When they asked me what I loved most about life, I smiled and said you.

Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Tô Hoàng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 325 / 27
Cập nhật: 2020-04-04 20:27:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 20
ôi có tổ chức một buổi tiếp khách thân mật, trong phạm vi gia đình. Tôi xin mời cả anh đấy!
– Xin cảm ơn ông, - tôi nói thờ ơ. - Đáng tiếc là tôi phải từ chối. Tôi không có bộ vét cho những buổi tiệc long trọng như thế này.
– Không cần đâu. Bây giờ đang là mùa hè. Mỗi người có thể ăn vận tùy theo ý muốn.
– Thế thì xin lĩnh ý ông, - tôi nói.
– Anh có thể mời bà Whymper cùng đến với anh được không?
– Sao ông không trực tiếp mời bà ta?
– Hiện tại thì chưa thể được. Bà ta là chỗ quen biết của anh cơ mà.
Tôi nhìn Silvers. Con người này mới ma mãnh làm sao.
– Tôi nghĩ rằng mình không đủ tư cách để mời bà ấy. Còn chính ông đã nói với tôi bà ta là chỗ quen biết của ông, mà quen biết cũng từ lâu rồi.
– Nói thì nói thế thôi, - Silvers đánh trống lảng. - Trong buổi họp mặt hôm nay sẽ có rất nhiều nhân vật thú vị đấy.
Tôi dễ dàng hình dung ra những nhân vật thú vị kia là ai rồi. Trong buổi họp mặt tôi không nhìn thấy Rockefeller, Ford và Mellon, tuy Silvers vẫn nói những nhà đại triệu phú này là chỗ bạn bè đáng tin cậy của ông ta và họ nhất định sẽ tới. Nhưng có mặt trong bữa tiệc là những nhà triệu phú khác. Họ ồn ã và lắm lời. Tất cả bọn họ đều tự coi mình là các nhà sưu tập tranh và các đồ nghệ thuật khác, chứ không đơn giản là chỉ mua về để bày biện trong nhà thôi. Chính ở điểm này ẩn náu cái thủ thuật chủ yếu nhất của Silvers. Ông ta đã biến các khách hàng của mình thành các nhà sưu tập, tạo cho họ mối quan tâm là các viện bảo tàng sẽ thường xuyên đến hỏi mua hoặc mượn các bức tranh của họ cho các cuộc triển lãm, hoặc để đưa vào các bộ sưu tập quốc gia với hàng chữ đề: “Bức tranh này thuộc bộ sưu tập của ông A, bà B”. Bằng cung cách ấy, đám khách hàng này bước lên cao hơn một bước trên cái thang vô hình gia nhập vào xã hội thượng lưu.
Đột nhiên tôi nhận ra bà Whymper trong đám khách khứa. Bà vẫy tay gọi tôi tới.
– Chúng ta làm gì ở đây giữa những con cá mập này hả? - Bà ta hỏi. - Người ta mời tôi tới đây vì mục đích gì cơ chứ? Thật là những con người đáng tởm lợm. Chúng ta rời khỏi nơi đây đi thôi.
– Dạ, đi đâu ạ?
– Đi đâu mà chẳng được. Đến El Morocco hoặc về nhà tôi.
– Tôi rất vui lòng, nhưng tôi không thể đi được, thưa bà. Nói như thế nào đây, tôi còn nghĩa vụ phải hầu hạ ông Silvers…
– Hầu hạ à? Thế còn tôi? Anh vừa có nghĩa vụ hầu hạ vừa quen biết tôi. Anh cần đưa tôi về nhà ngay. Bởi vì người ta mời tôi tới đây là vì anh đấy.
Lí lẽ của bà Whymper khiến tôi cứng họng.
– Xin phép hỏi, bà có phải là người Nga không ạ?
– Không. Mà sao anh lại hỏi như vậy?
