Đừng lo ngại cuộc sống sẽ kết thúc, hãy lo ngại cuộc sống chẳng bao giờ bắt đầu.

Grace Hansen

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Tô Hoàng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 325 / 27
Cập nhật: 2020-04-04 20:27:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 23
ây giờ thì chính chị Betty tin chắc là chị đã mắc bệnh ung thư.
Đối với chị Betty thời kì dằn vặt, hoài nghi đã qua đi, bây giờ chị thực sự bước vào một cuộc chiến đấu ngoan cường vì mỗi ngày sống còn lại. Chị không muốn chết. Chị muốn sống và chị muốn lại một lần nữa trở về với Berlin. Chị không muốn người ta sẽ chôn cất chị ở New York. Chị muốn về yên nghỉ tại khu Olivaer Platz - nơi có ngôi nhà của chị, nơi chị đã sống một phần đời không thể nào quên.
Lúc này mỗi ngày chị mua cả một núi báo, chị còn mua một tấm bản đồ nước Đức rồi treo ngay trong phòng ngủ của mình. Đọc báo, chị ghi bản đồ những mũi tiến công của các lực lượng quân Đồng minh. Sáng sáng nghe những bản thông báo chiến sự, chị cứ đẩy những chiếc kim găm mũi tiến của đối phương từng chút xa hơn, sâu hơn. Cái chết của bản thân chị và cái chết đang đe dọa nước Đức cứ đuổi nhau vùn vụt, chẳng cái chết nào chịu thua cái chết nào lấy nửa bước chân. Nhưng chị Betty tràn đầy nghị lực thép, quyết giành lấy thắng lợi trong cuộc tranh đua này.
Xét về bản chất, chị Betty là một con người hết sức đôn hậu: trái tim mềm yếu của chị vẫn thường tan chảy như một tảng bơ dưới ánh nắng mặt trời. Chị sẵn sàng làm mọi điều để lau khô dòng nước mắt ngay cả của những người chị chưa từng quen biết. Chị vẫn đối xử với bạn bè với một tấm lòng như vậy. Nhưng ở một góc nào đó trong con người chị, Betty cũng lại là một người hết sức cứng rắn nghiệt ngã: cái chết đang treo lơ lửng trên đầu nước Đức mà chị Betty tiếp thụ không phải là tấn thảm kịch của loài người mà chỉ là tấn thảm kịch của một số đông. Chị hoàn toàn không thể hiểu nổi tại sao người Đức còn chưa chịu kéo cờ trắng đầu hàng. Cứ theo lời Kahn thì chị Betty xem việc này như sự xúc phạm tới cá nhân chị. Nhiều người lưu vong cũng đứng về phía chị Betty, đặc biệt là những ai vẫn còn nuôi hi vọng sẽ có một người nào đó thuyết phục được những người cầm đầu nước Đức. Nhưng tự trong thâm tâm chị Betty, mọi sự kiện đang xảy ra bây giờ hầu như chỉ khuôn lại trong số phận của riêng chị: liệu chị có kịp trở về khu Olivaer Platz của chị hay không? Mỗi sáng thức giấc, điều trước tiên mà chị nghĩ tới là quân Đồng minh hiện đã tiến tới đâu. Nước Đức trong tiềm thức của chị đã thu nhỏ lại đến tận ranh giới của thành phố Berlin rồi.
– Anh đi có lâu không, anh Ross? - Chị Betty hỏi tôi.
– Tôi không biết thật chính xác. Khoảng hai tuần. Mà cũng có thể lâu hơn.
– Thế là tôi không có anh ở cạnh để san sẻ nỗi niềm rồi.
– Tôi cũng vậy. Chị là thiên thần che chở cho tôi.
– Thiên thần che chở, một thiên thần mà bệnh ung thư đang thiêu đốt trong cơ thể.
– Chị không mắc bệnh ung thư đâu, chị Betty ạ.
– Tôi cảm nhận ra con ác quỷ này mà, - chị nói, giọng nhỏ hẳn đi. - Tôi cảm thấy nó cắn rứt tôi đêm đêm. Tôi nghe thấy tiếng của nó. Tôi ăn tới năm lần một ngày. Hình như tôi hơi phát phì ra thì phải? Anh thấy thế nào?
– Tuyệt. Khí sắc chị vẫn hồng hào, tươi tắn lắm.
– Anh nghĩ sao, liệu tôi có làm được như ý muốn không?
