Reading well is one of the great pleasures that solitude can afford you.

Harold Bloom

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Tô Hoàng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 325 / 27
Cập nhật: 2020-04-04 20:27:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
ấy tiếng thiêu xác tự dưng cứ làm tôi mỗi lúc một thêm bực bội. Tôi biết rằng các cơ quan phụ trách việc chôn cất không có lò thiêu xác riêng của họ. Lò thiêu xác chỉ có tại các trại tập trung bên Đức mà thôi. Ý nghĩ này cứ dai dẳng bám riết trong đầu tôi, ong ong như tiếng vo ve của một đàn ruồi đang bay hỗn loạn. Tôi cảm thấy hết sức nặng nề, khó chịu khi phải sống lại những đoạn hồi ức xa xưa, bởi vì tôi đã thề với mình rằng sau lễ cầu hồn, nếu còn phải tiếp tục đưa người quá cố đến tận nơi hỏa táng, tôi sẽ khước từ không đi. Không, tôi không khước từ nổi vì tôi không tìm ra được lí do gì để giải thích với mọi người.
Có ai vừa nói gì với tôi, nhưng tôi không để tâm tới. Tôi muốn ói mửa vì sự ngột ngạt và vì mùi thơm găn gắt của những vòng hoa. Tôi nhận ra Vriesländer, Rabinowitz. Đám tang vỏn vẹn chỉ có chừng hai mươi hoặc ba mươi người. Một nửa trong bọn họ tôi chưa hề quen biết, nhưng cứ xét theo bề ngoài của họ, đa phần họ là các nhà văn, các nghệ sĩ. Hai chị em Koller, Kahn và Carmen cũng có mặt ở đây. Lễ cầu hồn may sao, kết thúc khá chóng vánh.
Chúng tôi bước ra đường phố. Người đi bên cạnh tôi hóa ra là ông già Vriesländer. Tôi thầm nghĩ có nên lợi dụng lúc này bày tỏ lòng cảm ơn vì ông ta đã cho tôi mượn tiền không đây?
– Ta đi thôi, - ông già nói, - tôi có xe riêng.
– Đi đâu ạ? - Tôi hỏi trong cơn hoảng hốt.
– Đi đến chị Betty. Chị ấy sẽ cho ta uống và ăn chút gì.
– Đã đến giờ tôi phải đi làm rồi, - tôi nói.
– Ồ, lúc này đang giờ nghỉ ăn trưa. Anh có thể ở đó một chốc lát thôi cũng được. Chỉ cần để chị ấy nhận ra anh đã tới. Chị ấy sẽ xúc động lắm. Bao giờ chả vậy. Anh quá hiểu tính khí chị Betty rồi. Nào đi thôi.
Cùng đi với chúng tôi tới nhà chị Betty có Kahn, Rabinowitz, hai chị em Koller và Carmen.
– Đây là cơ hội duy nhất để chúng ta làm chị Betty tin rằng chúng ta không vĩnh biệt anh Moller. - Rabinowitz nhận xét. - Chúng ta đã nói là sau lễ cầu hồn, chúng ta sẽ đến với chị ấy. Chị Betty rất tự hào vì tài tháo vát của một bà nội trợ của mình. Chị ấy đã dậy từ sáu giờ sáng để chuẩn bị tất cả. Chúng tôi đã khuyên chị ấy làm cho món xa lát và những thứ đồ nguội. Thời tiết nóng nực như thế này những món như vậy thích hợp hơn.
Chị Betty ra đón chúng tôi. Hai chị em Koller liền lao ngay vào bếp với chị Betty. Chiếc bàn đã được phủ khăn ăn. Sự bận rộn, xăng xái nơi đây có điều gì đó khiến ta đâm mủi lòng.
– Những cuộc họp mặt sau đám tang như thế này có tự thời xa xưa, - Rabinowitz nói, - những phong tục hết sức cổ…
Say sưa, Rabinowitz giảng giải về những phong tục và thói quen đã nảy sinh từ buổi ban mai của nhân loại.
Kĩ lưỡng, tỉ mẫn quá - tôi lắng nghe Rabinowitz nói một cách lơ là, trong đầu thầm nghĩ, và tôi cố tìm cách làm sao rút lui khỏi nơi đây mà không ai để ý thấy. Chị em Koller đã bước ra với những đĩa thức ăn trên tay: cá mòi bỏ lò, gan xào… Những chiếc đĩa được phân phát cho mọi người. Tôi để ý thấy trong số khách đã có mặt ở nhà chị Betty trước khi chúng tôi tới, có một anh chàng đã xoắn xuýt lấy một trong hai chị em Koller. Như thế đấy, cuộc sống vẫn tiếp tục dòng chảy của mình. Cái cuộc sống ấy có thể là hết sức khủng khiếp mà cũng có thể là hết sức tuyệt vời, điều này phụ thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người. Thôi thì cứ coi là cuộc đời này tuyệt vời đi!
Suốt buổi chiều tiếp theo đó tôi lắng nghe Silvers giảng dạy.
– Thói khoe mẽ và ghen tị là những kẻ đồng minh ta còn chưa đánh giá hết nằm trong bản tính của các gã buôn đồ cổ, - ông chủ giảng giải. - Một bức tranh dù chỉ một lần thôi đã được trưng bày tại viện bảo tàng Louvre hoặc Metropolitan, giá trị của nó sẽ tăng lên rất nhiều. Người mua tác phẩm nghệ thuật hiểu rất rõ nhà triệu phú cụ thể nào thích bức tranh nào và cứ thế họ tăng giá lên…
– Trong thực tế có những vị giàu có yêu thích những tác phẩm hội họa thật sự hay sao?
– Ý anh muốn nói tới các nhà sưu tầm chân chính chứ gì? Những người như vậy cứ chết dần chết mòn đi. Bây giờ người ta sưu tầm tranh để đầu tư tiền bạc vào đó hoặc để khoe khoang sự giàu có đối với thiên hạ.
– Thế sao trước kia không như vậy?
Silvers nhìn tôi giễu cợt.
– Vào thời buổi yên hàn, mọi điều diễn ra một cách khác. Vào thời điểm ấy sự am tường nghệ thuật thật sự có thể được hình thành dần dà trong suốt cuộc đời của một hai thế hệ. Sau mỗi cuộc chiến tranh liền xảy ra sự phân định lại quyền sở hữu: có kẻ khuynh gia, có kẻ phất lên. Những nhà sưu tập xưa kia trở thành kẻ quét sơn, đánh vôi hồ. Bọn giàu xổi mới nổi trở thành các nhà sưu tập, sưu tập tuyệt nhiên không vì tình yêu không gì cưỡng nổi đối với nghệ thuật đâu. Bao giờ thì bọn buôn nhà đất và bọn sản xuất súng đạn kia mới có được tình yêu ấy? Nó chỉ xuất hiện khi họ đã trở thành các nhà triệu phú, vì bà vợ họ ghen tị nhà mình không có tranh Monet, còn ông triệu phú kia có một loạt tranh của nhà danh họa. Thật đáng thương sao những bức tranh vô giá. Chúng bỗng bị mua đi bán lại hệt như những tên nô lệ.
Silvers hào hứng, hùng hồn và không nhận ra tôi không quan tâm nhiều đến những điều ông ta đang rao giảng. Thật không cố ý nhưng đầu óc tôi lại trở về với buổi lễ tang Moller. Khi tôi rời khỏi nhà chị Betty, đột nhiên Carmen bỗng tru lên: “Ông Moller tội nghiệp! Bây giờ thì ông ta đã hóa thành tro trong lò hỏa thiêu rồi!” Tiếng kêu của Carmen vừa như khía vào lòng dạ tôi lại vừa khiến tôi suýt phì cười. Suốt buổi sáng hôm nay ý nghĩ về việc thiêu xác cứ âm ỉ trong tôi như cơn đau răng. Tôi đã được chứng kiến cảnh thiêu xác như thế nào rồi. Tôi hiểu rõ gương mặt, mớ tóc, cặp mắt của người chết trong ngọn lửa ra sao…
Silvers vẫn thao thao bất tận. Tôi bỗng phát ghen tị với ông ta vì sự hiểu biết và nhất là vì niềm say mê cái công việc mà ông ta đang thực thi.
Đang ngồi trong góc phòng tôi bỗng nhận ra chiếc xe Rolls-Royce đã có lần đậu trước khách sạn nơi tôi ở. Tôi nhảy vội ra đường mong gặp Natasha Petrovna.
– Anh ấy kìa rồi, - Natasha reo lên, - phải đổ vodka cho anh ấy liền. Hay lúc này trời quá nóng nực, không nên…
– Tôi cần phải học cách pha chế thứ nước uống “xe tam mã Nga” mới được, - tôi nói. - Mùa hè ở New York hệt như trong một cái bếp lò sưởi khổng lồ. Ở Paris hoàn toàn khác cơ.
– Hôm nay tôi lại đóng vai trò của một kẻ phiêu lưu đây! - Natasha nói. - Tôi có quyền sử dụng chiếc Rolls-Royce và anh tài cho tới mười một giờ. Anh có muốn phiêu lưu với tôi lần nữa không?
Nàng nhìn tôi với ánh mắt mời mọc. Còn tôi thì nghĩ mình đã tiêu sạch tiền rồi.
– Đi đâu cơ? - Tôi hỏi.
Nàng cất tiếng cười.
– Không đến nhà hàng Longchamps nữa đâu. Ta ra Công viên Trung tâm ăn món hamburger.
– Và uống Coca-Cola.
– Uống bia để xót thương thứ tình cảm châu Âu của anh.
– Tốt.
– Natasha muốn kéo tôi đi theo cô ấy, - Melikov nói xen vào, - nhưng tôi lại muốn mời hai người tới nhà Raoul.
– Đến để dự lễ hỏa thiêu hay vì một lễ lạt gì tưng bừng, vui vẻ? - Natasha hỏi.
– Để bàn chút công chuyện. Raoul muốn thuê nhà và cưới John. Tôi cần phải khuyên ngăn anh ta. Ông sếp của tôi ra lệnh như vậy.
– Sếp nào cơ? - Tôi hỏi.
– Ông chủ khách sạn ta ở ấy.
– Cái ông sếp bí mật kia là ai vậy? Tôi đã gặp ông ta lần nào chưa nhỉ?
– Cô chưa gặp đâu, - Melikov đáp cụt lủn.
– Bố láo cái nhà ông này! - Natasha bực bội.
– Cô không nên nói như vậy. Natasha không nên nói như vậy. Đấy là những lời lẽ không hay ho gì.
– Tôi biết lão ta, - Natasha nói. - Tôi sống ở đấy mà. Lão mập ú, phục phịch, mặc bộ com lê ngắn tùn. Lão muốn ngủ với tôi mà.
– Natasha! - Melikov nói như quát.
– Thôi được, tôi sẽ chiều theo ý ông. Ta nói chuyện khác vậy. Nhưng quả là lão ta muốn ngủ với tôi mà.
– Ai mà chả muốn điều đó, Natasha? - Melikov lại mỉm cười.
– Nhưng luôn luôn không phải là người tôi cần đến, ông Melikov ạ. Thật là cay đắng! Rót cho tôi thêm chút vodka nữa.
Nàng quay sang tôi.
– Rượu vodka ở đây thật ngon bởi vì ông chủ của ông Melikov ngoài nhiều việc khác ra, còn là chủ nhà máy nước nữa. Chính vì thế rượu vodka ở đây rẻ hơn ở nơi khác. Nó còn rẻ nữa đối với riêng tôi bởi lẽ ông chủ vẫn chưa từ bỏ ý muốn được ngủ với tôi. Lão ta có sự kiên nhẫn thật đặc biệt. Sức mạnh của lão ta là ở chỗ đó.
– Natasha! - Melikov kêu to.
– Thôi đủ rồi, ta đi thôi. Hay anh còn muốn uống thêm chút rượu của lão bố láo đó? - Nàng hỏi tôi.
Tôi lắc đầu.
– Tôi thích uống rượu vodka trong xe Rolls-Royce! - Melikov tuyên bố.
– Tốt nhất là hãy uống ở đây, - Natasha nói. - Trong xe nếu xảy ra chuyện gì đã có sẵn một chai rượu Đan Mạch. Hình như tối hôm qua ông chủ của chiếc xe đi chơi với mèo.
Chúng tôi bước ra ngoài phố. Anh tài đứng hút thuốc bên xe.
– Ngài có muốn tự lái lấy không, thưa sếp? - Anh ta hỏi tôi.
– Lái chiếc Rolls-Royce này ấy à? Không, tôi không chơi liều đâu. Tôi lái dở lắm. Ngoài ra tôi lại không có quyền được cầm lái.
– Thật tuyệt! Không có gì ngán hơn một anh chàng lái xe nghiệp dư. - Natasha nói.
Tôi nhìn nàng. Có cảm tưởng là nàng sợ sự buồn chán hơn mọi thứ trên đời này. Tôi yêu Natasha. Nàng là hiện thân của niềm tự tin vào bản thân mình. Chính vì thế rõ ràng là nàng ưa thích những cuộc phiêu lưu mạo hiểm, trong khi tôi căm ghét chúng, từ rất lâu rồi sự phiêu lưu mạo hiểm đã là thứ bánh mì hằng ngày của tôi. Thứ bánh mì khô, rắn. Khô rắn và nghiệt ngã như những chiếc cùm.
– Đúng là cô muốn tới Công viên Trung tâm sao?
– Mà sao lại không cơ chứ? Quán nhậu ở đấy cũng đã mở cửa. Có thể ngồi ngoài trời và ngắm những con sư tử biển đùa giỡn. Trong lúc đó những chú hổ còn đang ngủ. Nhưng những chú bồ câu thì lại sà thấp sát bàn ăn. Thậm chí những chú sóc chạy ra tận đường xe. Còn nơi nào có thể gần thiên đường hơn thế nữa?
– Cô nghĩ anh xế tài hoa của chiếc Rolls-Royce sẽ hài lòng nếu trong bữa trưa ta mời anh ấy ăn hamburger và uống nước khoáng? Bia hoặc rượu thì có lẽ không nên mời anh ta rồi!
– Anh hiểu rất nhiều chuyện đấy. Anh ấy uống như một chú gấu. Có điều là không phải hôm nay vì sau đó anh ta phải chở người chủ của chiếc xe này đi xem hát. Còn hamburger thuộc sở thích của anh ta. Và cả của tôi nữa.
Yên ắng quá. Ngoài chúng tôi ra, ngoài hàng hiên còn vài ba người khách nữa. Ánh chiều tà vương vấn trên các tán cây. Những con gấu nâu đã sắp đi ngủ. Chỉ riêng những con gấu trắng vẫn mê mải bơi lội trong những chiếc bể bơi nho nhỏ của chúng. Anh tài xế của chiếc Rolls-Royce ngồi riêng ra một góc đã ăn hết sạch ba chiếc hamburger khá lớn có rưới nước xốt cà chua với dưa chuột muối cùng một cốc cà phê đen.
– Thật tiếc không thể dạo chơi ở đây ban đêm được. - Natasha nói. - Sau chừng một tiếng đồng hồ nữa nếu còn ở đây là một việc cực nguy hiểm. Khi những con thú bốn chân thiếp ngủ là lúc những con thú hai chân thức dậy. Hôm nay anh ở đâu đấy? Ở chỗ con thú bán tranh à?
– Phải. Lấy tranh của Degas ra, lão chủ giảng giải cho tôi ý nghĩa của cuộc đời. Cuộc đời của lão, đương nhiên, chứ không phải là cuộc đời của Degas đâu.
– Thật kì lạ. Từ khắp mọi nguồn chúng ta nhận được rất nhiều lời khuyên bảo, đúng thế không nào?
– Cô cũng nhận được những lời khuyên bảo cơ à?
– Cũng thế thôi. Mỗi một người đều muốn dạy dỗ tôi. Và mỗi một người đều biết mọi điều thông tỏ, giỏi giang hơn tôi. Nghe những lời khuyên như vậy cứ nghĩ là hạnh phúc đã đầy ắp trong từng ngôi nhà. Nhưng thực ra lại không phải như vậy. Con người ta quả là những bậc thầy trong việc bảo ban, dạy dỗ người khác.
Tôi nhìn nàng:
– Tôi cứ nghĩ là cô không cần tới những lời khuyên bảo cơ đấy!
– Tôi cần đến khôn cùng. Nhưng những lời khuyên kia đối với tôi lại thật vô bổ. Tôi làm mọi điều khác hẳn người ta đã khuyên tôi. Tôi không muốn trở thành người bất hạnh thế nhưng tôi lại là người bất hạnh. Tôi không muốn trở thành người cô đơn thế nhưng tôi lại là người cô đơn. Anh sẽ cười nhạo tôi cho mà xem. Anh nghĩ rằng tôi có nhiều bạn bè quen biết? Đúng là như vậy, lại cũng chẳng phải là như thế.
Nàng đưa cặp mắt xinh đẹp mơ màng ngắm nhìn buổi chiều tà đang sẫm đặc lại trên khuôn viên trong tiếng kêu cuối cùng của bầy thú. Tôi lắng nghe những điều lảm nhảm trẻ con của nàng cùng với cái cảm giác mà buổi sáng nay tôi đã nghe Silvers nói. Cuộc sống của nàng là điều gì không hiểu nổi và hoàn toàn xa cách đối với cuộc sống của tôi, nàng cũng chịu sự chi phối của những dục vọng bình thường và những nỗi đau thương chân thành. Nàng cũng hoàn toàn không thể nào hiểu rằng hạnh phúc đó không phải là một trạng thái ổn định mà chỉ là những gợn sóng trên mặt nước. Và không phải nàng, không phải những người như nàng đêm đêm quằn quại, vật vã với nghĩa vụ báo thù, với niềm hoài nghi vào sự vô can của bản thân, vào sự sa lầy của chính mình trong tội ác, vào cái dàn nhạc của những tiếng kêu khóc, thét lác đang quấy quả kí ức của chúng ta. Có thể ghen tị với hạnh phúc và sự thành đạt của những người ở xung quanh tôi, ghen tị với thói vô liêm sỉ một cách trắng trợn, những lời nói ba hoa rỗng tuếch, những thất bại chả đau đớn gì mà vì chúng họ phải trả giá bằng tiền bạc hoặc tình yêu. Bọn họ làm tôi nhớ tới bầy chim vườn địa đàng líu lo ca hát trong một thế kỉ khác. Ôi, sao tôi muốn được làm một con chim địa đàng như vậy và để rồi được cùng họ líu lo ca hát!
– Đôi khi con người ta đánh mất đi lòng dũng cảm, - Natasha nói, - và đôi khi cứ có cảm tưởng là con người ta cũng đã quen đi với cả nỗi tuyệt vọng nữa. Nhưng thực ra không phải như vậy. Mỗi một lần họ chịu một nỗi đau lớn hơn. Nỗi đau lớn đến độ khủng khiếp. Có cảm tưởng là mỗi một lần vết bỏng của họ càng đau rát hơn. Và càng ngày nỗi đau càng diễn ra một cách chậm rãi hơn. - Natasha đưa tay lên đỡ lấy đầu. - Tôi không muốn bị bỏng rát thêm nữa.
– Thế cô làm cách nào để lẩn tránh tai họa đó? - Tôi hỏi. - Vào tu viện chăng?
Nàng khoát tay làm một cử chỉ thiếu cương quyết.
– Không thể lẩn tránh chính mình được đâu.
– Không, có thể chứ. Nhưng chỉ đạt được một lần trong cả cuộc đời mà thôi. Con đường để thoát chạy về phía sau cũng không có đâu. - Tôi nói và nghĩ tới Moller, nghĩ tới cái đêm nóng nực ở New York một mình một bóng anh treo cổ lên cái cọc cây đèn chùm trong bộ com lê đẹp nhất mà anh có được, nhưng không cần đến cà vạt. Có lẽ anh đã nghĩ là đeo cà vạt vào, cái chết đến chậm chạp và sẽ hành hạ anh nhiều hơn. Tôi không tin vào điều này. Có ranh giới gì đâu? Mọi điều như nhau cả thôi khi người khách trên tàu mong muốn mau chóng đến nơi cần đến bằng cách tất tả chạy ngược chạy xuôi trên hành lang của chính con tàu kia!
– Vài ngày trước cô nói với tôi là cô cảm thấy bất hạnh, sau đấy chính cô lại phủ nhận những lời nói đó. Mọi điều ở cô thay đổi nhanh biết bao! Thế tức thị cô là con người rất hạnh phúc đấy!
– Không đơn giản như vậy đâu. Có thực là anh ngây thơ đến như vậy không? Hay đơn giản ra là anh chỉ muốn chế nhạo tôi thôi?
– Không đơn giản như vậy à? - Tôi nhắc lại lời nàng vừa nói. - Tôi không học đòi thói xấu nhạo báng người khác đâu. Và tôi cũng không tin vào tất cả mọi điều người ta nói với tôi. Nhiều điều như thế đã bị thổi phồng hoặc bóp méo đi.
Natasha nhìn tôi đầy hoài nghi.
– Anh thật hết sức lạ lùng, - nàng nói, - phán xét y hệt như một ông cụ. Anh hãy nói xem có bao giờ anh muốn trở thành một mục sư không?
Tôi cười.
– Chưa bao giờ.
– Thế mà đôi khi anh gây cho tôi cảm tưởng anh là một ông mục sư đấy. Tại sao anh không nhạo báng người khác? Anh quá nghiêm chỉnh. Thấy rõ là anh không có được chất hài hước. Ôi, những con người Đức này…
Tôi lắc đầu.
– Cô nói đúng đấy. Người Đức chúng tôi không hiểu sự hài hước là gì. Đúng như thế đấy.
– Thế các anh lấy gì thay cho sự hài hước này?
– Sự hí hửng độc địa. Gần với điều mà cô đặt tên cho là sự hài hước đấy, tôi muốn nói tới cái ý muốn nhạo báng, cười giễu người khác.
Trong thoáng lát nàng trở nên bối rối.
– Thật trúng đích, thưa giáo sư! Anh sâu sắc biết bao!
– Như một người Đức chính cống, - tôi cười.
– Còn tôi là một kẻ bất hạnh. Tâm hồn tôi trống rỗng biết bao! Tôi chỉ là một kẻ đa sầu đa cảm thôi. Và luôn luôn bị bỏng rát. Anh có hiểu tôi nói gì không?
– Tôi hiểu.
– Điều này có xảy ra với người Đức các anh không?
– Có xảy ra chứ. Trước kia.
– Cũng xảy ra với các anh à?
Một người hầu bàn vừa bước lại với chúng tôi.
– Anh tài xin hỏi, anh ấy có thể gọi một suất kem sôcôla được không ạ?
– Hai suất, - tôi nói.
– Cần phải rút ra nhiều điều từ anh. - Natasha nói vội vã. - Chúng ta có thể nói chuyện với nhau một cách thông minh nhất, phải không? Anh cũng là một kẻ bất hạnh chứ?
– Tôi không biết. Bất hạnh, đó là một khái niệm không rõ ràng.
Nàng nhìn tôi phân vân. Trời đã sập tối. Đôi mắt nàng nom càng long lanh hơn.
– Có nghĩa là không có chuyện gì để nói với anh nữa, - nàng bỗng nói như hát. - Cả hai chúng ta đều như cá nằm trên thớt.
– Đúng thế đấy, - tôi khẳng định, - chúng ta chẳng có gì để bảo ban, trao đổi với nhau đâu. Cả hai chúng ta đều bị bỏng và cả hai đều phải thận trọng đến tội nghiệp.
Người hầu bàn mang tích kê thanh toán ra.
– Hình như đã đến giờ quán đóng cửa rồi, - Natasha nói.
Trong một khoảnh khắc nào đó tôi lại cảm nhận ra nỗi sợ hãi vốn khá quen thuộc với tôi. Tôi không muốn chỉ còn lại đơn độc một mình. Tôi sợ hãi vì Natasha sắp rời khỏi tôi.
– Cô vẫn còn được làm chủ chiếc xe đến khi chủ nhân của nó xem xong vở kịch chứ? - Tôi hỏi.
– Vâng. Anh muốn ta lái xe đi đâu đó à?
– Đúng như vậy đấy.
Chúng tôi đứng lên. Dãy hành lang và khuôn viên đã vắng ngắt bóng người. Bóng tối như chiếc khăn đen bao phủ các tàn cây. Có cảm giác từa tựa như ta đang đứng giữa cánh đồng làng, nơi mà dưới hồ bơi những con sư tử biển vẫn ì oạp đùa nước. Những con thú khác trở mình trong chuồng hệt như trâu bò cọ mình vào máng cỏ.
Nàng nắm tay tôi. “Bây giờ chẳng việc gì mà sợ hãi nữa, chúng ta không đơn thương độc mã đâu!” Tôi thầm nghĩ và cảm thấy nàng ở bên cạnh. Tôi cảm thấy ngượng ngùng vì ý nghĩ ấy vừa vụt qua đầu. Ngay lập tức tôi tự trấn an, nàng không khỏe hơn ta đâu, nàng như cánh hoa trước cơn gió mạnh mà chính ta mới là nơi nương tựa của nàng.
Natasha cũng như tôi, không muốn chỉ có một mình vào những giây phút khó khăn của cuộc đời. Một sự dịu dàng không tên toát ra từ màn đêm bao bọc lấy chúng tôi và có cảm giác nó như một bức tường che chở mọi hiểm nguy cho hai đứa.
– Tôi yêu em, Natasha! - Đột ngột, hầu như chưa hề chuẩn bị trước tôi buột miệng nói với nàng khi chúng tôi sóng bước trên con đường được chiếu sáng bởi những ngọn đèn đêm dẫn ra Đại lộ số Năm. Trước mặt chúng tôi đổ dài cái bóng của anh tài xế. - Tôi chưa hiểu em đâu, nhưng tôi yêu em, - tôi nhắc lại, trong đầu kịp ý thức rằng tôi vừa gọi nàng bằng tiếng “em” lần đầu tiên.
Nàng quay sang tôi.
– Không đúng đâu, - nàng đáp, - anh nói dối đấy thôi. Chả có phần trăm nào của sự thật cả, tuy rằng, những lời anh vừa nói nghe rất dễ chịu.
Bóng Tối Thiên Đường Bóng Tối Thiên Đường - Erich Maria Remarque Bóng Tối Thiên Đường