Chớ nên vì ngượng ngùng khi mắc phải lỗi lầm nhỏ mà mãi che giấu, khiến chúng biến thành tội ác lúc nào không hay.

Khổng Tử

 
 
 
 
 
Tác giả: Chu Thiên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 48
Cập nhật: 2017-06-20 14:35:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ăm nay Tâm mười lăm tuổi.
Tết Nguyên Đán vừa xong, mồng sáu Tết, ông Đồ Trí Mỹ Lý đã xuống nhà ông Lý Tưởng, trước là chơi thăm, sau là để bàn bạc về việc học của Tâm.
- Ông Lý ạ, Đạo học vô cùng, kể cháu Tâm học hết chữ tôi cũng còn chán. Nhưng sang năm đến khoa thi rồi. Tôi muốn nơi ‘’đại tập’’ cho cháu theo học, nó quen khuôn sáo khoa cử đi và đua tập với sĩ tử các nơi. Để lúc vào trường nó khỏi luống cuống. Nên tôi xuống bàn với ông xem sao...Ông Đồ rung đùi gật gù bảo ông Lý Tưởng.
Ông này đon đả lễ phép:
- Bẩm thầy dạy chu tất quá. Cái ấy còn tùy ở lượng thầy. Xin rước thầy nghỉ chơi ở đây mấy hôm, rồi thầy truyền thế nào chúng tôi cũng xin vâng.
Rồi ông xuống nhà gọi Tâm:
- Tâm ơi Tâm!
- Dạ!
- Anh sang bên chú Lý Hai tìm bác về ngay, bảo có Thầy Đồ Mỹ Lý xuống chơi. Và bảo bác rẽ vào nhà ông Chỉ Tấn mời ông Tú Phú Động sang chơi nhé. Bảo bác thế nào cũng mời cho được ông Tú. Chả mấy khi ông Đồ ở chơi.
- Thưa thầy, ông Tú Phú Động sang ta bao giờ thế?
- Ông ấy sang đầu hôm kia ấy mà. Sang xếp chỗ ngồi: Nhất sư nhất đệ, ý chừng nhà ông Chỉ muốn nuôi. Nhưng thôi anh đi mau và về nhé.
Một lúc sau, bác Tâm đã về, vùn vụt bước lên hè chào:
- Bẩm thầy ạ!
- Không dám, chào cụ!
- Thấy tin thầy xuống chơi, tôi đang đánh tổ tôm đằng chú Lý Hai xóm ngoài, phải vội về hầu thầy.
- Thưa cụ, quý hóa quá. Chết nỗi! Làm dở mất hội ù của cụ. Đầu xuân, cụ có tốt tài không ạ?
- Bẩm thầy, năm ngoái tôi chỉ toàn thua. Nhưng sang năm nay mới đánh mấy canh, nhờ giời đều được cả.
- Như thế là năm nay cụ hồng vận suốt năm.
- À, thưa thầy có ông Tú Phú Động sang xếp chỗ ngồi ở làng tôi, tôi mời lại chơi, có lẽ sắp đến. Thầy có biết?
- Có phải cái ông Tú dong dỏng cao, mặt xương xương ngăm ngăm đen...
- Vâng, ông ấy có bộ râu dài lòa xòa.
Ông bác Tâm vừa nói đến đây thì ông Tú đã bước vào cổng. Con chó vện nằm trên hè, chồm ngay bốn vó lên, sồ ra như chực nhẩy xổ vào người khách lạ. Tâm giơ hai nắm tay lên dọa mắng con vật:
- Con chó quái nào! Mù à!
Con chó cúp đuôi chạy, còn sủa đổng mấy tiếng gâu gâu!
Bác Tâm đã bước xuống sân chắp tay vái chào:
- Bẩm chào cụ Tú sang chơi ạ!
- Tôi không dám, chào ông ạ.
Ông Đồ cũng bước xuống đất, tiến ra cửa đứng đợi, khi trông thấy ông Tú, ông cúi đầu hỏi:
- Chào quan bác sang chơi ạ, hân hạnh cho đệ quá!
Ông Tú trông thấy ông, hớn hở cười sằng sặc:
- À, bác Đồ Mỹ Lý, tôi cứ tưởng là ai.
Cửu hạn phùng cam vũ
Tha hương ngộ cố tri
(nắng lâu gặp được mưa, ở làng lạ gặp người quen cũ)
Có phải không bác? Còn gì vui bằng tôi gặp bác ở đây kia chứ. Vạn hạnh! Vạn hạnh! Khá! Khá! Khá! Kh...Khá.
Ông Đồ cũng cười theo, rồi mời ông Tú vào ngồi trên sập khách. Ba người chiếm ba góc sập, ngồi xếp bằng, hai tay chắp lại, mười ngón tay luồn qua nhau để chắp lên khu bàn tay, hai cánh khuỷu đè lên hai bên đùi. Ba người chuyện trò rất vui vẻ, hết chuyện làm ăn đến chuyện học hành và chuyển sang chuyện dạy học.
Ông Tú hỏi ông Đồ:
- Năm nay bác ngồi đâu chửa?
- Vẫn chỗ cũ, tính tôi không hay đổi chỗ.
- Đám nào đấy?
- Vẫn đám Mỹ Lương đấy mà.
- Thế cũng xong, tôi thì long đong. Năm nào cũng phải xếp. Chả mấy đám là vừa ý, ở được lâu. Này bác ạ, nhưng mà cũng nên năng đổi chỗ để mà lấy đồng môn chứ.
- Vâng, bác dậy thế cũng phải. Năm nay bác định ngồi nơi nào chửa?
- Ấy bên này ông Chỉ Tấn xếp đấy, nhưng tôi chữa thuận hẳn. Nhất sư, nhất đệ mà niên bổng tôi đòi trăm hai quan, nhưng ông chỉ mới định có tám chục.
- Bẩm cụ, nếu xong bao giờ cụ khai trường?
Bác Tâm đột ngột hỏi. Ông Tú ngồi ưỡn ngay người lên, thò tay rón miếng trầu bỏ vào mồm nhai, rồi đáp lại:
- Tôi định mười hai này sạch ngày lại có sao giác trực khai, tôi bắt đầu lễ thánh rồi khai giảng.
- Cụ Đồ Bế xóm Đông lại dạy ngay từ mồng mười. Còn Thầy Đồ ta ngày nào thầy xuống trường?
Ông Đồ đang ngồi thẳng, thò tay vào nách gãi sột sột, cũng vội giả nhời:
- Tôi được cái thong thả. Làng ấy họ còn việc làng canh chay rằm tháng giêng. Cả làng bận rộn đến mười sáu mới xong. Nên đến mười tám tôi mới khai trường.
- Năm nay thầy cũng cho cháu Tâm theo chứ?
- Ấy, lúc nãy tôi đã bảo với ông Lý, năm nay nên cho cháu đi học các bậc đại khoa để nó quen lề lối sang năm đi thi.
Ông Tú ngạc nhiên hỏi:
- Cậu nào mà đã nói chuyện đi thi?
Bác Tâm nhanh nhẩu giả nhời:
- Bẩm cụ, cháu Tâm con chú Lý nó đây, vẫn theo học Thầy Đồ tôi từ năm lên tám.
- À, cái cậu Tâm vừa đi với tôi lúc nãy à? Có, tôi có nghe đồn cậu ấy đỗ đầu kỳ thi văn ở làng Mỹ Lương năm nọ. Mà sau học chóng thế đã sắp sửa đi thi được rồi kia à?
Ông Đồ ôn tồn thưa lại:
- Thưa bác, các ông đây có lòng mộ đạo, mà cháu nó cũng hiếu học dễ bảo nên theo tôi mấy năm cháu nó đã học hết cả các sách về khoa cử, và làm được cả các lối kinh nghĩa, thơ, phú, văn sách, tứ lục. Kể cũng chưa hay gì cho lắm, nhưng các văn bài làm đã xuôi xuôi, tôi thiết tưởng cho cháu nó đi tập một cụ đại khoa nào thì vừa lợi mà chóng cho nó nữa.
- Phúc đức nhỉ! Ít tuổi mà đã được như thế. Kể cũng là một điều đáng mừng cho nhà ta lắm. Phen này thì thật đất phát khoa nhỉ! Có điều giỏi thì giỏi, chứ sang năm đã cho đi thi ngay, tôi e còn non quá. Cũng thì ít tuổi nhưng con nhà người ta vốn sẵn gia sáo, bố bảo con, ông bảo cháu ngay từ khi mới nứt mắt, nên việc đỗ đạt dễ dàng lắm, con nhà mình khác. Tôi nói tình thực, chứ có dám khinh cậu ấy đâu, bác đồ nghĩ có phải?
Ông Đồ hơi cau mày đáp:
- Ấy việc đỗ đạc còn nhờ ở số, khoa này không đỗ để dành khoa sau, con nhà nho sĩ thế là thường, mấy ai thi mà đỗ ngay. Chẳng qua có học phải có thi, cho nó ra nơi trường ốc, nó bạn dạn quen đi. Và ‘’thập văn bất như nhất kiến’’ (mười điều nghe không bằng một điều thấy). Nó được mục kích sớm những lề luật nặng nề của trường thi, nó từng trải khôn ngoan ra, đường khoa danh của nó có thêm phần mau chóng. Xưa nay người có chủ tâm lập chí vẫn thành đạt nhanh hơn người thường. Bởi lẽ ấy nên năm nay tôi bảo các ông ấy đây thế nào cũng phải cho cháu nó đi tập, tổn phí cũng cố mà chịu. Ở vùng đây có ba trường: Trường Cụ Nghè Phạm Xá, Trường Quan Huấn Đại Đồng, với Trường Quan Đốc Văn Chu.
- Muốn văn chương lỗi lạc nên lại học đằng Quan Đốc Vân Chu. Lối hành văn của ngài thật đanh thép mẫu mực, nhất là kinh nghĩa, văn sách, thật đáng là khuôn vàng thước ngọc. Học trò ngài đi đâu là nổi tiếng đấy.
- Phải. Nhưng học trường cụ khó đỗ. Cái hay của cụ ra ngoài khuôn khổ, không hợp với văn thể trường thi. Đã đành rằng văn chương vô giá, song con em đi học cốt mong cho nó đỗ, ta phải rèn tập nó theo lối văn trường. Một khi đỗ rồi, còn ối thì giờ luyện văn cho hay, giũa câu cho đẹp.
- Thế thì xuống tập Quan Huấn Huyện.
- Quan Huấn Huyện chỉ dạy các đại cương, ngài còn bận việc quyền nhiếp thay Quan Huyện luôn, không chỉ bảo cẩn thận được, và chưa biết chừng nay mai ngài được bổ Tri Huyện, quan khác về, học lại dở dang. Tôi thì tôi định cho cháu theo tập Cụ Nghè Phạm Xá.
- Hừ, theo Cụ Nghè Phạm Xá sao bằng học Quan Huấn Đại Đồng? Bên Cụ Nghè Phạm Xá đông học trò quá, một ngày chia làm mấy lớp, mà lại xa riệu vợi đi mất non một ngày đường. Quan Huấn Đại Đồng ở gần đây lại chỗ văn thân hàng huyện với nhau, nhờ ngài dạy dỗ cẩn thận cho, có phải chu đáo và mau chóng hơn. Vả trường ngài, ngài kén chọn kỹ lắm, số học trò vừa phải thôi, không đông lắm, nên học rất dễ.
- Thế bác mới hiểu một, chưa hiểu hai. Bên Cụ Nghè Phạm đông thật đấy, nhưng cái đông ấy không hại, mà lại còn lợi là được giao du nhiều, ganh đua lắm. Hai là trường hợp có sáo dễ đỗ. Lời văn của cụ, nhẹ nhàng, giản dị rất hợp với trường quy, lại khiêm tốn, lễ phép, mạch lạc rõ ràng, nên ai chấm đến cũng phải thỏa thích mà phê ưu, bình cả. Cho nên khoa nào trường cụ cũng đỗ nhiều. Vì đấy mà số học trò càng ngày càng đông. Chính tôi, tôi tiếc rằng chỉ học cụ được non một năm, chứ học luôn được cụ vài ba năm, tôi giật đứt cái Cử Nhân đi rồi.
- Ấy cũng chỉ vì bác mải tưởng giật mạnh cho nên đứt đấy chứ!
Ông Tú đâm ngang vào một câu pha trò. Ông Lý Tưởng và ông bác Tâm đều cười ồ lên rồi đồng thanh nói chữa, mặc dầu các ông không hiểu việc chữ nghĩa thế nào:
- Thầy Đồ tôi nói rất đúng, giá Thầy Đồ theo tập cụ lớn Nghè Phạm mấy năm, thế nào chả đỗ Cử Nhân, Tiến Sĩ!
Ông Đồ ung dung nói:
- Thật đấy, không Tiến Sĩ thì cũng hơn cái Tú Tài quèn.
Ông Tú hơi sầm mặt, nói:
- Tú Tài quèn còn hơn người đi thi bao khoa rồi mà vẫn đeo tiếng ông Đồ!
Thấy hai người sắp sửa nói mát nhau quá hóa thật, ông bác Tâm đứng dậy vội vàng nói:
- Xin hai cụ xá lỗi, hai cụ định cho cháu tôi theo học chốn nào, hai cụ chỉ bảo để chúng tôi còn biết lối mà sửa soạn cho cháu. Xin hai cụ đừng...
Ông Tú cười nói:
- Không có việc gì đâu! Ông Đồ đã định cho cháu theo Cụ Nghè rồi lại còn. Ông Đồ đã nghĩ là chí phải...
Ông Đồ nghĩ sao cũng vội đổi ngay sắc mặt vui vẻ nói:
- Tôi định thế, nhưng còn tùy ở các ông đấy chứ. Các ông nghĩ kỹ xem có nên không. Đây ra đấy vừa xa vừa chỗ trọ khó khăn. Có lợi chỉ lợi cho cháu và bất tiện cho các ông. Đi lại xa xôi mà tiền phí tổn thì nhiều. Liệu sức có cáng đáng nổi không?
Ông Lý Tưởng vội láu táu nói:
- Bẩm thầy, thầy dạy thế nào chúng tôi cũng xin vâng. Về việc học hành, chúng tôi không được tường cho lắm, nên trăm sự trông nhờ cả ở thầy. Đằng nào tiện lợi cho cháu xin thầy cứ bảo, phí tổn bao nhiêu chúng tôi cũng chịu được. Đến phải bán nhà, bán đất lấy tiền cho con đi học cũng cam lòng. Chúng tôi con nhà Hào Lý, đành phận dốt nát, nay thấy cháu nó học được chúng tôi cố sức cho đi học, chỉ cầu Giời khấn Phật phù hộ độ trì và nhờ mồ mả phúc ấm nhà, cháu đỗ được Cử Nhân hay Tú Tài để chúng tôi được hưởng cái hương thơm của triều đình thì thật là thỏa mãn. Cháu đỗ sớm được ngày nào là chúng tôi càng thêm vẻ vang ngày ấy, nhỉ bác cả nhỉ!
Ông bác đồng ý nói thêm:
- Phải, nhờ Thầy Đồ cứ dốc lòng chỉ lối đưa đường cho, nếu chú lý nó chịu không nổi, đã có tôi góp vào.
Ông Đồ đắc thắng cả mười phần, gật gù thích ý nói:
- Như vậy ta nên cho cháu theo học Cụ Nghè Phạm Xá. Tốn một tý nhưng chắc đỗ hơn.
Ông Tú cũng phải chêm vào mấy câu lấy lòng:
- Các ông thành tâm dốc chí cho con đi học như thế, Giời Phật Thánh Thần tất không phụ tấm lòng các ông mong mỏi. Chóng chầy thế nào cậu Tâm nhà cũng đỗ to. Con hay chữ lại chăm học, bố mẹ hết lòng tin cậy sự học thật là được đủ mọi điều. Tôi chưa thấy mấy nhà được như thế. Ông Đồ tốt cung quan lộc lắm mới gặp được một nhà phúc hậu thành tâm như vậy. Tôi thì toàn gặp những phường đảo điên bất nghĩa cả.
Ông bác Tâm đương cúi cổ têm giầu, vội ngẩng ngay lên nhìn thẳng vào ông Tú và nói:
- Ấy bẩm cụ cháu Tâm đây gọi Thầy Đồ bằng cậu ruột đấy, thím Lý nhà tôi là em gái Thầy Đồ.
Ông Tú vội hoan hỉ gật đầu:
- À ra thế, người nhà với nhau cả.
Tan bữa rượu, ông Tú trở về nhà ông Chỉ Tấn để mặc cả xong cái giá ngồi. Bác Tâm tiễn chân ra đến đường cái. Còn ông Đồ và ông Lý Tưởng chỉ xuống đến sân thôi. Khi ông Tú đi khuất cổng rồi, hai người cùng đi vào nhà. Ông Đồ nói:
- Đến ghét lão Tú Phú Động này, đi đâu thì nói thánh nói tướng mà rút cục tâm địa rất xấu xa. Hắn xỏ xiên lừa cả Quan Huấn Đại Đồng đấy. Có gì đâu, Quan Huấn ngài ưa kén chọn kỹ người học khá, tính nết tốt, chịu khó và khá giả mới cho học. Hắn biết ngài thế, nên bẻm mép ngọt ngào nói với ngài, đem ít gạo đến xin ở trọ hẳn nhà ngài. Hắn ở ít lâu rồi chả biết thế nào ngài tin hắn lắm. Hắn mới lấy trộm của ngài ít vở bài chép rất công phu rồi chuồn thẳng, bửa mất của ngài mấy tháng cơm. Quân như thế còn bao giờ khá được.
Ông bác Tâm vừa đến nghe thấy được câu một câu hai không hiểu cái gì, hỏi ngay:
- Cái gì thế?
Ông Lý đáp:
- À, Thầy Đồ nói chuyện ông Tú Phú Động.
- Ông ấy xếp cái chỗ đằng ấy chả chắc có xong không, vì ông ấy cò kè quá mà ông Chỉ làng ta cũng không vừa!
Ông Đồ có vẻ khinh bỉ nói:
- Có xong thì cũng chỉ được một năm thôi. Đểu giả như lão ấy có ai ưa được mãi. Mà lại còn kêu ca là long đong vất vả.
Ông bác Tâm bấy giờ mới hơi hiểu cái mẫu chuyện nghe được câu một câu hai lúc nãy, trợn hai mắt ngạc nhiên:
- Nhè! Ra thế đấy!
Thế là Tâm đã nhất định được theo học Cụ Nghè làng Phạm Xá ở tận ngoài gần Tỉnh Nam, vừa đi vừa về mất hai ngày. Nên cả nhà chỉ còn việc sắm sửa cho Tâm nào quần áo, giấy bút. Nào tiền ăn gạo đốn, sao cho ra dáng con người học trò đi ăn học ở nơi xa lạ. Bây giờ không còn là cậu học trò bé miệng cơm chín của ông Đồ Mỹ Lý nữa kia mà.
Bút Nghiên Bút Nghiên - Chu Thiên Bút Nghiên