The multitude of books is making us ignorant.

Voltaire

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: ねじまき鳥クロニクル Nejimaki-dori Kuronikuru - The Wind-Up Bird Chronicle
Biên tập: Gió
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 69
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 16175 / 1123
Cập nhật: 2018-03-18 01:34:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7 - Hồi Ức Và Đối Thoại Về Việc Có Thai ♦ Trí Thức Thực Nghiệm Về Cái Đau
hi tôi thức dậy, miệng giếng hình bán nguyệt đã mang màu xanh thẫm buổi chiều tối. Kim đồng hồ chỉ 7 giờ rưỡi. Bảy giờ ba mươi tối. Nghĩa là tôi đã ngủ ở đây trong vòng bốn tiếng rưỡi đồng hồ.
Không khí dưới đáy giếng mát lạnh. Khi tụt xuống đây tôi đã quá hồi hộp nên không còn tâm trí đâu nghĩ đến nhiệt độ không khí. Nhưng giờ thì da tôi bắt đầu phản ứng lại với khí lạnh. Tôi vừa chà xát hai cánh tay trần cho ấm vừa nghĩ lẽ ra tôi nên mang theo trong ba lô cái gì đó âm ấm để khoác ra ngoài áo phông. Tôi không hề nghĩ tới chuyện không khí dưới đáy giếng có thể khác với không khí trên mặt đất.
Giờ thì bao quanh tôi là bóng tối hoàn toàn. Dù cố đến mấy mắt tôi cũng không nhìn thấy gì nữa. Thậm chí tôi không biết tay mình ở đâu. Tôi mò mẫm dọc vách giếng tìm cái thang dây rồi kéo mạnh. Nó vẫn buộc chắc trên mặt đất. Chuyển động của bàn tay tôi dường như làm bản thân bóng tối dịch chuyển, nhưng đó có thể chỉ là ảo giác.
Thật lạ rằng tôi không thể nào nhìn thấy thân thể của chính mình bằng mắt mình tuy biết rõ thân thể mình đang có đó. Càng ngồi im lặng trong bóng tối, tôi càng bớt tin tưởng rằng bản thân tôi đang hiện hữu. Để cưỡng lại điều đó, chốc chốc tôi lại hắng giọng hoặc xoa tay lên mặt. Bằng cách đó tai tôi có thể kiểm chứng xem giọng tôi có hiện hữu không, tay tôi có thể kiểm chứng xem mặt tôi có hiện hữu không, còn mặt tôi có thể kiểm chứng xem tay tôi có hiện hữu không.
Nhưng dù tôi cố gắng bao nhiêu đi nữa, thân thể tôi bắt đầu mất trọng lượng và mật độ, như cát từ từ bị nước rửa trôi vậy. Dường như bên trong tôi đang diễn ra một cuộc kéo co dữ dội và câm lặng mà trong đó ý thức tôi đang thắng thế, đang dần dần lôi thể xác tôi vào lãnh địa của nó. Cái bóng tối này đang phá vỡ thế cân bằng vốn có giữa hai thế lực kia. Tôi chợt nghĩ rằng thể xác tôi chẳng qua chỉ là một cái vỏ bọc được làm ra để ý thức tôi có thể sắp xếp các ký hiệu gọi là nhiễm sắc thể. Chỉ cần các ký hiệu kia được sắp xếp lại là tôi sẽ thấy mình nằm trong một cơ thể hoàn toàn khác. "Điếm tinh thần", Kano Creta tự gọi mình vậy. Giờ thì tôi có thể hiểu lời của cô không khó khăn gì. Vâng, chúng tôi hoàn toàn có thể làm tình trong tâm trí và xuất tinh trong thực tại. Trong bóng tối thật sự dày đặc, mọi chuyện lạ lùng đều có thể xảy ra.
Tôi lắc đầu, cố đẩy ý thức tôi vào trở lại trong cơ thể.
Trong bóng tối, tôi chập các ngón bàn tay này lên các ngón bàn tay kia - ngón cái chập vào ngón cái, ngón trỏ chập vào ngón trỏ. Các ngón tay phải tôi kiểm chứng sự hiện hữu của các ngón tay trái tôi, các ngón tay trái tôi kiểm chứng sự hiện hữu của các ngón tay phải tôi. Đoạn tôi từ từ hít thở sâu mấy hơi liền. Thôi, nghĩ về ý thức thế là đủ. Nghĩ về thực tại đi nào. Hãy nghĩ về thế giới thực. Thế giới của nhục thể. Chính vì thế giới đó mà tôi mới ở đây. Ở đây là để nghĩ về thực tại. Và cách tốt nhất để nghĩ về thực tại là hãy tránh xa nó, càng xa càng tốt, như chui xuống đáy giếng chẳng hạn. "Khi cần đi xuống, hãy tìm cái giếng sâu nhất mà chui xuống đáy," ông Honda đã nói vậy. Tựa lưng vào vách giếng, tôi chầm chậm hít vào phổi bầu không khí sực mùi rêu.
