Có 04 bước để đạt thành tựu: lên kế hoạch một cách có mục đích, chuẩn bị kỹ lưỡng, tích cực thực hiện, và kiên trì theo đuổi.

William A. Ward

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Tô Hoàng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 325 / 27
Cập nhật: 2020-04-04 20:27:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
ề khoản tiếng Anh tôi đã đạt được những thành công đáng kể. Sau hai tuần lễ lượng từ vựng của tôi có thể sánh bằng một chú bé mười lăm. Sáng sáng giữa những chiếc ghế nhung sờn rách tôi gạo món ngữ pháp vài tiếng đồng hồ, còn buổi chiều tôi tìm mọi cơ hội để thực hành bằng miệng. Tôi hành động không mảy may ngượng ngập và sau mười ngày với sự hướng dẫn của Melikov, tiếng Anh của tôi dù mang giọng Nga, tôi vẫn cứ trò chuyện văng mạng với khách và các nhân viên khách sạn. Thế rồi dần dà tiếng Anh của tôi mang âm hưởng của cả tiếng Đức, tiếng Do Thái, tiếng Pháp. Cuối cùng khi giao du với giới quét rác, dọn bàn và hoàn toàn tin chắc rằng bọn họ là những người Mỹ một trăm phần trăm, tiếng Anh của tôi lại mang thêm âm hưởng vùng Brooklyn.
– Anh cần phải có một mối tình với một cô gái Mỹ trẻ trung. - Melikov nói.
– Trong giới cần lao ở Brooklyn à? - Tôi hỏi.
– Tốt nhất là kết bạn với một cô gái ở Boston. Ở đó mọi người nói tiếng Anh khá chuẩn.
– Thế thì tìm một cô giáo người Boston. Có lẽ đấy là điều hợp lí nhất.
– Thật không may, khách sạn này chỉ là cái trạm dừng chân ven đường. Những thứ âm sắc muôn màu muôn vẻ kia chỉ là vi trùng lao được ném vào không khí thôi. Còn anh, than ôi, lại dễ dàng du nhập những thứ lệch lạc kia và hoàn toàn điếc lác với thứ ngôn ngữ chính xác. Tôi hi vọng tình yêu sẽ cứu thoát anh.
– Melikov, - tôi nói, - thế giới này thay đổi quá nhanh chóng trước mắt tôi. Cái tôi người Mỹ trong tôi mỗi ngày già đi hàng tuổi và thật đáng tiếc, rất đáng tiếc thì đúng hơn, thế giới của cái tôi đang đánh mất đi phép mầu của mình. Tôi càng thông tỏ thứ ngôn ngữ này bao nhiêu thì sự bí ẩn đầy quyến rũ của nó càng biến đi nhanh chóng bấy nhiêu. Qua vài tuần nữa hai cái tôi trong con người tôi sẽ cân bằng. Cái tôi Mỹ sẽ trở nên tỉnh táo, sáng suốt đến thảm hại như cái tôi châu Âu. Vì vậy đừng hối thúc tôi. Cũng đừng lo về giọng của tôi, tôi không muốn để tuổi ấu thơ thứ hai của mình trôi qua quá nhanh chóng.
Một người lạ, bước đi cà nhắc, vừa bước vào gian phòng ngoài. Chúng tôi đang ngồi trong chỗ tranh tối tranh sáng nên tôi chỉ lờ mờ nhận ra anh ta. Những bước tập tễnh của anh lại theo nhịp ba-bốn khiến tôi chợt nhớ đến một người nào đó.
– Lachmann! - Tôi buột miệng.
– Tôi là Merton! - Người mới đến đáp.
Người đó dừng lại và đưa mắt về phía tôi.
– Lachmann. - Tôi nhắc lại.
Tôi bật công tắc điện. Từ cái chùm đèn khốn khổ là mẫu hình mô đen tồi tệ nhất những năm đầu của thế kỉ này tỏa ra một làn ánh sáng xanh lờ mờ rất buồn thảm.
