Bi kịch trong cuộc đời không phải là ở chỗ không đạt được mục tiêu, mà là ở chỗ không có mục tiêu để vươn tới.

Benjamin Mays

 
 
 
 
 
Tác giả: Chu Thiên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 48
Cập nhật: 2017-06-20 14:35:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
uối tháng tư. Ngoài đồng những bông lúa đã là là trĩu xuống, đổ màu vàng nhạt. Lác đác đã có người gặt. Trường cũng sắp nghĩ mùa để ông Đồ về nhà trông gặt và để cho ông chủ, ông Cựu Mẫn dọn nhà dựng lúa.
Hôm nay là hai mươi tháng tư, buổi học cuối cùng đã định vào hai mươi nhăm, nhưng đã có đứa xin nghỉ từ hôm rằm. Nhất là bọn học trò nhớn, phần nhiều nghỉ về đi gặt thuê. Ở trường, buổi học có vẻ rời rạc. Những đứa tinh nghịch ranh mãnh đã vắng cả rồi. Học nghĩa xong sớm, vì thưa người dễ học, bọn học trò túm năm tụm ba nói chuyện bàn về nghỉ mùa, về tết Thầy Đồ, Tâm cũng mon men lại gần nghe lỏm. Thằng Bích trông thấy Tâm đến, vội gọi lại:
- Tâm ơi Tâm, bao giờ mày nghỉ mùa?
Tâm cười đáp lại:
- Tao à, tao bao giờ trường nghỉ, tao mới nghỉ.
Thằng Bích có vẻ buồn rầu nói:
- Tao hết ngày hôm nay, tao phải nghỉ rồi!
- Sao mày nghỉ sớm thế?
- Tao nghỉ sớm để giữ em cho mẹ tao đi gặt thuê nhà ông Bá Nghị lấy tiền tết Thầy Đồ.
Thằng Cân, thằng Bân đều nói vào:
- Tao cũng vậy. Học hết ngày hôm nay là tao nghỉ, chỉ có thằng Tâm, thằng Chắt, thằng Ngọc với cậu Quý, con ông Bá là được học mãi thôi nhỉ, vì nhà họ khá.
Tâm không hiểu, liền hỏi:
- Lại phải tết ông Đồ nữa kia à? Tết thế nào?
Thằng Bân lau láu gắt:
- Mày ngu lắm. Không tết thì thầy lấy gì mà tiêu pha ở nhà. Này nhé, ông Lý Cựu nuôi cơm Thầy Đồ cho bốn anh ấy học một năm may hai quần, hai áo dài và ba áo cộc. Còn học trò ngoài như chúng ta, mỗi đứa một năm bốn quan tiền và mồng năm ngày Tết tùy tâm được thế nào hay thế. Tiền công thì bắt đầu nghỉ mùa tháng năm, Thầy Đồ lấy một nửa tức là hai quan, thầy đã mặc cả trước.
Thằng Thân nói xen vào:
- Thế là còn nhẹ đấy nhỉ chúng mày nhỉ? Bên ông Đồ Tiến đằng cụ chỉ Hai, mỗi đứa mỗi năm những ba quan với hai thùng thóc. Mà ông Đồ bỏ đi đánh tổ tôm luôn, bảo ban chẳng ra gì cả!
Bây giờ Tâm mới hiểu đi học phải góp tiền như thế để đền công Thầy Đồ. Tâm là người biết nghĩ, biết lo rất sớm, Tâm vẫn vơ nghĩ đến công cha mẹ đã nuôi mình, may quần áo cho mình mặc, mua giấy bút cho mình đi học, giết gà đồ xôi làm lễ vỡ lòng, lại luôn luôn lễ vật biếu xén ông Đồ và ông chủ, biết bao phí tổn vì mình:
- Mình phải chăm học thế nào cho bõ cái công ấy.
Nhưng nghĩ lại, theo óc non nớt của Tâm, Tâm thấy đi học là vô ích, vừa khổ thân mình vừa khổ cha mẹ nên Tâm quyết chí thôi học, Tâm nghĩ bụng:
- Thế thì đi học làm gì? Thà ở nhà nghịch còn hơn.
Song Tâm còn hoài nghi những lời nói của các bạn. Về nhà, Tâm vội hỏi ngay mẹ cho chắc ăn:
- Mẹ ơi! Nhà ta có phải tết Thầy Đồ à?
Bà mẹ thực tình đáp:
- Có chứ, mai chờ thầy con về thầy con vào tết Thầy Đồ và nói lại cả với ông Lý cự nữa.
- Có phải mỗi đứa mỗi năm phải nộp bốn quan tiền không hở mẹ?
- Ừ, bốn quan tiền và ba cái Tết: Tết mồng năm, Tết cơm mới và Tết cả.
- Thế thì con không đi học nữa, mẹ ạ. Con đi học mất nhiều tiền quá!
Bà mẹ mắng yêu:
- Ranh con, đừng láo!
Tức thì Tâm bỏ chạy ngay ra vườn nhảy nhót mong ôn lại những giờ phút khi xưa...
Buổi chiều, Tâm nhất định không đi học nữa. Mẹ Tâm thì ngọt mãi và nói:
- Không đi học rồi chịu khổ suốt đời. Đấy như chú cu Thìn làm thuê cho nhà ta ấy. Chữ nhất là một không biết, nên ai người ta cũng bắt nạt được. Vậy cố mà đi học con ạ, cha mẹ không ngại tốn công khó nhọc đâu, chỉ mong cho con ra người hay. Còn học thầy, thì phải giả công thầy chứ. Chữ thánh những gánh vàng, người ta lấy mỗi năm bốn quan, có thấm vào đâu, con...
Rồi bà đọc luôn bài thơ truyền tụng để khuyên con:
Đen thời dùng mực, đỏ dùng son,
Cố học cho hay, con hỡi con!
Cái bút cái nghiên là của báu
Câu kinh câu kệ ấy mùi ngon!
Vàng mua chừa để, vàng bay hết
Chữ bán dư ăn, chữ hãy còn
Nhờ phận một mai nên kẻ cả
Bõ công cha mẹ mới là khôn!
Nhưng Tâm vẫn còn ngần ngừ chưa muốn đi học. Bà nóng tiết rút ngay cái roi tre ở cửa bếp và dọa:
- À thằng này giỏi, mày không nghe lời bà, phải roi mới chuyển được mày. Bé không vịn, nhớn gẫy cành, có cắp ngay sách đi học không nào?
Bà cầm roi đập mạnh xuống phản, Tâm vội vơ lấy sách chạy một mạch đến trường. Bà mẹ ở nhà cười khanh khách nói với hàng xóm:
- Xưa nay chìu nó quen, ra nó nhờn. Cầm đến roi, cu cậu đi ngay tức khắc!
Nhá nhem tối hôm hai mươi bốn, gió phe phẩy đuổi tan cái nóng ban ngày. Trên nền trời xanh thẳm, đã lốm đốm mấy ngôi sao lấp lánh như cúc bạc đính lên bức thảm xanh. Ông Lý Tưởng với Tâm cùng một tên người nhà đội một cái quả đỏ đi lại nhà ông Cựu Mẫn. Đến nơi, nhà đã lên đèn. Tên người nhà đặt cái quả lên cái bàn cao ở giữa bộ trường kỷ, mở nắp ra. Trong có hai quan tiền kẽm nằm song song và một cái thủ lợn với một bình rượu, ông Đồ ra ngồi ở trường kỷ mời ông Lý Tưởng cùng ngồi. Ông Cựu Mẫn ở nhà dưới cũng lên tiếp chuyện, nói ba hoa một lúc về mùa màng, gặt hái rồi ông Lý Tưởng đứng lên chắp tay nói:
- Thưa Thầy Đồ và cụ Cựu, thằng bé cháu nhà tôi may được sang đây nhờ thầy chỉ bảo và quấy quá cụ Cựu, thật là cái ơn to lắm. Nay nhân Thầy Đồ sắp về nghỉ mùa, chúng tôi gọi là có chút quà lễ mọn lòng thành đến tết thầy và cụ Cựu. Tôi nói tình thực, xin thầy và cụ Cựu thứ lỗi cho...
Ông Đồ và ông Cựu đều nói:
- Tôi không dám, ông dạy quá vậy!
- Cháu nó bé dại, tôi không dám cho đi chung vào với các ông kia. Vậy nên phải đi riêng thế này. Hai quan tiền này xin kính dâng Thầy Đồ. Còn cái lễ mặn này gọi là tết thầy và cụ Cựu cho phải phép. Xin hai cụ vui lòng nhận cho.
Ông Lý Tưởng nói xong ngồi xuống. Ông Đồ vui vẻ tiếp lời:
- Chỗ tôi với ông Lý, ông cho thế nào tôi cũng xin bái lĩnh. Còn đây tùy ông Cựu.
Ông Cựu Mẫn cười khà khà nói:
- Ông Lý chỉ khéo bày vẽ, chỗ tôi với ông, ông cho ăn miếng giầu là đủ, nhờ Giời và Phật Thánh phù hộ, tôi mời được cụ đồ về đây, các ông có lòng mến cho các cháu đến học là quý. Tôi chỉ mong đông thêm trẻ học để cụ đồ được rộng món tiêu, nay ông Lý bày đặt tết nhất thế này, tôi không bằng lòng đâu!
Ông tết Thầy Đồ rồi, còn phần tôi, tôi xin đa tạ, ông mang về, làm thế mang tiếng ông ạ!
Ông Lý Tưởng lại phải nói:
- Xin Thầy Đồ và cụ Cựu xét lại cho chúng tôi được yên lòng. Kể nhà cụ Cựu đây chả thiếu gì, nhưng chỗ nhờ vả, gặp mồng năm, ngày tết mà không có cái gì lại hầu, trong bụng chúng tôi lấy làm hổ thẹn. Vậy xin cụ lấy lòng độ lượng mà nhận cho.
Ông Đồ cũng nói thêm vào:
- Thôi cụ Cựu ạ, ông Lý ông ấy đã nói thế, cụ cũng nên thể tất một chút cho ông ấy bằng lòng.
Ông cựu Mẫn bấy giờ mới quả quyết:
- Vâng, Thầy Đồ và ông Lý dạy như thế, tôi xin tuân.
Hai quan tiền đã vào tráp ông Đồ, cái thủ lợn với chai rượu đã đưa xuống nhà dưới, tên người nhà mang quả không cùng với Tâm chào ông Đồ và ông Cựu Mẫn rồi ra về. Ngồi nói chuyện hồi lâu nữa, ông Lý Tưởng đứng lên xin về. Ông Đồ và ông Cựu cố mời ở lại. Ông cựu nói kháy:
- Ông Lý này, ông mà về, tôi sai người mang giả lễ ông đấy!
Ông Lý Tưởng nói một cách rất khiêm tốn:
- Quả thật nhà tôi bận lắm, giá không, ở lại hầu Thầy Đồ và cụ là phải. Nhưng mùa màng đến nơi, công việc bề bộn, nhà cháu lại vừa gặt mấy mẫu lúa sớm, nên cần phải về ngay cho họ đập.
- Vâng, thế thì ông về tôi không dám giữ. Ông mời giầu đã!
Ông Cựu vừa nói vừa bưng đĩa giầu lên trước mặt ông Lý Tưởng.
Bút Nghiên Bút Nghiên - Chu Thiên Bút Nghiên