o O o
Tôi và Kumiko không làm lễ cưới. Cái chính là bởi chúng tôi không có tiền, mà xin cha mẹ thì chẳng ai muốn cả. Quyết định chung sống với nhau dù bằng cách nào đi nữa, điều đó quan trọng hơn nhiều so với tổ chức lễ này đám nọ. Chúng tôi đến phòng đăng ký hộ tịch vào một sáng sớm Chủ nhật, rung chiếc chuông nơi cửa sổ tiếp khách để dựng nhân viên trực dậy rồi nộp tờ đăng ký kết hôn. Sau đó chúng tôi đến một nhà hàng Pháp cao cấp mà bình thường ra chẳng ai trong chúng tôi có đủ hầu bao để vào, kêu một chai rượu vang và ăn một bữa tối đủ ba món. Với chúng tôi vậy là đủ.
Lúc đó chúng tôi gần như không có tiền tiết kiệm (mẹ tôi khi qua đời có để lại cho tôi một ít tiền, nhưng tôi đã quyết định sẽ không bao giờ đụng đến trừ phi trong những trường hợp thật sự cấp bách), đồ đạc lại càng không. Triển vọng tương lai của chúng tôi cũng mù mịt. Mặc dù làm ở hãng luật nhưng tôi không có bằng luật sư nên tiền đồ chẳng có gì, còn Kumiko làm cho một nhà xuất bản bé tí chẳng ai biết tới. Giá như Kumiko muốn thì sau khi tốt nghiệp nàng đã có thể tìm được một vị trí tốt hơn nhiều nhờ các mối quan hệ của cha, nhưng nàng không thích nhờ cậy cha nên đã tự tìm việc lấy. Tuy nhiên cả hai chúng tôi chẳng có gì bất mãn. Chỉ cần sống được mà không phải nhờ vả ai là chúng tôi thấy vui rồi.
Dẫu sao xây dựng cuộc sống từ con số không là việc chẳng dễ dàng. Là con một, tôi có thiên hướng thích cô đơn, khép kín. Mỗi khi muốn làm việc gì đó quan trọng, tôi chỉ thích làm một mình. Tôi thấy phải giải thích, thuyết minh với người khác cho họ hiểu thì mất thì giờ công sức quá, chẳng thà mình cứ lẳng lặng làm một mình còn hơn. Kumiko cũng vậy, từ khi người chị qua đời, nàng đóng chặt cõi lòng đối với gia đình, cứ thế lớn lên như thể nàng chỉ có một mình. Dù có chuyện gì nàng cũng chẳng bao giờ đến gặp gia đình xin một lời khuyên nhủ. Theo nghĩa đó thì tôi và nàng rất giống nhau.
Dẫu sao, từng tí một, chúng tôi học cách đồng hóa thân thể và tâm hồn mình vào cái sinh thể vừa mới tạo lập này mà chúng tôi gọi là "tổ ấm của mình". Chúng tôi tập cách cùng nghĩ và cùng cảm về mọi sự. Những gì xảy ra với một trong hai người, chúng tôi đều cố gắng giải quyết như thể nó liên quan đến cả hai. Có khi làm vậy được, có khi không. Nhưng chúng tôi rất thích cái quá trình thử và sai đầy mới mẻ này. Và những cuộc va chạm dù có nảy lửa đi chăng nữa, chúng tôi cũng quên mất ngay khi ôm chặt lấy nhau.
o O o
Lấy nhau được ba năm thì Kumiko có mang. Chuyện đó chẳng khác nào sét đánh ngang tai đối với chúng tôi - ít nhất là đối với tôi - bởi chúng tôi đã dùng thuốc tránh thai cực kỳ cẩn thận. Ắt chỉ vì một khoảnh khắc bất cẩn mà ra nông nỗi: chẳng phải là chúng tôi có thể biết chính xác cái thai đã đậu vào lúc nào, nhưng không có cách giải thích nào khác. Dù thế nào đi nữa, chúng tôi cũng không đủ tiền để nuôi con. Kumiko vừa mới vững chân ở nhà xuất bản kia, nên nàng muốn giữ chỗ làm đó nếu có thể. Một công ty nhỏ như công ty nàng không có khả năng ban phát những trò xa xỉ như nghỉ thai sản. Phụ nữ làm việc ở đó mà muốn có con thì chỉ còn cách thôi việc. Nếu Kumiko làm vậy thì cả nhà chỉ còn cách trông vào đồng lương của một mình tôi ít nhất là trong một thời gian, nhưng điều đó rõ ràng là không thể.
