Reading well is one of the great pleasures that solitude can afford you.

Harold Bloom

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1335 / 10
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 20 -
ua con dốc đã có hơi biển pha vào không khí. Tường hít một hơi dài, lòng chùng lại. Ðã lâu lắm anh mới nhận được sự thay đổi từ hơi thở của mình. Như những lần đi xa trở về Nha Trang, luôn luôn có cảm giác này khi đến một đoạn đường nào đó dẫn vào thành phố biển. Bao nhiêu năm rồi? Hai mươi năm? Trên mười năm? Có một khoảng thời gian nào đó không định nổi khi mình vừa tìm lại một cảm giác ngày trước. Sự cách biệt từ một đầu thời gian đến một đầu thời gian luôn luôn mang tính bất định trong ý nghĩ chứ không hiện rõ ràng như những con số được cộng trừ chính xác. Ðó là thời gian của sự cảm nhận. Hôm nay Tường vừa có.
– Nghĩ gì vậy anh?
Tường giật mình.
– Chả có gì, chỉ nghĩ vẩn vơ.
– Anh lúc nào cũng vậy. Sắp đến biển rồi đó anh.
– Anh có ngửi thấy.
Phía ghế trước Hải và Ðoan cùng bật cười.
– Anh ngửi thấy?
– Phải.
Tiếng cười của Ðoan và Hải lớn hơn. Ðoan quay kính xe xuống, xoay người nhìn về phía sau.
– Em mở cửa để anh ngửi được dễ hơn.
Tường hít một hơi dài. Ðoan vén mái tóc đang bị gió lộng vào, nụ cười trên khuôn mặt như sáng hơn.
– Ðã không anh?
– Cám ơn Ðoan.
Nhu mỉm cười, đồng tiền trên má phải lúm xuống. Vẻ dịu dàng của Nhu và nét hồn nhiên của Ðoan nhắc Tường nhớ lần so sánh tại vũ trường Lido. Một cánh lan và một đóa quỳnh. Rất cải lương như lời Nhu đã nói và rất đúng như ý nghĩ Tường đã nghĩ. Anh gật gù một mình.
– Ðúng thật!
Nhu nhìn Tường. Nàng đã quá quen với lối nói chuyện không đầu không đuôi này nên chẳng cần làm thêm câu hỏi mang tính ngạc nhiên, đại loại:“Cái gì đúng hả anh?” hoặc “Sao hả anh...” như lúc ban đầu gặp nhau. Sự thân quen được biểu hiện bằng thái độ thay cho câu hỏi. Tường nói lại sự so sánh giữa hai chị em nàng. Nhu nheo mắt.
– Ðã nói một lần rồi mà.
– Nhắc lại vẫn đúng.
Ðoan trề môi. Cạnh môi dưới trũng xuống những nếp gấp. Màu son đỏ trên môi có những khe nứt như lớp băng của chất nước màu đỏ bị khuấy động.
– Cải lương quá anh ạ!
– Chị Nhu cũng nói với anh y hệt vậy lần ở Lido.
– Vậy mà nhắc lại.
– Ðã sao? Ðôi lúc cần phải cải lương để cuộc sống đẹp hơn chứ?
– Câu này còn tệ hơn cải lương nữa.
Sau câu nói, Ðoan quay lên. Gió thốc qua cửa xe hắt mái tóc cô bé về phía sau. Nốt ruồi son nằm trên gáy Ðoan hiện lên giữa lớp lông măng xoăn tít. Ðã có lần nào Hải đặt tay lên đây chưa? Hẳn lúc đó Hải quên mất sự chờ đợi dành cho Nhu trong bốn năm. Cảm ơn nốt ruồi son nằm trên gáy người con gái.
– Em có nốt ruồi son nào không?
Nhu ngạc nhiên.
– Sao anh hỏi vậy?
– Không.
– Anh lại... liên tưởng.
Tường ngượng ngùng gật đầu. Nhu nhìn về phía trước. Nốt ruồi son trên gáy Ðoan vẫn lồ lộ. Nhu đã hiểu và đập tay lên vai Ðoan.
– Kéo cửa lên Ðoan.
– Gió hả chị?
– Không.
Ðoan ngạc nhiên nhưng vẫn làm theo lời Nhu. Tóc thôi bay và cái nốt ruồi được phủ lại.
– Anh là chúa vẩn vơ.
– Anh xin lỗi.
Xe đổ hết con dốc và vào thành phố. Hải vẫn trong phong thái đầy cẩn thận của một người già trước tuổi chăm chú lái xe. Những vòng cua được Hải làm đều đặn và êm ru. Lối lái xe y hệt như Hoàng. Chẳng biết họ còn điểm nào giống nhau nữa không? Còn Quán và Ðoan sao Tường chưa tìm thấy nét tương đồng nào cả.
Xe vào parking. Hải đón lấy chiếc vé, cẩn thận nhét vào túi áo khi cổng vào tự động mở. Lại thêm một nét nữa của Hoàng. Từ phía sau Tường thấy Hải và Hoàng na ná như nhau.
– Anh mệt không?
– Em mệt?
– Không.
– Tại sao hỏi câu của anh?
– Thấy anh im lặng.
Nhu dịu dàng trả lời. Họ xuống xe. Gió từ biển hắt vào thật mạnh và hương muối ngập trong không khí.
– Em có ngửi thấy mùi biển không?
Nhu gật đầu khi Ðoan ré lên cười.
– Ðâu ai lớn lên từ biển như anh mà ngửi thấy được? Em chỉ thấy gió mạnh hơn và vui hơn.
Hải khoác chiếc sắc tay lên vai. Gọn và mạnh mẽ. Bên trong sắc, hẳn các gói thức ăn sẽ không bị đổ tung tóe. Tường đỡ lấy chiếc túi nhỏ trên tay Nhu.
– Ðể anh nịnh đầm một tí.
Nhu mỉm cười đưa Tường chiếc túi, mắt long lanh niềm vui. Chiếc túi nhẹ tênh, mềm mại. Tường vỗ lên lớp nhựa màu đỏ đậm có in hàng chữ “K Mart” màu xanh.
– Gì trong này thế em?
– Khăn để trải anh ạ!
Hải và Ðoan đã đi về phía cổng. Họ chia thành hai cặp.
– Có vẻ xứng đôi đó chứ?
– Anh muốn nói Hải và Ðoan?
– Không lý anh nói về tụi mình khi tình yêu đã có giữa chúng ta.
Nhu cười. Khuôn mặt nàng rạng rỡ dưới nắng.
– Em hy vọng thế.
– Em không ghen?
– Lại tầm bậy nữa rồi. Anh không sợ em giận hay sao? Lần trước anh đã hỏi nhưng câu hỏi nhẹ hơn lần này.
– Em dễ thương lắm.
– Ðừng đánh trống lảng và nịnh nữa.
– Thì lâu lâu cũng phải để anh nịnh đầm một tí chứ.
– Hôm nay anh có vẻ vui. Chắc nhờ không khí biển...
–... và em nữa.
– Lại lấy điểm nữa rồi.
Nhu nói bằng giọng chế giễu thật hiền lành khi đến con đường nhỏ dẫn xuống bãi. Chế giễu hiền lành? Bốn chữ này tưởng như không bao giờ đi chung với nhau được bởi mâu thuẫn vậy mà hôm nay Tường tìm thấy nơi Nhu. Ý nghĩa và từ ngữ bị buộc với nhau trong luật lệ thông thường đôi lúc cũng thành vô nghĩa trước sự thật. Anh sẽ đem điều này vào ý nghĩ của nhân vật chính trong truyện khi hắn đối mặt với những từ ngữ khi sống.
– Giống biển Nha Trang không anh?
– Hơi hơi...
– Là thế nào?
– Biển, gió, bãi cát uốn cong theo biển... thế thôi. Người của Nha Trang lãng mạn nhưng kín đáo chứ không chai cứng và trân tráo như ở đây.
– Anh đừng kỳ thị nữa!
Tường nhớ đến lần cùng Nhu đi trên một con đường của downtown San Jose lúc đã khuya. Cũng có tiếng kỳ thị ngược đời này, được nàng nói khi nhắc đến không khí đêm của thành phố.
– Chẳng phải kỳ thị như em nói đâu. Anh chỉ nói đến sự thật, không chỉ là người, mà ngay cả những con hải âu cũng bạo hơn. Hải âu của Nha Trang rụt rè, không dám đáp xuống chỗ có người. Hiền lành và nhút nhát như cô gái vừa lớn. Còn hải âu tại đây? Tỉnh bơ sà xuống chỗ có người để kiếm ăn! Bạo dạn và tham lam như một bà góa chuyên cho vay lãi... Ðất Mỹ có khác! Cả người lẫn chim đều sống theo lối Mỹ.
Ðoan và Hải đã chọn được chỗ trống. Nhu đưa chiếc túi cho Hải.
– Khăn trải ở trong này.
– Vâng... Chị để Hải trải cho.
Tường mỉm cười khi Nhu khựng lại trước sự thay đổi lối xưng hô của Hải. Người thanh niên vẫn không để ý, thản nhiên đón lấy chiếc túi. Anh ngồi xuống bãi cát, đôi dép nhật được vất sang bên cạnh, hai gót chân chạm mặt cát. Cảm giác âm ấm quen thuộc lan vào thân thể, Tường thích thú kéo tay Nhu ngồi xuống bên cạnh. Lẫn trong gió, mùi thơm từ tóc Nhu phảng qua nhẹ nhàng. Anh bóp khẽ tay nàng khi tầm mắt đưa quanh.
Bãi cát đông nghẹt người ngồi. Có những cánh dù đủ màu, có những thân thể đỏ rực dưới nắng, có những tấm khăn trải sặc sỡ, có những nụ cười, có những tiếng động... với biển bao quanh thành một khoảng không gian riêng biệt, tách rời với khu giải trí phiá trên như hai thế giới lạ được đặt gần nhau. Biển Santa Cruz không giống biển Nha Trang.
– Anh đói chưa?
Tường đón khúc bánh mì từ tay Nhu. Nàng đã xé giấy bọc miếng bánh. Những con hải âu chạy lại gần. Phía bên cạnh, Hải và Ðoan bắt đầu ăn. Họ chụm lại, bỏ quên Tường và Nhu. Tình yêu đang đến gần hai người trẻ tuổi. Tường thấy điều này qua thái độ săn sóc của Hải dành cho Ðoan.
– Bạn bè của anh dạo này thế nào?
Nhu hỏi khi bàn tay vất một mẩu bánh mì xuống bãi cát. Ðám chim hải âu chụm lại. Con chim cánh đen dành được mẩu bánh. Tường trả lời trong tiếng động của những cánh chim đập mạnh và tiếng ríu rít.
– Quán và Hoàng đã quyết định lấy nhau.
– Thật hả anh?
Giọng Nhu hơi ngạc nhiên. Tường gật đầu.
– Ban đầu anh cũng không ngờ Quán chịu dừng lại. Nhất là việc hai đứa yêu nhau. Tụi nó như mặt trời và mặt trăng, hai nếp sống trái hẳn.
– Nguời này sẽ cho người kia điều mình có, và nhận của người kia điều mình không có.
– Anh cũng nghĩ như vậy trong một lần cùng Hoàng đến nhà Quán. Vậy mà chuyện thành thật. Âu cũng là điều đáng mừng.
Nhu nheo mắt.
– Ðiều đáng mừng? Thật chứ anh? Anh không buồn sao?
Tường tung một mẩu bánh mì lên không. Những con hải âu đập cánh bay ào đến. Lần này con hải âu cánh đen không dành được mẩu bánh.
– Sao lại buồn? Anh và Quán... Chuyện cũ rồi! Em đang trả đũa anh đó hả... đừng giỡn nữa cô nhỏ.
Nhu lại nheo mắt.
– Tưởng mất một người... bạn thân như Quán anh phải buồn chứ? Em nhớ lần đi biển trước, cô ấy hôn anh tỉnh bơ, lại còn chọc em nữa chứ.
– Em ghen?
Nhu bỉu môi, cạnh môi trễ xuống những tia hồng nhạt. Tường nắm tay nàng.Những ngón tay nhỏ cục cựa rồi có hai chiếc móng tay cấu khẽ vào lòng bàn tay Tường. Nắng và gió vẫn bao quanh. Hạnh phúc được họ gói riêng trong hai bàn tay đang nắm vào nhau. Nhỏ nhoi, cách biệt và riêng biệt giữa biển xứ người.
Hải và Ðoan đứng dậy, Ðoan vất mẩu bánh mì xuống bãi cát. Những con hải âu sà về phía đó. Bây giờ những cánh hải âu của xứ Mỹ gần hai người trẻ tuổi hơn. Ðoan hỏi Nhu.
– Ði vòng vòng không chị?
Nhu bối rối gỡ tay ra. Tường nắm chặt hơn, lại có hai chiếc móng tay bấu mạnh vào lòng bàn tay anh. Tường lắc đầu.
– Ðoan và Hải đi đi, bọn anh ngồi đây được rồi.
– Anh...
Nhu ngập ngừng rồi lặng yên, nhìn theo Hải và Ðoan. Tường thả tay Nhu và đưa tay vào túi áo trái. Cô bé bằng đồng thau được đưa ra ngoài. Dưới nắng, các đường chạm nổi óng ánh màu sơn nhũ. Nhu đón lấy bức tượng ngắm nghía.
– Trầy hết rồi anh ạ.
– Anh định sơn lại.
Nhu mỉm cười, mắt có thoáng cảm động. Nàng nhìn ra xa. Biển đã đổi màu xanh xám sang xanh đậm. Biển buổi trưa làm không gian thoáng và rực rỡ. Sóng êm hơn và người tắm thêm đông. Vài chiếc thuyền buồm và ca nô đã rời khỏi cầu tàu. Santa Cruz trong phút này hơi hơi giống Nha Trang. Tường hít mạnh một hơi không khí, lồng ngực căng ra gây nên cảm giác râm ran dễ chịu. Những cảm giác như ngày còn bé.
– Anh thèm bơi một vòng.
– Thì làm đi, nếu không sợ lạnh
– Em biết hết tẩy của anh.
– Anh sợ?
– Sợ thì chả sợ nhưng mai mốt hơi... khó sống một tí.
Có nụ cười thật dễ thương trên môi Nhu. Hạnh phúc và một ngày của biển Santa Cruz đã bắt đầu. Nắng gắt hơn và những con chim hải âu đã tản đi chỗ khác. Tường nằm úp mặt xuống cát, hơi ấm lan vào thân thể, hình như có những chấm mồ hôi đang rịn với cảm giác lành lạnh chạy theo sống lưng. Bàn tay Nhu đặt trên vai Tường. Anh mở mắt, bàn chân với những ngón hồng đập vào cái nhìn. Tường nắm lấy ngón út của bàn chân đó.
– Ðừng anh...
– Em là ngón út của anh.
– Lại cải lương nữa.
Ngón chân út của Nhu cục cựa trong lòng bàn tay Tường. Cô bé bằng đồng thau vẫn được cầm trên tay nàng. Một mép nỉ xanh ló ra khỏi kẽ bàn tay. Tường dùng tay còn lại vẽ những vòng tròn trong gang bàn chân Nhu, ngón chân út rụt lại theo những ngón chân khác và rời khỏi tay anh. Mặt Nhu đỏ bừng.
– Anh kỳ cục.
Tường vòng tay lại và gối đầu lên. Những âm thanh bên ngoài trôi đến loáng thoáng. Lẫn trong tiếng cười nói hỗn độn là tiếng sóng đập nghe rõ ràng. Âm vang từ lớp cát truyền đến như nhịp đập của tim. Lặng lẽ nhưng mạnh mẽ. Âm thầm nhưng vang động.
– Mấy người bạn khác của anh thế nào?
– Vĩnh thay đổi lạ lắm, có vẻ bụi đời hơn với những chầu nhậu tùy hứng bất kể giờ giấc. Còn ngược lại đám bạn bụi đời thì có vẻ đàng hoàng ra.
– Em không hiểu.
– Anh cũng không hiểu, chỉ thấy bọn nó đang chơi trò đổi chỗ cho nhau
– Còn anh?
– Anh vẫn đứng yên một chỗ trong trò chơi đó. Nếu có đổi cũng chỉ đổi chỗ với nhân vật của mình... Mà cũng không chắc nữa, hắn đã tách rời khỏi anh. Xa lạ như chưa từng quen biết nhau. Anh không ngờ lại gặp khó khăn trong trường hợp này.
– Ngay từ lúc đầu anh định viết, em cũng đã có ý nghĩ đó. Làm sao có thể tạo nên một cuốn truyện mà không có bố cục được? Anh đang lạc phải không?
Tường bật dậy đăm đăm nhìn vào mắt Nhu. Ðôi mắt trong với cặp đồng tử màu đậm cũng đăm đăm nhìn vào mắt anh. Tường cố tìm mình trong đó.
– Em rất thông minh khi dùng đến tiếng “lạc,” nhưng không phải là anh lạc mà chính hắn đang lạc. Không giống như những cuốn tiểu thuyết khác, khi viết tác giả biết rõ số phận của nhân vật do mình tạo nên với từng hoàn cảnh, từng diễn biến được sắp đặt theo bố cục cuốn truyện. Anh và hắn ngược lại, anh chỉ biết hắn với những đặc tính, quá khứ, mẫu người do bản lý lịch ban đầu và khi đã thành hình ngay cả anh và hắn cũng đều không biết sẽ tiến về đâu bởi sự kiện được ghi lại chưa xảy đến. Mọi điều sẽ được lồng chung quanh nhân vật chính và tự hắn sẽ giải quyết. Những biến cố như Thiên An Môn, biểu tình cho thuyền nhân, tình cảm dành cho những nhân phụ xảy đến trong cuộc sống thật để làm cái sườn cho cuốn truyện đã lôi hắn ra khỏi tầm tay của anh. Ban đầu anh tưởng anh là hắn, rõ hơn nữa là anh núp dưới bóng nhân vật của mình nhưng càng về sau anh càng hiểu mình và hắn chả có ăn nhậu gì đến nhau. Anh chỉ còn theo dõi hắn để ghi lại. Ngày mai của anh, anh biết mình sẽ ăn cơm tại quán nào đó nhưng lát nữa đây của hắn anh chưa biết thế nào.
– Còn hiện tại?
– Hiện tại của anh là có em bên cạnh, một cô nhỏ hiền lành, dễ thương với biển Santa Cruz và đang quan sát theo dõi hắn. Còn hiện tại của hắn cũng biển Santa Cruz, cũng có cô nhỏ người yêu giống em, cũng có hạnh phúc nhưng sự suy nghĩ của hắn khác. Hắn không bận tâm để quan sát, ghi nhận điều gì cả. Hắn bình yên đón hưởng hạnh phúc như tất cả mọi người giống như hắn trong trường hợp này. Hắn ngon hơn và hội nhập dễ hơn anh cả triệu lần.
– Anh làm khổ anh.
– Anh hạnh phúc trong nỗi khổ này, nếu đó đúng là nỗi khổ như em nói. Sự phân thân để sống và ghi nhận đôi lúc cũng có... khoái cảm trong đó.
– Anh dùng chữ có vẻ bịnh hoạn quá!
Tường cười, hôn phớt lên môi Nhu, nàng không kịp nhắm mắt như các cô gái khi được hôn. Và trong thoáng thời gian các cánh môi chạm nhau, Tường thấy Tường thật rõ ràng trong mắt nàng.
– Có thật hạnh phúc không?
– Thật chứ, anh thích hôn em lúc em đang mở mắt. Nhìn bóng mình trong mắt người khác, anh có cảm tưởng mình vẫn còn đẹp trai như ngày còn đi học.
– Anh đừng đùa nữa. Câu em hỏi là anh có hạnh phúc thật trong nỗi khổ đó như đã nói không?
– Thật chứ, anh nói thật trong cả hai điều chúng ta vừa nhắc đến, chả có gì là đùa cả. Nhưng trong câu em hỏi quả tình cũng có nỗi bực mình chen vào. Ðọc lại bản thảo và những trang nhật ký đôi lúc anh ghen với nhân vật của mình. Hắn bảnh hơn anh nhiều. Hắn chi phối anh đến độ chui vào nhật ký của anh qua những hàng chữ riêng tư, tưởng chỉ viết cho mình đọc. Và ngược lại anh bị đá văng ra khỏi những hàng chữ của cuốn truyện do chính mình viết.
– Tại anh muốn vậy, nếu thích, anh làm ngược lại cũng đâu sao?
– Bây giờ không còn chữ thích và không thích nữa rồi. Anh phải tôn trọng hắn và con đường mình vạch ra.
– Sắp hết chưa anh?
– Làm sao anh biết được? Tương lai đang xẩy đến làm sao anh biết sẽ thế nào? Ðời sống đang tiếp diễn chung quanh anh và hắn từng giờ, từng phút!
– Như vậy sẽ kéo dài theo anh đến cuối đời? Anh đâu thể khai tử hắn một cách ép buộc được.
– Tất nhiên là chẳng bao giờ khai tử hắn được. Nhưng cũng đâu cần phải đợi đến cuối đời anh mới chấm dứt. Anh sẽ chọn một sự kiện, một biến cố nào đó thật thích hợp để chấm dứt.
– Anh đang chọn hay sắp chọn.
– Anh đã chọn từ lúc mới viết hàng chữ đầu tiên của cuốn truyện này, và đến bây giờ vẫn chưa thấy, nhưng anh tin sẽ thấy. Có thể vài năm nữa hoặc có thể một lát nữa đây sẽ có điều gì thích hợp để chấm dứt.
Nhu ngẫm nghĩ một thoáng, rồi nói.
– E rằng câu truyện sẽ không tròn và bố cục thiếu chặt chẽ.
Tường gật đầu khi bàn tay nắm lấy tay Nhu.
– Không tròn và thiếu chặt chẽ? Từ lúc đầu anh đã nghĩ đến điều này nhưng tròn hay không chính là ý nghĩ của hắn và bố cục há chẳng phải là một đoạn đời của một con người đang sống năm 1989 tại San Jose này hay sao? Ðiều đó đâu cần thiết hả em. Cái cần thiết là lối diễn tả sao cho trọn phần đời đó.
– Truyện sẽ khô như đá. Ðọc khó thí mồ.
– Ðã khô từ đầu và chẳng phải là khó đọc mà chính là đọc chán. Nếu muốn tươi lên cho dễ đọc một tí thì cũng dễ. Anh sẽ cho hắn và nhân vật nữ hôn nhau, đối thoại như bọn mình làm là tươi ngay.
– Anh lại giỡn.
– Anh muốn viết những điều mình muốn... Hà! Tính thời thượng của một tác phẩm với kỹ thuật đánh đúng lòng người đương sống để hưởng những tràng pháo tay chỉ có giá trị như cây kim đâm vào quả bóng đang căng cho hơi xì ra. Quả bóng khát vọng hoặc ẩn ức của mọi người chung quanh sẽ được giải tỏa và người cầm kim sẽ được ưa thích... nhưng sau đó quả bóng sẽ xì hết hơi và xẹp lép. Rồi chấm dứt! Ðã rất nhiều người câm kim đâu cần thêm anh vào làm gì nữa? Mà thôi em ạ! Bỏ qua chuyện này đi.
Nhu gật đầu khi Hải và Ðoan quay lại. Hai người trẻ tuổi ngồi xuống cạnh họ. Hai cái đầu chụm lại và hai cái nhìn long lanh. Tường kéo Nhu đứng dậy.
– Bây giờ phiên Hải và Ðoan ngồi đây, anh và chị Nhu lang thang một vòng.
– Phía trên bãi vui lắm anh, đủ thứ trò chơi hết...
Ðoan nói với theo khi bàn tay đón lấy lon nước ngọt từ Hải. Bốn người đã chia hạnh phúc ra làm hai phần rõ ràng.
– Mình lên trên kia xem sao.
Nhu gật đầu và đi theo Tường. Mặt cát nóng hơn với cơn nắng buổi trưa gây nên cảm giác khó chịu từ lòng bàn chân. Tường bước đi bằng những bước dài qua khỏi bãi cát và nhập vào đám đông. Nhu, vóc dáng đã nhỏ, lại càng nhỏ hơn. Tường choàng tay qua vai Nhu, nàng hất ra.
– Ðừng anh... người ta nhìn kìa.
– Ðâu ai rảnh rỗi mà nhìn người khác. Em không thấy mọi người đều tự nhiên hay sao? Em hất tay anh ra là hành động bất thường và bị mọi người để ý.
– Ðừng đùa nữa.
Tường mỉm cười đưa Nhu đi qua những gian hàng giải trí nhưng không ghé vào. Tiếng động và những con người chung quanh lui lại sau lưng. Họ im lặng cho đến lúc vào cầu tàu. Vẫn những bước chân đều đặn, hai người băng ngang dãy xe đậu trên cầu tàu. Và cuối cùng là khoảng xi măng xa nhất với dãy lan can sơn trắng ẩm hơi biển.
– Từ đây mình có thể nhìn hết cảnh biển Santa Cruz.
– Ðẹp chứ anh.
– Ðẹp, nhưng như anh nói, vẫn còn những điểm khác biệt để anh yêu thích và gần gũi như biển Nha Trang... Nhưng dù sao có còn hơn không. Thằng Nguyễn Tất Nhiên thật có lý khi chế ra câu này.
– Bài thơ đó hay.
– Hay? Cũng đúng một phần nhưng không còn thích hợp với cuộc sống hôm nay, tại đây. Ðã một lần anh bảo thế với thằng thi sĩ này và nó gật đầu. Hệt như những cảm giác nhận từ biển trong anh vẫn giữ một nếp riêng biệt không thể thay đổi để nhận những điều mới từ biển Santa Cruz.
– Anh lại lòng vòng nữa rồi.
Tường gật đầu nhìn về phía xa. Có những cánh buồm đang trôi trên biển. Có những bọt sóng đang vỡ. Có những cánh hải âu đang lượn. Và một khoảng mây trắng lẻ loi trên nền trời xanh như cảm giác biển có từ của Tường tại đây. Bám chặt tay vào hàng lan can ẩm, anh nghe thấy mình đang gọi hai tiếng: Nha Trang.
Bên Ngoài Cuộc Sống Bên Ngoài Cuộc Sống - Nguyễn Ý Thuần