A house without books is like a room without windows.

Heinrich Mann

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Tô Hoàng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 325 / 27
Cập nhật: 2020-04-04 20:27:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
uổi tối hôm sau tôi nhận được bức thư của ông luật sư: tờ giấy phép cư trú của tôi được kéo dài thành sáu tháng. Tôi tựa như đang ngồi trên một chiếc đu: lên rồi lại xuống, xuống rồi lại lên. Cuối cùng rồi cũng quen dần đi với cảm giác này. Ông luật sư dặn tôi gọi điện thoại cho ông ta vào trưa mai. Tôi cố đoán xem vì lí do gì đây.
Khi tôi trở lại cái khách sạn nghèo nàn tội nghiệp mà tôi đang trú ngụ, tôi gặp Natasha Petrovna đang ở đó.
– Cô chờ Melikov à? - Tôi hỏi có phần bối rối.
– Không, tôi đợi anh đấy. - Cô cất tiếng cười. - Chúng ta chưa quen biết nhau nhiều, thế mà lại có khá nhiều điều cần bỏ qua cho nhau. Thật là kì. Anh nói đi, hiện quan hệ giữa chúng ta ra sao?
– Tuyệt vời! - Tôi đáp. - Chí ít ra chúng ta cũng không cảm thấy buồn chán mỗi lần gặp mặt nhau.
– Anh đã ăn tối chưa?
Tôi nhẩm tính số tiền còn lại trong túi áo.
– Chưa. Chúng ta đến nhà hàng Longchamps chứ?
Natasha nhìn tôi. Tôi đang mặc bộ com lê mới.
– Một bộ đồ mới!
Cô nói, còn tôi đọc được niềm vui trong ánh mắt Natasha nên vội co chân lên:
– Cả giày cũng mới nốt. Theo ý cô tôi đã đủ tiêu chuẩn để vào nhà hàng Longchamps chưa đây?
– Tối hôm qua tôi đã ở đó. Hoàn toàn chán phèo. Mùa hè ngồi ở ngoài trời dễ chịu hơn nhiều. Nhưng ở Mỹ người ta còn chưa nghĩ tới điều đó. Ở đây không có chỗ bán cà phê sao?
– Chỉ có chỗ bán đồ ngọt thôi.
Natasha liếc nhìn tôi rất nhanh.
– Quả là một nơi dành cho những bà già người ngợm đã thoang thoảng bốc lên mùi ẩm mốc.
– Trong phòng của tôi còn cả một soong đầy thịt hầm theo kiểu Szeged, - tôi nói, - đủ cho cả đến sáu người khỏe mạnh ăn no, do một bà đầu bếp người Hungary nấu. Tối hôm qua món thịt hầm này tuyệt ngon, hôm nay còn ngon hơn nữa. Người ta nói món thịt hầm theo kiểu Szeged này để qua đêm càng ngon hơn…
– Anh kiếm ở đâu ra món thịt hầm Szeged đó?
– Hôm qua tôi được mời ăn cơm tối.
– Lần đầu tiên tôi mới nghe nói rằng có một vị khách được mời ăn lại còn mang về nhà thịt của gia chủ đủ cho tới sáu người ăn đấy! Mà ở đâu lại hào hiệp như vậy? Ở…
Tôi nhìn Natasha bối rối.
– Không, không phải ở quán bia của người Đức đâu. Thịt hầm Szeged là món ăn Hungary, chứ không phải là món ăn Đức. Tôi được mời tới một gia đình. Ăn bữa tối và nhảy. - Tôi nói thêm để trả đũa sự nghi ngờ của Natasha.
– Lại còn nhảy múa nữa kia à! Anh có những chỗ quen biết thật tuyệt vời.
Tôi không muốn cuộc thẩm vấn này tiếp tục kéo dài.
– Những gã độc thân ẩn dật tại những khách sạn tồi tàn, buồn tẻ mà đi nhận một soong thịt hầm của một bà chủ nhân hậu thì có gì là lạ đâu. Tại gia đình ấy mọi điều đều hết sức dễ chịu. - Tôi giảng giải. - Thức ăn, đồ uống thì đủ cho cả một đại đội lính. Ngoài ra gia chủ còn khoản đãi tôi và anh bạn tôi dưa chuột muối và bánh ngọt phết mứt hạnh đào. Thật là những món ăn nơi thiên đường. Đáng tiếc món thịt hầm bây giờ nguội ngắt rồi.
