There are very few people who are not ashamed of having been in love when they no longer love each other.

Francois

 
 
 
 
 
Tác giả: Chu Thiên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 48
Cập nhật: 2017-06-20 14:35:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
rường ông Đồ Trí bây giờ đã ra vẻ một trường tiểu tập, nghĩa là học trò đến đây đều là những người đã tập làm văn bài đối đáp cả, chứ rất ít những trẻ học thường. Học đã chia ra từng lớp, bài văn lại chia ra từng kỳ: Tập làm phú, tập làm văn sách, tập làm thơ. Học trò chỉ phải học qua bài, nếu có cần thì phải kể nghĩa. Còn không phải hỏi, đọc gì cả. Ở lớp này người ta chú trọng đến văn bài. Văn bài hay được khen, văn bài dở bị chê. Thảng hoặc có ai phạm lỗi xấu xa gì, cả bọn đồng môn tụ họp lại mà dị nghị, mà sỉ nhục, chỉ có thế. Ông Đồ ít khi phải dùng hình phạt đối với bọn này, một lớp đã biết thân phận phải học, chỉ còn biết ganh đua vì một điểm, vì một nét mác!
Mỗi tháng có mấy kỳ hành văn đã định rõ: Từ ba đến mười hai là nhiều lắm. Phần nhiều cứ theo lệ cơ ngẫu (lẻ chẵn) mà định kỳ. Làm thơ phú ở ngày lẻ, thì làm văn sách, luận, kinh nghĩa ở ngày chẵn. Những ngày ấy phần nhiều học trò chỉ đến nghe giảng và lấy đầu bài về nhà làm, rồi đến hôm sau mang đến nộp. Chấm xong rồi trước mặt đông đủ học trò, ông Đồ đưa giả các quyển bài, chỉ trích mấy chỗ hỏng, khen mấy đoạn hay của anh này, của anh khác. Rồi tiếp đến cuộc bình các bài văn hay. Ở trường học chữ nho ngày trước, có lẽ vui nhất là lúc bình văn. Học trò ngồi đủ mặt thành hàng quanh giường ông Đồ. Ai nấy đều nghiêm trang im lặng. Ông Đồ đưa ra một tập quyển ưu, bình thứ, thứ mác, bắt những anh tốt giọng phải bình, anh nọ nhìn anh kia, mỉm cười, nhường nhau. Rồi một anh mở một quyển bài, è è lấy giọng nói một câu thường lệ:
- Xin thầy con bình.
Rồi ngân nga đọc theo một lối riêng, khi cao khi thấp, khi to khi bé, khi trong khi đục, như hát một bài hát vậy. Tất cả nghệ thuật của người bình văn là ở đấy. Mọi học trò đều ngồi im thin thít, lắng tai nghe ngon lành lắm, nét mặt hoan hỉ rõ rệt với những đoạn văn lý thú ý vị mà người bình đã khéo đưa giọng cho người ngoài thấu rõ. Cả những người ở chung quanh trường và đến những người dốt đặc cán mai không biết chữ gì cũng ngừng việc lại mà chú ý nghe cuộc bình văn. Cuộc bình văn cứ thế kéo dài đến mấy giờ đồng hồ. Hết quyển này sang quyển khác, anh trước mỏi miệng đã có anh sau thay. Văn đã hay mà giọng bình lại tốt, thật là vẻ vang cho nhà trường vậy.
Sau buổi bình văn thứ nhất, bình văn sách, ông Đồ khen mấy người tốt giọng, rồi dặn tất cả học trò:
- Kỳ sau tập làm phú, định vào ngày mồng sáu, ngày chẵn, và từ đây cứ theo lệ cổ, làm văn sách, luận ở ngày cơ, mà ngày ngẫu thì thơ phú. Về phú các anh nên nhận kỹ những bài tôi cho các anh chép, bắt chước cách xếp đặt và cách đặt câu trong các bài ấy. Những tay giỏi, người ta chỉ xem một bài kiểu mẫu tức khắc làm ngay được bài khác. Chỉ cần dàn ý cho khéo, cho câu văn lưu loát là được.
Một anh học trò hỏi:
- Bẩm thầy, có nhiều thơ phú không ạ?
- Không, phú chỉ có một lối. Câu đặt mấy chữ cũng được, tùy ý, nhưng cứ hai câu liền bằng trắc phải đối chọi với nhau. Phú độc vận là chỉ có mỗi một vận thôi.
Rĩ đề tự vi vận (lấy chữ đề làm vần) là trong đề có mấy chữ thì phải từng ấy vần.
Rĩ đề vi vận (lấy đề làm vần) là lấy câu đầu đề làm vần và thêm một vần ‘’phú’’ ở đoạn cuối cùng nữa, như đầu bài là ‘’ôn cố tri tân phú’’, rĩ đề tự thì chỉ có bốn chữ ôn cố tri tân thôi, mà rĩ đề, thì phải cả năm chữ ôn cố tri tân phú. Phần nhiều người ta hạn vần bằng một câu nào có liên lạc đến bài. Có khi đầu đề ra phóng vận là tùy mình chọn vần lấy.
- Thưa thầy làm phú có phải theo quy tắc nhất định không ạ?
- Có chứ. Mỗi vần thoạt tiên phải đặt vài bốn câu tứ tự hoặc theo lối liên châu nghĩa là câu trên câu dưới cũng một vần, hoặc theo lối bằng trắc đối nhau, chỉ cần vần ở câu dưới thôi...Rồi đến vài bốn câu song quan, mỗi vế sáu bảy hay tám chín chữ. Sau đến vài câu cách cú, mỗi vế dài hai đoạn. Nếu không đặt cách cú thì đổ ra vài câu hối hạc, mỗi vế ba đoạn. Về nội dung, bài phú phải gò theo những điều lệ này: Vần, hay đoạn thứ nhất là vần lung, nói đến ý nghĩa đầu bài. Vần thứ hai là biện nguyên, tìm nguồn gốc cho rõ ý đầu bài, vần thứ ba là vần thích thực, phải nói hết nghĩa ở đầu bài, vần thứ tư là phô diễn, suy rộng ra. Đến vần sau giở đi là nghị luận, rồi dần dần tổng kết lại. Các anh cứ đem những bài phú đã chép trước ra mà xem khắc hiểu.
Năm tháng sau, Tâm và mấy tay học trò khá của ông Đồ đã sản ra được những bài xuất sắc. Ông bằng lòng lắm, thường bảo với mọi người rằng:
- Cách một năm nữa đến khoa Mão, học trò tôi thừa sức đi thi. Từ nay đến đấy còn chán thì giờ học tập, các ông ấy cứ chăm cho tôi là được!
Ông không dám nói rõ tên Tâm, sợ mang tiếng là con người khoe khoang, nhưng trong bụng ông vẫn mừng thầm được đứa cháu học trội hơn cả, mà những lời ông nói nửa bỡn nửa thật với người ngoài vẫn ám chỉ riêng Tâm. Cho nên ông cần dạy mau đủ các lối văn trong trường. Thi thơ biết rồi, văn sách cũng quen rồi, ông bắt đầu dạy sang kinh nghĩa và tứ lục. Ông đưa những bài văn hay của các tay khoa mục danh tiếng ra cho học trò chép. Chép xong rồi học thuộc lòng, rồi khi nào cần đến, ông mới giảng qua về cách xếp đặt trong những bài ấy. Cái lối dạy học của ông giản tiện vậy, nên học trò tiến lắm, ông Đồ các nơi đều noi theo.
Trước khi định ra bài kinh nghĩa cho học trò làm thử, nhằm vào ngày bình văn, nhân đông đủ mặt học trò, ông nói đại khái việc dàn bài. Trong gian nhà rộng, lố nhố những học trò, ngồi xếp bằng trên sập, ưỡn thẳng lưng, một tay đút bọc, một tay mở đi mở lại quyển vở bài, ông nói đều đều rõ ràng, thao thao bất tuyệt.
...Làm kinh nghĩa là thay nhời cổ nhân mà thích rộng một câu trong sách cổ ra thành một bài. Câu được đặt tự ý, không hạn chữ, không theo vần. Nhưng cả bài cũng phải theo khuôn phép riêng: Trước hết là đoạn phá đề, người làm văn giải qua nghĩa đầu bài. Thứ nhì đến đoạn thưa đề, bắt đầu vào nhời người xưa nói. Thứ ba là đoạn khởi giảng, nói khai mào mở đầu bài. Thứ tư là đoạn khai giảng, vào bài có hai vế đối nhau. Cuối đoạn có một câu hoán đề, láy lại câu đầu bài. Đoạn thứ năm là trung cổ, có hai vế đối nhau thích thực nghĩa đầu bài, đoạn sáu là hậu cổ, hai vế đối nhau và bàn tán rộng ý trong bài. Đoạn bẩy, kết cổ, cũng có hai vế đối nhau tóm tắt các ý trên bài lại. Cuối cùng, có một câu thúc đề, thắt chặt bài là hết. Lối kinh nghĩa này là lối bát cổ (tám vế hay tám đoạn) thông dụng nhất trong trường thi.
Một anh học trò đứng lên:
- Bẩm thầy, văn kinh nghĩa tức là văn tứ lục?
Ông Đồ cười mỉa mai. Cả mấy cậu học trò cười theo. Im cười, ông nói:
- Cái anh này dốt quá. Anh không hiểu chữ tứ lục à? Văn tứ lục là lối văn trên bốn, dưới sáu, hay trên sáu, dưới bốn. Văn tứ lục là lối văn chiếu, biểu. Chiếu là nhời Nhà Vua ban ra cho thần dân thiên hạ hiểu biết một việc. Vậy là chiếu tức là thay nhời Nhà Vua để chúc mừng (gọi là biểu hạ) hay là để tạ ơn được phong thưởng (biểu tạ). Lối văn biểu phải rất mực cung kính, khiêm tốn, thù phụng. Văn chế sắc cũng là lối văn tứ lục, chế là nhời vua ban khen, sắc là nhời vua phong thưởng các quan và bách thần.
Ông Đồ ngồi nghĩ ngợi một lát, rồi ông đứng dậy mở tủ lấy ra một tập sách chữ viết tay, đóng bìa cậy đen nháy và gáy gắn sơn rất chắc chắn. Ông đem ra quẳng cho học trò và nói:
- Đây này quyển văn chiếu, biểu của tôi chép công phu lắm. Các anh sĩ lượt nhau mà chép lại rồi cứ nhập theo đấy ít lâu sau là làm được ngay, văn tứ lục dễ lắm. Có khó gì đâu! Chỉ cần nhất là học được nhiều sách và nhớ sách, không nhớ sách là hỏng.
Thế là cả bọn hăm hở tranh nhau chép. Họ nằm túm tụm lại, một anh cầm lấy sách, vừa viết vừa đọc to cho mọi người theo và viết. Thảng hoặc gặp chữ nào ngờ ngợ, họ nhìn sang anh bên cạnh, hay chống tay quỳ gối, bò lên mà nghểnh cổ trông vào quyển sách ở tay anh đang đọc. Chép được một vài bài rồi họ lần lượt ngồi dậy đọc lại, thôi không chép nữa, để có thì giờ mà xem, mà học, mà ngẫm nghĩ cho rõ lề lối. Họ gập quyển bài mẫu lại đưa cho Tâm. Còn những bài kia họ để dành đến mai, ngày kia, chưa muộn.
Một tháng sau, học trò ông Đồ Trí đã làm nổi văn tứ lục rồi, không hay ho gì cho lắm, nhưng nghe cũng tàm tạm được. Cậu nào cậu ấy cùng hớn hở vui mừng, trong lòng sung sướng lắm, đã làm được các lối văn trường ốc, chỉ cần luyện tập cho thêm sâu sắc và già dặn thôi. Cả đến ông Đồ cũng tự hào đã dạy biết đủ lề lối vào trường, ông thường khoe với những người đến chơi:
- Học trò trường tôi được cái chịu khó học cả, họ đua nhau họ học chóng biết lắm, làm được cả thơ phú, kinh nghĩa và chiếu biểu rồi kia đấy. Có phần xuất sắc hơn học trò Cụ Cử Văn bên Văn Lang và ông Huấn Phú Hậu. Các cụ chỉ được tiếng khoa mục, chứ chữ nghĩa và dạy bảo nào đã hơn ai!
Đối với các ông Tú, ông Cử, ông Mền, ông Kép thường đến chơi, ông Đồ lại khoe cách khác:
- Bẩm ông, nhờ giời, nhờ thánh, các trẻ đây học cũng khá, nhà cháu đã dạy cả các lối văn rồi kia đấy. Chúng làm được cả kinh nghĩa và chiếu biểu rồi ạ. Những bài của chúng cứ như ý nhà cháu xem ra cũng đường được. Bẩm đây, kính trình tôn ông duyệt qua.
Ông Đồ vừa nói vừa cầm mấy vở bài của Tâm và của những học trò kha khá đưa ra. Những ông khách mở đi mở lại xem và tấm tắc khen. Có ông mỉm cười hạ một câu:
- Được lắm. Láo đảo trường ố như ông, dạy học trò tất nhiên là phải giỏi!
Ông Đồ chỉ còn biết kính cẩn ‘’dạ’’ một tiếng, và không hiểu người ta khen hay mỉa.
Nhưng lạ nhất có ông khách này: Một hôm vào giữa mùa Thu êm mát, buổi học sớm sắp tan, học trò sắp sửa về, còn ráng lại nghe nhời chỉ dẩn của ông Đồ về một bài phú. Chợt ở đâu đưa đến một người đàn ông đã nhiều tuổi, đầu quấn khăn tam giang đã bạc mầu, mặc cái vải giãi đã sờn rách và chiếc quần nâu bạc, chân đi đôi dép da loẹt quẹt, tay khoác cái nón sơn đã long lở phe phẩy đi vào, trông có vẻ ngang tàng lắm, không có dáng điệu người đi ăn xin, mà cũng không ra vẻ khách khứa làng nho cho lắm. Người ấy sồng sộc tiến vào nhà. Học trò không hiểu thế nào còn mãi ngạc nhiên, chưa kịp chào. Ông Đồ cũng lấy làm lạ. Người ấy đã nghiễm nhiên ngất ngưởng ngồi trên trường kỷ, không chào hỏi ai, rung đùi ngâm một câu:
- Giáo huấn chính tục, vô lễ bất bị! (dạy bảo sửa đổi phong tục không có lẽ không đủ)
Ông Đồ tức tím mặt lại, các học trò sợ hãi khép nép, kẻ đứng dậy đi têm giầu, kẻ đi lấy điếu đốt đèn mang lên, người đi rót nước bưng đến, mời chào rất cung kính. Người lạ mỉm cười lại nói:
- Cung nhỉ vô lễ tắc lao (cung kính mà không có lễ thì phiền).
Ông Đồ từ nãy đến giờ ngồi im lúc này mới nói:
- Nhập gia bất vấn tắc mạn, ký vi nho giả hồ bất tri thánh nhân nhập Thái Miếu, mỗi sự vấn (vào nhà không hỏi là khinh nhờn. Đã là nho giả sao không biết đức thánh nhân vào nhà thái miếu mọi việc đều hỏi).
Một sự im lặng nặng nề. Ông Đồ chăm chăm nhìn người khách lạ, người này vẫn tươi cười hớn hở trông ra ngoài sân. Các học trò ngơ ngác hãi hùng chờ đợi cuộc đấu khẩu gay go giữa ông Đồ và người khách. Có tiếng thì thầm:
- Này mày? Hay là lão đồ điên Nam Thương đấy?
- Không, giọng lơ lớ có lẽ ông Đồ Nghệ!
- Không phải, đồ Bể đấy. Năm ngoái ông ta đã vào trường Cụ Tú Hai bên Nguyệt Điện!
Rồi lại im ngay. Học trò đều quay nhìn dồn cả về ông Đồ và ông khách.
Chợt ông khách tươi cười quay mặt lại hỏi ông Đồ:
- Thưa thầy, thế nào là tiên học lễ, hậu học văn ạ?
Ông Đồ hỏi lại:
- Thưa ông, thế nào là đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục?
Ông khách không giả nhời, hỏi lại:
- Vậy thầy dạy trẻ những gì?
- Thưa ông, tôi dạy học, dạy làm văn, làm bài, làm thơ, làm phú, dạy học trò sắp sửa đi thi...
Ông khách vẫn tươi cười nói:
- Tốt lắm. Thầy dạy chu đáo lắm, nhưng có điều cần nhất thầy quên.
Ông Đồ thấy khách nói hòa nhã từ tốn, bèn dịu nhời nhận lỗi:
- Bẩm cụ, cụ đến đột ngột quá, và giữa lúc học trò dộn dịp sắp ra về, nên mới có điều sơ xuất vậy. Vả lại lúc này học trò đang bận tập bài văn để đầu tháng này xuống thi ở nhà Quan Huấn!
- Được lắm. Ra các cậu học đây đều sắp sửa đi thi nay mai kia đấy?
- Bẩm cụ, nhà cháu dạy đủ lề lối văn trường rồi, chỉ còn cho luyện tập tinh vi đến sang năm đi thi hạch, rồi xuống tập Quan Huấn hay vào tập Quan Nghè Phạm Xá ít lâu để kịp khoa thi Mão sắp tới.
Ông Đồ tươi cười nói với một vẻ thỏa thích. Nhưng ông khách hơi cau mày hỏi:
- Thưa thầy như thế, các cậu học đã giỏi lằm nhỉ?
- Bẩm cụ, cũng chưa lấy gì làm giỏi, nhưng cũng đủ sức làm bài, bẩm cụ bài của các trẻ đây.
Ông Đồ lại đưa các vở bài ra cho khách. Khách thong thả mở qua các trang giấy, ông Đồ hỏi:
- Bẩm cụ quý quán ở đâu tá?
- Ấy tôi đi qua, thấy đây có trường học ghé vào chơi hầu thầy, thầy cho phép tôi hỏi các cậu ấy mấy câu.
- Bẩm vâng, xin rước cụ chỉ giáo.
Ông khách quay lại học trò:
- Lão thấy nói các cậu sắp đi thi, lão kính phục lắm, nên lão muốn cùng các cậu đàm luận một lúc cho vui, lão bây giờ già rồi không còn được may mắn như các cậu đi học, đi thì nữa, lão tiếc quá. Các cậu đối hộ câu này nhé, lão nhai dập bã giầu này là phải xong, vì lão vội lắm.
Các học trò lấm lét nhìn nhau, rồi đều nói:
- Bẩm cụ vâng ạ!
Ông khách ra:
- Cây xương rồng, giồng đất rắn, long lại hoàn long, (chữ long nghĩa là rồng).
Các học trò im lặng ngồi nghĩ, mặt anh nào cũng đực ra! Ông khách bỏm bẻm nhai đã nát miếng giầu, thè ra môi, giơ hai đầu ngón tay, cầm lấy bã ném tót ra sân, rồi giục:
- Thế nào, xong chưa các cậu?
Chỉ có mình Tâm đứng dậy thưa:
- Bẩm cụ con xin đối ạ: ‘’Quả dưa chuột tuột mồm mèo thử gì mà thử?’’ (chữ thử là chuột).
Ông cụ lắc đầu:
- Hơi được, nhưng không chỉnh mà lại xược. À, thảo nào! Bé mà hay chữ tất dễ khinh mạn. Còn các cậu kia, không đối được à? Thôi quá hạn rồi. Các cậu làm giúp tôi bài thơ này: ‘’Tri tiểu nhi mưu đại’’ lấy vần mưu, các cậu có biết chữ đâu không?
Học trò ngơ ngác nghĩ không ra, ông Đồ phải bảo:
- Chữ Kinh Dịch thiên hệ từ hạ, câu: Đức bạc nhị vị tôn, tri tiểu nhi mưu đại, lực tiểu nhi nhậm trọng, tiển bất cập hĩ (đức mỏng ở ngôi cao, trí biết nhỏ mà mưu việc nhớn, sức nhỏ mà gánh việc nặng, ít khi thành được). Học rồi mà đã quên.
Ông khách chữa:
- Ấy Kinh Dịch trúc trắc khó nhớ.
Học trò ngồi nghĩ mãi, lại gặp vần mưu rất khó chọn, nên viết đi xóa lại mãi không thành. Mãi quá trưa mới được mấy bài đưa lên, ông khách xem qua, rồi quẳng giả không chấm, ông lại bảo:
- Hẵng để bài thơ đấy, các cậu làm giúp tôi bài phú này nhé: ‘’Giột tự nóc giột xuống’’ rĩ đề tự vi vận.
Thật là bài phú oái oăm và mai mỉa. Ông Đồ tức lắm. Từ câu đối đến bài thơ, bài phú đều một giọng khuyên răn khinh miệt. Nhưng biết làm thế nào. Chả nhẽ ông đi làm hộ học trò à? Ông đành ngồi mà xem cái lão giời đánh nó hạnh sách thế nào. Cả ông Đồ và học trò mải tức tối khó chịu, quên cả ăn uống và mời khách. Bỗng ông kia đứng dậy chào ông Đồ đi ra, họ cố giữ thề nào ông cũng không ở. Ra đến sân ông nghêu ngao đọc:
- Học kinh bất minh, bất như quy canh (học sách không thông, không bằng về đi cày).
Người khách đi khỏi rồi, ông Đồ mới trút cơn tức bực ra mắng học trò tàn tệ, sau cùng ông dịu giọng lại, nói vuốt hậu:
- Nhưng với cái thằng điên ấy, không kể làm gì. Nó chỉ đi tìm những vần khốn khổ để thử người ta, đem những tử vận (vần chết khó tìm được vần) mà hỏi, thì đến nó cũng không làm nổi.
Nói vậy chứ ông Đồ cũng không biết người khách lạ kia, tung tích thế nào, quê quán ở đâu, mà cả vùng ấy, học trò đã đi dò hỏi khắp, cũng không biết hành tung con người bí mật kia ra sao.
Tuy nhiên, cái cuộc đến thăm đột ngột và lạ lùng của người khách vẫn ích lợi cho bọn học trò và cho Tâm nhiều lắm. Lúc ấy chúng mới thấy rõ sức kém cõi của mình và hiểu rằng đi thi ngoài sự biết rõ lề lối văn bài, lại còn cần phải có thực tài nữa. Và cái học như thế, chúng chỉ mới đáng làm ông Đồ‘’chi, hồ, giả, dã’’ chứ chưa thể vác lều chõng vào trường mà cầm chắc có tên trên bảng.
Bút Nghiên Bút Nghiên - Chu Thiên Bút Nghiên