There is always, always, always something to be thankful for.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Chu Thiên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 48
Cập nhật: 2017-06-20 14:35:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
âm đã lên mười tuổi. Nghĩa là đi học đã được 4 năm rồi. Bốn năm giời theo học, tâm hồn đã nhiều khi có những trạng thái lạ lùng. Có những lúc bồi hồi cảm xúc. Có những lúc vui mừng hớn hở, có những lúc thao thức nhớ nhung...Nhưng chưa lúc nào Tâm thấy mình say sưa ham học, Tâm chịu khó học, chẳng qua vì bắt buộc, vì sợ phải đòn, sợ luồn khố, sợ xấu hổ. Thỉnh thoảng, được mọi người khen lao, Tâm thấy thinh thích. Nhưng cái lúc thinh thích ấy không thể bù lại được những nỗi lo âu buồn nản. Trong lòng Tâm vẫn nặng trĩu một vẻ bực tức ngấm ngầm, nhớ tiếc cái lúc nô đùa thỏa thích khi thơ ấu!
Ai đời, một đứa trẻ bé bỏng như thế này, đang tuổi hay ăn chóng nhớn để đi chơi, người ta lại bắt học lấy học để, học ngày học đêm, để rồi sau đi thi đỗ làm quan. Thi đỗ làm quan thì có lợi gì cho đứa trẻ. Tâm thường nghĩ vậy. Đến năm nay, đã lên mười tuổi và nhờ học nhiều sách vở, hiểu nhiều nghĩa lý hơn, Tâm đã có vẻ người nhớn một ít, Cái ý nghĩ nông cạn non nớt kia đã nhường chỗ những nguồn tư tưởng sâu sắc xa vời!
Cái đời học trò, Tâm chưa ham thích cho lắm, nhưng Tâm mong mỏi được như những ông trạng đời xưa: Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh, Nguyễn Trực, mà ông Đồ thường kể lại trong lúc chiều tối nhá nhem. Ở trong lòng cậu bé mười tuổi đã bắt đầu nẩy mầm cái sự ham muốn vinh quang.
Nhất là tự đầu năm nay, ông Đồ Trí đi ngồi chỗ khác. Đã đem Tâm đến một thổ ngơi thuận tiện cho sự nẩy nở ấy. Tâm đến nơi với tất cả sự vui mừng của một người được chung quanh hoan hỷ đón chào. Họ thì thầm nhau để lọt vào tai Tâm những mẫu chuyện có thể làm đỏ mặt sung sướng cả đến những người rất lạnh lùng:
- Bé mà bé hạt tiêu đấy nhé! Học giỏi nhất trường Vân Trung đấy. Học hơn cả những đứa học đến bảy tám năm rồi!
- Học qua cả tứ thư, ngũ kinh rồi. Bây giờ sắp học sử!
- Câu đối giỏi đáo để, Thầy Đồ ra là đối liền!
- À, tao biết rồi, cái anh tao nghe nói đâu nhân tâm đối với kê cứt chứ gì? Thế thì chả giỏi!
Tâm nghe thấy cũng phải mỉm cười, nhưng cũng không hại cho vẻ sung sướng vẫn còn lộ trên hai má đào đỏ hồng, Tâm phấn khởi, càng vui vẻ chăm học tập hơn.
Một hôm với các bạn mời đi thăm khắp làng, gặp một ông kỳ mục là tay hay chữ học nhiều, ông bắt Tâm đứng lại và hỏi:
- À, cậu có phải là cậu Tâm? Tôi thấy Thầy Đồ và nhiều người khen cậu hay chữ lắm, thế cậu học đến sách gì rồi?
- Bẩm ông, con đương học Kinh Thư!
- Tứ Thư học chưa?
- Bẩm Tứ Thư học rồi ạ.
- Sử (sử đây là sử Tầu) học chưa?
- Bẩm ông, sử con học hết Hậu Hán sang đến Tấn rồi. Thầy con bảo học Ngũ Kinh đã, rồi hãy học tiếp Sử sau.
- Tốt lắm, cậu đối hộ tôi câu này nhé: ‘’Đệ tử nhập tắc hiếu xuất tắc để’’
Tâm ngẫm nghĩ, rồi đối ngay:
- Bẩm con xin đối là ‘’Thánh nhân an tư nguy, phú tư bần’’
Ông Kỳ Mục khen:
- Được lắm. Cậu làm thơ chưa?
