How many a man has dated a new era in his life from the reading of a book.

Henry David Thoreau, Walden

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Tô Hoàng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 325 / 27
Cập nhật: 2020-04-04 20:27:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
rước khi bắt tay vào công việc của mình, tôi được nghỉ ba ngày. Vào ngày nghỉ đầu tiên tôi đã đi dạo qua suốt Đại lộ số Ba vào cái thời khắc mà tôi yêu thích nhất, tức trước khi trời nhập nhoạng tối. Lúc ấy trong các cửa hiệu bán đồ cổ thời gian như ngưng lại, ráng chiều phảng phất màu xanh và những tấm kính long lanh như mang hơi thở của sự sống. Từ các khách sạn thoảng bay ra mùi thơm của hành phi, khoai tây rán, những người hầu bàn đang trải khăn ăn và những con tôm hùm được ướp đá bày trong những ngăn tủ kính lớn của cửa hàng Ông Hoàng Biển Cả đang thử bò lết đi bằng những cái càng què cụt vì bị quấn chặt bởi những chiếc lạt tre. Nhìn cái thân hình vồng lên vì đau đớn của chúng, tôi không khỏi rùng mình khi chợt nhớ đến những gian phòng tra tấn ở các trại tập trung trên đất nước của các nhà thơ, các nhà tư tưởng.
– Ông Göring sẽ không bỏ qua những trò tương tự đâu! - Kahn nói. Anh ta đi tới bên một chiếc tủ kính bày những con cua thật to.
– Anh đang nói về những con tôm hùm sao? Những con cua cũng chịu cực hình xé xác ra làm bốn mảnh đấy.
Kahn gật gù.
– Đế chế thứ Ba thường tự đề cao mình bằng tình yêu loài vật. Con chó béc-giê của quốc trưởng tên gọi là Blondi, quốc trưởng âu yếm, vuốt ve nó như con đẻ. Ngài Göring và mụ đàn bà tóc vàng Emmi Sonnemann của ngài đã nuôi tại dinh cơ của họ ở Walhalla một chú sư tử con. Thỉnh thoảng ngài Göring lại mặc sắc phục của người Đức cổ, bên hông lủng lẳng chiếc tù và của người đi săn, ngài đến thăm con sư tử với nụ cười hiền lành, dịu dàng. Còn ông cai của tất cả các trại tập trung, ngài Heinrich Himmler thì lại biểu lộ sự gắn bó hết sức dễ thương với những chú mèo Angora.
– Nhìn thấy những con cua bị bóc yếm, lột mai kia ngài bộ trưởng bộ nội vụ có thể nghĩ ra một sáng kiến hiệu quả nào đấy không biết chừng. Mà này, như một con người có văn hóa, thậm chí còn là bác sĩ nữa, ông ta đã khước từ không sử dụng máy chém, coi nó là một biện pháp trừng phạt quá nhân đạo. Ông ta đã thay máy chém bằng lưỡi rìu. Có lẽ bây giờ ông ta quyết định sẽ bóc mai, lột yếm những người Do Thái như những con cua kia.
– Dẫu sao thì chúng ta cũng là một chủng loại mà thuộc tính ban đầu của nó là sự thân ái… - Kahn nói lửng lơ.
– Lại cũng còn một thuộc tính khác có tự ngàn xưa, đó là sự hí hửng vui sướng khi được làm cho người khác đớn đau, ê chề.
– Chả lẽ chưa đến lúc cái thuộc tính đó phải chấm dứt sao? - Kahn hỏi. - Nụ cười của chúng ta đã héo hắt, sầu muộn lắm rồi.
Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau hệt như hai cậu học trò bị bắt quả tang đang làm việc gì đó vụng trộm.
– Tôi không biết còn có chuyện gì xảy ra nữa vì cái tính ác kia. - Kahn nói lầu bầu trong miệng.
– Chỉ có chúng ta cảm thấy nhục nhã thôi ư?
– Tất cả mọi người. Sau khi thứ cảm giác đầu tiên, cảm giác hời hợt khi được chở che, bao dung tan biến đi, anh không còn thích chơi trò trốn tìm với chính anh nữa. Anh nhượng bộ, mối hiểm họa đang rượt đuổi theo anh. Mối hiểm họa kia càng lớn bao nhiêu, anh càng cảm thấy cần được che chở, cần được bảo vệ bấy nhiêu. Tôi ghen tị với những kẻ giống như loài kiến không hề biết chán nản, mệt mỏi, ngay sau trận dông lại bắt tay ngay vào việc xây dựng cái tổ của mình, gia đình, tương lai của mình. Mối hiểm họa lớn nhất đang treo lơ lửng trên đầu và con người ta đang chờ đợi nó.
– Cả anh nữa chứ?
Kahn nhìn tôi giễu cợt.
– Chả lẽ anh, anh Ross, không đợi nó chắc?
– Đợi chứ! - Tôi nói sau một lát im lặng.
– Tôi cũng vậy. Vì sao thế nhỉ?
– Tôi không rõ vì sao.
