Fear keeps us focused on the past or worried about the future. If we can acknowledge our fear, we can realize that right now we are okay. Right now, today, we are still alive, and our bodies are working marvelously. Our eyes can still see the beautiful sky. Our ears can still hear the voices of our loved ones.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Tô Hoàng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 325 / 27
Cập nhật: 2020-04-04 20:27:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
ại nhà Silvers, thoạt tiên tôi cần phải lập bảng danh sách tất cả những bức tranh mà ông ta đã bán rồi và ghi lên từng bức ảnh chụp tên tuổi người họa sĩ.
– Cái khó nhất, - Silvers nói, - là việc xác định các bức tranh cũ là giả hay thực. Không bao giờ được quá tin vào tính đích thực của chúng. Các bức tranh cũng giống như các nhà quý tộc ấy. cần phải tìm hiểu gia hệ của các bức tranh ấy cho đến tận người họa sĩ đã vẽ ra chúng. Và sự tìm hiểu này phải liên tục, không được đứt quãng: từ nhà thờ X đến ông hồng y giáo chủ A, từ bộ sưu tập của công tước Y đến ông trùm tư bản sản xuất cao su Rabinowitz hoặc ông vua ô tô Ford. Không được để một khoảng thủng nào cả.
– Nhưng sao phải làm thế khi ta đã biết rõ về chúng?
– Có thể chúng ta biết, nhưng ngành nhiếp ảnh chỉ xuất hiện vào cuối thế kỉ XIX. Thế nhưng không phải tất cả các bức tranh cổ đều có bản sao để mà rà soát lại. Thường ta buộc phải bằng lòng với những kiến giải, - Silvers nhếch mép cười độc địa, - và những kết luận của cánh nghiên cứu nghệ thuật.
Tôi dồn các tấm ảnh thành một đống. Phía trên cùng là những tấm ảnh màu chụp bức tranh của Manet - một bức tĩnh vật không lớn lắm: những bông hoa mẫu đơn cắm trong một cốc nước. Hoa và nước được vẽ nom như thật. Từ chúng toát ra vẻ tĩnh lặng và nguồn nghị lực bên trong - thật là một tác phẩm nghệ thuật chân chính! Có cảm giác như họa sĩ lần đầu tiên tạo ra những bông hoa này và trước đó hoa mẫu đơn chưa hề có trên đời.
– Anh có thích không? - Silvers hỏi tôi.
– Tuyệt vời.
– Hơn hẳn những bông hồng của Renoir treo ở kia chứ?
– Đấy hoàn toàn là một giá trị khác. - Tôi nói. - Trong nghệ thuật, nói đại thể, liệu có chỗ dung nạp cho hai tiếng “hơn hẳn” được chăng?
– Dung nạp được, nếu anh là một người buôn đồ cổ.
– Bức tranh này của Manet là một khoảnh khắc nảy sinh thi tứ, trong khi đó bức của Renoir là chính sự khai hoa, kết trái của cuộc đời.
Silvers lắc đầu.
– Nhận xét không tồi. Anh đã từng là nhà văn à?
– Tôi chỉ là nhà báo thôi, và là một nhà báo kém cỏi.
– Chính Chúa trời đã ra lệnh cho anh viết khảo luận về hội họa.
– Để làm việc đó sự hiểu biết của tôi về lĩnh vực này còn yếu kém lắm.
Trên gương mặt của Silvers lại một lần nữa xuất hiện cái cười nhếch mép độc địa.
– Anh cho rằng những người viết khảo luận về hội họa đều thông tỏ những tác phẩm hội họa lắm sao? Tôi xin nói với anh một điều bí mật như thế này: về các bức tranh nói chung là không nên viết gì cả. Tất cả những gì mà người ta viết về hội họa đều chỉ nhằm một mục đích làm rõ thêm sự ngu dốt của những người viết mà thôi. Không nên viết gì về nghệ thuật cả. Nghệ thuật chỉ có thể cảm nhận được mà thôi.
Tôi không phản đối gì nhận xét này.
– Và bán nữa! - Silvers nói thêm. - Có thể anh cũng đã nghĩ về điều này chứ?
– Không! - Tôi đáp, không tự dối lòng mình. - Mà do đâu ông lại nghĩ là chính Chúa trời ra lệnh cho tôi viết về những bức tranh? Mà chính ông vừa nói là không nên viết gì về chúng cả?
– Dẫu sao anh làm việc ấy cũng còn hơn chán một vạn anh nhà báo tồi.
– Rồi ông sẽ biết thôi.
Silvers phá lên cười:
– Anh giống như nhiều người châu Âu khác, suy nghĩ cực đoan lắm. Hoặc đây là đặc điểm của tuổi trẻ. Nhưng anh cũng đâu còn trẻ nữa. Nhưng mà giữa những thái cực kia dẫu sao vẫn tìm ra vô khối những hình mẫu, những sắc diện khác nhau, về điều này anh mang nhiều quan niệm chưa đúng đâu. Đây tôi từng muốn trở thành một họa sĩ. Và tôi đã được thỏa nguyện vọng. Tôi vẽ với tất cả nhiệt tâm vốn là thứ trời phú cho một họa sĩ tài năng cỡ trung bình. Nhưng bây giờ tôi là một anh buôn đồ cổ và tôi buôn bán tranh, buôn bán với toàn bộ sự vô liêm sỉ vốn cũng là của trời phú riêng cho những ai làm nghề nghiệp này. Thì sao nào? Tôi phản bội nghệ thuật vì tôi thôi không vẽ những bức tranh kém cỏi nữa hay tôi phản bội nghệ thuật vì tôi đi buôn bán tranh? Tôi đã suy nghĩ vào một ngày mùa hè ở New York. - Silvers bỗng im lặng. Rồi ông mời tôi hút thuốc. - Anh thử hút thứ thuốc lá này xem. Loại thuốc nhẹ nhất trong mọi thứ thuốc lá Havana. Anh thích thuốc lá không?
– Tôi hiểu biết rất kém về khoản này. Tôi hút tất cả mọi thứ thuốc có được trong tay
– Có thể ghen tị với anh được đấy.
Tôi ngẩng đầu ngạc nhiên.
– Ý kiến của ông quả là một điều mới mẻ đối với tôi. Tôi không nghĩ là lại có thể ghen tị vì một chuyện như vậy được.
– Mọi điều đối với anh còn đang ở phía trước: nào lựa chọn, nào sự tận hưởng khoái lạc và mãi mới tới sự no nê, chán chường. Cuối cùng chỉ còn lại sự chán chường. Cái bậc thang mà anh đặt chân lên bắt đầu đoạn đường đời của anh càng thấp thì anh càng lâu chán chường hơn.
– Theo ý ông, có lẽ nên bắt đầu từ những việc hung ác tàn bạo?
– Nếu có thể làm được như vậy.
Tôi nổi nóng thực sự. Tôi đã có diễm phúc được chứng kiến quá nhiều sự tàn bạo dã man. Những quan điểm mĩ học thính phòng kiểu này chọc ruột khêu gan tôi. Chỉ có thể đùa cợt với những ý nghĩ tầm bậy tầm bạ như vậy vào những thời kì thanh bình, yên ổn hơn thôi. Thậm chí với tám đô la một ngày tôi cũng không mong nghe được những lời ba hoa bậy bạ của lão. Tôi chỉ cho ông ta thấy chồng ảnh.
– Có lẽ với những bức tranh của các họa sĩ ấn tượng ta lĩnh hội được dễ dàng hơn các bức tranh của thời kì Phục hưng. - Tôi nói. - Dẫu sao những bức tranh này cũng đã được vẽ vài trăm năm sau. Degas và Renoir sống mãi đến tận Thế chiến I, riêng Renoir còn sống qua cả cuộc đại biến đó.
– Nhưng cũng lại xuất hiện không ít những bức tranh giả của hai danh họa này.
