Người ta không đánh giá tôi bởi số lần tôi vấp ngã mà là những lần tôi thành công. Bởi thành công đó chính là những lần tôi thất bại nhưng không bỏ cuộc.

Tom Hopkins

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Tô Hoàng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 325 / 27
Cập nhật: 2020-04-04 20:27:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
ôi rẽ vào gặp Kahn. Chúng tôi được mời tới dự bữa tiệc của gia đình Vriesländer.
– Họ tổ chức một bữa tiệc lớn. - Kahn giải thích. - Hôm kia họ được công nhận là công dân Mỹ.
– Sao nhanh thế? Chả lẽ họ không cần đợi năm năm để nhận giấy tờ à?
– Gia đình Vriesländer cũng đã chờ đợi năm năm rồi. Họ đến Mỹ từ trước chiến tranh, trong làn sóng đầu tiên của những người di tản khôn ngoan nhất.
– Đúng là những người khôn ngoan, - tôi tán thưởng. - Tại sao lúc đó chúng ta lại không nảy ra trong đầu ý định ấy nhỉ?
Ngày hôm nay cái tên Vriesländer đã chết đi và cái tên Daniel Warwick đã ra đời. Vriesländer đổi tên khi được nhập quốc tịch Mỹ.
Chúng tôi bước vào một gian phòng tiếp khách rộng thênh, rực rỡ ánh đèn điện. Có thể nhận ra ngay là sống ở nước Mỹ, Vriesländer không để phí thời gian vô ích. Tất cả ở nơi đây đã nói lên sự giàu có của ông ta. Trong gian phòng ăn nổi bật lên một cái tủ đứng cực lớn. Trên bàn là những chiếc đĩa có chân đựng các loại bánh và giữa sự xa hoa, choáng lộn kia là hai chiếc bánh kem: một cái mang dòng chữ “Vriesländer”, cái kia là dòng chữ “Warwick”. Cái bánh kem thứ nhất bao một đường viền bằng sôcôla, với một chút tưởng tượng có thể coi như đấy là một viền khăn tang, còn đường viền trên chiếc bánh thứ hai là những bông hoa hồng xinh xắn làm bằng một thứ bột thơm đặc biệt.
– Sự sáng tạo trong việc bếp núc của tôi đấy. - Vriesländer nói với vẻ tự hào. - Thế nào, các anh có thích không?
Gương mặt rộng bản, hồng hào của ông ta ánh lên vẻ mãn nguyện.
– Hôm nay chúng ta sẽ xẻ ra và ăn chiếc bánh “Vriesländer”, - ông ta giảng giải. - Cái thứ hai sẽ không ai được đụng đến. Chiếc bánh này đại loại như một thứ biểu tượng.
– Tại sao ông lại nghĩ ra cái tên Warwick? - Kahn hỏi. - Nếu tôi không nhầm, đó là một dòng họ nổi tiếng ở bên Anh?
Vriesländer gật đầu xác nhận:
– Chính thế đấy. Nếu đã đổi tên họ, nên tìm một cái họ tên nào thật xứng đáng. Ta uống gì đây, ông Kahn?
Kahn ngạc nhiên nhìn chủ nhà.
– Sâm banh, tất nhiên, nhãn hiệu Dom Perignon. Thế mới xứng với trường hợp tiệc mừng ngày hôm nay.
Vriesländer thoáng bối rối.
– Loại đó, đáng tiếc quá, trong nhà tôi lại không có, ông Kahn ạ. Nhưng bù vào đó, tôi xin mời các vị thử sâm banh hảo hạng của Mỹ.
– Sâm banh Mỹ à?… Tốt nhất là cho xin một ly Bordeaux.
– Hay sâm banh California? Một loại rượu không tồi.
– Ông Vriesländer, - cố giữ bình thản, Kahn nói, - tuy thành phố Bordeaux đã bị bọn Đức chiếm đóng, nhưng thành phố ấy chưa gia nhập xứ California đâu. Không nên đi quá xa vào thứ tình cảm yêu nước mới mẻ của ông như vậy.
– Vì sao cơ? - Vriesländer ưỡn ngực ra, giữa ve áo vét ông ta vận trên mình sáng lấp lánh những chiếc cúc bằng xa phia. - Vì sao hôm nay ta lại nhắc đến quá khứ làm gì hở? Có thể uống cả rượu Hà Lan lẫn rượu vang Đức. Nhưng chúng tôi không đặt hai thứ rượu ấy. Ở Hà Lan và ở Đức chúng ta đã phải trải qua quá nhiều điều rồi. Cũng theo nguyên cớ đó chúng tôi không đặt rượu vang Pháp. Thêm vào đó, những loại rượu này cũng chả khá hơn bao lăm. Tất cả chỉ là quảng cáo tuốt! Nhưng rượu vang Chile thì quả là thứ hảo hạng.
– Ôi, ông lại còn đem cả những nỗi tức giận của ông hòa vào các loại rượu nữa?
– Mỗi người một tính. Thôi xin mời các vị ngồi vào bàn cho.
Chúng tôi lần lượt theo ông chủ ngồi vào bàn.
– Anh thấy không, còn có cả những người lưu vong thành đạt nữa đấy chứ. - Kahn nhận xét. - Quả là số người này cũng ít thôi. Ở Đức, Vriesländer đã bị tước mất tất cả những gì mà gã đã gom góp, dành dụm được ở bên ấy. Nhưng một số của cải từ những cái được gọi là “sự lanh lẹn, tháo vát” thì đã không mất đi vô ích và bây giờ đã thấy hiệu nghiệm. Những người “thiếu cương quyết” tạo nên cái đa số chủ yếu của dân lưu vong. Những người này giẫm chân tại chỗ, không biết họ muốn quay về Đức hay không. Ngoài số người đó ra, ở bên này còn có cả số người bị đặt tên là “dân trú đông”. Những người này buộc phải quay trở về Đức vì ở đây họ không tìm được công việc làm.
– Thế anh xếp tôi vào hạng người nào đây? - Đưa tay tiếp một chiếc đùi gà nấu đông, tôi hỏi Kahn.
– Anh thuộc lớp sóng người di tản muộn mằn nhất, cái lớp sóng vừa trào lên rồi vội vã rút ngay. Gia đình Vriesländer này nấu ăn cực ngon, có đúng thế không anh?
– Các món ăn này họ đều nấu nướng tại nhà sao?
– Đúng thế đấy. Lão già này thật may mắn vì hồi còn ở bên châu Âu lão ta đã kiếm được một bà đầu bếp người Hungary. Bà ta hết sức trung thành với ông chủ và đã theo lão ta qua Thụy Sĩ tới Pháp để nhồi mọi thứ cao lương mĩ vị vào cái dạ dày của lão. Không những thế bà ta còn mang dùm cho lão ta rất nhiều của nả có giá trị. Một số mặt đá quý không có vỏ vàng hoặc vỏ bạc bọc bên ngoài trước khi đến biên giới bà đầu bếp này đã cuộn lẫn với ruột bánh mì rồi nuốt vào bụng. Thực ra thì cũng chẳng phải làm như vậy đâu. Bà ta là người Hungary thì có ai khám xét đâu. Bây giờ ở bên này bà ta vẫn tiếp tục nấu nướng cho nhà Vriesländer. Đúng là một thứ nô bộc đáng giá nghìn vàng!
Tôi đưa mắt nhìn bao quát phòng ăn. Một nhóm khách đang xúm quanh chiếc tủ búp phê.
– Tất cả đám người kia đều là dân lưu vong sao? - Tôi hỏi.
– Không, không phải tất cả. Ngài Vriesländer rất yêu mến, sủng mộ những người bạn Mỹ của ngài. Anh không nhận ra sao, mọi người trong cái gia đình này đều nói tiếng Anh cả. Với âm sắc Đức, nhưng dù sao họ vẫn đang nói tiếng Anh.
– Hợp lí thôi. Nhưng họ sẽ còn học tiếng Anh thêm nữa cơ mà?
Kahn cất tiếng cười. Trên chiếc đĩa ăn của anh ta là một tảng thịt lớn, rán vàng.
– Tôi là một kẻ háu ăn. - Nhận ra ánh mắt của tôi vừa liếc qua đĩa thịt rán trên tay anh ta, Kahn nói. - Món bắp cải đỏ cũng là một trong những…
– Tôi biết, - tôi cắt ngang anh ta, - là một trong những ham thích nhiều không kể xiết của anh.
– Càng nhiều ham muốn càng tốt. Đặc biệt là khi vì những ham muốn đó anh lại bị những nỗi hiểm nguy đe dọa. Điều này khiến anh không còn nghĩ tới ý định tự vẫn nữa.
– Có khi nào anh định tự vẫn chưa?
– Có chứ. Một lần. Nhưng mùi thơm của món gan xào hành đã cứu tôi. Thật là một tình cảnh bi thảm. Anh biết đấy, cuộc đời trôi qua dưới những lớp sâu khác nhau, nhưng mỗi người trong chúng ta lại có những người lính gác, những vị quan tòa của mình. Thông thường những người lính gác, những vị quan tòa này không cùng canh gác giống như nhau. Thế mà các lớp vỉa của cuộc đời lại kết tầng lên nhau, giữa các lớp sâu kia đôi khi cuộc đời lụi tắt. Cái nguy hiểm nhất là khi những người lính canh kia bỗng cùng xuất hiện một lúc. Khi đó ý muốn tự vẫn sẽ hình thành, hình thành mà không có nguyên cớ gì thật rõ rệt. Chính vào một tình thế như vậy mùi thơm của món gan xào với hành đã cứu tôi. Tôi quyết định dù có chết cũng phải chết trong trạng thái no nê mãn nguyện. Thế là tôi cứ chờ cái chết bằng những câu chuyện phiếm được điểm vào giữa là những cốc bia. Tôi cứ ăn, cứ uống, cứ nói và tôi làm dấu thánh cho cuộc đời mình. Anh có tin mọi điều xảy ra đúng như vậy không? Đây không phải là một câu chuyện tiếu lâm đâu. Tôi sẽ kể cho anh nghe một câu chuyện rất hay hiện lên trong kí ức của tôi mỗi khi tôi nghe thấy cái thứ tiếng Anh ếch nhái mà những người di tản của ta nói chuyện với nhau. Nó khiến tôi mủi lòng khi nhớ tới một bà già lưu vong nghèo đói, bệnh hoạn, không nơi nương tựa, chở che mà tôi tình cờ quen biết. Người đàn bà này đã quyết định tự vẫn và quả là bà ta cương quyết sẽ mở vòi hơi ga rồi, nhưng bà ta lại không làm như vậy chỉ vì bà tiếc cái công đã bỏ ra hàng tháng hàng năm trời để nói được tiếng Anh một cách lưu loát, trôi chảy. Anh hãy thử lắng nghe đám người trong nhà Vriesländer nói tiếng Anh kia kìa. Mủi lòng lắm chứ, phải không nào? Cái chết hài hước kia té ra cũng không cứu giúp họ thoát khỏi bi kịch mà ngược lại. Anh để ý cô gái ăn miếng bánh phết mứt kia không, nàng đẹp đấy chứ nhỉ?
Tôi đưa mắt nhìn cô gái.
– Nàng không chỉ đẹp đâu. - Tôi thốt lên ngạc nhiên. - Cái đẹp của nàng có vẻ gì đó thiêng liêng mà bi thảm. - Tôi liếc nhìn cô gái một lần nữa. - Cô ta như một nữ thánh. Nếu cô ta không ăn bánh mứt với vẻ thèm khát khốn khổ như thế kia, cô ta sẽ thuộc số những người phụ nữ hiếm hoi mà cánh mày râu khó lòng đứng vững được trước mặt họ. Thật là một gương mặt khả ái làm sao! Cô ta có một cái bướu hay sao kia? Hay cô ta mắc bệnh cường giáp? Nếu nữ thần này ghé vào đây với gia đình nhà Vriesländer, chắc chắn có điều gì đó không ổn đang xảy ra với cô ta.
– Hãy đợi đến lúc cô ta đứng lên xem sao! - Kahn thì thào đầy trang trọng. - Cô gái này quả là một sự toàn bích đến kì lạ. Thân hình cân đối. Bộ ngực căng đầy. Làn da không chê vào đâu được nữa. Cặp giò thật lí tưởng. Thật không còn điểm gì mà chê được nữa.
Tôi đưa mắt nhìn Kahn.
– Anh không tin điều tôi nói sao? - Kahn hỏi tôi. - Tôi biết rất chính xác mọi thứ là như vậy mà. Cô ấy tên là Carmen. Trên gương mặt cô ta là sự hòa trộn vẻ đẹp của hai ngôi sao màn bạc Greta Garbo và Dolores del Rio cộng lại.
– Thế à…
Kahn vươn vai.
– Nhưng cô ta ngốc nghếch lắm đó. - Kahn nói. - Và không phải chỉ là sự kém cỏi thường tình, mà là sự ngốc nghếch không thương nổi cơ.
– Thật tiếc! - Tôi nói lửng lơ.
– Nhưng cô nàng lại quá đẹp.
– Liệu với sự ngu ngốc quá sức tưởng tượng như vậy thì lây gì để cầm giữ những gã đàn ông đây?
– Bằng sự bất ngờ chứ còn bằng cái gì nữa.
– Quả là thế. Những bức tượng còn ngu ngốc hơn cô ta phải không anh?
– Nhưng tượng thì câm lặng còn Carmen thì biết nói.
– Cô ấy thường nói những điều gì?
– Tất cả những gì xuẩn ngốc mà anh có thể tưởng tượng ra. Nghĩa là hệt như một kẻ tiểu thị dân hèn mọn nhất. Cô ta ngốc nghếch đến thảm hại. Dạo còn ở bên Pháp, thỉnh thoảng tôi cũng gặp gỡ cô ta. Cái sự ngốc nghếch kì quái của cô ta đôi khi lại như tấm áo khoác mầu nhiệm che chở cho cô ta. Có một lần một mối hiểm họa đe dọa đổ ụp xuống đầu cô ta. Carmen cần phải rời khỏi nơi đang ở ngay tức khắc. Thế là tôi quyết định đưa cô ta chạy trốn. Nhưng cô ta lại khước từ. Anh có hình dung được không, cô ta bảo cô ta còn phải tắm, phải thay quần áo đã. Sau đó cô ta tỉ mẩn thu xếp bộ đồ trang điểm cần mang theo. Trong khi đó thì bọn Gestapo đã tới khá gần rồi. Tôi cũng chẳng buồn ngạc nhiên nữa khi cô ta lại rẽ vào cửa hàng cắt tóc để làm đầu. May sao ở đấy không còn chị thợ cắt tóc nào. Rồi cô ta đòi ăn sáng nữa. Tôi phải thật bình tĩnh mới không ném khúc bánh mì nhồi thịt vào gương mặt đẹp tuyệt trần của Carmen. Cô ta bình thản ăn, còn tôi thì nổi da gà vì lo sợ. Rồi cô ta lại loay hoay tìm mảnh giấy sạch để gói khúc bánh mì chưa ăn hết mang theo. Tôi hầu như đã nghe rõ tiếng ủng của bọn Gestapo vang lên ngay phía sau lưng. Cuối cùng rồi cô ta cũng ngồi vào chiếc xe của tôi. Vẫn với vẻ chậm rãi, không chút vội vã. Và vào chính cái buổi sáng ấy tôi đã phải lòng cô ta.
– Mê ngay lúc đó?
– Không. Dĩ nhiên là khi chúng tôi đã thoát khỏi vòng hiểm nguy. Cô ta không hề hay biết điều đó. Tôi ngại rằng cô ta ngốc nghếch đến độ không nhận ngay ra cả những biểu lộ của tình yêu cũng nên.
– Ít khi gặp chuyện như vậy lắm.
– Đôi khi cũng có những lời đồn thổi về cô ta bay đến tai tôi. Cô ta vượt qua mọi nỗi hiểm nguy hệt như một chiếc thuyền buồm trong câu chuyện cổ tích. Và trong những tình huống không thể nào tin được, cái tính hồn nhiên có một không hai của cô ta tựa như đã tước vũ khí của bọn giết người. Tôi cho là không một ai có thể ép cô ta làm điều gì khi cô ta không muốn. Tất nhiên cô ta đã sang bên này bằng một trong những chuyến máy bay cuối cùng.
– Hiện nay cô ta đang làm gì?
– Số phận đã mang lại cho cô ta một sự may mắn tuyệt vời: hiện cô ta làm người mẫu trong cửa hàng của ông Saks nằm trên Đại lộ số Năm. Bản thân cô ta không tìm nổi chỗ làm ấy đâu. Có người khác dâng đến tận miệng cô ta.
Tôi xắn một miếng bánh ngọt có chữ Vriesländer. Quả là chiếc bánh thật ngon: sôcôla đắng được phủ một lớp hạnh đào. Có lẽ chiếc bánh cũng mang một điều gì đó có tính chất tượng trưng. Tôi thấy rõ là cái cô Carmen kia đã cuốn mất hồn anh bạn Kahn của tôi. Nếu cái tính bình tĩnh mà Kahn phải nhọc công tìm kiếm để đối chọi lại với sự đe dọa của tử thần thì đối với Carmen lại tựa như thuộc bản tính của cô ta. Và chính điều này đã cuốn hút Kahn như nam châm đối với mạt sắt.
Trên gương mặt anh ta lúc này nhuốm đầy vẻ suy tư mơ màng.
– Đấy sẽ là sự liều lĩnh lớn nhất trong tất cả sự liều lĩnh của tôi.
– Cái gì cơ?
– Sự liều lĩnh lớn nhất. - Kahn lặp lại.
– Chả lẽ anh chưa chán những chuyện yêu đương như vậy sao?
– Chưa. - Kahn cũng xắn một khoanh bánh ngọt, nhưng anh ta xắn khúc bánh có mấy chữ ”Vries” - Tại sao lão già không đặt tên cho mình giản dị bằng hai tiếng “Lander” nhỉ? - Kahn nhận xét.
– Có thể ông ta muốn bắt đầu tất cả mọi chuyện từ đầu. - Tôi nói. - Cái đuôi của tên cũ không làm cho ông ta hài lòng. Nói chung thì cũng dễ hiểu cả thôi.
– Anh sẽ đặt tên cho mình như thế nào nếu được nhập quốc tịch Mỹ?
– Tôi sẽ tự cho phép mình đùa cợt trong việc này.
– Tại Pháp tôi có quen một ông bác sĩ nha khoa. Trước ngày ông ta rời bỏ nước Đức, bọn Gestapo lại mời ông ta đến để chúng gặp. Trong cơn thất vọng, ông bác sĩ đã vĩnh biệt tất cả những người thân. Họ đều nghĩ rằng lần này bọn Gestapo sẽ đưa ông ta đi trại tập trung. Té ra bọn chúng chỉ làm phiền ông ta vì cái tên của ông ta mà thôi. Theo chúng với cái tên Do Thái, ông ta không thể ra khỏi nước Đức được. Chúng đã thả ông ta ra khi ông ta đồng ý mang một cái tên mới.
Cuối cùng thì người ta đã bê cà phê ra.
– Anh nghĩ sao, liệu những nguyên tắc sống của ông lão Vriesländer có hòa hợp với thứ cognac Pháp được không?
– Nếu không thì đã có cognac Bồ Đào Nha hoặc Tây Ban Nha. Tuy có hơi ngọt một chút nhưng không sao…
Bà Vriesländer bước vào.
– Cuộc khiêu vũ đã bắt đầu, thưa quý ngài. Lúc này chiến tranh đang diễn ra, kể cũng không phải đạo khi tổ chức nhảy múa. Nhưng vào một trường hợp như hôm nay quả là cũng không đáng mang tội. Kia, các vị khách quân nhân của chúng ta đã bước vào vòng nhảy rồi.
Chúng tôi nhận ra vài sĩ quan Mỹ trong đám khách khứa của chủ nhà. Tấm thảm đã được trải rộng trong gian phòng khách. Một cô tiểu thư của ông Vriesländer trong tấm áo đỏ tía vội chọn ngay bạn nhảy là một anh chàng trung úy người Mỹ trẻ măng. Thấy rõ anh chàng còn tiếc rẻ không muốn rời khỏi hai người bạn của anh đang ăn kem một cách ngon lành. Ngay lúc đó bước vào vòng nhảy là hai cô gái giống nhau như hai giọt nước, hai cô đều rất đẹp và rất vui vẻ.
– Đó là hai chị em sinh đôi nhà Koller, từ Hungary sang. - Kahn giải thích. - Một trong hai cô sang đây từ hai năm trước. Từ tàu thủy cô gái thuê ngay xe tắc xi đến thẳng ông bác sĩ nổi tiếng về nghề giải phẫu thẩm mĩ. Nửa tháng sau cô ta xuất hiện giữa đám bạn hữu với chiếc mũi thẳng và đã được rút ngắn bớt, với bộ ngực căng phồng như của các nữ thần Hy Lạp. Cô ta biết được địa chỉ ông bác sĩ giải phẫu thẩm mĩ kia ngay trên đường từ Hungary sang Mỹ và đúng là cô ta không bỏ lỡ cơ hội lấy một phút. Khi cô em thứ hai tới nơi, người ta cũng đưa ngay cô ta từ tàu thủy tới vị bác sĩ kia. Hai tháng sau cô này cũng như được làm lại và thế rồi con đường công danh của cô ta bắt đầu. Người ta nói là cô em thứ ba cũng sang đây, nhưng cô ta từ chối không chịu làm phẫu thuật thẩm mĩ. Những cái lưỡi độc địa liền tung tin, hai cô chị liền cấm cửa không cho cô em thứ ba đi đâu, chừng nào còn chưa chịu đi mĩ viện.
– Thật là tuyệt! - Tôi nói. - Tất cả mọi người sang bên này đều có thể đổi thay tất cả, từ cái tên, gương mặt, đến chiếc mũi, bộ ngực. Hệt như trong một vũ hội hóa trang. Hoặc trong một câu chuyện cổ tích. Một cô bé xấu xí được nhúng xuống nước, quay tít vài vòng và thế là có một cô gái khác ra đời. Tôi ủng hộ chị em nhà Koller, ủng hộ trò lột xác này.
Ông Vriesländer bước vào.
– Sắp có món thịt hầm rồi. Nhà bếp sẽ mang ra hầu chư vị vào khoảng mười một giờ đêm. Sao các anh không nhảy hở?
– Chúng tôi thích món thịt hầm nhừ kia hơn điệu tango và điệu waltz cung đình này.
– Đúng là hai anh thích món ấy thật chứ?
– Còn có thứ gì tuyệt hơn thế!
– Tôi vui thật đấy. - Ông Vriesländer quay gương mặt lấm tấm mồ hôi về phía chúng tôi. - Thời buổi bây giờ cũng hiếm trò gì làm ta vui được, phải thế không hai anh bạn?
– Ngài mà cũng nói thế sao, ngài Vriesländer?
– Đúng thế đấy. Tôi hoàn toàn không thể nào rứt ra khỏi cái cảm giác khó chịu của nỗi lo âu. Hoàn toàn không thể. Anh nghĩ là tôi dễ dàng khoác cho mình một cái tên lạ hoắc lắm sao, hở anh Kahn. Chính về phương diện này một mối lo âu cứ gặm nhấm tôi mỗi ngày.
– Nhưng tự ngài muốn thay đổi tên tuổi cơ mà, thưa ngài Vriesländer! - Kahn lưu ý ông chủ nhà một cách nhẹ nhàng. - Và nếu cái tên mới không làm ngài cảm thấy thoải mái, ngài có thể cải tên họ một lần nữa, có sao đâu?
– Anh cho rằng có thể làm như vậy được à?
– Ở cái xứ sở tuyệt vời này làm việc ấy dễ dàng hơn bất cứ ở đâu khác. Ở đây người ta coi việc này như một điều hết sức tự nhiên, nhiều người đã thay đổi họ tên vài ba lượt trong cuộc đời. Vì cơn cớ gì mà cứ phải buồn nhớ cái quá khứ của mình cơ chứ, trong khi cái quá khứ đó từ lâu cũng đã thay hình đổi dạng rồi? Các vị bác sĩ đã chứng minh rằng cơ thể con người ta cứ bảy năm lại đổi mới một lần, y như rắn lột xác.
Trên gương mặt Vriesländer nở một nụ cười nhân hậu.
– Anh quả là cả một kho báu đấy, anh Kahn ạ! - Ông ta nói và đi đến với một nhóm khách khác.
– Nhìn kìa, Carmen đang nhảy! - Kahn nói.
Tôi quay đầu lại và nhìn thấy cô gái đang nhảy uyển chuyển, nhẹ nhàng trong vòng tay của một sĩ quan Mỹ trẻ trung.
Bóng Tối Thiên Đường Bóng Tối Thiên Đường - Erich Maria Remarque Bóng Tối Thiên Đường