- Chắc mình phải bỏ đứa này thôi, - Kumiko nói với tôi bằng giọng vô cảm hôm bác sĩ thông báo cho nàng kết quả xét nghiệm.
Có lẽ nàng có lý. Dù xét vấn đề theo cách nào đi nữa, đó vẫn là giải pháp hợp lý nhất. Chúng tôi còn quá trẻ, chưa chuẩn bị đầy đủ để làm cha mẹ. Cả Kumiko lẫn tôi đều cần thời gian cho bản thân mình. Chúng tôi phải tạo lập cuộc sống cho chính mình đã, đó là ưu tiên số một. Chúng tôi còn thiếu gì cơ hội để có con trong tương lai.
o O o
Thế nhưng thực ra, tôi không muốn Kumiko phá thai. Có lần, vào năm thứ hai đại học, tôi trót làm một cô gái có mang - tôi quen cô ấy khi đi làm thêm ngoài giờ. Cô là một cô bé dễ thương, kém tôi một tuổi, hai chúng tôi rất hợp nhau. Dĩ nhiên là chúng tôi thích nhau, nhưng giữa chúng tôi chẳng có gì nghiêm túc, mà cũng không thể nào có chuyện nghiêm túc được. Chúng tôi chẳng qua chỉ là hai người trẻ tuổi cô đơn cần ai đó để tựa vào.
Lý do làm cô ta có thai thì chẳng có gì khó hiểu. Tôi luôn luôn dùng bao cao su mỗi khi quan hệ với cô ta, nhưng một hôm tôi quên mang sẵn một chiếc. Chẳng còn cái nào cả. Tôi nói thật với cô ta vậy, cô ta ngần ngừ vài giây rồi nói: "Ồ, chẳng sao, hôm nay chắc không dính đâu". Chỉ một lần ấy là đủ.
Tôi vẫn không tin hẳn được là mình đã "làm một cô gái có mang", nhưng tôi biết rõ rằng phá thai là giải pháp duy nhất. Tôi ráng gom góp tiền rồi đi cùng cô đến bệnh viện. Chúng tôi đáp xe lửa đến một thị trấn nhỏ ở Chiba tại đó một người bạn của cô đã giới thiệu cô với bác sĩ. Chúng tôi xuống xe ở một nhà ga tôi chưa hề nghe tới và thấy hàng ngàn căn nhà bé tí, tất cả đều rập cùng một khuôn, xúm xít vào nhau mà trải dài trên các ngọn đồi thoai thoải đến tận chân trời. Đó là những khu dân cư mới xây dựng trong những năm gần đây dành cho những người trẻ tuổi làm công sở không đủ tiền mua nhà ở Tokyo. Bản thân nhà ga thì lại mới tinh, ngay trước cửa ga là những cánh đồng lúa nước bạt ngàn, rộng hơn bất cứ cánh đồng nào tôi từng thấy. San sát hai bên phố là bảng hiệu các hãng chuyên buôn bất động sản.
Phòng đợi của bệnh viện chật cứng các bà trẻ tuổi bụng chửa vượt mặt, hầu hết trong số đó hẳn đã lấy chồng được bốn, năm năm, nhờ vay tín dụng ngân hàng mà mua được nhà ở ngoại ô, an cư rồi mới quyết định sinh con. Gã trai duy nhất ở đó là tôi. Các bà bầu nhìn tôi với vẻ tò mò không giấu giếm đồng thời chẳng tỏ ra chút thiện ý nào. Chỉ cần liếc qua ai cũng biết tỏng tôi là một thằng lỏi sinh viên chẳng may làm bạn gái có bầu, giờ phải đưa cô ả đi nạo thai.
Sau khi giải quyết xong, tôi và cô gái đáp xe lửa về lại Tokyo. Chuyến tàu lúc chập tối về thành phố hầu như vắng ngắt. Tôi xin lỗi cô ta. Vì tôi bất cẩn mà cô phải khổ sở thế này, tôi nói.
- Đừng cả nghĩ thế, - cô bảo. - Ít nhất thì anh cũng đã đi với em tới bệnh viện và trả tiền viện.
Chẳng bao lâu sau đó tôi và cô ấy thôi gặp nhau, nên tôi chẳng bao giờ biết cô ấy giờ ra sao, nhưng suốt một thời gian rất dài sau vụ phá thai - thậm chí cả sau khi chúng tôi đã chia tay - tâm trạng tôi vẫn rối bời. Mỗi khi nhớ lại cái ngày đó, trong tâm trí tôi lại hiện lên hình ảnh những thiếu phụ mang thai ngồi chật cứng phòng đợi trong bệnh viện, ánh mắt đầy lo âu. Và tôi không khỏi nảy ra ý nghĩ lẽ ra mình không bao giờ nên làm cô ấy có mang.
Trên chuyến tàu về nhà, để an ủi tôi - vâng, an ủi chính tôi -, cô gái kể tôi nghe mọi chi tiết việc đó diễn ra khá nhẹ nhàng. - Thật ra không kinh khủng như anh nghĩ đâu. Chẳng lâu lắm, mà cũng không đau. Mình chỉ việc cởi quần áo rồi nằm đó. Ừ thì cũng mắc cỡ chứ, nhưng bác sĩ dễ thương lắm, y tá cũng vậy. Dĩ nhiên là họ giảng cho một hồi, nào là từ nay trở đi phải cẩn thận hơn nữa. Thành thử anh đừng khổ sở thế. Một phần là lỗi của em mà. Em mới là người đã nói không sao đâu. Đúng không? Vui lên đi nào.
Tuy nhiên, suốt quãng đường dài trên xe lửa đến thị trấn nhỏ ở Chiba rồi suốt quãng đường về, tôi cảm thấy mình đã trở thành một con người khác. Cả sau khi tôi đã tiễn cô gái về nhà rồi trở về phòng, nằm trên giường nhìn chong chong lên trần nhà, tôi cảm thấy sự thay đổi ấy. Tôi đã là một tôi khác, và tôi không bao giờ có thể trở lại là tôi như trước nữa. Sở dĩ thành ra vậy là vì tôi biết mình không còn trong trắng nữa. Đây không phải cái cảm nghĩ nhuốm mùi đạo đức rằng mình đã làm điều quấy, hay sự giày vò bởi ý thức về tội lỗi. Tôi biết mình đã phạm sai lầm khủng khiếp, nhưng tôi không tự trừng phạt mình vì chuyện đó. Đó là một sự kiện vật lý mà tôi phải đương đầu một cách lạnh lùng và hợp logic, nằm ngoài chuyện trừng phạt hay không trừng phạt.
o O o
Điều đầu tiên nảy ra trong đầu tôi khi biết Kumiko có mang là hình ảnh các thiếu phụ mang bầu ngồi chật cứng phòng đợi bệnh viện. Hay đúng hơn là cái mùi đặc biệt trong không khí ở nơi đó. Tôi không biết đó là mùi gì - nếu như quả thật đó là mùi của một cái gì. Có khi chỉ là cái gì đó giống như mùi thôi. Khi y tá gọi tên cô gái, cô chầm chậm đứng dậy khỏi chiếc ghế nhựa cứng rồi đi thẳng về phía cửa. Ngay trước khi dừng lại, cô liếc tôi, trên môi cô thoáng nụ cười - hoặc cái còn lại của nụ cười mà cô đã đổi ý thôi không nhoẻn nữa.
Tôi biết đối với vợ chồng tôi việc có con là không thực tế, nhưng tôi cũng không muốn Kumiko phá thai. Khi tôi nói với nàng vậy, nàng trả lời:
- Chuyện đó mình đã nói rồi mà. Nếu bây giờ có con thì em sẽ mất việc, còn anh sẽ phải tìm công việc nào lương cao để có tiền nuôi em và con. Mình sẽ không còn dư tiền cho bất cứ chuyện gì khác. Có muốn làm gì cũng chẳng được. Từ nay trở đi khả năng thực tế cho chúng mình sẽ thu hẹp đến chẳng còn gì nữa. Anh có chịu được như vậy không?
- Được, - tôi nói. - Anh nghĩ là anh chịu được.
- Thật á?
- Nghĩ kỹ anh thấy anh có thể tìm việc được chứ, ông cậu anh chẳng hạn, ông ấy sẽ tìm giúp. Ông ấy đang muốn mở một chỗ mới nhưng không tìm ra người tin cẩn để quản lý. Anh tin chắc nếu làm cho ông ấy thì sẽ kiếm được khá hơn nhiều so với hiện nay. Đó không phải là công ty luật, thì đã sao? Công việc đang làm hiện giờ anh có thích lắm đâu.
- Vậy là anh sẽ quản lý nhà hàng?
- Anh tin nếu thử làm thì chắc là được. Với lại, trong trường hợp bức bách, anh còn ít tiền mẹ để lại kia mà. Chúng mình không chết đói đâu.