– Thế thì việc giám định một cách kĩ lưỡng là điều bảo đảm duy nhất phải không, thưa ông?
Silvers lại nhếch miệng cười:
– Giám định hoặc linh cảm. Cần phải biết tới cả trăm bức tranh. Ngắm chúng một lần rồi lần nữa. Và làm như vậy trong suốt nhiều năm. Xem tranh, nghiên cứu rồi so sánh, đối chiếu. Và lại xem lại.
– Đương nhiên là thế rồi! - Tôi nói. - Chỉ có điều tại sao nhiều ông giám đốc viện bảo tàng vẫn phạm sai sót trong những kết luận của họ?
– Một số vị thì do cố tình. Nhưng điều này cũng nhanh chóng bị phơi bày thôi. Một số khác trên thực tế đã phạm sai lầm. Vì sao à? Đấy, thế là chúng ta đã đi tới vấn đề về sự khác nhau giữa ông giám đốc viện bảo tàng và nhà thương gia. Ông giám đốc viện bảo tàng hiếm khi mua tranh và chỉ mua cho viện bảo tàng. Anh thương gia mua thường xuyên hơn và lúc nào cũng mua cho chính họ. Anh có cảm giác này không, chính ở chỗ này nổi lên sự khác biệt giữa họ với nhau? Nếu anh thương gia phạm sai sót chỗ nào đấy, anh ta sẽ bị mất tiền. Vị giám đốc thì được bảo đảm từng đồng xu lương. Vị ấy quan tâm đến những bức tranh thuần túy theo kiểu hàn lâm còn anh thương gia thì quan tâm về mặt tiền tệ. Lẽ tự nhiên là cái nhìn của anh thương gia sắc sảo hơn, anh ta ít liều mạng hơn.
Tôi bắt đầu chăm chú quan sát cái con người phục sức một cách hết sức trang nhã này. Bộ com lê và đôi giày của ông ta là hàng của Anh, chiếc sơ mi thuộc loại may ở một cửa hiệu nổi tiếng nhất tại Paris. Silvers thuộc hạng người no đủ hồng hào, lúc nào cũng thoang thoảng mùi thơm của nước hoa cologne Pháp. Tôi có cảm giác như ông ta cách ngăn với tôi bằng cả một bức tường kính. Tôi vẫn nghe được mọi điều ông ta nói, nhưng ông ta lại tựa như đang đứng ở đâu đó rất xa. Ông ta sống ở một thế giới tăm tối, bí ẩn nào đó - thế giới của những tên cường đạo và lũ thảo khấu, tôi tin vào điều này - nhưng phải nói thêm là bọn cường đạo thảo khấu này rất lịch thiệp và đầy thủ đoạn. Tất cả những gì ông ta vừa nói rất đúng mà lại cũng không đúng. Tất cả được trình bày ở dạng bị cắt xén, xuyên tạc đi một cách khủng khiếp. Mới thoạt tiếp xúc, Silvers để lại cho ta ấn tượng về một con người bình tĩnh, tự tin vào những ưu thế của bản thân, nhưng tôi lại có cảm giác như thế này, trong bất kì phút giây nào ông ta đều có thể biến thành một tay anh chị tàn nhẫn, sẵn sàng đạp qua xác người mà đi. Cái thế giới của ông ta rặt những điều giả dối. Ông ta được cấu thành bởi những chiếc bong bóng xà phòng của những câu nói cao ngạo và một tầm nhìn thiển cận đối với nghệ thuật, một lĩnh vực mà ông ta thông tỏ chỉ qua cái giá của đồng tiền. Một người thực sự yêu tranh không thể nào có thể buôn bán chúng cả. Là tôi nghĩ như vậy.
Silvers nhìn đồng hồ.
– Hôm nay thế là đủ. Tôi phải đi đến câu lạc bộ đây.
Tôi không mảy may ngạc nhiên vì ông ta vội vã tới nơi đó. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan niệm của tôi về sự hiện hữu của ông ta bên kia “bức tường kính”.
– Chúng ta sẽ tìm ra tiếng nói chung. - Silvers nói, tay vuốt chiếc li quần thẳng cứng.
Tôi vô tình ngắm đôi giày của ông ta. Một đôi giày quá sang. Mũi giày nhọn hơn cần thiết còn màu xi thì sáng hơn. Kiểu may của bộ com lê hơi có phần ngổ ngáo, còn chiếc cà vạt thì quá sặc sỡ và đắt tiền. Đến lượt chính ông ta đưa mắt liếc qua bộ áo quần của tôi.
– Anh mặc vậy không bức sao?
– Khi thật nóng tôi cởi áo khoác ra.
– Như vậy không tiện đâu. Anh hãy mua cho mình một bộ com lê bằng vải tropical. Những bộ đồ may sẵn của Mỹ rất bền. Ở đây ngay cả những nhà triệu phú cũng ít khi đặt may. Hãy mua ở cửa hiệu Anh em nhà Brook. Còn nếu anh muốn rẻ hơn thì tới cửa hiệu Browning và King. Với sáu chục đô la có thể có được một bộ nghiêm rồi.
Silvers rút từ trong túi ra một xấp tiền giấy. Tôi đã để ý từ trước là ông ta không có ví bao giờ.
– Đây - ông ta nói và chìa ra trước mặt tôi một trăm đô la. - Anh cứ coi đây là tiền tạm ứng.
Tờ một trăm đô la như nóng rực trong túi tôi. Tôi còn đủ thời gian để rẽ vào cửa hiệu Browning và King. Tôi rảo bước trên Đại lộ số Năm, thầm cảm ơn ông chủ mới. Tốt hơn cả là hãy găm tiền lại và sửa chữa bộ quần áo cũ đã. Nhưng lại không thể làm như vậy được. Chỉ vài ngày nữa thôi có lẽ Silvers sẽ hỏi tôi về bộ quần áo mới. Như thế là sau tất cả những bài giảng về nghệ thuật, về một chỗ ở tốt nhất cho một nhà tư bản, dẫu sao số vốn của tôi cũng đã tăng lên gấp đôi, tuy rằng tôi không lĩnh hội được bức tranh của Manet, điều này cũng không mấy quan trọng.
Một lúc sau tôi rẽ qua phố 54. Đi một đoạn tôi gặp một cửa hàng bán hoa không lớn lắm, ở đây có bán rất nhiều loại hoa phong lan rẻ tiền - có thể không được tươi lắm, nhưng không tinh ý cũng khó mà nhận ra. Ngày hôm trước Melikov đã ghi cho tôi địa chỉ cái hãng mà Natasha Petrovna đang làm. Đầu óc tôi lúc này đang rối tinh rối mù biết bao ý nghĩ. Tôi hoàn toàn không hiểu được Natasha là một người như thế nào: lúc thì cô ta đối với tôi là một người mẫu và là người theo chủ nghĩa sô vanh, lúc thì hình như chính tôi là một kẻ nhăng nhít tầm thường. Lúc này tựa như Chúa trời đã can thiệp vào cuộc sống của tôi. Tờ bạc một trăm đô la đang nằm trong túi tôi đã chứng minh điều đó. Tôi mua hai bình phong lan và gửi cho Natasha. Hai bình hoa chỉ đáng giá năm đô la, nhưng lại tạo ra ấn tượng hình như chúng đắt hơn nhiều.
Tại cửa hiệu Browning và King tôi chọn cho mình một bộ com lê bằng hàng nhẹ, màu xám.
– Tối mai chúng tôi xin gửi ông, - người bán hàng nói.
– Không thể lấy ngay hôm nay được sao?
– Muộn quá rồi.
– Tôi rất cần ngay buổi tối hôm nay, - tôi nài nỉ.
Thực ra tôi chẳng có việc gì mà cần gấp như vậy, nhưng tự nhiên cái ý định ngông cuồng đó xuất hiện và tôi cứ muốn nhận bộ com lê mới càng nhanh càng tốt. Tôi cứ nghĩ một cách xuẩn ngốc là tựa như với bộ đồ mới tôi có thể chấm dứt cái cuộc sống lưu vong, không nhà không cửa của tôi và bắt đầu bước vào một cuộc sống định cư chắc chắn và yên ổn.
– Cố gắng giúp đỡ tôi, - tôi kiên nhẫn yêu cầu.
– Để tôi vào hỏi các ông thợ xem sao.
Tôi đứng giữa những hàng quần áo dài thượt treo trên mắc, chờ đợi. Có cảm tưởng như các bộ quần áo từ bốn phía đang tiến về phía tôi trong điệu hành khúc, hệt như một đạo quân người máy đã đạt đến trình độ hoàn thiện có thể thay thế cho nhân loại. Người bán hàng đi qua đạo quân người máy kia và hiện ra trước tôi như một vật đã lỗi thời.
– Mọi chuyện ổn cả. Xin mời ông tới lấy vào lúc bảy giờ.
– Rất cảm ơn bác.
Tôi bước ra đường phố mù mịt bụi nóng.
Tôi tạt qua Đại lộ số Ba. Lowy-anh đang trang hoàng tủ kính bày hàng. Tôi hiện ra trước mắt anh ta với toàn bộ vẻ lộng lẫy của bộ com lê mới. Anh ta trố mắt nhìn tôi hệt như con cú trong đêm rồi khua khua cái giá cắm đèn trong tay mời tôi vào.
– Tuyệt! - Anh ta nói. - Đây thực là thành quả đầu tiên trong hoạt động của anh với tư cách là phụ tá của một tên bịp bợm.
– Không phải thế, tôi chỉ may bằng khoản tiền ứng trước của người mà anh đã giới thiệu tôi, ngài Lowy ạ.
Lowy cười nửa miệng.
– Cả một bộ com lê. Tiens.
Tiens (tiếng Pháp trong nguyên bản): Ôi chao!
– Thậm chí không còn đồng nào thừa. Ông Silvers khuyên tôi tới cửa hàng Anh em nhà Brook. Tôi đã chọn lựa một cửa hàng bình dân hơn.
– Anh có dáng vẻ của một con người phiêu lưu mạo hiểm.
– Cảm ơn anh. Có phần như thế đấy.
– Có cảm giác tựa như anh thu xếp mọi chuyện không đến nỗi nào! - Lowy nói lầm bầm và bắt đầu dựng bức tượng vừa sơn phết lại trên cái nền của chiếc giá bọc nhung. - Không có gì đáng ngạc nhiên khi anh không còn xuất hiện giữa đám buôn thúng bán mẹt chúng tôi nữa.
Tôi im lặng dõi theo anh ta. Té ra là cái anh chàng thấp nhỏ nhưng béo núc này đang ghen tuông đây, tuy chính anh ta xua đuổi tôi đến với Silvers.
– Anh sẽ vừa ý hơn nếu như tôi cướp phá gia sản của ông Silvers chắc? - Tôi hỏi.
– Giữa cướp phá và luồn lọt, quỵ lụy có ranh giới rõ ràng lắm.
Lowy đặt cái ghế kiểu Pháp vào vị trí. Cái ghế này chỉ có một nửa phần chân là đúng thứ hàng đồ cổ. Một thứ tình cảm ấm áp ùa ập đến trong lòng tôi. Từ rất lâu rồi không một ai đối xử với tôi bằng thứ tình cảm không vụ lợi như Lowy lúc này. Tôi đã suy ngẫm về điều ấy cách đây chưa bao lâu. Thế giới đầy ắp những con người tốt bụng, nhưng người ta nhận ra điều đó chỉ khi họ gặp tai họa. Và điều này giống như một sự bù trừ cho con người ta vào những giờ phút khó khăn trong cuộc đời. Trong những giờ phút tuyệt vọng, chán chường ấy có một sự cân đối kì lạ xuất hiện, buộc ta phải tin vào một vị thánh tuy ngồi ở đâu đó rất xa, ta không rõ dung nhan, hình hài nhưng lại tự động điều khiển tất cả. Nhưng cũng chỉ trong những giờ phút thất vọng, chán chường thôi. Ngoài ra ta không bao giờ còn gặp được cảm giác đó nữa.
– Có điều gì mà anh nhìn tôi chòng chọc như thế? - Lowy hỏi.
– Anh là một người thực đáng mến, - tôi thốt lên tự đáy lòng, - hệt như cha đẻ của tôi!
– Cái gì cơ?
– Nghe tức cười phải không? Nhưng tôi nói thật đấy.
– Cái gì cơ? - Lowy hỏi lại. - Nên nghĩ là hiện nay mọi điều ở anh đang diễn ra một cách thuận buồm xuôi gió và chính vì thế anh đâm ra hơi vớ vẩn, lẩn thẩn đấy. Nhưng cũng đáng yêu. Anh thích điều gì ở cái con kí sinh sống gửi ấy nào? - Lowy phủi bụi ở lòng bàn tay. - Có lẽ ở chỗ ông ta anh không buộc phải làm những công việc đen tối, có đúng vậy không? - Lowy liệng cái khăn bẩn lên tấm rèm trên đống đồ chạm trổ của Nhật. - Thế nào, ở bên đó khá hơn ở bên này chứ?
– Không, - tôi đáp.
– Tôi cũng tin là như vậy!
– Ở bên ấy nói đơn giản ra là mọi việc khác hẳn bên này, ngài Lowy ạ. Khi đưa mắt nhìn những bức tranh tuyệt tác, tất cả những bức tranh khác đều lùi xuống hàng thứ hai. Thêm vào đó, những bức tranh không phải là giống kí sinh ăn bám!
– Những bức tranh là những vật hi sinh, - Lowy-anh bỗng thốt ra với giọng bình tĩnh thật bất ngờ. - Cứ thử hình dung xem, những bức tranh kia sẽ phải chịu đựng những số phận như thế nào, dù tự thân chúng mang những giá trị tinh thần, trí tuệ cao! Thế mà người ta buôn bán chúng hệt như buôn bán những người nô lệ. Người ta bán tranh cho những tên buôn bán vũ khí, cho cánh nhà binh, cho những ông chủ công nghiệp, cho những kẻ đi trút bom xuống đầu người khác! Với những đồng tiền bết máu người, bọn người ấy có được trong tay những bức tranh toát ra sự bình yên và thanh thản.
Tôi ngước nhìn Lowy.
– Thôi được, - Lowy nói. - Cứ cho đấy là một cuộc chiến tranh khác đi, nhưng liệu có đúng là nó khác như thế không đối với giống kí sinh ăn bám kia! Mục đích của bọn chúng là kiếm tiền, là làm sao cho mau chóng phát tài. Cuộc chiến kia diễn ra ở đâu và như thế nào đối với bọn chúng cũng vô nghĩa cả thôi. Nếu cần và có thể được, chúng sẵn sàng làm những con quỷ… - Lowy bỗng lặng ngắt. - Julius đang tới, - anh ta thì thào, - lại còn mặc áo vét nữa. Chết thật!
Lowy-em không mặc áo vét. Chúng tôi nhìn thấy Lowy-em vào cái giây lát anh ta đang rời khỏi khúc phố tắm mình trong ánh nắng vàng vọt và nồng nặc mùi xăng, mùi hơi ga. Lowy-em mặc tấm áo khoác Marengo màu sẫm, quần vải sọc, đầu đội mũ nồi và tôi thật ngạc nhiên khi thấy anh ta đi ủng.
Tôi xúc động ngắm nghía đôi ủng kia bởi vì từ thời trước khi Hitler xuất hiện tôi chưa được thấy vật gì giống vậy.
– Julius! - Lowy-anh kêu to. - Đứng lại, đợi đấy. Anh nói lần cuối: hãy nghĩ đến người mẹ tội nghiệp của chúng ta.
Lowy-em chậm rãi bước qua ngưỡng cửa.
– Tôi đã nghĩ đến mẹ. Và anh không thể đe dọa tôi đâu, tên phát xít Do Thái!
– Julius, hãy biết sợ Chúa chứ. Chả lẽ anh không muốn những điều tốt lành cho em sao? Chả lẽ anh chưa hề quan tâm, chăm sóc em như một người anh sao? Chả lẽ anh chưa từng giúp đỡ em khi em bị bệnh hay sao?
– Chúng tôi là anh em sinh đôi. - Julius quay về phía tôi nói. - Tôi đã nói với anh là anh tôi chỉ ra đời trước tôi có ba tiếng đồng hồ thôi.
– Ở trường hợp khác thì ba tiếng còn có nghĩa hơn cả một cuộc đời. Em luôn là một kẻ mộng mơ, em như không sinh ra từ thế giới này. Anh buộc phải luôn luôn để mắt tới em. Em biết không, anh luôn luôn nghĩ tới hạnh phúc của em. Ấy thế mà bỗng nhiên em đối xử với anh như đối với một kẻ thù đáng phỉ nhổ.
– Tại vì tôi muốn lấy vợ.
– Tại vì đến Chúa cũng chẳng hiểu nổi em định se duyên kết tóc với một kẻ như thế nào chứ! Anh Ross, anh hãy để mắt nhìn nó kìa. Nom có tội nghiệp chưa. Nó đứng kia tựa như chuẩn bị để nhấc bỏ ngay thanh rào cản chắn ngang đường. Julius! Julius! Tỉnh lại đi! Đừng vội. Anh Ross có thấy không, nó cứ muốn phải thực hiện mọi lời đề nghị theo toàn bộ các luật lệ phép tắc, hệt như một nhà cố vấn thương mại ấy. Người ta đổ vào đầu em quá nhiều chuyện yêu đương vớ vẩn rồi. Hãy nhớ lại mối tình của Tristan và Isolde cùng nỗi bất hạnh mà họ phải hứng chịu. Thế mà em lại gọi anh ruột của mình là tên phát xít vì anh ta không muốn em hành động không đúng. Julius, anh chỉ muốn em lấy một cô gái Do Thái bình thường thôi.
– Tôi không cần một cô gái Do Thái bình thường. Tôi muốn lấy cô gái mà tôi yêu!
– Không! Không đời nào! Anh thử nghĩ xem nó đòi yêu con bé ấy đấy Julius, mày hãy nhìn xem mày nom giống kẻ nào hở? Anh Ross, nó định cầu hôn với con bé ấy đấy. Anh hãy nhìn nó xem, anh Ross!
– Tôi chả biết giúp anh và anh Julius ra sao. - Tôi nói. - Tôi đang có bộ com lê mới. Bộ com lê dành cho tên trợ lí của một gã bịp bợm. Đúng như thế không, anh Lowy?
– Tôi đùa đấy mà!
Một lúc sau cuộc trò chuyện của hai anh em nhà Lowy đã bình tĩnh, ôn tồn hơn. Julius không gọi anh mình là tên “phát xít Do Thái” nữa. Thay vào đó anh ta gọi anh trai là “tên phục quốc Do Thái”, sau nữa là “người cuồng tín trong chuyện gia đình”. Trong cơn tức giận, Lowy-anh đã phạm một sai lầm có tính chất chiến lược: anh ta lôi tôi vào cuộc.
– Liệu anh có lấy một cô gái Do Thái làm vợ không?
– Tại sao lại không? - Tôi hỏi anh ta. - Khi tôi mười sáu tuổi bố tôi khuyên tôi nên lấy vợ Do Thái. Nếu làm khác đi, tôi sẽ chẳng còn ra hồn người đâu.
– Thấy chưa? - Julius nói vẻ đắc thắng.
Cuộc tranh cãi lại bùng nổ với một sức mạnh mới. Nhưng nhờ vào đức tính kiên nhẫn của mình, Lowy-anh đã áp đảo được ông em lãng mạn, si tình kia. Tôi không mong điều gì khác hơn thế nữa. Nếu giả như Julius cứ khăng khăng một mực đòi lấy cô gái kia, anh ta sẽ chẳng xuất hiện ở đây, khoác cái áo Marengo kia, mà sẽ đi ngay đến với nữ chúa của mình với bộ tóc hung được nhuộm cho đen lại như Lowy-anh đã dự kiến. Việc thuyết phục anh chàng đừng nên cầu hôn vội hóa ra không phải là một việc khó.
– Em chẳng mất gì cả đâu! - Lowy-anh an ủi Julius. - Cần suy nghĩ lại mọi việc cho sâu sắc hơn thôi.
– Nhưng nếu cô ấy tìm được người khác thì sao?
– Không tìm được đâu, Julius. Chẳng phải vô ích em cũng đã hành nghề này với anh ba mươi năm nay. Chả lẽ chúng ta chưa từng cam đoan với khách hàng đến cả nghìn lần là món hàng họ đang kén chọn đã có nhiều người khác muốn lấy ngay trưa nay hoặc chiều nay, nhưng đó chỉ là một thủ thuật khôn khéo mà thôi. Nào, em đi vào trong kia và cởi ngay cái áo vớ vẩn kia ra!
– Không! - Julius phản đối gay gắt không ngờ. - Tôi đã mặc nó rồi, tôi không cởi ra đâu.
Lowy-anh lo ngại chuyện rắc rối kia lại tái diễn.
– Thôi được, tùy ý em. - Anh ta nói với sự nhượng bộ.
– Chúng ta đi đâu bây giờ? Hay đi xem chiếu bóng? Xem bộ phim có Paulette Goddard thủ vai.
– Đi xem phim sao? - Julius tiếc rẻ nhìn chiếc áo khoác màu sẫm của anh. Trong rạp hát tối om, sẽ không ai nhìn thấy cái áo đó.
– Thôi được, Julius. Thế thì chúng ta tới nhà hàng vậy. Chọn nhà hàng sộp nhất. Ta sẽ đặt món ăn ngon nhất. Gan gà chiên chẳng hạn. Tráng miệng với kem và cam tươi. Em muốn đi đâu, anh chiều đấy.
– Đến khách sạn Người Láng Giềng. - Julius tuyên bố một cách dứt khoát.
Lowy-anh thoáng suy nghĩ tựa như để hiểu rõ hơn điều vừa nghe được.
– Nào, muốn Người Láng Giềng thì tới Người Láng Giềng.
– Anh ta quay sang tôi. - Anh Ross, xin mời anh đi cùng anh em tôi. Hôm nay nom anh rất bảnh. Cái gói gì của anh thế?
– À, bộ đồ cũ.
– Thế thì để nó lại ở đây. Anh sẽ tới lấy sau.
Tôi trở về khách sạn Reuben gần mười giờ khuya.
– Có ai gửi cho anh cái túi kia kìa. - Melikov báo tin. - Nếu tôi không nhầm trong đó có chai rượu.
Tôi mở chiếc túi giấy ra.
– Lạy Chúa! - Melikov kêu lên. - Vodka Nga thứ thiệt!
Tôi nhìn trong ngoài cái túi giấy. Không có một dòng chữ nào ngoài chai rượu.
– Anh có nhận thấy chai rượu không còn đầy không? - Melikov hỏi tôi. - Tôi không có lỗi trong chuyện vơi đầy đâu đấy nhé!
– Tôi biết. - Tôi nói. - Có ai đó đã uống đi hai cốc lớn. Uống chứ? Một ngày gì đâu!
Bóng Tối Thiên Đường Bóng Tối Thiên Đường - Erich Maria Remarque Bóng Tối Thiên Đường