– Thế không thể hâm cho nóng lại à?
– Ở đâu cơ? - Tôi sửng sốt. - Tôi chỉ có một cái ấm đun điện, ngoài ra chẳng có đồ dùng gì hơn.
Natasha phá lên cười.
– Tôi hi vọng là trong phòng của anh sẽ có những bức tranh khắc để anh khoe với khách khứa tới thăm chứ!
– Tôi còn chưa kịp quan tâm tới điều đó. Thế nào, cô không muốn tới nhà hàng Longchamps sao?
– Không. Anh đã miêu tả món thịt hầm của anh quá quyến rũ… Lát nữa Melikov sẽ về thôi. - Natasha nói. - Ông ta chắc chắn là sẽ trợ giúp được tôi và anh. Còn bây giờ ta hãy dạo phố chừng nửa giờ. Suốt ngày hôm nay tôi chưa ra ngoài trời đấy. Dạo chơi sẽ làm cho món thịt hầm của anh ăn ngon thêm.
– Thế thì đi!
Chúng tôi dạo gót lang thang trên đường phố. Những tòa nhà như nhuốm màu lửa trong ánh tà dương. Trong các quầy hàng người ta đã bật đèn. Natasha thú thật với tôi là rất mê giày dép. Cô không thể bàng quan mà bước qua cửa hàng giày dép được. Thậm chí nếu rẽ vào cửa hàng giày dép một tiếng đồng hồ trước, bây giờ trên đường trở về cô không thể cưỡng lại ý muốn đứng ngoài khung kính quầy hàng để kiểm tra xem họ đã bày ra mặt hàng gì mới chưa.
– Thật là rồ dại, phải không anh?
– Vì sao cơ?
– Vì trong khoản thời gian ngắn ngủi đó làm gì có mặt hàng mới để họ bày ra cơ chứ. Tôi cũng đã kịp ngó khá kĩ lưỡng rồi.
– Nhưng vẫn có thể họ vừa đưa ra thứ gì mới thì sao? Ngoài ra, biết đâu người chủ cửa hàng bỗng nảy ra ý muốn phải trình bày lại quầy bán thì sao?
– Sau khi cửa hàng đã đóng cửa ấy à?
– Thế thì còn vào lúc nào khác nữa? Khi cửa hàng mở cửa, chủ còn bận bán hàng.
Natasha lại đưa mắt nhìn tôi sắc lẹm.
– Anh… anh ơi… - cô đưa ngón tay gõ gõ lên hai bên màng tang, - thực ra tôi cũng đã chứng kiến hai ba lần họ sắp xếp lại quầy rồi. Anh có biết ở đây họ làm điều đó như thế nào không? Họ đeo găng tay vào và sắp xếp không hề phát ra một tiếng động và cứ làm ra vẻ không hề biết tới những ánh mắt hau háu đang từ ngoài tấm kính phóng nhìn vào.
Natasha diễn tả những ánh mắt kia trên gương mặt mình.
– Ở các cửa hàng quần áo thời trang cũng vậy à?
– Đấy là nghề nghiệp của tôi mà. Cứ khi sập chiều thì tôi chán ngấy những trò vè như vậy đến tận cổ.
Chúng tôi đang dạo ở một nơi cách không xa cửa hàng của Kahn mấy. Tôi nghĩ, tại sao mình không rẽ vào mượn anh ta cái bếp điện nhỉ. Tôi thật ngạc nhiên vì Kahn đang có mặt ở cửa hàng.
– Cô chờ cho một lát, - tôi nói với Natasha, - chúng ta sẽ giải quyết vấn đề bữa tối ngay bây giờ đây.
Tôi mở cửa bước vào cửa hàng của Kahn.
– Tôi linh cảm là anh bạn sẽ tới mà. - Kahn nói, mắt phóng qua vai tôi nhìn Natasha Petrovna. - Anh bạn có muốn mời người bạn gái của anh vào đây không?
– Tuyệt nhiên không nên, - tôi đáp. - Tôi chỉ muốn mượn anh cái bếp điện thôi.
– Mượn ngay bây giờ à?
– Đúng vậy.
– Thế thì không ổn rồi. Chính tôi đang cần tới nó. Hôm nay radio sẽ tường thuật cuộc đấu giành giải vô địch môn đấm bốc. Carmen sẽ tới đây ăn cơm tối với tôi. Cô ta sẽ xuất hiện ngay bây giờ cho mà coi. Cô ta thế là đã lỡ hẹn bốn mươi lăm phút rồi.
– Carmen à? - Tôi hỏi và đưa mắt nhìn Natasha. Đột nhiên nàng bỗng trở nên đáng khao khát và xa cách với tôi biết bao sau tấm cửa kính quầy hàng, tựa như có cả khoảng cách hàng trăm cây số giữa tôi và nàng. - Carmen à? - Tôi nhắc lại.
– Đúng thế, mà tại sao hai bạn lại không ở lại đây với bọn này nhỉ? Chúng ta sẽ cùng nhau ăn bữa tối và sau đó nghe tường thuật trận đấm bốc.
– Một ý nghĩ thật tuyệt! - Tôi tán thưởng ngay. - Nhưng có đủ thức ăn không?
– Mọi thứ đã sẵn sàng!
– Chúng ta sẽ ăn tối ở đâu cơ? Đối với bốn người thì gian phòng của anh quá nhỏ.
– Chúng ta sẽ ăn ở ngoài cửa hàng.
– Ở cửa hàng à?
Tôi bước ra gặp Natasha đứng bên kia tấm kính cửa hàng trong ánh chiều bàng bạc vẫn với cảm giác nàng xa xôi, cách ngăn với tôi biết bao. Nhưng khi tôi đã bước lại bên cạnh nàng, một thứ cảm giác khác hẳn xâm chiếm lấy tôi: Natasha trở nên gần gụi hơn rất nhiều lúc trước đây. “Ảo giác của ánh sáng, bóng tối và hình nàng phản chiếu qua tấm kính đây mà”, - tôi thầm nghĩ và như rứt ra khỏi nỗi buồn vô cớ.
– Anh ấy mời chúng ta ăn cơm tối, - tôi nói, - và nghe buổi tường thuật tranh giải vô địch môn đấm bốc!
– Nhưng còn món thịt hầm của anh thì sao?
– Ở đây cũng có thịt hầm. - Tôi nói thêm.
– Sao cơ?
– Rồi cô sẽ tận mắt thấy.
– Chả lẽ khắp thành phố này bạn bè của anh mỗi người đều có một soong thịt hầm à? - Natasha ngạc nhiên hỏi.
– Chỉ ở những điểm chiến lược thôi.
Tôi nhận ra Carmen đang đi tới. Cô gái mặc một tấm áo ngoài màu sáng, đầu không đội mũ. Natasha nhìn cô gái với ánh mắt thầm đánh giá. Carmen không hề tỏ ra bực bội hoặc tò mò vì ánh mắt xoi chọc của Natasha. Trong làn ánh sáng khi thành phố đã lên đèn, mái tóc đen của cô gái như được nhuộm thành màu nâu đỏ.
– Em đến hơi chậm một lát, - cô nói giọng uể oải, - nhưng không sao, phải không ạ? À, có món thịt hầm trên bàn rồi. Em hi vọng hai anh có mang về đây một khúc bánh ngọt rưới mứt hạnh đào chứ?
– Rưới mứt hạnh đào, rưới mứt táo, có cả. - Kahn khẳng định. - Ngày hôm nay trước bữa cơm trưa anh đã nhận được một gói to từ nhà bếp không bao giờ cạn thức ăn của ông Vriesländer.
– Có cả rượu vodka kìa! - Natasha đã nhận ra.
– Thật là một ngày của những bất ngờ.
Món thịt hầm quả là ngon miệng hơn ngày hôm trước. Bởi lẽ chúng tôi ăn món này trong tiếng đàn organ. Kahn mở radio để không tuột đi buổi bình luận tranh giải vô địch môn đấm bốc. Buộc phải nghe cả chương trình trước buổi tường thuật này. Cũng kì lạ khi nhạc của Johann Sebastian Bach hòa quyện cũng không đến nỗi tồi với món thịt hầm theo kiểu Szeged, tuy tôi có cảm giác là nhạc của Franz Liszt sẽ hợp cảnh hợp tình hơn. Chúng tôi nhận ra phía bên ngoài tấm kính quầy hàng đã nhóm họp một đám người qua đường chờ nghe buổi tường thuật trận đấm bốc, như lúc này thì họ đang đăm đăm nhìn chúng tôi. Chúng tôi như những chú cá vàng trong bể nuôi cá và họ đối với chúng tôi cũng từa tựa như vậy.
Đột nhiên vang lên tiếng gõ cửa. Tôi và Kahn cứ nghĩ là cảnh sát tìm đến nhưng hóa ra là anh hầu bàn từ khách sạn phía đối diện mang vào bốn suất rượu.
– Ai gửi cho chúng tôi đấy? - Kahn hỏi.
– Một ngài hói đầu. Có lẽ ông khách qua đường này nhìn qua tấm kính thấy các ông các bà uống rượu vodka và chai rượu đã cạn.
– Bây giờ ông khách lạ kia đâu rồi?
Người hầu bàn nhún vai.
– Bốn suất rượu này ông khách đã trả tiền rồi. Lát nữa tôi sẽ sang lấy cốc.
– Thế thì xin anh mang thêm cho bốn suất nữa!
– Vâng.
Chúng tôi nâng cốc chúc sức khỏe đám người không quen biết đứng phía bên kia tấm kính. Trong ánh sáng của hàng đèn quảng cáo, tôi nhận ra chí ít có năm người sói đầu. Không thể nào nhận mặt nổi vị khách phúc đức kia. Chính vì vậy chúng tôi đã xử sự một cách hết sức đặc biệt: chúng tôi nâng cốc chúc mừng đám nhân loại chưa hề biết tên biết tuổi kia. Đáp lại, đám nhân loại ấy bắt đầu dùng ngón tay gõ nhịp lên mặt kính. Tiếng organ đã ngừng chơi. Tiếng nói của Kahn nổi lên oang oang. Anh ta bắt đầu phân phát những khoanh bánh ngọt. Anh ta xin lỗi vì chưa pha cà phê: để có cà phê phải mò lên gác trên và lục tìm hộp cà phê. Hiệp một của trận đấu bắt đầu.
Khi cuộc đấu kết thúc, Natasha Petrovna vươn vai, tay vẫn cầm cốc rượu vodka. Kahn đã thấm mệt. Anh ta là người cổ vũ cho cuộc tranh tài nồng nhiệt nhất. Carmen thiếp ngủ một cách ngoan ngoãn, hiền lành.
– Tôi biết nói gì với hai bạn bây giờ đây, - phất tay về phía Carmen, Kahn nói.
– Cứ để cô ấy ngủ, - Natasha thì thào, - thôi chúng tôi đi đây. Rất cảm ơn anh Kahn vì mọi điều. Chúc ngủ ngon!
Chúng tôi bước ra ngoài đường phố.
– Có lẽ anh ta muốn ở lại một mình với cô ấy.
– Tôi không hoàn toàn tin là như vậy.
– Vì sao anh không tin cơ? Cô ta rất đẹp, - Natasha cất tiếng cười, - một vẻ đẹp đến bất nhã. Đẹp đến nỗi ở những người khác bỗng nảy nở cả một loạt những gì kém giá trị.
– Vì thế cô bỏ đi sao?
– Không. Chính vì thế mà tôi đã nán lại. Tôi rất thích những ai xinh đẹp. Nhưng cũng đôi khi những người như vậy lại làm cho tôi cảm thấy buồn phiền.
– Vì sao cơ?
– Vì vẻ đẹp sẽ qua đi. Và tuổi già xộc tới liền. Để tránh cái cảm giác buồn rầu đó có lẽ cần đến một thứ gì đó lớn hơn nhiều một vẻ đẹp đơn thuần.
Chúng tôi thong thả dạo gót trên đường phố. Những chiếc tủ hàng đang thiu thiu ngủ chứa đầy những đồ trang sức loại rẻ tiền. Một vài cửa hàng thực phẩm vẫn còn mở cửa đón khách.
