Vẻ hào nhoáng sang trọng là thứ mà mọi người luôn ao ước, nhưng chính sự trưởng thành trong khó khăn mới thực sự làm người ta ngưỡng mộ.

Francis Bacon

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Tô Hoàng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 325 / 27
Cập nhật: 2020-04-04 20:27:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
nh sẽ không gặp khó khăn gì trong công ăn việc làm tại một phòng triển lãm nghệ thuật nào đấy, - Lowy-anh nói. - Về phương diện đó cuộc chiến tranh tiếp diễn đã hỗ trợ cho anh. Ở nước tôi bây giờ đang thiếu những nhân công có năng lực.
– Tôi bắt đầu nghĩ mình là một nhà doanh nghiệp đang gặp vận hên vì chiến tranh. - Tôi bực bội nói. - Người ta đoan chắc với tôi chiến tranh đã phú cho tôi cả một loạt lợi thế.
– Chả lẽ không phải như vậy sao? - Lowy-anh cào cái lược trên chiếc đầu hói. - Không có chiến tranh, anh tài gì sang được nước Mỹ này.
– Đúng thế. Nhưng nếu như không có chiến tranh người Đức cũng không tới nước Pháp đâu.
– Thế anh ở đây tồi hơn bên Pháp sao?
– Thưa ngài Lowy, đây là một câu chuyện bất tận. Và dù ở nước này hay nước kia tôi cũng chỉ là đồ kí sinh thôi.
Mặt Lowy-anh rạng rỡ hẳn lên.
– Đồ kí sinh? Rất chính xác! Chính tôi cũng muốn giúp anh hiểu rõ điều này. Trong hoàn cảnh của anh, anh không thể xin được một việc làm chính thức ở bất cứ một phòng triển lãm nghệ thuật nào đâu. Anh cần tìm cho mình một công việc đại loại như công việc anh đã làm ở chỗ chúng tôi. Nói như người ta thường nói, một việc làm tạm thôi. Tôi đã nói chuyện với một người mà anh có thể làm việc ở chỗ ông ấy được, ông ta cũng là một giống kí sinh. Nhưng là loại kí sinh giàu có. Buôn các loại đồ nghệ thuật mà. Buôn tranh. Nhưng dù sao vẫn là thứ kí sinh.
– Hàng rởm chứ gì?
– Trời, sao anh lo đến chuyện đó làm gì? - Lowy-anh buông mình ngồi xuống chiếc ghế bành. - Buôn bán đồ nghệ thuật vốn là một nghề dành cho những ai lương tâm không mấy trong sạch mà! - Anh ta bắt đầu lên giọng răn dạy. - Họ kiếm được đồng tiền mà lí ra các tay họa sĩ phải thu được. Chính họ là người kiếm được số tiền gấp nhiều lần người làm ra tác phẩm đã có được. Ở đây tôi muốn nói tới các thứ đồ cổ hoặc các đồ mĩ nghệ. Điều đó thì có gì để ngạc nhiên lắm đâu. Điều đáng ngạc nhiên là với những tác phẩm nghệ thuật thật sự cơ. Ví như Van Gogh. Suốt cả cuộc đời họa sĩ này không hề bán được một bức tranh và sống rất nghèo đói, túng bấn, nhưng hiện nay thì các nhà buôn vắt ở tranh của ông ta ra hàng triệu đô la. Từ xửa xưa đến nay đều thế cả: người nghệ sĩ thì đói, còn nhà buôn thì mua sắm những lâu đài, dinh thự.
– Theo ông lương tâm của các nhà buôn có bị cắn rứt không?
Lowy-anh nháy mắt.
– Có chứ, cắn rứt đến độ sao cho lời lãi đừng quá ít thôi. Những người buôn tranh là một giới khá nhiều màu sắc. Họ không chỉ muốn trở nên giàu có vì những tác phẩm nghệ thuật mà thường thường còn muốn nâng mình lên ngang tầm với các tác phẩm nghệ thuật kia cơ. Bản thân người họa sĩ bao giờ cũng là người nghèo đói, không kiếm được gì cho bữa tối. Và người buôn tranh biết được cái ưu thế của mình: ưu thế của kẻ trả tiền cho bữa tối của kẻ khác. Anh hiểu chưa nào?
– Thậm chí tôi còn rất hiểu là đằng khác. Tuy tôi không phải là họa sĩ, nhưng tôi khá tỏ công việc này rồi.
