Books are delightful society. If you go into a room and find it full of books - even without taking them from the shelves they seem to speak to you, to bid you welcome.

William Ewart Gladstone

 
 
 
 
 
Tác giả: Chu Thiên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 48
Cập nhật: 2017-06-20 14:35:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
ụ Nghè Phạm Xá là một tay khoa mục có tiếng nhất vùng Nam này. Cụ vốn là dòng thế gia vọng tộc. Ông Tam đại cụ đỗ Cử Nhân làm quan đến chức Án Sát Hà Tiên, thọ tám mươi hai tuổi, đã đào tạo được nhiều bậc khoa hoạn trong Triều ngoài Nội. Ông thân sinh đỗ Phó Bảng làm đến Thị Lang Bộ Hộ, rồi vì bệnh cáo hồi. Cụ Nghè tên là Trần Tiến Thanh, đỗ Thủ Khoa trường Thanh năm hai mươi hai và Tiến Sĩ năm ba mươi tuổi. Cụ đã làm đến Tri Phủ, quyền thụ Án Sát. Sau nhân vì Cụ Bảng ốm yếu luôn, Cụ cáo Quan xin về nhà nuôi cha, mông ân Hoàng Đế sắc chuẩn, Cụ về mở trường dạy học, gần xa mộ tiếng khoa bảng nhà cụ, kéo đến theo học ngày một đông.
Giòng giã mười năm giời thiết trường (đặt màn dạy học) cũ đã rèn đúc nên biết bao ông Cử, ông Tú, ông Bảng, ông Nghè, Cụ đã nghiễm nhiên đứng địa vị giá cả trong văn thân xứ Bắc. Sĩ tử Bắc Hà hầu khắp đều là học trò cụ, bởi ai cũng đều truyền nhau là học trường cụ dễ đỗ nên kẻ gần vùng, người xa xôi ở tận Bắc, tận Đông, tận Đoài cũng không ngại nghìn dặm đốn lương mang theo học.
Thật vậy, văn bài ở trường cụ rèn theo quy tắc trường thi dựa theo những bài thi các khoa trước, lại có các Quan Đốc Học Tỉnh Nam và các Tỉnh lân cận cùng các Quan Huấn Đạo, Giáo thụ tại chức, thường đến chơi dạy giúp và chấm bài, nên học trò được nhiều kinh nghiệm ở trường thi và thấu rõ giọng văn khoa cử, vào nơi đàn văn trận bút rất có hy vọng tên chiếm bảng vàng. Bởi lẽ đó, học trò trường cụ khoa nào cũng đỗ nhiều. Và cũng bởi lẽ đó, ông Đồ Trí cất công đưa Tâm đến cho kỳ được, hòng cho cháu mua nhất tự cách trùng (nghĩa là hôm nay còn là anh học trò, ngày mai có tên đỗ).
Ông Đồ đưa Tâm vào đến cổng Cụ Nghè.
Một cái cổng ngói cao mầu vôi xám, rêu phủ gần khắp, trên có ba đại tự ‘’Thiểu Cao Đại’’, với hai bên tường đôi câu đối rằng:
Giác dân thành tục do tự đạo,
Giác hậu viễn mê nhập thử môn.
Tâm đọc qua tấm tắc khen hay, phục ngay giọng văn nơi đại khoa quyền quý: Rõ ra cái cổng nhà một vị dạy người, tác thành cho mọi người. Qua cái cổng ấy, vào một con đường nhỏ lát gạch ở giữa hai đầu ao, xiên qua một vườn chè vào đến một cái sân chung quanh xây tường hoa. Ba con chó nằm trên hè xồ ra cắn. Bốn người đứng xô lại nhau, cầm cái vọt khua đi khua lại. Một gia nhân chạy ra đánh chó và hỏi khách. Ông Đồ hỏi ngay:
- Cụ lớn có nhà không bác?
- Chào các bác, cụ tôi có nhà ạ. Các bác đến có việc gì?
- Chú vào bẩm với cụ lớn hộ chúng tôi rằng có tên học trò Trần Văn Trí ở Mỹ Lý xin vào hầu.
- Vâng, xin rước các bác vào trong này, để tôi vào bẩm cụ, đứng đây chó nó cắn, cụ gắt.
- Vâng chú vào bẩm cụ ngay cho.
Bốn người theo chân tên gia nhân bước vào sân, cái sân gạch bát tràng rộng với trong cùng một giàn hoa thiên lý che cái vườn cảnh có những chậu đá đựng những gốc cây thành hình mọi con thú và những cây cảnh uốn thành con hạc, con rồng và những chậu lan, chậu cúc đưa hương thơm mát...Bốn người rẽ quặt vào nhà ngang đợi, cái nhà ngang đây là nhà bếp, nơi ở của tôi tớ trong nhà. Một mụ đàn bà già cầm chổi phẩy qua cái phản bừa bãi những cơm, những nước, những vệt chân gà, rồi ngẩng lên nói với ông Đồ:
- Các thầy ngồi chơi đây. Các thầy đến xin học phải không? Năm nay cụ tôi nhận ít học trò lắm. Hôm qua có mấy người đến đều bị về cả.
- Thế à? Cụ đây khai trường từ hôm nào hở cụ?Ông Đồ Trí hỏi.
- Cụ tôi mới khai hôm mồng tám, khai sớm để tháng hai này cho người làng đi khảo.
Nghe đến tiếng đi khảo, Tâm bất giác giật mình. Tâm cũng không biết làm sao lại giật mình được. Có lẽ Tâm sợ phải đi thi? Nhưng trong lòng Tâm vẫn mong mỏi học để đi thi cho mau đỗ kia mà. Thực ra cái ý nghĩ đi khảo, Tâm chưa hề săn sóc đến, nên lần này nghe thấy đột ngột về kỳ thi gần quá, Tâm đâm ra hoảng sợ. Tuy vậy, chỉ trong nháy mắt thôi, chàng trấn tỉnh được ngay, thì vừa lúc người nhà xuống:
- Cụ truyền các bác lên.
Ông Đồ đứng dậy, dặn mọi người:
- Chú cu Thìn đội quả lên, đứng ở ngoài đợi nhé, để chúng tôi bưng quả vào.
- Bẩm thầy vâng ạ! Xa xa có tiếng lủng bủng:
- Đã đến đây xin vào học còn thầy với bà.
Ông Đồ không để ý đến câu nói xỏ ấy ở đâu, quay lại dặn ông Lý:
- Còn ông Lý vào trong, thấy cụ phải phủ phục xuống lạy hai lạy rồi đứng yên đừng có nói câu gì nhé.
- Vâng ạ!
- Còn Tâm, con chào cụ và lạy cụ, rồi cụ có hỏi gì, phải nói rất cung kính, mạnh bạo và lưu loát, đừng có ấp úng, cụ lớn không cho học đâu.
- Bẩm thầy vâng ạ!
- Thôi ở đây đừng gọi tôi bằng thầy.
Đoạn bốn người theo tên người nhà đi hết hè bếp bước lên cái hè đá nhà trên, một tòa nhà ngói năm gian. Đi lượt qua bốn gian nhà đóng cửa bức bàn, đến cái phòng phía Tây ngoài treo một bức tường bằng vóc đỏ, chữ viết, bốn người dừng lại. Đấy là phòng riêng của Cụ Nghè nghỉ ngoài giờ học. Tên người nhà vào trước, ở ngoài vẳng nghe có tiếng nói:
- Cho vào!
Tên gia nhân thò đầu ra gật, ba người lần lượt bước vào đều chắp tay vái chào, rồi phủ phục lạy, miệng nói:
- Bẩm lây cụ lớn ạ!
- Bẩm lạy cụ lớn ạ!
- Bẩm lạy cụ lớn ạ!
Cụ Nghè ngồi sập cất tiếng sang sảng truyền xuống:
- Thôi, miễn lễ!
Ba người vừa lễ xong một lễ, nghe cụ truyền đều bình thân đứng ngay người cúi đấu vái vái.
Ông Đồ chạy ra cửa bưng quả vào đặt xuống sập trước mặt Cụ Nghè, mở nắp ra cầm đưa cho ông Lý. Ông Lý sẽ để dựa xuống kẻ ngạch. Trong phòng im lặng một lúc lâu. Tâm được dịp ngắm nghía Cụ Nghè và gian phòng. Trạc tuổi sáu mươi với bộ râu dài lòa xòa trắng ngà ngà còn điểm thêm mấy sợi đen, với đôi mắt sáng và sắc không phải dùng kính, với cái trán cao và bóng, chưa điểm dăn, với cái mũi ‘’long chuẩn’’ to và thẳng, cụ trông ra vẻ con người nửa tiên nửa tục. Mặc cái áo vải dãi hạt cau bọc bông, kép đỏ, phủ trùm lên cả hai đầu gối ngồi xếp bằng hai tay đặt vào hai bên tà áo, để hai bên đùi, cụ ngồi sừng sững như một cái núi. Tâm đoán đấy là quý tướng, tướng các vị quan sang. Tâm nhìn đến gian phòng sát liền ngay sập cụ ngồi, một cái án thư trên để liền bốn chồng vở bài, rồi đến một nghiên son to và cái ông bút bằng sứ rất đẹp, cái ống men trắng bóng vẽ cảnh ‘’Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai’’ để khít vào một cái đế bằng gỗ tiện sơn vàng. Bên kia sập sát với cửa sổ phía Tây, một cái phản gổi hai tấm quang dầu. Liền dấy một bộ bốn cái ghế bành để chung quanh một cái mâm xoay đều bằng gỗ gụ đen bóng như sừng. Trên sà, treo một bức hoành sơn then bốn đại tự thiếp vàng già dặn ‘’Thời vũ xuân phong’’ của học trò Đinh Sửu khoa Tiến Sĩ Nguyễn Lâm bài tiến. Chung quanh gian phòng, trên cột, trên liệt bàn, treo la liệt những câu đối thêu, câu đối sơn, câu đối khảm, toàn là những môn đệ đã thành danh phận đề tặng lại để ghi chút lòng biết ơn và kính cẩn. Tâm lóa cả mắt, không thể nhìn đọc xiết những hàng lạc khoản độc những Cử Nhân, Tiến Sĩ, Bố Chính, Án Sát, Lại Bộ, Hộ Nộ, Nội Các...Tâm đương như lạc vào một nơi triều đường nào, tiếng Cụ Nghè truyền bỗng kéo chàng lại, một thứ tiếng đồng nghiêm nghị:
- Các thầy ngồi! Các thầy đến việc gì?
Ông Đồ Trí khúm núm chắp tay thưa:
- Bẩm cụ lớn, vãn sinh Trần Văn Trí, Tam trường ở Mỹ Lý nhập môn cụ lớn năm Hợi...
- Phải, tôi nhớ, các thầy ngồi.
Ông Đồ vẫn khúm núm thưa:
- Bẩm cụ lớn, khoa Tí trước, vãn sinh nhờ được cụ lớn tác thành cho vào được đến Tam trường, chỉ hiềm gia đình bẩn bách ra vào cửa cụ lớn ít quá, vẫn còn khao khát mãi...
Cụ Nghè gật gật đầu:
- Ừ!
- Nhưng thế chưa sao được. Nay gọi là có chút bạc lễ đến cửa cụ lớn, lạy xin cụ cho tên Tâm đây (ông Đồ giơ tay chỉ vào Tâm) nhập môn cũ lớn vào lớp Đại Tập để kịp thi khoa Mão này.
Cụ Nghè trợn mắt trừng trừng nhìn Tâm:
- Thầy nói tên này à? Nó bé thế này đã chắc học gì được. Ở đây không hẹp gì già trẻ, nhưng chỉ e nó không theo kịp mà cứ ép nó, nó đuối sức, đâm ra chán nản thì có hại...
- Dạ! Bầm cụ lớn vãn sinh đã trộm phép nghĩ đến điều ấy rồi. Nhưng thưa cụ lớn, học lực tên này, vãn sinh dám trộm phép tin là đủ đua đòi với các bạn. Vãn sinh đã cho thử sức với các sĩ tử trong vùng đã từng theo học các đại trường và đã nhiều phen lều chõng, thì thấy đều sàn sàn cả, không hơn, không kém lắm. Nên mới lặn lội ra tìm đến cửa cụ lớn, xin cụ lớn rủ lòng thương cho tên ấy được nhập môn, học lấy những lẽ hay đạo chính của cụ lớn và nhờ dư lộc cụ lớn hẳn được sớm thành danh thì thật vạn phúc cho vãn sinh lắm.
- Thế tên ấy với thầy là thế nào?
- Bẩm cụ lớn hắn là cháu gọi vãn sinh bằng cậu. Xin cụ lớn đem ơn giời bể thương nhận cho tên ấy được theo học.
- Thầy nói thế, tôi cũng biết vậy. Để mai xem văn bài thế nào, rồi lúc ấy tôi hẵng định. Bây giờ tôi thử xem tài mẫn tiệp của hắn có khá không? Còn thầy này nữa muốn gì?
Ông Đồ vội thưa:
- Bẩm cụ lớn tên này là bố đẻ ra tên Tâm thân đến lạy tạ và thành tâm cầu khẩn cũ lớn cho con được dự vào phần tôi con cụ lớn.
Giời đã sắp tối. Tên người nhà đem cây đèn dầu thầu dầu lên. Cái ngọn đèn bấp bóng leo lét và cứ lướt đi theo chiều gió, tỏa ra một mùi khen khét. Được một lúc, ngọn đèn cứ lu mờ dần rồi bé hẳn như cái cúc. Ông Đồ Trí vội lại gần khêu to ngọn bấc chập ba lên, nhưng lửa chỉ cháy to được một lát, rồi lại lù lù lụn dầu, tạo thành cái hoa đèn xanh bọc quanh đó. Cụ Nghè hừ một cái, gọi người nhà:
- Bây đâu, thắp cây bạch lạp lên đây nhé. Đèn đóm chúng bây để sao thế này?
Ông Lý Tưởng từ nảy đền giờ đứng im lặng, lúc này không biết hứng chí làm sao, không theo nhời ông Đồ dặn, lắp bắp thưa:
- Bẩm cụ lớn, có hoa đèn thế này tốt lắm, đúng như câu phương ngôn thường nói:
Thứ nhất đom đóm vào nhà,
Thứ nhì chuột rút, thứ ba hoa đèn.
Ông còn toan nói nữa, nói nhiều những điều mình biết, nhưng ông nhìn ngang thấy đôi mắt ông Đồ cau cau gườm gườm trông ông, ông im bặt ngay. Cụ Nghè đáp:
- Chả biết có tốt gì, nhưng bây giờ hãy chịu tối tăm đây này! Bây đâu có mau đưa cây sáp bạch lạp lên đây không?
Ông Đồ kính cẩn nói xin lỗi:
- Xin cụ lớn đánh chữ đại xá đi cho, chú nó vốn thô lỗ quen tính, không sao mà sửa đi được nên đương không thốt ra mấy nhời phật tôn ý!
Cụ Nghè ngồi im không nói.
Một ánh sáng tươi rực chiếu qua chỗ cửa ngõ vào phòng, át hẳn cái ánh sáng tù mù của ngọn đèn. Rồi một thiếu nữ khuôn mặt xinh tươi rực rỡ bên ngọn nến đương rung rinh, uyển chuyển bước vào phòng như gió lướt, cặp mắt đen nháy vì chói lửa, đem đặt cây nến vào yên sách. Tâm đang trố mắt nhìn thiếu nữ, thì tiếng Cụ Nghè sang sảng làm chàng giật mình cúi gầm mặt xuống vừa thẹn vừa sợ, sợ Cụ Nghè bắt gặp cái nhìn ấy, cụ đa nghi không cho học nữa thì chết.
- Sao không bảo chúng nó mang lên cho, mày không dệt vải hở Nguyệt? Làm gì đấy?
- Thưa thầy chúng nó bận cả, đứa dọn cơm, đứa giã gạo, đứa đâm bèo cho lợn, con dệt hết suốt nghỉ ăn cơm, mẹ con bảo mang nến lên đây ạ!
- Ừ được! Gọi là bạch lạp, đừng gọi là nến, nến nhỏ kia chứ, to thế này à?
Thôi đi xuống.
Bây giờ cụ mới quay lại Tâm, ngắm nhìn kỹ lưỡng từ đầu đến chân, làm cho Tâm sợ đứng không vững. Đoạn cụ mới hỏi:
- Anh kia năm nay bao nhiêu tuổi?
Tâm còn ngơ ngác chưa kịp giả nhời, ông Đồ phải đáp hộ:
- Bẩm cụ lớn, tên ấy năm nay mới mười lăm!
- Mười lăm mà đã học được thế cũng khá đấy. Nếu quả như nhời thầy Trí nói thì ngày sau cũng có phần vinh hiển. Trông mặt mũi cũng khôi ngô đấy. Đã đến đây ta nhận cho học, phải cố mà học, đừng để mang tiếng xấu ở trường này và đừng phụ mọi người kỳ vọng ở mình, nghe không?
Tâm run sợ hé được một tiếng:
- Dạ!
- Anh làm bài thơ này tôi xem: ‘’Thiên hạ hòa bình’’. Có biết chữ đâu không?
- Dạ có ạ! Chữ Kinh dịch quẻ Hàm.
- Được rồi, giấy bút đây làm ngay đi!
Cụ Nghè giơ tay với nghiên son, rút cái bút ở trong ống, mở tráp lấy tờ giấy trắng, đưa tất cả cho Tâm. Tâm lại gần chắp tay vái và nói:
- Bẩm cụ lớn, tiểu tử xin bái lĩnh.
Rồi cầm lấy mọi thứ đem ra cái phản, nằm xuống loáy hoáy viết.
Trong khi ấy, Cụ Nghè nói chuyện với ông Đồ, hỏi thăm tin tức mấy bạn văn thân miền trong, như Quan Đốc Văn Chu, Quan Huấn Đại Đồng.
Một lúc sau, Tâm đã viết xong đằng tả bài thơ đem lên trình Cụ Nghè. Cụ cầm lấy tờ giấy, giơ cao lên gần ngọn nến đọc, nét mặt cụ thỉnh thoảng lại cau lại, khiến Tâm trông thấy mà trong lòng hồi hộp lo sợ. Đọc xong cụ để tờ giấy xuống sập, rồi ngẩng đầu lên nhìn Tâm và ông Đồ Trí. Cụ khen một vài ý, chê câu tam tứ, chữa mấy chữ sau cùng kết luận, công nhận Tâm có thể theo lớp đại tập được và bằng lòng cho Tâm ở lại học tại trường.
Đến đây ba người đều sụp xuống lạy Cụ Nghè và xin cáo biệt. Cũng như lúc mới vào, cụ lại miễn lễ cho và còn gọi người nhà:
- Bây đâu, trông chó cho các thầy ấy ra đến cổng!
Cả bốn người ra về đều vui mừng hớn hở, tuy đều, do một cớ là Tâm được cụ lớn ưng nhận, mà nổi vui ở mỗi người có một vẻ riêng. Chú cu Thìn không biết gì cả thì vui mừng lúc ra về không phải đội è cổ nữa, bây giờ đã đặt ngửa nắp quả lên mà cắp nách. Ông Đồ thì hớn hở:
- Tôi chỉ sợ cụ không nhận cho lại dắt nhau về thật mang tiếng với ông, mà cháu nó mất nhuệ khí đi.
Ông Lý lại mãi nghĩ khác:
- Mai tôi về nhé, thầy ở lại với cháu, xem cho nó học hành và chỉ bảo nó. Tôi về báo tin cho bu cháu và bác cháu mừng.
- Nhào, ở lại một ngày nữa, đi đâu mà vội. Vội năm, vội tháng, vội đời, chứ vội một ngày à!
Bút Nghiên Bút Nghiên - Chu Thiên Bút Nghiên