- Bẩm ông, con chưa biết làm, thầy con chưa dạy làm.
- Cậu học giỏi thật, người ta đồn không sai, nhưng phải học làm thơ chứ, về bảo Thầy Đồ dạy đi nhé. Thôi chào cậu nhé.
- Con không dám. Kính chượng (tiếng chào các bậc bề trên) ông ạ!
Tâm giở về với mối băn khoăn trong lòng, không biết có nên nói với ông Đồ hay đừng nói. Nói với ông dạy làm thơ, rồi ngộ khó khăn không làm nổi, học không nổi, lúc ấy ông Đồ mới mắng nhiếc cho, đánh đập cho, rõ là xấu hổ, ê chề, rõ là xin dây mà tròng cổ. Dại gì!
Nhưng mà không học, ra đường gặp người thắc mắc, người ta bắt làm thơ không làm được, có phải rõ dơ, mất cả tiếng tăm. Đằng nào cũng tội. Tâm còn phân vân như thế để nghĩ vài ngày đã. Thì ngay chiều hôm sau, ông Đồ đã gọi Tâm lên bảo rằng:
- Năm nay đã nhớn, mày phải tập làm thơ, rồi làm luận, làm phú nữa.
- Bẩm vâng ạ!
Tâm giả nhời ngay vậy, trong bụng không lo như mọi khi trước, phải tập món gì mới, và cũng không mừng, vì chưa hiểu ông sẽ bắt bẻ thế nào. Tâm thản nhiên lắm. Có phải Tâm đã băn khoăn, sửa soạn với ‘’vấn đề’’ này đã hơn một ngày rồi không? Nó không vụt đến bất thình lình đập ngay vào óc Tâm như những kỳ trước. Cho nên Tâm bình tĩnh được mà đợi công việc đến. Ông Đồ nói:
- Bây giờ hẵng tập làm thơ nôm đã, làm thơ nôm thành thuộc, khỏi thất niêm, thất luật đúng biền ngẫu rồi thì làm thơ chữ. Thơ chữ cũng vậy.
- Bẩm thầy vâng ạ.
Rồi ông Đồ lấy bút viết bài thơ ‘’Người bồ nhìn’’ của Vua Lê Thánh Tôn ra vở để làm mẫu.
Quyền trọng ra uy trấn cõi bờ
Một lòng vì nước há vi dưa!
Xét soi trước mặt đôi vòng ngọc
Vùng vẫy trên tay một lá cờ
Dẹp giống chim muôn xa phải lánh
Rẻ quân cầy cuốc, gọi không thưa
Mặc ai chen chúc đường danh lợi
Ơn nước đầm đìa hạt móc mưa.
Rồi ông Đồ giảng:
- Bài thơ này là thơ thất ngôn bát cú đường luật. Phép làm thơ phải hiểu vần và luật bằng trắc. Bài tám câu có năm vần, bài bốn câu có ba vần! Thơ mà sai vần thì không đọc được. Luật bằng trắc có hai thể, thể bằng và thể trắc. Thể bằng bắt đầu hai chữ bằng, thể trắc hai chữ trắc. Cứ hai câu với nhau đúng điệu bằng trắc, là đúng luật, sai điệu là thất luật. Bốn chữ đầu ở câu tam, câu ngũ, câu thất không cùng một thể với bốn chữ đầu câu nhị, câu tứ, câu lục và tất cả câu cuối cùng không cùng một thể với câu đầu là thất niêm.
Chữ đầu và chữ thứ ba ở mỗi câu, chữ thứ năm ở câu nhất nhì không cần đúng điệu bằng trắc người ta gọi là nhất tam bất luận và ngũ bất luận. Tuy không cần nhưng nếu đọc lên khó nghe, người ta gọi là khổ đọc, thì lại phải đổi cho đúng điệu. Hiểu niêm luật bằng trắc thế rồi, lại cần phải rõ cách xếp ý tứ. Câu thứ nhất là câu phá đề mở đầu bài và bao quát cả ý trong bài. Câu thứ nhì là thừa đề, nối xuống bài. Hai câu tam tứ là thích thực, giải thích rõ ràng đầu bài. Hai câu ngũ lục là tổng luận bàn rộng đến bài. Hai câu cuối là kết luận, kết thúc cái ý trong bài lại...Những bài thơ ngũ ngôn hay thất ngôn dài quá tám câu gọi là trường thiên hay hành. Các thể thơ đều tương tự nhưng chịu khó nhận kỹ là làm được ngay. Như bài thơ này là thơ thể trắc, vần bằng:
Đoạn ông Đồ chỉ tay vào bài thơ cho Tâm hiểu:
Đây này, trắc trắc bằng bằng, trắc trắc vần. Bằng bằng trắc trắc bằng vần, Cứ thế mà suy là biết ngay. Còn thì thể bằng, vần bằng như bài vịnh thú nhàn’’ của Cụ Trạng Trình.
