You know you've read a good book when you turn the last page and feel a little as if you have lost a friend.

Paul Sweeney

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Tô Hoàng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 325 / 27
Cập nhật: 2020-04-04 20:27:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
ng luật sư bắt tôi phải ngồi chờ ở phòng khách của ông ta hàng tiếng đồng hồ. Tôi nghĩ là ông ta cố ý làm như vậy: rõ ràng là ông ta cố xử sự như vậy để khách hàng càng dễ chấp nhận mọi yêu cầu của ông ta hơn. Nhưng đối với tôi thì thủ thuật này không có tác dụng gì. Tôi quan sát hai người khách cũng đang ngồi đợi như tôi để giết thời giờ. Một trong hai người đang nhai kẹo cao su, người kia đang năn nỉ mời cô thư kí của ông luật sư một tách cà phê vào giờ nghỉ ăn trưa. Cô thư kí chỉ mỉm cười. Nàng xử sự thật đúng! Gã khách kia mồm đầy răng giả, trên ngón tay út múp thịt, ngắn ngủn với những chiếc móng tay gặm nham nhở lấp lánh một chiếc nhẫn kim cương. Phía đối diện chiếc bàn của cô thư kí, giữa hai bức ảnh in màu miêu tả cảnh phố xá New York, có treo một tấm biển viền hoa văn bốn phía xung quanh với dòng chữ “Hãy suy nghĩ!” ghi ở giữa. Tôi đã bắt gặp lời kêu gọi vắn gọn cần phải suy nghĩ lần này không phải là lần đầu. Tại hành lang khách sạn Reuben nó được treo ở một vị trí rất không thích hợp với nó - trước phòng vệ sinh.
Đấy là biểu hiện rực rỡ nhất của thứ chủ nghĩa quan liêu mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn được may mắn nhìn thấy ở Mỹ.
Luật sư là một người đàn ông vai rộng, mặt bèn bẹt. Ông ta đeo kính gọng vàng. Giọng nói của ông ta the thé đến nhức tai. Ông ta có ý thức về điều đó và cố gắng nói cho nhỏ giọng hơn, tựa như đang thì thào.
– Anh là dân di tản à? - Ông nói khẽ, mắt không rời khỏi bức thư giới thiệu do Betty viết.
– Vâng.
– Do Thái chứ gì?
Tôi im lặng. Ông luật sư ngước mắt lên.
– Không phải. - Tôi nói như vừa tỉnh giấc mơ. - Nhưng làm sao ạ?
– Chúng tôi không làm việc với những người Đức không phải Do Thái.
– Vì sao thế ạ?
– Chả lẽ tôi còn phải giải thích cho anh rõ điều này sao?
– Ông có thể không cần phải giải thích. Tốt nhất là ông hãy giải thích cho tôi rõ vì sao ông buộc tôi phải ngồi đợi cả một tiếng đồng hồ?
– Bà Stein đã thông báo cho tôi không đúng. Bà ấy không nói anh không phải người Do Thái.
– Tôi muốn được hỏi ông một câu như thế này: thế ông là ai mới được chứ? Ông là người Do Thái sao?
– Tôi là người Mỹ. - Ông luật sư nói to hơn trước và vì vậy giọng nói ông ta lại cao vút. - Và tôi không muốn bận bịu vì bọn Quốc xã.
Tôi cất tiếng cười vang.
– Đối với ông, mỗi người Đức đều nhất thiết phải là một tên Quốc xã sao?
Giọng của ông ta lại một lần nữa to hơn, the thé hơn:
– Bên trong mỗi người Đức đều ẩn náu một tên Quốc xã.
Tôi lại cười ngặt nghẽo.
– Và bên trong mỗi người Do Thái đều là một tên giết người.
– Cái gì? - Ông luật sư hỏi bằng giọng cao vút.
Tôi chỉ tấm biển với dòng chữ “Hãy suy nghĩ!” Bảng chữ kia cũng được treo trong văn phòng của ông luật sư, chỉ khác là chữ được mạ vàng.