– Anh thấy đấy, người ta luôn luôn sử dụng các họa sĩ. Và để các họa sĩ được mãn nguyện hoàn toàn, những người bóc lột họ thường mở ra các phòng triển lãm nghệ thuật. Những nhà buôn làm như thế cốt yếu để thu tiền cho những họa sĩ nào thực sự đã bị trói chân, trói tay trong những bản giao kèo nô lệ. Và cũng để những họa sĩ kia có tiếng tăm hơn. Và cũng trên cơ sở đó các gã con buôn được tiếng là các mạnh thường quân trong lĩnh vực nghệ thuật.
– Những gã đó cũng có thể coi là những giống kí sinh ăn bám của nghệ thuật lắm chứ? - Tôi vui vẻ hỏi.
– Không, - rít hơi thuốc, Lowy-anh nói, - họ cũng làm được chút gì đó cho nghệ thuật chứ. Giống kí sinh thực sự là những gã buôn bán tranh mà không có cửa hàng, quầy quán thôi. Họ lợi dụng niềm mê say mà những người khác nhờ cửa hàng hoặc các phòng triển lãm nghệ thuật tạo dựng được. Và không hề chịu mất một đồng tiền nào. Bởi vì bọn này buôn bán tranh ngay tại nhà của họ. Họ không mất tiền chi phí sản xuất. Họ chỉ trả lương cho mỗi cô thư kí. Thậm chí họ còn không phải nộp thuế nhà nữa: thuế thổ trạch chỉ tính trong khoản chi phí sản xuất. Thế là toàn bộ gia đình giống ăn bám đó sống trong căn hộ của mình một cách hết sức vui vẻ. Chúng tôi thì còng lưng bên quầy hàng, trả những đồng tiền xương máu và cả phần sức lực đáng giá nghìn vàng cho các nhân viên, còn lũ kí sinh kia thì cứ nằm ườn trên giường cho đến tận chín giờ sáng, dậy đọc thư cho cô thư kí đánh máy, rồi sau đó giống như loài nhện, chúng chờ đợi người mua hàng mắc lưới.
– Thế chả lẽ anh không chăng tơ để bắt khách hàng sao?
– Không trong sự xa hoa, lười nhác như chúng. Chúng tôi y hệt như người làm công thôi, tuy chúng tôi làm ở ngay cửa hàng của mình. Và trên hết tôi không phải là giống ký sinh.
– Tại sao anh không trở thành giống kí sinh như vậy hở anh Lowy?
Lowy-anh nhìn tôi và nhăn mặt lại. Thế là tôi chợt hiểu mình vừa phạm phải một lỗi lầm.
– Anh không muốn vì những nguyên nhân đạo đức phải không? - Tôi hỏi.
– Còn tệ hơn thế nữa. Vì nguyên nhân tài chính đấy. Muốn trở thành những tên ký sinh như vậy, trong túi phải có những khoản tiền lớn, và hàng hóa tốt. Nếu không sập tiệm liền.
– Có nghĩa là tên ký sinh bán hàng rẻ hơn? Vì chi phí của chúng ít hơn mà.
Lowy-anh dụi điếu thuốc vào chiếc cối kiểu thời kì Phục hưng, nhưng ngay sau đó lại lấy ra, vuốt thẳng và châm lửa hút tiếp.
– Không phải như vậy đâu. Chúng bán đắt hơn. - Lowy-anh la lên. - Chúng có mánh lới cả. Những tên giàu có ngu ngốc tin vào trò bịp bợm và nghĩ là họ đã tìm được một món hời. Những người kiếm ra những triệu bạc bằng mồ hôi, công sức của mình rơi vào tình thế trớ trêu, trở thành những người dốt nát. Những người có danh vọng bị lừa bởi những trò phù phiếm và cái danh hão của bọn bán tranh, họ sa vào bẫy như những chú ruồi sa vào thứ giấy dính. - Từ điếu thuốc Lowy đang cầm trên tay bay lên những đốm lửa như pháo hoa. - Mọi thứ thế là bị đóng vào hòm ráo! - Lowy than van. - Anh khuyên một nhà triệu phú mua tranh của Renoir, và hắn sẽ cười nhạo anh. Đối với hắn Renoir hay xe đạp cũng thế cả thôi. Nhưng nếu anh nói với hắn là Renoir sẽ làm tăng địa vị của hắn trong xã hội, hắn thậm chí sẽ mua ngay cả hai bức tranh của họa sĩ này. Anh có hiểu tôi không?
Tôi luôn lắng nghe Lowy-anh với sự khâm phục. Anh ta luôn luôn cung cấp cho tôi những bài học không phải trả tiền về cuộc sống xung quanh. Điều này thông thường diễn ra sau giờ nghỉ trưa khi trong gian hàng im lặng hơn một chút hoặc vào buổi chiều trước khi tôi hoàn tất công việc trong ngày dưới căn hầm. Lúc này cũng là giờ nghỉ sau bữa ăn trưa.