– Mỗi một người đều có nguyên do của mình. Tôi chỉ lo là khi chiến tranh kết thúc, những nguyên do này sẽ bay hơi đi như nước nhỏ lên mặt bếp lò. Và chúng ta lại mất một số năm tháng trước khi bắt đầu mọi việc lại từ đầu. Những người khác sẽ vượt lên trước chúng ta trong khoảng thời gian này.
– Thì có sao? - Tôi ngạc nhiên hỏi. - Cuộc đời không phải là cuộc đua vượt chướng ngại vật.
– Anh nghĩ thế sao? - Kahn hỏi.
– Vấn đề không phải là ở chỗ đua chen nhau. Đa số trong chúng ta mong sao được trở về quê hương thôi. Chả lẽ tôi không đúng sao?
– Theo tôi không một ai biết được điều này một cách đích xác cả. Một số người cần phải trở về. Ví như các diễn viên. Ở bên này họ chẳng chờ mong một điều gì cả, họ không bao giờ cảm thấy nhu cầu cần thiết phải học tiếng Anh cho thấu đáo. Các nhà văn cũng thế. Tại Mỹ người ta không đọc sách của họ. Nhưng phần đông thì có những nguyên do khác, hoàn toàn khác. Đấy là nỗi nhớ da diết không thể nào hiểu nổi về quê cha, đất mẹ. Một nỗi nhớ không cách gì xoa dịu được. Quỷ tha ma bắt thế đấy.
– Tôi đã mục kích thứ tình yêu cổ kính, mù quáng ấy đối với nước Đức, - tôi nói. - Chứng kiến nó ở Thụy Sĩ. Có một anh Do Thái làm cố vấn thương mại, tôi muốn vay anh ta một số tiền. Anh ta không đưa nhưng lại cho tôi một lời khuyên tốt đẹp: hãy trở về nước Đức. Báo chí luôn bịp bợm. Còn nếu có điều gì đó đúng đắn thì đấy chỉ là hiện tượng nhất thời, hoàn toàn không có sự nghiêm chỉnh cần thiết. Đẵn gỗ tránh sao khỏi mảnh văng. Tuy nhiên chính người Do Thái cũng có tội trong nhiều phương diện. Tôi đã nói tôi từng ngồi ở trại tập trung. Và lúc đó anh Do Thái kia lại giảng giải cho tôi hay người ta không giết ai mà không có nguyên cớ đâu và chính xác cái việc tôi thoát khỏi trại, theo lời anh ta lại là một chứng cớ nữa nói lên sự đúng đắn, công bằng của bọn Quốc xã.
– Tôi cũng biết khá rõ loại người như vậy. - Kahn nhăn mặt nói. - Họ không nhiều, nhưng dẫu sao cũng có thể gặp được.
– Thậm chí ngay ở nước Mỹ này. - Tôi nhớ tới ông luật sư của tôi. - Một con chim cúc cu, - tôi nói.
Kahn cất tiếng cười.
– Một chú chim cúc cu! Không có gì tồi tệ hơn những thằng ngốc. Quỷ tha ma bắt chúng đi!
– Lũ ngu ở nước ta cũng vậy.
– Ưu tiên số một là lũ ngu ở nước ta. Nhưng có thể chúng ta sẽ trở thành những con cua bị bóc mai, lột vỏ kia!
Tôi gật đầu.
– Cho phép tôi được mời anh đến khách sạn để ăn cua và quên đi mọi điều không như ý kia. Ở đó anh sẽ cảm thấy mình không còn là kẻ nghèo đói chuyên nghiệp nữa. Hoặc là một kẻ ăn bám lương thiện, nếu anh ưa dùng từ này.
– Không điều gì có thể làm anh lãng quên toàn bộ những lỗi lầm vì lẽ anh vẫn còn sống, toàn bộ những nỗi thống khổ khi quê hương yêu dấu đã xua đuổi chúng ta. Nhưng tôi xin nhận lời mời của anh. Và cho phép tôi đến lượt mình mời anh một chai rượu New York. Trong một khoảnh khắc ngắn chúng ta lại một lần nữa cảm thấy mình là những con người.
– Thế theo ý của anh, chúng ta ở đây không phải là những con người sao?
– Là con người với tỉ lệ chín phần mười.
Kahn móc từ trong túi ra một mảnh giấy màu hồng.
– Hộ chiếu! - Tôi thốt lên với niềm kính trọng.
– Không. Giấy chứng nhận dành cho người nước ngoài là công dân của các quốc gia thù địch. Đấy, ở đây chúng ta được gọi như thế.
– Như thế là vẫn hãy còn những con người chưa có giá trị đầy đủ, - mở tờ bìa ghi thực đơn, tôi nói.
Buổi tối chúng tôi đến gặp chị Betty Stein. Chị vẫn chung thủy với những thói quen thời còn sống tại Berlin. Vào buổi tối thứ năm hằng tuần chị mời khách khứa tới nhà chơi. Ai có ít tiền thì mang tới một chai rượu vang, một bao thuốc hoặc một lọ mứt. Chị Betty có một chiếc máy hát và những chiếc đĩa cũ. Những bài hát do ca sĩ Richard Tauber biểu diễn cùng dàn hợp ca của nhà hát opera. Đôi khi có một người nào đó trong số các nhà thơ đọc những vần thơ của mình. Nhưng phần lớn thời giờ trong phòng khách của chị Betty là dành cho các cuộc tranh luận.
– Chị ấy có những dự định tốt đẹp. - Kahn nói. - Nhưng dẫu gì đi nữa đấy cũng chỉ là một ngôi nhà xác, ở đó những người sống hay nói đúng hơn là những cái xác còn biết cử động đang đi lại, nói năng giữa những cái xác đã lạnh ngắt từ lâu rồi. Thế mà chính họ lại không có ý thức về điều này.
Chị Betty vận một chiếc áo dài bằng lụa đã cũ, được may trước thời Hitler lên cầm quyền. Chiếc áo màu hoa cà, tà áo, ống tay áo viền tua rua. Chiếc áo kêu sột soạt, bốc lên mùi băng phiến. Cặp má đỏ hồng, mái tóc đã ngả bạc, cặp mắt đen lay láy - toàn bộ cái vẻ ấy ở chị hoàn toàn không ăn nhập gì với tấm áo chị mang trên người. Chị Betty chìa đôi tay béo múp míp ra đón chúng tôi. Mọi cử chỉ của chị thể hiện sự nồng nhiệt và lòng mến khách đến độ khách khứa chỉ còn biết đáp lại bằng nụ cười và lời khen rằng bà chủ rất duyên dáng, đáng mến. Không thể không cảm mến chị được thật. Chị xử sự tựa như bầu không khí năm 1933 bỗng như sống lại. Cái hiện thực tồn tại suốt cả tuần lễ, ngoại trừ ngày thứ năm. Vào những buổi tối thứ năm chúng tôi lại một lần nữa trở lại Berlin và gặp lại bản hiến pháp của nền Cộng hòa Weimar với toàn bộ sức mạnh của chúng.
Trong gian phòng lớn, trên tường treo chân dung của những người quá cố, khách khứa kéo đến đông đặc. Diễn viên Otto Wieler đang đứng với nhóm người hâm mộ anh ta.
– Anh ta đã chiếm lĩnh Hollywood rồi! - Chị Betty xuýt xoa, giọng đầy tự hào. - Anh ấy đã gây dựng được thanh thế.
Có thể thấy rõ Wieler không hề phản đối buổi lễ mừng anh ta hôm nay.
– Người ta giao cho anh ấy vai gì? - Tôi hỏi chị Betty. - Vai Othello? Hay là một trong số vai anh em nhà Karamazov?
– Một vai cực lớn. Tôi không biết chính xác là vai nào. Nhưng anh ấy đã nắm thắt lưng tất cả bọn họ. Niềm vinh quang của Clark Gable đang đợi anh ấy.
– Hoặc của Charles Laughton, - cô cháu của Betty, một cô gái già, cao ngồng đang chế cà phê vào các chén, nói chen vào. - Nói đúng ra phải là của Charles Laughton. Ông ấy là một diễn viên rất có tính cách.
Kahn cười châm chọc.
– Vai không đến nỗi lớn lao đến thế đâu, - anh nói. - Vả lại ở châu Âu Wieler cũng chưa bao giờ là diễn viên tầm cỡ khổng lồ như mọi người nói. Các vị còn nhớ câu chuyện có một người tìm tới quán nhậu ban đêm của dân di tản người Nga ở Paris không? Ông chủ quán quyết định gây cho vị khách kia một ấn tượng mạnh. Vì thế ông ta nói: “Đầu bếp tại quán của chúng tôi trước kia đã từng là một vị tướng, người hầu bàn là một bá tước, còn anh ca sĩ này trước kia là một công tước giàu có…” và cứ thế, cứ thế. Vị khách lặng lẽ lắng nghe. Cuối cùng ông chủ quán cất tiếng hỏi rất lịch sự, tay chỉ con chó mà vị khách kia đang giữ một đầu xích trong tay: “Xin quý khách làm ơn cho biết, con chó đáng yêu kia thuộc nòi chó nào ạ?” “Con chó của tôi, - ông khách đáp, - xưa kia ở Berlin thuộc loại chó Saint Bernard khổng lồ.” - Kahn mỉm cười buồn rầu. - Wieler trên thực tế chỉ được giao một vai hết sức phụ. Ông ta thủ vai một tên Quốc xã, một tên SS trong một bộ phim loại hai thôi.
– Chả lẽ như vậy sao? Ông ta là dân Do Thái cơ mà.
– Thì đã sao nào? Con đường đến Hollywood đâu phải là con đường sám hối. Thêm nữa, ở đấy người ta coi những tên SS và người Do Thái cũng mang một gương mặt thôi. Đây cũng là lần thứ năm một người Do Thái thủ vai một tên SS. - Kahn nói. - Thật là một sự vô tư của nghệ thuật. Gestapo bằng cách gián tiếp ấy đã cứu những người Do Thái khỏi chết đói.
Betty báo tin là buổi tối hôm nay bác sĩ Gräfenheim sẽ tới New York. Nhiều người có mặt ở đây có quen biết ông ta, ông đã từng là bác sĩ phụ khoa nổi tiếng ở Berlin. Một trong những phương pháp tránh thai đã mang tên ông ta. Kahn giới thiệu tôi với ông. Gräfenheim là một người cao gầy, vẻ khiêm nhường với bộ ria đen.