– Thật lạ lùng, - tôi nói, - tôi chưa hề bao giờ suy nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta già nua đi. Có thể bởi lẽ lúc nào đầu óc tôi cũng độc một suy nghĩ về vấn đề “cố sao để được sống sót” và vì thế tôi chẳng nghĩ ngợi tới điều gì khác nữa…
Natasha phá lên cười.
– Và tôi cũng chẳng suy nghĩ tới điều gì khác.
– Có lẽ vấn đề sống còn luôn luôn lù lù hiện ra trước mắt tôi. Melikov khẳng định là tôi không qua nổi vấn đề kia đâu.
– Melikov luôn là một người già cỗi.
– Luôn luôn à?
– Luôn luôn quá già đối với cánh chị em. Nhưng ở đây không đơn giản là chuyện tuổi tác.
– Đúng thế, nếu xem xét sự việc một cách thuần túy.
– Tất cả chỉ là sự chối bỏ niềm vui sống dưới những tên gọi đẹp đẽ mà thôi. Anh có đồng ý với tôi không nào?
– Có thể. Tôi không biết nữa. Tôi không thể hiểu thêm hơn nữa về phương diện này.
Natasha ném sang phía tôi một cái nhìn rất nhanh.
– Hoan hô anh, - nàng nói với nụ cười trên môi và nắm lấy tay tôi.
Tôi chỉ sang bên trái.
– Kìa, cửa hàng giày dép. Vẫn còn sáng đèn. Ta đến xem nhé?
– Nhất định rồi.
Chúng tôi tiến đến gần cửa hàng hơn.
– Một thành phố lớn khủng khiếp, - Natasha thốt lên, - không biết đâu là vùng ngoại ô nữa. Anh thích New York chứ?
– Rất thích.
– Vì sao?
– Vì người ta chưa đuổi tôi khỏi nơi đây. Lý do quá đơn giản, phải không?
Natasha nhìn tôi ngẫm nghĩ điều gì đó.
– Và anh hài lòng về điều ấy chứ?
– Hài lòng vì một thứ hạnh phúc cỏn con. Thứ hạnh phúc của con người sơ đẳng có được một chỗ trú qua đêm và miếng ăn.
– Có đủ hai thứ đó chứ? - Nàng hỏi lại.
– Cho bước khởi đầu, đúng thế. Những cuộc phiêu lưu mạo hiểm đã khiến tôi chán ngấy rồi, đặc biệt nếu chúng lại trở thành những thói quen.
Natasha cất tiếng cười.
– Hạnh phúc ở một nơi thâm sơn cùng cốc, phải thế không anh? Anh tưởng tượng ra tất cả điều đó. Tôi không tin vào bất cứ một lời nào của anh.
– Tôi cũng vậy. Nhưng đôi khi tôi cũng tự an ủi mình bởi những câu cách ngôn như vậy.
Natasha lại cất tiếng cười.
– Để không rơi vào sự thất vọng, phải không nào? Ôi, tất cả những điều đó tôi đã nghe đến thuộc lòng rồi.
– Ta đi đâu bây giờ? - Tôi hỏi.
– Một vấn đề lớn của một thành phố lớn. Tất cả mọi thứ chả bao lâu nữa sẽ làm cho người ta chán ngấy.
– Ta đến El Morocco có được không?
– Ngày hôm nay trong đầu anh hiện lên toàn những địa điểm dành cho các nhà triệu phú, tựa như anh là ông chủ của một xưởng sản xuất giày dép lớn.
– Tôi cần công diễn trước mắt thiên hạ bộ com lê mới của tôi chứ.
– Chứ không phải để họ thấy anh đi với tôi sao?
– Tôi không quen trả lời những câu hỏi như vậy.
Chúng tôi tới gian phụ của El Morocco, chứ không phải gian đại sảnh với cái trần hình sao và những chiếc đi văng kẻ sọc như những chú ngựa vằn. Trong gian nhỏ, Karl Inwald đang hát những ca khúc Hungary.
– Cô uống gì đây? - Tôi hỏi.
– “Xe tam mã Nga”.
– Đấy là thứ rượu gì?
– “Xe tam mã Nga” ấy à? Vodka, bia gừng và nước chanh. Rất mát nhé!
– Tôi cũng thử xem sao.
Natasha thu chân lên đi văng, tháo giày để dưới sàn.
– Khác với người Mỹ, tôi không thích thể thao lắm, - nàng nói. - Tôi không biết cưỡi ngựa, bơi lội hay chơi tennis. Tôi thuộc hạng người thích co cẳng lên đi văng và tán gẫu.
– Cô có thể kể gì thêm nữa về bản thân mình?
– Tôi là người thiên về cảm xúc, một kẻ lãng mạn và còn là một kẻ không ai chịu đựng nổi nữa đấy. Tôi mê thứ lãng mạn rẻ tiền. Càng rẻ tiền càng tốt. Thế nào, “xe tam mã Nga” anh cảm thấy ra sao?
– Tuyệt.
– Còn những bài hát Hung?
– Cũng tuyệt vời.
– Thật tốt. - Nàng ngồi thu mình rất thoải mái trong một góc đi văng. - Đôi khi có một nhu cầu không thể cưỡng nổi là làm thế nào để những đợt sóng xúc cảm nuốt chửng ta đi, và ta sẽ quên phắt, bất kể sự thận trọng và dè dặt nào, cũng như mọi thứ được gọi là thị hiếu tốt. Sau đó có thể rũ sạch và thanh thản tự cười nhạo chính mình. Chúng ta sẽ hành động như thế nhé.
– Thì tôi cũng đã bắt đầu rồi đấy.
Trên gương mặt Natasha vừa biểu lộ điều gì vui vẻ, thích thú lại vừa phảng phất nét buồn. Mặt nàng nhỏ nhắn, xinh xắn, với đôi mắt màu xám tro ẩn dưới những cuộn tóc dày nặng.
– Nào chúng ta hãy bắt đầu! - Nàng nói. - Tôi mang một mối tình bất hạnh, tôi thất vọng về mọi phương diện, tôi cô độc, tôi cần được chở che, an ủi, tôi không còn muốn nghe bất cứ điều gì nữa và tôi cũng không biết tôi sống để làm gì. Thật là đủ cho khúc dạo đầu rồi. - Nàng hớp một ngụm lớn và nhìn tôi như thiêu đốt.
– Không. - Tôi phản bác lại. - Tất cả những điều như vậy chỉ là tiểu tiết.
– Nhưng tôi không biết tôi sống để làm gì nữa.
– Mà ai biết được điều này chứ? Nếu ví như có ai đó biết được thì sự hiểu biết kia chỉ làm rối rắm cuộc sống thêm thôi mà.
Natasha nhìn tôi chăm chắm.
– Anh nói nghiêm túc đấy chứ?
– Tất nhiên là không rồi. Chúng ta đang tào lao thiên tướng mà. Cô không muốn như vậy sao?
– Không hoàn toàn đâu, chỉ một phần thôi.
Một người chơi dương cầm đi đến bên bàn và cất tiếng chào Natasha.
– Karl, - nàng nói, - hãy hát một khúc aria từ vở Bá tước Luxembourg đi anh.
Aria: bài hát trong một vở nhạc kịch.
– Xin sẵn sàng làm theo ý chị.
Tay Karl bắt đầu chạy trên phím đàn. Anh ta hát rất hay và cũng là một nghệ sĩ dương cầm rất giỏi.
Ai có thể gọi hạnh phúc tới đúng thời gian định trước.
Và lại một lần nữa biết giấu đi những nẻo đường hiện ra trước mắt.
Natasha lắng nghe Karl hát đấy nhưng thực ra nàng lại như đang chìm sâu trong những suy nghĩ riêng tư của mình. Bài hát hết sức bình thường nhưng giai điệu lại rất đẹp, tuy lời ca, bao giờ cũng vậy, thật xằng bậy, nhảm nhí.
– Anh thấy bài ca thế nào? - Natasha hỏi.
– Thứ tâm lí tiểu thị dân.
Nàng chỉ suy nghĩ thoáng lát rồi nói với tôi:
– Thế thì anh phải thích nó lắm nhỉ. Hệt như cách anh đánh giá cao thứ hạnh phúc trong cái góc khốn khổ khốn nạn của anh tại khách sạn.
Một thứ biện luận tuyệt vời, - tôi thầm nghĩ.
– Anh không thể bỏ qua mà không cần phê phán sao? - Bỗng nhiên Natasha nói với tôi rất bình thản. - Anh không thể đề cập tới điều gì mà không phê phán hoặc lên án nó sao? Anh sợ à?
Thật là những câu hỏi hết sức đắc địa giữa một hộp đêm ở New York vào lúc nửa đêm! Tôi cảm thấy bực bội với chính tôi bởi lẽ Natasha nói rất đúng. Thật là thảm thương biết bao khi mọi ý nghĩ của tôi đều xuất phát từ thân phận của một thằng người Đức.
– Khúc aria này làm tôi nhớ lại một thời kì đã xa xôi, tức những năm tháng trước khi cuộc chiến này nổ ra, - tôi nói. - Đây là một khúc aria rất cổ xưa, ngay đến cha tôi cũng thuộc lòng. Tôi còn nhớ rõ, thỉnh thoảng cha tôi vẫn hát nó. Cha tôi là một người đàn ông đã phát phì, thích đồ cổ và những khu vườn xưa nhiều kỉ niệm. Tôi cũng hay được nghe khúc aria này. Đây là một khúc aria tình cảm rút ra từ một vở opera. Tại những khu vườn ở vùng ngoại ô hoặc các thôn xóm Hungary, vào lúc hoàng hôn buông xuống, người ta vừa uống rượu vang vừa hát nó và khúc ca càng trở nên mùi mẫn, dễ làm rơi nước mắt hơn. Khúc ca càng xoáy sâu vào lòng dạ khi ta nghe nó dưới ánh sáng của những ngọn nến leo lét cháy, với sự hòa điệu của tiếng đàn dương cầm, tiếng ghi ta, tiếng kèn acmonica, vào những đêm hôm khuya vắng, tĩnh lặng. Dạo đó người ta còn hay hát một bài ca nữa: Nhạc hết rồi, rượu cũng chỉ còn vài giọt thôi…
– Anh Karl chắc cũng biết bài ca ấy.
– Nhưng lúc này tôi không muốn nghe anh ta hát bài ấy đâu. Đấy là bài ca cuối cùng tôi được nghe khi bọn Quốc xã chỉ mới chiếm được nước Áo. Sau đó, chúng tiến công ồ ạt.
Natasha đăm chiêu nghĩ ngợi một lát.
– Thế nào rồi anh Karl cũng sẽ hát lại khúc aria Bá tước Luxembourg. Nếu anh không muốn nghe, tôi bảo anh ta đừng hát lại nữa.
– Thì anh ta chỉ vừa hát xong đó thôi.
– Khi nào có mặt tôi ở đây, anh ta thường hát nó vài lần.
– Nhưng chúng ta cũng đã từng tới nơi này. Sao lần đó tôi không nghe thấy bài ca này?
– Hôm ấy không đến phiên của anh ta.
– Tôi nghe khúc ca này cũng với sự mãn nguyện như cô thôi.
– Thật thế sao? Khúc ca không gợi trong anh những kỉ niệm buồn ư?
– Cô không thấy rằng, nhiều điều phụ thuộc vào sự cảm nhận của từng người à? Nói gọn lại là, mọi hồi ức đều buồn thảm cả vì chúng gắn liền với quá khứ.
Nàng ngước lên nhìn tôi.
– Liệu đã tới lúc uống “xe tam mã Nga” lần nữa chưa anh?
– Nhất định rồi. - Bây giờ đến lượt tôi nhìn nàng.
Natasha không có vẻ đẹp ẩn chứa sự bi thảm của Carmen, nhưng gương mặt của nàng lại sở hữu những đường nét hội họa rất tuyệt diệu. Cặp mắt của nàng ánh lên tinh nghịch và luôn chứa đựng vẻ giễu cợt nhưng cũng lại rất nhanh chóng trở nên mơ mộng, dịu dàng.
– Sao anh lại nhìn tôi chằm chặp thế? - Natasha ném ánh mắt dò xét về phía tôi. - Sao, mũi tôi quá dài à?
– Không. Tôi chỉ vừa mới nghĩ là tại sao cô đối xử với đám bồi bàn và các chàng nhạc công hết sức thân thiện, còn đối với bạn bè lại đầy sự châm chọc, khiêu khích như vậy thôi.