– Anh có biết vì sao tôi lại lên lớp cho anh về một ngành thương mại cao cấp là buôn bán tranh không?
– Để đào luyện cho những chiến dịch tác chiến tại mặt trận mua bán. Bởi vì tôi đã làm quen với các chiến trường khác rồi.
– Anh chắc cũng đã biết tới cuộc chiến tranh tổng lực đầu tiên trong lịch sử. Chắc anh lại cho rằng nó đang được bắt đầu với tất cả mọi người chúng ta. Nhưng chúng tôi, những kẻ kinh doanh, đang tiến hành cuộc chiến tranh tổng lực của mình với mục tiêu tái tạo thế giới này. Trong giới chúng tôi khắp mọi nơi đều là mặt trận, - Lowy-anh rướn người đầy tự hào. - Thậm chí ngay cả trong đời sống gia đình.
– Anh đã có vợ chưa? - Tôi hỏi để lái câu chuyện sang một đề tài khác.
Tôi không thích thú gì khi người ta dùng hai tiếng “chiến tranh” cho những sự so sánh vô nghĩa. Đối với tôi chiến tranh là điều không gì có thể so sánh được, ngay cả với những so sánh nghiêm túc.
– Tôi chưa có vợ! - Lowy-anh bỗng sa sầm, đáp lại. - Nhưng em tôi đang dự định lấy vợ đấy. Tưởng tượng mà xem! Một bi kịch! Nó muốn lấy một ả không phải Do Thái! Một thảm họa hoàn toàn.
– Không phải Do Thái?
– Phải, một cô ả tóc xù lên như bờm ngựa và được tẩy trắng bóc. Mắt lồi như mắt cá. Một cái mồm với bốn mươi tám cái răng nhắm vào đám tài sản và tiền bạc của chúng tôi. Ý tôi muốn nói tới những đồng đô la xương máu kia. Nói gọn một lời: đó là một con linh cẩu lông trắng với đôi chân cong.
Tôi ngẫm nghĩ, cố gắng để tái tạo hình ảnh này trong trí tưởng tượng. Nhưng Lowy-anh đã nói tiếp:
– Thật tội nghiệp bà mẹ tôi! Thật may bà không phải sống đến tận lúc này. Nếu tám năm trước người ta không thiêu xác bà cụ, thì bây giờ bà cụ cũng phải bật dậy từ trong áo quan mất.
Tôi không tài nào hiểu nổi câu chuyện tào lao lộn xộn của anh ta, nhưng có một chữ lại khiến tôi giật mình cảnh giác hệt như đối với tiếng còi báo động.
– Bà cụ bị thiêu sao?
– Đúng vậy. Tại nhà hỏa táng. Mẹ tôi sinh ra tại Ba Lan nhưng mất ở đây. Anh có biết không…
– Biết chứ, - tôi vội vã nói. - Mà rồi sao? Tại sao em anh không nên lấy vợ?
– Tôi chỉ không muốn nó lấy cô ả lăng nhăng kia thôi. - Lowy-anh giận dữ. - Ở New York này thiếu gì các cô gái Do Thái con nhà lành. Chả lẽ thằng em tôi không thể tìm vợ cho mình trong các cô gái ấy sao? Nhưng không, nó cứ nhất định lấy cô ả kia.
Lowy-anh dần dà bình tĩnh lại.
– Xin lỗi anh, - anh ta nói. - Đôi khi con người ta không kìm nén được như vậy đó. Thôi chúng ta hãy nói sang chuyện khác. Chúng ta lại nói về giống kí sinh ăn bám nhé? Hôm qua tôi đã trao đổi với một con kí sinh như vậy về anh đấy. Ông ta đang tìm một người trợ lý am hiểu về hội họa, nhưng đừng hiểu biết nhiều quá để có thể ghé mắt vào những điều bí mật của ông ta, rồi sau đó đem bán những bí mật ấy cho các đối thủ khác. Ông ta cần một người kiểu như anh, thích ẩn mình trong bóng tối, không làm ngứa mắt ai. Anh hãy đến với ông ta và tự giới thiệu. Tôi đã hẹn với ông ta, anh sẽ đến hôm nay vào khoảng sáu giờ. Tôi cũng đã nói với ông ấy đôi điều về anh rồi.
– Cảm ơn anh nhiều, - tôi nói, lòng sửng sốt nhưng dễ chịu. - Hết sức cảm ơn anh đấy!