– Lạy Chúa tôi, Robert! - Người vừa bước vào thốt lên ngạc nhiên. - Cậu vẫn còn sống à? Thế mà tớ nghĩ cậu đã chết từ lâu rồi.
– Tớ cũng nghĩ như thế về cậu. Nhưng vừa rồi tớ nhận ngay ra cậu vì bước đi dáng đứng của cậu.
– Bước theo nhịp ba-bốn phải không?
– Theo nhịp waltz. Cậu biết Melikov không?
– Ừ, đương nhiên tớ biết ông ta.
– Cậu sống ở đây à?
– Không. Nhưng thỉnh thoảng có rẽ qua chơi.
– Bây giờ cậu mang họ là Merton sao?
– Phải. Còn cậu?
– Ross. Tên thì vẫn như cũ.
– Thế là quả đất lại tròn rồi. - Lachmann nói và anh ta cất tiếng cười thoải mái.
Chúng tôi im lặng giây lát. Đấy là khoảnh khắc bối rối thường thấy giữa những kẻ lưu vong. Bởi lẽ không nên hỏi thêm về ai và về điều gì nữa. Cũng không biết ai còn sống mà hỏi đây.
– Cậu có hay tin gì về Kahn không? - Cuối cùng tôi lên tiếng. Và bây giờ là câu chuyện trao đổi theo lẽ thường. Thoạt đầu ta hỏi thăm những ai không quá gần gụi, thân thiết đối với người ta muốn hỏi thăm.
– Hắn đang ở New York. - Lachmann đáp.
– Anh ta cũng đang ở đây như chúng mình à? Anh ta đến được đây bằng cách nào vậy?
– Giống như mọi người khác đã tới được nơi đây thôi. Nhờ vào hàng nghìn điều tình cờ. Không một ai trong chúng ta có tên trong bản danh sách những nhân vật nổi tiếng do người Mỹ chọn lựa cả.
Melikov tắt bớt đèn trên trần nhà và lấy từ dưới bàn ra một chai rượu.
– Rượu vodka Mỹ đây, - ông ta nói. - Đại loại giống thứ rượu Bordeaux của California hay Burgundy của San Francisco, Rhine của Chile… Một trong những lợi thế của bọn lưu vong chúng mình là vì luôn luôn phải chia tay nhau nên cũng luôn luôn uống mừng những lần gặp lại. Thành thử bỗng có cảm giác như được sống nhiều năm tháng lắm không bằng.
Cả tôi lẫn Lachmann không hưởng ứng câu nói của Melikov. Ông ta là con người của một thế hệ khác: những gì đang làm chúng tôi đau buốt tim, đối với ông ta tựa như đã thành một hoài niệm.
– Salut, Melikov! - Tôi lên tiếng phá tan sự im lặng. - Tại sao khi sinh ra đời chúng ta không là những môn đệ của trường phái yoga nhỉ?
– Tớ thì mong ước be bé thôi. Mong sao sinh ra đã không là dân Do Thái ở cái nước Đức kia. - Lachmann nói.
– Các anh hãy coi mình như những công dân đầu tiên của thế giới này. - Melikov xen vào, giọng bình thản. - Và hãy cư xử sao cho xứng đáng là những nhà khai sáng đầu tiên. Sẽ tới thời điểm đặt những đài tưởng niệm về chính các anh thôi.
– Bao giờ thì tới cái thời điểm ấy? - Lachmann hỏi.
– Và ở đâu? - Đến lượt tôi cật vấn Melikov.
– Trên cung trăng. - Melikov đáp rồi bước tới bàn viết để trao chìa khóa cho một người khách vừa mới tới.
– Một tay thâm thúy. - Nhìn theo Melikov, Lachmann nói. - Cậu làm việc cho ông ta à?
– Sao cơ?
– Tay này buôn bán cả gái, cả moóc-phin và các hàng tương tự…
– Vì thế nên cậu cũng mò tới đây?
– Không. Tớ yêu say mê một người đàn bà sống ở đây. Bà ta, cậu có đoán được bao nhiêu tuổi rồi không, năm mươi, gốc gác là dân Puerto Rico, một con chiên ngoan đạo và chỉ còn một chân, chân kia bị cắt cụt. Hiện bà ấy đang bồ bịch với một tên Mexico. Một gã khốn nạn chính cống. Với năm đô la hắn đồng ý cho chúng tớ lên giường với nhau. Nhưng bà ta không muốn làm chuyện đó. Hoàn toàn không. Bà ấy tin rằng, Chúa trời ngồi trên đám mây nhìn thấy mọi điều. Cả ban đêm cũng vậy. Tớ nói với bà ta: Chúa trời cận thị. Cận từ lâu rồi. Song chẳng làm ăn được gì. Nhưng bà ta vẫn nhận tiền. Và hứa hẹn. Nhưng đến giờ hẹn lại cười. Rồi lại hứa hẹn. Cậu sẽ nói như thế nào về chuyện này? Chẳng lẽ vì thế mà tớ tới Hiệp chủng quốc chăng? Quỷ mới biết được.
Vì đôi chân thọt, Lachmann thường tự ti, nhưng cứ theo những lời kể của anh ta, trước kia anh chàng này đã đạt được những chiến tích lẫy lừng trong giới chị em. Vì biết chuyện đó một tên SS đã bắt anh chàng đến một quán bia định thiến phéng bộ phận kia đi. Nhưng cảnh sát đã kịp thời ngăn cản. Việc này xảy ra vào năm 1934.
SS: viết tắt của Schutzstaffel, tổ chức vũ trang của Đức Quốc xã.
Sau lần suýt bị thiến ấy, trên mình Lachmann để lại vài vết sẹo và bốn chỗ gãy ở chân. Kể từ ngày đó anh ta bước đi tập tễnh và niềm say mê đàn bà ở anh ta cũng mang thêm dấu hiệu của thứ bệnh mới: anh chàng không cần gì ở người đàn bà hết ngoài cái phần sau phải rắn chắc và tỏ ra đã dạn dày. Thậm chí khi ở Pháp, ngay trong những ngày tháng nặng nề, căng thẳng nhất, anh chàng vẫn giữ nguyên niềm đam mê của mình. Anh ta cam đoan là tại Rouen anh ta đã rất mê mệt và hạnh phúc với một mụ đàn bà có ba vú, tức có cả thêm một chiếc vú ở phía sau lưng nữa.
– Bộ mông của ả rắn như đá, - Lachmann kéo dài giọng tiếc rẻ, - một thứ đá hoa cương nóng hôi hổi.
– Cậu chẳng thay đổi chút nào cả, Kurt ạ, - tôi nói.
– Con người ta nói chung là không thay đổi bao giờ. Tuy anh đã tự hứa với bản thân sẽ sửa đổi tới cả nghìn lần. Khi anh bị đo ván, anh hoàn toàn ăn năn, sám hối, nhưng khi được hít thở một chút tự do hơn, anh quên phắt ngay mọi lời thề bồi. - Lachmann suy nghĩ giây lát. - Điều đó là cái quái gì nhỉ: chủ nghĩa anh hùng hay sự ngu ngốc?
Trên vầng trán xám xịt đã hằn nếp nhăn của anh ta lấm tấm những giọt mồ hôi to như những hạt đậu xanh.
– Chủ nghĩa anh hùng, - tôi nói, - trong tình cảnh của chúng ta bây giờ cần phải trang điểm cho mình bằng những hình dung từ mĩ miều nhất. Không nên nhìn quá sâu vào tâm hồn làm gì. Hành động khác đi cậu sẽ cụng đầu vào đá ngay.
– Té ra cậu cũng chẳng thay đổi gì nhiều. - Lachmann đưa khăn tay lên lau những giọt mồ hôi trên trán. - Cậu vẫn thiên về những thứ triết lí triết liếc như trước. Có đúng vậy không?
– Tớ không thể từ bỏ thói quen đó, nó an ủi tớ.
Đột nhiên Lachmann phá lên cười:
– Và nó còn phú cho cậu thứ cảm giác tự hào chứ gì? Mọi chuyện là ở chỗ đó. Ôi, thật rẻ tiền biết bao!
– Niềm tự hào kia không rẻ tiền chút nào đâu.
Lachmann ngưng bặt, không đáp lại.
– Tớ chỉ nói vậy thôi. - Lachmann nói. Chờ cho hơi thở trở lại điều hòa hơn, anh ta móc từ trong túi áo ghi lê ra một vật gì đó gói trong giấy vấn thuốc lá. - Một chuỗi hạt do Giáo hoàng ban phước. Bằng bạc thứ thiệt và ngà voi đấy. Theo cậu thì chuỗi hạt này liệu sẽ tác động tới ả gà mái của tớ sao đây?
– Giáo hoàng nào?
– Giáo hoàng Pius. Còn ai nữa?
– Giáo hoàng Benedict XV thì hay hơn.
– Cậu nói cái gì? - Lachmann nhìn tôi tựa như vừa bị đánh từ phía sau. - Giáo hoàng Benedict chết từ tám hoánh rồi. Cậu không mơ ngủ đấy chứ?
– Giáo hoàng Benedict thì đáng tự hào hơn. Mà đã qua đời thì lại càng giá trị. Và không rẻ tiền.
– À ra là như vậy. Cậu lại xỏ tớ rồi. Tớ quên mất… Lần cuối bọn mình…
– Thôi! - Tôi nói.
– Cái gì cơ?
– Thôi, Kurt. Đừng nói gì nữa.
– Được rồi! - Lachmann lưỡng lự giây lát. Sau đó cái ý muốn được nói lại ngập ứ trong miệng anh ta. Lachmann mở một tờ giấy vấn thuốc lá màu xanh nhạt ra, không có bạc thật, ngà voi gì cả mà chỉ là một mẩu gỗ bé xíu. - Từ một cái cây ở vườn Gethsemane dưới núi Olives đấy. Liệu thứ này ấn tượng với ả gà mái của tớ không? - Lachmann đăm đăm nhìn tôi với vẻ cầu cứu.
Vườn Gethsemane: nằm dưới chân núi Olives, thuộc Jerusalem, nơi chúa Jesus nghỉ chân vào đêm trước khi bị đóng đinh.
– Tất nhiên là ấn tượng. Mà cậu không có chai nước thánh nào từ sông Jordan à?
– Không.
– Thế thì làm một chai đi.
– Cái gì?
– Đổ nước lã vào. Ngoài hành lang có vòi nước đấy. Khoắng thêm một chút bụi để nhìn có vẻ là nước thánh. Không ai nghi ngờ gì đâu. Cậu đã có chuỗi hạt và cành ô liu được ban phước. Chỉ thiếu nước thánh từ sông Jordan mà thôi.
– Nhưng không thể đổ vào một chai vodka được.
– Tại sao không? Hãy bóc cái nhãn chai đi. Cái chai này nhìn như chai lọ của phương Đông ấy. Cái mụ già kia của cậu chắc không nghiện rượu vodka. Chắc lúc cao hứng mụ cũng chỉ uống rượu rum thôi.
– Không phải, whisky. Ghê không?
– Có gì mà ghê.
Lachmann trở nên tư lự.
Tôi ngả lưng ra ghế bành. Ngoài trời dường như đã tối hẳn. Bóng người và bóng ma thoáng vụt qua những ô cửa sổ trên đường phố khi bóng tối đã sập xuống. Trong những tấm gương phía trước mặt tôi, một vết xám mờ bắt ánh sáng đèn, long lanh như một thỏi bạc. Những cái ghế bành bọc nhung biến thành màu tím nhạt và trong thoáng lát tôi có cảm giác như ở đấy in vết máu. Rất nhiều máu. Ở đâu tôi đã nhìn thấy nhiều máu như vậy nhỉ? Máu trên những thi hài trong gian phòng màu xám, nhỏ tí teo và phía sau những ô cửa sổ của căn phòng đó, một buổi hoàng hôn đang chậm chạp trôi qua. Dưới ánh tà dương, mọi vật mất đi độ rực rỡ và trở nên bẩn thỉu, nhờ nhờ màu đen xỉn hoặc màu tím nhạt. Mọi vật đều mang màu sắc này, thậm chí cả cái người đứng bên cửa sổ. Bất ngờ anh ta quay đầu lại và thế là trên gương mặt của anh ta cũng nhuốm bóng tà dương. Một nửa mặt anh ta mang màu lửa cháy, nửa kia chìm trong bóng tối. Ngay lập tức một giọng nói the thé vang lên, nghe như giọng vùng Saxon: “Tiếp tục! Người sau.” Tôi quay lại và bật công tắc đèn. Đã nhiều năm trôi qua tôi mới tập được thói quen ngủ không cần ánh sáng đèn. Nếu tôi buộc phải ngủ thì tôi rồi cũng sẽ nhổm dậy vì khiếp hãi; những giấc mơ khủng khiếp thường đánh thức tôi dậy. Thậm chí bây giờ đêm đêm tôi chỉ miễn cưỡng tắt đèn và không thích ngủ một mình.
Tôi đứng lên, rời khỏi gian buồng khách. Lachmann đang đứng với Melikov ở cạnh cái quầy hàng nhỏ gần cửa ra.
– Ổn cả rồi! - Lachmann nói đầy hân hoan. - Nhìn đây! Melikov có một đồng xèng Nga cũ và chúng tớ đã in dấu nó lên nút chai giả làm dấu niêm phong. Một thứ triện của xứ Slav cổ xưa. Ai có thể nghi ngờ thứ nước trong chai kia không phải là do các tu sĩ Hy Lạp tại tu viện trên sông Jordan đổ vào?
Một mảnh xi đã được gắn trên nút chai. Dưới ánh sáng của cây nến đặt ngay bên cạnh, mảnh xi lóng lánh màu đỏ tươi.
Điều gì sẽ xảy ra với tôi đây, tôi nghĩ. Thì mọi điều cũng đã xảy ra rồi! Tôi đã được cứu rỗi! Dưới kia, trên đường phố, cuộc sống đang sôi réo! Tôi đã được cứu rỗi! Chả lẽ tôi đã được cứu rỗi thật rồi sao? Và thoát khỏi cả bóng tối nữa?
– Tớ đi dạo một chút đây. - Tôi nói. - Trong đầu tớ đang ứ đọng món tiếng Anh. Cần phải kiểm tra qua thực tế xem sao. Tạm biệt!
Khi tôi quay trở về, Melikov đã bắt tay vào công việc của mình. Trong cái khách sạn này, ông ta đảm đương nhiều công việc khác nhau - ông ta là gã gác cửa ban ngày, đôi khi cả ban đêm nữa, đồng thời ông ta thực thi mọi sai khiến của chủ trong những công việc lặt vặt nhất. Trong tuần lễ này ông ta đảm nhiệm chân gác đêm.
– Lachmann ở đâu? - Tôi hỏi.
– Ở trên lầu bên tình yêu của anh ta.
– Ông có tin là hôm nay hạnh phúc sẽ mỉm cười với anh ta không?
– Không. Con mụ sẽ thết bữa tối anh ta và anh chàng Mexico, nhưng tiền lại do Lachmann chịu. Anh ta bao giờ cũng là người như vậy à?
– Đúng thế. Chỉ là từng may mắn hơn thôi. Anh ta đoán chắc rằng, anh ta chỉ bắt đầu đam mê những kẻ tật nguyền, bệnh hoạn sau khi bị tập tễnh. Trước đây mọi sở thích của anh ta cũng bình thường như mọi người khác. Có thể anh ta xử sự như vậy chỉ vì ngượng ngập trước những người đàn bà có nhan sắc thôi. Ai biết được…
Ngoài cửa thấp thoáng một người nào đó. Đó là một thiếu phụ mảnh mai, dỏng cao với cái đầu bé như đầu chim. Trên gương mặt trắng xanh của cô nổi bật lên đôi mắt xám tro, mái tóc màu vàng rơm hình như nhuộm thuốc. Melikov đứng lên.
– Natasha Petrovna! - Ông ta nói. - Cô trở về đã lâu chưa?
– Hai tuần lễ trước.
Tôi cũng đứng dậy. Người thiếu phụ mới tới cao xấp xỉ tôi. Trong chiếc áo dài màu đen ôm khít người, nom cô hơi gầy. Cô nói líu ríu, giọng nói oang oang và hơi khàn như giọng người nghiện thuốc nặng.
– Cô uống chút vodka nhé. - Melikov hỏi. - Hay whisky?
– Vodka, nhưng chút xíu thôi. Tôi phải đi chụp ảnh ngay bây giờ đây.
– Sao lại chụp ảnh vào lúc khuya như thế này?
– Hiệu ảnh chụp suốt đêm. Anh thợ ảnh chỉ rỗi vào buổi tối thôi. Ở đó có những chiếc áo dài và mũ. Những chiếc mũ nhỏ xíu…
Chỉ đến lúc này tôi mới nhận ra Natasha Petrovna đội một cái mũ không có vành, hơi nghiêng nghiêng.
Melikov đi lấy rượu.
– Anh là người Mỹ à? - Natasha hỏi.
– Không, tôi là người Đức.
– Tôi căm thù bọn Đức.
– Tôi cũng vậy. - Tôi tán đồng ngay.
Natasha nhìn tôi ngạc nhiên.
– Tôi không có ý nói tới những người Đức đang ở bên này.
– Tôi cũng vậy.
– Tôi là người Pháp. Anh cần thông cảm với tôi. Chiến tranh…
– Tôi hiểu. - Tôi nói hờ hững. Đây không phải là lần đầu tiên người ta tựa như biến tôi thành kẻ phải chịu trách nhiệm vì những tội ác của chế độ phát xít ở Đức. Điều này dần dà không khiến tôi bực bội nữa. Tôi đã bị giam cầm tại trại tập trung những kẻ lưu vong tại Pháp, nhưng tôi không hề ghét người Pháp. Giải thích vì sao thật không cần thiết. Những ai chỉ biết mỗi một tình cảm yêu hoặc ghét không thôi quả là những kẻ ấu trĩ đến thảm hại.
Melikov mang tới chai rượu và ba cái ly nhỏ đã đổ đầy tràn rượu.
– Tôi không muốn uống đâu. - Tôi nói.
– Anh giận tôi à? - Natasha hỏi.
– Không, chỉ vì lúc này tôi không muốn uống thôi.
Melikov nhếch miệng cười.
– Chúc mừng sức khỏe của cô. - Ông ta nói và uống cạn một hơi.
Tôi cảm thấy mình quả là một thằng ngốc. Hoài hơi mà chối từ nhưng lúc này cũng muộn rồi.
Melikov nâng chai rượu lên.
– Thêm một ly nữa, Natasha Petrovna?
– Merci, Vladimir Ivanovich, đủ rồi! Tôi phải đi đây. Au revoir - Natasha siết chặt tay tôi. - Au revoir, monsieur.
Tiếng Pháp trong nguyên bản: Cảm ơn.
Tiếng Pháp trong nguyên bản: Tạm biệt anh.
– Au revoir, ma đam.
Melikov tiễn Natasha. Quay lại, ông ta hỏi:
– Cô ta làm anh bực mình à?
– Không.
– Đừng để ý làm gì. Cô ta chọc tức tất cả mọi người. Nhưng chính cô ta không muốn vậy đâu.
– Cô ta là người Nga hay người Pháp?
– Cô ta sinh ở Pháp, cha mẹ là người Nga. Sao anh lại hỏi như vậy?
– Tôi đã sống khá lâu giữa những người Nga lưu vong. Tôi để ý thấy chỉ vì giải sầu thôi họ luôn chọc tức cánh đàn ông một cách vô duyên cớ.
Melikov cười toe toét.
– Tôi chẳng thấy điều đó có gì xấu cả. Đôi khi làm cho cánh đàn ông ta nổi điên cũng là một việc có lợi. Dẫu sao thì chọc tức một thằng đàn ông cũng sẽ tốt hơn cái trò sáng sáng, với vẻ mặt dương dương tự đắc, đưa tay lau chùi những chiếc cúc cho đến sạch bóng trên bộ sắc phục của hắn, rồi đánh sạch bóng đôi ủng để sau đó hắn sẽ xéo lên tay bọn trẻ con Do Thái.
– Xin chịu ông. - Tôi giơ cao hai tay lên đầu. - Hôm nay là một ngày tồi tệ cho những người Đức lưu vong. Xin ông cho tôi chút vodka mà ban nãy tôi đã từ chối.
– Được thôi.
Melikov nghiêng tai lắng nghe.
– Họ đấy!
Có hai người đang xuống cầu thang. Tôi nhận ra cái giọng đàn bà the thé kia. Đó chính là mụ gà mái và Lachmann. Mụ ta bước phía trước không cần để ý xem anh chàng có theo sau hay không. Mụ bước đi không hề tập tễnh chút nào. Căn cứ theo dáng đi, nước bước của mụ không thể nhận ra mụ là một người tàn phế.
– Bây giờ hai người đi tới nhà tên Mexico đấy. - Melikov thì thào bên tai tôi.
– Thật là một anh chàng khốn khổ. - Tôi nói.
– Khốn khổ sao? - Melikov sửng sốt. - Không, đơn giản là anh ta chỉ muốn cái gì mà anh ta không có.
– Mong muốn đó là thứ duy nhất mà anh ta không bao giờ để mất, đúng không? - Tôi mỉm cười.
– Người khốn khổ khốn nạn là những ai chẳng còn muốn điều gì nữa.
– Chả lẽ là như vậy. - Tôi nói. - Tôi nghĩ khi không còn ham muốn gì nữa, người ta sẽ trở thành người thông thái.
– Ý tôi không phải thế. Hôm nay anh làm sao vậy? Cần đàn bà không?
– Không. Tôi chỉ cảm thấy sảng khoái khi không còn trong tình trạng nguy hiểm thường trực nữa. - Tôi nói và cười toe toét.
– Thông thường những người lưu vong cố để được sống với nhau. Còn anh, cứ theo tôi nhận xét, anh không muốn gắn bó với ai cả.
– Tôi không muốn hồi nhớ lại điều gì.
– Chính vì thế?
– Tôi không muốn bị cuốn hút vào những lo toan suy nghĩ của bọn người lưu vong để rồi tự giam hãm mình vào bầu không khí của một thứ nhà tù vô hình. Tôi đã nếm trải quá đủ tình cảnh đó rồi.
– Có nghĩa là anh mong được làm một người Mỹ sao?
– Tôi không muốn trở thành ai cả. Tôi chỉ muốn là con người thôi nếu điều đó được phép.
– Thật là những lời lẽ lớn lao!
– Cần phải tự mình thu thập nghị lực. Không ai giúp cho mình được điều đó đâu.
Bóng Tối Thiên Đường Bóng Tối Thiên Đường - Erich Maria Remarque Bóng Tối Thiên Đường