– Hoặc có thể nói bên trong mỗi người đi xe đạp đều là một tên giết người. - Tôi nói thêm. - Đó là một câu chuyện tiếu lâm ở Đức mọi người thường kể cho nhau nghe vào năm 1919. Khi có một người nào đó nhất quyết là người Do Thái có tội vì nước Đức đã bại trận, người nghe liền nói: “Cả những người đi xe đạp cũng có tội.” Nếu có ai đó hỏi: “Vì sao lại như vậy?”, người kia liền đáp lại cũng bằng một câu hỏi khác: “Thế tại sao người Do Thái có tội?” Nhưng câu chuyện này là chuyện của năm 1919. Khi đó ở Đức mọi người còn được phép nghĩ ngợi, tuy điều này đe dọa sẽ đưa tới những điều không dễ chịu gì.
Tôi chờ đợi ông luật sư sẽ xua đuổi tôi ra khỏi văn phòng của ông ta, nhưng trên mặt của ông ta lại bừng lên một nụ cười và nụ cười kia càng làm vẻ mặt ông ta rạng rỡ hơn.
– Thật là một chuyện tiếu lâm không đến nỗi tồi! - Ông luật sư nói bằng giọng rất thấp. - Tôi chưa biết đến câu chuyện tiếu lâm này đấy.
– Một câu chuyện tiếu lâm đã mọc râu rồi, - tôi nói, - bây giờ ở Đức người ta không đùa vui chọc ghẹo nhau nữa mà chỉ có bắn giết nhau thôi.
Ông luật sư trở lại vẻ nghiêm trang.
– Tôi rất thích chuyện tiếu lâm, - ông ta nói, - tuy thế tôi luôn luôn có cách nhìn nhận riêng của tôi đối với mọi việc.
– Tôi cũng thế đấy.
– Anh chứng minh sự đúng đắn của mình bằng gì nào?
Tôi đứng lên. Tôi đã chán ngấy sự tung hứng đầy ngu ngốc bằng lời lẽ, chữ nghĩa như thế này từ lâu rồi. Không có gì mệt mỏi, ngán ngẩm hơn việc phải lắng nghe người khác khoe khoang trí tuệ của mình. Đặc biệt càng mệt mỏi, ngán ngẩm hơn nữa nếu kẻ kia thực sự lại không hề có trí tuệ.
Nhưng ngay lúc đó viên luật sư có gương mặt bè bè đã nói:
– Anh có đủ một nghìn đô la không?
– Không, - tôi trả lời gay gắt, - tôi không thể có được ngay cả một vài trăm.
Ông luật sư cứ để mặc tôi đi ra đến gần cửa. Mãi đến lúc đó ông ta mới hỏi:
– Thế anh định trả công cho tôi bằng gì đây?
– Bạn hữu muốn giúp đỡ tôi, nhưng tôi sẵn sàng trở lại trại giam giữ người nước ngoài không rõ tông tích còn hơn là ngửa tay van xin họ số tiền như ông vừa rao giá.
– Anh đã từng ở trong một trại như thế à?
– Vâng, - tôi giận dữ đáp. - Cả ở Đức tôi cũng đã từng ngồi trong trại, chỉ có điều ở đó trại giam được gọi bằng một cái tên khác mà thôi.
Tôi cũng đã sẵn sàng chờ đợi cái đụn trí tuệ này sẽ giảng giải rằng trong các trại tập trung ở Đức có cả các tội phạm hình sự và cả thứ đầu trộm đuôi cướp chuyên nghiệp. Đúng cả thôi. Tôi chờ đụn trí tuệ này nói thế và tôi sẽ không kiềm chế mình được nữa. Nhưng lần này tôi đã phỏng đoán sai. Phía sau lưng lão luật sư bỗng có tiếng gì kêu xè xè, và sau đó vang lên những tiếng “cúc cu… cúc cu” buồn thảm. Con chim cúc cu rúc lên mười hai tiếng. Đây là một loại đồng hồ cổ của vùng Schwarzwalder. Tôi đã không nghe âm thanh này từ lâu lắm rồi.
– Một đồ vật tuyệt vời, - tôi nói mỉa.
– Người ta tặng vợ tôi đấy, - ông luật sư nói với thoáng bối rối, - món quà ngày cưới của chúng tôi.
Tôi phải gắng kìm nén để không cất tiếng hỏi liệu trong cái đồng hồ kia có một tên Quốc xã tương lai nào đang ẩn náu không. Tôi cảm thấy như trong cái đồng hồ cúc cu tôi bỗng tìm ra được kẻ đồng minh không ngờ trước. Ông luật sư nói với tôi có vẻ dịu dàng:
– Tôi sẽ giúp anh tất cả những gì tôi có thể giúp được. Sáng ngày kia hãy gọi điện cho tôi.
– Nhưng với khoản tiền thanh toán là bao nhiêu cơ chứ, thưa ông?
– Về khoản này tôi sẽ bàn bạc với bà Stein.
– Tôi muốn biết trước có được không?
– Năm trăm đô la, - ông luật sư nói. - Sẽ trả dần, nếu anh muốn như vậy.
– Theo ý ông, liệu ông có giúp được tôi không?
– Kéo dài thời hạn chiếu khán thì trong bất cứ trường hợp nào tôi cũng lo được cho anh. Còn sau đó thì phải tiếp tục thương lượng.
– Xin cảm ơn ông. - Tôi nói. - Ngày kia tôi sẽ gọi điện cho ông.
Tôi bước ra đường phố. Tôi có cảm tưởng là hàng nghìn những bạn hữu không tên tuổi, không dấu tích đang tiếp nhận tôi vào thế giới của họ. Đường phố như mở toang cánh cửa ra trước mắt tôi và trên từng bước đi tôi phân biệt được lối vào, lối ra của từng ngôi nhà, những ngõ cụt, những lối đi tắt. Và cái chính là trên phố có những đám đông mà ta có thể mất hút đi trong đó.
– Dù chính chúng ta không mong muốn điều đó, nhưng vì nhu cầu, chúng ta đã tiếp thu lối suy nghĩ và thứ lô gích của những tên tội phạm. - Tôi nói với Kahn khi ăn bữa trưa với anh ta trong một quán cà phê rẻ tiền. - Có thể anh sử dụng cách suy nghĩ và thứ lô gích ấy ít hơn những người khác. Chính anh cũng hành động, cũng đáp lại những cú đánh bằng chính những cú đánh. Chỉ có điều là chúng ta xử sự như vậy khi có người thúc vào sau lưng chúng ta thôi. Anh nghĩ sao, liệu điều đó có hợp lý không?
– Chưa hẳn đấy là sự khiếp hãi trước bọn cảnh sát. Nó hoàn toàn tự nhiên. Tất cả những người tử tế đều sợ cảnh sát. Nỗi khiếp sợ đó có cội rễ từ những thiếu sót trong cấu trúc xã hội của chúng ta. Còn những nỗi sợ hãi khác… Điều này phụ thuộc ở chính mỗi chúng ta. Nói đúng nhất là các nỗi khiếp sợ đó sẽ qua đi chính ở đây. Nước Mỹ được tạo lập bởi chính dân di tản. Và hằng năm hàng chục nghìn người ở đây nhận được quốc tịch. - Kahn mỉm cười. - Thứ đạo lí tại nước Mỹ mà! Anh chỉ cần trả lời chắc chắn hai câu hỏi sau để xứng mặt là một chàng trai tốt: “Anh có yêu nước Mỹ hay không?” “Vâng tôi rất yêu. Đây là xứ sở tuyệt vời nhất trên thế gian này.”; “Anh có muốn trở thành người Mỹ không?” “Vâng, tất nhiên là tôi rất muốn!” Và thế là người ta vỗ vai anh rồi tuyên bố anh là người của họ trên tấm bảng cáo thị.
Tôi bỗng nhớ đến ông luật sư mà tôi vừa từ chỗ ông ta trở về.
– “Cúc cu.”
– Cái gì cơ? - Kahn ngạc nhiên hỏi lại.
Tôi kể lại cho anh ta nghe về cái đoạn kết thúc của cuộc gặp mặt với ông luật sư.
– Ông ta đối xử với tôi như đối với người bị bệnh hủi, - tôi nói.
Kahn bỗng tươi tỉnh hẳn lên.
– Ôi chim cúc cu! - Anh cất tiếng cười. - Nhưng ông ta lại chỉ đòi anh trả tất cả có năm trăm đô la. Bằng cách ấy ông ta đã xin lỗi anh rồi đó. Anh có thích những món ăn ở đây không?
– Rất thích. Không thua gì ở Ý.
– Ngon hơn chứ, New York là một thành phố Ý. Ngoài ra, nó còn là một thành phố Tây Ban Nha, Do Thái, Hungary, Trung Hoa, châu Phi và còn là một thành phố Đức nữa.
– Một thành phố Đức sao?
– Chính thế! Anh hãy thử đến phố 86 mà coi, ở đó đầy ắp những quán bia, quán nhậu của người Đức, những tên Quốc xã, những câu lạc bộ hữu nghị Đức - Mỹ, những hội thể thao… Và trong mỗi quán cà phê đều có những chiếc bàn con dành cho những đám khách thường lui tới mang sắc cờ đen, trắng, đỏ. Anh đừng nên nghĩ đấy là một điều tồi tệ. Những chiếc bàn kia dành cho đám khách mang cờ đen, trắng, đỏ, chứ không phải là sắc cờ đen, đỏ, vàng đâu.
Cờ đen, trắng, đỏ: lá cờ của đế chế Đức (1871 - 1918).
Cờ đen, đỏ, vàng: lá cờ của nền Cộng hòa Weimar (1919 - 1933).
– Không có dấu thập ngoặc chứ?
– Họ không công diễn dấu thập ngoặc ra trước mặt thiên hạ đâu. Còn về mọi phương diện khác thì người Đức quốc tịch Mỹ thường kém hơn người bản xứ. Sống xa nước Đức, họ nhìn thấy tổ quốc thánh thần qua lăng kính tình cảm màu hồng, tuy xưa kia đã có thời họ vứt bỏ nó bởi đất mẹ đã trở thành mụ dì ghẻ độc ác đối với họ. - Kahn nói với giọng chế nhạo. - Tôi xin khuyên anh hãy nghe xem ở khu phố ấy người ta đang nói thao thao bất tuyệt về lòng yêu nước, về bia, về các giai điệu nhạc cổ điển Đức, về tính mẫn cảm của quốc trưởng như thế nào.
Tôi nhìn Kahn.
– Sao thế? - Kahn hỏi.
– Không sao cả, - tôi thốt ra một cách khó khăn. - Thế ra tất cả những chuyện như vậy đang xảy ra ở đây sao?
– Người Mỹ mặc thây tất cả. Họ không tiếp nhận những trò đùa như vậy một cách nghiêm chỉnh đâu. Cho dù đang có chiến tranh.
– Cho dù đang có chiến tranh, - tôi nhắc lại.
Hai chữ “chiến tranh” đơn giản không vang lên ở đây. Xứ sở này tách khỏi các cuộc chiến bởi đại dương và nửa vòng trái đất. Biên giới của nó không có nơi nào tiếp giáp với biên giới các nước thù địch. Không ai ném bom đất nước này cả. Và cũng không ai nã đại bác tới đây.
Tôi nhìn ra ngoài phố. Kahn dõi theo ánh mắt tôi.
– Nào, anh sẽ nói gì đây: vẫn là thành phố ấy chứ? Nó không biến đổi sau khi anh đã nói khá sõi tiếng Anh chứ?
– Nói thế nào nhỉ! Đối với tôi, vào những ngày đầu tiên thành phố này như một bức tranh hoặc như một vở kịch câm. Bây giờ thành phố mới phô ra nét thực của nó: ở nó lộ rõ chỗ nhô ra và chỗ lõm vào. Thành phố nói ra rả và tôi cũng đã lĩnh hội được điều gì đó. Nhưng không nhiều đâu. Điều này ngày càng làm tăng thêm cái cảm giác về sự không thực của nó. Trước kia đối với tôi mỗi chiếc xe tắc xi là một con nhân sư, còn người bán báo tựa như một câu đố của thế gian này. Bây giờ tôi nhìn thấy ở mỗi người hầu bàn một Einstein bé nhỏ. Thú thực là tôi hiểu những ông Einstein này. Lẽ đương nhiên trong thời buổi bây giờ cái ông Einstein làm việc tại các khách sạn sẽ không suy tư về vật lí và toán học đâu. Và phép mầu nhiệm còn tồn giữ được cho tới khi nào anh còn chưa cần gì cả. Còn khi anh đã yêu cầu điều gì đó, mọi khó khăn lập tức nảy sinh liền. Tỉnh giấc sau những giấc mộng triết học của mình, tôi đang rơi xuống trình độ học vấn của một cậu học trò tụt lại phía sau các bạn cùng tuổi của mình.
Kahn gọi cho mỗi người hai suất kem.
– Kem hồ trăn và chanh, - anh gọi với theo cô hầu bàn. Kahn gọi kem lần này là lần thứ hai. - Ở Mỹ có tới bảy mươi hai loại kem khác nhau, - anh ta thông báo với vẻ mơ màng hiện rõ trên nét mặt. - Tất nhiên không bán ở cái quán xoàng xĩnh này mà ở các quán cà phê lớn và các hiệu thuốc tây. Tôi cũng đã nếm thử gần bốn mươi loại. Xứ sở này là thiên đường đối với những người thích ăn kem. Tôi thật may mắn! Tôi là kẻ máu mê kem đến phát điên phát dại! Tiện thể xin nói luôn, cái quốc gia nhạy bén này đã gửi cho những người lính của họ đang chiến đấu chống bọn Nhật gần những quần đảo san hô nào đó những chuyến tàu đầy ứ kem và bít tết.
Kahn ngắm nhìn cô hầu bàn tựa như trên tay cô ta là chén rượu trường sinh bất tử.
– Cửa hàng chúng tôi không có kem hồ trăn, - cô hầu bàn nói, - tôi mang cho các ông kem bạc hà và kem chanh. Được chứ?
– Được!
Cô hầu bàn mỉm cười.
– Ở đây có những người đàn bà ngon lành quá, - Kahn nói, - ngon như toàn bộ bảy mươi hai loại kem được trộn chung với nhau. Các cô ấy đã chi một phần ba tiền thu nhập hằng tháng cho khoản phấn son trang điểm. Mà nếu không thế, thì người ta không nhận vào làm việc đâu. Ở đây người ta không chấp nhận những quy luật thường tình của tự nhiên đâu. Tất cả đều phải trẻ trung. Còn nếu tuổi trẻ đã trôi qua rồi, phải làm sao hồi phục lại bằng con đường nhân tạo. Anh hãy đưa thêm nhận xét này vào cái chương nói về thế giới không có thực trong cuốn sách của anh.
Giọng nói của Kahn an ủi tôi phần nào. Câu chuyện trao đổi giữa hai chúng tôi rì rầm như một dòng suối chảy.
– Tất nhiên anh biết Après-midi d’un Faune phải không? - Kahn nói. - Tôi thì tôi nói thế này: ở đây những người ghiền kem đã nếm thử mùi vị của “khúc dạo đầu”. Đối với chúng ta “khúc dạo đầu” này là một thứ thuốc chữa bệnh. Nó sẽ chữa lành những tâm hồn bệnh hoạn. Có đúng thế không anh?
Après-midi d’un Faune: Khúc dạo đầu cho giấc ngủ trưa của thần Điền Dã - tên một tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Pháp Debussy.
– Tại cửa hàng bán đồ cổ tôi trải nghiệm một cái khác cơ: đây là “khúc dạo đầu cho giấc ngủ trưa” của một viên quan Trung Hoa, kéo dài không bao lâu trước khi người ta đưa ông ra pháp trường.
– Anh hãy tận hưởng cái khúc dạo đầu của mình tốt hơn thế với một cô gái Mỹ nào đó. Anh sẽ hiểu được chừng một nửa những gì mà nàng thỏ thẻ bên tai anh và xin anh đừng cố sức tưởng tượng làm gì, mà anh hãy trở về ngay với những ngày vàng trong cái thời trai trẻ vô lo vô nghĩ của anh. Tất cả những gì mà con người ta không hiểu đều trở thành một tấm màn bí mật bao phủ lấy họ. Kinh nghiệm đời của anh chưa đủ sức tạo nên sự quyến rũ đâu, nhưng chính cái vốn lời ăn tiếng nói còn chưa hoàn thiện của anh sẽ lại cứu anh. Rồi anh sẽ thấy thôi, anh sẽ thực thi được trong cuộc đời mình một trong những giấc mơ nhỏ nhoi của loài người: anh sẽ lại được sống một lần nữa và khi anh đã quá thừa cái tinh tường, lọc lõi của một người lớn rồi, anh bỗng có dịp trở về với những bồng bột, xôn xao của tuổi trẻ. - Kahn cười. - Xin anh đừng bỏ qua cơ hội này. Từng ngày trôi qua anh đang để mất đi một thứ gì đó. Anh càng hiểu biết nhiều thì sức quyến rũ càng giảm đi. Thêm nữa, giờ bất cứ người đàn bà nào ở đây đối với anh đều là một thứ của lạ nước ngoài, một câu đố. Nhưng rồi chữ nghĩa của anh càng khá hơn, của lạ ngày càng mang thêm những nét thực của một bà chủ gia đình, một mụ phù thủy hay một người đẹp trên vỏ hộp kẹo bánh. Anh hãy biết gìn giữ, như một thứ trời cho, tuổi tác của anh hiện nay, và hãy bỏ ngay đi cái cậu học trò mươi, mười lăm tuổi đã ẩn náu trong anh quá lâu rồi. Thật đáng tiếc tuổi già kéo đến với anh quá nhanh. Một năm nữa thôi anh đã ba mươi tư rồi. - Liếc nhìn đồng hồ, Kahn gọi cô hầu bàn đeo chiếc tạp dề với những đường sọc màu xanh da trời tới. - Cho xin thêm một suất nữa! Kem vani.
– Cửa hàng còn loại kem hạnh đào nữa.
– Thế thì cho kem hạnh đào vậy. Và một vài quả mâm xôi! - Kahn nhìn tôi. - Tôi cũng dạng thực thi mơ ước thời trai trẻ của tôi đấy. Chỉ có điều là ấu trĩ và ngây thơ hơn mà thôi. Tôi cứ gọi mọi loại kem tùy thích. Chính ở đây, lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi có khả năng này. Đối với tôi cái điều kiện mà hiện nay tôi có được trong tay là biểu trưng của sự tự do và sự vô lo vô nghĩ. Còn mọi thứ tín điều, khái niệm mà chúng ta đã từng thờ phụng hoặc bài bác khi chúng ta còn ở bên kia đại dương đã mất hết sức mạnh rồi. Ở đây chúng ta mang màu sắc gì, hình dạng nào… điều này cũng không quan trọng đâu.
Nheo mắt lại, tôi ngắm nhìn dãy phố bụi bặm, nhìn dòng xe cộ ken đặc. Tiếng động cơ ô tô và tiếng bánh xe lăn trên mặt đường quyện vào nhau thành một âm thanh đơn điệu như ru ngủ tôi.
Lowy-anh xuống tầng hầm tìm tôi. Anh ta cầm trên tay một bức tượng đồng.
– Anh nghĩ sao, cái tượng ấy mà?
– Theo ý anh tôi phải nói sao đây?
– Tôi cho là nó thuộc thời đại đồ đồng thuộc thời nhà Chu hoặc nhà Thương. Lớp gỉ sét xem ra không đến nỗi nào phải không?
– Anh mua bức tượng này à?
– Không có anh tôi đâu dám. Có một người mang nó đến cho tôi. Anh ta đợi trên cửa hàng. Đòi một trăm đô la. Anh ta có thể bán với giá tám mươi đô la. Rẻ phải không?
– Quá rẻ! - Ngắm bức tượng, tôi nói. - Anh ta là người mua đi bán lại sao?
– Không chắc. Chàng trai trẻ này nói là anh ta có bức tượng này như một vật thừa tự. Bây giờ anh ta đang cần tiền, thế thôi. Của thật chứ?
– Đây đúng là đồng Trung Hoa. Nhưng không phải thuộc đời nhà Chu, hay Hán gì cả đâu. Có thể là thuộc thời Đường, hay cận hơn, thời Tống hoặc Minh. Những bản sao của thời Minh nom còn cổ hơn cả bức tượng thật trước đó vài nghìn năm. Nhưng sự sao chép cũng không được tỉ mẩn, kĩ lưỡng lắm. Hình khắc con Thao Thiết không chính xác, và mấy cái vòng xoắn ốc này vốn chỉ xuất hiện sau đời Hán. Cách trang trí thì lại sao chép của thời nhà Thương: hàm súc, giản dị và gây ấn tượng mạnh. Ngoài ra những nếp cuốn trên thứ đồ đồng cổ đời Chu thực sự phải tinh vi hơn.
– Thế còn lớp sét gỉ? Nom tuyệt đấy chứ!
– Thưa ngài Lowy, - tôi nói, - lớp gỉ sét này khá xưa, nhưng lại không có lớp vỏ cứng malachit. Ngài còn nhớ không, người Trung Hoa ngay ở thời Hán đã sao chép lại và chôn xuống đất những bức tượng của thời Thương. Lớp sét gỉ của các bức tượng ấy đều tuyệt vời, tuy chính bức tượng không nhất thiết phải được làm ra từ thời Chu.
– Thứ đồng ấy giá bao nhiêu?
– Chừng hai mươi ba đến ba mươi đô la. Nhưng về giá cả ngài thông tỏ hơn tôi nhiều.
– Anh có muốn lên cửa hàng với tôi không? - Lowy hỏi, trong cặp mắt xanh biếc của anh ta lấp lánh sự tàn nhẫn.
– Tôi có cần phải lên không?
– Chả lẽ điều đó không làm anh hài lòng sao?
– Cái gì cơ? Vạch mặt một kẻ bịp bợm ấy à? Để làm gì? Và tôi không nghĩ rằng anh ta là một kẻ bịp bợm. Trong thời buổi bây giờ ai mà đi tìm hiểu đồng cổ Trung Hoa làm gì?
Lowy nhìn tôi với ánh mắt sắc lẹm.
– Thôi, tôi xin ngài Ross, hãy bớt đi những thứ bóng gió xa xôi.
Vẫy tay, Lowy-anh mập mạp gõ giày trên cầu thang đi lên cửa hàng. Anh ta nhỏ con, nhưng khá béo, chân vòng kiềng và là một con người không ai lay chuyển nổi. Chiếc cầu thang oằn xuống dưới bước chân anh ta, bụi bốc lên ở từng bậc một. Phải mất một lúc tôi chỉ nhìn thấy hai ống quần bay phấp phới và đôi giày của Lowy. Sau rồi cái thân hình kia cũng đã biến mất trên lối vào cửa hàng. Cái giây lát ấy khiến tôi có cảm giác trước mắt tôi không phải là Lowy-anh, mà là phần phía sau của một chú ngựa trong rạp xiếc.
Vài phút sau tiếng bước chân lại vang lên một lần nữa. Sau đó tôi nhìn thấy bức tượng.
– Tôi mua rồi đây! - Lowy-anh nói với tôi. - Với giá hai mươi đô la. Đời Minh thì cũng chẳng sao.
– Đúng thế. - Tôi hưởng ứng.
Tôi biết rằng Lowy-anh mua bức tượng kia cũng chỉ xuất phát từ ý nghĩ mình cũng có suy nghĩ riêng trong công việc của mình. Cho dù chính kiến ấy không phải ở lĩnh vực nghệ thuật Trung Hoa đi thì cũng ở lĩnh vực mua và bán chứ. Lúc này anh mập đang chăm chú nhìn tôi.
– Anh định làm việc ở đây bao lâu? - Anh ta hỏi.
– Câu trả lời phụ thuộc vào anh đấy. Anh có muốn tôi phải cuốn xéo đi ngay không?
– Không, không. Nhưng giữ anh mãi mãi chúng tôi cũng không thể làm được. Anh cũng định thôi việc trong thời gian tới, phải không? Trước kia anh làm nghề gì?
– Nghề báo.
– Chẳng lẽ không thể quay về với nghề cũ được sao?
– Với vốn liếng tiếng Anh của tôi ấy à?
– Bây giờ anh tán dóc bằng tiếng Anh cũng không đến nỗi tồi đâu.
– Trời, ngài Lowy! Tôi không thể viết ngay đến cả một bức thư thôi mà không mắc lỗi.
Lowy-anh dùng bức tượng đồng gãi cái đầu hói của mình. Nếu bức tượng này thuộc đời Chu, hẳn anh ta sẽ đối xử với nó cẩn tắc hơn.
– Anh có am hiểu hội họa không?
– Chút ít thôi. Cũng như với tượng đồng.
Lowy-anh cười gằn.
– Chút ít à? Tôi rồi cũng phải tự học lấy thôi. Có thể ai đó trong số bạn đồng nghiệp của tôi đang cần người trợ giúp. Quả là công việc làm ăn dạo này ì ạch quá. Chính anh cũng thấy trên cửa hàng đấy. Nhưng nếu buôn bán tranh thì lại là một chuyện khác. Đặc biệt là với các bức tranh của các họa sĩ trường phái ấn tượng. Còn những bức tranh cổ thì bây giờ hoàn toàn mất giá rồi. Thôi, nói gọn lại là để xem đã.
Một lần nữa Lowy-anh lại khua chân ầm ĩ trên cầu thang.
Bóng Tối Thiên Đường Bóng Tối Thiên Đường - Erich Maria Remarque Bóng Tối Thiên Đường