– Bởi lẽ một số phụ nữ Nga có những lập luận có lô gích một cách nghiêm nhặt, dựa trên những tiền đề, những kiến giải không có thực và sau đó họ đề ra yêu sách với những người khác. Đấy là những người đàn bà rất hấp dẫn, rất nữ tính nhưng cũng lại rất nguy hiểm.
Bà Whymper cười phá lên.
– Anh quen biết nhiều phụ nữ Nga lắm sao?
– Một vài người ạ. Họ cũng là dân lưu vong. Tôi nhận ra rằng họ có năng lực thiên phú gán ghép những tội lỗi không có thực cho những người đàn ông chẳng mắc tội gì. Theo như họ nói, điều này cũng không hề làm lụi tắt đi tình yêu của họ đâu.
– Anh biết nhiều chuyện đấy. - Bà Whymper nhìn tôi với ánh mắt soi mói. - Thôi ta đi chứ? Ở đây thì cũng chẳng để làm gì cả. Anh đưa tôi về nhà tôi.
– Tôi có thể đưa bà về nhà, nhưng sau đó tôi phải quay lại đây ngay.
– Được thôi.
Tôi tự đoán là ngay dưới cổng kia, chiếc xe riêng với người lái đang chờ bà ta. Ấy thế mà tôi vẫn ngạc nhiên trước sự chèo kéo của bà Whymper. Nhận ra điều đó, bà ta nói với tôi:
– Dẫu sao thì anh cũng vẫn phải đưa tôi về. Tôi không cắn anh đâu mà sợ, - bà ta nói, - tài xế sẽ đưa anh trở lại đây. Tôi hết sức ghét phải về nhà một mình. Anh không thể hình dung nổi căn hộ của tôi khi đó vắng vẻ, trống trải như thế nào đâu.
– Bà nhầm đấy, thưa bà. Tôi hình dung được ạ.
Tiễn bà Whymper về đến nhà, chiếc xe riêng của bà chở tôi quay trở lại. Nửa đường tôi bỗng bảo anh lái xe đưa tôi thẳng về nơi ở của Natasha.
– Anh ở đâu về thế? - Nàng hỏi. - Ở với các nhà sưu tập của anh à? Muốn xả hơi một chút chứ gì?
– Anh không ở chỗ các nhà sưu tập, cũng chẳng ở chỗ bà Whymper.
– Anh đi mua cho em nửa cân xúc xích salami và bánh mì đen nữa.
– Có mua bơ không?
– Nhà mình còn bơ. Nếu anh mua pho mát thì em không phản đối đâu.
Tôi cảm thấy hạnh phúc được nàng sai đi mua sắm. Từ ngày Natasha đến sống ở đây, quan hệ của hai chúng tôi bước sang một thời kì mới. Trước đây chúng tôi gặp nhau thưa thớt, tình cờ, còn bây giờ tôi có thể ở với nàng suốt cả buổi tối.
Ở dưới cửa hàng lên, tôi nói với Natasha:
– Anh cần tắm một cái đây! Anh rất mến phục em, nhưng anh cần tắm đã. Anh có cảm tưởng như mình bị vấy bẩn từ chân đến đầu.
– Làm thế nào mà anh lại có thể từ chỗ ông Silvers về đây nhanh như vậy được?
– Anh đưa tiễn bà Whymper về nhà bà ta. Lão Silvers mời bà ta mà không báo cho anh biết.
– Và bà ấy buông tha anh nhanh chóng thế sao? Hoan hô anh.
Tôi nhẹ nhàng đầm mình trong bồn nước ấm.
– Bà ấy không muốn buông tha anh đâu. Nhưng vì sao mà em biết được anh thoát khỏi bà ta không dễ dàng gì?
Natasha cười ré lên:
– Ai mà chả biết điều này.
– Ai mà chả biết sao? Cụ thể là ai mới được?