Kumiko im lặng, trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu, khóe mắt nheo nheo tạo thành nhiều nếp nhăn nhỏ xíu. Nàng có những cách biểu cảm nho nhỏ như vậy mà tôi rất thích.
- Nghĩa là anh muốn có con sao? - nàng hỏi.
- Anh không biết, - tôi đáp. - Anh biết em đang có mang, nhưng anh vẫn chưa thật sự hiểu ra rằng mình có thể sẽ làm cha. Anh cũng không thật sự biết nếu có con thì cuộc sống của chúng mình sẽ thay đổi ra sao. Em thích công việc của mình, thành thử để em phải mất việc thì hẳn là một sai lầm. Mặt khác, anh nghĩ hai chúng ta cần nhiều thời gian hơn cho nhau, nhưng anh cũng lại nghĩ có đứa con thì thế giới của chúng mình sẽ rộng mở hơn. Anh không biết đằng nào đúng. Anh chỉ cảm thấy anh không muốn em phá thai. Anh không thể bảo đảm điều gì hết. Anh không dám chắc trăm phần trăm bất cứ chuyện gì, cũng không có giải pháp nào hay ho cả. Anh chỉ có cái cảm giác như vậy thôi.
Kumiko nghĩ một lát, chốc chốc lại xoa xoa chỗ dạ dày.
- Này, nói em nghe, sao em lại có bầu nhỉ? Theo anh thì vì sao?
Tôi lắc đầu.
- Anh không biết nữa. Chúng mình lúc nào cũng cẩn thận cơ mà. Những phiền phức kiểu này thì anh luôn muốn tránh. Thành thử anh không biết thế nào lại xảy ra như vậy được.
- Anh không nghĩ là em có thể có tình nhân à? Anh không nghĩ đến khả năng đó sao?
- Không bao giờ.
- Sao lại không?
- Anh không biết. Anh không dám nói là nhờ trực giác hay gì gì, nhưng chuyện đó thì anh tin chắc.
Chúng tôi đang ngồi ở bàn bếp, uống rượu vang. Đêm đã khuya, chung quanh yên lặng. Kumiko nheo mắt nhìn đăm đăm vào chút rượu cuối cùng còn lại nơi đáy cốc của nàng. Nàng hầu như không bao giờ uống rượu, chỉ đôi khi không ngủ được nàng mới uống một cốc. Chỉ cần một cốc là hiệu nghiệm ngay. Tôi chỉ uống với nàng cho có bạn. Chúng tôi chẳng làm gì có những món xa xỉ như cốc thứ thiệt dành riêng cho rượu vang. Chúng tôi chỉ uốn bằng những cốc nhỏ đựng bia mà cửa hàng rượu bia gần nhà biếu không.
- Em có dan díu với người khác à? - tôi hỏi, chợt cảm thấy quan tâm đến chuyện đó.
Kumiko mỉm cười lắc đầu.
- Cái anh này, hỏi gì ngốc vậy. Anh biết là em không bao giờ làm những chuyện như thế mà. Em chỉ nêu chuyện đó ra như một khả năng về lý thuyết thôi. - Rồi nàng trở nên nghiêm trang, tì cùi chỏ lên bàn. - Nhưng đôi khi em cũng không biết nhiều điều... Em không biết điều gì thật, điều gì không thật... điều gì thực sự đã xảy ra, điều gì không... Chỉ đôi khi thôi...
- Đây có phải là một trong những cái đôi khi ấy không?
- Vâng, kiểu như thế. Anh thì có bao giờ cảm thấy như vậy không?
Tôi nghĩ một chút.
- Không, anh không nhớ có khi nào như thế cả, - tôi nói.
- Nói thế nào nhỉ? Có một thứ khoảng cách nào đó giữa những gì em cho là thực với những gì quả đúng là thực. Em có cảm giác như có một cái gì đó nho nhỏ, nằm ở bên trong em... như tên trộm ở trong nhà mình, nấp trong tủ quần áo... chốc chốc nó lại xộ ra ngoài một lát làm xáo tung cái trật tự hay logic mà em đã thiết lập cho mình. Kiểu như cục nam châm làm cho cỗ máy như phát rồ lên ấy.
- Một cái gì gì đó nho nhỏ? Một tên trộm? - tôi nói. - Em nói toàn chuyện mơ hồ quá!
- Ờ, đúng là mơ hồ thật, - Kumiko nói rồi uống nốt chỗ rượu vang còn lại.
Tôi nhìn nàng một lát.
- Em cho là có mối liên hệ nào đó giữa cái gì gì đó nho nhỏ với chuyện em có mang sao?
Nàng lắc đầu.