– Anh sẽ không kiếm được lắm tiền đâu. Nhưng mọi chuyện không nằm ở chỗ đồng tiền được lĩnh mà nằm ở những cơ hội đang chờ đợi ta. Xưa kia cha tôi cũng đã nói như vậy. Ở đây, - Lowy khoát tay chỉ cái quầy hàng của mình, - ở đây với chúng tôi anh sẽ không có một cơ hội nào cả.
– Cũng không sao cả. Tôi cảm ơn hai anh em anh vì thời gian tôi đã làm việc ở đây. Và vì anh đã giúp đỡ tôi. Nhưng vì sao tôi ở đây lại không có cơ may?
– Không bao giờ nên hỏi “vì sao”. - Lowy nhìn tôi từ chân lên đầu. - Vì sao à? Tất nhiên, chúng tôi không phải là những con người quảng đại, nhân từ. Anh có biết vì sao không? Có lẽ bởi vì anh là người đơn chiếc, hoàn toàn không có gì che đỡ cả.
– Cái gì cơ? - Tôi ngạc nhiên hỏi.
– Thế đấy. - Đến lượt chính Lowy cũng sửng sốt. - Nếu cứ nhìn thấy anh như lúc này không ai chịu nói điều kia ra đâu. Nhưng quả anh là người không có gì bảo đảm hoặc che đỡ cả. Ý nghĩ này đã xuất hiện trong đầu chú em tôi khi chúng tôi chuyện trò về anh. Chú ấy nghĩ rằng giữa đám đàn bà anh sẽ đạt được thành công nhanh chóng hơn.
– Lại thế sao! - Tôi thực sự phật lòng.
– Xin anh đừng nghĩ ngợi gì nhiều về những lời tôi vừa nói. Chính tôi cũng đã nói với anh là chú em tôi phát hiện ra điều này một cách tình cờ và cũng không tinh tường gì lắm đâu. Thôi anh đến với con ký sinh kia đi. Tên ông ta là Silvers. Đến vào tối hôm nay nhé.
Trên cánh cửa nhà ông Silvers không treo biển đồng, biển gỗ. Ông ta sống trong một ngôi nhà bình thường. Tôi chờ đợi sẽ gặp một hình ảnh gì đó tựa như một con cá mập hai chân, nhưng ra gặp là một người hết sức ốm yếu, nói đúng hơn, một người có phần rụt rè, ngượng ngập. Ông ta ăn vận khá chải chuốt và xử thế rất có phong độ. Mời tôi rượu whisky pha đá, ông ta bắt đầu thận trọng hỏi chuyện tôi. Một lát sau ông ta mang từ gian buồng bên cạnh ra hai bức tranh và đặt chúng lên giá vẽ.
– Anh thích bức nào hơn?
Tôi chỉ bức tranh bên phải.
– Vì sao cơ? - Silvers hỏi.
– Chẳng lẽ cứ nhất thiết phải nêu ra lí do?
– Đúng, phải như vậy đấy. Tôi rất muốn biết lí do. Anh có biết tác giả của hai bức tranh này không?
– Cả hai bức của Degas. Theo tôi, ai cũng biết là như thế cả.
– Không phải ai cũng biết đâu, - Silvers phản đối với nụ cười bối rối. - Một số khách hàng của tôi không biết đấy.
– Thế tại sao họ vẫn muốn mua?
– Để được treo Degas trong nhà mà. - Silvers nói với giọng buồn bã.
Tôi nhớ bài học của Lowy-anh. Quả là bài học ấy đúng quá. Tất nhiên tôi chỉ tin Lowy một nửa thôi, anh ta có thiên hướng hay cường điệu, đặc biệt khi nói tới những gì mà anh ta chưa tường tận cho lắm.
– Những bức tranh cũng giống như người lưu vong các anh, - Silvers nói. - Đôi khi chúng rơi vào một địa điểm bất ngờ nhất. Ở đấy chúng cảm thấy dễ chịu hay không là cả một vấn đề đặc biệt.
Ông ta mang từ phòng bên sang thêm hai bức thuốc nước.
– Anh có biết hai bức tranh này của ai không?
– Cézanne.
Silvers sửng sốt.
– Thế anh có thể nói cho tôi biết, bức nào giá trị hơn không?
– Tất cả các bức thuốc nước của Cézanne đều rất có giá trị, - tôi đáp. - Nhưng bức bên trái sẽ có giá cao hơn.
– Vì sao? Vì khuôn khổ lớn hơn à?
– Không, không phải vì thế. Bức thuốc nước này thuộc trong số những tác phẩm cuối cùng của nhà danh họa, ở bức tranh, ta có thể cảm nhận rõ chủ nghĩa lập thể. Đó là một bức phong cảnh xứ Provence tuyệt đẹp được nhìn từ đỉnh núi Sainte-Victoire. Tại viện bảo tàng Brussels có treo một bức tương tự.
Mọi biểu hiện trên gương mặt Silvers đột nhiên biến đổi. Ông ta đứng phắt dậy.
– Trước đây anh làm việc ở đâu? - Ông ta hỏi bằng giọng nhát gừng.
Tôi chợt nhớ tới trường hợp đã xảy ra với Natasha Petrovna.
– Không ở đâu cả. Tôi không làm việc với những hãng đang cạnh tranh nhau. Tôi không làm cái công việc dò dẫm, tìm hiểu để rồi báo cáo lại theo lệnh đâu. Tình cờ tôi đã sống một thời gian tại viện bảo tàng Brussels.
– Vào năm nào vậy?
– Vào thời kì bọn Đức chiếm đóng. Người ta giấu tôi trong viện bảo tàng và sau đó tôi trốn chạy và vượt qua biên giới. Đấy là ngọn nguồn sự hiểu biết ít ỏi của tôi.
Silvers lại ngồi xuống ghế.
– Trong nghề nghiệp của chúng tôi cần thiết có một sự thận trọng đặc biệt. - Silvers lẩm bẩm nói.
– Vì sao ạ? - Tôi hỏi, trong lòng mừng vui vì ông ta không yêu cầu tôi phải làm sáng rõ thêm mọi chuyện.
Silvers lưỡng lự giây lát.
– Những bức tranh như những cơ thể sống. Như những người đàn bà. Không cần đem khoe chúng với mỗi người vừa gặp, vừa làm quen. Nếu làm khác đi, chúng sẽ mất sức hấp dẫn, quyến rũ của chúng. Và cả cái giá của chúng nữa.
– Nhưng chính những bức tranh kia ra đời để mọi người xem chúng cơ mà.
– Có thể là như vậy. Tuy nhiên tôi vẫn hoài nghi vào điều này. Đối với một thương gia, điều quan trọng là không để cho mọi người đều biết tới bức tranh của anh ta.
– Thật kì dị. Tôi cứ cho là như vậy chỉ làm tăng giá trị của bức tranh lên mà thôi.
– Không phải bao giờ cũng như vậy cả đâu. Những bức tranh được đem đi trình diện quá nhiều nơi, trước nhiều người, theo ngôn ngữ của các chuyên gia trong lĩnh vực này có nghĩa là các bức tranh kia đã “bị cháy rồi”. Những gì ngược lại được gọi là “các nàng trinh nữ”. Những nàng trinh nữ kia luôn luôn nằm trong tay một số người thôi, trong một bộ sưu tầm và hầu như không ai nhìn thấy chúng cả. “Những nàng trinh nữ” này được trả giá cao hơn. Không phải vì chúng giá trị hơn mà chỉ bởi lẽ bất cứ người sành chơi nào cũng ưa của hiếm, của lạ cả.
– Chả lẽ họ bỏ tiền ra là vì vậy?
Silvers gật đầu.
– Đáng tiếc là trong thời đại chúng ta những người sưu tập tranh đông hơn gấp mười lần người hiểu biết, am tường nghệ thuật. Cái thời buổi xưa kia khi những người sưu tập tranh chân chính lại cũng đồng thời là người biết đánh giá tranh đã kết thúc sau Thế chiến I rồi, đâu đó vào năm 1918. Mỗi một chuyển biến về chính trị và kinh tế kéo theo chuyển biến về mặt thương mại. Và lúc đó tình thế mới đã thay đổi cả những ông chủ. Một số người mất hết, một số khác giàu lên. Những nhà sưu tập cũ buộc phải bán đi những bộ sưu tập của mình, thế vào vị trí của họ là những nhà sưu tập mới. Những người này có tiền nhưng thường là không am hiểu gì về nghệ thuật cả. Muốn làm một nhà sưu tập chân chính phải có thời gian, sự kiên nhẫn và tình yêu.
Tôi chăm chú lắng nghe. Có cảm tưởng như trong căn phòng này với hai chiếc giá vẽ phủ vải nhung màu xám vẫn còn lưu giữ được những năm tháng yên hàn mà cuộc đời ngoài kia đã đánh mất. Silvers đặt lên giá một bức tranh khác.
– Anh có biết đây là tác phẩm của ai không?
– Monet. Cánh đồng hoa anh túc.
– Anh có thích bức tranh này không?
– Đặc biệt thích. Một sự tĩnh lặng biết bao! Và còn vầng dương nữa! Vầng dương nước Pháp.
– Nào ta thử bàn tới công chuyện xem! - Cuối cùng Silvers nói. - Ở đây không cần đến một sự hiểu biết đặc biệt. Tôi cần một người có thể tin cậy được và biết im lặng. Đấy là điều chủ yếu. Tôi trả sáu đô la một ngày. Anh đồng ý không?
Tôi tỉnh hẳn.
– Ông thuê vào thời khắc nào? Buổi sáng hay buổi tối?
– Cả buổi sáng lẫn tối. Nhưng giữa hai khoảng thời gian ấy anh sẽ có nhiều thời gian rỗi.
– Số tiền ông trả tương đương với tiền công của một chú bé học việc đến hầu hạ ông.
Tôi chờ đợi ông ta sẽ nói: công việc của anh thì cũng tương tự như chú bé ấy thôi! Nhưng Silvers là một con người tế nhị. Ông ta tính ngay số tiền mà cậu bé học việc sẽ được trả công. Té ra là ít hơn sáu đô la một ngày.
– Mười đô la, đó là cái giá tối thiểu. Nếu không được như vậy tôi không nhận lời đâu, - tôi nói. - Tôi còn những khoản nợ cần phải trả.
– Anh cũng mắc nợ cơ à?
– Vâng, tôi cần trả cho ông luật sư, người giúp tôi làm giấy cư trú tại đây.
Tôi biết rằng Silvers cũng đã nghe tất cả chuyện đó từ Lowy-anh. Bây giờ thì ông ta đang giả vờ tỏ vẻ ngạc nhiên tựa như việc tôi chưa có đủ giấy tờ đang là một khó khăn đối với ông ta, ông ta cần phải nghĩ lại xem có nên dính dáng tới tôi hay không. Cuối cùng thì con thú dữ này cũng thò móng vuốt ra.
Chúng tôi đi tới thỏa thuận với giá tám đô la sau khi Silvers, với nụ cười bối rối, đã giải thích cho tôi rõ là vì tôi làm việc không chính thức nên tôi không phải nộp thuế. Ngoài ra, tôi nói tiếng Anh cũng chưa thành thạo lắm. Thế là tôi như vồ được chân tướng của ông ta.
– Bù vào đó tôi nói được tiếng Pháp, - tôi nói, - mà điều này trong công việc của ông còn quan trọng hơn rất nhiều.
Lúc bấy giờ ông ta mới đồng ý với cái giá là tám đô la, sau khi hứa là nếu tôi làm được việc, ông ta và tôi sẽ xem xét lại bản giao kèo này.
Tôi về tới khách sạn và trước mắt tôi đã bày ra một cảnh tượng đặc biệt. Tại gian phòng chờ thiết kế theo kiểu xưa cũ, tất cả các ngọn đèn điện đều thắp sáng, thậm chí ngay cả những bóng đèn mà cái ban quản trị keo cú của khách sạn này nghiêm cấm không cho bật. Ở giữa gian phòng là một chiếc bàn ngồi bâu xung quanh đủ mặt nhóm người đầu tắt mặt tối, đủ màu đủ vẻ ở đây. Raoul chiếm vị trí chủ trì. Anh ta ngồi chính giữa bàn trong bộ com lê màu nâu nhạt kích cỡ quá khổ, nom như một con cóc khổng lồ, mình mẩy nhễ nhại mồ hôi. Tôi thật sửng sốt khi thấy chiếc bàn được phủ khăn trắng và khách khứa được một người hầu bàn cung phụng hẳn hoi. Ngay bên cạnh Raoul là Melikov với dáng vẻ trịnh trọng. Ngoài hai người ra quanh bàn còn có: Lachmann và mụ Puerto Rico của anh ta, gã Mexico với chiếc cà vạt đỏ trên cổ và gương mặt lạnh lùng, cặp mắt láo liên, một chàng trai tóc vàng nói giọng trầm, tuy có thể đoán rằng anh ta có giọng cao và hai cô gái tóc đen nhánh khó mà đoán nổi tuổi tác, khoảng từ ba mươi đến bốn mươi với những ánh mắt nồng nàn, quyến rũ. Phía bên kia Melikov là Natasha Petrovna.
– Ôi, anh Ross, - Raoul reo lên. - Anh đã hạ cố đến với chúng tôi đây!
– Tại sao lại hạ cố? - Tôi hỏi. - Ngày sinh nhật tập thể của các bạn sao? Hay có người nào vừa thắng một khoản tiền lớn?
– Xin mời ngồi vào bàn, anh Ross! - Raoul nói hơi điệu. - Đây là một trong những người ân nhân của tôi. - Raoul giải thích cho chàng trai tóc vàng nói giọng trầm. - Xin bắt tay nhau làm quen đi! Đây là John Bolton.
Tôi có cảm giác hệt như chạm phải một con cá chết. Tôi đã nghĩ với cái giọng tầm đó, cái bắt tay của anh cũng phải có lực hơn thế nhiều.
– Anh uống gì nào? - Raoul hỏi. - Chúng tôi có đủ loại rượu mà anh thích. Whisky Mỹ, whisky Scotland, thậm chí cả sâm banh nữa. Ngoài ra còn có Coca-Cola, nước chanh. Tôi còn nhớ rõ, anh đã nói gì khi trái tim tôi tựa như nẫu ra: Mọi điều sẽ trôi qua, anh đã nói như vậy. Một đoạn trích từ sách Hy Lạp cổ đại. Có đúng thế không? Lời của Heraclitus hay Democritus. Hoặc là từ một cuốn sách nào đó, rằng: Không có điều gì vĩnh viễn dưới ánh trăng, cả cái đẹp rồi cũng biến thành quỷ Satan hết. Rất chí lí. Sẽ có một lớp trẻ khác đến thay thế. Ồ, mà anh uống gì mới được chứ? Alfons! - Raoul khua tay như vị hoàng đế thành Rome gọi người hầu bàn.
– Cô uống gì đây? - Tôi hỏi Natasha Petrovna.
– Vodka, như mọi khi. - Cô trả lời vui vẻ.
– Vodka! - Tôi nói với Alfons.
– Một suất kép. - Raoul nói thêm, nhìn tôi với ánh mắt lờ đờ.
– Có chuyện gì thế? Sự huyền bí của đất trời: tình yêu chăng? - Tôi hỏi Melikov.
– Phép huyền bí của những sự nhầm lẫn trong cuộc đời, khi mỗi người tin rằng người kia là tù binh của mình.
– Le coup de foudre! - Natasha Petrovna nói. - Tình yêu đơn phương.
Tiếng Pháp trong nguyên bản: Tiếng sét ái tình.
– Tại sao cô lại ở đây, giữa nhóm này?
– Ngẫu nhiên thôi! - Natasha mỉm cười. - Ngẫu nhiên mà. Một sự ngẫu nhiên may mắn. Từ lâu tôi đã muốn thoát khỏi bầu không khí đơn điệu, nhàm chán của những buổi tiệc tùng phát ngán lên được như thế này rồi. Nhưng buổi hôm nay tôi lại không ngờ trước.
– Cô lại phải tới chỗ anh bạn nhiếp ảnh sao?
– Hôm nay thì không. Mà tại sao anh lại hỏi như vậy nhỉ? Đi với tôi chứ?
Nói đúng ra tôi không muốn nói trắng ra điều sắp nói, nhưng không hiểu vì sao tôi vẫn buột miệng.
– Có chứ!
– Thế là cuối cùng tôi đã được nghe từ miệng anh một điều gì đó dứt khoát, rõ ràng. - Natasha Petrovna nói. - Salut!
– Salut, Salve, Salute! - Raoul hét lên và bắt đầu chạm cốc với mọi người. Ngay lúc đó anh ta muốn đứng dậy, nhưng lại ngồi phịch ngay xuống chiếc ghế tựa mang hình dáng một chiếc ngai khiến chiếc ghế kêu lên răng rắc. Cái khách sạn cổ lỗ này bày biện toàn loại đồ đạc kiểu Gothic rởm.
Khi mọi người đang chạm cốc, Lachmann đi đến chỗ tôi.
– Tối hôm nay, - anh ta thì thào, - tớ phải làm cho thằng cha Mexico say khướt mới được.
– Còn chính cậu không uống sao?
– Tớ mua gã Alfons rồi. Gã rót cho tớ toàn nước lã. Tên Mexico kia cứ nghĩ là tớ cũng uống rượu như hắn.
– Là tớ thì tớ thà uống với mụ ta, - tôi nói. - Gã Mexico hoàn toàn không để tâm. Cái chính là mụ ta không thích…
Trong giây lát Lachmann có vẻ mất lòng tin vào bản thân, nhưng ngay sau đó anh ta nói một cách bướng bỉnh:
– Chẳng có nghĩa lí gì hết. Hôm nay nhất định tớ sẽ thắng cuộc. Nhất định thắng cuộc. Cậu hiểu không?
– Tốt nhất là cậu hãy uống cùng với cả gã kia và mụ ta… Uống thật sự. Có thể khi say cậu sẽ nghĩ ra điều gì đó mà lúc tỉnh cậu không nghĩ ra nổi. Thường cũng có người say mà ta khó thắng được đấy.
– Nhưng khi say rồi, tớ không còn cảm thấy gì nữa ráo. Tớ sẽ quên tất. Hệt như chưa từng có việc gì xảy ra cả.