– Tại vì họ là những kẻ không được chở che. - Nàng lại chăm chú nhìn tôi. - Tôi là kẻ hay khiêu khích, châm chọc lắm sao? Hay anh là người có quá nhiều thiên kiến?
– Vâng, có lẽ tôi có quá nhiều thiên kiến đấy.
Natasha cất tiếng cười.
– Bản thân anh không tin vào những gì anh nói đâu. Không một ai tự coi mình là người có quá nhiều thiên kiến đâu. Anh thú thật đi, anh không tin vào điều anh nói, phải không?
– Dẫu sao cũng phải tin một phần chứ.
Karl hát lần thứ hai khúc aria Bá tước Luxembourg.
– Đấy, tôi đã bảo trước cho anh rồi mà.
Một số người vừa bước vào quán. Họ cúi đầu chào Natasha. Nàng quen biết khá nhiều, tôi đã để ý thấy điều này. Sau đó có hai người đàn ông đi lại phía bàn của chúng tôi và nói chuyện với nàng. Tự nhiên trong tôi xuất hiện thứ cảm giác hẫng hụt tựa như máy bay rơi vào một cái túi không khí. Tôi cảm thấy chao đảo, tròng trành, điều này tuyệt nhiên không phải do món thịt hầm hoặc do rượu vodka gây ra. Có thể vì những hồi ức cũ với hình ảnh thành Vienna và người cha chết vì không kịp trốn chạy.
– Ở đây trở nên đông đúc quá rồi. - Natasha nói. - Chắc các vở kịch cũng vừa kết thúc. Ta đi thôi, anh nhé?
Các nhà hát vừa đóng cửa, - tôi thầm nghĩ, - và lập tức các hộp đêm đông ních các nhà triệu phú và mọi hạng người sống bám khác, cuộc chiến tranh vẫn đang xảy ra và tôi thì ở đâu đó giữa hai lớp sóng này. Có thể đấy là một ý nghĩ không công bằng và hay hớm gì, bởi vì giữa đám khách vừa chen chúc bước vào khách sạn kia có nhiều người mặc binh phục. Không phải tất cả bọn họ đều là những con chuột cống hèn nhát cả đâu. Ở đây có cả những người từ các mặt trận được nghỉ phép trở về nhà. Nhưng lúc này làm sao mà tôi giữ được sự tỉnh táo, công tâm? Một nỗi bực bội yếu ớt như chẹn ngang cổ họng tôi.
Cất tiếng chào và trao đổi nụ cười với những người quen, chúng tôi bước đi trên một đoạn hành lang hẹp với những chiếc bàn trang điểm, những chiếc giá treo mũ áo. Ngoài phố tiết trời ấm áp, ẩm ướt. Một loạt tắc xi đứng chờ ngay trước cửa khách sạn. Người gác cổng vội mở cửa một chiếc tắc xi.
– Không cần tắc xi đâu. - Natasha nói. - Tôi sống ngay kề đây mà!
Đường phố trở nên tối hơn. Chúng tôi đã đi đến nhà của Natasha. Nàng vươn vai như một chú mèo.
– Tôi thích những cuộc trò chuyện đêm hôm như thế này khi người ta bàn đến đủ mọi thứ chuyện mà hóa ra lại cũng chẳng bàn đến chuyện gì cả. - Natasha nói. - Tất cả những gì mà tôi nói với anh, lẽ đương nhiên là không đúng như thế đâu.
Ánh sáng chói gắt của ngọn đèn đường hắt lên gương mặt nàng.
– Tất nhiên rồi, - tôi xác nhận, lòng vẫn sôi sục vì một nỗi bực bội yếu ớt khi mình tự thương hại chính mình.
Tôi choàng tay ôm hôn nàng, đinh ninh rằng nàng sẽ tức giận đẩy tôi ra.
Nhưng không như vậy. Natasha chỉ nhìn tôi với ánh mắt bình thản và có phần ngạc nhiên. Nàng đứng lặng một lát rồi cũng lặng lẽ bước vào nhà.
Bóng Tối Thiên Đường Bóng Tối Thiên Đường - Erich Maria Remarque Bóng Tối Thiên Đường