This nice and subtle happiness of reading, this joy not chilled by age, this polite and unpunished vice, this selfish, serene life-long intoxication.

Logan Pearsall Smith

 
 
 
 
 
Tác giả: Chu Thiên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 48
Cập nhật: 2017-06-20 14:35:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
ã năm ngày rồi. Năm ngày ở nơi xa lạ, được ông Đồ dung túng cho chơi, được nhà chủ hết sức chiểu chuộng và được các anh em đưa xem những nơi vui đẹp, Tâm không nghĩ gì đến nhà cả. Sáng dậy súc miệng xong là một chiếc bánh gai hay bánh mật đấm miệng, rồi lại một quả chuối hay một quả cam. Ê a học mấy tiếng, đã có quà chợ đưa lên: Nào bánh đa, nào bánh hú, nào kẹo vừng. Lúc nào thức ăn cũng ngập miệng, ăn cơm toàn với giò chả, cá thịt, ngon hơn ở nhà nhiều. Ăn xong lại được các bạn dẫn đi chơi, ra đình, ra miếu, trèo cây hái hoa. Và vui nhất là được xuống thuyền lênh đênh ra giữa sông, nghe sóng vỗ oằm oặp với mái chèo đập nước nồm nồm. Tâm đã mãi vui chơi quên cả nhớ nhà. Và người ta cũng mừng dần dần Tâm sẽ vui vẻ học tập.
Nhưng buổi chiều hôm nay, mây vẩn cuồn cuộn xám bầu giời, gió bấc từng cơn rền rít ngoài lũy tre ủ rũ, mưa bay phơi phới như cát bụi tung giời làm đầm đìa lá cây và nhớp nháp đường ngõ. Tâm thấy lòng thao thức lạ. Mọi cảnh vật ở đây đều đã quen quá thành thường và đáng ghét. Tâm nao nao nhớ đến nhà, nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ em, nhớ mọi người thân thích quen thuộc, nhớ hình ảnh quyến luyến, mến yêu. Tâm nhớ tha thiết, nhớ não nùng, vẩn vơ mong ước có đôi cánh như con chim giời bạt gió mà bay bổng về nơi quê nhà thân yêu! Mặt bịn rịn, đôi mắt đỏ hoe, Tâm tưởng tượng đến cây sung ở ngoài bờ ao rườm rà cành lá, đến cái chái bên đồng mà Tâm thường làm đình ở đấy, đến em Tâm bập bẹ học nói, đến lũ trẻ hàng xóm đang nô rỡn vắng mình, đến chị Tâm hay trêu chòng mình và ganh ăn với mình...Tâm thầm than cho thân phận tự dưng bị đem bỏ ở giữa đám người xa lạ! Tâm muốn khóc òa lên! Chung quanh chúng bạn đều tíu tít vui vầy với cha mẹ, anh em, chỉ riêng mình bơ vơ hiu quạnh! Biết đên bao giờ mình lại được xum họp như họ. Sự cảm xúc đến mạnh quá, khiến nó thấm thía quá, nó ăn sâu vào cõi lòng Tâm, nó tràn ngập cả tâm hồn, Tâm ngồi thừ ra sau nhà, không thiết làm gì cả, không thiết học, không thiết đi chơi, không thiết nô đùa, không thiết ăn những thứ ngon lạ mà bà chủ sai đem đến cho. Tâm ghét tất cả. Họ là kẻ thù, họ thương chi mình!
Trong khi ấy ông Đồ Trí sai học trò ra thi dỗ và khuyên giải Tâm. Chúng múa may làm trò, chúng rủ đi chơi, chúng cầm tay lôi dậy, Tâm cứ một mực lắc đầu quay mình đi, chẳng nói chẳng rằng, miệng ứ ừ, choài chân ngồi phệt xuống. Lũ kia bỏ về. Đến lượt Dũng ra, hấp tấp nói:
- Tâm ơi Tâm, đi về học, không thầy tao ra đánh chết, lêu lêu đi học còn nhớ nhà!
Tâm rươm rướm nước mắt, phát khùng chửi:
- Mẹ mày Dũng ạ!
Dũng tức tối chạy về thưa:
- Bẩm Thầy, thằng Tâm nó chửi con đấy!
Ông Đồ cau mày, học trò cười khúc khích! Bà Chánh (tức bà chủ nhà) đi qua thấy vậy cũng rẽ vào dỗ Tâm, bà nói rất ngọt ngào:
- Con về đằng nhà đi, không học thì chơi, chứ đừng ngồi đây, Thầy Đồ tức mình, thầy ra đánh chết. Con muốn mua gì bảo mợ, mai mợ đi chợ mua cho. Rồi mợ nhắn mẹ con xuống rước con về chơi mấy hôm nhé.
Bà cầm lấy tay Tâm lôi đứng dậy và nói tiếp:
- Nào đứng lên đi về nào, bảo ngoan.
Nhưng Tâm vẫn lắc đầu, co mình kéo lại ngồi phịch xuống. Bà tức mình lủng bủng:
- Gớm, của đâu mà khó bảo thế!
Một tên học trò nhỏ tung tăng chế:
- A ha! Lê lêu đi học nhớ nhà!
Mẹ giận mẹ mắng về nhà vụng cơm!
Tâm phần vì buồn, phần vì tức quá, òa lên khóc hu hu. Ông Đồ cầm roi, lộp cộp đôi giày gỗ đi ra quát:
- Tâm, về ngay học đi nào! Muốn chết đòn à? Nhẹ không ưa, ưa nặng.
Tâm vẫn ti tỉ khóc. Ông Đồ nóng tiết giơ thẳng vọt vụt ba roi quắn đít lại. Tâm giẩy nẩy lên, hai tay xoa đít, miệng kêu rối rít.
