To read without reflecting is like eating without digesting.

Edmund Burke

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Nguyên tác: Flipped
Dịch giả: Ngô Hà Thu
Biên tập: Ha Trang Dang
Upload bìa: admin
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 27173 / 311
Cập nhật: 2020-10-02 16:49:02 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4.1. Bám Cho Chắc Vào, Anh Bạn!
hẳng phải đợi lâu để tôi nhận ra mình đã đổi những rắc rối cũ với Juli Baker để lấy cả mớ những rắc rối mới với Juli Baker. Tôi thậm chí còn cảm nhận được nộ khí của con bé cách đó cả cây số.
Nhưng thực sự thì thà cứ bị nó nhằng nhẵng như lúc trước còn hơn là bị nó nổi điên như bây giờ. Vì sao á? Vì chính tôi đã làm hỏng bét mọi thứ. Đấy là lý do. Giờ tôi đúng như một thằng thộn đáng ăn trứng vào mặt nhưng lại lôi chuyện cái sân vườn nhà người ta ra để giữ thể diện. Cái cách con bé lờ lớ lơ hoặc công khai lảng tránh đích thị là tiếng thét thẳng vào mặt tôi, nhắc nhở tôi là một thằng khốn nạn. Một thằng gà thộn khốn nạn thích ra vành ra vẻ.
Một hôm, lúc trên đường về nhà sau khi tụ bạ với Garrett, tôi nhìn thấy Juli đang vật lộn với bụi cây ngoài sân trước nhà con bé. Nó nhổ rễ, bẻ cành tới tấp loạn xạ. Cành cây bay tứ tung qua đầu nó, và từ phía bên này đường tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng nó gầm gừ, gắt gỏng: “Có chịu đứt ra không thì bảo? Đứt…ra…ngay…không lằng…nhằng!”
Tôi có thấy thích thú gì không ấy hả? Không, không hề luôn! Ừ thì đúng là sân vườn nhà nó bừa bãi, lộn xộn và đúng là lẽ ra phải có ai dọn dẹp đống lùm xùm đó đi từ lâu rồi, nhưng thôi nào – bố nó đâu? Cả Matt và Mike nữa? Sao lại là Juli chứ?
Bởi vì chính tôi, chính tôi đã làm nó xấu hổ, chính tôi đã đẩy nó vào tình thế này. Đó là lý do. Tôi thấy tồi tệ vô đối luôn.
Thế là tôi phải lén lút chui vào nhà và cố lờ đi, nhưng bàn tôi đây, cửa sổ phòng tôi đây, và thẳng từ đây ra phía bên kia đường là Juli, đang chiến đấu với bụi rậm. Đâu có dễ gì mà tập trung được. Không hề luôn. Tôi không tài nào làm nổi bài tập về nhà.
Sáng hôm sau tôi thu hết can đảm để nói chuyện với con bé, nhưng thậm chí vài tích tắc cơ hội tôi cũng chẳng có được. Nó không để tôi lại gần. Dù chỉ là một xăng-ti-mét.
Thế rồi trên đường về nhà, tôi chợt nảy ra một ý định. Lúc đầu tôi cũng hơi hoảng, nhưng dần dà càng nghĩ tôi càng thấy, ừ đúng, giúp con bé dọn dẹp sân vườn sẽ phần nào giúp tôi thấy bớt khốn nạn. Cứ cho là nó sẽ không lên lớp tôi nhiều quá, và cứ cho là nó sẽ không giở trò “mắt chớp chớp” hay trò gì sến sến đại loại thế. Không, tôi sẽ đến trước mặt nó và nói thẳng với nó rằng, tôi không muốn làm một thằng khốn nạn và tôi muốn xin lỗi bằng cách giúp nó cắt dọn đống bụi rậm. Chấm hết. Và nếu sau đó nó vẫn cứ muốn cáu giận với tôi thì xin mời, cứ việc. Lúc đấy thì đó là việc của nó. Chẳng can hệ gì tới tôi nữa.