– Những ai tiếp xúc với bà ta. Bà ta luôn cảm thấy cô độc nhưng lại không quan tâm đến những người đàn ông cùng lứa với bà. Anh Robert tội nghiệp của em. Anh sợ quá phải không?
Tôi nhổm lên nắm lấy vạt áo của Natasha, định kéo nàng dìm vào bồn tắm, nhưng nàng đã thét lên:
– Buông em ra, chiếc áo này không phải của em. Hàng mẫu đấy!
Tôi buông nàng ra.
– Em xem, chúng ta chả có tí tư hữu nào cả nhỉ. Căn hộ không phải của chúng ta, áo em đang mặc không phải của chúng ta, cả đá quý lẫn vàng bạc em đeo cũng không phải của chúng ta nữa…
– Đúng vậy đấy. Như vậy thì ta không cần chịu trách nhiệm gì cả. Thế là anh mơ gì được ấy nhé, có đúng không nào?
– Thương anh đi, hôm nay anh trải qua một ngày cực xấu, - tôi nói. - Mọi thứ cứ như siết chặt lấy anh.
Natasha đứng lên.
– Và anh lại còn định kết án em vì em đã giới thiệu để anh làm quen bà Whymper? Thế mà anh đã có một bản công ước lừng danh.
– Công ước gì?
– Công ước viết rằng chúng ta không nên làm cho nhau đau đớn, rằng chúng ta kết hợp với nhau chỉ để quên đi những mối tình xa xưa. Ôi, lạy Chúa tôi! Anh đã tặng em tất cả những điều như vậy sao? Và hai đứa ta run rẩy như những chú cừu sau cơn bão, đang ẩn náu dưới bóng rợp của một mối tình chẳng cần thiết cho ai, ẩn náu để làm rộng hoác thêm vết thương mà những kẻ khác đã châm chích lên người chúng ta.
Nàng nôn nóng đi lại trong buồng tắm. Còn tôi thì giương mắt nhìn nàng ngạc nhiên. Vì cơn cớ gì bỗng nhiên nàng nhớ lại có đến một nửa những chuyện tâm sự ngốc nghếch mà chúng tôi đã nói với nhau khi đã cảm thấy bắt đầu gần gụi? Tôi tin rằng tôi đã không nói tất cả những điều như vậy, tôi không đến nỗi xuẩn ngốc như vậy. Nói đúng hơn có thể tất cả là do nàng đã tự nghĩ ra… cũng có thể nàng phịa thêm cho tôi chăng? Trong đầu tôi thoáng lướt qua biết bao ý nghĩ và tôi hiểu là nàng đã đúng một phần, tuy tôi không muốn xác nhận điều đó. Tôi chỉ ngạc nhiên bởi lẽ sao nàng lại linh cảm được tất cả một cách chính xác đến như vậy.
– Cho anh xin một ly vodka. - Tôi nói dè dặt và quyết định phải phản công lại. Khi lương tâm con người ta không được trong sạch thì phản công là một phương sách hữu hiệu nhất.
– Thật tuyệt vời khi chúng ta lừa dối lẫn nhau. Liệu có phải như thế không anh?
– Theo anh nghĩ, đấy là một chuyện thường tình, - tôi nói, lòng vui vui vì đã nhìn thấy một chút tia sáng le lói.
– Em không biết nữa. Sau mỗi lần em lại quên đi tất cả.
– Sau mỗi lần à? Em thường hay gặp những chuyện như vậy sao?
– Em cũng không biết nữa. Em không phải là một cái máy tính. Có thể anh là một cái máy tính còn em thì không.
– Anh nằm trong bồn tắm, Natasha. Một vị trí đặc biệt không có lợi chút nào. Nào ta hãy ký kết thỏa ước hòa bình thôi?
– Hòa bình à? - Nàng nhắc lại với giọng độc địa. - Thứ hòa bình ấy thì cần cho ai đây?
Nắm lấy tấm khăn tắm, tôi đứng lên. Nếu giả như tôi có thể đề ra một cách kết thúc cho cuộc trò chuyện kiểu này giữa tôi và nàng, tôi sẽ chạy khỏi gian nhà tắm như trốn chạy khỏi bệnh dịch tả.
Natasha bắt đầu vạch mặt tôi chẳng ra nghiêm chỉnh cũng chẳng ra đùa bỡn, nhưng sau đó nàng như bị kích động thêm, rồi nàng chuyển hẳn sang tâm trạng nổi đóa. Tôi nhận ra điều này qua ánh mắt nàng, qua cử chỉ và giọng nói bỗng trở nên the thé, chanh chua. Tôi cần phải tỉnh trí nhìn nhận lại ở cả hai phía. Trước hết phải công nhận rằng nàng đúng. Thoạt đầu tôi đã định mượn cớ chuyện bà Whymper, tôi sẽ phản công lại nàng. Nhưng đột nhiên mọi chuyện xoay ngược theo chiều hướng khác.
– Cái áo em mặc tuyệt đẹp, - tôi nói, - còn anh thì lại muốn dìm em vào bồn nước với cái áo ấy đấy.
– Thế tại sao anh không dìm đi?
– Vì nước thì quá nóng còn cái bồn thì quá chật đối với hai người.
– Thế vì sao anh lại mặc quần áo vào?
– Vì lạnh.
– Sao anh không vặn máy điều hòa?
– Không cần vì như vậy lại quá nóng.
Nàng nhìn tôi đầy ngờ vực.
– Anh muốn bỏ trốn chứ gì? Đồ hèn! - Nàng nói.
– Em nói gì mà khó nghe thế! Chả lẽ anh lại bỏ món xúc xích và pho mát mà đi nổi sao?
Natasha bỗng nhiên nổi điên lên.
– Cút xéo đi! - Nàng thét lên the thé. - Cút về cái khách sạn ổ lợn của anh đi. Về với cái hang hôi hám của anh ấy. Ở đấy anh tìm đúng chỗ của mình.
Nàng run lên vì giận dữ. Tôi giơ tay đỡ phòng trường hợp nàng vơ lấy cái gạt tàn thuốc lá ném về phía tôi. Tôi không nghĩ là nàng sẽ ném trượt đích đâu. Lúc này nom nàng càng đẹp tuyệt. Cơn giận dữ không làm méo mó đi những đường nét trên gương mặt nàng mà ngược lại càng khiến nàng đẹp hơn. Tôi muốn nhảy tới ôm chầm lấy nàng, nhưng một giọng nói từ bên trong đã ngăn tôi lại: “Đừng làm như vậy.” Lối thoát duy nhất đối với tôi lúc này là hãy biến đi, biến đi không chậm trễ.
– Rồi em sẽ hiểu ra tất cả thôi, - tôi nói, chân bước ra khỏi phòng rồi đóng sập cửa lại. Khi chờ thang máy tôi cố gắng lắng nghe xem có động tĩnh gì ở phía sau lưng không. Tuyệt nhiên không. Có lẽ nàng nghĩ rằng tôi sẽ quay lại chăng?
May mắn làm sao, tối hôm nay Melikov trực khách sạn.
– Cafard? - Ông ta hỏi tôi.
Cafard? (tiếng Pháp trong nguyên bản): Trông mặt cậu buồn thế?
– Chả lẽ nhìn mặt tôi ông cũng nhận ra sao?
– Cách xa một kilômét cũng nhận thấy. Muốn uống không?
Tôi lắc đầu.
– Tôi mới ở giai đoạn một, uống vào chỉ thêm nguy thôi.
– Ở giai đoạn một có nghĩa là như thế nào?
– Nghĩa là từ khi ông tự biết rằng ông vừa xử sự tồi tệ và ngu ngốc chứ sao.
– Thế khi nào bắt đầu giai đoạn hai?
– Khi tôi thấy rằng mọi chuyện thế là kết thúc. Mà lỗi là do mình gây ra.
– Thôi, thế thì làm vại bia vậy. Ngồi vào cái ghế bành kia và chấm dứt tấn kịch tâm lí này đi!
– Ừ.
– Xin chào! - Có người vừa nói phía sau lưng tôi.
Lachmann! Tôi đứng ngay lên và định chuồn khỏi nơi đây. Nhưng Lachmann đã ấn vai tôi ngồi lại chỗ cũ.
– Hôm nay tớ sẽ không khóc than với cậu nữa đâu! - Lachmann nói thều thào. - Nỗi bất hạnh của tớ đã chấm hết rồi. Tớ đánh liều đấy!
– Tức là móc được mụ ta rồi chứ gì? Ôi kẻ đào huyệt đáng thương!
– Móc ai cơ?
Tôi ngước lên:
– Còn ai nữa? Cả cái khách sạn này đã chán ngấy trò than khóc của cậu rồi, thế mà bây giờ cậu còn ỡm ờ lên tiếng hỏi “móc ai cơ?”
– Đấy là chuyện đã qua rồi. - Lachmann nói. - Tớ quên đi rất nhanh.
Tôi nhìn Lachmann ngạc nhiên.
– Sao? Quên đi rất nhanh à? Và chính vì vậy cậu cứ ti tỉ than khóc hết tháng này qua tháng khác chứ gì?
– Tất nhiên rồi. Chỉ quên nhanh sau khi đã xóa sạch mọi thứ trong kí ức.
– Xóa sạch cái gì? Xóa sạch những gì không trong sạch phải không?
– Đâu chỉ là chuyện lời nói. Sự thật là tớ chả đạt được điều gì cả. Cái thằng cha Mexico và con lợn cái Puerto Rico kia đã lừa dối tớ.
– Không ai lừa dối cậu cả. Cậu chỉ không đạt được cái cậu muốn thôi. Có sự khác biệt đấy.
– Thôi bây giờ cũng đã khuya rồi. Tớ chả muốn tranh cãi với cậu làm gì nữa. Tớ vừa tìm ra một hạt ngọc trai. - Lachmann thì thào. - Một hạt ngọc trai tuyệt bích. Nhưng lần này không có gã Mexico nào ngáng chân.
Melikov vẫy tay gọi tôi đến bên quầy rượu.
– Anh có điện thoại, Ross.
– Ai đấy?
– Natasha. - Melikov đáp.
Tôi nắm lấy ống nghe.
– Anh đang ẩn núp ở đâu đấy?
– Ở văn phòng của ông Silvers.
– Đừng nói xằng. Đang uống rượu với Melikov chứ gì?
– Đang nằm sóng sượt trước tấm ghế bành bọc nhung để van xin lòng đoái thương của em và tự phỉ nhổ số phận khốn nạn của mình. Anh hoàn toàn thành một xác chết rồi.
Natasha cười giòn tan.
– Về đi, anh Robert!
– Có phải mang theo dao búa không?
– Không cần đâu, anh chàng ngốc. Anh không nên để em ở lại đây một mình. Có thế thôi.
Tôi bước ra ngoài phố. Dãy phố sáng lấp lánh dưới ánh đèn đêm. Chiến tranh và mọi tai họa như ở đầu tít tắp xa. Dãy phố về khuya im lìm trong làn gió mát và những mộng mơ của nó. Tôi chưa bao giờ coi dãy phố này là đẹp cả, nhưng lúc này tôi bỗng thấy nó như hiện ra trong một câu chuyện thần thoại.
– Đêm hôm nay anh sẽ ở lại đây, - tôi nói với Natasha. - Anh không về khách sạn của anh đâu. Anh muốn khi ngủ và khi thức dậy được có em ở bên cạnh. Sau đó anh sẽ mang từ cửa hàng Anh em nhà Stern về cho em bánh mì, sữa và trứng. Đây sẽ là lần đầu tiên chúng ta thức dậy bên nhau. Anh nghĩ rằng, trong mọi chuyện va chạm giữa anh và em vừa rồi có một nguyên nhân: anh và em rất ít khi được ở bên nhau. Và thế là mỗi lần gặp nhau chúng ta lại buộc phải làm quen với nhau lại từ đầu.
Natasha vươn vai.
– Em thì luôn nghĩ rằng cuộc đời này dài lê thê đến phát sợ lên được và chính vì thế không nên lúc nào cũng ở bên nhau. Chán lắm.
Tôi buột miệng cười.
– Em nói có phần đúng đấy. Nhưng anh chưa buộc phải trải qua cái tâm trạng buồn chán ấy đâu. Bản thân số phận chó má của anh đã không cho phép anh chán nản… Anh có cảm giác như, - tôi tiếp tục mạch suy nghĩ của mình, - hai đứa chúng ta đang bay trên một quả khinh khí cầu. Không phải trên máy bay đâu mà là trên một quả khinh khí cầu lượn lờ rất êm ả, quả khinh khí cầu mà hai anh em Montgolfier đã phát kiến ra vào đầu thế kỉ mười chín. Chúng ta bay lên đến một độ cao mà ở đấy không còn nghe thấy gì nhưng lại nhìn rõ tất cả: những chiếc xe hơi nhỏ xíu như những món đồ chơi, những ngọn đèn đêm nhấp nhánh như chuỗi hạt cườm chăng khắp thành phố. Chúng ta phải cảm ơn Chúa trời lòng lành vô cùng: Chúa đã đặt ở nơi này một chiếc giường rộng đến thế và treo trên bức tường kia một tấm gương để khi em đi lại trong phòng, anh có được hai cô Natasha, một cô hiền dịu lặng lẽ không nói bao giờ.
– Với cái cô Natasha câm lặng kia thì mọi sự đơn giản hơn, phải không?
– Không.
Natasha quay ngoắt lại.
– Một lời đáp trung thực.
– Em rất đẹp, - tôi nói. - Thông thường, lúc đầu anh hay để ý xem những người đàn bà có cặp chân như thế nào, sau đó có phần hông ra sao, rồi cuối cùng mới để ý tới gương mặt của họ… Với em mọi điều diễn ra ngược lại. Thoạt đầu anh để ý tới gương mặt em, sau đó mới tới đôi chân và khi đã say mê em rồi anh mới để ý tới phần sau của em. Em nom rất cân đối, còn phía sau cũng có thể hơi phẳng một chút, như tất cả những cô người mẫu gầy giơ xương vì không kiếm đủ tiền xài. Điều này khiến anh rất lo.
– Nhưng rồi cũng đâu vào đấy phải không anh?
– Biết nói thế nào đây. Có nhiều cách nhìn nhận khác nhau. Điều kì lạ là anh cũng không để ý đến điều đó lâu đâu.
– Anh nói tiếp đi!
Nàng lười nhác nằm cuộn tròn trong chăn nom như một chú mèo. Nàng dùng một chiếc cọ lông nhỏ xíu bôi màu lên những móng tay, móng chân.
– Anh đừng động đến em bây giờ nhé, - nàng nói, - để sơn khô đã, kẻo chúng ta dính nhớp màu sơn cả. Anh nói tiếp đi!
– Anh luôn luôn nghĩ là mình sẽ không đủ sức đứng vững trước những người đàn bà da rám nắng, vì mùa hè suốt ngày họ dầm trong nước biển và phơi mình dưới ánh nắng. Còn em thì lại quá trắng, tựa như em chưa bao giờ nhìn thấy mặt trời. Ở em có nét gì đó của mặt trăng. Mắt em màu xám tro, mơ màng… Tất nhiên anh không nói tới bản tính mãnh liệt của em. Em là nữ thần Nymphe. Hiếm ai dễ lầm lạc như em. Em đang ở đâu giữa vòm trời nở rộ những chùm pháo hoa, những quả tên lửa, những phát súng đại bác… Tất cả lại đang diễn ra không hề có một chút thanh âm.
– Anh cứ nói nữa đi. Anh có muốn uống một chút gì không?
Tôi lắc đầu.
– Anh thường phân tích những cảm giác của mình bằng cặp mắt của người ngoài một chút. Anh tiếp thu các cảm giác ấy, nói thế nào nhỉ, không phải từ mặt chính diện, mà từ mặt nghiêng. Những cảm giác ấy không đổ ngập trong anh mà tựa như chúng lướt qua bên cạnh. Chính anh cũng không biết vì sao lại như thế nữa. Có thể là do anh sợ, mà cũng có thể là do anh không thể thoát khỏi một cái vòng lẩn quẩn. Nhưng với em mọi điều đã xảy ra khác hẳn. Với em anh chẳng phải suy nghĩ gì cả. Mọi cảm giác của anh tựa như những ô cửa được mở tung ra. Ân ái với em thật tuyệt vời và cũng rất tuyệt vời được ở bên em sau chuyện ấy… Như lúc này đây. Đối với nhiều người đàn bà khác, chuyện này là trường hợp hiếm, mà có khi họ cũng không đủ sức quyến rũ anh, làm cho anh thích nữa. Còn đối với em không biết giai đoạn nào tuyệt hơn giai đoạn nào: khi ân ái với em, có cảm giác như được bay lên đỉnh cao của vạn vật, còn khi nằm cạnh em trên giường trong sự yên ả hoàn toàn lại có cảm tưởng như đang tiếp tục ân ái với em…
– Móng tay, móng chân em sắp khô rồi, nhưng anh cứ nói đi…
Tôi nhìn sang gian phòng tranh tối tranh sáng kế bên.
– Thật sung sướng khi cảm thấy có em ngay ở bên cạnh và bỗng nghĩ rằng con người ta có thể bất tử được lắm chứ, - tôi nói. - Trong khoảnh khắc nào đó ta bỗng bắt đầu tin là khả năng bất tử rất có thể xảy ra. Và khi đó cả anh lẫn em cứ thả sức mà nói những lời chẳng đâu ra đâu, để cảm nhận ra mình giữa cái trạng thái lâng lâng, nửa thật nửa hư, để gần gụi nhau thêm, vượt qua cái khoảng trống dù sao vẫn còn nhận ra được, dù đấy là những lời nói của các bà hàng thịt hàng cá, của cánh tài xế, của đám lính tráng… Miễn sao tất cả giúp ta yêu nhau nồng nàn hơn, mãnh liệt hơn, cụ thể hơn…
Natasha vươn chân ra và ngắm nhìn những ngón chân vừa sơn. Sau đó nàng vùi mặt vào chiếc gối.
– Nhưng anh thân yêu ơi, sau khi em sơn móng tay móng chân, ta không nên ân ái đấy nhé.
– Không ai biết rõ hơn em và anh, hai kẻ lãng mạn. Đối với em mọi điều đều phải làm khác đi. Em không nên nói dối anh.
– Chính anh mới là người nói dối có nghề, - nàng nói bằng cái giọng đã bắt đầu ngái ngủ. - Em mong sao đêm nay anh không bỏ đi đâu…
– Có đi đâu thì cũng phải có em đi cùng.
– Thế nhé!
Vài phút sau nàng đã ngủ. Nàng thiếp đi rất nhanh. Tôi đắp chăn cho nàng và sau đó rất lâu, tôi cứ nằm chong chong, tai lắng nghe hơi thở của nàng, đầu óc nghĩ vẩn vơ đủ mọi thứ chuyện…
Bóng Tối Thiên Đường Bóng Tối Thiên Đường - Erich Maria Remarque Bóng Tối Thiên Đường