- Ối giời ơi! Con lạy cậu! Ối giời Con lạy thầy! Con chết mất, hu hu...ư! Con...chết mất!
Ông Đồ lại quát:
- Thế mày đã chừa nhớ nhà chửa? Có về ngay học đi nào?
- U hu!...Bẩm thầy con chừa rồi ạ! Con xin...xin về...u hu!
Bà Chánh thấy tiếng khóc và tiếng Thầy Đồ quát vội chạy lại xin hộ Tâm:
- Thôi xin thầy, thầy tha cậu ấy bận này, bận sau cậu ấy chừa!
Rồi bà quay lại bảo Tâm:
- Tôi đã bảo không nghe, nói ngọt không ưa, ưa roi vọt kia! Thôi đứng lên, ra đây tôi lau mặt cho.
Tâm hu hu khóc, theo bà ra bể nước mưa. Bà lau chùi sạch sẽ cho Tâm rồi dẫn về đến phản học. Ông Đồ nghiêm nghị bảo Tâm:
- Bặt ngay đi và học đi nào!
Tâm nức nở sụt sùi cố cất tiếng học:
- Ức! Xuân du...ức phương thảo địa! Hư...Hạ...ức...thưởng lục...u...hà tri!
Từ hôm phải mấy roi lằn nổi như con trạch, Tâm sợ hết hồn không dám cưỡng nhời một lần nào, trong bụng, Tâm vẫn âm thầm chán ghét sự học, Tâm buồn lắm. Không học thì chịu kém phải đòn luồn khố xấu hổ không thể nào chịu được! Nên vẫn phải học...chứ trong tự đáy lòng, Tâm có được tên chí mà học đâu, Tâm vẫn thao thức nhớ nhà. Có khi, sau buổi học, Tâm lẽn ra đầu làng, một mình ngồi trên đường đê trông về những núi xanh xanh tít mù xa qua những lớp lũy tre xanh thẳm và cây cối bù rù...Tâm đăm đăm nhìn và tưởng tượng:
- Kìa làng ta kia rồi. Mọi người đang làm lụng. Mọi trẻ đang nô đùa! Ước gì ta có cánh mà bay về rồi lại bay xuống!
Hễ có một người quen nào qua chơi đây, lúc ra về, Tâm cũng theo ra đến tận đầu làng, và đứng trông theo cho mãi khi dẫy làng đằng kia che mất bóng người. Nhiều lần như thế, ông Đồ thường không nỡ đánh, tìm ra một kế rất diệu để giữ Tâm ở nhà. Một hôm Tâm đang bần thần ở gốc cây gạo đầu đình, một người to lớn đi qua liền quát hỏi:
- Thằng bé này con nhà ai mà đứng đây?
Tâm sợ hãi nói:
- Bẩm ông, tôi là cháu ông Đồ ở trong ông Chánh.
- Ở trong ông Chánh sao ra đây? À thằng này trốn học. Con ai, cháu ai tao cũng túm cẳng, tao vất xuống sông cho mất giống lười!
Tâm khóc thét lên, cắm cổ chạy một mạch về trường! Từ đấy Tâm không dám một mình thơ thẩn ngoài đường nữa. Những buổi chiều tà và những ngày mây đen thảm đạm, Tâm buồn rầu nhớ nhung não nuột, chỉ đành vơ vẩn ở xó nhà. Tâm bứt những chiếc hoa sặc sỡ, nhặt những chiếc lá úa vàng về bẻ thành hình vuông vắn để ở khe cửa sổ làm đình. Khi tan học, khi ra đi giải, Tâm lẩn lút đến khe cửa chắp tay lâm râm cầu khẩn thánh phù hộ cho Tâm được vui vẻ, khỏi nhớ nhà và viết đẹp, học giỏi. Lòng mong mỏi của Tâm chỉ có vậy. Về việc học, cố nhiên, không mấy khi Tâm bị quở trách và chê bai. Còn sự nhớ nhung lâu cũng nguôi nguôi dần trong tâm trí của câu thư sinh bé nhỏ.
Nhưng mỗi lần về thăm nhà xuống, lại là mỗi lần khóc sướt mướt, mỗi lần nhớ thắt ruột là mỗi lần phải đòn nên thân! Mà Tâm vẫn không tài nào chừa được, nỗi buồn thiu nó phát đâu tự đáy lòng Tâm! Lại ủ rũ mất đến mấy ngày. Tâm muốn kêu gào giời đất mà minh oan cho thân phận học trò.
‘’Bé bỏng đã phải xa nhà theo học, mỗi năm được độ vài tháng ở nhà. Rồi càng nhớn đi học càng xa, về thăm càng ít, xót xa thay cái cảnh một mình nơi đất lạ! Rồi còn đi thi nữa. Thi đỗ phải ra làm quan. Thành ra cái đời học trò thật là khổ sở. Suốt đời phải lang thang thiên hạ, xa nơi yên ấm thân yêu, xa cha mẹ vợ con, anh em thân thuộc! Thế thì họ làm khổ nhau chi, bắt nhau phải cơ cực vì đi học! Ước gì sau này đi thi không đỗ! Ta được về ngay nhà chăn trâu cầy ruộng như chú cu Thìn, như bác Xã Năm!...’’
Cái ý tưởng ấy cứ quyến luyến Tâm mãi, và sau, mỗi khi ở nhà xuống trường, nó lại biểu quát rất mãnh liệt. Cho mãi đến năm mười ba tuổi, hiểu rõ giá trị của sự học, cái ý tưởng ấy mới tiêu tan như mây khói, mà nhường chỗ cho cái lòng ham muốn không bờ bến những phút vinh quang trên bực thang khoa cử.
Bút Nghiên Bút Nghiên - Chu Thiên Bút Nghiên