Love is the only satisfactory answer to the problem of human existence.

Erich Fromm

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: ねじまき鳥クロニクル Nejimaki-dori Kuronikuru - The Wind-Up Bird Chronicle
Biên tập: Gió
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 69
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 16175 / 1124
Cập nhật: 2018-03-18 01:34:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6 - Nhục Đậu Khấu Và Quế
ừ đầu cho tới chót đuôi con mèo bùn khô đóng thành từng mảng, lông rối bù, bết lại thành từng búi, như thể nó đã lăn qua lăn lại hồi lâu trên một bãi bùn đất nhoe nhoét. Nó kêu rừ rừ khoái chí khi được tôi bồng lên mà kiểm tra khắp người. Nó có gầy đi một chút, nhưng cái đó ra thì nó không khác mấy so với lần cuối tôi nhìn thấy: khuôn mặt, thân hình, bộ lông. Mắt nó trong veo, mình mẩy không bị thương. Nó chả có gì giống một con mèo đi lạc đã gần một năm trời. Có chăng là giống như nó trở về nhà sau một đêm chơi bời bê tha vậy.
Tôi cho nó ăn ở ngoài hiên: một đĩa cá thu cắt lát mà tôi mua ở siêu thị. Rõ là nó đói meo. Nó khoắng sạch đĩa cá nhanh đến nỗi chốc chốc lại sặc và ợ ra đĩa những miếng đã nuốt. Tôi tìm thấy cãi đĩa đựng nước cho mèo dưới bồn rửa mặt, liền đổ nước đầy tận mép. Nó tợp gần như sạch đĩa. Ăn uống no nê rồi, nó bắt đầu liếm bộ lông bê bết bùn, nhưng rồi như thể sực nhớ rằng tôi đang ở đó, liền nhảy vào lòng tôi, cuộn tròn mà thiếp đi.
Con mèo ngủ, hai chân trước gập lại dưới mình, mặt vùi vào trong đuôi. Ban đầu nó còn kêu rừ rừ to, sau đó nhỏ dần, cho tới khi hoàn toàn chìm vào giấc ngủ lặng êm, mọi sự phòng thủ đều hạ xuống. Tôi ngồi ở một chỗ nắng trên hàng hiên, khẽ vuốt ve để không làm nó thức giấc. Lâu lắm rồi tôi mới lại nghĩ tới sự gần gũi mềm mại, ấm áp đặc biệt của con mèo. Quá nhiều chuyện đã xảy ra với tôi đến nỗi hầu như tôi quên bẵng rằng con mèo đã đi mất. Song giờ đây, ôm trong lòng cái sinh linh mềm mại bé nhỏ này, thấy nó say sưa ngủ một cách hoàn toàn tin cậy ở tôi, tôi nghe một nỗi ấm áp tràn lên ngực. Tôi đặt tay lên ngực con mèo, cảm thấy tim nó đập. Mạch yếu và nhanh, nhưng tim nó, cũng như tim tôi, đang cần mẫn đếm lượng thời gian mà cơ thể nhỏ bé của nó được chia phần với toàn bộ nỗi đau đáu không yên của tim tôi.
Con mèo đã đi đâu suốt năm qua? Nó đã làm gì? Sao nó lại chọn đúng lúc này để trở về, hoàn toàn đột ngột? Những dấu vết thời gian mà nó đã đánh mất ở đâu? Ước gì tôi có thể hỏi nó những câu hỏi đó. Giá như nó trả lời cho tôi được!
o O o
Tôi tháo một tấm rèm khỏi cửa sổ rồi đặt con mèo lên. Nó mềm oặt như một súc quần áo mới giặt. Khi tôi nhấc nó lên, khe mắt nó hơi hé mở, mí mắt nhếch lên, nó khẽ mở miệng nhưng không phát ra một tiếng nào. Nó sửa thế nằm trên tấm rèm cho thoải mái, ngáp rồi lại ngủ. Sau khi tin chắc rằng nó đã ngủ say, tôi xuống bếp soạn mấy thứ đồ ăn đã mua ra. Tôi đặt chỗ đậu phụ, rau và cá vào từng ngăn trong tủ lạnh rồi lại liếc ra ngoài hiên. Con mèo vẫn ngủ ở nguyên vị trí. Vợ chồng tôi lúc nào cũng gọi nó là Wataya Noboru bởi cái nhìn trong mắt nó giống như của ông anh trai Kumiko, nhưng đó chỉ là mộ trò đùa nho nhỏ của chúng tôi chứ không phải tên thật của con mèo. Thật ra, chúng tôi nuôi nó đã được sáu năm mà chẳng hề đặt tên cho nó.
Song, dẫu là trò đùa đi nữa thì cái tên Wataya Noboru cũng không hợp với con mèo của chúng tôi. Trong vòng sáu năm đó kẻ mang cái tên này đã trở thành một nhân vật quá ư tầm cỡ, nhất là từ khi y được bầu vào Hạ viện. Nhất định không thể nào gán cái tên đó cho con mèo mãi. Chừng nào nó còn ở trong cái nhà này, cần phải đặt cho nó một cái tên mới, một cái tên riêng của nó, càng sớm càng tốt. Đó nên là một cái tên giản dị, cụ thể, dễ hiểu, một cái tên khả dĩ gột sạch được hết mọi âm thanh, ký ức và ý nghĩa của cái tên Wataya Noboru.
Tôi mang cái đĩa mèo ăn vào nhà. Đĩa sạch bóng như thể vừa được lau rửa xong. Con mèo hẳn đã ăn ngon lành lắm. Tôi thấy vui vì đã tình cờ mua ít cá thu đúng lúc con mèo trở về nhà. Đó dường như là một điềm lành, cho cả tôi lẫn con mèo. Ừ phải, tôi sẽ gọi nó là Cá thu. Vừa vuốt ve nó ở sau tai, tôi vừa thông báo cho nó: "Từ nay chú mày không phải là Wataya Noburo nữa", tôi nói. "Từ nay tên mày là Cá thu". Tôi muốn hét to lên vậy với toàn thế giới.
Tôi ngồi ngoài hiên bên con mèo Cá thu mà đọc sách tới khi mặt trời bắt đầu lặn. Con mèo ngủ li bì như bị ai đó đánh cho bất tỉnh, hơi thở êm nhẹ của nó như một cái bễ lò rèn ở xa xăm, mình nó phập phồng theo âm thanh đó. Thỉnh thoảng tôi lại với tay sang để cảm nhận hơi ấm của nó và biết chắc rằng con mèo đang thực sự nằm kia. Thật tuyệt khi có thể làm như vậy: với tay ta chạm vào một cái gì đó, cảm thấy một cái gì đó ấm áp. Tôi đang mất dần cái cảm giác này.
o O o
Tới sáng hôm sau Cá thu vẫn ở nhà. Nó chẳng biến đi đâu cả. Khi thức dậy tôi thấy nó đang ngủ ngay cạnh tôi, nằm nghiêng một bên sườn, bốn chân duỗi thẳng. Hẳn là hồi đêm cậu chàng có thức dậy liếm láp mình cho sạch sẽ. Những mảng bùn và túm lông bết lại đã biến mất. Nó gần như trở lại y như chính mình trước kia. Xưa nay nó vốn là một chú mèo có bộ lông dày, đẹp mã. Tôi ôm ấp nó một hồi rồi cho nó ăn và thay nước. Sau đó tôi lùi xa xa một tý mà gọi "Cá thu!". Gọi đến lần thứ ba thì cu cậu quay lại, kêu meo khe khẽ để trả lời.
Giờ đến lượt tôi bắt đầu một ngày mới. Con mèo đã quay về với tôi, vậy thì tôi cũng phải bắt đầu tiến lên phía trước. Tôi tắm hoa sen rồi là một chiếc sơ mi mới giặt. Tôi mặc một chiếc quần mới bằng vải bông, đi đôi giày mới. Tôi quyết định mặc một chiếc áo len mới dày hơn và không vận áo khoác ngoài. Tôi bắt tầu điện đến Shijuku như mọi hôm, băng qua lối xuống xe điện ngầm về phía quảng trường ở sảnh phía đông của nhà ga và lại ngồi xuống băng ghế quen thuộc của mình.
o O o
Người đàn bà xuất hiện sau 3 giờ chiều một chút. Gặp tôi bà ta không có vẻ ngạc nhiên, tôi cũng tỏ vẻ bình thản khi thấy bà ta đi tới. Như thể chúng tôi gặp nhau là hoàn toàn tự nhiên. Chúng tôi không chào nhau, như thể chuyện đó cũng đã được tính trước rồi. Tôi ngẩng mặt lên, bà ta thì nhìn tôi mà khẽ nhếch môi.
