Always read something that will make you look good if you die in the middle of it.

P.J. O'Rourke

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Tô Hoàng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 325 / 27
Cập nhật: 2020-04-04 20:27:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15
ào buổi sáng hôm sau khi tôi báo tin cho ông Silvers là bà Whymper sẽ tới thăm, ông Silvers tỏ ra rất xem thường cái tin tôi mới báo.
– Whymper? Bà Whymper này muốn gì? Bao giờ thì bà ta tới? Năm giờ chiều à? Tôi không biết lúc đó tôi còn ở nhà hay không nữa?
Nhưng tôi thừa biết con cá sấu lười nhác này còn có việc gì khác ngoài việc ngồi nhấp rượu whisky và đợi khách hàng tới.
– Thôi được rồi, - tôi nói, - ta sẽ khất bà ta đến khi nào ông rỗi rãi hãy hay.
– Mà thôi cũng được. Anh cứ mời bà già của anh tới đây, cứ mời tới đây! - Silvers hạ giọng làm lành. - Thà tôi tự giải khuây với những việc vớ vẩn như thế còn hay hơn.
Thật tuyệt! - Tôi thầm nghĩ. - Như thế là mình có cơ hội để đến xem lại bức tượng đồng ở cửa hàng bán đấu giá sau bữa ăn trưa, khi ở đó đã thưa người.
Buổi trưa tôi đến cửa hàng bán đấu giá và yêu cầu người ta cho tôi xem bức tượng đồng. Trong mấy gian cửa hàng khách không đông vì những thứ hàng bán ra như hôm trước không còn nữa. Những gian nhà rộng mênh mông chứa đầy đồ gỗ và các dụng cụ gia đình thuộc thế kỉ XVI, XVII tựa như đang thiu thiu ngủ. Tôi đứng bên khung cửa sổ trong một gian hàng với bức tượng đồng trong tay. Phía sau lưng tôi là gian hàng hầu như trống trơn chỉ còn lại ba thứ đồ lổng chổng phủ đầy bụi bặm. Với một sự xao động thoáng nhẹ, tôi đưa mắt nhìn ra ngoài phố, nơi ấy vào bất cứ giây phút nào, Natasha cũng có thể bất thình lình xuất hiện. Tôi bỗng cảm thấy chẳng còn gắn bó gì với ông Silvers, chẳng còn gắn bó gì với cả biển người ngoài phố kia nữa. Tôi hiểu rằng nỗi xôn xao cồn cào trong lòng tôi lúc này đã gắn liền với Natasha. Chính vào lúc ấy tôi nhận ra mình không chỉ cần sống sót mà còn cần đạt tới một điều gì lớn lao hơn thế nữa.
Tôi đặt bức tượng đồng lại chỗ cũ.
– Đây là thứ đồ rởm thôi, - tôi nói với ông già vừa mang bức tượng đến cho tôi xem. Nhưng tôi nhận ra ngay lời nói của tôi chẳng mảy may khiến ông già bận tâm.
Bức tượng, không còn nghi ngờ gì nữa, quả là thứ tượng thời cổ xưa, nhưng do trạng thái xôn xao trong tôi lúc ấy khiến tôi không thể không thốt lên một lời nhận xét nào đó.
Tôi tìm tới nhà bà Whymper. Bà ta sống trên Đại lộ số Năm. Tôi đến đúng hẹn nhưng xem ra bà ta chẳng có vẻ gì nôn nóng, vội vã cả. Các bức tranh trong nhà bà Whymper hóa ra cũng không nhiều. Tất cả chỉ có mấy bức của Romney và Ruisdael.
– Tôi hi vọng sẽ được mời anh rượu Martini chứ? - Bà ta hỏi.
Tôi nhận ra trên bàn ngay trước mặt bà ta có một chiếc bình lớn chứa thứ nước trắng nom giống như rượu vodka.
– Martini pha lẫn rượu vodka thưa bà? - Tôi hỏi.
– Martini pha lẫn với vodka à? Tôi chưa uống như thế bao giờ. John, - bà Whymper nói với người hầu vừa bước vào, - trong nhà còn vodka chứ?
– Còn, thưa bà.
– Thế thì hãy pha Martini với rượu vodka hầu ngài Ross đây. Pha cả cho tôi nữa, anh John. Tôi muốn thử xem sao.