– Thật tiếc, cậu không buộc mình làm khác thế được. Mọi điều đã xảy ra, và cậu lại chẳng biết gì cả.
– Nghe tớ nói đây, như thế là trò bịp bợm, - Lachmann bối rối chống đỡ. - Cần phải tiến hành một trò chơi trung thực.
– Thế cái trò uống nước lã của cậu là trò chơi trung thực sao?
– Tớ trung thực với chính tớ. - Lachmann ghé sát vào vai tôi. Hơi thở của anh ta nóng hổi, ẩm ướt, tuy anh chỉ uống nước lã. - Tớ nhận ra chân của Inez hoàn toàn không bị cưa cụt đâu. Cái chân ấy chỉ không co lại được thôi. Mụ ta đi đứng như vậy cho ra vẻ đó thôi.
– Cậu dựng đứng ra chuyện gì thế Lachmann?
– Tớ không dựng đứng đâu. Tớ biết rõ. Cậu không hiểu cánh đàn bà. Có thể chính vì thế mụ ta khước từ tớ cũng nên? Để tớ không dò hỏi nữa.
Tôi câm tịt trong giây lát. Amore, amour, tôi nghĩ. Một tia chớp lóe sáng giữa những sự lầm lẫn, niềm hi vọng trong nỗi thất vọng sâu xa, phép tiên mầu nhiệm trước ma thuật của ác quỷ. Cầu mong cho tình yêu luôn luôn ban phát mọi điều tốt lành như vậy. Tôi nghiêng mình trịnh trọng:
Tiếng Ý và tiếng Pháp trong nguyên bản: tình yêu.
– Anh bạn Lachmann thân mến, trên gương mặt cậu, tớ đã nhìn thấy giấc mơ đẹp của tình yêu.
– Sự cô độc cô quả của cậu mong sao sẽ mãi mãi bám lấy cậu. Tớ nói một cách nghiêm trang đấy.
Raoul khó khăn lắm mới đứng được dậy.
– Thưa quý ông, quý bà! - Anh ta lên tiếng. - Cuộc sống muôn năm! Tôi muốn nói: Thật là tuyệt vời khi chúng ta hãy còn đang sống. Tôi phải nói rằng, cách đây chưa bao lâu tôi đã muốn tước bỏ cuộc đời của chính tôi đi và tôi sẵn sàng vả vào mặt mình vì chuyện đó. Chúng ta thường trở thành những thằng ngốc như vậy khi cứ tưởng là mình hay ho, tốt đẹp lắm.
Mụ Puerto Rico đột nhiên rống lên hát. Mụ ta hát bằng tiếng Tây Ban Nha. Có thể đấy là một bài hát Mexico. Giọng của mụ thật tuyệt, trầm và khỏe. Mụ cứ hát, mắt không rời khỏi anh chàng Mexico. Bài hát khơi gợi nỗi buồn đồng thời cũng không che đậy những khát vọng tình dục. Hầu như những bài ca thở than, sầu não đều hoàn toàn xa lạ với trí tuệ và vẻ đẹp của các nền văn minh. Bài hát này đã ra đời trong những năm tháng xa xưa, khi con người ta hãy còn chưa mang cái thuộc tính người nhất - tiếng cười. Bài hát trắng trợn đến không biết ngượng ngập là gì nhưng lại mang vẻ thuần khiết của các thánh thần. Trên gương mặt của gã Mexico không múi thịt nào động đậy. Và cả người đàn bà kia cũng không hề động đậy - chỉ có cặp môi và ánh mắt của mụ ta là nói lên lời mà thôi. Hai người nhìn nhau không chớp và bài hát cứ kéo dài, kéo dài mãi. Một sự hợp lưu mà không cần mảy may bất cứ một sự chạm lướt nào. Và cả hai đều nhận biết điều đó. Tôi lần lượt nhìn tất cả mọi người trong lúc bài hát cứ tiếp tục kéo dài ra, tôi nhìn thấy Raoul và John, Lachmann, Melikov và Natasha Petrovna. Họ lặng ngắt lắng nghe. Người đàn bà kia đã nâng họ lên cao trên cái đời thường, nhưng còn chính mụ lại không nhìn ai cả, ngoài cái gương mặt bơ phờ, ủ ê của tên đĩ đực mà toàn bộ cuộc đời của mụ như phản chiếu trên gương mặt đó. Nhưng điều này chẳng có gì đáng ngạc nhiên, đáng giễu cợt cả.
Bóng Tối Thiên Đường Bóng Tối Thiên Đường - Erich Maria Remarque Bóng Tối Thiên Đường