Bà ta mặc áo khoác vải bông màu cam kiểu mùa xuân, váy bó màu vàng nhạt như đá Topaz, đeo đôi hoa tai nhỏ bằng vàng. Bà ta ngồi xuống cạnh tôi, và cũng như mọi khi, rút từ trong ví ra một gói Virginia Slims. Bà ta cho một điếu lên miệng rồi châm lửa bằng một cái bật lửa thanh mảnh bằng vàng. Lần này thì bà ta đã biết nên không mời tôi hút. Sau khi thủng thẳng rít hai ba hơi với vẻ trầm tư, bà ta thả điếu thuốc xuống đất như để kiểm tra xem điều kiện trọng lực hôm nay có gì thay đổi chăng. Đoạn bà ta vỗ gối tôi mà nói: "Theo tôi" rồi đứng dậy đi. Tôi dí bẹp điếu thuốc rồi đi theo bà. Bà ta đưa tay vẫy một chiếc taxi dừng lại rồi chui vào. Tôi lên xe ngồi cạnh bà ta. Người đàn bà nói cho tài xế một địa chỉ rất rõ ràng ở Aoyama, rồi sau đó, trong khi xe chúng tôi len lỏi qua dòng xe dày đặc về phía đại lộ Aoyama, bà ta không nói gì nữa. Tôi ngắm cảnh Tokyo qua cửa kính. Có mấy tòa nhà mới tôi chưa hề thấy trước đây. Người đàn bà lấy từ trong ví ra một cuốn sổ rồi viết gì đó bằng một cây bút nhỏ bằng vàng. Chốc chốc bà ta lại nhìn đồng hồ như đang kiểm tra cái gì đó. Cái đồng hồ được cất trong một chiếc vòng đeo tay cũng bằng vàng. Dường như mọi thứ đồ lề nho nhỏ bà ta mang theo mình đều được làm bằng vàng. Hay đó là do tất cả những gì bà ta chạm vào đều biến thành vàng?
Bà ta đưa tôi đến một cửa hàng quần áo ở phố Omote Sando chuyên bán hàng hiệu. Ở đó bà ta chọn cho tôi hai bộ com lê, cả hai đều bằng chất liệu mỏng, một bộ màu xám pha xanh dương, bộ kia màu xám sẫm. Những bộ kẻng thế này thì tôi chẳng bao giờ dám mặc đến sở làm; nhìn thôi cũng biết là cực đắt. Bà ta chẳng giải thích gì, tôi cũng không hỏi. Người ta bảo gì tôi làm nấy. Chuyện này làm tôi nhớ tới vài bộ phim được gọi là phim nghệ thuật mà tôi đã xem hồi còn sinh viên. Những bộ phim như vậy chẳng bao giờ giải thích chuyện gì đang diễn ra. Những lời giải thích bị coi như một cái ác chỉ làm được mỗi việc là hủy diệt cái "thực tại" được trình bày trong phim, cho nên chúng phải bị loại trừ. Hiển nhiên đó là một cách nghĩ, một cách nhìn sự vật, nhưng cách nghĩ đó có vẻ thật lạ lùng đối với tôi, một sinh thể có thật bằng xương bằng thịt đang bước vào thế giới này.
Vóc dáng tôi trung bình thành thử quần áo không cần phải sửa gì, chỉ cần điều chỉnh một chút chiều dài tay áo và quần. Người đàn bà chọn thêm ba chiếc sơ mi, ba chiếc cà vạt đi với từng chiếc sơ mi ấy, rồi lại hai dây đeo quần và nửa tá đôi tất. Bà ta trả bằng thẻ tín dụng và yêu cầu gửi tất tật mọi thứ về tận nhà tôi. Dường như bà ta đã có một hình dung rất rõ trong đầu rằng tôi nên ăn mặc ra sao. Thành thử bà ta không mất chút thời giờ chọn lui chọn tới. Tôi mà đi mua dù chỉ một cục tẩy ở hiệu văn phòng phẩm thì chắc cũng còn mất nhiều thì giờ hơn. Nhưng tôi phải thừa nhận thị hiếu ăn mặc của bà ta thật không chê vào đâu được. Từng chiếc sơ mi và từng cái cà vạt bà ta chọn tưởng chừng hú họa lại đi với nhau đến mức hoàn hảo về màu sắc và phong cách, như thể bà ta chỉ chọn sau khi đã cân nhắc rất lâu, rất kỹ. Mọi kết hợp giữa áo và cà vạt mà bà ta chọn đều quả thật độc đáo.
Kế đó bà ta đưa tôi đến hiệu giày, mua cho tôi hai đôi để đi với các bộ com lê. Việc này cũng chẳng lâu la gì. Bà ta lại trả bằng thẻ tín dụng và yêu cầu gửi hàng về nhà tôi. Thật ra chỉ có hai đôi giày thì xem chừng cũng không đáng để phải giao tận nhà, nhưng có lẽ cung cách của bà ta là vậy: chọn hàng mau chóng, trả bằng thẻ tín dụng, rồi yêu cầu giao hàng tận nhà.
Kế đó chúng tôi lại đến hiệu đồng hồ và lặp lại quy trình. Bà ta mua cho tôi một chiếc đồng hồ kiểu cọ, thanh lịch, dây đeo bằng da cá sấu, đặng đi với mấy bộ com lê, và bà ta lại hầu như chẳng mất chút thời giờ lựa chọn. Giá tiền khoảng năm mươi hay sáu mươi ngàn Yên gì đó. Tôi đang có một chiếc đồng hồ bằng nhựa rẻ tiền, nhưng rõ ràng cái ấy quá xoàng đối với bà ta. Ít ra thì cái đồng hồ này bà ta không yêu cầu giao tận nhà mà bảo người bán gói lại, rồi ba ta lẳng lặng trao cái hộp cho tôi.
Kế đó bà ta đưa tôi đến một hiệu tóc dành cho cả nam và nữ. Chỗ này giống như sàn nhảy, sàn bằng gỗ sáng bóng, tường phủ kính. Có năm mươi chiếc ghế, đâu đâu cũng thấy các kỹ thuật viên đi tới đi lui, tay cầm nào kéo, nào lược và những thứ gì gì nữa. Đây đó có vài chậu cây cảnh, và từ hai cái loa Bose màu đen gắn trên trần phát ra khe khẽ một tác phẩm độc tấu Piano trúc trắc của Keith Jarrett. Người ta đưa tôi đến thẳng một chiếc ghế - có lẽ trong khi đi sắm hàng ban nãy bà ta đã gọi điện tới đây đặt chỗ trước. Bà ta dặn dò tỉ mỉ cho gã gầy gò sẽ cắt tóc cho tôi. Xem chừng họ biết nhau. Trong khi làm theo từng chỉ dẫn của bà ta, y nhìn chăm chú vào mặt tôi phản chiếu trong gương với cái vẻ như đang săm soi một bát cọng cần tây mà y sắp phải ăn. Y có bộ mặt giống Solzhenitsyn thời trẻ. Người đàn bà bảo y: "Tôi sẽ quay lại khi nào anh cắt xong" rồi rảo bước ra khỏi cửa hiệu cắt tóc.
Gã đàn ông nói rất ít trong khi cắt tóc cho tôi, chỉ mở miệng "Lối này, thưa ông" khi cần phải gội đầu cho tôi, "Xin lỗi" khi phải phủi chỗ vụn tóc đã cắt. Lúc y đi khỏi, tôi thò tay ra khỏi tấm vải che quanh người để sờ vết bầm trên má phải. Đây là lần đầu tiên tôi thấy vết bầm trong một tấm gương khác chứ không phải gương ở nhà. Các tấm gương lớn bằng cả bức tường phản chiếu hình ảnh nhiều người trong đó có tôi. Và trên mặt tôi là vết bầm màu xanh sáng rất nổi này. Trông cũng không đến nỗi xấu xí hay bẩn thỉu. Đơn giản nó là một phần của tôi, tôi cần phải chấp nhận nó. Tôi cảm thấy chốc chốc lại có người này kẻ nọ nhìn vết bầm đó - nhìn hình chiếu của nó trong gương. Nhưng có quá nhiều hình người phản chiếu trong gương nên tôi không thể biết cụ thể ai đang nhìn. Tôi chỉ cảm thấy ánh mắt họ dán vào vết bầm.
Buổi cắt tóc cho tôi kéo dài nửa tiếng đồng hồ. Tóc tôi vốn đã ngày càng dài hơn từ khi tôi thôi việc, nay lại ngắn như trước. Tôi chuyển sang một trong những chiếc ghế xếp dọc tường, ngồi nghe nhạc và đọc qua quýt một cuốn tạp chí, đợi người đàn bà quay lại. Bà ta ra chiều hài lòng với đầu tóc mới của tôi. Bà ta rút khỏi ví một tờ mười ngàn Yên, trả tiền rồi kéo tôi ra ngoài. Sau đó bà ta dừng lại, săm soi tôi từ đầu đến chân, y hệt khi tôi kiểm tra toàn thân con mèo, như để xem có còn gì mình quên làm không. Hẳn là không. Đoạn bà ta liếc chiếc đồng hồ bằng vàng thở dài. Đã gần 7 giờ tối.
- Đi ăn tối nhé, - bà ta nói. - Cậu thế nào?
Hồi sáng tôi mới chỉ dằn bụng một lát bánh mì, trưa thì một cái bánh vòng.
- Chắc là được, - tôi nói.
Bà ta dẫn tôi đến một nhà hàng Ý gần đó. Hình như ở đấy người ta biết bà ta. Chẳng nói chẳng rằng người ta đưa chúng tôi đến một bàn yên tĩnh ở đằng sau. Ngay khi tôi ngồi xuống đối diện bà ta, bà ta liền ra lệnh cho tôi đặt tất cả những gì có trong túi quần lên bàn. Tôi lẳng lặng làm theo. Thực tại trước đây của tôi dường như đã rời bỏ tôi mà phiêu diêu đâu đó gần đây. Mong rằng nó sẽ tìm được mình, tôi nghĩ. Trong túi tôi chẳng có gì đặc biệt: chìa khóa, khăn mùi soa, ví. Bà ta quan sát chừng ấy thứ mà chẳng tỏ vẻ quan tâm lắm, rồi nhặt cái ví lên nhìn vào trong. Ví đựng khoảng năm mươi lăm ngàn Yên tiền mặt, một cái thẻ điện thoại, một cái thẻ rút tiền ngân hàng, thẻ hồ bơi, chỉ có thế. Chẳng có gì khác thường. Chẳng có gì để người ta muốn ngửi, muốn đo, muốn lắc, muốn dìm vào nước hay đưa ra ánh sáng. Bà ta đưa ví lại cho tôi, vẻ mặt không thay đổi.
- Tôi muốn cậu ngày mai đi mua nửa tá khăn mùi soa, một cái ví mới và một cái móc khóa mới, - bà ta nói. - Từng ấy thứ thì chắc cậu tự chọn lấy được. À, thế lần gần đây nhất cậu mua quần lót là khi nào?
Tôi nghĩ một lúc mà không nhớ ra.
- Tôi không nhớ. Chắc cũng lâu rồi. Nhưng tôi vốn ưa sạch sẽ, chẳng bao giờ chất đống quần áo bẩn, cởi ra là giặt...
- Không sao cả. Tôi muốn cậu mua một tá áo may-ô và quần lót.
Tôi không nói gì, chỉ gật đầu.
- Cứ mang hóa đơn lại cho tôi. Tôi sẽ trả. Mà nhớ phải mua những thứ tốt nhất đấy. Tôi sẽ trả cả tiền giặt cho cậu nữa. Đừng bao giờ mặc một cái sơ mi quá một lần mà không gửi giặt. Được chưa?
Tôi lại gật. Tay chủ hiệu giặt gần nhà ga mà biết chuyện này thì sẽ vui lắm đây. Nhưng, tôi tự nhủ, rồi cố kéo dài cái liên từ ngắn ngủi, súc tích này, vốn đang dính chặt vào cửa sổ do sức căng bề mặt, thành một câu đầy đủ, ra đầu ra đũa:
- Nhưng sao bà lại làm những chuyện này - mua cho tôi cả một tủ quần áo, trả tiền cắt tóc, tiền giặt là cho tôi?
Bà ta không trả lời, chỉ rút một điếu Virginia Slims đưa lên môi. Một gã bồi bàn cao lớn có đường nét cân đối bỗng dưng hiện ra như từ dưới đất chui lên, châm lửa cho bà ta bằng một động tác thuần thục. Hắn quẹt diêm làm phát ra một âm thanh rõ ràng, khô khốc, cái loại âm thanh có khả năng kích thích ăn ngon miệng. Xong việc đó rồi, y chìa cho chúng tôi xem thực đơn. Tuy nhiên, bà ta chẳng buồn xem mà nói ngay rằng chúng tôi không quan tâm đến các món đặc biệt trong ngày.
- Cho tôi món Salad và một ổ bánh mì, và một món cá nào đó thịt trắng. Món salad chỉ cần nhỏ vài giọt xốt dầu giấm thôi, thêm một tí tiêu. Và một cốc nước khoáng không đá.
Tôi chẳng thú gì chuyện vùi đầu vào thực đơn.
- Tôi cũng vậy, - tôi nói.
Tay bồi cúi chào, đoạn rút lui. Dường như thực tại của tôi vẫn chưa sao tìm lại được tôi.
- Tôi hỏi chỉ vì tò mò thôi, chứ không có ý gì, - tôi nói, cố thử lần nữa hòng moi được của bà ta một lời giải thích. - Bà đã mua ngần ấy thứ cho tôi, tôi không dám phê phán gì, nhưng liệu có đáng cho bà bỏ ra ngần ấy thời gian, công sức và tiền bạc không?
Bà ta lại không trả lời.
- Tôi chỉ tò mò thôi, - tôi lại nói.
Lại không trả lời. Bà ta quá bận ngắm bức tranh sơn dầu trên tường, chẳng hơi đâu bận tâm đến chuyện trả lời tôi. Bức tranh hẳn là vẽ phong cảnh nước Ý, với một cây thông được cắt tỉa công phu, vài nếp nhà thôn quê tường sơn màu đỏ hung rải rác trên những ngọn đồi. Những căn nhà nhỏ xíu nhưng thật đáng yêu. Tôi tự hỏi loại người nào có thể sống trong những căn nhà đó: hẳn là những người bình thường, sống một cuộc sống bình dị. Chẳng ai trong số họ bỗng dưng gặp một người đàn bà bí hiểm chả biết từ đâu chui ra mua cho họ hết com lê đến giày rồi lại đồng hồ. Chẳng ai trong số họ phải tính tính toán toán số tiền khổng lồ họ phải kiếm cho ra đặng có thể mua một cái giếng cạn khô. Tôi cảm thấy ghen tị đến nhức nhối với những kẻ sống trong một thế giới bình thường như vậy. Tôi vốn không phải người hay ghen tị, nhưng quang cảnh trong bức tranh kia khơi dậy cảm giác đó trong tôi một cách lạ lùng. Giá như tôi có thể bước vào bức tranh đó ngay bây giờ, ngay ở đó! Giá như tôi có thể bước vào một trong những căn nhà thôn quê đó, thưởng thức một ly vang, rồi chui vào một góc nhà mà đánh một giấc ngon lành tịnh không nghĩ ngợi gì!
Gã bồi quay lại rất nhanh, đặt một cốc nước khoáng trước mặt người đàn bà và tôi. Bà ta dụi thuốc vào gạt tàn.
- Sao cậu không hỏi tôi chuyện gì khác? - bà ta nói.
Trong khi tôi ngẫm nghĩ xem có thể hỏi bà ta chuyện gì khác, bà ta nhấp một ngụm nước khoáng.
- Anh thanh niên ở trong văn phòng ở Akasaka là con trai bà phải không? - tôi hỏi.
- Dĩ nhiên, - bà ta đáp không do dự.
- Anh ấy không nói được à?
Người đàn bà gật đầu.
- Từ khi mới sinh nó đã nói rất ít, nhưng năm lên sáu tuổi đột nhiên nó ngừng nói hẳn. Dù thế nào thì thế, nó thôi dùng giọng của mình.
- Tại sao vậy? Có lý do nào không?
Bà ta lờ đi câu hỏi của tôi. Tôi cố nghĩ đến một điều khác.
- Nếu anh ấy không nói được thì làm sao có thể điều hành công việc?
Bà ta chỉ hơi nhíu mày một chút. Không phải bà ta lờ đi câu hỏi của tôi, nhưng rõ ràng bà ta không có ý định trả lời.
- Tôi cuộc rằng anh ta mặc hay mang gì cũng đều là do bà chọn, từ đầu tới chân. Như với tôi vậy thôi.
- Tôi không ưa thấy người ta ăn mặc lôi thôi. Chỉ có thế. Gì chứ chuyện ấy thì tôi không chịu được. Tôi muốn ít nhất là những người quanh tôi ăn mặc càng đàng hoàng càng tốt. Tôi muốn cái gì ở họ cũng phải đâu ra đó, dù người ngoài có nhìn thấy hay không.
- Vậy chắc hẳn bà không thích khúc ruột thừa của tôi rồi, - tôi cố nói đùa.
- Cậu có vấn đề về hình dạng của khúc ruột thừa à? - bà ta hỏi, nhìn thẳng vào tôi với vẻ hoàn toàn nghiêm túc.
Tôi lấy làm tiếc đã đùa như vậy.
- À không, tạm thời thì ổn, - tôi nói. - Tôi chỉ nói thế thôi, không có ý gì. Kiểu như "ví dụ" thôi mà.
Bà ta vẫn nhìn tôi soi mói hồi lâu - hẳn bà ta đang nghĩ tới khúc ruột thừa của tôi.
- Vậy đó, tôi muốn những người chung quanh tôi trông phải đàng hoàng đâu ra đó, dù tôi có phải tự trả tiền về việc đó đi nữa. Chỉ có thế thôi. Đừng bận tâm làm gì. Tôi làm tất cả các chuyện này hoàn toàn là để cho tôi. Bản thân tôi luôn thấy tởm lợm - hầu như một cách sinh lý - mỗi khi nhìn thấy quần áo lôi thôi lếch thếch.
- Kiểu như nhạc sĩ thì không chịu nổi khi nghe thấy âm nhạc bị chơi lạc điệu phải không?
- Đại loại thế.
- Lúc nào bà cũng mua quần áo cho tất cả những người chung quanh mình như thế này à?
- Ừ. Thật ra quanh tôi đâu có nhiều người lắm. Tôi thì có thể không thích cách ăn mặc của người ta, nhưng tôi đâu thể mua quần áo cho tất cả thiên hạ trên đời, đúng không?
- Cái gì cũng có giới hạn, - tôi nói.
- Chính thế.
o O o
Lát sau món salad được dọn lên, chúng tôi ăn. Đúng như người đàn bà đã dặn, mỗi suất salad chỉ được nhỏ vài giọt xốt dầu giấm, ít đến nỗi có thể đếm trên một bàn tay.
- Cậu có gì muốn hỏi tôi nữa không? - bà ta hỏi.
- Tôi muốn biết tên bà, - tôi nói. - Để cho tiện dùng thôi.
Bà ta im lặng giây lát, miệng nhai một miếng củ cải. Thế rồi giữa hai mí mắt bà ta hình thành một nếp nhăn sâu, như thể bà vừa nhai phải một cái gì đó đắng ngắt trong mồm.
- Sao cậu lại cần phải dùng tên tôi chứ? Viết thư cho tôi thì chắc là không rồi. Tên với tuổi, nếu có chăng thì cũng quan trọng gì đâu.