Ông Đồ cầm bút viết:
Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn, dù ai vui thú nào!
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chỗ lao xao,
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao!
Tâm chăm chú nghe nhời ông Đồ, chăm chú nhận hai bài. Tâm vui thích lẩm bẩm luôn trong mồm. Bằng bằng trắc trắc, bằng bằng trắc trắc. Tâm gật gù thỏa thích như một người mới khám phá ra một điều gì quan trọng.
Mấy hôm sau, ông Đồ hỏi Tâm:
- Thế nào thằng Tâm đã hiểu luật thơ chưa? Tao ra thử một bài làm xem nhé!
Tâm ngập ngừng nghĩ ngợi rồi thưa:
- Bẩm thầy vâng ạ! Ông Đồ trông ra sân thấy hai con gà sống đương chọi nhau, ông liền lấy làm đề: ‘’Hai con gà chọi nhau’’ và bảo:
- Cả anh Chấn, anh Chi, anh Lịch cũng phải làm thi xem nào. Vần được tha hồ chọn.
Chấn, Chi, Lịch là ba anh học trò nhớn và xuất sắc nhất ở trường. Tâm nằm ngẫm nghĩ mãi, viết rồi lại xóa, viết lại xóa ba bốn lượt. Mãi sau mới viết thành bài đưa lên trình ông Đồ:
Hai con gà sống chọi nhau hoài
Con nhớn dai, con bé cũng dai
Vỗ cánh cong đuôi, chân đạp ngược
Xù lông, chúi mỏ, mắt nhìn xuôi
Toạc mào, gảy cựa mà không chán
Trễ cánh què chân, cũng chửa thôi
Hùng hổ cướp mồi thành tự hại
Tranh nhau chi mãi! hỡi gà ôi!
Ông Đồ xem qua rồi lắc đầu nói:
- Về luật thơ thì đúng, nhưng ý tứ sai cả. Con gà chọi nhau mắt nó nhìn ngang thẳng ra đằng trước, chứ có nhìn xuôi đâu.
Tâm cãi:
- Mắt nhìn ngang thì sai vần mất.
- Ấy thế mới hỏng. Mà ý nghĩ tầm thường quá. Xù lông, chúi mỏ, toạc mào, gảy cựa, trể cánh, què chân, cướp mồi toàn là chữ khó nhọc cả. Phàm muốn làm thơ hay, ý phải đặt cho cao, chữ phải dùng cho thanh tao nhẹ nhõm, khẩu khí cao xa, thì sau mới mong ra người được, chứ tư tưởng tầm thường thì còn mong gì.
- Đây, tất cả các anh đều nghe tôi kể lại cái tài mẫn tiệp và cái chí to tát của cổ nhân ngụ trong câu thơ câu đối cho mà nghe. Tả cái chổi mà người ta hạ thế này:
Lời chúa vân truyền đến ngọc giai
Sai làm lệnh tướng quét trần ai
Một tay vùng vẫy giời tung gió
Bốn cõi tung hoành đất sạch gai
Có rõ ra khẩu khí thiên tử không? Bài ấy của Vua Lê Thánh Tôn đấy.
‘’Ông Lương Hữu Khanh ngày xưa khi còn trẻ tuổi hàn vi phải đi kiếm ăn để học. Một hôm qua một bến đò, gặp vị hòa thượng cùng sang. Ông nghèo rách rưới lại lanh chanh xuống trước, có vẻ vô phép. Vị hòa thượng mắng, ông cãi lại và tự nhận là học trò. Vị hòa thượng kia bảo:
- Đã là học trò phải làm một bài thơ tức cảnh chuyến đò.
Ông làm ngay:
Một bầu kinh sử, níp kim cương
Ngươi, tớ cùng sang một chuyến ngang
Đám hội, nhà chay, ngươi đủng đỉnh
Lầu rồng, gác phượng tớ nghênh ngang!
Ngươi sao chả nhớ nhời Hàn Dụ?
