Chuyên nghiệp là biết cách làm, khi nào làm, và làm điều đó.

Frank Tyger

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Tô Hoàng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 325 / 27
Cập nhật: 2020-04-04 20:27:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 18
ahn đề nghị tôi cùng anh ta tham gia “một vụ trấn lột” một người tên là Hirsch để bảo vệ bác sĩ Gräfenheim. Theo Kahn cho biết, gã Hirsch kia đã vay ông bác sĩ một khoản tiền mà không chịu trả. Bác sĩ không hề có trong tay một tờ giấy biên nhận, thậm chí một bức thư mang nét chữ của gã Hirsch kia. Bác sĩ lại không có một xu trong túi nên cũng không thể nhờ vả giới luật sư được. Vì vậy Kahn phải ra tay.
Ngôi nhà của gã Hirsch ở tại phố 54. Kahn bấm chuông. Một người hầu ra mở cửa và đưa chúng tôi vào gian phòng với những đồ đạc của thời Louis XV.
– Ngài Hirsch ra bây giờ đấy ạ.
Gã Hirsch béo quay, tầm vóc trung bình, tuổi chừng năm mươi. Cùng vào phòng với gã là một con chó Đức. Kahn mỉm miệng cười.
– Lần cuối cùng tôi đã nhìn thấy giống chó này là tại một nhiệm sở của bọn Gestapo, thưa ông Hirsch. - Kahn nói. - Ở đó bọn chúng nuôi giống chó này để đi săn người.
– Yên lặng nào, Harro! - Gã Hirsch vỗ vỗ lên lưng con chó. - Các ông muốn nói chuyện với tôi sao? Nhưng sao các ông không báo trước là các ông tới đây không phải chỉ có một người? Tôi không có nhiều thời giờ đâu.
– Xin giới thiệu với ông ngài Ross đây. Tôi không giữ ông lâu đâu, thưa ông Hirsch. Chúng tôi tới thăm ông vì công việc có liên can tới bác sĩ Gräfenheim. Ông bác sĩ đang ốm, lại chả còn tiền nong gì cả. Ông ấy buộc phải ngừng công việc của mình tại trường đại học. Ông có quen bác sĩ chứ?
Hirsch không đáp mà vẫn tiếp tục vỗ vỗ lên lưng con chó đang gầm gừ dưới chân.
– Có nghĩa là ông có quen biết bác sĩ Gräfenheim, - Kahn nói. - Tôi chỉ không rõ ông có biết tôi hay không. Tôi là Kahn, mang bí danh Kahn-Gestapo. Tại Pháp tôi đã từng đánh lừa bọn Gestapo rất nhiều lần. Trong cái trò ú tim ấy không phải lúc nào cũng chỉ toàn những ngón dễ chịu đâu. Như vậy tôi xin nói thẳng với ông là con chó của ông khó mà làm tôi nổi da gà đấy. Mục đích chuyến viếng thăm của chúng tôi là thu góp tiền giúp bác sĩ Gräfenheim. Tôi nghĩ rằng ông có thể giúp bác sĩ trong việc này chứ? Ông định giúp bác sĩ bao nhiêu đây?
Hirsch không rời mắt khỏi Kahn.
– Mà vì sao tôi phải giúp ông ta cơ chứ?
– Với câu hỏi ấy có nhiều lời đáp, nhiều nguyên nhân. Một trong những lời đáp đó là sự thông cảm.
Hirsch ngồi im lặng rất lâu, mắt vẫn không rời khỏi Kahn. Sau đó gã móc từ trong túi áo ra một chiếc ví và trao cho Kahn hai tờ giấy bạc.
– Đây tôi giúp hai mươi đô la. Nhiều hơn thì tôi không thể đâu. Rất nhiều người đã tìm đến gặp tôi với mục đích quyên góp như thế này.
Tôi cứ nghĩ là Kahn sẽ ném hai tờ bạc vào mặt gã Hirsch, nhưng anh vẫn đút vào túi.
– Tuyệt, ông Hirsch ạ! - Kahn nói. - Ông còn phải trả thêm chín trăm tám mươi đô la nữa. Ông bác sĩ Gräfenheim không chịu nhận ít hơn số tiền ấy đâu.
– Ông cứ tha hồ mà nói đùa, nhưng tôi không có thời gian để…
– Ông có thời giờ để nghe tôi đấy, ông Hirsch ạ. Tôi biết ở gian bên cũng không có một vị luật sư nào ngồi ở đấy đâu. Còn bây giờ tôi xin phép kể cho ông nghe một câu chuyện mà chắc ông sẽ thích thú. Hiện tại ông vẫn chưa phải là công dân Mỹ, nhưng ông hi vọng sang năm sẽ đạt được điều này. Chính vì vậy những chuyện ngồi lê đôi mách là không có lợi cho ông. Hợp chủng quốc rất nguyên tắc về phương diện này. Tôi và ông bạn Ross, một nhà báo, xin cảnh báo trước cho ông những gì không hay.
– Hai ông không phản đối nếu tôi gọi cảnh sát chứ?
– Không mảy may. Họ đến đây chúng tôi sẽ nộp cho họ toàn bộ giấy tờ.
– Giấy tờ! Sự dọa dẫm ở nước Mỹ sẽ bị trị tội rất nghiêm. Cút xéo khỏi nơi đây ngay.
Kahn ngồi xuống một trong những chiếc ghế mạ vàng.
– Ông Hirsch ơi, ông cho là ông hành động thông minh lắm sao? Nhưng không phải như vậy đâu. Ông cần trả lại tiền cho bác sĩ Gräfenheim. Trong túi tôi có sẵn tờ giấy của các cơ quan phụ trách vấn đề người tị nạn với lời đề nghị không cho phép ông nhập quốc tịch Mỹ. Tờ giấy có chữ kí của hàng trăm người di tản. Tôi lại có một tờ giấy khác cũng không đồng ý để ông nhập quốc tịch Mỹ với lí do ông đã từng cộng tác với Gestapo khi còn ở Đức. Ngoài ra tôi còn một mảnh báo, cắt ra từ tờ nhật báo xuất bản ở Lyon, trong đó nói là tên Do Thái Hirsch trong lần khảo cung tại một nhiệm sở Gestapo đã cung khai hai nơi ở của hai người tị nạn khiến họ đã bị bắt và bị bắn chết. Ông không phản đối chứ, ông Hirsch? Có thể kẻ phạm những tội trạng đó không phải là ông, nhưng tôi vẫn xác nhận đó là ông.
– Cái gì?
– Đúng. Tôi sẽ xác nhận đó là ông. Ở đây mọi người đều biết tôi đã từng tham gia cuộc kháng chiến ở Pháp. Và người ta sẽ tin tôi hơn là tin ông.
Gã Hirsch nhìn Kahn như muốn nuốt chửng anh.
– Ông muốn tạo ra những chứng cứ giả chứ gì?
– Tôi dựa theo một nguyên tắc: có vay có trả. Lời dạy trong kinh Thánh đấy ông Hirsch ạ. Ông hại bác sĩ Gräfenheim thì đến lượt chúng tôi tiêu diệt ông. Vì thế ở đây chẳng quan trọng gì mà phải phân biệt đâu là thật đâu là giả cả. Tôi đã nói với ông là tôi đã từng sống dưới sự răn dạy của bọn Quốc xã và thế là tôi đã học được điều gì đó.
– Cảnh sát ở Mỹ…
– Chúng tôi cũng đã nghĩ tới việc này, - Kahn ngắt ngang lời gã, - và sự hiểu biết của chúng tôi cũng không đến nỗi tồi. Chúng tôi không cần cảnh sát làm gì. Để đối phó với ông, số giấy tờ hiện nằm trong túi tôi là quá đủ rồi. Ông không nhất thiết phải vào nhà tù đâu. Chúng tôi sẽ đưa ông tới trại tập trung dành cho người nước ngoài là đủ rồi.
Gã Hirsch sờ vào chiếc cổ dề của con chó.
– Tôi không để tiền ở nhà…
– Thế thì trao cho chúng tôi ngân phiếu vậy.
Đột nhiên gã Hirsch thả con chó ra.
– Harro! Đi! - Gã quát lên với con chó và mở cửa.
Con chó chạy vụt ra ngoài, gã đóng cửa lại.
– Thế là phải đấy, - Kahn nói.
– Tôi không trao cho các ông ngân phiếu đâu! - Gã Hirsch tuyên bố. - Chính các ông cũng đã hiểu lí do vì sao rồi.