Uống xong tuần rượu, bà Whymper đứng lên bấm chuông.
– Xe đã chuẩn bị chưa, anh John?
– Dạ rồi ạ, thưa bà.
– Tốt! Thế thì ta đi tới nhà ngài Silvers thôi.
Chúng tôi ra khỏi nhà và ngồi vào một chiếc xe Cadillac màu đen, khá to. Tôi chợt nhận ra về khoản xe cộ bao giờ tôi cũng gặp may: hôm nay đi Rolls-Royce, mai đi Cadillac. Tôi còn để ý thấy trong chiếc xe này cũng có một hòm rượu dự trữ như trong chiếc xe Rolls-Royce. Tôi đã tưởng bà Whymper lại sẵn sàng mở nút chai, nhưng thay cho việc ấy bà ta nói chuyện với tôi về nước Pháp và Paris với thứ tiếng Pháp nhận rõ âm điệu Mỹ. Tôi liền chuyển sang nói tiếng Pháp ngay bởi lẽ điều này chỉ cho tôi thêm ưu thế vì tôi biết với thứ tiếng Pháp này tôi đã có uy tín như thế nào đối với Silvers.
Tôi hiểu rằng Silvers muốn xua tôi đi ngay để khoe khoang tài cán của ông ta, nhưng bà Whymper lại không chịu buông tha tôi ngay. Cuối cùng tôi đành nói rằng tôi đi pha rượu và bằng cách ấy tôi mới giải thoát nổi tình cảnh trớ trêu của mình. Tôi xuống bếp lục tìm vodka và pha đúng thứ rượu mà khi còn ở chỗ bà Whymper tôi đã cùng bà ta uống. Cô hầu gái mang rượu lên nhà và thế là tôi có cớ vắng mặt khi ông Silvers tiếp bà khách.
Khi cô hầu gái quay trở lại, tôi đi sang gian nhà kho làm nghĩa vụ của mình. Hóa ra là Silvers đã tự mình vào đây trước tôi để mang cho bà Whymper vài bức tranh nhỏ của Renoir. Điều này khiến tôi hết sức ngạc nhiên. Xưa nay Silvers ưa sai tôi mang tranh ra và ông chỉ giới thiệu với khách sau khi tôi đã thực thi nghĩa vụ của mình.
Một lúc sau Silvers xuống bếp tìm tôi.
– Anh không lên uống phần rượu của anh à? Lên nhà với chúng tôi!
Bà Whymper đã uống cạn cốc rượu của bà.
– Ôi, anh ta đây! - Bà ta reo lên. - Anh luôn luôn là người bội ước như vậy sao? Hay là anh sợ chính kiểu pha rượu do anh bày đặt?
Bà ta ngồi thẳng lưng, hệt như một con búp bê, chỉ có điều hai cánh tay bà ta không mềm mại và đáng yêu như ở con búp bê mà khô khốc, cứng cỏi.
– Anh nghĩ sao về bức tranh này của Renoir? - Bà ta hỏi tôi.
Đấy là một bức tĩnh vật về hoa, dưới ghi dòng năm tháng bức tranh ra đời: 1880.
– Một tuyệt tác, - tôi nói. - Bà sẽ khó tìm được bức tranh nào khác có thể sánh với nó.
Bà Whymper gật đầu tán thưởng.
– Chúng ta uống thêm một chút nữa nhé? Trong những ngày như hôm nay tôi luôn luôn bị chứng đau đầu hành tội. Bệnh viêm dây thần kinh sinh ba mà. Thật đáng sợ. Bác sĩ nói là thứ duy nhất có thể trợ giúp cho tôi là hãy uống một chút. Rượu sẽ làm dãn rộng các mạch máu. Vì sức khỏe còn điều gì mà ta nỡ chối từ nữa.
– Tôi rất hiểu, - tôi nói, - tôi cũng mắc chứng thần kinh mất vài năm. Đây quả là một thứ bệnh rất khó chịu.
Bà Whymper nhìn tôi với ánh mắt nồng ấm tựa như tôi vừa mới ngợi khen bà. Tôi quay xuống bếp tìm thêm rượu vodka.
Chúng tôi tiễn bà Whymper ra đến tận đường. Cứ nhìn bà không ai đoán nổi bà ta vừa uống nhiều đến như vậy. Tôi đưa bà vào xe. Tuy thời tiết rất nóng bức vẫn cảm nhận được buổi chiều đang dịch tới. Lá xào xạc trên ngọn cây. Bầu không khí đặc quánh giữa các ngôi nhà có phần mát hơn một chút.
Tôi quay vào nhà.
– Tại sao anh không nói ngay với tôi đấy là bà Whymper? - Silvers làm như vô tình hỏi tôi. - Tất nhiên là tôi khá biết rõ bà ta.
Tôi đứng sững lại.
– Thì tôi chả nói với ông điều đó là gì, - tôi cãi lại.
Silvers phẩy tay.
– Họ Whymper thì ở đâu chẳng gặp. Anh không nói với tôi đấy là bà André Whymper anh rõ chưa? Tôi quen biết bà ta đã lâu rồi. Thôi bây giờ thì điều đó cũng chẳng quan trọng gì.
Tôi hơi bối rối.
– Tôi mong là ông không giận tôi chứ? - Tôi nói đầy mỉa mai.
– Anh làm gì mà để tôi bực giận, - Silvers cải chính. - Cuối cùng thì bà ta cũng đã mua một thứ gì đó. - Silvers vẫy tay như muốn xua ruồi. - Nhưng cũng chưa có gì bảo đảm chắc chắn đâu. Những bà già như thế này mua một bức tranh có khi lấy đi trả lại đến cả chục lần. Và có khi rồi đem trả lại không mua nữa đấy. Kinh doanh quả không phải là một trò đùa như anh vẫn thường nói. - Silvers há miệng ngáp. - Thôi cứ coi là tạm xong. Thời tiết nóng nực này rất mệt mỏi. Xin chào anh. Anh nhớ mang những bức tranh còn lại cất vào kho nhé.
Tôi đứng tại chỗ nhìn hút theo ông ta. “Thật là phường lừa đảo”, tôi nghĩ, “lão ta muốn nuốt trôi khoản tiền dắt mối lão phải trả cho tôi với cái cớ tôi đưa đến cho lão không phải là một vị khách hàng mới mẻ, mà là một người lão đã quen biết từ lâu rồi.”
– Rolls-Royce! - Tôi chạy ngoặt theo góc phố, miệng kêu to. Chiếc xe đậu sát vỉa hè, anh lái ngồi sau vô lăng. Thật hạnh phúc biết bao! Tôi chỉ vừa mới nghĩ xem tối hôm nay tôi sẽ đưa Natasha đi đâu chơi đây và tôi không thể nghĩ ra sẽ đưa nàng đi đâu. Khắp mọi nơi đều nồng nực, bức bối. Hóa ra chính chiếc Rolls-Royce đã giúp tôi lối thoát. - Hóa ra những sự phiêu lưu liều lĩnh luôn bám gót anh. - Tôi nói. - Hôm nay em mượn xe được hết cả tối cho tới giờ tan rạp hát chứ?
– Còn lâu hơn nữa, - Natasha nói. - Cho đến tận nửa đêm. Lúc ấy chiếc xe cần phải đỗ trước hộp đêm El Morocco.
– Em cũng phải có mặt ở đó sao?
– Cả hai chúng ta.
– Bà Whymper có chiếc Cadillac, - tôi nói. - Có thể bà ấy có cả xe Rolls-Royce cũng nên. Thế nào, em lại tìm thêm một khách hàng nữa cho ông Silvers sao?
– Đến khách sạn sẽ biết. Công chuyện với bà Whymper kết cục ra sao?
– Rất êm ả. Bà ấy mua một tác phẩm rất tuyệt của Renoir. Bức tranh rất phù hợp với phong cách ngôi nhà búp bê của bà ta.
– Nhà búp bê. - Natasha nhắc lại và rũ ra cười. - Con búp bê ấy, tưởng chừng như hiền lành và ngu ngốc lắm đấy, dường như chỉ biết chớp mắt kinh ngạc và mỉm cười, nhưng trong thực tế con búp bê ấy lại là người đứng đầu của hai công ty lớn. Ở đó bà ta không chớp mắt kinh ngạc đâu mà nắm lấy quyền điều hành của mình.
– Chả lẽ là như vậy sao?
– Anh sẽ còn thấy nhiều điều kì diệu khi anh tiếp xúc với người Mỹ đấy.
– Người Mỹ thì có liên can gì tới anh? Chính em là điều kì diệu nhất của anh, Natasha ạ!
Tôi thực sửng sốt khi nhìn thấy gương mặt nàng bỗng đỏ lựng đến tận chân tóc.
– Chính em là một điều kì diệu ư? - Nàng lẩm nhẩm trong miệng. - Có lẽ em cần phải phái anh đến với những người đàn bà như bà Whymper thường xuyên hơn nữa. Anh sẽ trở về với những kết quả đến sửng sốt cho mà xem.
Tôi nhếch mép cười.
– Ta đi đến Hudson đi. - Natasha đề nghị. - Thoạt đầu đến bến tàu, ở đó có những chiếc tàu đi biển, sau đó ta đi dọc theo Hudson đến cầu George Washington và đi tiếp dọc theo bờ sông, chừng nào còn chưa gặp một quán ăn như ý. Sao hôm nay em muốn ghé vào một quán rượu nhỏ, ngồi dưới ánh trăng hay đi tàu thủy trên sông đến thế.
Nàng áp sát vào người tôi. Tôi cảm nhận trên gương mặt mình những sợi tóc và làn da mát rượi của nàng. Có cảm tưởng như làn da ấy chả bao giờ nóng cả ngay vào những ngày như thế này.
– Anh đã từng là một nhà báo giỏi đúng không? - Nàng hỏi.
– Thường thôi!
– Thế bây giờ anh không muốn viết nữa sao?
– Viết cho ai đọc? Anh nắm tiếng Anh chưa thật tốt. Thêm vào đó cũng đã lâu rồi anh không thể viết được nữa.
– Có nghĩa anh giống như người nghệ sĩ chơi đàn dương cầm mà không có đàn chớ gì?
– Cũng có thể nói như vậy. Người bảo vệ vô danh của em có để chút thức uống gì trong xe không đấy?
– Bây giờ ta kiểm tra xem. Anh không thích nói về mình phải không?
– Không thích lắm!
– Em hiểu. Cả về cái công việc mà anh đang phải chịu đựng hiện nay nữa?
– Người chào bán các tác phẩm nghệ thuật và là một chú bé con trong việc hầu hạ kẻ khác.
Natasha mở chỗ cất rượu.
– Anh nhìn xem, chúng ta hệt như những con ma, - nàng nói, - những con ma quái dị của quá khứ. Liệu có khi nào mọi điều xảy ra khác đi không? Ô, rượu vodka Ba Lan! Chả hiểu chủ nhân của chiếc xe này nghĩ gì trong đầu. Nước Ba Lan bây giờ còn đâu nữa.
– Đúng thế. - Tôi khẳng định với nỗi đắng cay. - Ba Lan như một quốc gia độc lập thì không còn nữa. Nhưng rượu vodka Ba Lan thì vẫn sống. Em thử nói xem ta nên khóc hay nên cười với kết luận này?
– Thôi uống đi anh thân yêu.
Nàng tìm được hai chiếc cốc nhỏ và rót rượu vào. Vodka thật ngon và lại rất lạnh nữa. Hộc đựng rượu hóa ra còn là một chiếc tủ lạnh.
– Hai con ma trong chiếc Rolls-Royce, - tôi nhận xét, - uống vodka ướp lạnh. Chúc em sức khỏe, Natasha!
– Anh có thể phục vụ trong quân đội được không, - nàng hỏi, - nếu giả thử anh thích?
– Không. Không ai cần tới anh cả. Ở đây anh là một người nước ngoài không ai cần và anh cũng cần phải lấy đó làm sung sướng bởi lẽ người ta không lùa anh vào trại tập trung dành cho những người không rõ lai lịch. Anh sống theo bản năng của loài chim, nhưng điều này cũng đã từng xảy ra với anh ở châu Âu rồi. Ở đây vẫn là thiên đường. Nếu có thể nói thêm thì là một thiên đường mờ mịt, tách rời khỏi tất cả những gì có ý nghĩa trên thế giới. Điều này đặc biệt đối với anh. Nêu có thể nói thêm nữa, nơi đây là một thiên đường nhất thời, ở đó có thể tạm trú đông. Một thứ thiên đường ngoài ý muốn. A, Natasha! Thôi chúng mình hãy nói chuyện về những gì mà chúng ta còn có đi. Về những đêm đen, về những vì tinh tú, về những tia sáng của cuộc đời còn leo lét cháy trong mỗi chúng ta và không chỉ rọi sáng những tháng ngày đã qua. Em nhìn kìa, mặt trăng! Những chuyến tàu thủy chở khách đã biến thành phương tiện vận tải quân sự. Còn chúng ta thì đang đứng bên hàng lan can ngăn cách cái thiên đường này với lịch sử của toàn thế giới và chúng ta buộc phải khoanh tay bất lực, vô vọng ngóng chờ để đọc trên báo những tin tức về thắng lợi, mất mát, về các xứ sở đang bị bom đạn phá hủy. Rồi chúng ta lại chờ, lại một lần nữa thức dậy vào mỗi buổi sớm mai, để rồi uống cà phê, nói chuyện với ông Silvers và bà Whymper, trong lúc đó thì biển máu trên thế gian này mỗi ngày tăng lên một xăng-ti-mét. Em đã đúng, khi em nói là cuộc sống của chúng ta ở nơi đây là cuộc diễu hành thảm hại của những bóng ma.
Chúng tôi nhìn ra cầu tàu. Nơi ấy hầu như không còn bóng người, nhưng trong luồng ánh sáng xanh của hoàng hôn cũng còn nhận ra vài chiếc tàu màu thép sáng đang đậu trên bến không còn đèn lửa gì cả. Chúng tôi lại ngồi vào xe.
– Dần dà thì những mộng tưởng cổ lỗ, ngốc nghếch của em cũng bay hơi thôi, - Natasha thốt lên, - và cả cái tính đa sầu đa cảm của em nữa. Tha lỗi cho em, có lẽ em đã làm cho anh chán rồi.
– Chán à? Sao em lại có những ý nghĩ kì lạ như vậy? Có lẽ em cần phải tha thứ cho anh vì những gì nhảm nhí, bậy bạ mà anh đã nói với em. Chỉ một điều đó cũng đủ chứng minh anh là một tên nhà báo kém cỏi! Em nhìn kìa, mặt nước mới mơ màng làm sao! Và chứa đầy ánh trăng!
– Bây giờ chúng ta đi đâu, thưa bà? - Anh lái xe hỏi.
– Đến cầu George Washington. Có điều anh cho xe chạy chậm thôi.
Có một lúc cả hai chúng tôi đều im lặng. Tôi tự nguyền rủa mình vì sự ngốc nghếch không biết làm cách nào để giữ mạch chuyện tiếp tục được. Tôi đã xử sự hệt như anh chàng trong hộp đêm El Morocco đã than khóc cay đắng vì nước Pháp, cho dù sự than khóc kia hoàn toàn chân thành. Nhưng anh ta không hiểu rằng không nên biểu lộ ra trước mặt mọi người nỗi đau khác niềm vui ra sao bởi lẽ điều đó chỉ gây ra ấn tượng tức cười thôi. Tôi gắng sức để thoát ra khỏi ngõ cụt này.
Ngay lúc đó đột nhiên Natasha quay sang phía tôi. Cặp mắt nàng long lanh.
– Thật tuyệt vời biết bao, anh xem kìa! Dòng sông và những chiếc sà lan nho nhỏ, còn xa tít đằng kia là cây cầu.
Nàng đã quên từ lâu rồi câu chuyện trao đổi giữa hai chúng tôi. Tôi cũng đã nhiều lần để ý thấy điều này: nàng phản ứng rất nhanh với mọi chuyện nhưng lại cũng quên đi rất nhanh những chuyện đó. Cái đặc tính ấy rất cần đối với tôi một kẻ nhớ rất lâu những chuyện buồn thảm, khổ đau và quên đi rất nhanh những gì vui vẻ, mãn nguyện.
– Anh rất yêu em, - tôi thốt lên, - anh nói lên điều này ở nơi đây vào thời khắc mặt trăng đã mọc cao, bên cạnh một dòng sông đang chảy về biển mà trên mặt nước của nó phản ánh hàng trăm ngàn những mảnh trăng bị đập vỡ. Anh yêu em tha thiết. Anh sẵn sàng lập lại câu nói quen thuộc của mọi người rằng chiếc cầu Washington như một chuỗi hạt quý tô điểm cho vùng Hudson bất an. Anh chỉ mong sao để chiếc cầu kia thực sự trở thành chuỗi hạt quý, còn anh thì trở thành ngài Rockefeller hay hoàng đế Napoleon IV, hoặc kém cỏi nhất cũng là người đứng đầu hãng Cleef và Arpels. Theo em ý nguyện này trẻ con lắm không?
– Sao lại trẻ con? Anh sao thế, lúc nào cũng cố thận trọng gìn giữ hay sao? Hay thực ra anh không biết là cánh đàn bà thường lại rất thích cái tính trẻ con đó?
– Anh đã nhút nhát tự trong máu và mỗi lần trước khi nói một điều gì đó anh thường phải lên dây cót tinh thần. - Tôi đáp lại và ôm hôn nàng. - Anh muốn học lái xe, - tôi nói. - Anh có thể học ngay lúc này. Và ta có thể thả anh chàng tài xế ở một quán bar nào đó. Ngồi sau tay lái xe Rolls-Royce lúc đó chúng ta sẽ như đang ở Madrid, với một quý bà cứ lẽo đẽo theo sau, chỉ có điều lúc này đang có một người ở trước mặt chúng ta.
Natasha cười rất vui.
– Anh ta không làm phiền chúng ta đâu. Anh ta không biết tiếng Đức, còn tiếng Pháp cũng không biết lấy một chữ cắn đôi, ngoài một tiếng ma đam.
– Có nghĩa là anh ta không làm phiền gì chúng ta cả, phải không? - Tôi hỏi lại.
Nàng im lặng trong giây lát.
– Anh thân yêu, đây là tai họa của một thành phố lớn đấy, - nàng nói khẽ. - Ở đây hầu như không nên chỉ có hai người vào bất cứ thời điểm nào.
– Thế thì lúc nào những đứa trẻ ra đời?
– Chỉ mình Chúa mới biết được điều đó mà thôi!
Tôi gõ vào tấm kính ngăn giữa chúng tôi và người lái xe.
– Anh có thể cho xe đỗ lại gần vườn hoa nhỏ kia được không? - Tôi hỏi và chìa tờ năm đô la cho anh ta. - Anh có thể đi đâu đấy ăn tối. Sau một tiếng nữa thì quay lại đón chúng tôi.
– Xin chấp hành, thưa sếp.
Chúng tôi rời khỏi xe.
– Có thể đi dạo chơi dọc bờ sông một lát em ạ, - tôi nói.
– Đi dạo à? Em làm sao mà đi dạo được trong đôi giày như thế này?
Tôi nhảy khựng ra giữa đường, tay khua khua như một chiếc cối xay gió. Trong làn ánh sáng đèn điện không thật tỏ lắm trên đường phố, tôi đã nhận ra bộ phận tản nhiệt dài thượt của chiếc Rolls-Royce. Trên bờ sông này loại xe như vậy không phải là nhiều. Có thể đó chính là anh lái xe của chúng tôi đã quay trở lại cũng nên. Đúng như vậy. Đôi mắt Natasha ánh lên vẻ cười cợt không kìm nén nổi.
– Ta có thể ăn ở đâu bây giờ đây, anh tài? - Nàng hỏi.
– Món thịt rán thì ở khắp mọi nơi quanh đây đều không thể nuốt trôi được, - anh tài xế nói. - Hay ta tới quán Blue Ribbon? Ở đấy mát mẻ, còn món thịt bò hầm thì tuyệt rồi.
– Thịt bò hầm à? - Tôi nói.
– Thịt bò hầm, - anh ta nhắc lại, - món nhất hạng đấy!
Nhưng chúng tôi lại đến nhà hàng Ông Hoàng Biển Cả. Ở đó chúng tôi gặp Kahn. Anh là người khách duy nhất.
Bóng Tối Thiên Đường Bóng Tối Thiên Đường - Erich Maria Remarque Bóng Tối Thiên Đường