There's nothing to match curling up with a good book when there's a repair job to be done around the house.

Joe Ryan

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Tô Hoàng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 325 / 27
Cập nhật: 2020-04-04 20:27:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
achmann trao cho tôi địa chỉ của Harry Kahn. Về những chiến tích có tính chất huyền thoại của Kahn tôi đã được nghe ngay từ khi tôi còn ở bên Pháp. Vào một trong những ngày đẹp trời, Kahn đã xuất hiện ở miền Provence dưới cái tên Raoul Tegnèr và tấm hộ chiếu ngoại giao trong túi. Không một ai biết làm sao mà anh ta có được tấm hộ chiếu ngoại giao kia. Theo một giả thuyết, giấy tờ của anh ta là giấy tờ của Pháp với con dấu Tây Ban Nha xác nhận rằng Kahn là phó lãnh sự tại thành phố Bordeaux. Nhiều ý kiến ngược lại đã cho rằng dường như nhiều người đã nhìn thấy tấm giấy hộ chiếu của Kahn và hình như tấm hộ chiếu đó là hộ chiếu Tây Ban Nha thật. Bản thân Kahn thì câm lặng đầy bí hiểm, nhưng bù vào đó anh ta lại hành động. Xe của anh ta cắm cờ ngoại giao đoàn, anh ta ăn vận lịch sự, thêm vào đó bản tính xem ra là người máu lạnh, lạnh đến hỗn hào. Anh ta tự tin đến độ thậm chí ngay những người lưu vong cũng đinh ninh là mọi chuyện về anh ta đều đúng cả. Tuy nhiên, trên thực tế chẳng có chuyện nào là thật.
Kahn được tự do đi lại khắp nơi. Cái hay nhất là ở chỗ anh ta du ngoạn đây đó như một người đại diện cho một nền độc tài khác, nhưng anh ta lại không mảy may biết gì về nó cả. Chẳng bao lâu sau Kahn trở thành một vị anh hùng trong các chuyện cổ, chuyên làm những việc nghĩa hiệp. Chính lá cờ ngoại giao trên chiếc xe một phần đã che chở cho Kahn. Còn những khi đội tuần tra của bọn SS hay bọn lính Đức muốn giữ anh ta lại, Kahn nổi giận và chửi rủa không tiếc lời khiến bọn Đức đã vội vã lùi bước, lo sợ sẽ bị cấp trên của chúng quở trách. Kahn hiểu khá rõ bọn Quốc xã rất sợ nể thái độ hỗn hào, làm phách và nó cũng khiến anh ta có thêm sức mạnh.
Kahn đã từng liên hệ với phong trào kháng chiến của Pháp. Có thể chính những người hoạt động bí mật đã cung cấp cho anh ta tiền bạc, vũ khí và chủ yếu là xăng dầu. Kahn luôn luôn có đủ xăng, tuy vào thời kì đó xăng là một thứ hàng cực kì khan hiếm. Kahn vận chuyển truyền đơn và những tờ báo đầu tiên của tổ chức bí mật - loại hai trang khổ nhỏ. Tôi cũng đã từng biết đến trường hợp sau: một lần đội tuần tiễu bắt Kahn dừng lại để kiểm soát chiếc xe của Kahn. Lần đó thật không may xe lại chật lèn tài liệu bí mật. Nhưng Kahn đã gây ngay ra một cuộc cãi cọ dữ dội đến độ bọn Đức vội vàng phải lùi bước, tựa như chúng vừa nắm phải đuôi một con rắn độc.
Đôi khi Kahn còn có những tờ hộ chiếu Tây Ban Nha chưa điền tên ai. Nhờ chúng, anh ta đã cứu mạng sống nhiều người lưu vong: họ có thể vượt qua biên giới và tới ẩn náu ở Pyrénées. Đó là những người mà bọn Gestapo đang lùng sục. Kahn còn giúp họ ẩn náu cả thời gian dài trong các tu viện của Pháp để sau đó, khi thời cơ vừa xuất hiện, anh cho họ đi lánh nạn ngay. Bản thân tôi được biết hai trường hợp, khi Kahn dám lên tiếng ngăn chặn sự cưỡng bức những người lưu vong trở lại Đức. Trong trường hợp đầu, anh ta gợi ý cho một thượng nghị sĩ Đức biết rằng nước Tây Ban Nha hết sức quan tâm đến người tù này: ông này nói thạo nhiều thứ tiếng và chính vì thế người ta muốn sử dụng ông ta với tư cách là thống sứ Tây Ban Nha tại Anh. Trường hợp thứ hai Kahn đã hành động với sự trợ giúp của rượu cognac, rượu rum và bọn lính gác, sau đó bắt đầu đe sẽ tố cáo bọn chúng với lí do nhận hối lộ.