- Không, em không nói là hai cái đó có liên quan hay không liên quan với nhau. Chỉ là đôi khi em không còn tin chắc lắm vào trật tự của sự vật. Em chỉ muốn nói như vậy thôi.
Có một nét nóng nảy càng lúc càng tăng trong lời nói của nàng. Đã đến lúc chấm dứt câu chuyện này. Đã quá 1 giờ sáng rồi. Tôi vươn tay qua bàn để nắm tay nàng.
- Anh biết đó, - Kumiko nói, - em muốn anh để em tự quyết định chuyện này. Em hiểu đây là vấn đề hệ trọng đối với cả hai chúng ta. Em hiểu vậy mà. Nhưng riêng chuyện này em muốn anh hãy để em quyết định. Em rất áy náy rằng không thể giải thích được rõ ràng những gì em đang nghĩ và đang cảm.
- Anh nghĩ, về cơ bản thì quyền quyết định là của em, - tôi nói. - Anh tôn trọng quyền đó.
- Chúng mình vẫn còn chừng một tháng để quyết định. Chúng mình đã bàn bạc chuyện này mãi rồi, em cũng hiểu khá rõ ý anh ra sao rồi. Giờ hãy cho em suy nghĩ. Mình tạm thời thôi nói đến chuyện này đi nhé.
o O o
Tôi đang ở Hokkaido thì Kumiko phá thai. Xưa nay công ty chả bao giờ cử những tay loong toong đi công tác xa, nhưng riêng lần này chẳng còn ai khác nên rốt cuộc họ phải cho tôi đi lên miền Bắc. Nhiệm vụ của tôi là giao nhận một va li đầy ắp hồ sơ, giải thích ngắn gọn với bên đối tác, nhận lại hồ sơ của họ giao rồi về ngay. Hồ sơ quá quan trọng nên công ty không thể gửi bưu điện cũng không tín nhiệm các hãng chuyển phát chuyên nghiệp được. Vì tất cả các chuyến bay về Tokyo đều kín chỗ nên tôi phải ở lại một đêm tại khác sạn dành cho doanh nhân ở Sapporo. Ngày hôm đó Kumiko đi phá thai, một mình. Nàng gọi điện đến khách sạn cho tôi sau 10 giờ đêm mà nói: "Chiều nay em đã làm thủ thuật. Em xin lỗi vì chuyện xong rồi mới gọi cho anh, nhưng người ta đã hẹn mà thời hạn gấp quá, hơn nữa em nghĩ chuyện này nếu em tự quyết định và tự lo lấy khi anh đi vắng thì sẽ tốt hơn cho cả hai người."
- Đừng lo nghĩ làm gì, - tôi nói. - Em quyết định thế nào thì cứ thế là tốt nhất.
- Em còn muốn kể với anh nữa, nhưng bây giờ thì không được. Lúc nào đó em sẽ phải kể với anh.
- Anh về rồi mình sẽ nói chuyện.
Sau cuộc gọi, tôi mắc áo khoác rồi ra ngoài lang thang khắp phố xá Sapporo. Mới đầu tháng Ba, hai bên vệ đường san sát những đống tuyết cao ngất ngưởng. Không khí lạnh cắt da, mỗi hơi thở ra đều hóa thành những đám mây trắng xóa rồi biến mất trong nháy mắt. Thiên hạ mặc áo khoác nặng trịch, đi găng, khăn choàng kéo tận cằm, cẩn thận dò từng bước một trên vỉa hè đóng băng. Những chiếc taxi dòng qua dòng lại, lốp xe có đinh chống trượt nghiến rào rạo xuống mặt đường. Khi không chịu nổi cái lạnh nữa, tôi vào một quán bar uống vài ly rồi lại ra ngoài đi bộ thêm lát nữa.
Tôi lang thang rất lâu. Tuyết chốc chốc ào xuống rồi lại dừng, nhưng chỉ là tuyết mỏng, như một ký ức mờ dần vào khoảng xa xôi. Quán bar thứ hai tôi ghé vào nằm thấp hơn mặt đất. Trông cửa vào cứ nghĩ là quán nhỏ, nhưng vào rồi mới thấy hóa ra rộng hơn nhiều. Có một sân khấu nhỏ gần quầy bar, trên sân khấu là một tay gầy gò đeo kính đang vừa đệm ghita vừa hát. Anh ta ngồi trên một chiếc ghế bằng kim loại, bắt tréo chân, hộp đựng đàn đặt cạnh chân.
