Cuộc chiến thật sự là giữa những gì bạn đã làm, và những gì bạn có thể làm. Bạn so sánh bạn với chính mình chứ không phải ai khác.

Geoffrey Gaberino

 
 
 
 
 
Tác giả: Chu Thiên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 48
Cập nhật: 2017-06-20 14:35:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
ghỉ mùa rồi, nhà lại bận gặt nhiều, Tâm tha hồ chơi nghịch.
Gặt đang đông, trên những tấm ruộng thênh thang trong cánh đồng bát ngát một mầu vàng ối, lố nhố những người nhấp nhô gặt lúa, tiếng hái đưa ngang từng túm lúa, soèn soẹt ngọt như bổ cau...những đàn châu chấu bị động vè vè bay sang tấm ruộng chửa gặt...một vài cô thợ gặt hát lên vồng vộng...Những thợ gánh lội vào ruộng lấy những lúa cắt rồi để trên trốc dạ, lượm thoăn thoắt thành đon đặt lên bờ bó lại. Rồi sóc đòn càn vào ngang bó gánh chạy te te về làng, những bông lúa cứ rung rinh theo nhịp bước và kêu rào rào.
Tâm được theo mẹ ra đồng coi gặt thích lắm, năm nay Tâm cứng và đã đi học nên mới được đi, Tâm chăm chú xem người ta làm việc gì. Mấy hôm đầu Tâm còn ngồi trên gò, nhờ thợ gặt bắt hộ châu chấu, nhưng dần dần mạnh bạo và quen biết thêm nhiều người, Tâm chạy cả xuống ruộng để bắt lấy và ‘’mót’’ những bông lúa sót lại trên ruộng rạ....Thật là sung sướng nhất đời. Hôm nào nắng quá, ông Lý không cho Tâm đi, Tâm ở nhà cậy đất dẻo về nặn kiệu, nặn tượng và nặn nồi chõ để đồ xôi tế đình. Tâm lại hội họp những trẻ con hàng xóm lại nặn thi pháo. Đem hòn đất dẻo nặn thành hình cái nồi, trôn cho rõ mỏng rồi vặt úp xuống đất tức thời cái pháo nồi ấy kêu đánh bốp một cái, thủng trôn ra. Kêu càng to thì thủng càng rộng. Những cái không nổ bị thua phải bẹo đất ra vá vào chỗ thủng ấy...Lắm lúc, Tâm lại đổi trò chơi, lấy lá chuối cuộn làm kèn thổi toe toe. Cuộn xong rồi, Tâm nói một câu thường lệ trước khi thổi:
- Kèn kèn cuống cuống, mày ra bờ muống, mày khóc ba tiếng, cho kèn tao kêu, kèn tao không kêu, tao lấy đỉa đói tao bêu đầu này!
Hễ kèn kêu thét lên, là cả bọn cùng cười vang.
Ông Lý Tưởng thấy con mãi nghịch quá sợ để lãn canh (lười quen) lúc đi học khó bảo, ông bắt về đem sách ra học ôn cho khỏi quên. Tâm cũng vui vẻ về học lại quyển ‘’Tam tự kinh’’ Và mấy tờ đầu quyển ‘’Sơ học vấn tân’’ mới học được. Tâm gọi đứa em bé và mấy đứa hàng xóm sang Tâm dạy học, Tâm chỉ tay và đọc lên cho chúng nó học theo:
Sơ học vấn tân
Hỗn mang chi sơ
Vị phân thiên địa
Khi chúng đã học theo rồi, Tâm bắt chước ông Đồ giảng nghĩa:
- Này, chúng mày nghe: Hỗn mang chi sơ là ăn hổn lằm nó chốc mép mọc mang ra như mang cá trê ấy, nghe không?
