Khi phải chống chọi với những thử thách của cuộc sống, bạn đừng vội nản lòng. Bởi đó là cơ hội tốt để những khả năng tiềm ẩn trong bạn có dịp được phát huy.

S. Young

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Tô Hoàng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 325 / 27
Cập nhật: 2020-04-04 20:27:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 25
ột tuần lễ sau, vào một buổi tối, tôi nhận được thư của Kahn:
“Anh Ross thân mến,
Đầu thư là những tin không vui: ông Gräfenheim đã mất. Ông đã uống một liều thuốc ngủ quá mạnh khi hay tin bà vợ ông đã chết tại Berlin trong một trận oanh tạc của phi cơ Mỹ. Tin tức này đã làm ông ấy sụp đổ hoàn toàn. Ông Gräfenheim đã coi việc những chiếc máy bay ném bom Mỹ tàn phá Berlin hoàn toàn không phải là một sự bất hạnh mà chỉ là sự trớ trêu chết chóc của số phận và thế là ông ta lặng lẽ và bình thản rời khỏi cuộc đời này.
Tôi không nhận được bất kì một tin tức nhỏ nào về Carmen. Cô nàng lười viết thư lắm. Tôi gửi cho anh địa chỉ của cô ấy. Anh hãy thay tôi giải thích cho cô ấy rõ tốt nhất là cô ấy hãy quay trở về New York.
Tạm biệt, Ross!
Hãy trở về nhanh lên. Những ngày tháng khó khăn còn đang đợi chúng ta ở phía trước! Chúng sẽ tới ngay cả sau khi những ảo tưởng trả thù cũng sụp đổ nốt và chúng ta buộc phải nhìn thẳng vào cái bất thường. Hãy chuẩn bị cho mình dần dần quen với điều đó để đòn đánh không đến nỗi quá mạnh. Hiện nay chúng ta cũng không phải là không có những điểm yếu. Đặc biệt là đối với những đòn đánh bất ngờ. Không chỉ hạnh phúc mới có mức độ của nó mà ngay cái chết cũng vậy. Đôi khi tôi bỗng nhớ tới gã Tannenbaum, với nhân vật của gã trên màn ảnh. Chả lẽ con lừa này lại là kẻ minh mẫn nhất trong bọn chúng ta sao? Chào Ross.”
Tôi đáp xe đi tìm nơi ở của Carmen. Nàng đang ngủ trên một chiếc ghế dài. Carmen vận bộ quần áo tắm bó sát lấy người. Và tôi bỗng hoài nghi sự đúng đắn của Kahn khi anh ta nói là Carmen sẽ không đạt được bất cứ thành công dù lớn dù nhỏ nào ở Hollywood cả. Quả là nàng tuyệt đẹp, có thể nói đấy là cô gái đẹp nhất mà tôi được biết tới. Một cô gái tóc vàng vẻ cao quý, cái đẹp lại phảng phất chất bi thảm khiến ta ngắm nhìn nàng buộc phải như nín hơi.
– Ôi, anh Ross! - Nàng kêu vang, không hề tỏ ra ngạc nhiên khi tôi rụt rè đánh thức nàng dậy. - Anh làm gì ở đây?
– Tôi đi bán tranh. Còn chị?
– Có một gã ngốc kí với tôi một bản hợp đồng. Tôi không phải làm gì cả. Mọi thứ rất tiện lợi.
Tôi mời nàng đi ăn trưa. Nàng khước từ, nói là bà chủ của nàng nấu ăn rất ngon rồi. Tôi nghi ngờ đưa mắt nhìn bà chủ tóc hung với vẻ ăn vận chẳng lấy gì làm tinh tươm, sạch sẽ kia. Bà ta nom vừa giống chiếc hamburger lại vừa giống cái xúc xích.
– Trứng tươi có, - Carmen nói, tay chỉ vào mấy con gà đang nhởn nhơ gần đó. - Món ốp la thật tuyệt.
Mãi tôi mới thuyết phục nổi nàng cùng tôi tới nhà hàng Brown Derby.
– Người ta nói là ở nơi đây các minh tinh màn bạc đông nhung nhúc, - tôi nói để khích lệ Carmen.
– Họ cũng không thể ăn thêm vài bữa trưa trong một ngày được.
Tôi ngồi đợi khi Carmen chọn quần áo. Tôi không hiểu Kahn, không hiểu tại sao anh ta không cưới cô gái này làm vợ.
Khi tắc xi dừng lại trước nhà hàng, tôi bỗng thấy ân hận. Tôi để ý thấy những gã đàn ông ăn vận cực kì sang trọng như ngây người trước vẻ đẹp của Carmen.
– Chờ cho một lát, - tôi nói với nàng, - tôi chỉ ngó xem còn bàn trống không đây.
Carmen đứng lại ngoài phố. Trong nhà hàng còn một số bàn chưa có khách, nhưng ở đây lại cũng có quá nhiều gã đàn ông đầy sức quyến rũ.
– Các bàn đều chật khách rồi. - Ra tới ngoài phố tôi nói. - Chị không phản đối nếu chúng ta tìm tới một nhà hàng nhỏ hơn?
– Hoàn toàn không phản đối. Thậm chí còn hợp ý tôi nữa.
Chúng tôi bước vào một nhà hàng nhỏ, vắng khách.
– Chị sống ở Hollywood ra sao, chị Carmen? - Tôi hỏi. - Có buồn hơn ở New York không?
Nàng ngước lên nhìn tôi bằng đôi mắt thiên thần.
– Tôi cũng chưa để ý tới điều này.
– Theo tôi ở đây vừa buồn tẻ vừa tầm thường, - tôi nói dối, - tôi rất vui nếu được rời khỏi nơi này.
– Cái đó còn tùy thuộc ở đâu con người ta cảm thấy ra sao. Ở New York tôi không có ai cả, cũng chẳng có một tình bằng hữu nào thực sự. Còn ở đây tôi có bà chủ nhà. Chúng tôi rất hiểu nhau, thường trò chuyện với nhau mọi điều trên thế gian này. Còn nữa, tôi rất thích gà. Gà hoàn toàn không ngốc nghếch như người ta thường nghĩ đâu. Ở New York tôi chưa bao giờ được nhìn thấy một con gà bằng xương bằng thịt cả. Ở đây tôi thuộc tên của từng con gà. Khi tôi gọi chúng, chúng tới liền. Còn cam! Chả lẽ không tuyệt diệu sao khi có thể hái trái cam thẳng từ cây xuống và ăn bao nhiêu cũng được?
Bỗng nhiên tôi hiểu vì sao Kahn chán ngấy người con gái này. Anh là một trí thức rất tinh tế, giàu nghị lực. Thế mà ở cô gái này đâu chỉ là sự thơ ngây mà quả là một sự ngây ngô đến dốt nát ngớ ngẩn thì đúng hơn.
– Ai trao cho anh địa chỉ của tôi? - Miệng gặm một cái đùi gà, Carmen hỏi.
– Kahn gửi thư cho tôi. Anh ấy không viết thư cho chị sao?
– Có, - nàng đáp với cái miệng đầy thịt. - Nói thật ra tôi chả hiểu anh ấy viết gì. Anh ấy mới là một con người phức tạp làm sao!
– Thì chị cứ kể cho anh ấy điều gì đó về những con gà của chị.
– Anh ta sẽ không hiểu được đâu.
– Nếu tôi ở vào địa vị của chị, tôi cứ viết thử xem sao. Chị cứ viết cho anh ấy, viết gì cũng được. Anh ấy tất sẽ hết sức vui sướng, nếu chị cho anh ấy biết chị sống ra sao.
Carmen lắc đầu.
– Với bà chủ nhà của tôi, tôi thấy mọi điều giản dị hơn nhiều. Kahn là một người đặc biệt phức tạp. Tôi không hiểu nổi anh ấy.
– Công việc điện ảnh của chị ra sao, chị Carmen?
– Tuyệt! Tôi nhận tiền mà lại không phải làm gì cả. Một trăm đô la mỗi tuần lễ. Ở đâu có thể nhận được nhiều hơn thế hở anh? Ở chỗ ông Vriesländer tôi nhận được sáu mươi đô la, nhưng phải làm việc suốt ngày. Ngoài ra, cái ông già thần kinh ấy cứ suốt ngày bai bải quát mắng tôi khi tôi quên một điều gì đó. Còn bà vợ thì căm ghét tôi. Không, tôi thích ở đây hơn.
– Thế còn anh Kahn thì sao? - Tôi hỏi sau một lúc suy nghĩ, tuy tôi hiểu rõ cuộc trò chuyện giữa chúng tôi sẽ chẳng đưa đến kết quả nào đâu.
– Anh Kahn à? Anh ấy không cần tôi đâu.
– Nhưng cũng có thể là anh ấy cần thì sao?
– Để làm gì cơ? Để ăn kem và lê gót trên đường phố à? Thậm chí chả còn biết nói chuyện gì với anh ấy nữa.
– Dẫu sao chị vẫn cần cho anh ấy đấy. Chị không muốn trở lại New York sao?
– Trở về với ông Vriesländer ấy à? Ông ấy có cô nữ thư kí mới rồi. Không, tôi ở lại đây chừng nào cái ông bầu điện ảnh ngu xuẩn kia còn trả tôi tiền mà chẳng hiểu để làm gì.
Tôi nhận ra Holt trong làn ánh sáng của vầng mặt trời lúc đứng bóng. Trong chiếc quần màu xanh lá cây rộng thùng thình, ông ta đi lại quanh bể bơi. Ông ta vận chiếc sơ mi Hawaii sặc sỡ vẽ phong cảnh phương nam. Nhận ra tôi ngay từ xa, ông ta đã vung cả hai tay rối rít:
– Chào, Ross!
– Chào, ngài Holt!
Ông ta vỗ lên vai tôi - một cử chỉ mà tôi rất ghét.
– Anh vẫn còn bực bội vì những bức tranh hay sao? Chúng ta sẽ giải quyết thỏa đáng thôi.
Tôi im lặng lắng nghe ông ta ba hoa đủ mọi thứ chuyện. Sau cùng ông ta mới bắt đầu vào công việc. Ông ta muốn để tôi xem xem trong kịch bản có sai sót nào không, ngoài ra tôi còn tham gia với tổ làm phim của ông ta với tư cách cố vấn về trang phục và công tác dàn cảnh, xem xem những gì ông đưa vào phim liên quan đến nước Đức của tôi có chính xác hay không.
– Đó là hai nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau, - tôi nói. - Điều gì sẽ xảy ra nếu đó là một kịch bản không dùng được?
– Khi đó thì chúng tôi sẽ soạn thảo lại. Nhưng buổi đầu tiên thì anh hãy cứ tiếp xúc với kịch bản đó đi đã. - Holt rịn mồ hôi. - Có điều là anh cần làm điều này nhanh lên mới được. Ngay ngày mai chúng tôi đã muốn bắt tay vào quay những cảnh quan trọng nhất. Liệu trong hôm nay anh có thể đọc lướt một lần kịch bản được không?
Tôi im lặng. Holt lấy từ trong chiếc cặp da ra một tập giấy.
– Một trăm ba mươi trang. - Ông ta nói. - Cần bỏ vào đây hai đến ba tiếng đồng hồ.
Tôi nhìn tập giấy kẹp trong tờ bìa màu vàng, lưỡng lự, sau đó tôi cũng cầm lấy.
– Năm trăm đô la, - Holt nói. - Xin anh cho nhận xét một số trang.
– Món tiền không ít ỏi gì, - Tannenbaum xen vào.
– Phải hai nghìn đô la, - tôi phản đối. Nếu đã quyết định bán mình thì cũng phải có thứ phòng thân khi đường cùng, ngõ cụt chứ.
Holt tái mặt.
– Đòi quá đắt đấy, - ông ta nói.
– Đắt quá chứ lại! - Tôi nói độc địa. - Phải chừng ấy tiền tôi mới nhận. Tôi không thể nào chịu đựng nổi khi phải nhớ lại những gì đã qua. Xin ông hãy tin lời tôi nói.
– Một nghìn đô la vậy. - Holt nói. - Chỉ riêng đối với anh mới trả đến như vậy thôi.
– Hai nghìn! Món tiền đó đâu có lớn gì đối với một người sưu tập tranh của trường phái Ấn tượng.
– Nhưng anh làm như vậy không quân tử lắm đâu, - Holt nói. - Tôi không xót đâu mà là xưởng phim.
– Nếu là xưởng phim lại càng tốt hơn.
– Một nghìn năm trăm đô la vậy, - Holt bặm môi nói, - và ba trăm đô la mỗi tuần lễ với tư cách là cố vấn.
– Xong! - Tôi đồng ý. - Phải có xe đưa đón tôi khi tôi tới chỗ ông làm cố vấn. Còn một điều kiện nữa: sau bữa cơm trưa, tôi cần được tự do.
– Điều này đã có trong giao kèo, - Tannenbaum rít lên. - Hệt như các siêu sao.
Holt bỏ điều vừa nghe được ra ngoài tai. Ông ta biết rằng tôi có khái niệm về thù lao trả cho các siêu sao là như thế nào.
– Thôi xong rồi, anh Ross. - Ông ta nói vẻ cương quyết. - Tôi để lại chỗ anh bản thảo. Hãy nhanh chóng bắt tay vào việc đi. Thời gian không chờ đợi đâu.
– Tôi sẽ bắt đầu ngay sau khi trong tay tôi có một nghìn đô la tiền tạm ứng, ngài Holt ạ, - tôi nói.
Bóng Tối Thiên Đường Bóng Tối Thiên Đường - Erich Maria Remarque Bóng Tối Thiên Đường