– Trở về Đức ấy ạ? Mà tại sao không chứ?
Chị Betty nhìn tôi, đôi mắt bất an của chị nằm sâu trong những vòng thâm quầng.
– Liệu họ có cho ta trở về không?
– Ai cơ? Người Đức ấy à?
Chị Betty gật đầu.
– Suốt đêm hôm qua tôi đã suy nghĩ về việc này. Nếu bỗng nhiên chúng bắt được chúng ta ở ngoài biên giới, chúng sẽ tống chúng ta vào trại tập trung ngay.
– Đây là trường hợp hết sức ngoại lệ. Lúc đó chúng là kẻ chiến bại rồi, chúng không thể ra lệnh và cai quản được. Ra lệnh và cai quản lúc đó là người Mỹ, người Anh, người Nga.
– Tất cả những người lưu vong đều quan tâm đến chiến thắng hay thất bại. Riêng tôi chỉ quan tâm tới chốn Olivaer Platz của tôi thôi.
– Chị đã trải qua mọi điều. Bây giờ chị có thể bình tâm hướng mọi ý nghĩ của mình cho khu Olivaer Platz được lắm chứ?
– Tôi biết thế. Nhưng…
– Chị đừng nghe ai chỉ trích, phê phán chị cả. Đám dân lưu vong ở đây không bị hiểm họa đe dọa nữa. Chính vì thế nhiều kẻ trong bọn họ như đang bị loạn thần kinh. Chúng ta thấy quá đủ với anh chàng diễn viên Tannenbaum rồi. Không nên có một gã thứ hai như vậy.
Mưa gió phía ngoài cửa kính, gian phòng trở nên tối hơn. Chị Betty bỗng hắt xì hơi liên tiếp.
– Anh ta nói rằng nếu người ta giao cho anh ta sắm vai Hitler, anh ta sẽ thể hiện hắn như một kẻ nhếch nhác chuyên đào mỏ các mệnh phụ. Theo anh ta, Hitler là chuyên gia của những tấn kịch đã lỗi thời.
Tôi đứng dậy.
– Thôi tạm biệt chị Betty. Chả bao lâu nữa tôi sẽ quay về đây. Tôi hi vọng là đến ngày ấy chị sẽ quên đi hết mọi nỗi sợ hãi do trí tưởng tượng phong phú của chị phác vẽ nên. Chị lại trở thành chị Betty như xưa. Mong sao chị trở thành một nữ văn sĩ. Tôi chỉ mong có một nửa trí tưởng tượng của chị.
Ra tới cổng tôi gặp bác sĩ Gräfenheim.
– Chị ấy sao rồi? - ông hỏi tôi.
– Rất tồi, - tôi nói. - Ông đã cấp thuốc cho chị ấy rồi chứ?
– Hiện thì chưa. Nhưng sẽ có ngay thôi.
Tôi bước đi trên đường phố sũng ướt vì mưa. Đến cửa hàng của Kahn tôi liền rẽ vào.
– Bao giờ thì anh đi Hollywood đấy?
– Hai ngày nữa.
– Có thể ở đó anh sẽ gặp Carmen.
– Carmen à?
Kahn cười.
– Có một gã nào ở đó mời cô ta kí hợp đồng trong một vai nào đó. Trong vòng ba tháng. Với giá một trăm đô la một tuần. Nhưng chẳng bao lâu cô ta cũng sẽ trở về đây thôi. Carmen là một người bất tài.
– Cô ta muốn đi chứ?
– Không. Rất nặng nề khi phải ra đi. Tôi buộc phải khuyên cô ta.
– Vì sao?
– Để sau này cô ta không nghĩ là mình đã bỏ qua một cơ hội. Tôi không muốn trở thành cái cớ để sau này cô ta suốt đời sẽ quở trách tôi. Rồi cô ta sẽ tự kiểm tra lấy trong ba tháng ấy. Đúng không nào?
Tôi không trả lời. Kahn có vẻ nôn nóng.
– Chẳng lẽ tôi xử sự không đúng sao? - Anh ta hỏi tôi một lần nữa.
– Tôi hi vọng là anh đã xử sự đúng. Nhưng cô ta là một người đàn bà rất đẹp, tôi thì không mạo hiểm như thế đâu.