- Nhỡ ra tôi phải gọi bà khi bà đang quay lưng lại chẳng hạn? Không biết tên thì gọi bằng gì?
Bà ta đặt nĩa xuống đĩa rồi dùng khăn lau miệng.
- Tôi hiểu ý cậu rồi. Chuyện ấy tôi hoàn toàn không nghĩ đến. Cậu nói đúng, gặp tình huống như vậy thì cậu cần tên tôi thật.
Bà ta ngồi ngẫm nghĩ hồi lâu. Trong khi bà ta nghĩ, tôi ăn món salad.
- Xem nào, cậu cần một cái tên thích hợp những khi cần gọi tôi từ sau lưng chẳng hạn, đúng không nào?
- Nói chung là thế.
- Vậy đó không nhất thiết là tên thật của tôi, đúng không?
Tôi gật.
- Tên, tên... kiểu tên nào là hay nhất nhỉ?
- Chắc là một cái tên đơn giản, dễ gọi. Nếu có thể thì một cái gì đó cụ thể, một vật nào đó sờ mó được, nhìn thấy được. Kiểu vậy thì dễ nhớ.
- Chẳng hạn?
- Chẳng hạn như tôi gọi con mèo của tôi là Cá thu. Tôi mới đặt tên cho nó hôm qua.
- Cá thu, - bà ta gọi to lên, như để xác nhận âm thanh của từ đó.
Đoạn bà ta đăm đăm nhìn một lát vào cái giá đựng muối tiêu trên bàn, rồi ngẩng đầu lên nhìn tôi mà nói:
- Nhục đậu khấu.
- Nhục đậu khấu?
- Ừ... Tự nhiên nảy ra trong đầu tôi thế... Cậu có thể gọi tôi vậy, được chứ?
- Dĩ nhiên là được. Thế còn con trai bà thì gọi sao đây?
- Quế.
- Rau mùi, xô thơm, hương thảo, húng tây, - tôi nói, ý muốn nhắc lại một giai điệu 1.
- Akasaka Nhục đậu khấu và Akasaka Quế. Không dở phải không?
Akasaka Nhục đậu khấu và Akasaka Quế: liệu Kasahara May có bị sốc chăng nếu cô bé biết tôi đã làm quen với những người như vậy! "Chim vặn dây cót ơi là Chim vặn dây cót! Anh không thể làm quen với người nào khác bình thường hơn một chút sao?". Ừ, tại sao không thể, hở Kasahara May? Câu hỏi đó tôi không trả lời được.
- Thử nghĩ mà xem, - tôi nói. - Năm ngoái tôi gặp hai người đàn bà tên là Kano Malta và Kano Creta. Kết quả là xảy ra với tôi chẳng còn thiếu chuyện gì. Tuy nhiên, giờ thì họ không ở đây nữa.
Nhục đậu khấu khẽ gật đầu để trả lời, nhưng không góp ý gì.
- Họ biến đi đâu đó thôi, - tôi khẽ khàng nói thêm. - Như hạt sương lúc sáng hè vậy. Hoặc tan đi như ngôi sao lúc bình minh.
Bà ta lấy nĩa ghim một thứ gì đó như là lá diếp xoăn cho vào miệng. Rồi, như thể đột nhiên nhớ lại một lời hứa từ lâu trước đây, bà ta với tay lấy cốc nước uống một ngụm.
- Chắc cậu muốn biết về số tiền kia đúng không? Số tiền cậu nhận được ngày hôm kia ấy? Tôi nói đúng không nào?
- Vâng, bà nói đúng. Tôi rất muốn biết điều đó.
- Kể cho cậu thì cũng được, nhưng chuyện có thể rất dài đấy.
- Liệu có thể kể hết trước khi tới món tráng miệng không?
- Chắc là không, - Akasaka Nhục đậu khấu nói.
Chú Thích
1."Parsley, sage, rosemary and thyme" - lời bài hát nổi tiếng của Paul Simon và Arthur Garfunkei nhan đề Hội chợ Scarborough (Scarborough Fair)- ND.
Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót - Haruki Murakami Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót