He who lends a book is an idiot. He who returns the book is more of an idiot.

Arabic Proverb

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Tô Hoàng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 325 / 27
Cập nhật: 2020-04-04 20:27:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12
ôi vừa từ nhà ông luật sư về. Betty Stein đưa cho tôi một trăm đô la, để trả khoản tiền nộp cho ông ta bước đầu. Nhìn lên chiếc đồng hồ có con chim cúc cu treo trên tường văn phòng ông ta, tôi cố gắng nài nỉ ông luật sư bớt thêm cho tôi số tiền ông ta đòi nộp. Nhưng ông ta là người không chịu lùi ai một phân. Năm trăm đô la đối với tôi quả là một món tiền quá lớn.
Ông luật sư nói rằng đối với những người khác ông còn đòi một số tiền lớn hơn thế nhiều.
– Những người lưu vong như anh, - ông ta nói, - hằng năm tới nước Mỹ có tới hơn một trăm năm mươi nghìn người. Anh không phải là một ngoại lệ đáng động lòng trắc ẩn đâu. Mà anh muốn gì nào? Anh còn khỏe, còn có sức vóc, lại trẻ trung nữa. Tất cả các nhà triệu phú đều bắt đầu sự nghiệp công danh của họ bằng những thứ anh đang có đấy. Tình thế của anh lúc này nào có đến nỗi gì cho cam. Khốn khó chỉ là những ai già cả, bệnh hoạn, nghèo đói hoặc là dân Do Thái ở bên nước Đức thôi! Tôi còn có công việc khác quan trọng hơn nhiều. Xin anh đừng quên nộp khoản tiền còn lại đúng kì đấy nhé!
Tôi lê bước trong thành phố còn mờ mịt lớp sương ban mai. Vầng mặt trời tỏa ánh nắng xuyên qua những đám mây trong suốt, sáng lấp lánh. Những chiếc xe chạy vút qua toát lên vẻ tươi mới, choáng lộn. Công viên Trung tâm đầy ắp tiếng trẻ reo cười. Nỗi bực bội đối với ông luật sư dịu lắng đi, bây giờ chỉ còn đọng lại trong tôi nỗi bực tức đối với chính mình, vì cái trò thảm thương mà tôi vừa bày ra.
Tôi đi qua khu bể bơi của những con sư tử biển. Lũ sư tử biển như bóng lộn lên dưới vầng mặt trời ấm áp, hệt như những bức tượng đồng biết ngọ nguậy. Những chú hổ, chú báo và lũ khỉ đột được nhốt trong những chiếc chuồng sắt để ở ngoài trời. Chúng nôn nao đi ngược, đi xuôi, ngước nhìn thế giới bên ngoài chuồng giam bằng những cặp mắt màu hổ phách trong suốt, vừa nhìn thấy tất cả mà lại cũng chẳng nhìn thấy điều gì hết. Những con khỉ đột đùa giỡn, ném vỏ chuối vào nhau. Đàn thú nom không còn là những con vật đói mồi nữa, chúng bình thản, no nê trong buổi ban mai. Chúng đã lãng quên mọi nỗi đe dọa và cơn đói bụng - hai mối tác động của thiên nhiên, và để trả giá cho điều đó, chúng chỉ đành cam chịu một cuộc đời có phần đơn điệu đôi chút mà thôi. Nhưng ai mà biết nổi, chúng thích cảnh hoang dã nơi rừng rú hơn hay là cuộc đời có phần đơn điệu mà no đủ, yên hàn hơn? Thú vật cũng như con người ta, đều có những thói quen không ai muốn từ bỏ. Ấy thế mà từ những thói quen kia đến một cuộc đời đơn điệu lại cũng gần trong tấc gang. Những cuộc nổi loạn xảy ra cũng hiếm hoi thôi. Vô tình tôi bỗng nhớ đến Natasha Petrovna và triết lí về thứ hạnh phúc trong cái góc hộp đêm thảm hại của tôi. Nàng tuyệt nhiên không phải là một người nổi loạn, còn tôi thì bằng lòng với thứ hạnh phúc thảm hại kia cũng hợp lí thôi. Cả hai chúng tôi không có đất dưới chân, số phận xua đuổi chúng tôi lang bạt khắp nơi, chỉ đôi khi chúng tôi mới tìm được bến bờ để ổn định lại tinh thần. Nhưng liệu có phải là những con thú trong chuồng kia cũng có những khoản di chuyển và những bận ngừng nghỉ như chúng tôi không? Chỉ có điều chúng ít làm ầm ĩ, ồn ào mà thôi.
Tôi rẽ vào một cái quán bên đường, gọi một tách cà phê. Uống tách cà phê, tôi nhớ tới một buổi sáng mùa hạ ở Paris, trong vườn Luxembourg. Dạo đó tôi phải đóng giả một kẻ phóng đãng để che mắt bọn cảnh sát. Còn hôm nay tôi đến gần một viên cảnh sát xin lửa hút thuốc và anh ta đã đưa chiếc bật lửa cho tôi. Nhớ đến vườn Luxembourg, tôi nhớ đến khúc aria Bá tước Luxembourg tại hộp đêm El Morocco. Nhưng lúc đó là đêm còn bây giờ là một ngày sáng sủa, gió thổi mạnh. Mà ban ngày mọi vật nom đều khác lạ hẳn.
– Gió cuốn anh đi đâu đấy? Anh hoàn toàn biệt tăm biệt tích. - Silvers nói. - Để có tiền trả cho ông luật sư chả lẽ cần đến từng ấy thời gian cơ à?
Tôi thật sửng sốt ngạc nhiên. Cái vẻ luôn luôn tỏ ra mình thuộc tầng lớp thượng lưu của Silvers đã bay biến đi đâu cả rồi. Tiện thể cũng cần nói thẳng ra là cái vẻ choáng lộn bề ngoài của ông ta không gây cho tôi sự tin tưởng bao giờ.
Lúc này nom ông ta cáu kỉnh, căng thẳng. Cúi hơi thấp cái đầu chải kĩ lưỡng, Silvers rảo những bước chân gấp gáp trong phòng. Cả những nét đều đặn, mềm mại trên gương mặt ông ta cũng biến mất. Silvers như con thú sắp lao vào đoạt mồi.
– Đi thôi, tôi và anh có ít thời gian lắm. Chúng ta cần phải treo tranh lên.
Chúng tôi bước vào gian phòng khách xếp đầy đồ gỗ. Silvers đi sang gian phòng giữa, mang tới hai bức tranh đặt trước mặt tôi.
– Anh hãy nói ngay cho tôi biết, không cần nghĩ ngợi làm gì, anh sẽ mua bức tranh nào trong hai bức này?
Lại một lần nữa là hai bức tranh của Degas. Cả hai bức đều không có khung. Cả hai đều vẽ những cô vũ nữ.
– Nào, linh hoạt lên chứ. - Silvers yêu cầu.
Tôi chỉ bức tranh bên trái.
– Bức này.
– Tại sao? Bức ấy vẽ không kĩ bằng bức kia.
Tôi nhún vai.
– Tôi thích bức ấy hơn. Còn nói ngay với ông vì sao thực là một việc khó. Ông hiểu điều này tốt hơn tôi nhiều.
– Đương nhiên là hơn rồi. - Silvers cằn nhằn một cách khó chịu. - Đi thôi. Cần phải lồng hai bức tranh này vào khung trước khi người mua tới.
Tôi mang trong kho ra mấy chiếc khung.
– Cần phải đo kích thước trước đã, - ông ta lầu bầu. - Hai cái khung này vừa đấy. Chúng ta không còn thời gian để lồng tranh vào khung cho thật khít khao đâu.
Lắp vào khung, hai bức tranh thay đổi một cách kì lạ. Bức vẽ lúc trước tựa như lẫn lộn vào trong khoảng không gian, bây giờ đột nhiên như được tập trung lại, nổi bật hơn rất nhiều. Cả hai bức tạo ra ấn tượng hoàn chỉnh.
– Nhất định phải lồng khung mới đưa ra mắt khách hàng. - Silvers nói. - Chỉ những gã bán đồ cổ mới có thể phán xét về tranh mà không cần có khung. Thậm chí các ông giám đốc các viện bảo tàng cũng không phải lúc nào cũng có năng lực hiểu thấu đáo mọi góc cạnh. Theo anh, cái khung nào tốt hơn cả?
– Chiếc này.
Silvers nhìn tôi tọc mạch.
– Thị hiếu của anh quả là không tồi. Nhưng chúng ta sẽ chọn chiếc khác. Chiếc này đây. - Ông ta đặt cô vũ nữ vào cái khung khá rộng được trang hoàng nom sang trọng hơn.
– Liệu cái khung không quá rộng với một bức tranh còn chưa được vẽ xong chứ? - Tôi hỏi.
– Không sao cả. Bức tranh cần chính một cái khung như vậy.
– Tôi hiểu. Cái khung làm giảm nhẹ sự chưa hoàn thiện.
– Cái khung được làm khá kĩ lưỡng, hoàn thiện và điều này truyền sự hoàn thiện cho một bức tranh chưa hoàn thiện. Khung nói chung đóng một vai trò rất lớn. - Lựa một dáng ngồi cho thoải mái hơn, Silvers lên lớp cho tôi. Nhiều lần tôi đã để ý thấy ông ta thích lên giọng dạy dỗ. - Một số người buôn bán các tác phẩm nghệ thuật thường hay tính từng xu từng hào khi đặt mua khung. Họ cho rằng khách hàng không lưu tâm lắm đến một chiếc khung của bức tranh. Giá khung bây giờ khá đắt. Những khung mạ vàng tuy còn đắt hơn nữa, nhưng thoạt nhìn vẫn nghĩ là khung thực từ thời xa xưa.
Tôi thận trọng đặt một bức tranh của Degas vào khung. Trong khi đó Silvers chuẩn bị khung cho bức thứ hai.
– Ông định đưa cho khách xem cả hai bức một lúc hay sao? - Tôi hỏi.
Silvers mỉm cười ma mãnh:
– Không. Tôi giữ lại bức thứ hai.
Cuối cùng cả hai bức tranh cũng đã được lồng khung. Silvers bảo tôi mang một trong hai bức vào gian phòng ngủ.
Bà vợ của ông ta có một gian phòng ngủ thật tuyệt vời. Trên tường và ở khoảng cách giữa hai ô cửa sổ treo một số bức vẽ chì và bột màu.
– Tháo bức tranh của Renoir xuống. Thế vào chỗ nó anh treo bức tranh của Degas cho tôi. Bức của Renoir xin anh treo hộ ở chỗ bàn trang điểm, còn bức phác thảo của Berthe Morisot anh thu đi hộ cho. Anh kéo bức rèm phía bên phải lên một chút. Chút nữa. Thế, bây giờ thì đủ sáng rồi.
Bỗng có tiếng chuông gọi cửa.
– Ông khách đến đấy! - Silvers kêu lên. - Anh hãy chờ, khi nào tôi gọi anh hãy xuất hiện.
Tôi bước vào khu nhà kho và ngồi đợi trên một chiếc ghế. Ở đây tôi có cảm giác như ngồi trong gian khám đá nhà tù. Có lẽ tôi đã thiu thiu ngủ được một lát. Đột nhiên tiếng chuông lại vang lên. Nghe rõ Silvers đang trò chuyện với một người nào đó. Tôi bước ra gian ngoài. Tại đó tôi nhìn thấy một người đàn ông đẫy đà với đôi tai đỏ hồng và cặp mắt lợn nhỏ ti hí.
– Anh Ross, - Silvers nói với giọng ngọt ngào, - xin anh mang giùm cho tôi bức phong cảnh sáng màu của Sisley.
Tôi mang bức tranh đặt trước mặt Silvers và ông khách hàng. Mãi một lúc rất lâu Silvers không hề thốt ra một lời nào. Ông ta phóng mắt ra ngoài khung cửa ngắm nhìn những đám mây.
– Ngài thích chứ? - Silvers hỏi ông khách, đương nhiên bằng một giọng cố ý làm ra vẻ chẳng xăng xái gì. - Đây là một trong những tác phẩm khá nhất của nhà danh họa Sisley. Bức Nạn hồng thủy này là niềm mơ ước của bất cứ nhà sưu tập nào.
– Vớ vẩn. - Ông khách đáp lại bằng giọng còn thờ ơ hơn giọng của Silvers nhiều.
Silvers mỉm cười:
– Nếu bức tranh là thứ vớ vẩn thì bình phẩm cũng chẳng khá hơn! - Silvers nhận xét với ý giễu cợt. - Anh Ross, - Silvers nói với tôi bằng tiếng Pháp, - anh hãy mang bức tranh tuyệt tác này cất đi.
Tôi ngần ngừ giây lát đợi xem Silvers bảo tôi sẽ mang bức tranh nào tới. Nhưng chẳng thấy ông ta nói gì, tôi đành mang bức tranh của Sisley đi. Nhưng tôi vẫn còn kịp nghe thấy lời của ông ta nói với vị khách: “Ngài Cooper ơi, hôm nay tâm thần ngài không ổn rồi. Thôi ta để đến một dịp khác vậy.”
Thật là ma mãnh! - Tôi tự nghĩ trong cái gian nhà kho đùng đục tối. - Bây giờ thì ngài Cooper phải toát mồ hôi hột mất. Một lúc sau tôi lại nghe thấy Silvers gọi tôi và thế là tôi bắt đầu bê hết bức tranh này đến bức tranh khác ra phòng ngoài. Silvers và ông khách đang hút thuốc lá trong một chiếc hộp thuốc dành riêng cho khách. Sau đó đến lượt tôi phải dẻo lưỡi đối đáp với khách.
– Bức tranh của Degas không có ở đây thưa ngài Silvers! - Tôi nói.
– Thế bức tranh ở đâu? Nó cần phải ở đây chứ?
Tôi bước đến, xáp gần Silvers thì thào nhưng cố ý để ông khách nghe thấy:
– Thưa ông ở gác trên, trong phòng của bà nhà ạ.
– Ở đâu?
Tôi nhắc lại điều vừa nói bằng tiếng Pháp rằng bức tranh hiện đang treo trong phòng ngủ của bà Silvers.
Silvers vỗ vỗ vào trán.
– À, à, đúng rồi. Tôi hoàn toàn quên điều đó. Thôi thế là không xong rồi…
Tôi thán phục ông chủ không sao kể xiết. Bây giờ một lần nữa, Silvers lại nhường lời cho vị khách. Ông ta cũng không hề hé răng nói là bức tranh ấy là món quà ông đã tặng bà vợ, thuộc quyền sở hữu của bà ta. Đơn giản là ông ta chỉ im lặng và chờ đợi.
Tôi cũng lẩn vào cái hang của mình và quyết định chờ đợi. Tôi có cảm giác như Silvers đang nắm chắc cái cần câu mà con cá mập kia đã ngoắc phải lưỡi và cuộc vật lộn giữa ông ta và con cá mập chẳng biết rồi sẽ kết cục ra sao đây - hoặc con cá mập sẽ kéo ông ta xuống đáy biển sâu hoặc ông ta sẽ vật được nó lên thuyền - câu trả lời ngay lúc này thật khó. Nhưng dẫu sao thì Silvers vào lúc này cũng có lợi thế hơn vì nói trắng ra là con cá mập chỉ có một lối thoát thôi, nhả mồi ra và bơi đi thẳng. Silvers và cá mập cứ ngồi đó nói với nhau về tình hình đồng tiền mất giá, hàng hóa trở nên khan hiếm, về những ngày yên ổn xa xưa, và cuộc chiến đang diễn ra hiện nay… Rồi bỗng làm như tình cờ tôi nghe thấy cá mập hỏi Silvers:
– Ông còn một bức tranh của Degas mà ông muốn đưa cho tôi coi phải không nhỉ?
– À, đó là bức tranh treo trong phòng ngủ của vợ tôi chứ gì? - Silvers vươn vai.
Và ngồi trong kho tôi bỗng nghe một hồi chuông réo gọi tôi.
– Bà nhà có nhà không anh?
– Không ạ. Bà ấy đã đi đâu đó nửa giờ trước đây.
– Thế thì anh làm ơn mang hộ bức tranh treo gần tấm gương trong buồng ngủ của bà ấy xuống đây cho tôi với.
– Xin ngài phải chờ cho một lúc mới được ạ, - tôi nói, - để bức tranh không bị gió làm rơi, ngày hôm qua tôi đã bắt thêm mấy cái đinh vít để nó gắn khá chắc vào tường. Xin ngài chờ cho mấy phút để tôi gỡ đinh vít ra ạ.
– Không cần đâu! - Silvers cắt ngang lời tôi. - Tốt hơn là để tôi và ngài đây lên tầng gác. Ngài không thấy có gì trở ngại chứ ngài Cooper?
– Cũng hơi phiền một chút.
Tôi lại trở về cái hang của mình. Một lát sau tôi nghe thấy bước chân hai người đã trở xuống phòng dưới và tôi được lệnh lên gác gỡ bức tranh kia mang xuống. Thực ra thì có chiếc đinh vít đinh viếc gì đâu, tôi chỉ việc đứng trên đó vài phút cho qua chuyện thôi. Qua ô cửa sổ nhìn ra sân tôi thấy bà Silvers đang ẩn dưới bếp. Bà ta ra hiệu hỏi tôi mọi việc đã xong chưa. Tôi lắc đầu tỏ ý nỗi hiểm nguy còn chưa qua, bà ta còn phải ẩn náu ở nơi đó một lát nữa đã.
Tôi mang bức tranh xuống phòng khách và bước ra. Rồi sau đó ông chủ và vị khách nói với nhau những gì tôi không hay biết, bởi lẽ Silvers đã đóng sầm cửa lối dẫn vào gian nhà kho. Cuộc trò chuyện giữa hai người ở phòng khách kéo dài khoảng thêm nửa tiếng nữa, khi tôi được Silvers gọi vào thì mọi chuyện đã trót lọt.
– Xin có lời chúc mừng ông, - tôi nói.
– Khoảng hai năm nữa khi các tác phẩm nghệ thuật lên giá, thằng cha này tha hồ mà vênh váo đây.
– Thế thì tại sao ông lại bán tranh đi?
– Bởi lẽ tôi không thể không làm như vậy được. Để đồng tiền lưu thông mà. Vừa nãy anh nghĩ ra cái trò bắt đinh vít bức tranh vào tường quả là khá đấy. Anh đã tiến bộ trông thấy trong nghề nghiệp này…
– Có nghĩa là tôi xứng đáng được ông cho tiền thưởng chứ?
Silvers nheo mắt lại:
– Anh đạt được tiến bộ khá nhanh, nhưng xin anh đừng quên cho là anh đến đây để học nghề mà tôi không đòi anh phải trả tôi một đồng xu, một thứ nghề mà bất kì ông giám đốc viện bảo tàng nào cũng khao khát được thụ giáo đấy.
Buổi tối tôi đến thăm chị Betty Stein để cảm ơn chị vì số tiền chị đã cho tôi mượn. Tôi thấy chị với đôi mắt sưng mọng và tâm trạng bất an. Một số bạn bè đã tập trung ở đây rõ ràng là để an ủi chị.
– Nếu tôi đến không đúng lúc, ngày mai tôi sẽ lại, - tôi nói, - tôi muốn đến để cảm ơn chị.
– Cảm ơn vì điều gì cơ? - Chị Betty nhìn tôi bối rối.
– Vì khoản tiền chị đưa để tôi nộp cho ông luật sư, - tôi nói, - tôi đã được gia hạn hộ chiếu rồi. Như thế là tôi có thể ở lại đây một thời gian nữa.
Chị Betty òa khóc.
– Chuyện gì đã xảy ra với chị ấy thế? - Tôi hỏi anh bạn diễn viên Rabinowitz.
– Anh chưa hay sao? Moller đã chết. Chết ngày hôm kia rồi.
Rabinowitz ra dấu để tôi đừng hỏi thêm nữa. Anh ta đưa chị Betty đến ngồi vào chiếc ghế xô pha rồi quay trở lại với tôi. Trong phim anh thủ vai những tên phát xít bất trị nhưng trong cuộc đời anh lại rất hiền lành, dịu dàng.
– Moller treo cổ tự vẫn, - Rabinowitz nói, - tự vẫn ngay ở trong phòng của anh ta. Anh ta treo cổ lên cọc đèn chùm. Các bóng đèn và cả ngọn đèn chùm trong phòng anh ta đều bật sáng tất cả. Có lẽ anh ấy không muốn chết trong tăm tối. Hình như anh ấy treo cổ vào lúc đêm.
Tôi định ra về.
– Hãy ở lại đây với chúng tôi! - Rabinowitz nói. - Càng nhiều bạn bè ở bên cạnh, chị Betty càng cảm thấy nguôi vợi hơn. Chị ấy không muốn ở một mình.
Không khí trong gian phòng hết sức nặng nề, ngột ngạt.
– Tôi là một con bò ngu ngốc! - Chị Betty hét lên trong cơn nức nở. - Đáng lí ra cần phải bình tĩnh hơn. - Chị đứng lên. - Bây giờ tôi đi pha cà phê cho anh. Hay anh muốn uống thứ gì khác?
– Không cần đâu chị ơi, tôi không cần gì cả.
– Không, tôi đi pha cà phê cho anh đây!
Tấm áo chị Betty vận trên người kêu sột soạt, chị đi ra bếp.
– Đã rõ nguyên do chưa? - Tôi hỏi Rabinowitz.
– Chả lẽ phải cần đến nguyên do sao?
Tôi bỗng nhớ đến thứ triết lí của Kahn về bước ngoặt trong cuộc đời, về những con người bị tách lìa quê hương, xứ sở - theo như lời Kahn nói, hình như nỗi hiểm nguy rình rập họ khắp nơi, khắp chốn.
– Không, - tôi đáp.
– Không nên nói anh ta chết vì bị sự túng đói dồn vào chân tường. Anh ta cũng không phải là người hay đau yếu. Hai tuần trước còn nhiều người gặp anh ta.
– Anh ta đang làm việc à?
– Anh ta đang viết. Nhưng không được in ấn một tí gì cả. Trong vài năm anh ta chẳng được in một dòng nào cả. Điều ngại nhất là chị Betty cứ nằng nặc đòi được nhìn thấy Moller lần cuối.
– Thế bây giờ đang để anh ta ở đâu?
– Tại nhà xác. Anh đã bao giờ phải đến những nơi như vậy chưa? Tốt nhất là nên tránh xa. Người Mỹ là một dân tộc còn trẻ, họ không chấp nhận cái chết. Họ hóa trang cho người quá cố nom như người đang ngủ. Người ta ướp xác nhiều người.
– Nếu người ta hóa trang cho Moller… - Tôi nói.
– Chúng tôi cũng nghĩ ngợi về việc này, nhưng chẳng có ích gì. Muốn ướp xác cũng tốn kém lắm. Cái chết ở Mỹ là một trò đùa đắt giá mà.
– Chẳng riêng gì ở Mỹ đâu, - một người khác xen vào.
– Nhưng lẽ dĩ nhiên không phải là ở Đức.
Tôi để ý thấy trong cái khung ảnh treo trên tường nhà chị Betty không còn bức ảnh của Moller. Bức chân dung của anh ta treo ở một phía tường khác, chưa đóng khung đen, nhưng chị Betty đã gắn lên góc khung ảnh một băng vải tang. Trên ảnh Moller mỉm cười, một nụ cười từ mười lăm năm trước. Chị Betty bước vào với chiếc khay tách trên tay. Chị rót cà phê vào từng cái tách một.
– Đường đây các anh, - chị nói.
Mọi người uống cà phê, tôi cũng uống theo.
– Ngày mai sẽ chôn anh ấy. - Chị Betty nói. - Các anh đi cả chứ?
– Tôi sẽ đi, nhưng chôn ở đâu?
– Ở đường số 14.
– Sao lại ở đấy?
– Người ta không chôn mà thiêu xác. Thiêu xác rẻ tiền hơn.
– Cái gì cơ?
– Thiêu xác.
– Thiêu xác, - tôi lặp lại như cái máy.
Chị Betty bước lại gần chúng tôi.
– Anh ấy nằm ở nhà xác một mình giữa những người xa lạ, - chị thở than. - Nếu giả như quan tài của anh ấy được đặt ở đây giữa chúng ta trước khi chôn… - Chị quay về phía tôi. - Anh muốn hỏi gì nhỉ? Ai cho anh vay tiền? Vriesländer.
– Vriesländer?
– Tất nhiên rồi. Ngoài ông ta ra còn ai khác đâu? Nhưng sáng mai anh nhất định đi đưa anh Moller chứ?
– Nhất định rồi, - tôi đáp.
Thế là đã rõ. Ông già Vriesländer cho tôi vay tiền. Còn biết nói gì nữa đây?…
Rabinowitz tiễn tôi ra đến cửa.
– Chúng tôi cần phải ngăn không để chị ấy nhìn thấy Moller, - Rabinowitz thì thào đủ tôi nghe được. - Ý tôi muốn nói là vì anh ấy tự vẫn nên người ta buộc phải mổ xác Moller. Chị Betty không biết điều này. Anh cũng đã biết chị ấy là người luôn muốn làm theo ý mình bằng mọi cách. May sao anh bạn tôi đã bỏ một viên thuốc ngủ vào tách cà phê của chị ấy rồi. Cái khó nhất là trong buổi đám ma anh ấy làm sao giữ được chị Betty ở nhà. Mai anh đến chứ?
Bóng Tối Thiên Đường Bóng Tối Thiên Đường - Erich Maria Remarque Bóng Tối Thiên Đường