– Khi anh trở về, cái tổ chim cúc cu treo giữa trời của chúng mình sẽ lần nữa trở thành nhà của anh chàng đồng tính luyến ái, - Natasha nói. - Gã sẽ trở về trong một ngày sắp tới. Sáng hôm nay em mới biết được tin này. Từ một lá thư.
– Thư từ đâu tới?
– Mà tại sao anh bỗng quan tâm đến điều đó thế?
– Không đâu. Đơn giản ra là anh vừa hỏi em một câu hỏi ngốc nghếch để giấu đi sự tọc mạch mà thôi.
– Thư từ Mexico gửi về. Ở đó một mối tình lớn cũng đã kết thúc.
– Ở đó… cũng… là sao?
– Câu hỏi này cũng để che giấu sự tọc mạch à?
– Không. Nó chỉ gợi lên một niềm quan tâm trừu tượng đối với sự tiến triển những quan hệ giữa người và người thôi.
Natasha chống tay lên cằm nhìn vào gương. Ánh mắt chúng tôi lại gặp nhau ở đó.
– Anh hãy nói thực với em, vì sao chúng ta lại quá quan tâm đến nỗi bất hạnh của những người gần gụi với mình hơn là niềm hạnh phúc của họ. Phải chăng đó chính là điều chứng tỏ rằng con người ta chỉ là những con thú hay ghen tị mà thôi?
– Đúng như thế đấy! Nhưng ngoài điều đó ra còn phải nói thêm là hạnh phúc thường gợi nên nỗi buồn, còn nỗi bất hạnh thì không như thế.
Natasha cười.
– Cũng có thể là như vậy. Về hạnh phúc chỉ nói chừng năm phút là hết chuyện. Thì có gì đáng nói đâu, ngoài một điều tôi hoặc bạn đang hạnh phúc. Còn về nỗi bất hạnh, con người ta có thể kể thâu đêm suốt sáng. Có đúng thế không anh?
– Đúng thế, nhưng đấy cũng chỉ là nỗi bất hạnh nhỏ thôi, - tôi lưỡng lự giây lát rồi mới trả lời, - chứ không phải là nỗi bất hạnh thực sự đâu.
Natasha vẫn nhìn tôi không rời mắt. Vệt ánh sáng xiên khoai từ gian phòng bên hắt sang như chiếu thẳng vào mắt nàng và đôi mắt kia nom vừa long lanh vừa u ẩn một cách hết sức lạ lùng.
– Anh rất bất hạnh hở anh Robert? - Nàng hỏi, mắt không rời khỏi mắt tôi.
– Không, - tôi im lặng một lát rồi nói.
– Thật may sao anh không nói rằng anh hạnh phúc. Thông thường sự lừa gạt không làm em bối rối đâu. Vả lại, chính em cũng biết nói dối cơ mà. Nhưng đôi khi sự dối trá lại là điều không thể nào chịu đựng nổi.
– Nhưng em muốn được làm một người hạnh phúc chứ? - Tôi nói.
– Anh sẽ không đạt được điều đó đâu. Anh không thể trở thành người hạnh phúc như mọi người khác.
Hai chúng tôi vẫn nhìn vào mắt nhau. Tôi có cảm giác là nhìn Natasha trong tấm gương dễ trả lời hơn là nhìn vào mắt nàng.
– Mấy ngày trước đây em cũng đã hỏi anh về điều này.
– Lúc ấy anh đã nói dối em. Anh đã lo sợ em sẽ sắp đặt ra một màn kịch và anh muốn lẩn trốn màn kịch ấy. Nhưng em nào có định sắp đặt ra màn kịch kia đâu.
– Ngay cả hồi đó anh cũng không nói dối đâu, - tôi phản bác lại như một cái máy và ngay lúc đó tôi cảm thấy ân hận vì những lời nói của mình.
Trong những năm tháng phiêu lãng tôi đã học được một số luật lệ đối với tôi là những điều hết sức cần thiết để giúp tôi có thể thoát chết, nhưng tiếc sao những luật lệ này lại không thích hợp lắm đối với cuộc sống riêng tư. Một trong những luật lệ ấy là đừng bao giờ thừa nhận rằng anh đã nói dối. Trong cuộc đối mặt với quyền lực nó có thể biện minh cho anh, nhưng trong mối quan hệ qua lại với một người đàn bà mà anh yêu, luật lệ này không phải lúc nào cũng thích hợp, tuy ở đây nó vẫn mang lại lợi ích cho anh chứ không phải là sự độc hại.
– Anh không nói dối, - tôi nhắc lại. - Nói đơn giản ra là anh không biết diễn đạt thôi. Một số khái niệm chúng ta đã hấp thụ từ thế kỉ trước nay chúng đã thay đổi rất nhiều. Trong những khái niệm ấy có khái niệm thế nào là hạnh phúc. Thật dễ dàng biết bao để trở thành một người có hạnh phúc! Lúc này anh không muốn nói tới các nhà văn, tới đám làm bạc giả - những người đã thành đạt trong vài thế kỉ với tài dối trá ma mãnh của mình. Người được yêu và đang yêu là người hạnh phúc, và khi họ được hưởng niềm hạnh phúc kia, đấy là thứ hạnh phúc tuyệt đối.
Natasha không nhìn tôi nữa, nàng lại nằm ra giường.
– Vâng, thưa giáo sư, - nàng nói lẩm bẩm, - điều ngài vừa nói rất thông minh đấy, nhưng ngài liệu có nghĩ là xưa kia mọi điều giản dị hơn nhiều không?
– Có lẽ là như vậy.
– Mọi việc tùy thuộc ở chỗ con người ta tin vào điều gì. Ví như: sự thật là gì vậy? Điều con người cảm thấy không có liên quan gì với sự thật cả.
Tôi cất tiếng cười vang.
– Đương nhiên là không có liên quan gì…
– Ngài đã nhầm lẫn mọi điều trên thế gian này rồi. Thật hay ho biết bao khi xưa kia người ta gọi sự thật là những gì không giả dối… Thật là thú vị nếu biết được là anh sẽ ra sao sau khi anh từ cái tổ cú Hollywood kia trở về? Ở đó người ta sẽ vo ve bên tai anh những lời ồn ã, đao to búa lớn nhưng chẳng biết để làm gì.
– Do đâu mà em biết như vậy? Em đã từng đến Hollywood rồi sao?
– Vâng. - Natasha nói. - May sao em đã không phải là người ăn ảnh.
– Em không ăn ảnh à?
– Vâng! Tùy anh hiểu mấy chữ này theo sự hình dung của anh.
– Giả nếu em ăn ảnh, em sẽ ở lại nơi ấy sao?
Natasha ôm hôn tôi.
– Đương nhiên là như vậy rồi, anh chàng Hamlet người Đức của em ơi! Nếu một người đàn bà mà trả lời anh khác đi, tức thị cô ả lừa dối anh đấy. Anh nghĩ là em có một nghề nghiệp tốt đẹp lắm sao? Anh cho là em không thể nào từ chối nghề nghiệp đó được sao?
– Anh thật là sung sướng nếu em có thể đi cùng anh, - tôi cắt ngang lời nàng.
– Không lợi lộc gì đâu. Mùa đông sắp tới rồi mà anh và em cũng đã cạn tiền.
– Em sẽ không còn yêu anh nữa sao?
– Đương nhiên rồi!
– Theo em thế nào là đương nhiên?
– Em vẫn yêu anh khi anh còn ở đây.
Tôi nhìn Natasha. Tôi không tin là những gì trong đầu nàng cũng giống hệt những gì ở đầu lưỡi.
– Ví dụ khi anh không còn ở đây, tự nhiên em sẽ thấy như anh sẽ không bao giờ ở lại nữa. Người mới không xuất hiện ngay đâu, nhưng cũng không lâu đâu…
– Thế nào là không lâu đâu?
– Chả lẽ lại có thể nói trước điều này sao? Đừng để em lại một mình và anh cũng không nên đặt ra với em những câu hỏi như vậy.
– Ừ, mà như thế tiện lợi hơn cả.
– Đơn giản hơn cả thì đúng hơn, - nàng sửa lại. - Khi bên cạnh ta có một người nào đó ta chẳng còn cần thứ gì hết. Khi người đó không còn, sự cô đơn lập tức ùa ập kéo đến. Ai mà chịu đựng nổi sự cô đơn này? Em không đủ sức đâu.
– Mọi điều như vậy xảy ra ngay tắp lự sao? - Tôi hỏi nàng, nhưng lúc này đã thoáng thấy lo âu thực sự. - Đơn giản chỉ là thay người này bằng người khác à?
Natasha cười ngặt nghẽo.
– Không phải như vậy đâu. Hoàn toàn không phải như vậy. Người ta không thay một người này bằng một người khác, người ta chỉ thay tình thế cô đơn lấy tình thế không cô đơn thôi. Đàn ông các anh biết cách xoay xở lấy trong cảnh cô đơn, đàn bà thì không…
– Em không thể sống một mình được sao?
– Em sẽ rất buồn khi còn có một mình, Robert ạ! Em như thứ vải nhung ấy. Khi còn lại một mình em hệt như bị nhúng nước và em sẽ tiêu tan liền.
– Trong hai tuần thôi mà em đã tiêu tan sao?
– Ai mà biết được bao giờ anh trở về? Em không tin vào những hạn định. Đặc biệt đấy là cái hạn trở về.
Tôi hiểu rằng chúng tôi đang đùa chọc nhau. Tất cả chỉ là một trò đùa thôi mà. Nhưng dẫu sao những mũi tên - không phải là không nhọn đâu - vẫn cắm khá sâu vào da thịt tôi.
– Nếu như mọi chuyện do anh quyết định cả, anh sẽ không đi, - tôi nói, - vì đi Hollywood vào thời điểm này là vô nghĩa. Nhưng nếu anh từ chối chuyến đi này, thì chỉ một tuần lễ nữa anh sẽ không còn tiền để sống. Lão Silvers sẽ tìm người khác thay anh tắp lự. Vì vậy dù muốn dù không, anh phải chấp nhận số phận của mình…
Tôi biết nàng chẳng thích gì điều tôi vừa nói ra nhưng nàng im lặng không phản bác. Tôi cũng biết tính tình của nàng rất thất thường. Nhưng lần này nàng đột nhiên nói với giọng buồn bã:
– Mùa thu đã tới rồi. Mà hoàn toàn không nên cô độc một mình trong mùa thu. Sống qua một mùa thu trong tình cảnh đó thực khó biết bao.
– Đối với em thì bây giờ đã mùa đông rồi cơ mà. Thì chính em vẫn thường nói em sống vượt lên trước thời gian một mùa cơ mà. Em còn nhớ em đã nói với anh như vậy không?
– Anh luôn luôn tìm ra điều gì đó để chống đỡ, - nàng nói hơi chút khó chịu, - và luôn luôn biết được lối thoát.
– Cũng có khi anh không tìm ra lối thoát chứ, - tôi nói, - ví như lối thoát khỏi em chẳng hạn.
Gương mặt nàng bỗng biến đổi:
– Em không muốn anh nói dối em đâu.
– Anh hoàn toàn không nói dối. Thực là anh không nhìn thấy lối thoát. Ừ mà làm sao nhìn thấy chứ?
– Anh luôn luôn phác vẽ ra những kế hoạch cho tương lai. Và anh không chấp nhận những sự bất ngờ. Còn đối với em mọi điều luôn là sự bất ngờ và tình cờ. Tại sao lại như vậy nhỉ?
– Trong đời anh mọi sự bất ngờ đều có kết cục rất xấu. Nhưng không phải là với em cũng như vậy đâu. Em là một sự bất ngờ không bao giờ trở thành một thói quen.
– Đêm nay anh có ở lại đây với em không?
– Sẽ ở lại chừng nào anh chưa phải vắt giò chạy ra ga.
– Không đến nỗi phải như vậy đâu. Mọi sự giản dị hơn nhiều: anh vẫy một chiếc tắc xi là xong.
Đêm hôm ấy chúng tôi ngủ rất ít. Thức dậy là chúng tôi lại ân ái với nhau. Rồi chúng tôi lại ôm chặt lấy nhau thiếp đi, để rồi khi sực tỉnh một lần nữa, chúng tôi chuyện vãn một lúc rồi lại làm chuyện ân ái hoặc chỉ cần nằm sát bên nhau, để cảm nhận được làn hơi ấm trong da thịt của nhau mà thôi. Chúng tôi kêu rú lên, mệt đến kiệt sức với ý muốn hòa nhập vào nhau thành một khối. Chúng tôi hối giục nhau như người ta quất roi lên lưng những con ngựa buộc chúng phải xả hết sức lực ra. Nhưng những tiếng kêu thét hoặc rên rẩm này cũng vô hiệu. Chúng tôi cảm thấy căm ghét nhau rồi lại cảm thấy yêu nhau. Tất cả cũng chỉ nhằm một cái đích là hòa quyện vào nhau, giải thoát đầu óc khỏi những vật cản không cho ta nhận biết bí mật của gió, của biển cả, của thế giới các vì tinh tú… Chúng tôi chửi rủa nhau bằng những lời lẽ chỉ dành cho loài trâu ngựa, rồi lại thì thầm rót vào tai nhau những lời âu yếm nồng nàn nhất. Sau đó người mệt nhoài, chúng tôi nằm đợi sự yên ắng xuất hiện - một sự yên ắng sâu thăm thẳm, màu vàng óng ả, chứa đầy sự an bình. Chúng tôi chờ đợi sự yên ắng này và nó đã đến với chúng tôi, ở lại bên cạnh chúng tôi. Chúng tôi cảm nhận ra nó và rồi chính chúng tôi cũng biến thành một sự yên ắng dịu dàng, êm nhẹ như hơi thở, không phải là thứ hơi thở gấp gáp, dữ dằn, mà là thứ hơi thở chỉ vừa đủ để nhận ra, tựa như khi thở lồng ngực không phập phồng dâng lên hạ xuống. Sự yên ắng đã tới, chúng tôi như hòa tan trong sự yên ắng ấy và Natasha hòa tan trong sự yên ắng ấy trước tiên - nàng đi đến với giấc ngủ. Còn tôi nằm rất lâu, không tài nào chợp mắt nổi, tôi ngắm nhìn nàng. Sự tò mò đầy bí ẩn, chả hiểu sao thường hay đến với tôi mỗi khi tôi ngắm người khác ngủ. Tôi có cảm giác tất cả những người đang ngủ biết một điều gì đó mà họ giấu tôi. Tôi ngắm nhìn gương mặt thanh thản với hàng lông mi rất dài của Natasha và tôi nhận ra giấc ngủ chính là một vị pháp sư, một ông thầy phù thủy đã cướp nàng khỏi tay tôi, đã buộc tôi phải quên đi ngay cả chính mình nữa. Đối với nàng, tôi cũng không hề tồn tại trên cõi đời này. Tôi có thể chết nhưng chẳng có gì thay đổi cả đâu. Tôi khao khát, đồng thời cũng hơi sợ hãi ngắm nhìn cái người đàn bà xa lạ đồng thời cũng đã trở nên gần gụi, thân thuộc biết bao đối với tôi. Nhìn nàng, đột nhiên tôi hiểu rằng, chỉ những người đã chết mới thuộc về chúng ta vĩnh viễn, chỉ những người đã chết mới không trôi tuột khỏi tay ta mà thôi. Mọi thứ khác còn lại trên thế gian này đều chuyển di, biến đổi, tan đi, biến mất thậm chí nếu chúng có xuất hiện lại một lần nữa, cũng là những gì ta sẽ không nhận biết nổi. Chỉ riêng những gì đã chết là mãi mãi tồn tại thôi. Chính ở đây tiềm ẩn sức mạnh của những thứ đã chết kia.
Tôi nằm lắng nghe tiếng gió thổi phía bên ngoài khung cửa sổ. Gió tít trên cao lúc nào cũng rú rít vui vẻ giữa các nóc nhà. Tôi lo mình sẽ thiếp ngủ đi, nhưng tôi lại cũng muốn xua đuổi khỏi đầu những kí ức về quá khứ và thế là tôi trở lại ngắm nhìn khuôn mặt Natasha: giữa hai hàng mi của nàng lúc này xuất hiện một nếp nhăn đủ nhận ra. Tôi nhìn nàng và trong thoáng chốc tôi bỗng có cảm tưởng là, chỉ chút xíu nữa thôi tôi sẽ nắm bắt được một điều gì đó quan trọng, tôi sẽ bước vào một gian phòng xa lạ nhưng rực rỡ ánh đèn, một gian phòng vốn luôn hiện hữu mà cho đến lúc này tôi không hề nghi ngờ gì. Rồi bất ngờ tôi cảm nhận ra một niềm hạnh phúc, bởi lẽ trước tôi đang mở ra một khoảng không gian tôi chưa bao giờ nhìn thấy. Kìm hơi thở, tôi thận trọng tiến đến gần khoảng không gian kia, nhưng ngay trong chớp mắt, khi tôi nhón gót định bước thêm một bước cuối cùng, mọi điều bỗng biến đâu mất, tôi ngủ thiếp đi.
Bóng Tối Thiên Đường Bóng Tối Thiên Đường - Erich Maria Remarque Bóng Tối Thiên Đường