Tôi ngồi nơi quầy bar, vừa uống vừa lơ đãng nghe nhạc. Giữa hai bài hát, người đàn ông cho biết các bài này đều là của anh ta. Anh ta khoảng gần ba mươi tuổi, gương mặt chẳng có nét gì đặc sắc, đeo kính gọng nhựa màu đen. Anh ta mặc quần jean, đi giày cao cổ buộc dây, áo sơ-mi bằng vải nỉ kẻ ô bỏ ngoài quần. Nhạc của anh ta thuộc loại nào thì khó xác định, có lẽ gọi là nhạc "dân gian" ngày xưa cũng được, tuy là một dạng nhạc dân gian của Nhật. Hợp âm đơn giản, giai điệu đơn giản, ca từ chả có gì đặc biệt. Không phải loại nhạc tôi sẵn sàng ra khỏi nhà để đi nghe.
Nếu trong hoàn cảnh bình thường thì tôi đã chẳng chú ý đến thứ nhạc này. Chắc tôi sẽ chỉ uống bia, xong thì trả tiền rồi rời quán. Nhưng đêm đó tôi thấy lạnh thấu xương, nên chừng nào chưa ấm người lên thì tôi chẳng có ý định đi đâu hết. Tôi uống một cốc rồi lại gọi cốc nữa. Tôi không cởi áo khoác cũng chẳng cởi khăn quàng. Khi người phục vụ hỏi tôi có muốn ăn gì không, tôi gọi ít phó-mát nhưng chỉ ăn một miếng. Tôi cố suy nghĩ nhưng cái đầu tôi không nghĩ gì được. Thậm chí tôi không biết mình đang muốn nghĩ về cái gì nữa. Tôi là một căn phòng trống. Trong căn phòng đó, âm nhạc kia chỉ làm phát lên một tiếng vang khô khan, trống rỗng.
Khi người đàn ông ngừng hát, có tiếng vỗ tay lác đác, không nồng nhiệt cũng không hẳn là chiếu lệ. Trong quán chỉ có chừng mươi, mười lăm khách, không hơn. Anh chàng đứng dậy cúi chào. Hình như anh ta đưa ra một nhận xét hóm hỉnh nào đó khiến vài vị khách bật cười. Tôi gọi người phục vụ gọi cốc whisky thứ ba. Sau đó rốt cuộc tôi cũng cởi áo khoác và khăn quàng.
- Chương trình của tôi tới đây là hết, - tay ca sĩ thông báo. Anh ta dừng một chút, nhìn quanh phòng. - Nhưng chắc hẳn có vài vị ở đây đêm nay không thích những bài hát của tôi. Với các vị đó, tôi có thêm một tiết mục nho nhỏ. Tôi không hay trình diễn tiết mục này đâu, nên quý vị có thể coi như mình rất gặp may.
Anh ta đặt đàn ghita xuống sàn rồi lấy từ trong hộp đựng đàn ra một cây nến dày màu trắng. Anh ta quẹt diên châm nến, nhỏ vài giọt sáp xuống một cái đĩa rồi dựng đứng cây nến lên. Sau đó, với dáng vẻ như một triết gia Hy Lạp, anh ta giơ cao cái đĩa lên. - Có thể giảm ánh sáng xuống một chút được không? - Một trong các nhân viên vặn đèn nhỏ lại, chỉ để mờ mờ. - Làm ơn tối hơn chút nữa. - Giờ thì trong quán tối hơn nhiều, ngọn lửa nến trong tay anh ta nổi bật hẳn lên. Ấp lòng bàn tay quanh cốc whisky để sưởi ấm, tôi không rời mắt hỏi người đàn ông và ngọn nến của anh ta.
- Như quý vị đều biết, - người đàn ông nói tiếp, giọng anh ta nhỏ nhẹ nhưng nghe rõ, - trong cuộc đời con người ta phải nếm trải nhiều loại đau. Cái đau thể xác và cái đau tâm hồn. Tôi biết tôi đã nếm trải cái đau dưới nhiều hình thức khác nhau, và tôi tin quý vị cũng vậy. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, tôi cho rằng quý vị thảy đều thấy rất khó truyền đạt sự thực của cái đau đó cho người khác, rất khó giải thích nó bằng lời. Người ta thường nói chỉ có chính họ mới thấu hiểu cái đau họ đang cảm thấy mà thôi. Nhưng có đúng vậy không? Riêng tôi, tôi không tin như vậy. Nếu như ngay trước mắt mình chúng ta thấy ai đó đang thực sự đau đớn, đôi khi chúng ta cũng cảm thấy nỗi thống khổ và cái đau của người đó như của chính mình vậy. Đó là sức mạnh của sự đồng cảm. Tôi nói thế có rõ không?
Anh ta dừng lời, nhìn quanh phòng lần nữa.
- Sở dĩ người ta cất tiếng hát cho người khác là vì họ muốn có cái sức mạnh khơi gợi sự đồng cảm ấy, muốn bứt khỏi cái vỏ chật hẹp của cái tôi đặng chia sẻ nỗi đau và niềm vui của mình với người khác. Nhưng dĩ nhiên, đây không phải việc dễ làm. Vậy nên tối nay, như một các thử nghiệm, tôi muốn quý vị nếm trải một loại đồng cảm khác đơn giản hơn, có tính vật chất hơn. Xin mời vặn sáng đèn lên.
Mọi người trong quán lúc này im phăng phắc, mọi cặp mắt đều dán lên sân khấu. Trong im lặng hoàn toàn, người đàn ông nhìn mông lung vào khoảng không, như để ngừng một chút hoặc để đạt tới trạng thái tập trung tư tưởng. Từng tí một, anh ta đưa lòng bàn tay mỗi lúc một gần hơn đến ngọn lửa. Ai đó trong số khán giả thốt lên một tiếng nghe như tiếng thở dài hoặc tiếng rên. Ta có thể thấy đầu ngọn lửa thiêu đốt lòng bàn tay người đàn ông. Ta hầu như nghe được tiếng thịt cháy xèo xèo. Một phụ nữ bật ra tiếng thét nho nhỏ nhưng chói lói. Những người còn lại ngây ra nhìn cảnh đó. Như bị hóa đá vì khiếp sợ. Người đàn ông cố chịu đựng, mặt anh ta méo xệch vì đau đớn. Cái trò quái quỷ gì vậy? Sao anh ta lại phải làm cái việc ngu xuẩn, vô nghĩa này? Tôi cảm thấy miệng mình khô khốc. Sau chừng năm, sáu giây, anh ta chầm chậm rút tay ra khỏi ngọn lửa rồi đặt chiếc đĩa cắm cây nến xuống sàn nhà. Đoạn anh ta úp hai bàn tay vào nhau, lòng bàn tay phải và lòng bàn tay trái ép chặt vào nhau.
- Thưa quý ông quý và, như quý vị đã thấy đêm nay, cái đau thực, sự có thể thiêu đốt thịt người, - anh ta nói. Giọng anh ta nghe vẫn như trước: nhỏ nhẹ, đều đều, bình thản. Không còn dấu vết đau đớn nào trên mặt anh ta. Thay vào đó là một nụ cười yếu ớt. - Và cái đau ắt hẳn vừa xảy ra ở đây, quý vị đã có thể cảm thấy như là cái đau của chính mình. Đó là sức mạnh của sự đồng cảm.
Người đàn ông tách hai bàn tay ra. Từ giữa hai bàn tay anh ta rút ra một chiếc khăn choàng mỏng màu đỏ, mở rộng ra cho mọi người đều thấy. Đoạn anh ta chìa hai lòng bàn tay về phía khán giả. Không có vết bỏng nào hết. Căn phòng lặng đi một lát, rồi mọi người bày tỏ sự nhẹ nhõm bằng một tràng vỗ tay cuồng nhiệt. Đèn bật lên, tiếng lao xao trò chuyện thay cho sự căng thẳng mới đây còn đầy ắp căn phòng. Như thể không có chuyện gì xảy ra, người đàn ông xếp đàn vào hộp, bước khỏi sân khấu rồi biến mất.
Khi trả tiền, tôi hỏi cô gái đứng nơi quầy bar xem người đàn ông nọ có thường hát ở đây không, anh ta có hay biểu diễn trò vừa rồi không.
- Em không rõ, - cô ta nói. - Theo em biết thì đây là lần đầu tiên anh ta tới đây. Trước nay em chưa hề nghe tới anh ta. Chẳng ai bảo em rằng anh ta biết diễn ảo thuật. Mà hay quá phải không anh? Chẳng biết anh ta làm thế nào nhỉ. Em dám cá anh ta sẽ là nhân vật ăn khách trên ti-vi đấy.
- Đúng vậy, - tôi nói. - Trông cứ như anh ta đang đốt tay mình thật.
Tôi đi bộ về khách sạn, ngay lúc tôi leo lên giường thì lập tức giấc ngủ ập tới như thể nãy giờ chỉ đợi có thế. Trong lúc chập chờn, tôi nghĩ đến Kumiko, nhưng nàng ở xa lắm, sau đó thì tôi không nghĩ gì được nữa. Trong trí tôi hiện lên hình ảnh khuôn mặt người đàn ông đang đốt tay mình. Đúng là cứ như anh ta đang đốt tay mình thật, tôi nghĩ. Rồi tôi chìm vào giấc ngủ.
Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót - Haruki Murakami Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót