A book is a garden, an orchard, a storehouse, a party, a company by the way, a counsellor, a multitude of counsellors.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Tô Hoàng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 325 / 27
Cập nhật: 2020-04-04 20:27:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
ôi làm quen với anh em nhà Lowy vào chính cái phút giây khi những tia nắng xiên khoai chiếu lên những hàng bán đồ cổ ở phía bên phải đường phố cái màu vàng tươi huyền thoại, còn ở bên kia đường bóng chiều đã lại bảng lảng hắt lên mặt kính các cửa hàng.
Vào thời khắc đó trong ngày các mặt kính sống một đời sống riêng của mình, một cuộc sống được khúc xạ lại bởi thứ ánh sáng vay mượn, hệt như cuộc sống giả dối trên mặt những chiếc đồng hồ vẽ trên tấm biển quảng cáo tại các cửa hàng mắt kính, khi cái kim giờ, kim phút được vẽ ra kia lại chỉ một thời khắc trùng hợp với một thời khắc thực nào đó. Tôi thò tay mở cửa một quầy hàng và từ trong gian nhà nom giống như một chiếc bể nuôi cá bước ra một anh chàng tóc hung - một trong hai anh em nhà Lowy. Anh ta hơi nhấp nháy mắt, hắt hơi mấy cái, rồi giương mắt nhìn buổi hoàng hôn, sau đó lại hắt hơi và cuối cùng anh ta mới nhận ra tôi. Nhưng chính vào lúc ấy tôi lại đang quan sát xem những quầy hàng bán đồ cổ kia đang dần dần biến vào bóng tối ra sao.
– Một buổi chiều tuyệt vời, có đúng thế không anh bạn? - Đưa mắt nhìn khoảng không, anh ta nói.
Tôi gật đầu.
– Cửa hàng của anh có thứ đồng đỏ mới đẹp làm sao!
– Đồng giả đấy. - Lowy nói.
– Chẳng lẽ thứ hàng kia không phải là của anh?
– Sao anh lại cho là như vậy?
– Bởi vì anh vừa nói đó là của giả.
– Tôi nói thứ đồng đỏ đó là của giả, bởi vì nó là của giả thôi.
– Những lời lẽ tuyệt vời, - tôi nói, - đặc biệt khi chúng lại thốt ra từ miệng của một thương gia.
Lowy lại hắt hơi và nheo mắt.
– Tôi đã mua nó như mua một thứ hàng giả. Ở đây chúng tôi yêu sự trung thực.
Sự kết hợp hai tiếng “giả” và “thật” vang lên thật tuyệt vời vào đúng giây phút này, khi ánh tà dương đang dần lụi tắt trên các tấm kính.
– Nhưng liệu anh có tin rằng, thứ hàng kia vẫn có thể là đồng đỏ thứ thiệt không?
Lowy rời khỏi khung cửa, tiến tới ngắm món hàng đồng đỏ đang nằm trên chiếc giá.
– Anh có thể mua món hàng ấy với giá ba mươi đô la, tôi còn biếu thêm cái giá gỗ tếch đấy.
Toàn bộ gia sản của tôi xấp xỉ chừng tám mươi đô la.
– Tôi có thể mang về trong vài ngày thôi được không?
– Anh có thể mang về luôn, miễn là đưa tiền trước.
– Tôi mang về xem trước, được không? Hai ngày thôi?
Lowy quay đi.
– Nhưng tôi không biết anh bạn. Mới đây tôi trao hai bức tượng sứ cho một ma đam, cũng mang về xem trước. Chị ta nhìn rất đáng tin.
– Sao? Chị ta biến mất hút à?
– Không, chị ta quay lại chứ. Nhưng với hai bức tượng vỡ. Trên một chuyến xe đông lèn, có một người nào đó đã va hòm đồ nghề của anh ta vào.
– Thật không may cho chị ta!
– Chị ấy khóc như mất con. Mất ngay một lúc hai đứa. Hai đứa sinh đôi. Hai bức tượng đó là một cặp mà. Làm sao đây? Tiền thì chị ta không có. Chị ta trả cho tôi bằng gì đây? Chị ta chỉ muốn giữ ở nhà mình vài ba ngày để ngắm nghía, trước khi khoe với đám bạn chơi bài của mình. Anh bạn thấy đấy, cũng là vì cái đẹp thôi, nhưng chị ta đã dồn tôi vào tình thế khó xử biết bao.
– Nhưng đồng đỏ thì không dễ vỡ như sứ đâu. Nhất là nếu nó không phải là đồng thật.
Lowy nhìn tôi chăm chú.
– Anh có nghi ngờ gì về điều tôi vừa nói sao?
Tôi không đáp.
– Nào, ba mươi đô la đấy. - Lowy nói. - Thôi được rồi, anh cứ mang về đi và để ở chỗ anh một tuần, sau đó nếu không ưng thì trả lại. Còn nếu anh bán được cho ai thì lợi lộc chia đôi. Đồng ý chưa nào?
– Kể như là anh cầm dao đằng chuôi. Nhưng tôi cũng đồng ý.
Tôi không tin lắm vào sự tinh tường của bản thân, chính vì thế tôi đã chấp thuận lời đề nghị của Lowy. Tôi đặt bức tượng đồng trong gian phòng của mình. Lowy cũng nói với tôi là anh ta mua bức tượng này từ một viện bảo tàng ở New York khi người ở đó phát hiện đó là một của giả và muốn tống khứ nó. Buổi chiều hôm đó tôi ở lại nhà. Trong phòng tối om nhưng tôi không bật đèn. Nằm trên giường tôi bắt đầu ngắm bức tượng đặt trước cửa sổ. Trong thời kì tôi lưu trú tại viện bảo tàng Brussels, tôi đã nắm được một chân lí như thế này: các đồ vật chỉ bắt đầu cất lên tiếng nói khi ta ngắm nhìn chúng một khoảng thời gian thích đáng. Còn những đồ vật mà nói ngay với ta những điều gì đó, đấy không phải là những đồ vật có giá trị nhất. Dạo gót lang thang trong bảo tàng vào ban đêm, thỉnh thoảng tôi lấy một món đồ nào đấy trong các gian phòng của viện bảo tàng, để khi trở về cái hầm tăm tối kia, tôi lần mò, sờ nắn nó. Thông thường đấy là những bức tượng đồng và bởi vì viện bảo tàng Brussels đã nổi tiếng khắp nơi với bộ sưu tập các pho tượng đồng cổ của Trung Hoa, nên được sự đồng ý của ông giám đốc viện, đôi khi tôi đã mang về gian hầm những bức tượng ấy. Tôi có thể làm được việc này bởi lẽ chính ông giám đốc cũng thường mang những bức tượng ấy về nhà để nghiên cứu. Nên nếu có ai để ý thấy tại viện bảo tàng khuyết vắng bức tượng nào, ông ta sẽ đáp ngay bức tượng ấy đang ở nhà ông ta.
Cứ như thế tôi đã luyện được năng lực biết định giá nhiều tác phẩm nghệ thuật bằng cách sờ mó. Thêm vào đó, vì đã trải qua nhiều đêm bên các tủ kính của viện bảo tàng nên tôi còn biết nhận ra cả những lớp ôxi hóa bên ngoài các hiện vật cho dù không bao giờ tôi có điều kiện để nhận biết điều này dưới ánh sáng mặt trời. Giống như những người mù, trong thời gian ở viện bảo tàng tôi cũng luyện được một thứ xúc giác ngày càng chính xác. Đương nhiên tôi không thật tin vào bản thân ở mọi trường hợp, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng không hoài nghi lắm ở khả năng của mình.
Thứ xúc giác kia mách bảo tôi bức tượng đồng ở cửa hàng anh em nhà Lowy là một vật có giá trị chứ không phải của giả. Quả là hình dáng và đường nét của bức tượng quá chính xác đâu ra đó và chính điều này có thể đã khiến người sưu tập ở các viện bảo tàng không thích lắm, nhưng dẫu sao bức tượng cũng không gây nên ấn tượng đấy là đồ giả. Khi tôi nhắm mắt lại, và bắt đầu dùng tay chậm rãi thoa vuốt bức tượng, cái cảm giác đây là thứ đồng thật càng tăng lên rõ rệt.
Tại Brussels, có lần tôi đã tiếp xúc với một bức tượng tương tự. Ban đầu người phụ trách bảo tàng cho rằng nó là một bản sao thuộc thời kì nhà Đường hay thời kì nhà Minh. Vấn đề là ở chỗ ngay từ thời Hán, áng chừng vào đầu Công nguyên, người Hoa cũng đã biết sao chép rồi chôn dưới đất những bức tượng của những thời kì nhà Thương và Chu. Chính vì thế nếu chỉ xét theo lớp sét gỉ bám ở bề ngoài của các bức tượng, khó mà xác định nổi chúng là tác phẩm đích thực hay là đồ giả, nếu không phát hiện ra những dấu vết nhỏ bé nhất nhưng khá rõ rệt xét về khuôn đúc hay về hoa văn.