Cả bọn không hiểu, ùa nhau cười. Tâm tức mình đập xe điếu xuống giường dọa im, làm y như ông Đồ vậy. Những người nhớn quanh đấy thấy vậy đều phì lên cười, và bảo nhau:
- Cậu bé ranh mãnh và lém lỉnh quá!
Làm cho Tâm thẹn đỏ mặt bỏ chạy đi chỗ khác.
Nghỉ đã một tháng mười ngày rồi. Hôm nay là mồng sáu tháng sáu. Mùa màng xong tất cả. Người ta đương bắt đầu ngả cấy. Ông Đồ đã đến. Học trò lại đi học nhưng chưa được đông đủ, vì còn nhiều đứa phải ở nhà giúp việc vặt trong nhà.
Tâm phải đi học, trong lòng cũng buồn, tiếc những lúc nô đùa. Nhưng đã quen với lề thói nhà trường Tâm không quá bỡ ngỡ sợ sệt như trước nữa. Sự học có phần khó lên. Vì Tâm bắt đầu phải học nghĩa và kể nghĩa như những đứa khác. Học chữ thuộc mặt rồi, lại phải học nghĩa để mà kể, Tâm hỏi nghĩa rồi dõng dạc học:
- Vũ vương phạt trụ là Vũ vương đánh người trụ!
Tâm nhìn ra rằng hễ khuyên son phải gọi là ông, tức là những người đáng kính trọng, nét son chấm bên trái mặt chữ chỉ người, những người tầm thường hay gian nịnh. Và những sổ ngắn là tên nhà, tên đất hay tên họ. Nên Tâm học mau thuộc. Học thuộc thông đâu đấy, Tâm ngồi im xem chúng nó kể, bắt chước giọng của chúng nó, cài giọng kể thong thả rõ ràng và ngân nga như hát. Đứa nào kể xong cũng ngân một tiếng ‘’ạ’’ rồi nói:
- Bẩm thầy con hết rồi ạ.
Ông Đồ‘’ừ’’ một tiếng rồi giảng nghĩa, giảng từng câu một cho đến hết bài, cứ theo cái nghĩa trong bài, ông đọc lại, thỉnh thoảng, ông nói rộng ra tí chút, song mồm ông đọc thao thao như nước chảy, học trò theo không kịp, tay cứ chăm chú cầm giấy để chực mở sang trang. Mỗi người đều kể một lượt như thế, nên số học trò càng đông thì buổi học càng tan muộn. Mà ít, cố nhiên, học trò được về sớm...
Tâm nghĩ mình bắt chước được cả rồi, đến lượt ê a lên giọng:
- Xin thầy con kể ạ.
Rồi Tâm ngắc ngứ ư a, đọc hết bài cho đến lúc nói:
- Bẩm thầy con hết ạ.
Ông Đồ không ‘’ừ’’, ông bảo:
- Thong thả chứ nào, làm gì mà như đi ăn cướp ấy, ư a ư a mãi như chó nhai vã mắm. Bắt chước chúng nó mà kể chứ!
Rồi ông mới dẫn giảng đến bài. Ông cũng dẫn lượt đi như những đứa khác. Tâm ngồi ngơ ngác, như vịt nghe sấm, trố mắt nhìn ông Đồ cho đến lúc xong Tâm lôi sách, rẽ đám học trò ra ngoài, nói với lũ thằng Bích rằng:
- Tao cố bắt chước như chúng bây mà sao cấm được, cứ phải ư a, mà đọc như người học ấy, chẳng hay tí nào!
Thằng Bân nói:
- Cho còn là ăn hại cơm giời, uống hại nước sông, con ạ. Kể khổ lắm, chứ dễ đấy à!
Học luôn ba tháng rưỡi giời, đã sắp sửa đến vụ gặt mùa tức là vụ tháng mười. Những tấm ruộng cấy lúa sớm, lúa thường tân, đã gặt rồi. Gọi là thường tân theo đúng cái nghĩa của nó là nếp cái mới, tức là cái lúa nếp để làm cơm mới vậy.
Ở các đình chùa, người ta đã làm lễ cơm mới. Trong những tư gia đã mua hồng cốm, thịt rượu đi tết nhau. Trên những cánh đồng phẳng phiu đến tận chân tre các làng xanh biếc, làn lúa sắp chín rung rinh lướt theo chiều gió bốc lên mùi thơm phưng phức như cốm non, thỉnh thoảng đưa. Một vài nhà đã gặt lỏi về ăn...
Ở nhà ông Lý Tưởng, các bố mẹ học trò và những học trò lớn đến đông đủ, ngồi rải rác khắp ba gian nhà. Sau lượt trầu nước thường lệ, ông Lý Tưởng lấy địa vị là người chiêu tập buổi hội họp này đứng lên nói trước:
- Xin trên các cụ, các ông và đông đủ các anh em đây định cho. Đến hai mươi này Thầy Đồ về nghỉ, ta phải có thế nào để tiễn chân thầy chứ!
Tức thì nhao nhai lên ai cũng muốn nói trước. Người nói thế này, kẻ nói thế khác, huyên thuyên ồn ào, Một cụ già gắt:
- Kim chỉ phải có đầu chứ, kẻ cả nói trước, đàn em ngồi mà nghe, có gì không phải thì nói sau, chứ cá mè một lứa thế không được!
Mấy người đều nói:
- Vâng, cụ dạy chính phải, xin cụ chỉ định.
- Không, tôi nói thế thôi, còn cái việc cắt định phần các ông, tôi không dám.
Lại đến lượt ông Lý Tưởng. Ông đứng lên nói rành mạch:
- Bẩm trên các cụ, dưới đông anh em cả. Năm nay được mùa to, chúng ta cũng nên nghĩ tết ông Đồ kha khá. Ròng rã suốt một năm giời mới có bốn quan tiền công đã nhất định vào tháng năm và gần Tết rồi. Vậy tôi bàn với các cụ và anh em nên bổ mỗi người nửa quan. Tất cả bốn mươi nhăm người, vị chi hai mươi hai quan rưỡi. Hai mươi quan ta để tiền, còn hai quan rưỡi ta mua cốm hồng và lễ vật gì đấy, đến hai mươi đem hẳn đến nhà thầy. Có thờ thầy mới được làm thầy...
Một người nói:
- Có con ông ngày sau mới được làm thầy, chứ con chúng tôi thì nước gì?
Ông Lý có vẻ không bằng lòng nói:
- Các ông nói khi quá, chứ con tôi vắt mũi chưa sạch đã mong gì làm thầy người ta.
Ông Xã Tân đẻ ra thằng Bân, nói tiếp:
- Ông Lý nói phải đấy, phương ngôn có câu: ‘’Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy’’. Chúng ta cũng phải nghĩ đến công thầy tử tế. Nhưng nửa quan thì khi nặng cho những người nghèo như tôi chẳng hạn. Vậy xin các cụ bớt đi tí chút. Còn cái lễ tết ông chủ nữa kia mà.
Mấy ông cụ nói theo:
- Phải đấy, bác Xã nói phải, ta nên châm chước thế nào cho nhè nhẹ thì hơn.
Hồi lâu, ngã ngã, cả bọn đều đồng ý về số tiền nhất định là nửa quan, để mười sáu quan tiền, còn chia đôi mua lễ Tết ông Đồ và ông Cựu Mẫn. Và sau rốt cử những đứa đi tiễn ông Đồ về đến tận nhà. Khi các người đã về rồi, Tâm nằng nặc đòi với ông Lý đến hai mươi, cho đi xuống nhà ông Đồ. Ông Lý cười bảo:
- Khốn, nhưng đi từ sáng đến trưa mới đến nơi, không biết ông có cứng chân đi được! Rồi đến nửa đường lại nheo nhéo đòi về!
Bút Nghiên Bút Nghiên - Chu Thiên Bút Nghiên