Tôi nhìn gã chăm chú. Thoạt đầu tôi không tin rằng gã sẽ đầu hàng nhanh chóng đến thế đâu. Có lẽ Kahn đã đúng. Nỗi sợ hãi khủng khiếp cộng với những cảm giác phạm tội đã khiến gã không tự tin vào mình.
– Ngày mai tôi sẽ đến thăm ông một lần nữa, - Kahn nói.
– Còn các thứ giấy tờ ông giữ thì sao?
– Tôi sẽ hủy ngay trước mặt ông.
– Tôi chỉ trao cho ông tiền khi ông trao cho tôi các giấy tờ đó.
Kahn lắc đầu.
– Không thể được, ông biết còn ai khác có thể làm chứng chống lại ông không?
– Ai dám bảo đảm là ông có mấy thứ giấy tờ đó thật?
– Tôi bảo đảm. - Kahn gằn giọng. - Như vậy là quá đủ cho ông rồi chứ?
Gã Hirsch im lặng hồi lâu. Cuối cùng gã đành nói:
– Được. Giờ này ngày mai.
Chỉ chờ có thế, Kahn liền đứng dậy khỏi ghế. Hirsch đứng đó, gục gặc đầu. Bất ngờ gã thì thào, toàn thân toát đầy mồ hôi:
– Con trai tôi đang bị bệnh. Nó là đứa con trai duy nhất của tôi. Vậy mà các ông lại… Các ông phải cảm thấy xấu hổ! Tình trạng của nó đang nguy kịch. Còn các ông…! - Gã bất thần hét toáng lên.
– Tôi hy vọng con trai ông sớm khỏe lại. - Kahn nói nhỏ. - Bác sĩ Gräfenheim có thể khám cho nó, ông ấy là bác sĩ giỏi nhất mà.
– Anh muốn tới một nơi nào đó thật yên tĩnh, - tôi nói với Natasha. - Ra ngoại thành và đến một cái hồ nào đó, ở đấy sẽ không đầm đìa mồ hôi như thế này.
– Em không có xe. Hay là ta gọi điện cho Fraser?
– Không đời nào.
– Hoàn toàn không nhất thiết phải để anh ta đi cùng đâu. Chúng ta chỉ mượn xe của anh ta thôi.
– Dù sao cũng không nên. Tốt nhất là đi xe điện ngầm hoặc xe ô tô buýt.
– Đi đâu?
– Chính thế đấy: đi đâu đây? Ở thành phố này, như anh thấy, mùa hè dân số như tăng lên gấp đôi.
– Ở khắp mọi nơi là cái nóng đến không thể chịu được. Tội nghiệp Robert của em!
Tôi bực bội quay ngoắt đi. Đây là lần thứ hai trong ngày hôm nay tôi bị gọi là “tội nghiệp”.
– Liệu có nên tới Cloisters, nơi trưng bày thảm da thú không? Anh chưa bao giờ được thấy thảm da thú cả. Em đã thấy chưa?
– Em cũng chưa thấy. Nhưng buổi chiều thì bảo tàng đóng cửa. Và người ta cũng không cho người lưu vong vào đâu.
– Đôi lúc anh thấy chán phèo cái thân phận của một anh dân lưu vong rồi. - Tôi nói, lòng càng cảm thấy bực bội hơn. - Ví như suốt ngày hôm nay anh luôn được nhắc nhở mình là người lưu vong. Thoạt đầu là Silvers, sau đó là Kahn. Em nghĩ sao, làm cách nào để chỉ còn là một con người thôi?
– Khi nào con người ta không nghĩ đến gốc gác, huyết thống nữa, họ sẽ chỉ còn là con người thôi, Robert thân yêu ạ. Thậm chí ngay cả tình yêu cứ dính dáng vào chuyện gốc gác, huyết thống cũng có thể dẫn đến thảm kịch đấy.
– Trong trường hợp người ta tiếp nhận tình yêu không giống như em và anh.
– Thế em và anh đã tiếp nhận tình yêu như thế nào nào?
– Trên phương diện tổng thể chứ không phải từng bộ phận.
– Cụ thể hơn nữa xem sao anh? - Natasha nói.
– Ví như tình yêu ấy là cả một đại dương nói chung, chứ không phải một con sóng riêng lẻ. Thế em nghĩ ra sao? Hay không nghĩ gì cả?
– Em ấy à? - Trong giọng nói của nàng dễ nhận ra sự ngạc nhiên trước một câu hỏi mà nàng không chuẩn bị lời đáp.
– Ừ, em ấy. Và cả số bạn bè đông vô thiên lủng của em nữa.
Nàng lặng ngắt một lúc, sau đó nàng nói:
– Cũng nghĩ như anh thôi. Anh Robert này, liệu một ly nhỏ vodka có giết chết em không?
– Không sao đâu, thậm chí ngay cả lúc nóng bức như thế này.
Melikov hôm nay trực nhật. Tôi bảo ông ta đưa cho một chai vodka và hai cái ly.
– Trước khi anh và em cãi nhau, chúng ta cần nghĩ xem nên đi đâu bây giờ, - tôi nói. - Có cãi nhau tốt hơn cả là nên tìm đến một nơi mát mẻ, chứ không nên ở nơi nóng bức, ngột ngạt như thế này. Thôi anh cũng chẳng cần ra ngoại ô hay đến một cái hồ nào làm gì. Bây giờ anh có tiền rồi. Ông Silvers đã trả tiền anh dẫn bà Whymper tới.
– Bao nhiêu cơ?
– Hai trăm năm mươi đô la.
– Tên keo kiệt. Phải năm trăm mới đáng.
– Thôi chẳng cần quan tâm đến điều đó làm gì. Ông ta giải thích là lí ra ông ta không phải trả anh đồng nào vì ông ta đã quen biết bà Whymper từ lâu rồi. Đây mới là điểm trêu gan chọc tức anh, chứ không phải là hai trăm rưỡi hay năm trăm. Số tiền ông ta trao có thể chấp nhận được. Nhưng anh hết sức giận vì tựa như lão Silvers tặng anh quà, chứ không phải trả tiền cho công sức của anh.
Natasha đặt ly rượu xuống.
– Anh lúc nào cũng căm ghét kiểu tặng quà đó sao?
– Anh không biết nữa, - tôi ngạc nhiên nói. - Có lẽ không phải lúc nào cũng như vậy. Mà tại sao em lại hỏi thế?
Nàng nhìn tôi chăm chú.
– Em có cảm tưởng là mấy tuần lễ trước đây anh không xử sự như vậy.
– Em nghĩ thế sao? Có thể lắm. Anh không có khiếu hài hước. Có thể mọi chuyện là nằm ở điểm này.
– Khiếu hài hước anh có thừa. Nhưng hôm nay cái khiếu ấy đã thay đổi rồi đấy.
– Ai mà đủ sức lực để giữ nụ cười trong cái oi nóng như thế này?
– Fraser, - Natasha trả lời không nghĩ ngợi. - Trong bất cứ thời tiết nào anh ta cũng có thể cười cợt, châm chọc được.
Biết bao ý nghĩ quay cuồng trong đầu tôi, nhưng tôi không thể nói ra cái điều muốn nói. Thay cho điều đó, tôi bình thản nhận xét:
– Anh rất thích anh ta. Đúng, em nói đúng, nụ cười thường trực ở anh ta. Trong buổi tối hôm ở nhà hàng Lüchow’s, anh ta đã là người rất niềm nở, lịch sự.
– Cho em thêm nửa ly nữa, - Natasha nói, miệng mủm mỉm cười nhìn tôi.
Tôi lặng lẽ rót cho nàng nửa ly.
Nàng đứng lên, vuốt bờ vai tôi hỏi:
– Anh định đi đâu bây giờ?
– Anh không thể đưa em về phòng anh, ở đấy đông người quá.
– Thế đưa em tới một nhà hàng nào mát mẻ vậy.
– Được thôi. Nhưng đừng đến Ông Hoàng Biển Cả nữa. Ta đến một nhà hàng của người Pháp tại Đại lộ số Ba.
– Nhưng ở đấy mọi thứ đều đắt cả.
– Không đắt với người trong túi có hai trăm năm mươi đô la. Dù là quà tặng hay gì đi nữa, số tiền này vẫn là của anh.
Ánh mắt Natasha trở nên dịu dàng.
– Nói hay lắm, anh thân yêu. Mặc kệ mấy thứ triết lý đạo đức!
Tôi gật đầu. Tôi cảm thấy như mình đang trốn chạy khỏi vô số những mối hiểm họa khác.
Khi chúng tôi rời khỏi nhà hàng, vòm trời xanh lét những tia chớp. Những cơn gió cuốn theo bụi đất và những mảnh giấy vụn bay mù mịt.
– Bắt đầu rồi, - tôi nói. - Phải kêu tắc xi nhanh lên thôi.
– Để làm gì anh? Vào tắc xi lại toát mồ hôi thôi. Tốt nhất là ta đi bộ.
– Nhưng sẽ ướt mất. Em không có áo mưa, cũng không có dù. Trời đổ mưa bây giờ đấy.
– Càng mưa, càng ướt càng hay. Tối hôm nay em cũng đang định gội đầu.
– Em sẽ ướt như chuột lột, Natasha ạ.
– Tấm áo em đang mặc bằng vải nilon, thậm chí không bao giờ phải ủi cả.
Chúng tôi đứng nép mình cạnh bức tường của những tòa nhà. Lúc này những tia chớp lóe lên không ngớt giữa khoảng trống của các ngôi nhà chọc trời: có cảm giác như chớp phóng lên từ những cái ống ngầm đặt dưới lòng đất. Và sau đó mưa bắt đầu đổ xuống. Những hạt mưa khá nặng rơi trên mặt đường nhựa. Thoạt đầu chúng tôi còn nhìn thấy những hạt mưa, sau đó chỉ cảm nhận ra có mưa thôi.
Natasha ngửa mặt đón mưa, miệng nàng he hé mở, mắt nheo nheo.
– Giữ chặt em nhé! - Nàng kêu lên.
Gió mỗi lúc một mạnh thêm, trong giây lát phố xá đã vắng tanh. Chỉ ở dưới các vòm cổng là nhận ra những người đứng trú mưa. Chốc chốc lại có một ai đó, cong gập người chạy men theo các bức tường dưới những làn mưa mau hạt. Mưa điểm nhịp trên mặt đường và phố xá bỗng biến thành một dòng sông trắng.
– Ôi, - Natasha bỗng kêu váng. - Hóa ra anh mặc bộ com lê mới.
– Em nhận ra hơi muộn, - tôi nói.
– Em chỉ nghĩ về mình thôi. Còn em chẳng có thứ gì mới cả. - Natasha hất ngược chiếc áo lên đến tận bắp đùi nom rõ cái quần lót màu trắng. Nàng không có vớ, còn đôi giày gót cao của nàng cũng đã ướt sũng nước. - Còn anh thì khác. Liệu bộ com lê bị ướt có làm sao không? Hay là lại phí cả một mớ tiền?
– Cũng quá muộn rồi, - tôi nói. - Anh sẽ hong khô và ủi lại. Kệ nó em ạ. Chúng ta cứ hãy sung sướng vì cái thời tiết dữ dội này đã. Này, ta đến tắm ở cái vòi phun trước cửa khách sạn Plaza đi.
Natasha cười, đẩy tôi vào dưới một chiếc cổng nhà.
– Dù sao cũng phải cứu lấy lần vải lót và lớp nỉ đã. Không thể để hỏng cả bộ com lê của anh được. Chao, mưa thế này quả là chưa bao giờ thấy. Ấy thế mà lại diện com lê mới đi chơi mưa đây. Thôi cứ đứng dưới vòm cổng như thế này cũng đủ lí thú rồi. Anh nhìn kìa, chớp mới khiếp làm sao! Lạnh rồi đấy. Mà gió mới khiếp chứ.
“Nàng vừa thực tiễn lại vừa hồn nhiên biết bao”, - tôi hôn lên gương mặt nhỏ bé, ấm áp của nàng, thầm nghĩ. Chúng tôi đang ở giữa những quầy kính của hai cửa hàng: một quầy bày bán những tấm chằng bụng chằng mông dành cho những người đàn bà có tuổi, cửa hàng kia bày bán các loại thú rừng. Ở cửa hàng thứ hai có một chiếc bể cá vàng với những chú cá màu sắc sặc sỡ đang ngoe nguẩy bơi lội. Ngày xưa tôi cũng nuôi cá và biết được khá nhiều chủng loại cá khác nhau. Một thứ cảm xúc hết sức đặc biệt bỗng nảy sinh trong tôi: trong làn ánh sáng mờ ảo tôi như thấy hiển hiện tuổi thơ ấu của mình, cái thế giới mà nhờ một phép mầu nào đó mọi vật không hề biết tới năm tháng, tuổi tác, không hề bị hủy hoại, không tắm trong máu đỏ và nước mắt.
Tôi ôm Natasha trong vòng tay mà cảm nhận hơi nóng của thân thể nàng, đồng thời cũng lại cảm nhận được một phần của “cái tôi” của một thời rất xa, ở đâu đó rất xa. “Cái tôi” đó đang cúi xuống một vòi phun nước đã bị hỏng, từ lâu rồi không còn tung ra những tia nước trắng lấp lánh dưới ánh nắng nữa. Tôi cúi xuống cái vòi nước ấy và lắng nghe âm điệu của một quá khứ xa xăm…
– Anh sẽ nói gì, nếu em sẽ có phần eo như thế kia? - Nàng hỏi.
Tôi quay lại. Natasha đang nhìn quầy kính bên trong bày bán những tấm nịt chằng.
– Em có phần eo tuyệt đẹp, - tôi nói, - em sẽ không bao giờ phải mang những tấm chằng kia đâu.
– Thế thì hay quá. Mưa hình như tạnh rồi. Ta đi thôi anh!
Tôi chợt nghĩ có lẽ không có gì xuẩn ngốc hơn khi quay lại quá khứ, khi nhìn vào cái bể nuôi cá.
– Anh nhìn kìa, những chú khỉ. - Natasha bỗng reo lên khi nhìn qua cái quầy kính, nhận ra một cái lồng lớn có gác những cành cây. Trong lồng là những chú khỉ đuôi dài không giây phút nào chịu đứng yên một chỗ. - Chúng là những kẻ lưu vong thật sự đấy! Dân lưu vong bị giam giữ trong lồng! Thực ra thì các anh cũng chưa bị dồn đến tình cảnh thế này đâu. - Natasha nói.
– Chả lẽ lại đúng như vậy sao? - Tôi hỏi.
Natasha ngước nhìn tôi.
– Em có biết gì về anh đâu! - Nàng nói. - Và em cũng không muốn biết nữa. Mỗi một người đều có những vấn đề của mình, có lịch sử của mình… Người khác ngó dòm vào chỉ càng buồn thêm thôi. - Nàng lại đưa mắt nhìn chăm chắm những tấm chằng bày trong tủ kính. - Buồn đến phát khóc lên được. Thời gian trôi đi mới nhanh làm sao! Chẳng bao lâu nữa em cũng sẽ mặc vừa khít tấm chằng kia. Và em sẽ ghi tên gia nhập câu lạc bộ dành cho các bà già. Đôi khi em thức giấc, mồ hôi ướt đầm người vì sợ hãi. Anh có như vậy không?
– Anh cũng thế.
– Thật sao? Nhìn anh, em không thấy điều ấy.
– Nhìn em cũng vậy, Natasha ạ.
– Thôi ta hãy giành lấy ở cuộc đời này càng nhiều thứ càng tốt anh nhé!
– Chúng ta sẽ hành động như vậy!
– Cũng vẫn chưa đủ đâu. - Nàng ép chặt vào tôi và tôi cảm nhận được cơ thể nàng suốt từ chân tới đầu. Tấm áo nàng đang mặc trên người như tấm áo tắm. Tóc nàng cuộn lại thành từng mớ sũng ướt, gương mặt nàng nhợt nhạt.
– Vài ngày nữa em sẽ có một căn hộ mới, - nàng nói thì thầm, - lúc ấy anh có thể đến với em, chúng ta sẽ không phải ẩn náu tại các khách sạn, các quán rượu nữa. - Natasha mỉm cười. - Và trong căn hộ của em sẽ có máy điều hòa nhiệt độ.
– Em được cấp hộ mới sao?
– Không. Đó là căn hộ của bạn em.
– Của Fraser sao? - Tôi hỏi và hàng nghìn những mắc mớ thật khó chịu lại cuộn lên trong đầu tôi.
– Không, không phải của Fraser, - Natasha lại cất tiếng cười. - Không khi nào em lại biến anh thành loài tầm gửi một lần nữa đâu, nếu điều đó không cần thiết vì hạnh phúc của chúng ta.
– Thì anh cũng đã trở thành phường tầm gửi rồi, - tôi nói. - Anh đang buộc phải nhảy múa trên những sợi dây đạo đức trong đôi ủng của loài heo. Thật không khó gì đoán ra anh thường bị trượt ngã. Làm một người lưu vong đứng đắn, nghiêm chỉnh quả là một việc cực kì khó em ạ.
– Trong trường hợp như vậy, thà làm người lưu vong không đứng đắn, nghiêm chỉnh có lẽ hơn, - Natasha nói vậy và đi lên trước tôi.
Trời về khuya se lạnh. Giữa những đám mây ở đâu đó xa thẳm, le lói những vì sao. Những vệt sáng từ những chiếc đèn pha ô tô hắt lên mặt đường ẩm ướt tạo nên cảm giác tựa như những chiếc xe đang lướt đi trên những tảng băng đen.
– Em có dáng vẻ đỏng đảnh nom rất tức cười, - tôi nói với Natasha. - Đi với em anh thấy mình như một người của những thế kỉ sau vừa từ bãi tắm trở về với một cô gái là thần dân của sao Hỏa. Tại sao cho đến tận bây giờ những nhà tạo mốt không nghĩ ra một kiểu áo như em đang khoác trên người lúc này nhỉ?
– Họ cũng đã nghĩ ra rồi đấy chứ, - Natasha nói, - có điều anh chưa nhìn thấy đó thôi. Cứ chờ đến khi anh vào mấy gian phòng khiêu vũ của quán cà phê Society.
– Anh cùng vừa nghĩ tới chuyện đó, - tôi nói và đẩy nhẹ nàng vào một ô cửa tối mò. Từ nàng thoảng bay mùi mưa đêm, mùi rượu vang, mùi tỏi.
Khi chúng tôi về tới nhà nàng, cơn mưa đã tạnh hẳn. Trên con đường ngược trở lại tôi đi bộ. Thỉnh thoảng lại có một chiếc tắc xi vè vè bám theo tôi, mời tôi lên. Ấy thế mà trước đây một giờ đồng hồ trên phố xá chẳng có bóng một chiếc xe nào. Tôi hít sâu vào lồng ngực làn khí trời mát mẻ như uống một thứ rượu vang tuyệt diệu và tôi nhớ lại ngày vừa qua. Tôi cảm thấy ở một nơi nào đó đang ẩn náu những mối tai họa. Mối tai họa kia không đe dọa tôi từ bên ngoài mà nằm ngay trong chính bản thân tôi. Tôi lo sợ rằng tôi đã vô tình bước qua cái ranh giới tai họa kia và lạc vào một vùng đất lạ, được điều hành bởi những thế lực mà tôi không thấu hiểu nổi. Hiện tại thì tôi chưa rõ những nguyên nhân của mối tai họa kia. Nhưng dẫu sao, tuân theo số phận, tôi cũng đã bước vào cái trận đồ bát quái, ở đó tồn tại những giá trị hoàn toàn khác mà tôi chưa từng biết tới. Nhiều điều mới cách đây chưa bao lâu tôi còn thờ ơ, lãnh đạm, bây giờ đột nhiên bỗng trở nên có giá. Trước kia tôi tự coi mình như một người xa lạ, bây giờ tôi bỗng như một phần máu thịt ở nơi đây. “Điều gì đã xảy ra với mình thế? - Tôi tự hỏi mình. - Có gì đâu, mình đã yêu.” Tôi cũng biết rằng ngay một kẻ xa lạ cũng vẫn có thể yêu đương say đắm, thậm chí yêu cái đối tượng không thích hợp với anh ta lắm. Anh ta yêu chỉ vì anh ta cảm thấy nhu cầu cần phải yêu và cũng chẳng quan trọng đấy là yêu ai. Nhưng tôi lại cũng biết là trên con đường này một nỗi hiểm họa đang bám riết lấy tôi: bất ngờ tôi có thể rơi vào một cái bẫy và đánh mất đi định hướng của mình.
Bóng Tối Thiên Đường Bóng Tối Thiên Đường - Erich Maria Remarque Bóng Tối Thiên Đường