Nhiều sự thất bại trên đời là do người ta không nhận ra người ta đang ở gần thành công đến mức nào khi họ từ bỏ.

Thomas Edison

 
 
 
 
 
Tác giả: Chu Thiên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 48
Cập nhật: 2017-06-20 14:35:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
au khi đã sửa lễ, lễ đình, lễ miếu, lễ điện ông Tự Kế để cầu cho Tâm được thông minh sáng láng, học đâu biết đấy và nhớ như chôn vào ruột, sau khi cả nhà đã nhộn nhịp sắm sửa cho Tâm mọi thứ cần thiết, đã đến ngày nhất định của Tâm nghìn dậm đội níp theo thầy. Cái ngày ấy là ngày mười một tháng giêng.
Tất cả đồ đoàn sách vở của Tâm đều nhét cả vào một cái hòm gỗ vuông to sơn then chạy chỉ vàng, trông tựa cái hòm mộc của phường chèo. Cái hòm ấy chiếm một bên gánh. Muốn cho cân, bên này người ta để một thúng tiền kẽm chừng sáu bảy quan và một nén bạc, phủ lấp đi bằng một mẻ gạo di trắng, trên để một cái tráp. Một người lực điền được mặc cái áo nâu mới ruộm treo xong hồi trong năm, một cái quần mới còn trắng, thắt một cái khăn sồi góc đỏ thẳm, để nhận lấy cái việc gánh đưa cậu ra trường như mọi người đều bảo. Tuy phải gánh trên vai đi hàng ngày đường, bác vẫn lấy làm sung sướng được gánh đưa người đi học. Bác buộc quang cẩn thận, thắt nút cho đều rồi cho đòn gánh vào quang, ghé vai nâng bổng gánh lên, dún thử mấy cái rồi lại để xuống tươi cười nói:
- Còn nhẹ lắm, bà Lý ạ, bà xem có thiếu gì nữa cứ để thêm vào. Đây ra đấy chứ từ đây lên Bắc hay vào Thành Nội, con gánh cũng được!
Bà Lý toan chạy đi lấy mấy cái bánh chưng nữa nhưng ông Lý đã gạt đi rằng:
- Thôi để ở nhà cho trẻ nó ăn, nặng rồi đấy, còn để cho người ta đi được chứ, xa kia mà!
Ông Đồ vứt cái bã giầu vừa nhai xong, thò hai ngón tay bên trái vào cơi giầu cắp một miếng cau lên, móng tay cái bên phải đã thoăn thoắt bấm tỉa vỏ đi, rồi bỏ vào mồm ngậm yên đấy, lại lấy miếng giầu, giở cuộn ra, cho móng tay cái cào bớt đi ít vôi quệt ngay lên cái cột liền đấy thành một vệt trắng dài trông như cái nét sổ cụt, rồi ông cuộn lại bỏ vào mồm nhai ngau ngáu và đứng lên nói như truyền lệnh:
- Thôi ta đi!
Mọi người đều xuống cả sân, tất cả những người trong họ đến tiễn chân Tâm. Cuộc chào nói ồn ào. Rồi như con rắn cuộn khúc mở dần ra, cả một đoàn người cứ dần dần tiến ra cổng đi thành hàng chữ nhất: Ông Đồ đi trước, đến ông bác Tâm, ông LýTưởng, Tâm, người gánh, rồi đến mọi người họ hàng thân thích theo sau. Ra đến cổng, tiếng chào lại ồn lên một lúc: Đoàn người theo sau bớt đi quá nửa. Đến đường cái, mọi người về cả, chỉ còn lại có bốn người đi đầu.
Giời hôm nay đẹp, mưa phùn đã tạnh hẳn từ đêm. Trên giời còn một làn mây đục mỏng, nhưng phương Đông đã vàng tươi rực rỡ tuy mặt trời chưa lộ ra, đủ tỏ rằng hôm nay phải hửng to. Đường khô ráo, những lộc non tỏa ra một mùi thơm mới mẻ. Gió thổi nhè nhẹ lướt qua mặt khách bộ hành như một bàn tay yêu đương êm dịu xoa lên má. Tâm thấy trong lòng nhẹ nhõm sung sướng bâng khuâng, tưởng như cảnh vật chung quanh đều tươi cười chào đón mình.
Những đường đất quằn quèo uốn khúc nơi đồng ruộng xanh rờn như ngắn lại. Tâm đi không thấy mỏi. Thỉnh thoảng một tòa đình lộ ra trắng xóa hay xám xì để rồi lại khuất vào trong lũy tre xanh hay dưới những cây si, cây đa sầm uất làm cho Tâm vui thích lạ, chàng chỉ muốn chạy vào hẳn tận nơi xem các câu đối treo ở cột, khắc ở tường. Nhưng có lúc chàng vừa chù chừ ngừng bước cố nghếch mắt đọc cho hết câu đối ngoài trụ cột, thì ông Đồ hay ông Lý đã dịu dàng giục:
- Tâm, đi mau đi con! Còn xa kia mà!
Chàng lại phải cắm đầu rảo bước theo sau hai người, chú cu Thìn quẩy gánh đã đi vượt lên xa rồi, chú cứ đi một thôi dài thật mau, đến hàng nước bên đường lại ngồi nghỉ để đợi ba người.
Đi mải miết đến xế chiều mới đến nơi. Tuy đã được nghỉ bốn bận, ăn quà uống nước, nhưng Tâm cũng thấy mỏi chân lắm, Vì lần đầu tiên chàng đi xa vậy. Mọi bận chàng mới chỉ đi từ nhà xuống Vân Trung và Mỹ Lương thôi. Lần này chàng mới đi xa mà đã đi hằng những ngày đường, làm gỉ chả mỏi. Giá không có những cảnh đẹp lạ lùng mới mẻ làm khuây lòng, chàng có thể phát khóc lên được. Chàng vừa kéo lê chân mà mắt còn mải trông cái lăng xây kiểu văn chỉ quét vôi trắng xóa, trên lối vào có mấy chữ đại tự to và hai bên một đôi câu đối viết lối thảo già dặn. Chàng đương mải trố mắt nhìn để đọc rõ đôi câu đối rất nổi ấy thì ông Đồ đã lại giục:
- Đến nơi rồi con ạ! Đi mau vào nhà trọ mà nghỉ.
Bấy giờ Tâm quay lại thì đã bước trên con đường nhỏ vào làng Phạm Xá. Cái cổng làng bằng gạch đã lồ lộ hiện ra dưới lũy tre xanh biếc. Làng Phạm Xá là một làng trù mật, tự đằng xa người ta đã nhận biết bằng những cây cau cao vượt ngọn tre liền chi chít như che rợp cả mặt giời. Qua cổng làng, Tâm để chân lên con đường lát đá xanh liền nhau thẳng tắp. Này là Văn Chỉ, trên một khoảng đất rộng, chung quanh giồng cây rậm rạp, ở giữa Đền Thờ Đức Thánh Khổng rất đồ sộ và nguy nga, trên mái bốn góc chạy bốn con rồng ngang nhiên nghểnh cổ nhìn giời. Hai bên xây kín, đắp hai con phượng xòe cánh múa. Ở trong chinh giữa vẽ bức di tượng Đức Thánh, hai bên tường vẽ rồng chầu, chính giữa để bát hương bằng đá. Trước cửa đền, cách xa một ít, một cái hương án xây gạch. Rồi hai bên đối nhau bốn bệ thờ lộ thiên, lưng tựa kiểu tam sơn, hai bên con rồng bò, thờ Tứ phối (Tăng Tử, Mạnh Tử, Tử Tư, Nhan Hồi). Đứng hẳn về sau bệ thờ Tứ Phối, mỗi bên năm bệ thờ Thập Triết (mười vị giỏi học trò Đức Thánh) trước mỗi bệ có một bệ con. Rõ ra một cái văn chỉ nơi khoa mục. Tâm phải ngừng lại một lúc để ngắm. Tiến mấy bước nữa đến trước cửa đình, một tòa đình ba chiếc liền nhau chạy dài năm gian với một cái sân lát gạch, chung quanh bao tường. Ở ngoài là một cái ao làng rất rộng, những cô gái làng ra ‘’kín’’ nước hay giặt gịa đang cười cười nói nói giòn giã. Thấy ba người đi qua với gánh hòm đi trước, các cô ngừng tay trông theo và nói chuyện, Tâm lắng tai nghe thấy:
- Trường Cụ Nghè lại thêm một bác học trò nữa.
- Còn cái cậu kia chắc đi hầu cơm nước.
- Láo nào? Trông có vẻ học trò đấy chứ. Biết đâu hai ông kia lại chả là người đưa cậu ta đi học?
- Phải, cậu học trò của chị Tân đấy! Đi mà theo người ta đi! Ngữ ấy mà học trò làng này! Cụ Nghè có dạy ai bé bỏng như thế đâu?
- Ngộ bây giờ có người bé thì sao?
- Ngộ có người bé thế này thì phần chị Tân!
Tâm nghe thấy cũng phải phì cười làm ông Đồ phải bảo:
- Cố đi mau mau lên con, còn cười gì đấy?
Tâm rảo bước, vẳng còn nghe thấy tiếng các cô cười nói.
Giời đã về chiều, tiếng học trò đã vẳng khắp mọi nhà, rang rảng nghe rất vui tai. Ông Đồ Trí đưa Tâm xuống mãi cuối làng vào nhà ông Phó Liên, nơi ông trọ học năm xưa. Cả bọn vừa vào đến cổng, ông Phó đang loay hoay nhổ cỏ ở sân, trông thấy vội đứng lên cúi đầu chào:
- Chào Thầy Đồ ạ! Lâu nay thầy mới lại đến chơi! Chào các ông ạ!
- Không dám, chào ông Phó, ông vẫn khỏe mạnh chứ. Có đông sĩ tử trọ không? Tôi muốn đem gửi ông thằng cháu này.
- Vâng ạ, rước thầy và các ông vào nhà ạ.
Ông Phó đưa ba người vào nhà, vừa đi vừa nói:
- Sang năm đến khoa thi rồi, nên năm nay trường cụ đông lắm. Mới mồng mười mà học trò các nơi đã đến như nước chảy. Ra đường nhan nhản chỉ chạm trán những học trò.
Ông Đồ hỏi lại:
- Ông Phó có đông học trò trọ không?
- Năm nay cũng đông các thấy ấy đến trọ, tất cả tám thầy rồi. Còn hẹn đến rằm, mấy thầy ở Đông vào nữa. Hiện giờ có năm thầy ăn cơm nhà cháu. Còn ba thầy thì ở bên Thư Trì thổi cơm lấy. Mời hai ngài ngồi. Ngồi kia cậu, ở đây cũng như ở nhà mà.
Tâm nghe thấy nói đến mình, đang ngắm khắp nhà, cũng vội ngồi xuống sau hai tiếng:
- Vâng ạ!
Cái nhà gỗ năm gian rộng thênh thang. Hai đầu kê hai dẫy phản gỗ sát liệt bản, liền vào cửa sổ trông ra vườn chè. Ở hai gian trong có hai giường với một cái án thư quang dầu đỏ trên để một chồng sách in, một ống cắm bút bằng cái ống tre lắp lên miếng gỗ vuông và mấy cái đĩa tầu vỡ dùng làm nghiên. Ở gian giữa một cái sập gỗ chân quỳ và một bộ kỷ tre với một cái bàn sơn ba tầng. Ở góc nhà mấy cái hòm vuông để chồng lên nhau: hòm của các thầy trọ học.
Ông Phó Liên để ông Đồ Trí và ông Lý Tưởng ngồi uống nước ở trường kỷ, rồi xuống nhà dưới bảo con ở làm cơm. Còn hai người với nhau, ông Lý hỏi ông Đồ:
- Bây giờ thầy đưa cháu vào hầu cụ lớn hay mai?
- Bây giờ chứ. Nghỉ chân một lát rồi vào hầu cụ, nói với cụ trước, mai chỉ việc vào học. Mai cụ bận, nói chuyện thế nào được.
- Bẩm thầy, tôi có đi được không?
- Được, ông cũng đi cho vui. Vả ông cũng nên đi vào chỗ khoa mục đại thần mà biết cái vẻ trang nghiêm đạo mạo, lề thói cao quý nơi cửa Khổng sân Trình.
- Vâng, thế ta đi đi!
- Hượm một tí đã, để cháu nó đỡ mỏi chân, có đau chân lắm không cháu?
- Bẩm thầy không ạ!
- Có mỏi lắm không?
- Bẩm không ạ! Con đi được ạ!
- Ừ nào thì đi, chú cu Thìn cho gánh vào trong này. Ông Lý mở hòm lấy lễ ra...Ông Phó ơi! Ông lấy cho mượn cái quả.
- Dạ! Vâng ạ.
Ông Phó đưa quả lên. Ông Đồ đặt lễ vào: Một buồng cau, một chai rượu, một chục bánh mật và hai quan tiền. Ông đậy nắp quả lại, rồi quay lại bảo:
- Chú cu Thìn đội đi này! Thôi ta đi. Ông Phó ở nhà nhá. Chúng tôi vào cụ một lúc.
- Vâng, rồi xin mời các ngài về xơi cơm.
Bút Nghiên Bút Nghiên - Chu Thiên Bút Nghiên