Khi Kahn biến mất mà không một ai hay biết, trong giới lưu vong loan truyền những tin đồn đại thất thiệt nhất. Mọi người tranh nhau kêu la ầm ĩ. Bởi lẽ mỗi một người lưu vong đều hiểu rằng Kahn chỉ có thể ra khỏi cuộc chiến tranh này bằng cái chết. Mỗi ngày anh ta càng trở nên không biết sợ ai, không biết sợ bất cứ điều gì. Có cảm giác như anh ta đang thách đố với số phận. Nhưng sau đó là sự im lặng đáng sợ. Tôi cho là bọn phát xít đã ngấm ngầm giết chết anh ta từ lâu rồi trong một trại tập trung nào đó hoặc đã treo cổ anh ta, tựa như những anh hàng thịt treo những đùi thịt bò, bê lên móc. Ấy thế mà gặp Lachmann, tôi được biết rằng Kahn đã trốn thoát.
Tôi tìm Kahn tại cửa hiệu đang tiếp âm radio bài phát biểu của tổng thống Roosevelt. Qua những cánh cửa để ngỏ, một thứ âm thanh đinh tai nhức óc phóng ra đường phố. Trước dãy tủ kính cửa hiệu người ta chen chúc nhau nghe bài diễn văn kia.
Tôi cố để nói chuyện với Kahn. Nhưng điều này không thể làm được bởi lẽ làm sao tôi có thể hét to hơn tiếng radio được. Hai chúng tôi chỉ có thể giải thích mọi điều cho nhau qua điệu bộ. Kahn nhún vai vẻ tiếc rẻ, tay chỉ lúc cái loa truyền thanh, lúc đám đông phía sau lớp kính và mỉm cười. Tôi hiểu: đối với Kahn, điều quan trọng là hãy để nhân dân lắng nghe Roosevelt và chính anh ta cũng không muốn tôi bỏ qua, không nghe bài diễn văn này. Tôi ngồi xuống cạnh tủ kính quầy hàng, lấy thuốc lá ra và bắt đầu lắng nghe.
Kahn là một người mảnh mai, tóc đen với đôi mắt cũng đen nhánh như hai cục than. Anh ta còn trẻ, không ngoài ba mươi tuổi. Nhìn anh ta không ai có thể nói rằng anh ta là con người gan vàng dạ sắt, nhiều năm đã dám chơi với lửa. Nói đúng hơn anh ta nom giống một nhà thơ, gương mặt anh ta vừa đăm chiêu lại vừa cởi mở. Rimbaud và Villon cũng là những nhà thơ. Những gì mà Kahn đã thực hiện có lẽ cũng chỉ xuất hiện trong đầu óc các nhà thơ mà thôi.
Cái loa phóng thanh đột nhiên câm bặt.
– Xin lỗi! - Kahn nói. - Tôi muốn nghe cho hết bài phát biểu này. Anh có nhìn thấy mọi người trên đường phố không? Một số trong bọn họ có khả năng chấm dứt cuộc đời vị tổng thống này. Roosevelt có khá nhiều kẻ thù. Bọn thù địch này khẳng định Roosevelt lừa dụ nước Mỹ lao vào cuộc chiến tranh và ông phải chịu trách nhiệm vì những tổn thất đối với người Mỹ.
– Còn bên châu Âu thì sao?
– Không chỉ ở châu Âu, mà ngay tại Thái Bình Dương, người Nhật cũng buộc ông ta phải chịu trách nhiệm. - Kahn nhìn tôi đăm đăm. - Theo tôi nhớ chúng ta đã gặp nhau ở đâu nhỉ? Ở Pháp thì phải?
Tôi kể cho anh nghe tai họa của tôi.
– Khi nào thì anh phải cuốn xéo khỏi nơi đây?
– Hai tuần lễ nữa. - Tôi đáp.
– Anh định đi đâu?
– Làm sao mà tôi biết trước được.
– Hãy đến Mexico, - Kahn nói, - hoặc Canada. Đến Mexico đơn giản hơn. Chính phủ bên ấy tốt bụng hơn. Họ tiếp nhận ngay cả những người Tây Ban Nha di tản - những dân tị nạn. Cần phải xin phép sứ quán của họ trước. Anh có những giấy tờ gì?
Tôi giải thích, và Kahn mỉm cười, nụ cười làm biến đổi gương mặt anh.
– Cũng không khác mấy với những người khác, - anh lẩm bẩm. - Anh có muốn giữ được tấm hộ chiếu đó không?
– Lẽ dĩ nhiên là muốn chứ. Đấy là thứ giấy tờ duy nhất hiện tôi có. Nếu tôi tự thú nhận đấy là tấm hộ chiếu của một người khác tôi sẽ bị tống giam liền.
– Không hẳn. Nhưng nó cũng không mang lại cho anh lợi lộc gì đâu. Tối hôm nay anh sẽ làm gì? Có bận việc gì không?
– Tất nhiên là không.
– Rẽ qua tôi vào khoảng chín giờ. Chúng tôi sẽ tìm cách giúp đỡ anh. Ở đây có một nơi mà chúng ta có thể nhận được sự giúp đỡ.
Gương mặt tròn vạnh, đôi má đỏ ửng, đôi mắt cũng tròn vo như hai viên bi ve, mái tóc dày, ánh đen - gương mặt ấy nom như một vầng trăng mãn khai.
– Robert! - Betty Stein kêu váng lên. - Lạy Chúa, anh từ đâu đến đây? Anh ở đây từ bao giờ vậy? Tại sao tôi không hay biết gì về anh cả? Lẽ ra anh nên báo cho tôi biết. Tôi hiểu rồi, anh còn cả núi công việc quan trọng hơn mà! Anh còn thời gian đâu mà nhớ tới tôi nữa. Thật là điển hình cho…
– Hai người quen nhau sao? - Kahn hỏi.
Không thể nào hình dung nổi ai đã từng tham gia vào cuộc thiên di của các dân tộc mà lại không biết tới Betty Stein. Chị là người bảo trợ cho những kẻ di tản cũng như trước kia ở Berlin chị đã từng là người bảo trợ cho các diễn viên, các họa sĩ và các nhà văn khi còn chưa lập nên công danh. Trái tim dịu dàng đầy tình người của chị luôn luôn rộng mở đối với tất cả những ai cần chị giúp đỡ. Tấm lòng hào hiệp của chị bộc lộ mãnh liệt và nồng nhiệt đến mức đôi khi biến thành một thứ bạo quyền: hoặc là anh phải trở thành tài sản của chị hoàn toàn, hoặc là anh trở thành kẻ thù của chị.
– Tất nhiên chúng tôi quen biết nhau. - Tôi trả lời Kahn. - Nhưng quả là chúng tôi đã không gặp nhau mấy năm rồi. Đấy, anh thấy không, tôi chưa kịp bước vào nhà, chị ấy đã quở mắng tôi rồi. Cái tính khí ấy nằm tự trong máu của chị ấy. Máu Slav.
– Vâng, quả đúng như thế đấy! Tôi sinh ra ở Breslau, - Betty Stein tuyên bố, - và tôi rất tự hào về điều này.
– Thường cũng hay gặp những thiên kiến từ thời tiền sử! - Kahn nói điềm tĩnh. - Thật rất mừng vì anh và chị đã quen biết nhau. Anh bạn chung này của tôi và chị đang cần tới sự hỗ trợ và những lời khuyên. Ý tôi muốn nói tới anh chàng Ross này. - Kahn chỉ vào tôi.
– Ross?
– Vâng, chính là cái anh chàng Ross này. - Tôi nói.
– Ross đã chết rồi cơ mà?
– Đúng thế, chị Betty ạ. Còn tôi là người thừa kế của anh ấy.
– Tôi hiểu rồi.
Tôi giải thích cho Betty hiểu tình huống đã xảy ra. Ngay lập tức, với tất cả sự nôn nóng, Betty Stein vơ lấy cái việc mà Kahn vừa nêu ra kia rồi sôi nổi bàn tán ngay với Kahn những phương án khác nhau. Tôi biết ở nơi này Kahn như một người anh hùng của phong trào kháng chiến Pháp nên rất được trọng nể. Tôi không biết làm gì trong lúc hai người trò chuyện với nhau, đành đưa mắt ngắm nhìn nơi tôi vừa tới. Gian phòng này khá rộng và mọi thứ đều như phù hợp với tính cách của Betty. Trên tường là những bức ảnh được gắn vào bằng đinh bấm - những bức chân dung với những lời đề tặng trân trọng. Tôi bắt đầu chăm chú đọc kĩ những lời đề tặng kia, nhiều người trong ảnh cũng đã chết. Sáu người như vậy và đấy là những người không chịu rời bỏ nước Đức, một người đã từ nước ngoài trở về quê hương.
– Tại sao bức chân dung của Forster chị lại đặt trong khung viền màu đen? - Tôi hỏi. - Anh ta còn sống cơ mà.
– Bởi vì Forster một lần nữa trở lại nước Đức. - Betty quay về phía tôi nói. - Anh có biết vì sao Forster trở về không?
– Tại vì anh ta không phải là người Do Thái và quá buồn nhớ quê hương, - Kahn nói, - vả lại anh ta không biết tiếng Anh nữa.
– Hoàn toàn không phải như thế. Mà là bởi vì ở Mỹ không ai biết làm cho anh ta món xa lát, món ăn mà anh ta rất ưa thích, - Betty trang trọng nói cho chúng tôi hay, - điều đó làm anh ta thấy buồn.
Trong phòng vang lên tiếng cười gượng gạo. Những câu chuyện tiếu lâm của dân di tản tôi cũng đã thuộc lòng khá nhiều: cái cười trong gian phòng này là cái cười mỉa mai và thất vọng. Cũng như có cả một lô chuyện tiếu lâm xung quanh các nhân vật như Göring, Goebbels và Hitler.
– Thế tại sao chị không hạ bức chân dung của Forster xuống? - Tôi hỏi.
– Tại sao à? Tại vì mặc cho mọi điều như vậy, tôi vẫn yêu anh ta. Forster là một diễn viên tầm cỡ.
Kahn cất tiếng cười.
– Chị Betty bao giờ cũng khách quan, - Kahn nói. - Bao giờ mọi chuyện nhăng nhít này kết thúc, chị Betty đây sẽ là người đầu tiên cất lên lời nhận xét về những người bạn chung của chúng ta, trong những năm tháng vừa qua ở Đức họ đã kịp viết ra những cuốn sách bài Do Thái và đã nhận được tước vị. Chị ấy sẽ giải thích là họ đã làm tất cả điều đó để mọi điều không dồn tới chỗ tồi tệ nhất! - Kahn vỗ lên đôi bờ vai mập mạp của Betty. - Chả lẽ tôi nói không đúng sao, hở chị Betty?
– Nếu những kẻ khác là những con lợn, điều đó cũng không có nghĩa chúng ta cũng phải xử sự như những con lợn. - Betty hơi bực dọc, phản bác lại.
– Chính là bọn họ đang trông đợi ở những quan niệm như vậy đấy, - Kahn vẫn bình thản, - nhưng đến cuối cuộc chiến tranh họ sẽ lại dự tính một cách đoan chắc là người Mỹ sau khi bắn loạt pháo cuối cùng sẽ gửi ngay đến Đức những chuyến tàu chở đầy thịt, bơ và thịt muối cho những người Đức nghèo khổ, tức những người vô sản Đức chỉ lăm le định tiêu diệt họ.
– Nhưng nếu bọn Đức thắng trong cuộc chiến tranh này thì sao? Theo ý anh, những kẻ kia sẽ cư xử như thế nào? Bọn họ cũng sẽ phân phát thịt muối chứ? - Có một người nào đó vừa ho, lên tiếng hỏi.
Tôi không trả lời. Những cuộc trao đổi như thế này thực sự đã khiến tôi chán ngấy đến tận cổ. Tốt nhất là hãy ngắm nhìn những bức ảnh.
– Danh sách những kẻ đã chết của Betty. - Một người đàn bà nhỏ nhắn, làn da trắng bợt, ngồi trên chiếc ghế phía dưới những tấm ảnh, nhắc Betty. - Đây là chân dung Hastenecker.
Tôi nhớ lại Hastenecker. Bọn Pháp đã đưa anh vào trại tập trung dành cho người nước ngoài không rõ gốc tích cùng với những người lưu vong khác. Anh là nhà văn và đã biết nếu anh rơi vào tay bọn Đức cuộc đời anh coi như là chấm hết. Anh còn biết rằng bọn Gestapo sẽ triệt hạ trại giam dành cho người nước ngoài không rõ tông tích. Vì thế trước khi bọn Đức tiến đến trại anh đã tự vẫn.
– Thật điển hình cho thói bàng quan của người Pháp! - Kahn nói vẻ giận dữ. - Có thể chúng ta nghĩ không có chuyện đó, nhưng thực tế người ta đang làm như vậy đấy.
Tôi nhớ lại là Kahn đã yêu cầu viên chỉ huy của một trong những trại tập trung như vậy phải thả một số người Đức lưu vong. Anh ta kiên nhẫn yêu sách đến độ viên chỉ huy trại bản tính khá cứng rắn, cuối cùng cũng chịu lùi bước. Đêm đến viên sĩ quan đã phóng thích những người lưu vong. Điều này thực hiện thật khó khăn bởi lẽ trong trại có cả một số tên Quốc xã. Thoạt đầu Kahn phải thuyết phục những viên chỉ huy thả những tên Quốc xã kia ra trước, bởi lẽ nếu không làm như vậy - theo lời Kahn - bọn Gestapo sau khi kiểm soát trại sẽ bắt giam chính viên chỉ huy kia. Nhưng sau đó Kahn lại sử dụng chính bọn Quốc xã đã được phóng thích kia để gây áp lực đối với viên chỉ huy trại. Anh dọa là đã có lời kêu ca, phàn nàn về hắn gửi cho chính phủ Vichy. Kahn tự đặt tên cho cách ứng xử của mình là “phương pháp cưỡng bách phù hợp với đạo lí”.
– Anh ra khỏi nước Pháp như thế nào? - Tôi hỏi Kahn.
– Bằng con đường mà lúc đó có cảm giác là hoàn toàn bình thường. Gestapo cũng bắt đầu lần ra điều gì đó. Hành động ngang ngược của tôi và cả cái chức vị đáng ngờ phó lãnh sự cũng không còn có ích gì cho tôi nữa. Vào một ngày đẹp trời tôi bị bắt. May sao vào đúng thời điểm ấy tại sở chỉ huy của bọn Đức lại xuất hiện hai tên Quốc xã mà nhờ tôi chúng đã được phóng thích. Chúng chuẩn bị trở về Đức. Cả hai tên này lẽ đương nhiên đều đoan quyết rằng tôi là bạn của người Đức, tôi còn giúp đỡ bọn chúng nữa… Tạo ra bộ mặt rất nghiêm trọng, kiệm chữ kiệm lời và sau đó làm như tình cờ, tôi nêu ra vài cái tên. Thế là bọn chúng không làm cái điều mà tôi ngại ngùng nhất: chuyển tôi lên cấp trên. Nỗi sợ hãi đã khiến chúng choáng ngợp. Nhưng tôi vẫn lo, nhỡ cấp trên của chúng vì lí do nào đó đột nhiên lại cật vấn chúng thì sao? Cuối cùng chúng đã cảm ơn tôi vì tôi đã hứa sẽ quên đi việc vừa xảy ra và chúng thả tôi ra ngay tắp lự. Tôi chuồn rất xa, đến tận Lisbon. Con người ta cần phải học cách nhận biết khi nào thì không thể liều lĩnh hơn được nữa. Cái khoảnh khắc đó có một thứ linh cảm đã xuất hiện, giống như thứ linh cảm trước một cơn đau tim. Trước đó anh đã nôn nao cái cảm giác khó chịu, nhưng lúc này là thứ cảm giác hơi khác hơn, anh cần phải hành động nhanh theo thứ linh cảm ấy. Bởi lẽ cơn đau tiếp sau đó có thể dẫn đến cái chết.
Lúc này hai chúng tôi đang ngồi trong bóng tối.
– Đây là cửa hàng của anh à? - Tôi hỏi.
– Không, ở đây tôi là một người làm công. Trong tôi có năng lực của một anh bán hàng thuộc loại khá đấy.
– Tôi hoàn toàn tin tưởng vào điều anh vừa nói.
Ngoài phố bóng đêm đã buông xuống. Đêm ở thành phố lớn nhộn nhịp với những ngọn đèn điện rực sáng và những người qua lại. Có cảm giác tựa như cái quầy kính bán hàng mà trong bóng đêm không còn nom thấy rõ nữa đã che chở cho hai chúng tôi, không chỉ khỏi tiếng động ầm ĩ, ồn ào ngoài kia, mà còn như che giấu chúng tôi khỏi thế giới.
– Trong bóng tối như thế này ta không thể cảm thấy vị của thuốc lá. - Kahn nói. - Thật là tuyệt diệu nếu trong bóng tối ta không cảm thấy nỗi đau, có đúng như thế không anh?
– Ngược lại nỗi đau càng trở nên xót buốt hơn vì con người sợ hãi. Chỉ có điều là không biết chúng ta đang sợ ai đây.
– Sợ chính mình. Nhưng tất cả chuyện đó đều là chuyện bịa đặt ráo. Không nên sợ chính mình mà chỉ nên sợ những người khác.
– Đấy cũng lại là điều bịa đặt thôi.
– Không. - Kahn bình thản nói. - Điều anh vừa nhận xét chỉ đúng từ trước năm 1918 thôi, sau năm 1933 thì mọi chuyện không như anh đã nghĩ đâu. Văn hóa là một lớp mỏng manh, một cơn mưa nhẹ hạt thường tình cũng có thể rửa sạch lớp phủ kia đi ngay. Chính dân tộc Đức - một dân tộc của các nhà thơ và các nhà tư tưởng - đã dạy cho chúng ta điều này. Dân tộc Đức thường tự coi mình là những người thuộc một nền văn minh cao. Nhưng với niềm khoái lạc là thực hiện cuộc chính biến để quay trở về với những gì tăm tối, khốn nạn nhất, họ đã vượt qua khá xa Attila và Thành Cát Tư Hãn.
Attila: nhà lãnh đạo nổi tiếng của đế chế Hung Nô từ năm 434 tới 453, với những cuộc chinh phạt đẫm máu để thâu tóm các dân tộc khác.
Tôi trở về khách sạn và cái khách sạn này đối với tôi bỗng trở nên buồn thảm hơn trước đây. Ngồi tại gian phòng nghỉ xây theo kiểu cổ tôi quyết định chờ Melikov. Bốn phía xung quanh tựa như không có một ai, nhưng tôi đột nhiên nhận ra tiếng người nào đó đang nức nở. Trong một góc khuất, bên cạnh chiếc bồn trồng cây cọ có một người đàn bà. Thật vất vả lắm tôi mới nhận ra Natasha Petrovna.
Có lẽ cô ta cũng đang đợi Melikov. Tiếng khóc của cô xoáy vào đầu tôi. Thế mà đầu tôi lại quá nặng sau buổi uống rượu rồi. Chần chừ giây lát, tôi tiến về phía cô ta.
– Liệu tôi có thể giúp được cô chút nào không đây?
Cô ta không trả lời.
– Có chuyện gì đã xảy ra với cô thế?
Natasha lắc đầu:
– Chẳng có chuyện gì cả!
– Nhưng sao cô khóc?
– Chẳng có gì đâu!
Tôi nhìn Natasha hồi lâu.
– Chắc có nguyên do gì. Nếu không tại sao cô lại khóc?
– Anh tin là có chuyện gì à? - Đột nhiên Natasha giận dữ hỏi tôi.
Lẽ ra tôi có thể bước đi rồi, nhưng trong đầu tôi đang đầy ắp những suy tư hỗn độn.
– Nhất định là phải có nguyên cớ gì rồi. - Tôi nói sau một lát im lặng.
– Chả lẽ thế ư? Chẳng lẽ không được khóc khi không có nguyên do chính đáng sao? Chẳng lẽ mọi chuyện đều phải có nguyên do sao?
Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu giả như Natasha tuyên bố chỉ có những người Đức ngu ngốc mới tìm nguyên cớ cho mọi chuyện. Tôi thậm chí đợi cô ta thốt ra những lời như vậy.
– Anh chưa bao giờ gặp trường hợp như tôi sao? - Thay cho những lời tôi chờ ở cô ta, Natasha lại hỏi tôi như vậy.
– Tôi có thể hình dung được điều ấy.
– Anh chưa bao giờ gặp trường hợp như tôi sao? - Cô ta nhắc lại.
Có thể nói với cô ta là, thật đáng tiếc, tôi luôn luôn có quá đủ lí do để cho những giọt lệ chảy ra. Trường hợp có thể khóc mà chẳng có nguyên do gì mà đơn giản chỉ vì nỗi thương đời hoặc vì nỗi buồn nhớ đang cắn rứt con tim chỉ có thể xuất hiện ở một kỉ nguyên khác, một kỉ nguyên nhiều may mắn, hạnh phúc hơn.
– Tôi chưa đến lúc phải khóc ở đây! - Tôi nói.
– Tất nhiên rồi. Thế anh sẽ khóc ở đâu?
Bắt đầu rồi đấy - tôi thầm nghĩ. Đối thủ đã bước vào trận phản kích.
– Xin lỗi, - tôi lẩm bẩm và định bước đi. Tôi quá mệt để đối đáp với một người đàn bà đang khóc.
– Tôi biết, - Natasha nói với nỗi cay đắng, - chiến tranh đang xảy ra. Trong một thời buổi như thế này thật là nực cười khi nhỏ nước mắt vì những điều vớ vẩn. Nhưng tôi vẫn gào lên… Thế đó. Cho dù ở đâu đó rất xa đây hàng chục trận đánh đang diễn ra…
Tôi dừng lại.
– Tôi hiểu điều đó. Nơi đây chiến tranh tựa như không có tác động gì. Kệ xác ở đâu đó hàng trăm người đang bị giết, nếu ai đó bị đứt tay, thì nỗi đau từ chỗ đứt đó cũng không ít hơn chút nào.
Chao, tôi đã lí sự vớ vẩn làm sao - tôi thầm nghĩ, cần để cho người đàn bà đang lên cơn điên khùng này được yên ổn. Cứ mặc cho cô ta nức nở, càng nở phổi. Tại sao tôi cứ dùng dằng ở đây nhỉ? Nhưng tôi vẫn đứng tại chỗ, tựa như cô ta là người cuối cùng còn lại trên trái đất này. Nhưng đột nhiên tôi hiểu tất cả: tôi sợ tình cảnh đơn côi của chính mình.
– Vô ích thôi! - Natasha nhắc lại. - Mọi chuyện đều vô ích tất. Mọi thứ chúng ta đang làm! Chúng ta rồi sẽ phải chết. Không ai tránh được cái chết đâu.
Ôi chao, đó là tất cả những gì mà tôi có thể được nghe ở cô ta chăng!
– Đúng như cô nói đấy, nhưng lại cũng có những tiểu dị. Một trong những tiểu dị đó chính là ở chỗ có người lẩn trốn được khá lâu trước khi buộc phải giáp mặt với tử thần đấy.
Natasha không đáp lại.
– Cô có muốn uống chút gì không? - Tôi hỏi.
– Tôi không chịu đựng nổi Coca-Cola. Thứ nước uống quái đản!
– Thế rượu vodka thì sao?
– Vodka à? Ở đây không tìm ra rượu vodka đâu nếu vắng ông Melikov. Ờ, mà ông ta biến đi đâu nhỉ? Tại sao đến bây giờ chưa thấy bóng ông ta?
– Tôi không biết nữa. Nhưng trong phòng tôi hiện có chai vodka. Tôi và cô có thể uống chút ít.
– Một sáng kiến thật thông minh! - Natasha nói, và cô ta thêm. - Tại sao anh không mang ra từ lúc nãy?
Vodka cũng chẳng còn bao lăm. Tôi cầm chai rượu lên, miễn cưỡng quay lại chỗ Natasha. Có thể chỉ lát nữa thôi Melikov sẽ xuất hiện. Khi ấy tôi sẽ đánh cờ với ông ta cho đến tận khi nào tôi bình tĩnh lại. Tôi chẳng mong chờ ở Natasha Petrovna điều gì tốt lành cả.
Tôi đi đến chiếc bàn đặt trong phòng đợi và hầu như không nhận ra Natasha. Cô ta không khóc nữa mà đang tô môi. Khi nhìn thấy tôi thậm chí cô còn mỉm cười.
– Tại sao anh lại uống vodka? Ở bên Đức người ta không uống rượu vodka cơ mà?
– Đúng thế, - tôi nói. - Ở Đức người ta uống bia và schnapps, nhưng tôi đã quên tổ quốc của tôi rồi và không uống cả bia lẫn schnapps nữa. Nhưng khoản vodka này tôi cũng không phải là một chuyên gia đâu.
– Thế anh thường uống gì?
Thật là kiểu chuyện trò ngớ ngẩn - tôi nghĩ thầm.
– Uống tất cả những thứ mà tôi buộc phải uống. Ở Pháp tôi uống rượu vang, nếu có dịp.
– Nước Pháp, - Natasha Petrovna nói, - lạy Chúa, bọn Đức đã làm gì với nước Pháp cơ chứ!
– Tôi thì chẳng làm gì cả, dạo đó tôi đang ở trong trại tập trung giam những người ngoại quốc không rõ tông tích.
– Như một kẻ thù của người Pháp à?
– Trước đó tôi ở tại trại tập trung của bọn Đức. Lại cũng như một kẻ thù…
– Tôi không hiểu nổi.
– Chính tôi cũng không hiểu. - Tôi đáp với sự bực bội. Và tôi nghĩ hôm nay quả là một ngày bất hạnh. Tôi đã lâm vào tình cảnh bế tắc và không làm sao thoát ra được. - Cô có muốn uống một chút nữa không? - Tôi hỏi với quyết tâm làm sao để câu chuyện trao đổi giữa chúng tôi không động chạm đến vấn đề gì nữa sất.
– Cảm ơn anh. Đủ rồi. Tôi không uống nữa đâu. Hôm nay tôi uống khá nhiều rồi.
Tôi im lặng không tiếp lời cô ta. Tôi thực sự cảm thấy sợ hãi. Xung quanh tôi là những người bận rộn công việc. Chỉ riêng tôi như kẻ vô hồn vô cốt.
– Anh sống ở đây à? - Natasha Petrovna hỏi.
– Vâng, nhưng tạm thời thôi.
– Ở đây mọi người đều sống tạm thời cả. Nhưng lại cũng có một số người bị mắc kẹt suốt đời.
– Có thể như thế lắm. Cô cũng từng sống ở đây sao?
– Vâng. Nhưng sau đó tôi đã chuyển đi nơi khác. Đôi khi tôi nghĩ tốt nhất giá như tôi chưa từng rời nơi này đi đâu cả. Hoặc giả tốt nhất là không bao giờ tôi nên chuyển đến New York cả.
Tôi đã cảm thấy mệt mỏi đến nỗi tôi không còn hơi sức để đặt ra những câu hỏi cho Natasha. Ngoài ra tôi cũng đã từng biết tới quá nhiều những số phận kiệt xuất hoặc tầm thường. Trí tò mò cũng đã được thỏa mãn rồi. Tôi hoàn toàn không còn thích thú, quan tâm gì tới việc một người buồn bã vì đã tới New York hay không. Con người này đã thuộc về một thế giới khác, thế giới của bóng tối.
– Tôi đi đây. - Natasha đứng dậy, nói.
Trong giây lát tôi cảm thấy một điều gì đó tựa như nỗi hốt hoảng.
– Chả lẽ cô không nán đợi Melikov à? Ông ta thường không sai hẹn bao giờ đâu.
– Tôi không tin. Felix đã tới thay ông ta.
Bây giờ tôi mới nhận ra một gã đàn ông vóc vạc thấp bé, hói đầu. Anh ta đứng ở cửa hút thuốc.
– Cảm ơn anh vì cốc vodka. - Natasha nói. Cô ta nhìn tôi bằng đôi mắt xám buồn bã của mình. - Thật là kì lạ, đôi khi người ta chỉ cần tới điều nhỏ bé nhất để hỗ trợ mình thôi. Được nói chuyện với một người nào đó tình cờ gặp được thế mọi chuyện đâu vào đó cả.
Natasha gật đầu chào tôi và bước đi thẳng. Cô ta hóa ra cao lớn hơn tôi tưởng. Đôi gót giày của cô gõ xuống sàn gỗ ồn ã và chắc chắn. Tiếng gõ của đôi giày trong những bước đi vội vã kia không ăn nhập gì với dáng vẻ mềm mại, uyển chuyển của thân hình cô đang đung đưa trong lúc đi ra cửa.
Bóng Tối Thiên Đường Bóng Tối Thiên Đường - Erich Maria Remarque Bóng Tối Thiên Đường