẨU’’ (tiêu biểu như núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu), của học trò hàng huyện bái tiến. Trên mái nhà cùng gian ấy căng một bức tường thêu của học trò Thanh Hóa mừng khi cụ đỗ Tiến Sĩ. Chung quanh nhà mỗi cột một đôi câu đối gỗ sơn và trên liệt bàn, căng kín những trướng và câu đối bằng vóc, bằng sa thêu. Tâm thấy toàn là những vật mừng vào năm Giáp Thìn và năm Giáp Tý là hai niên hiệu đáng ghi nhớ nhất của Cụ Nghè: Năm Giáp trước cụ đỗ Tiến Sĩ, Giáp sau cụ lên thọ năm mươi tuổi và mừng con đỗ Thủ Khoa. Đọc đến lạc khoản, Tâm thấy đều là những bác quan to, chức trọng cả. Chàng miên man liên tưởng rằng một ngày kia không xa lắm, chàng sẽ cũng có một đôi câu đối gì sơn son thiếp vàng mừng Cụ Nghè treo ngang hàng với những câu đối kia. Và cũng phô tên tuổi chức tước, khoa danh với những người có tên trong lạc khoản kia. Đôi câu đối ấy phải bằng gỗ sơn son, tuy không đẹp bằng sơn then khảm xà cừ, nhưng Tâm thích hơn, bởi vì nó bền lâu hơn sơn then chóng bạc, mà khảm thì chóng long. Tâm củng không ưa câu đối bằng vải vóc. Chàng chỉ muốn cái gì lâu dài để phơi tên tuổi mình mãi mãi ở chốn ‘’Quần anh tụ hội’’ này. Còn gì lâu bền bằng câu đối gỗ sơn son. Chàng tưởng tượng đôi câu đối ấy sẽ treo vào gian giữa dưới bức hoành, chỗ Cụ Nghè ngồi, để mọi người phải quan chiêm, phải lưu ý đến đại danh mình...đại danh ông Nghè Tâm! Chàng bỗng mừng rú lên:
- A ha! Khoái!
Mọi người đều ngoảnh cả lại và hỏi:
- Cái gì vậy?
- Sao? Sao?
- Cái gì mà ông bạn bé của tôi khoái thế!
Đằng gian cùng bên kia vẳng có tiếng đưa đến:
- Đồ vắt mũi chưa sạch ấy học với hành gì. Chực đến đây mà giở trò ra đấy. Còn lạ gì lão Đồ Trí miền trong, đi năm khoa mới vào đến Tam trường mà ra bộ ta đây kẻ giờ, đem cháu đến đây cho theo đối với chúng mình. Nó xỏ ngọt chúng mình đấy...
Tâm nghe thấy từ phía nói ra cả vào mình, vừa thẹn vừa tức, chửa biết nói ra làm sao. Ông Đồ Trí vào giả nhời hộ:
- Thưa các quan bác, cháu nó thầy được cụ lớn nhận cho vào học, được gần cận hầu hạ các bạn đàn anh nó mừng quá đấy ạ.
Có mấy người nói:
- Thưa đại huynh, đại huynh cứ nói vậy. Lũ tiểu đệ đâu dám.
- Mừng mà kêu ‘’khoái’’, một là trẻ con, hai là nó có tình ý gì riêng.
- Trẻ con đứt đi rồi, chứ làm gì có tình ý riêng ở đây.
Bỗng cả trường im thin thít, rào rào đứng cả dậy, ai nấy chắp hai tay cúi đầu vái chào:
- Lạy thầy ạ!
- Lạy thầy ạ!
- Lạy thầy ạ!
Tâm nghểnh cổ nhìn ra gian giữa. Một ‘’ông’’ học trò đứng gần giường cúi khom khom, kéo vuông vắn cái chiếu lại, một tên học trò nhỏ đặt cái điếu gióng lên giường, cái điếu khảm nạm bạc, có cái xe trúc dài vắt vẻo cong vọt lại sau. Một đứa nữa đặt cái tráp đen bóng bên cạnh cái điếu...Rồi mới đến Cụ Nghè vào. Đầu cụ quấn khăn nhiểu tím che kín cả mái tóc bạc. Cụ vẫn mặc cái áo dài hạt cau kép đỏ, cầm một tập giấy cuộn tròn lại, chân đi đôi dép da. Cụ đến gần giường bước mạnh lên, khom khom lưng đi vào giữa giường, quay mặt ra ngồi xuống, hai chân quắp lại xếp bằng. Cụ ngồi ngay ngắn bệ vệ ở chính giữa giường hai tay luồn qua tà áo để lên hai đùi, đầu ngẩng lên nhìn tất cả học trò, hình như tìm tòi ai. Mọi người đều im lặng, để đợi cụ truyền bảo. Cụ nhìn quanh quẩn, có lẽ để lượng số học trò, đoạn cụ cuối xuống mở cuộn giấy cầm ở tay lúc nãy, giơ lên cho mọi người trông thấy. Trên tờ giấy trắng ngà, mấy dòng chữ son viết vừa phải để mọi người đứng xa đều có thể trông rõ được, nét chữ múa mang mềm mại, có một vẻ đẹp già dặn. Cụ đặt tờ giấy xuống, đè cái nghiêng son lên trốc cho gió khỏi bay, rồi lại luồn tay vào hai bên tà áo rung rung đùi, cụ nói:
- Hôm nay bắt đầu kỳ kinh nghĩa thứ nhất.
Cụ Nghè vừa mới nói, tức thời tất cả đều chen nhau dồn lại gần để nghe làm náo động ồn ào cả trường, cụ phải ngừng lại, nghiêm nghị, trừng mắt như có ý bảo mọi người phải im bặt. Ai nấy im lặng khẽ tiến lại đứng vây quanh giường cụ, có người phải nhẩy qua phản, bước qua cả vở, một điều rất kiêng, để mau lại hợp thành vòng vây. Khi vòng vây đã vững vàng và kín đáo, ai nấy đều im lặng và chăm chú nhìn vào cụ, lúc ấy cụ mới ung dung sang sảng nói:
- Sang năm đã đến khoa Mão rồi. Vậy muốn đỗ đạt, cần phải học tập riết từ bây giờ. Văn cốt chuyên mà võ cốt luyện, không chuyên, không luyện thì hay mấy cũng vất đi. Nên bắt đầu từ nay ở đây tôi gia thêm kỳ bài. Mỗi tháng ba kinh nghĩa, hai văn sách, hai thơ phú, hai tứ lục, kinh nghĩa ở ngay trường, nhất là một kỳ khó hơn và cần hơn cả. Mười phần thì trường nhất bị loại đến sáu bảy phần. Bởi vậy tôi phải thêm kinh nghĩa lên ba kỳ mỗi tháng. Từ nay đến tháng chín sang năm cả thảy hai mươi tháng, trừ đi hai vụ gặt tháng năm, một vụ tháng mười và một vụ tháng tết, vị chi còn mười lăm tháng. Mười lăm tháng mỗi tháng ba kỳ thành ra...tam ngũ...nhất thập ngũ...bốn mươi nhăm kỳ, bỏ hẳn đi năm kỳ, gọi là bốn mươi kỳ, mà luyện tập chu đáo củng đã khá lắm đấy. Vậy cứ ngày ngẫu là kinh nghĩa, văn sách, ngày cơ là thi phú, tứ lục. Thượng tuần một kinh nghĩa, một văn sách, một thi phú. Trung tuần một kinh nghĩa, một tứ lục, một thi phú. Hạ tuần một văn sách, một tứ lục, một kinh nghĩa. Hôm nay là kỳ kinh nghĩa đầu tiên. Kỳ sau tứ lục vào ngày rằm, thơ phú vào ngày tám. Cứ đấy mà suy ra. Đấy anh Ninh đem dán đầu bài lên bảng cho các anh ấy chép.
Cụ Nghè đưa tờ giấy cho Ninh, Ninh cầm lấy đứng lên rẽ vây ra, tức thì cả vòng vây đều tản mát về các phản như một đàn ruồi bị đuổi. Lắm kẻ chỉ chực giằng lấy tờ giấy ở Ninh để xem trước, nhưng Ninh hẩy tay ra mà gắt:
- Ô Hay! Các anh này, rồi treo lên kia thì xem chán, làm như cướp giật vậy. Học trò hay là tướng cướp!
Rồi Ninh cầm tờ giấy chạy ra ngoài hè, lấy cái bảng gỗ mộc mỏng và một ít cơm nếp mà đứa trò bé con đã mang đến, miết lên trên bảng rồi dán tờ giấy đầu bài lên, đem treo vào cái móc câu đối ở cột giữa.
Cái bảng đề mục đã treo cao, mọi người đều chăm chú nhìn lên. Trên bảng có ba đầu đề viết to. Dưới mỗi đầu đề lại có hai chữ viết về dòng bên, Tâm cũng như mọi người cầm bút viết đầu đề vào vở, chàng viết xong, ngồi ngẩm nghĩ đọc lại:
‘’Duy nhân giả nang hiếu nhân, nang ở nhân’’ (Đơn cú) (chỉ có người nhân có thể biết yêu người, biết ghét người)
‘’Tắc nhân hưng ư nhân’’ (Tiệt thượng) (thời dân đua nhau theo điều nhân) ‘’Đại học chi đạo’’ (Hư mạo)
Tâm đọc xong, cau mày lắc đầu suy tính:
- Quái lạ, đơn cú, tiệt thượng, hư mạo, là nghĩa thế nào. Mình chưa thấy ông Đồ nói đến bao giờ! Để mình phải hỏi xem.
Tâm ngẩng tìm ông Đồ. Ông còn đang mãi thì thầm nói chuyện với mấy người bạn đang nằm châu đầu vào nhau trên chiếc phản liền đấy. Tâm đang băn khoăn, ngồi thừ mắt nhìn mọi người, kẻ thì nằm viết, người thì giở sách xem. Chợt có tiếng roi đập xuống giường luôn mấy nhát. Tất cả mọi người đều chạy lại đứng thành vòng vây như trước, im lặng chờ nghe Cụ Nghè ừ ừ trong họng lấy giọng rồi nói:
- Ba đầu đề kinh nghĩa hôm nay ba lối: Lối đơn cú, lối tiệt thượng, lối hư mạo. Trong bọn các anh đây, có anh biết rồi, cũng có anh chưa biết, nên tôi giảng lại cả cho các anh dễ làm. Đơn cú là đơn đề vào một câu gom đủ ý tứ. Như câu ‘’duy nhân giả năng hiếu nhân, năng ố nhân’’ là ý nó dồn cả vào trong câu ấy rồi. Từ trước đến giờ vẫn có cái thuyết ‘’trái phái, hư thực, đảo thuận, chủ khách’’. Song cái chỗ đắc lực nhất, đều thu vào cả chỗ khởi điểm. Chỗ khởi điểm đã nắm được rồi thì thế dễ như chẻ tre, nên toàn thiên đều nên dùng chữ thực làm cốt, chữ hư chỉ để phụ họa mà thôi. Lối tiệt thượng là mạch ký đều ở phần trên câu văn cả. Dân hưng ư nhân chỉ là cái kết quả thôi. Cái phép làm văn lối này phải luôn luôn nghĩa đến phần văn trên, nhưng không nên để cho liền với ý trên. Người thợ khéo chỉ theo câu này mà đảo ngược bao quát cả câu trên chứ không theo vần trên thuận vào câu này. Cốt yếu là khiến cho cả cái thần lý trong đề vẫn hoàn bị mà không có cái bệnh tiên thượng. Mỗi vế (cổ) đảo lẫn, phép tắc trong vế dễ ra phức tạp. Lại cần phải có tái khéo biến đổi.
- Còn lối hư mạo là lối nên cái hư lên, nên ngầm tìm tinh thần huyết mạch ở câu văn dưới mà làm, nhưng không nên chương ra rõ ràng quá, vi thần tuy cần đến, song phép tắc lại cấm. Tóm lại, chỉ nên thung dung đem câu văn như hoa, gương giăng, nước, đều ở trước mắt không phải thực. Cái cách ngầm lấy ở đây cũng như hai cái ví dụ ấy. Vế sau(hậu cổ) phải nhiều lần dùng cái phép tân chủ phản chiếu, nói bóng bẩy đến mà thôi.
- Đây bây giờ tôi cho bình ba bài về ba lối để các anh nghe cho hiểu rõ và bắt chước...
Cụ Nghè mở tráp lấy ra một quyển văn bì đen nhánh gáy gắn sơn, mép quét sơn đỏ, cụ để quyển sách xuống giường. Cụ ngồi xổm lên, khuỷu tay bên trái tỳ xuống mặt tráp, hai đầu gối tựa nhau ngả vào tráp, tay bên phải cụ mở những trang giấy. Mở đến trang có các bài đã định, cụ xòe cả bàn tay đập mạnh xuống cho những tờ giấy phẳng phiu, rồi quay quyển sách lại đun ra mép giường, đầu sách về phía cụ, đoạn cụ để tay phải lên khu bàn chân, lắc lư tay, gãi năm móng tay dài lên năm móng chân kêu cạch cạch đều đều, mồm cụ nói:
- Anh Nhì Tương bình đi (vào đến nhị trường gọi là nhì).
Nhì Tương là một người đã ngoài ba mươi tuổi, hai mép và cằm đã lún phún râu đen, khuôn mặt sáng sủa, nói chuyện trong trẻo êm dịu như con gái. Tương kéo cái ghế đẩu con lại gần giường, ngồi xuống ầm è lấy giọng, nhìn lướt qua anh em mỉm cười, rồi hạ tầm mắt xuống sách, nói với Cụ Nghè:
- Xin phép thầy con bình.
Với một giọng ngâm nga như hát, rõ ràng và rang rảng, Tương bình rất thong thả đúng như lề lối nhà trường, mạch lạc phân minh, câu trên chuyển sang câu dưới rất khéo, ai nấy đều im lặng nghe, lấy làm khoái tai lắm. Hết từng vế (cổ) một, chàng lại ngừng lại để Cụ Nghè dẫn giảng, cụ nói trơn tru lắm, thao thao bất tuyệt, cụ đem những tỉ dụ ra cho người nghe dễ hiểu, Có những tỉ dụ minh bạch, còn phần nhiều là tối tăm mơ hồ, nhưng ai nấy cũng cố hiểu lấy được. Hễ cụ ngừng nói là Tương lại è một tiếng lên giọng, bình tiếp đoạn sau. Hết bài ấy cụ mở bài khác, lối tiệt thượng đổi sang người khác bình thay Tương. Cho đến hết cả ba bài, Cụ Nghè còn nói thêm một ít nữa, dặn một vài chữ thô nên tránh, nhắc những chữ phạm huý nên kiêng và thêm qua loa mấy điều cần thiết. Đoạn cụ đứng dậy bước xuống đất, xỏ chân vào dép đi ra cửa, cụ trở về phòng.
Tất cả học trò đều đứng lên, chắp tay cúi đầu chào:
- Bẩm lạy thầy ạ!
- Lạy thầy ạ!
- Lạy thầy ạ!
Ào lên một lúc rồi im. Hai tên học trò ‘’con cháu’’ cắp tráp và mang điếu xuống hầu cụ. Thế là buổi học tan. Vì là lớp học của ‘’quan viên đại tập’’ mà lại là lớp học đầu tiên. Các ông học trò xếp gọn bút nghiên sách vở lại, lục tục ra về như người ta ở nhà đám ra.
Bút Nghiên Bút Nghiên - Chu Thiên Bút Nghiên