Tớ vẫn còn căm chuyện Thủy Hoàng
Qua chuyến đò này rồi lại biết
Ngươi về thờ Phật, tớ thăng quan.
Hòa thượng không giận, còn thưởng cho oản chuối và một quan tiền nữa. Thơ người ta như thế, chứ chúng bay chùi mỏ với xù lông!
Nói đến người thợ ruộm mà người ta viết:
Thiên hạ Thanh hoàng giai ngã thủ
Triều đình Chu tử tổng ngô môn.
Thì hay biết mấy. Rõ ra cảnh anh thợ ruộm mà là cảnh một đức vua! Người ta cứ xem ở câu văn mà đoán được cái sự nghiệp của mình. Ngày trước ông Huyện Thanh Trì gặp một người học trò vào xin tiền. Ông thấy là học trò, liền ra cho câu đối, hẹn đối được mới có tiền. Ông ra rằng:
- Ao Thanh Trì nước trong leo lẻo, cá lội ngắc ngư (trì là ao, thanh là trong, ngư là cá)
Người học trò đối ngay:
- Sông Ngân Hà nước bạc phau phau, vịt nằm ấm áp (hà là sông, ngân là bạc, áp là vịt)
Câu đối thật hay vô cùng, chọi từng chữ một.
Ông Huyện phải thưởng một lạng bạc và khen:
- Ông ngày sau sự nghiệp hơn tôi nhiều: ‘’ông, vịt nằm ấm áp, thanh nhàn lắm. Tôi, cá lội ngắc ngư nên còn vất vả, lật đật mãi, cá đã ngắc ngư là cá ở nơi đồng cạn’’...
Quả nhiên ngày sau người học trò đỗ Tiến Sĩ, làm quan rất dễ dàng.
Đấy chúng mày xem, ở một câu đối mà người ta biết rõ mình như vậy, há không nên cẩn thận sao?
Hay hơn nữa, có câu đối của ông Bảng Bòng. Hồi còn nhỏ, nhà nghèo, phải gọi ra đắp đường, ông làm đã cẩn thận, nhưng sức yếu, vẫn bị bọn lính coi hạch sách và đánh đập. Ông kêu tướng lên, ông Huyện Phú Thị cũng đi coi đường, vừa qua đấy, thấy kêu chạy lại hỏi duyên cớ làm sao:
- Tôi là học trò yếu ớt mà các anh ấy cứ đánh.
Bọn lính bẩm ngay:
- Bẩm quan lớn, nó cứ vừa làm vừa nghịch, học hành gì nó, bé bằng cái mắt muỗi lại cứ ương.
Ông Huyện mắng qua bọn lính rồi bảo ông:
- Mày đã nhận là học trò, tao ra cho mày một câu đối, hễ không đối được, tao nọc đánh năm chục roi nhé.
- Bẩm vâng. Nhưng tôi đối được thì sao?
- Thì tha cho không phải đắp đường.
- Vâng, xin quan lớn ra cho.
Ông Huyện Thị đọc:
- Ông Huyện Thị sức đắp đường Bòng, buổi hồng thủy (nước lụt) muôn dân trông cậy.
Ông đối ngay:
- Thằng bé quít rắp mong Bảng nhãn, tranh đỗ đầu thiên hạ mới cam.
Đem toàn tên cây đối chọi với cây, mà chí khí lại to tát. Ông Huyên khen mãi và bảo bọn lính:
- Thằng bé này sau hơn ta nhiều. Ông thưởng cho ít tiền rồi cho về.
Chúng mày nên theo đấy mà làm gương. Phải để ý nghĩ cho cao, bắt chước những danh nhân đời trước, rồi tìm những chữ thật chọi mà đẹp đẽ viển vông thì bất cứ thơ hay câu đối cũng đều hay cả.
Vua Đường Thái Tôn bảo: ‘’Thủ pháp ư thượng, cận đắc vi trung, thủ pháp ư trung, bất miễn vi hạ’’.
Thật vậy, bắt chước những người cao, còn được là vừa vừa, không phải chọi lại là kẻ kém cõi.
Chúng mày phải ngẫm nghĩ kỷ câu ấy mà tu tỉnh thân đi...
Tâm và mọi học trò nhớn đều im lặng nghe lời thầy khuyên và tự hẹn mình cố học tập, suy nghĩ, bắt chước sao cho khỏi uổng phụ nhời thầy bảo như rót vào tai!
Bút Nghiên Bút Nghiên - Chu Thiên Bút Nghiên