A book is to me like a hat or coat - a very uncomfortable thing until the newness has been worn off.

Charles B. Fairbanks

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Tô Hoàng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 325 / 27
Cập nhật: 2020-04-04 20:27:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 26
ôi bỏ ra vài tiếng đồng hồ cho tập bản thảo kịch bản phim. Có nhiều tình huống đầy sự bịa đặt và nói chung ra, theo tôi kịch bản không thành công. Tôi sửa kịch bản ấy cho tới một giờ khuya. Một phần các tình huống mô tả một cách rất tầm thường theo kiểu các bộ phim cao bồi về xứ Viễn Tây hoang dã. Tôi chợt hiểu ra là ngay cả đối với những bậc thầy đẻ ra các bộ phim giật gân gây khiếp đảm cũng không đủ sức tưởng tượng để hình dung được những gì đã xảy ra tại nước Đức thuộc Đế chế thứ Ba.
May sao Scott đã gọi tôi đi dự một bữa tiệc cocktail, dứt tôi ra khỏi những gì cứ bám dai dẳng không chịu buông tha tôi.
– Đã xong chưa, Ross? - Scott hỏi.
– Chưa đâu. Nhưng đối với tôi hôm nay thế là đủ lắm rồi. Bây giờ thì tôi muốn được uống chút gì.
– Chúng tôi có vodka Nga chính cống và whisky đủ mọi loại.
– Whisky, - tôi nói, - tôi không muốn say ngay.
Tôi duỗi thẳng người trong chiếc ghế bành, đặt chiếc cốc ngay trên sàn nhà, mắt nhắm lại để lắng nghe một giai điệu nhẹ nhàng phát ra từ chiếc radio nhỏ. Bản nhạc Serenade Bình minh. Một lúc sau tôi lại mở mắt ra nhìn vòm trời California. Tôi có cảm tưởng như đang bơi trong một vực biển sâu không có bến bờ, không biết nơi đâu là tận cùng. Bỗng nhiên bên tai tôi vang vang giọng nói của ông Holt.
– Sao, sáng rồi à? - Tôi hỏi.
– Chưa đâu. Tôi tình cờ rẽ qua xem anh đang làm gì. - Holt đáp.
– Tôi đang uống whisky. Bản hợp đồng giữa tôi và ông ngày mai mới hết hạn cơ mà? Ông còn hỏi gì nữa không?
– Anh đã đọc kịch bản chưa đấy?
Tôi quay lại, ngắm nhìn bộ mặt phờ phạc, âu lo của Holt. Tôi không muốn nói gì về kịch bản, tôi muốn quên phắt ngay cái vừa đọc đi.
– Ngày mai, - tôi đáp. - Ngày mai ông sẽ nhận được kịch bản với toàn bộ những ý kiến nhận xét của tôi.
– Tại sao không phải là ngay bây giờ? Trưa mai tôi đã phải hoàn tất mọi thứ cần thiết rồi. Nếu làm được như vậy ta sẽ tiết kiệm được nửa ngày, thời gian không còn nhiều đâu, anh Ross.
Tôi hiểu là tôi không thể thuyết phục được ông ta. “Quả đúng là sao không làm được ngay lúc này nhỉ?” - Tôi nghĩ thầm. Tại sao không phải là ngay ở đây, ngay tại cái nơi chỉ rặt gái và rượu, dưới bầu trời đêm yên ả trong cái thế giới nửa thực, nửa hư này nhỉ? Tại sao không thể nói thẳng với ông ta là cái kịch bản ấy chẳng đáng giá một xu để rồi quên phắt đi những hồi ức nặng nề cứ đeo đẳng mình?
– Thôi được, ông Holt. Hãy tìm một nơi nào đó cùng nhau bàn xem.
Một giờ sau bữa rượu cocktail, tôi cũng đã thống kê hết cho Holt thấy những sai sót trong kịch bản.
– Những sai sót nhỏ về quân hàm, quân hiệu, giày ủng, mũ mãng sửa không khó gì, - tôi bắt đầu nói, - cái chính là toàn bộ không khí của bộ phim. Nó không thể mang chất tình cảm tâm lý như trong các bộ phim Viễn Tây đâu. So với hiện thực ở Đức thì nó quá hiền lành, nhợt nhạt.
Holt có vẻ phân vân.
– Nhưng bộ phim này cần mang lại tiền lời, - cuối cùng ông ta nói.
– Cái gì cơ?
– Xưởng phim bỏ vào đó gần một triệu đô la. Điều này có nghĩa là khi phát hành phải thu được hơn hai triệu, trước khi chúng ta nhận được đồng đô la đầu tiên. Khán giả phải lũ lượt kéo đi xem, anh hiểu không?
– Thì sao?
– Ross ạ, những điều như anh kể ở Mỹ không một ai người ta tin đâu. Xin anh hãy nói đúng lương tâm mình, chả lẽ mọi chuyện đúng như anh kể sao?
– Tệ hơn thế. Tệ hơn thế gấp nhiều lần.
Holt quay đi, nhổ nước miếng xuống mặt nước.
– Ở nước Mỹ này không ai tin điều đó đâu.
Tôi đứng dậy. Đầu tôi nhức như búa bổ. Tôi chán ngán mọi chuyện đến tận cổ.
– Thế thì cứ để nguyên như cũ vậy. Chả lẽ sự nhạo báng này sẽ không bao giờ chấm dứt sao? Nước Mỹ đang đánh nhau với nước Đức, còn ông thì cố thuyết phục tôi rằng dường như chẳng một ai ở đây chịu tin là bọn phát xít lại quá dã man như thú vật đến như vậy.
Holt bẻ ngón tay kêu răng rắc.
– Tôi thì tôi tin, anh Ross ạ! Nhưng còn ông chủ xưởng phim và đám khán giả thì không đâu. Không ai chịu đến xem một bộ phim như ý anh muốn cả. Bản thân đề tài cũng đã có điều gì đó quá mạo hiểm rồi. Tôi muốn làm một bộ phim như anh vừa kể, nhưng ông chủ xưởng đâu chịu. Còn nếu tôi làm một bộ phim tài liệu đi nữa, phim cũng đổ ngay thôi. Xưởng phim chỉ chuyên làm những thứ phim tình cảm tâm lý thôi.
– Với những cô gái bị bắt cóc, những ngôi sao màn bạc quằn quại đau khổ giả vờ và một cuộc hôn nhân tốt đẹp ở đoạn cuối phim chứ gì? - Tôi cắt ngang lời ông ta.
– Không nhất thiết phải như vậy. Nhưng đương nhiên là phải có những cuộc săn đuổi, những pha đấm đá và sự hồi hộp đến thót tim rồi.
Scott sà vào chỗ chúng tôi.
– Nghe nói hai vị đây chẳng có đồ gì uống cả, phải không?
Anh ta đặt lên thành bể bơi một chai whisky, một chai nước và hai cái cốc.
– Ta mang đồ uống về chỗ tôi đi, nếu cần đồ nhậu, đi theo tôi. Có món bánh mì kẹp thịt và gà rán.
Holt cầm áo khoác của tôi lên.
– Ta chỉ còn mười phút thôi, anh Ross. Mười phút để thảo luận những gì thật thiết thực. Còn tất cả để dành ngày mai.
Mười phút hóa thành cả một tiếng đồng hồ. Holt là sản phẩm điển hình của Hollywood: ông ta thực tâm muốn làm một cái gì đó có giá trị đấy, nhưng ông ta lại cũng có thể chấp nhận mọi sự thỏa hiệp và chính trong những sự thỏa hiệp đó ông ta lại muốn chứng tỏ mình đang giải quyết những vấn đề nghệ thuật hết sức nghiêm túc.
– Anh cần giúp đỡ tôi, anh Ross ạ. - Ông ta nói. - Chúng ta cần phải dần dần, từng bước một, thực hiện những ý tưởng của chúng ta. Petit à petit! Không phải ngay lúc này, ngay tức thì đâu.
Petit à petit (tiếng Pháp trong nguyên bản): Dục tốc bất đạt.
Câu ngạn ngữ Pháp này phần nào thuyết phục được tôi. Tôi xin lỗi Holt và thấy thanh thản trở lại. Tôi nằm trên giường một lát, tự nguyền rủa mình sao còn để đèn sáng làm gì. Sau đó tôi quyết định sáng mai sẽ gọi cho Kahn, bây giờ trong túi tôi có nhiều tiền rồi mà! Tôi cũng quyết định gọi điện cho Natasha. Cho đến nay tôi chỉ mới biên cho nàng hai bức thư ngắn, thế mà cũng đã thấy chật vật, khó khăn lắm rồi. Nàng là người không thích những lá thư dài lê thê. Là tôi cảm thấy như vậy. Nói đúng hơn, nàng thích những bức điện tín, những cuộc đàm thoại qua đường dây… Nhưng trong một khoảng cách xa đến chừng này tôi làm sao mà bày tỏ cho nàng tình cảm của mình đây? Khi nàng ở bên cạnh, mọi điều đều tốt đẹp, mọi thứ đều tràn đầy ý nghĩa, mọi thứ đều làm tôi ngây ngất xúc động. Còn khi không có nàng ở bên, tôi lại cảm thấy như nàng xa vời biết bao, xa không thể nào nắm bắt nổi, xa như ánh cực quang phương bắc. Nhưng chỉ cần nàng xuất hiện trước cửa, mọi điều sẽ trở lại đúng quỹ đạo của mình. Tôi đã có nhận xét này khi còn ở New York.
Lan man suy nghĩ, tôi tự hỏi tại sao tôi không gọi điện cho nàng ngay bây giờ nhỉ.
Sự chênh lệch về thời gian giữa Hollywood và New York là ba tiếng đồng hồ. Tôi bấm số gọi và tự nhiên cảm thấy người nóng ran lên vì sốt ruột.
Từ đâu đó rất xa bỗng vang lên giọng nói thân thuộc của nàng.
– Natasha! - Tôi gào vào ống nói. - Anh đây! Robert đây!
– Ai đó?
– Robert!
– Robert à? Anh đang ở đâu đấy? Ở New York sao?
– Không. Anh đang ở Hollywood.
– Còn ở Hollywood à?
– Ừ! Em sao vậy? Quên rồi sao? Chuyện gì xảy ra với em vậy?
– Em đang ngủ.
– Sao ngủ sớm vậy?
– Bây giờ đã nửa đêm rồi. Anh đánh thức em dậy đấy. Chuyện gì thế anh? Anh sắp về à?
“Quỷ tha ma bắt! - Tôi nghĩ. - Một thiếu sót cố tật của mình. Mình lẫn lộn hết giờ giấc rồi.”
– Chúc em ngủ ngon nhé. Mai anh sẽ gọi lại.
– Vâng. Anh sắp về à?
– Chưa đâu. Mai anh sẽ nói cho em rõ mọi chuyện. Em ngủ tiếp đi.
– Vâng.
“Hôm nay thật là một ngày vất vả đối với mình.” - Tôi nghĩ. Lí ra không nên gọi điện cho nàng. Và lí ra không nên làm nhiều điều mà tôi đã làm. Tôi tự mắng mỏ mình. Vì sao mà mình đâm lẩn thẩn đến thế nhỉ? Mình thì can hệ gì đến công việc của ông đạo diễn Holt kia chứ? Và tất cả những việc ông ta làm thì can hệ gì tới mình nào? Tôi đợi một lúc nữa và sau đó tôi gọi cho Kahn. Kahn ngủ rất tỉnh - tôi biết rõ như vậy. Anh trả lời tôi ngay.
– Chuyện gì thế Ross? Tại sao anh lại gọi điện cho tôi?
Chúng tôi, những thân phận lưu vong, cho đến tận bây giờ vẫn chưa tập được thói quen sử dụng điện thoại như những người Mỹ. Đối với chúng tôi gọi điện trong những khoảng cách xa xôi như đây với New York hẳn phải là gắn với chuyện gì đặc biệt, một sự rủi ro, bất hạnh nào đó.
– Có tin gì của Carmen không? - Kahn hỏi.
– Không, nhưng tôi đã gặp cô ta. Hình như cô ấy muốn ở lại đây.
Kahn im lặng giây lát.
– Có thể rồi cô ta sẽ suy nghĩ lại: cô ta mới sống ở đó chưa bao lâu mà. Cô ta có ai không?
– Tôi nghĩ là không, ngoài bà chủ nhà mà cô ta đang sống ở đó. Tôi có cảm tưởng là cô ta không quen biết ai thêm ngoài bà chủ nhà.
Kahn cười.
– Thế bao giờ anh định trở về đấy?
– Có lẽ tôi đành phải ở lại thêm một thời gian nữa.
Tôi kể cho Kahn nghe mối quan hệ với đạo diễn Holt.
– Ý anh ra sao? - Tôi hỏi.
– Làm việc đi, làm việc đi! Tôi hi vọng lương tâm anh không bị giày vò chứ? Điều này kể cũng tức cười. Hay anh vẫn bị giày vò? Vì lòng yêu nước?
– Không. - Bỗng nhiên tôi không sao hiểu nổi tôi vội vã gọi điện cho Kahn để làm gì. - Tôi đã nghĩ nhiều về bức thư của anh.
– Điều chủ yếu là, - Kahn ngắt ngang lời tôi, - anh hãy cố gắng đạt tới mục đích của mình. Làm bằng cách nào thì đó là việc của anh. Tôi nghĩ cũng không hẳn là ý tồi khi học cách sống với những vấn đề của mình mà không cần phải quá liều lĩnh. Sớm muộn chúng ta cũng sẽ phải làm vậy thôi, một cách nghiêm túc. Một mối hiểm họa lớn lao đang rình rập chúng ta. Anh đã đi bước đi đầu tiên đấy, nhưng anh cũng có thể vứt tất cả vào sọt rác khi nào anh thấy chán phè tất cả. Ở đây, tại cái nước Mỹ này điều đó còn có thể được, chứ ở nơi kia, chỉ một thời gian nữa mọi điều sẽ khác hẳn. Tôi nói đúng không?
– Đó chính là điều tôi muốn được nghe anh nói đấy.
– Thế thì thật hay. - Kahn cười. - Đừng để Hollywood đánh quỵ anh đấy nhé, Ross. Ở New York, anh không hỏi tôi cần phải xử sự ra sao. Điều này là lẽ đương nhiên thôi. Ở Hollywood người ta đã phát minh ra những tiêu chuẩn đạo đức ngu xuẩn nhất, bởi lẽ nơi đó nằm trong quyền hạn của cả một bầy tham nhũng mà. Anh hãy coi chừng, đừng trở thành vật hi sinh của cái hệ thống hết sức dịu êm đó. Thậm chí ngay cả ở New York cũng khó mà giữ được sự tỉnh táo, thực tế trong cách ứng xử với cuộc đời. Anh đã thấy tấm gương của ông Gräfenheim rồi đó. Hành động tự vẫn của ông ta thật chẳng có ý nghĩa gì - chỉ là biểu hiện của sự bạc nhược, yếu đuối thôi. Dẫu sao thì dù có còn sống đi nữa ông ta cũng không bao giờ có điều kiện để trở về với bà vợ cơ mà.
– Chị Betty ra sao rồi?
– Vẫn chiến đấu. Chị ấy muốn được sống hết cuộc chiến tranh này. Không một vị bác sĩ nào dám đoán chắc chị ấy sẽ có một triển vọng sáng sủa hơn. Sao, anh đã trở thành triệu phú rồi hay sao mà dám gọi điện thoại cắt ngang qua cả một lục địa như vậy?
– Hiện tại thì chưa trở thành triệu phú đâu.
Cánh cửa gian phòng của tôi để ngỏ và tôi nhận ra một màn đêm với cái bể bơi rực rỡ ánh đèn, những đỉnh chóp của hàng cây cọ đung đưa trong làn gió đêm. Tôi nghĩ tới Natasha và Kahn, nghĩ tới những điều mà Kahn vừa nói với tôi.
Giờ phút khó khăn nhất đối với cuộc sống dật dờ của chúng tôi sẽ điểm khi nào chúng tôi hiểu ra rằng, chúng tôi không cần cho ai cả. Hiện tại chúng tôi đang sống bằng những ảo tưởng mọi điều sẽ thay đổi khi nào chiến cuộc kết thúc. Còn khi ảo tưởng kia tan đi, mọi thứ sẽ sụp đổ, lúc ấy sẽ bắt đầu cuộc phiêu dạt thật sự của chúng tôi.
Xung quanh chiếc bóng đèn trên trần nhà bay lượn những chú côn trùng cánh xanh biếc. Tôi nhìn chúng một lát. Tôi thò tay ra bắt một con ném ra ngoài trời đêm mát mẻ. Sau chừng một phút nó lại bay vào phòng. Tôi hiểu rằng hoặc là tôi phải ngủ thiếp đi hoặc là tôi phải xua đuổi đám côn trùng kia ra khỏi phòng. Nhưng tôi không chợp mắt nổi. Khi tôi lại mở mắt ra, trên khung cửa xuất hiện một bóng người. Tôi nắm lấy cây đèn bàn như một thứ vũ khí phòng thân. Đấy là một cô gái còn rất trẻ, trong tấm áo dài hơi nhàu.
– Ồ, xin lỗi ông, - cô gái nói, - tôi có thể vào được không ạ?
Cô gái bước dấn lên một bước.
– Cô có tin chắc là cô đã vào đúng căn phòng cô cần không? - Tôi hỏi.
Cô gái mỉm cười.
– Vào giờ này thì điều đó có nghĩa lí gì nữa, thưa ông? Tôi thiếp đi ở ngoài trời. Tôi rất mệt.
– Cô có mặt trong buổi tiệc của ông Scott sao?
– Có thể là như vậy, tôi không biết tên ông ấy là gì. Có một người nào đó dắt tôi tới đây. Nhưng bây giờ họ đi cả rồi. Tôi cần phải đợi đến sáng. Thế là tôi nhận ra ánh đèn của ông. Có thể ngồi xuống chiếc ghế kia được không, thưa ông? Ngoài trời ẩm ướt, lạnh nữa.
– Cô không phải là người Mỹ à? - Tôi hỏi một câu ngốc nghếch.
– Tôi là người Mexico. Xin phép ông cho tôi ở lại đây cho đến khi có chuyến xe sáng.
– Tôi có thể đưa cô quần áo mặc trong nhà, - tôi nói. - Chăn, khăn trải giường. Cô nghỉ trên chiếc xô pha kia khá tiện. Nhà tắm đó, cô có thể đi thay đồ. Áo của cô ướt cả rồi. Treo lên trên ghế ấy, như vậy chóng khô hơn.
Cô gái nhìn tôi rất nhanh.
– Ông hình như khá quen thuộc cách ứng xử với phụ nữ thì phải?
– Tôi chỉ nhận ra ngay những gì cô đang cần thôi. Có nước nóng đấy, nếu cô cảm thấy lạnh thì đi tắm đi. Ở đây không ai làm gì gây phiền phức cho cô đâu.
– Cảm ơn ông. Tôi sẽ làm mọi việc một cách khẽ khàng, không gây ra tiếng động.
Cô gái bước vào trong phòng. Vóc dáng nàng diễm kiều, mớ tóc đen nhánh, đôi bàn chân xinh xắn khiến tôi vô tình chợt nhớ tới con côn trùng có bộ cánh xanh đã bay vào phòng tôi. Tôi nhìn quanh quẩn xem con côn trùng có quay trở lại không, nhưng không thấy. Bù vào đó có một sinh linh khác của tạo hóa đã bay đến với tôi. Nói thêm cũng bằng thừa thôi, sinh linh này xuất hiện tựa như cần phải như vậy, tựa như một việc thường tình nhất trên thế gian này. Với một nỗi xúc động mà chính tôi cũng phải ngạc nhiên, tôi căng tai lắng nghe tiếng nước giội róc rách từ buồng tắm vọng ra. Tôi đã quá quen với cái không bình thường đến độ sự yên ắng, tĩnh mịch ngày thường lại khiến tôi sửng sốt. Tuy thế, hoặc có thể chính vì thế nên lúc này tôi vội giấu ngay tờ ngân phiếu Scott đã trao cho tôi để tôi chuyển cho Silvers ngay sau bữa cơm trưa mai giữa đám sách vở vứt ngổn ngang trong phòng. Chẳng nên liều mạng làm gì.
Tôi thức dậy khá muộn. Cô gái không còn ở trong phòng tôi nữa. Trên một mảnh khăn giấy, tôi nhận ra dấu son môi. Có lẽ cô gái đã để lại mảnh giấy này như một lời chào tạm biệt tôi chăng? Tôi vội lục tìm tấm ngân phiếu. Hóa ra nó vẫn ở nguyên chỗ cũ.
Chẳng có gì bị mất cả. Tôi cũng chẳng hiểu rõ tôi có ăn nằm với cô gái này hay không. Tôi chỉ nhớ loáng thoáng là cô ta có đứng bên cạnh giường của tôi và hình như cô ta không mặc gì trên người cả - thân thể cô mịn màng, mát mẻ. Nhưng tôi lại cũng không tin chắc là sau lúc đó có xảy ra chuyện gì nữa không.
Tôi đáp xe tới xưởng phim. Đã mười giờ sáng song tôi vẫn nhớ rõ rằng tối hôm trước tôi đã làm việc suốt hai tiếng đồng hồ với Holt. Mà không nên không tính tới điều này. Holt vừa gặp tôi đã vội bắt ngay vào câu chuyện về một cảnh ông ta sắp sửa quay. Holt muốn biết các nhân vật SS trong cảnh tới nên nói bằng tiếng Anh hay tiếng Đức. Chúng tôi quay theo cả hai phương án. Cảnh bọn SS nói tiếng Anh đem lại ấn tượng khá kì quái. Và nói đại thể là chẳng gây được tác động gì. Có cảm giác trước mắt tôi không phải là một mảnh đời có thực mà là một cảnh sân khấu mà nhân vật thủ vai là người ngoại quốc.
Bóng Tối Thiên Đường Bóng Tối Thiên Đường - Erich Maria Remarque Bóng Tối Thiên Đường