Tôi lại ngả lưng xuống giường và thiếp đi tuy tôi không muốn ngủ chút nào. Khi tôi chợt thức dậy, đêm đã khuya lắm. Tôi không định thần nổi tôi đang ở đâu. Sau đó tôi nhìn thấy bức tượng đồng và trong giây lát tôi có cảm giác là tôi lại đang ở viện bảo tàng Brussels. Tôi ngồi xuống ghế và bắt đầu hít thở thật sâu. Không, tôi không còn ở đó nữa, tôi thầm thì với chính tôi. Tôi đã trốn chạy khỏi nơi ấy rồi, tôi đã tự do, tự do, tự do. Hai chữ “tự do” tôi cứ lặp đi lặp lại như một câu thần chú: lúc đầu là nói thầm, sau phát ra thành tiếng, nhỏ nhẹ và kiên nhẫn. Tôi cứ lặp đi lặp lại hai chữ ấy cho đến tận khi tôi cảm thấy yên ổn, thư thái trở lại. Tôi vẫn thường tự an ủi mình với cung cách như vậy trong những năm tháng tôi bị truy đuổi, mỗi khi tôi giật mình tỉnh giấc mồ hôi mồ kê ướt đầm người.
Tôi giữ bức tượng trong phòng tôi thêm hai ngày nữa, nhưng sau đó tôi quyết định lên đường tìm tới Đại lộ số Ba. Lần này ở cửa hàng có mặt cả người em của Lowy. Anh ta nom rất giống ông anh, chỉ có điều nom bặt thiệp và dễ mến hơn, xứng đáng hơn với vai trò của một thương gia buôn bán đồ cổ.
– Anh bạn mang trả bức tượng sao? - Lowy-em hỏi và ngay lập tức mang chứng từ ra để trao lại tôi ba mươi đô la.
– Một bức tượng có giá trị chứ không phải là của giả, - tôi nói.
Lowy-em nhìn tôi với ánh mắt thiện cảm pha chút hiếu kì.
– Họ đã vứt nó ra khỏi viện bảo tàng.
– Tôi tin chắc rằng đây là một bức tượng có giá trị. Tôi đến để hoàn lại bức tượng này cho các anh. Các anh sẽ tự bán lấy.
– Thế khoản tiền của anh bạn thì giải quyết sao đây?
– Các anh sẽ trả lại tôi cùng với một nửa khoản tiền lời. Chúng ta đã thỏa thuận như vậy.
Lowy-em thọc tay vào túi bên phải áo khoác lấy ra tờ giấy bạc mười đô la, chặc lưỡi hôn tờ giấy bạc rồi lại nhét vào túi bên trái.
– Tôi nên đãi anh bạn cái gì đây? - Lowy-em hỏi tôi.
– Anh tin vào tất cả những gì tôi nói với anh phải không? - Tôi hỏi. Đây quả là điều bất ngờ hết sức dễ chịu đối với tôi. Tôi đã quen với tình cảnh không một ai tin tôi cả. Quen từ lâu rồi. Cả cảnh sát, cả đàn bà, cả các viên thanh tra về những người lưu vong.
– Đấy không phải cốt lõi vấn đề. - Lowy-em giảng giải cho tôi một cách vui vẻ. - Tôi và anh tôi đã cá cược với nhau: nếu anh bạn trả lại bức tượng bởi vì nó là đồ giả tôi sẽ thua anh tôi năm đô la, còn nếu anh bạn trả lại bức tượng vì nó là của thật anh tôi sẽ chịu mất cho tôi mười đô la.
– Thấy ngay trong gia đình anh, anh là người lạc quan.
– Tôi là người lạc quan mãn tính, còn ông anh tôi là người bi quan mãn tính. Đó là cách anh em tôi chia sẻ công việc trong cái thời buổi khó khăn này. Hai đặc tính ấy không thể nào dung hòa trong một con người ở thời buổi hiện nay được. Làm một tách cà phê đen nhé?
– Anh là người Áo à?
– Người Áo xét theo gốc gác, còn là người Mỹ xét theo quốc tịch. Còn anh bạn?
– Tôi là người Áo nếu xét theo mong muốn, đồng thời là người không quốc tịch.
– Tuyệt! Chúng ta rẽ vào quán Emma bên kia đường và uống tách cà phê đen đi. Về thái độ của người Mỹ đối với cà phê đen, họ được giáo dục theo tinh thần khổ hạnh. Họ nấu đến khi cà phê mất hết chất hoặc giả họ nấu cà phê từ sáng để dành uống dần cả ngày. Người Mỹ có thể bỏ nhiều giờ liền trông coi ấm cà phê trên bếp để nó không nguội đi mà không bao giờ anh ta nghĩ là có thể nấu một ấm mới. Còn cô Emma thì không bao giờ cho phép mình làm như vậy. Cô ấy là người Séc.
Chúng tôi đi cắt qua một phố ồn ào, náo nhiệt. Chiếc xe ô tô rửa đường phun những tia nước khắp mọi nơi. Một chiếc xe tải chở tã lót trẻ con suýt đâm phải chúng tôi.
– Anh và người anh không cùng một tuổi chứ? - Tôi hỏi.
– Hai anh em chúng tôi sinh đôi, nhưng để tiện cho khách hàng, người ta gọi chúng tôi là Lowy-anh, Lowy-em. Anh tôi ra đời trước tôi ba tiếng đồng hồ.
Một tuần lễ sau đó, ông chủ hãng Loo & Co. - một chuyên gia về nghệ thuật Trung Hoa - đi công cán trở về. Ông ta không tài nào chấp nhận nổi ý nghĩ một viện bảo tàng lại có thể nghĩ bức tượng kia là đồ rởm.
– Đây không phải là một kiệt tác, - ông ta giải thích, - nhưng không còn nghi ngờ gì đây là pho tượng của thời kì tiền Hán.
– Thế giá bán độ bao nhiêu? - Lowy-anh hỏi.
– Tại nơi đấu giá, bức tượng có thể bán được khoảng bốn, năm trăm đô la. Cũng có thể hơn, nhưng không nhiều. Tượng đồng Trung Hoa hiện giờ có xu hướng rẻ đi.
– Vì sao cơ?
– Vì bây giờ mọi thứ đều rẻ đi. Chiến tranh mà! Và cũng không kiếm đâu ra nhiều người sưu tầm tượng cổ Trung Hoa. Tôi có thể mua bức tượng này của hai anh với giá ba trăm đô la.
Lowy-anh lắc đầu.
– Trước hết tôi cần giới thiệu bức tượng này với viện bảo tàng đã.
– Vì lý do gì? - Tôi sửng sốt. - Một nửa tiền lời phải thuộc về tôi. Ấy thế mà hai anh định hiến viện bảo tàng bức tượng này với giá mười lăm đô la còm, chắc bằng khoản tiền hai anh mua nó hở?
– Anh bạn có giấy biên nhận đã mua nó ở chỗ chúng tôi không?
Tôi nhìn Lowy-anh sửng sốt. Anh ta giơ cao tay.
– Chờ một lát và xin đừng to tiếng, cầu mong đây sẽ là bài học tốt đối với anh. Sau này, mong anh bạn yêu cầu chứng từ cho mọi việc, về mặt này trước kia tôi đã có kinh nghiệm rất thảm thê.
Tôi vẫn chăm chú nhìn Lowy-anh.
– Tôi sẽ tới viện bảo tàng và nói rằng gần như tôi đã bán được bức tượng này. Thực ra đúng là như vậy. Nhưng dù vậy tôi vẫn xin tặng nó cho viện bảo tàng, bởi vì New York là một thế giới nghệ thuật nhỏ bé. Qua vài tuần lễ nữa mọi người sẽ biết rõ tất cả. Nhưng viện bảo tàng vẫn cần thiết cho chúng ta. Ở đó tôi sẽ đòi cái phần lời cho anh.
– Phần lời ấy sẽ là bao nhiêu?
– Một trăm đô la.
– Còn các anh sẽ lĩnh bao nhiêu?
– Một nửa phần được trả hơn, đồng ý chưa?
– Đối với hai anh toàn bộ câu chuyện này là một trò đùa, - tôi nói. - Còn tôi vì bức tượng đó đã tiêu xài gần một nửa tài sản của mình.
Lowy-anh cất tiếng cười. Trong mồm anh ta đầy răng vàng.
– Ngoài điều đó ra, anh bạn còn nhận thức được vô khối điều bổ ích đấy chứ. Bây giờ ngay cả tôi cũng đoán được sai lầm đã diễn ra như thế nào. Họ tìm ở viện bảo tàng một chuyên viên trẻ tuổi. Anh chuyên viên trẻ này quyết định chứng minh rằng vị tiền bối của anh ta hoàn toàn không hiểu biết, không nắm được chút gì cả nên đã phí quá nhiều tiền cho mớ đồ giả ở đó. Tôi có thể giới thiệu cho anh giải pháp: dưới hầm chúng tôi có cả một đống những đồ vật cổ, chúng tôi không thông tỏ lắm. Con người không thể nào biết được mọi thứ trên thế gian này. Anh có muốn làm quen với những báu vật của chúng tôi không? Mười đô la một ngày. Nào, còn nếu may mắn sẽ có thêm tiền thưởng tính theo phần trăm.
– Có đền bù cho bức tượng đồng đỏ Trung Hoa không?
– Chỉ một phần thôi. Và tất nhiên công việc chỉ có tính chất tạm thời. Tôi và chú em tôi hoàn toàn có thể gánh vác được công việc của mình. Xong nhé?
– Xong. - Tôi nói, rồi đưa mắt nhìn qua tấm kính cửa hàng ra đường phố. Ngoài đó những dòng xe ô tô đang vun vút lao đi.
– Năm chục triệu tử thi, - Lowy-anh nói, - rồi một trăm triệu. Nhân loại tìm đường tiến lên phía trước bằng cách tiêu diệt hàng loạt sinh linh. - Trong nỗi tức giận Lowy-anh cắn đứt mẩu thuốc lá trong miệng. - Anh hiểu chưa?
– Không ở đâu mạng sống con người lại rẻ rúng như ở Đức. - Tôi nói. - Bọn SS đã tính rằng một người Do Thái, thậm chí là người có năng lực làm việc và còn trẻ cũng chỉ đáng giá một nghìn sáu trăm hai mươi mark. Người ta bán anh cho các ông chủ công nghiệp mua sức lao động nô lệ với cái giá sáu mark một ngày. Khấu đi mười pfennig cho tiền may mặc. Còn tiền ăn trong trại là sáu mươi pfennig một ngày. Tuổi thọ trung bình của dân lao động nô lệ là chín tháng. Lời lãi tính ra được một nghìn bốn trăm mark trên đầu người. Cần thêm vào đó là sự hợp lí hóa trong việc tận dụng các xác chết: những chiếc răng bịt vàng, áo quần, những đồ tư trang có giá trị, tiền bạc của người chết và cuối cùng là tóc. Trừ tiền phí tổn để thiêu xác tính ra là hai mark một đầu người, tiền lãi thực tế thu được là gần một nghìn sáu trăm hai mươi mark. Và cũng cần phải tính đến phụ nữ và trẻ em là những người không có giá trị thực tế. Việc sát hại đàn bà và trẻ em tại các lò hơi ngạt hoặc lò thiêu phí tổn khoảng sáu mark một đầu người. Lại cũng còn phải tính cả phí tổn để giết các cụ già, người ốm đau… Như thế, nếu quy tròn thì lợi tức dẫu sao vẫn thu được trung bình là một nghìn hai trăm mark một đầu người.
Pfennig: đơn vị tiền tệ cũ của Đức. Một mark bằng một trăm pfennig.
Lowy-anh mặt tái mét như gà bị cắt tiết.
– Đó là sự thật sao?
– Những tính toán như vậy đã được công bố. Mà do các cơ quan chính thức của Đức công bố cơ đấy! Nhưng nói cho đúng ra những số liệu này cũng chưa nói hết được toàn bộ sự thật đâu. Sự phức tạp không phải là nằm ở phương tiện hủy diệt con người, sự phức tạp nhất nằm ở chỗ hủy diệt các xác chết. Để đốt ra tro một tử thi cần có một thời gian cụ thể. Vùi xuống đất cũng không đơn giản như việc thiêu hủy, nếu ở đây ta nói tới việc chôn hàng chục ngàn con người, và nếu những người đào huyệt vẫn còn một chút lương tâm. Cái việc tưởng như hết sức đơn giản này đã bộc lộ ra một chỗ yếu: không đủ lò thiêu xác. Và còn nữa, những lò thiêu này cũng không chịu được độ quá tải cao khi phải làm việc liên tục suốt ngày này qua ngày khác. Lại thêm nữa, máy bay của đối phương luôn luôn quấy phá. Bọn Quốc xã tội nghiệp kia buộc phải hứng chịu mọi sự nặng nhọc, vất vả. Bọn chúng chỉ muốn hòa bình cho toàn bộ thế giới này và không cần gì thêm nữa.
– Cái gì?
– Chính thế đấy. Nếu giả như toàn thế giới này làm theo ý Hitler, chiến tranh sẽ không còn nữa.
– Quỷ quái cái nhà anh này. - Lowy-anh càu nhàu. - Làm sao điều đó lại có thể xảy ra được? Anh bạn còn biết thêm điều gì nữa?
– Bản thân các mệnh lệnh hầu như luôn luôn không gây đổ máu. Mọi việc được bắt đầu chính từ đây. Những ai ngồi sau bàn giấy không cần thiết phải nắm lấy cái rìu. - Với nỗi thương cảm, tôi đưa mắt nhìn người đang nghe tôi nói. - Còn những người ngoan ngoãn thực thi các mệnh lệnh kia luôn luôn có hàng tá, đặc biệt ở tại nước Đức phát xít.
– Thậm chí ngay cả đối với những mệnh lệnh đẫm máu?
– Mệnh lệnh đẫm máu càng dễ thực thi hơn. Bởi vì với những mệnh lệnh do cấp trên ban xuống kia họ không phải chịu trách nhiệm. Họ có thể hành động theo bản năng.
Lowy-anh đưa tay lên sờ tóc.
– Anh đã chứng kiến tất cả những chuyện như vậy?
– Than ôi! - Tôi nói. - Tôi ước gì mình chưa từng chứng kiến.
– Nhưng ở đây lại rất yên ả, tôi với anh đang đứng trong một cửa hàng bán đồ cổ trên Đại lộ số Ba. - Lowy-anh nói. - Theo ý anh thì mọi chuyện xảy ra như vậy là vì sao?
– Ở đây không có chiến tranh.
– Tôi không nói về việc ấy. Tôi muốn nói làm sao người ta có thể dửng dưng với những việc như vậy.
– Ai dửng dưng? Chiến tranh đang xảy ra. Đối với bản thân tôi, cuộc chiến tranh kia thật là một điều lạ lùng, tựa như không có thực. Nhưng thực ra chiến tranh lại đang xảy ra trên quê hương tôi. Và mọi thứ còn lại đều không có thực.
Quả chuông gắn trên cánh cửa của quầy hàng bỗng reo leng keng. Một người đàn bà vận đồ đỏ hỏi mua một chiếc bình Ba Tư. Bà ta tò mò muốn biết liệu có thể dùng chiếc bình này làm chiếc gạt tàn thuốc lá được không. Tôi lặng lẽ đi xuống gian hầm kéo dài ra tận lòng đường. Tôi căm ghét cuộc trò chuyện giữa bà khách và Lowy-anh. Tôi luôn có cảm giác những lời trao đổi kia thật ngây ngô, chẳng có một ý nghĩa gì cả. Những kẻ chuyện vãn về những thứ vô bổ như vậy chưa hề nhìn thấy chiến tranh và họ nghĩ rằng họ cũng đang làm được một việc gì đó nếu họ tỏ ra âu lo. Đấy là những cuộc trò chuyện của những kẻ không biết đến nỗi nguy hiểm là gì.
Dưới gian hầm thật yên tĩnh, mát mẻ tựa như dưới một căn hầm tránh bom được xây cất cẩn thận, cái hầm tránh bom của một người trữ đồ cổ. Phía trên đầu nghe rất rõ, tựa như tiếng máy bay đang gầm rú, là âm thanh ồn ĩ của những chiếc xe con và xe tải đang lăn bánh trên đường. Bốn bức tường mang lại cảm tưởng như quá khứ đang nguyền rủa chúng ta một cách lặng lẽ, âm thầm.
Mãi khuya tôi mới trở về khách sạn. Lowy-anh trong cơn hưng phấn của tinh thần nghĩa hiệp đã trao cho tôi năm mươi đô la tiền ứng trước. Tôi hiểu rõ, chỉ lát nữa thôi anh ta sẽ hối tiếc vì cử chỉ này. Nhưng vì tính chất nghiêm trang của cuộc trao đổi trước đó giữa anh ta và tôi, Lowy-anh quyết định không đòi lại số tiền này. Thật là món hời bất ngờ đối với tôi.
Melikov không có ở khách sạn. Nhưng lại thấy Lachmann. Giống như mọi lúc, anh ta nom có vẻ lo lắng, người đầm đìa mồ hôi.
– Mọi điều êm đẹp cả chứ? - Tôi hỏi Lachmann.
– Chuyện gì mới được chứ?
– Với thứ nước thánh ấy?
– Với nước thánh à? Cậu muốn nói tới thứ nước đổ vào cái chai vodka ấy phải không? Mà thế nào là mọi chuyện đều tốt đẹp? Không đơn giản như vậy đâu. Nhưng những cơ hội vẫn tiếp tục xuất hiện. Tuy mụ gà mái của tớ quả là khiến tớ phát rồ phát dại lên được. Thật là một trò chơi đến mệt lử người. Đúng là tớ bị rơi vào giữa Scylla và Charybdis…
– Scylla và Charybdis là cái quỷ gì?
– Cậu chưa nghe câu tục ngữ này bao giờ sao? Điển từ thần thoại Hy Lạp đấy. Nó là chiếc bẫy căng ra giữa hai mỏm đá để giăng bắt đám thủy thủ. Mình cần phải chèo chống, chèo chống. Nếu không vậy sẽ rơi vào bẫy liền. - Lachmann nhìn tôi với ánh mắt của con thú bị săn đuổi. - Nếu mụ già này không mau mau chịu ngủ với tớ, tớ sẽ biến thành một kẻ liệt dương mất. Cậu cũng đã biết tớ bị một gánh nặng như thế nào rồi. Những bóng ma lại săn lùng tớ. Đêm đêm tớ chợt thức giấc, người ngợm đầm đìa mồ hôi, thức giấc vì chính tiếng thét của mình. Cậu cũng đã biết đấy: những tên cướp định thiến tớ, không phải bằng dao đâu mà bằng kéo cơ. Và chúng cất tiếng cười khả ố như một lũ điên. Nếu tớ không được ngủ với mụ ta trong thời gian tới, tớ sẽ lại mơ thấy bọn cướp kia bắt được tớ. Thật là những giấc mơ hãi hùng, khiếp đảm. Cứ y như là xảy ra thực ấy. Thậm chí khi tớ đã ngồi bật dậy, tớ vẫn nghe thấy tiếng cười của bọn chúng.
– Thì đi mà giải sầu với các ả đĩ điếm.
– Tớ không thể làm như vậy được. Với mấy ả điếm tớ đã “liệt” từ lâu rồi. Ngay cả với những người đàn bà bình thường cũng vậy. Đó là hậu quả bọn cướp gây ra cho tớ.
Lachmann nghiêng tai lắng nghe.
– Đấy mụ ta đang đến đấy! Chúng tớ sẽ ăn tối ở quán Blue Ribbon. Mụ ta rất thích món thịt bê rán. Đi với bọn này đi! Biết đâu cậu chẳng có ảnh hưởng đến con gà mái ấy. Cậu là kẻ nhanh mồm nhanh miệng nhất trong bọn mình mà.
Từ cầu thang vọng vào cái giọng the thé kia.
– Tớ không có thời gian, - tôi nói. - Thế cậu không cho rằng mụ ta cũng có gánh nặng vì cái chân bị cưa cụt kia sao? Cũng như những vết sẹo của cậu là gánh nặng cho cậu.
– Cậu nghĩ thế à? - Lachmann đã đứng dậy. - Đúng là cậu đã nghĩ như vậy sao?
Tất nhiên là tôi đã trót lỡ miệng nói ra ý nghĩ vừa xuất hiện trong đầu. Tôi muốn an ủi Lachmann. Nhưng nhìn thấy anh ta quá hưng phấn, tôi tự nguyền rủa cái lưỡi quá dài của mình. Chính từ Melikov tôi biết rằng mụ đàn bà kia đã có quan hệ nhăng nhít với một gã Mexico. Nhưng giải thích cho anh ta rõ điều này cũng đã quá muộn, vả lại Lachmann chẳng thèm nghe lời tôi đâu.
Bóng Tối Thiên Đường Bóng Tối Thiên Đường - Erich Maria Remarque Bóng Tối Thiên Đường