Books are a refuge, a sort of cloistral refuge, from the vulgarities of the actual world.

Walter Pater

 
 
 
 
 
Tác giả: Chu Thiên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 48
Cập nhật: 2017-06-20 14:35:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
ự học càng ngày càng khó thêm. Ông Đồ thấy Tâm học được, theo kịp những đứa đã học lâu, ông cứ dần dần bắt Tâm theo những môn khó ở nhà học. Thành thử tâm trí Tâm không lúc nào được nghĩ ngơi, thư thả, ngoài mấy độ nghỉ mùa và nghỉ tết. Óc lúc nào cũng phải làm việc, lòng lúc nào cũng phải lo âu!
Tâm đã quen với học ôn và viết ám tả. Học ôn Tâm được ưu luôn, và viết ám tả ngày nào Tâm cũng nhất nhì. Tiếng Tâm học giỏi đã lan truyền đi khắp cả. Nhưng Tâm còn bé dại chưa lấy thế làm vui mừng cho lắm, Có mừng Tâm chỉ mừng là thoát khỏi quét nhà, phải đòn và luồn khố. Thế thôi.
Nhưng mà người ta có để Tâm yên ổn với nỗi vui mừng đơn giản ấy đâu. Cái luật ở đời là phải tiến, tiến mau chừng nào hay chừng ấy. Nên vừa thư thư được ít ngày, Tâm đã phải tập làm câu đối. Tập làm câu đối xong làm thơ, làm bằng nôm thành thuộc, rồi làm bằng chữ, ông Đồ bảo vậy. Ông giảng cho Tâm biết thế nào là chữ nặng, chữ nhẹ: Những chữ chỉ người, chỉ loài vật, chỉ vật là chữ nặng. Những chữ phụ trong câu như chữ chi dã, giả, hồ, nhị, vân vân là chữ nhẹ. Còn một hạng chữ không nhẹ không nặng, nó thường chỉ công việc làm, người ta gọi là chữ thường, đại để như chữ quy (là về), khứ (là đi).
Ông Đồ nói tiếp:
- Làm câu đối phải đối chữ nặng với nặng, nhẹ với nhẹ. Như sông phải đối với núi, giời phải đối với đất. Vậy cây cau, mày đối với gì, cây cau cũng là chữ nặng...
Tâm ngẫm nghĩ nhìn cây cau, nhìn các bạn, nhìn ông Đồ, rồi nhìn ra bờ ao, thấy cây dừa tầu lá tua tủa cũng giống cây cau, liền đối ngay:
- Bẩm thầy cây cau đối với cây dừa ạ!
Ông Đồ lắc đầu:
- Không được, thất luật rồi. Làm câu đối phải hiểu luật bằng trắc. Phải đem chữ bằng đối với chữ trắc. Đây cây cau, cây cau bằng mà đối với cây dừa, dừa dưa bằng, thất luật, hỏng! Phải đối với cây quít, quít quịt trắc, chẳng hạn...Vậy từ đây, trước khi đối, phải đánh vần bằng trắc đã, nghe chưa!
- Bẩm thầy vâng ạ!
Tâm sực nhớ đến câu chuyện cái anh chàng ngày trước mà người ta kể lại cho nghe: ‘’Một anh chàng dốt muốn lấy con gái một ông nhà giầu trong vùng. Cái ông này lại hay ra câu đối. Anh không biết làm thế nào, bên hàng xóm có người học trò, anh bèn sang tỏ thật nỗi lòng, người học trò bảo anh cứ đi, để mình làm đầy tớ theo hầu giúp đỡ. Hai người cùng nhau đi. Người học trò dặn anh đủ điều. Đến nơi, người ấy còn dặn lại một lần nữa:
- Hễ người ta ra câu đối tức cảnh, anh thấy cảnh ở đấy có gì lạ và linh hoạt, anh lựa mà đối ngay, tôi ở ngoài hùa thêm vào. Anh lại phải nhớ điều này: Hễ câu đối về cảnh, mắt tôi trông ngang, về tình, mắt tôi trông xuống...
Vào đến nơi, ông nhà giầu lên tiếp, biết rõ ý định của anh kia rồi, ông liền ra câu đối:
- Cây cau!
Anh kia trông người học trò, thấy mắt nhìn ngang biết là câu đối tức cảnh, liền trông ra sân, thấy con cua đang bò lộm ngộm, đối ngay:
- Con cua!
Ông nhà giầu lắc đầu:
- Ừ, cây cau bằng mà của cua bằng thất luật, sổ toẹt!
Anh học trò cãi:
- Bẩm cụ cậu con đối hay lắm đấy ạ!
Ông nhà giầu:
- Anh nói lạ, hay ở chỗ nào?
- Bẩm cụ, ra cây cau, nhất trụ kinh thiên (một cột vút giời), cậu con đối với con cua, bát túc chỉ địa (tám chân trỏ đất) thật hay vô cùng, khuyên trần cả hai bên.
Ông nhà giầu chịu. Anh dốt kia đắc thắng giở về’’
Tâm nghĩ bụng mình rõ dại, giá đối ngay thế lại hóa hay.
Hôm sau, Tâm lại phải gọi lên thử xem đã hiểu luật lệ đối đáp chưa. Ông Đồ nhìn Tâm hỏi:
- Mày đã hiểu nhẹ, nặng, bằng, trắc, chưa?
Tâm nhanh nhẩu đáp:
- Bẩm thầy con đã hiểu.
- Được, hễ hiểu sai và thất luật là phải đòn nghe không?
- Bẩm thầy vâng ạ.
Rồi ông Đồ ra chữ Thánh, Tâm đối chữ Thần, ra chữ Gia (nhà), Tâm đối chữ Quốc (nước), ra Phụ tử (cha con), Tâm đối Quân thần (vua tôi).
- Được lắm.
Ông Đồ gật gù ra câu nữa:
- Nhân tâm
Tâm lẩm bẩm:
- Nhân tâm là lòng người. Nhần nhân bằng tầm tâm bằng. Hai chữ bằng cả.
Rồi Tâm đứng đực người ra suy nghĩ tìm tòi, mãi không đối được.
Ông Đồ giục:
- Mau lên chứ, những câu hai, ba bốn chữ...chỉ phải đánh bằng trắc chữ cuối cùng thôi.
Ngay lúc ấy, một tên học trò, ý chừng muốn xui Tâm đối với địa diện (mặt đất) hay địa thế gì đấy, nháy Tâm và lấy ngón tay chỏ xuống đất, Tâm trông theo ngón tay thấy một bãi cứt gà, liền lẩm bẩm:
- Tầm tâm bằng, cứt cựt trắc, được!
- Bẩm nhân tâm đối với kê cứt ạ!
Mọi học trò đều phì cười. Ông Chánh, chủ nhà, ngồi trên trường kỷ, chăm chú xem từ nãy đến giờ, cũng phải bật cười và nói chêm vào:
- Nhân tâm là lòng người mà đối với cứt gà thì xấu lắm, sổ toẹt!
Ông Đồ đỏ mặt hung hăng vụt Tâm ba roi giữ thể diện và mắng chữa:
- Thằng này đốc hư rồi, học một ngày một đổ đốn đi. Tao lại tống cổ về với bố mẹ mày cho xong.
Tâm sụt sịt khóc đi về chỗ ngồi.
Và mấy hôm sau, cứ buổi chiều, Tâm theo đúng lệ, phải làm năm câu đối. Không phải gọi lên đối ứng khẩu như trước nữa, Ông Đồ ra câu đối vào vở, mỗi câu đối viết vào một dòng, Tâm đem về nghĩ đối được câu nào viết ngay xuống dưới dòng ấy. Được tha hồ nghĩ, tha hồ mở sách tìm tòi. Chiều hôm sau mới chấm.
Câu nào hay lắm thì khuyên to, khuyên đến hai ba khuyên. Chữ nào đối chọi lắm, khuyên trần cả hai bên. Câu hay vừa, được khuyên nhỏ. Câu thường, điểm điểm mấy cái. Câu hỏng sổ một cái dài. Câu nào hỏng lắm sổ toẹt hai ba nhát!
Hễ tất cả những câu ra đều bị sổ toẹt cả là ‘’Bất cập’’ thế nào cũng bị luồn khố và phải một trận đòn tối tăm mắt mũi. Còn phải mỗi câu bị là ba roi mây giơ thẳng cánh!
Tâm đã dạn dần, Ngày nào Tâm làm được trôi chảy và tin chắc thế nào cũng không đến nỗi sổ. Tâm múa tay vui mừng và hớn hở khoe với các bạn cái câu tìm được hay và đối chọi. Nhưng ngày nào gặp câu khó quá, tìm nghĩ mãi không ra, Tâm đối liều đối lĩnh vào đấy, rồi vội bỏ đi chơi ít, tặc lưỡi một cái và nghĩ bụng:
- Đếch vào! Muốn ra thế nào thì ra, chạy chơi cái đã!
Sự ham chơi của tuổi trẻ dần dần thắng được sự sợ hãi của roi vọt. Nhưng mà đây chỉ là tạm bợ trong thời gian ngắn ngủi.
Bút Nghiên Bút Nghiên - Chu Thiên Bút Nghiên