– Hiện giờ ông đang làm việc ở đâu? - Kahn hỏi ông ta. - Ở đâu ông có thể thực nghiệm được?
– Thực nghiệm à? - Gräfenheim ngạc nhiên. - Tôi còn chưa qua kì thi. Khó lắm. Liệu anh có thể lại tìm ra chứng chỉ đã tốt nghiệp trung học được không?
– Chả lẽ người ta còn yêu cầu ông nộp những giấy tờ như vậy sao?
– Cần phải nộp hết các giấy tờ từ đầu. Lại còn món tiếng Anh nữa.
– Nhưng ông đã là bác sĩ nổi tiếng cơ mà. Mọi người đều biết đến ông. Và nếu ở Mỹ có những luật lệ như vậy ông phải được hưởng ngoại biệt.
Gräfenheim nhún vai.
– Không như thế đâu. Ngược lại thì có. Nếu so sánh với người Mỹ người ta đặt ra trước chúng ta nhiều điều kiện khó khăn hơn. Chính anh cũng đã biết tất cả mọi việc diễn ra như thế nào rồi. Quả là nghề nghiệp của bác sĩ sẽ cứu mạng sống của bất kì ai. Nhưng khi đã đặt bước chân vào con đường hành nghề, họ lại chỉ lo bảo vệ cuộc đời của chính họ và không cho phép bất cứ một người lạ nào lọt vào giới của họ cả. Thế đấy, chúng tôi buộc phải thi lại tất cả một lần nữa. Thi cử bằng tiếng nước ngoài quả là một công việc không dễ dàng gì. Tôi đã sáu mươi tuổi rồi. - Gräfenheim mỉm cười như người có tội. - Cần phải học tiếng Anh. Lại nữa, tất cả chúng ta sống chẳng dễ thở gì. Sau đó tôi còn phải mất một năm thực tập với tư cách là nghiên cứu sinh. Nhưng chí ít ra tôi cũng được nuôi cơm và có một mái nhà che nắng che mưa trên đầu…
– Ông có thể kể cho chúng tôi nghe toàn bộ sự thật. - Chị Betty cương quyết cắt ngang lời ông già. - Hai anh Kahn và Ross sẽ hiểu ông. Mọi chuyện là ở chỗ ông đã bị cuỗm sạch bách. Một tên mạt rệp, cũng là một người lưu vong đã vơ vét sạch của bác sĩ.
– Nghe tôi nói này, Betty…
– Đúng thế. Một vụ cướp trắng trợn. Ông Gräfenheim đây có một bộ sưu tập tem vô giá. Một phần của bộ sưu tập này ông đã trao cho một người bạn đã rời Đức từ lâu rồi. Ông bạn kia có trách nhiệm phải gìn giữ số tem ấy. Nhưng khi Gräfenheim tới đây ông bạn kia giở trò tráo trở. Ông ta tuyên bố là không hề nhận một thứ gì bác sĩ nhờ giữ hộ cả.
– Một chuyện cũ rồi! - Kahn nói. - Thông thường những đồ vật không có chủ đi kèm khi qua biên giới sẽ bị tịch thu.
– Tên vô lại kia hóa ra là ranh ma hơn. Nếu nó cứ thú nhận đã cầm số tem kia thì mọi chuyện có thể khác đi. Ông Gräfenheim đây sẽ có một số cái cớ đòi nó phải đền bù.
– Không như thế đâu, chị Betty ơi. - Kahn nói. - Chẳng có cớ nào cả. Ông không đòi hắn phải viết giấy biên nhận phải không? - Kahn hỏi ông bác sĩ.
– Tất nhiên tôi không đòi. Thật không ngờ được. Khi tôi chuyển giao số tem cho hắn nhiều người cũng biết.
– Thêm vào đó hiện giờ tên lừa đảo kia sống sung túc, còn ông bác sĩ đây đang đói. - Betty phẫn nộ nói.
– Không đến nỗi đói… Nhưng tất nhiên tôi đã trù tính sẽ dùng số tiền kia để chu toàn việc học lần thứ hai của tôi.
– Xin ông cho biết liệu tên kia nuốt đi của ông bao nhiêu cả thảy? - Betty khăng khăng yêu cầu ông bác sĩ nói hết.
– Chị biết đấy, - ông bác sĩ mỉm cười bối rối, - đấy là những con tem quý hiếm nhất của tôi. Tôi nghĩ là bất cứ người sưu tập nào cũng sẵn sàng trả cho số tem đó sáu, bảy nghìn đô la.
Chị Betty cũng đã biết rõ câu chuyện này, nhưng đôi mắt anh đào của chị vẫn mở to ngạc nhiên.
– Thật là cả một gia tài! Bằng số tiền kia có thể làm được bao nhiêu là việc phúc đức.
– Nhưng dù sao tôi vẫn phải biết ơn vì số tem kia không lọt vào tay bọn Quốc xã. - Gräfenheim nói như thú tội.
Chị Betty đưa mắt nhìn ông ta bực bội.
– Cảm ơn với chả cảm ơn. Đúng là sự nhẫn nhục của người lưu vong! Tại sao ông không than thở cho cái cuộc sống khốn khổ hiện tại của ông?
– Làm thế phỏng có giúp ích được gì, chị Betty?
– Sự độ lượng của ông cũng đồng nghĩa với sự nhu nhược. Chả lẽ ông nghĩ rằng một tên Quốc xã ở vào hoàn cảnh như ông cũng sẽ cư xử như vậy sao? Nó lại không đánh cho tên lừa đảo kia thừa sống thiếu chết ấy chứ!
Kahn nhìn chị Betty với ánh mắt chế giễu không ác độc. Trong tấm áo dài màu tím hoa cà với những nẹp viền nom chị giống hệt một chú vẹt hay gây gổ.
– Anh cười gì thế? Kahn, anh cần nện cho đồ lừa đảo kia một trận. Và nên hiểu tôi. Đôi khi tôi cảm thấy nghẹt thở. Nếu có điều gì làm tôi không thể chịu nổi, thì đó là cái năng lực nhịn nhục tất cả mọi điều. - Betty nhìn tôi bực bội. - Về điều này ý kiến của anh ra sao? Anh cũng có năng lực nhịn nhục mọi chuyện chứ gì?
Tôi lặng ngắt không đáp. Mà có thể trả lời sao đây? Betty lắc đầu, tự chế nhạo vẻ nóng nảy của bản thân rồi đi đến với nhóm khách khác.
Một người nào đó vừa đặt đĩa hát. Giọng ca của Richard Tauber vang lên. Anh ta hát một bài ca từ vở nhạc kịch Đất nước của những nụ cười.
– Bắt đầu rồi! Nỗi buồn tha hương cầu thực. - Kahn nói và quay sang ông bác sĩ, anh hỏi, - Hiện giờ ông cư ngụ ở đâu?
– Ở Philadelphia. Có một người đồng nghiệp mời tôi tới ở với anh ta. Có thể anh biết ông ấy đấy, tên ông ấy là Ravic.
– Ravic à? Có phải một thời kì ông ấy sống ở Paris không? Thế thì tôi biết chứ. Tôi không dám nghĩ rằng ông ta có thể chạy thoát. Bây giờ ông ấy làm gì?
– Cũng làm những việc như tôi. Nhưng thái độ của ông ta với mọi việc nhẹ nhõm hơn nhiều. Tại Paris nói chung là không thể tổ chức các kì thi được. Còn ở bên này có thể đấy. Ông ta xem chuyện này như một bước tiến về phía trước. Tôi thì nặng nề hơn. Đáng tiếc là tôi chỉ biết độc một thứ tiếng Đức đáng nguyền rủa, nếu không kể tới hai thứ tiếng Hy Lạp và La Tinh mà tôi có thể nói chuyện một cách rất thoải mái. Hai thứ tiếng ấy bây giờ thì cần quái gì cho ai?
– Thế ông không thể chờ đến khi mọi chuyện kết thúc sao? Nước Đức không thể thắng trong cuộc chiến tranh này được, bây giờ thì điều này đã biểu hiện rõ ràng rồi. Đến lúc ấy ông sẽ trở về nước.
Gräfenheim lắc đầu một cách chậm chạp:
– Điều đó là ảo tưởng cuối cùng của chúng ta, nhưng ảo tưởng đó sẽ tan thành mây khói thôi. Chúng ta sẽ không thể trở về nước được đâu.
– Vì sao cơ? Tôi nói tới cái lúc người ta sẽ tính sổ với bọn Quốc xã cơ mà.
– Sẽ tính sổ với người Đức chứ không phải là với bọn Quốc xã. Bọn Quốc xã không phải từ sao Hỏa rơi xuống và bọn chúng không hề cưỡng bức nước Đức. Chỉ những ai rời bỏ đất nước ngay từ năm 1933 mới có thể được quyền nghĩ khác đi thôi. Còn tôi thì đã sống vài năm trong cái nước Đức kia. Tôi đã nghe tiếng gào thét qua radio, tiếng gầm gừ khát máu tại các buổi tụ tập của bọn chúng. Lấy gì phân biệt nổi đâu là hành động của đảng Quốc xã, đâu là hành động của chính nước Đức nào?
Cái đĩa hát vẫn quay tít. Berlin vẫn là Berlin - những ca sĩ ngân nga, nhưng lúc này thì họ đang ngồi ở các trại tập trung hoặc đang lưu tán ở khắp nơi. Betty Stein và thêm hai, ba người nữa lắng nghe các ca sĩ lòng trĩu nặng nỗi buồn, niềm hoài nghi.
– Ở bên kia đại dương, tại quê cha đất mẹ ấy, người ta không muốn nhận anh quay trở về đâu! - Gräfenheim tiếp tục nói. - Không một ai muốn nhận cả.
Tôi quay trở về khách sạn. Buổi họp mặt tại nhà Betty đã gây cho tôi nỗi buồn bã khó tả. Tôi nhớ lại câu chuyện của ông bác sĩ Gräfenheim đã từng ấy tuổi đầu rồi mà lại đang toan tính xây dựng lại cuộc đời từ đầu. Ông ta để bà vợ ở lại bên Đức. Vợ ông là một người đàn bà Đức. Năm năm liền bà ta đã kiên trì chống lại chế độ Gestapo, không đồng ý li hôn với chồng. Trong khoảng năm năm ấy, từ một người đàn bà đang độ viên mãn bà đã biến thành một bà lão, rất dễ lo lắng… Thỉnh thoảng bọn Gestapo lại điệu bà đi thẩm vấn. Đêm này qua đêm khác, từ lúc chập tối cho đến khi sáng bạch. Hai vợ chồng run rẩy trong nỗi lo sợ bất thình lình bọn chúng có thể ập đến điệu họ đi. Những cuộc thẩm vấn thường được bắt đầu vào ngay ngày hôm sau hoặc sau nhiều ngày. Ông Gräfenheim ngồi trong khám với những người tù khác, và cũng như họ người ông ướt lướt thướt mồ hôi lạnh vì sợ chết. Vào những giờ phút như vậy trong khám giam đã nảy nở những mối tình anh em rất đặc biệt. Mọi người chỉ thì thào với nhau. Họ chộp bắt từng tiếng động ở ngoài hành lang nơi vang lên tiếng bước chân của tù nhân. Mỗi một người trong cái cộng đồng cùng cảnh ngộ ấy gắng giúp nhau những gì mà họ có thể làm được, họ đầy tình thương yêu dành cho nhau nhưng đồng thời cũng dễ dàng căm tức nhau, làm đau lòng nhau bởi những mối thiện cảm hoặc những thù ghét không thể nào giải thích nổi. Đôi khi có cảm giác là ở họ chỉ có một số lượng rất hạn hẹp những cơ hội được cứu thoát và vì thế mỗi người mới tới khám giam tựa như tước bớt cơ hội kia của những người bị giam cầm đã lâu.
Thỉnh thoảng, “những niềm tự hào của chủng tộc Đức”, những người hùng hai mươi tuổi kia, kéo đi khỏi trại các vật hi sinh theo thứ tự. Chúng dùng chân đá, đạp người tù, xua anh ta bước tiếp bằng những cú đấm, cú đá và lời chửi rủa. Tựa như bọn chúng không tài nào nghĩ ra cách khác để tiếp xúc với những con người ốm yếu, già cả bị giam trong khám. Và như thế trong khám ngự trị một nỗi im lặng.
Nhiều giờ trôi qua, mãi mới tới lúc chúng liệng trả lại khám người bị bắt đi thẩm vấn, lúc ấy đã là một cơ thể bê bết máu. Vào khoảng thời gian ấy tù nhân im lặng, ai làm công việc của người nấy. Đối với Gräfenheim những cảnh tượng như vậy đã quá quen thuộc đến độ khi chúng ập đến dong ông đi khỏi nhà, ông bảo bà vợ đang khóc than thảm thiết nhét vào túi ông mấy chiếc khăn tay để ông có thể nối thành một sợi dây dài. Ông quyết định không mang theo bông băng làm gì. Ngay việc băng bó trong khám cũng là một cố gắng phi thường đòi hỏi phải có lòng dũng cảm cao. Thông thường những người bị kéo đi thẩm vấn đã bị giết chết như giết những tù nhân mà chúng gọi là can tội “phá hoại ngầm”.
Gräfenheim nhớ lại những người bạn tù bị đem đi thẩm vấn rồi bị quăng trở lại hầm giam với thân thể bầm tím, bê bết máu. Mỗi một cử động đối với họ là một lần đau đớn, vật vã. Nhiều anh em vẫn ráng sức nhìn người trong khám với ánh mắt như lạc hết thần sắc, miệng thều thào bằng cái giọng khản đặc vì đã la hét quá nhiều: “Dù sao tôi vẫn gặp may. Bọn chúng không giữ tôi lại.” Nếu bị giữ lại có nghĩa là sẽ bị giam xuống một khu hầm ngầm, ở đó những tù nhân sẽ bị giẫm đạp cho tới khi tắt thở hoặc sẽ bị đưa tới các trại tập trung. Họ sẽ bị tra tấn cho đến tận lúc họ không chịu đựng nổi phải tự lao mình vào những hàng dây kẽm gai có luồng điện phóng qua để quyên sinh.
Công trình thực nghiệm ông bác sĩ đã nộp cho một bác sĩ khác từ lâu rồi. Người tiếp nhận hứa trả cho công trình này ba mươi nghìn mark, nhưng hắn chỉ trả một nghìn, tuy công trình đáng giá tới ba trăm nghìn. Điều đó đã xảy ra như thế này: vào một ngày đẹp trời, có một người họ hàng của viên bác sĩ tiếp nhận kia đến gặp Gräfenheim và yêu cầu ông chọn lựa: hoặc đợi lấy giấy đi trại tập trung vì đã tiếp nhận bệnh nhân không đúng luật hoặc nhận một nghìn mark và phải viết giấy biên nhận là ba mươi nghìn. Gräfenheim không hề lưỡng lự một giây: ông biết mình phải chấp nhận lựa chọn nào. Bà vợ của ông hầu như đã mất trí. Nhưng bà vẫn không muốn li dị với ông. Bà tin rằng sẽ cứu được chồng ra khỏi trại tập trung. Bà đồng ý li hôn với điều kiện nếu cho phép chồng bà ra nước ngoài. Bà chỉ cần biết ông đã thoát khỏi mối hiểm họa.
Cuối cùng thì hạnh phúc cũng mỉm cười với họ! Cái tên trước kia đã buộc ông bác sĩ chấp nhận những điều kiện oái oăm nay lại tìm tới với đề nghị ông phá thai giùm cô bạn gái của hắn. Tên này đã có vợ và vợ hắn luôn luôn bảo vệ sự trong sạch trong huyết thống của giống nòi. Lúc đầu bác sĩ từ chối việc làm này. Nhưng bà vợ ông đưa ra điều kiện phải có giấy phép cho xuất cảnh trước đã.
Bây giờ ngồi tại Philadelphia ông bác sĩ già hối hận vì ông không kịp hôn bà vợ trước khi chia tay. Ý nghĩ ấy không làm ông cảm thấy yên tâm trong dạ. Ông hoàn toàn không nhận được tin tức gì từ bên nhà.
Một chiếc xe Rolls-Royce đỗ trước khách sạn Reuben. Chiếc Rolls-Royce tạo nên ấn tượng hệt như một thỏi vàng ở giữa đống tro than.
– Đấy, cuối cùng một người bạn tình xứng đáng đã đến với cô. - Ngồi tít sâu trong gian phòng đợi có tường bọc nhung, Melikov nói. - Đáng tiếc là tôi đang bận.
Natasha Petrovna đứng trong một góc phòng.
– Chả lẽ cái xe Rolls-Royce choáng lộn này thuộc về cô sao?
– Mượn cả thôi mà, - cô trả lời. - Cũng như cái áo dài và các đồ trang sức đắt tiền mà tôi cần để chụp ảnh. Các thứ tôi có đều không phải của tôi, tất cả không phải là thứ thiệt.
– Giọng nói của cô là của cô, còn chiếc xe Rolls-Royce kia đâu phải là của giả.
– Cứ cho là như vậy đi. Nhưng dẫu sao tôi cũng chẳng có cái gì ráo. Hãy nói như thế này thì hơn, tôi là một kẻ lừa bịp và mọi đồ vật mà tôi có đều là thứ thiệt. Anh bằng lòng hơn chứ?
– Được thôi, nhưng điều đó còn nguy hiểm hơn nhiều, - tôi nói.
– Cô Natasha đang cần một người bạn tình, - Melikov nói xen ngang. - Người ta chỉ đưa cho cô ấy dùng chiếc Rolls- Royce một buổi tối hôm nay thôi. Ngày mai cô ấy phải trả nó rồi. Anh lại không muốn trở thành kẻ mạo hiểm trong một đêm và sống mãn nguyện sao?
Tôi cười.
– Tựa như tôi đã hành động nhiều năm trước. Chỉ thiếu xe hơi thôi. Xe hơi đối với tôi còn là một điều gì mới mẻ.
– Tôi mượn cả tài xế nữa đấy, - Natasha Petrovna nói. - Thậm chí anh ta còn mặc lễ phục đàng hoàng. Lễ phục kiểu Anh.
– Tôi cần thay đồ chứ?
– Tất nhiên là không cần. Cứ nhìn tôi đây.
Nói cho vui thôi, chứ tôi còn quần áo gì đâu mà thay. Tất cả những gì tôi có là hai bộ com lê và hôm nay tôi đã mặc bộ tươm tất nhất trong hai bộ rồi.
– Đi với tôi chứ? - Natasha hỏi.
– Xin sẵn sàng.
Chúng tôi cho xe chạy chậm rãi trên đường phố. Trước mặt chúng tôi là tấm lưng rộng trong tấm áo nhung và chiếc mũ lưỡi trai màu nâu của anh lái xe. Natasha bấm vào một cái nút nào đó và từ bên thành xe bọc bằng một lớp gỗ màu đỏ bật mở ra một chiếc bàn con.
– Đây, cocktail của anh đây! - Natasha vừa nói vừa thò tay vào một ngăn kéo phía dưới bàn, ở đó có sẵn vài chai rượu.
– Lạnh như băng! - Cô kêu lên. - Một trò chơi mới của thói chuộng mốt! Một cái tủ lạnh xinh xinh gắn liền trên xe. Nào, anh thích gì nào? Vodka, whisky hay nước khoáng? Vodka nhé? Tôi thử đoán xem có đúng không?
– Tất nhiên đúng rồi.
Tôi đưa mắt nhìn chai rượu.
– Vodka Nga thứ thiệt. Làm sao loại rượu Nga này có thể sang đây được?
– Đây là một trong số không nhiều những hậu quả dễ chịu của chiến tranh. Ông chủ của chiếc xe này có một quan hệ nào đấy với Bộ Ngoại thương. Anh ta thường phải đi sang Nga và đến Washington luôn. - Natasha cất tiếng cười. - Nhưng thôi, nêu ra những câu hỏi để làm gì nhỉ? Nào hãy cứ biết hưởng thụ đi. Người ta cho phép tôi được uống vodka trong chiếc xe này.
– Và không cho phép tôi chứ gì?
– Ông chủ của chiếc xe biết rằng tôi sẽ không đi xe của anh ta một mình đâu.
Vodka tuyệt hảo. Tất cả những thứ mà tôi từng uống trước đó bây giờ tôi cảm thấy chúng quá mạnh và không ngon.
– Thêm một ly nữa nhé? - Natasha hỏi.
– Tôi không phản đối. Thế là đã rõ, tôi có ngôi sao chiếu mệnh tạo cho tôi cơ hội gia nhập vào nhóm người biết làm giàu vì cuộc chiến này. Người ta cho phép tôi đến Hợp chủng quốc bởi vì chiến tranh đang xảy ra. Tôi có công việc làm cũng vì đang có chiến tranh. Còn bây giờ tôi đang uống rượu vodka Nga lại một lần nữa cũng do chiến tranh đang xảy ra. Ngược với ý muốn, tôi đã trở thành giống kí sinh ăn bám.
Natasha nháy mắt với tôi.
– Thế tại sao anh không làm theo đúng ý muốn của mình? Như thế sẽ dễ chịu hơn nhiều.
Bây giờ chúng tôi đang cho xe chạy trên Đại lộ số Năm, dọc theo Công viên Trung tâm.
– Sắp đến lãnh địa của anh rồi đấy. - Natasha Petrovna nói.
Một lát sau chúng tôi rẽ sang phố 86. Đây là một dãy phố rộng, một phố Mỹ rất điển hình nhưng dẫu sao dãy phố vẫn gợi ngay trong trí tưởng tượng của tôi những thị trấn nhỏ bé ở bên Đức. Dọc hai bên đường phố, loang loáng lướt qua ngoài cửa kính xe là các cửa hiệu bánh kẹo, cửa hiệu bia, cửa hiệu bán xúc xích.
– Ở khu vực này mọi người đều nói tiếng Đức hết à? - Tôi hỏi.
– Tùy. Người Mỹ không nhỏ nhen. Họ không cưỡng ép ai đâu. Ngay cả người Đức cũng cứ việc thoải mái thôi. - Natasha Petrovna cười. - Nhưng người Mỹ cũng có khi ép buộc đấy. Ví như họ buộc người Nhật cũng sống ở khu này.
– Cũng như người ta bắt buộc những người lưu vong quốc tịch Pháp hoặc Đức chỉ được sống ở châu Âu thôi.
– Theo tôi, ở khắp mọi nơi, người ta cứ ép buộc những ai không cần ép buộc. Đúng không anh?
– Có thể là như vậy. Nhưng dẫu sao thì bọn Quốc xã vẫn có thể từ khu phố này nhởn nhơ dạo chơi khắp nơi. Liệu chúng ta có thể đi đâu nữa được không?
Natasha Petrovna nhìn tôi im lặng trong giây lát, sau đó cô nói vẻ đăm chiêu:
– Với người khác tôi không như thế này đâu đấy nhé. Có một điều gì đó cứ buộc tôi làm theo ý anh.
– Một sự thành thật vô cùng đáng quý. Tôi cũng có cảm giác ấy.
Natasha không lưu tâm tới những lời tôi vừa nói.
– Một điều gì đó tựa như một sự mãn nguyện được che đậy. - Natasha nói. - Nó được che đậy kĩ đến nỗi khó mà kéo ra được. Và nó chọc tức, trêu gan anh… Anh có hiểu tôi nói gì không?
– Hiểu chứ. Thứ cảm giác kia trêu gan người khác và trêu gan cả tôi nữa. Nhưng sao ta lại nói chuyện này nhỉ?
– Để chọc tức anh. - Natasha Petrovna nói. - Và chỉ nhằm mục đích ấy thôi. Anh định trêu gan tôi bằng cơn cớ gì đây?
– Chẳng vì cơn cớ gì cả. - Tôi tủm tỉm cười, nói.
Natasha bực bội đỏ mặt lên. Tôi thấy hối hận ngay nhưng cũng đã quá muộn.
– Quỷ tha ma bắt bọn người Đức các anh đi! - Cô lầu bầu. Gương mặt cô đột nhiên mét xanh và cô tránh cái nhìn của tôi.
– Có thể cô sẽ thấy thích thú khi được biết cái nước Đức ấy đã tước mất quyền công dân của tôi. - Tôi đáp và tôi cảm thấy bực bội với chính mình vì những lời lẽ tôi vừa thốt ra.
– Chẳng có gì mà thích thú hoặc ngạc nhiên đâu! - Natasha gõ tay lên cửa kính xe. - Còn bây giờ ta quay lại khách sạn Reuben thôi.
– Xin lỗi bà, - người lái xe lên tiếng, - cái khách sạn ấy ở phố nào vậy?
– Chính là cái khách sạn mà anh đã chờ tôi ấy!
– À ra vậy.
– Sao cô lại đưa tôi về khách sạn? - Tôi nói. - Tôi có thể rời xe ngay bây giờ. Khắp nơi đều có thể bắt được xe buýt.
– Tùy anh. Hơn thế, nơi này là địa bàn của anh mà.
– Xin dừng xe lại, - tôi nói với người lái và bước ra khỏi xe. - Cảm ơn Natasha rất nhiều.
Bóng Tối Thiên Đường Bóng Tối Thiên Đường - Erich Maria Remarque Bóng Tối Thiên Đường