Vấn đề là, tôi không tài nào có cơ hội để thực hiện hóa ý định này. Đúng lúc tôi từ bến xe buýt đi về thì thấy ông ngoại giành mất vai “người tốt” của tôi rồi.
Hượm đã. Đây rõ là điều mà tôi không tài nào hiểu ngay được. Ông không làm vườn bao giờ. Hoặc ít nhất thì ông chưa bao giờ tỏ ý muốn giúp tôi. Ông suốt ngày chỉ quẩn quanh với đôi dép lê trong nhà – thế thì ông bới đâu ra được cái đôi ủng kia chứ? Lại còn quần bò và cả áo sơ mi nỉ kia nữa chứ - cái quái gì thế không biết?
Tôi nép vào sau hàng rào nhà hàng xóm và đứng nhìn hai người chừng mười hay mười lăm phút gì đó, và, nói thật nhé, càng nhìn tôi càng điên. Chỉ trong từng đấy thời gian thôi nhưng rõ là ông đã nói chuyện với con bé còn nhiều hơn tất cả những gì ông nói với tôi trong suốt một năm rưỡi sống với gia đình tôi. Mà ông thì có chuyện gì để nói với Juli Baker chứ?
Tôi đi về nhà. Đúng hơn là trèo qua hai cái hàng rào và đá bay con chó ngu nhà hàng xóm. Nhưng đáng lắm chứ. Miễn sao tôi tránh được, khỏi phải nhìn cảnh hội hè đình đám ở cái sân phía bên kia đường.
Và một lần nữa tôi không tài nào làm nổi bài tập. Càng nhìn tôi lại càng điên. Giờ thì tôi vẫn là thằng gà thộn khốn nạn còn Juli thì đang cười nói tung giời với ông ngoại của tôi. Đã bao giờ tôi thấy ông mỉm cười chưa? Thực sự mỉm cười ấy? Chưa, chưa bao giờ! Nhưng giờ thì ông đứng đó, trông nhỏ thó và cười ha hả.
Bữa tối hôm đó, sau khi tắm rửa xong, ông lại tròng bộ quần áo thường ngày vẫn mặc và xỏ lại đôi dép lê, nhưng trông ông khác. Cứ như thể có ai đó cắm dây điện vào ông và bật đèn lên vậy,
“Chào cả nhà”, ông nói lúc ngồi vào bàn ăn. “Ồ, Patsy, món này trông ngon thế con!”
“Bố à”, mẹ cười rạng rỡ, “rõ là chuyến công du sang bên kia đường làm bố khỏe hẳn ra ấy chứ”.
“Công nhận”, bố nói. “Patsy nói với con là ông sang đó cả chiều. Nếu mà ông thích làm mấy thứ sửa sang nhà cửa thì sao ông không nói vói bọn con ngay từ đầu?”
Bố chỉ đùa thôi nhưng tôi không cho là ông ngoại nghĩ thế. Ông tự xúc một ít khoai tây nhồi phô mai rồi nói: “Con đưa ông muối, Bryce”.
Ha, vậy là rõ rồi nhé. Tình hình chiến sự giữa bố và ông đang ở mức “ban căng”. Nhưng tôi nghĩ nếu bố mà bỏ qua chủ đề đó luôn lúc đấy thì chắc còn lâu mới khai chiến.
Thế nhưng bố không chịu bỏ qua. Thay vào đó, bố lại nói: “Thế rốt cuộc thì con bé lại là người chịu động chân động tay làm à?”
Ông rắc muối lên món khoai tây rất chậm rãi, rồi nhìn thẳng về phía tôi. Ớ-ầu, tôi nghĩ thầm. Ớ-ầu. Như điện xẹt qua, tôi biết ngay vụ mấy qủa trứng chưa phải là dĩ vãng. Hai năm lét lút vứt trứng, hai năm tránh né nói chuyện về Juli, về những quả trứng của nó, về lũ gà của nó, về những chuyến viếng thăm lúc sáng sớm của nó, và để làm gì chứ? Ông đã biết chuyện, tôi có thể nhận ra điều này trong mắt ông. Chỉ cần ông lộ ra thôi là tôi sẽ bị bố quay chín ngay.
Nhưng kỳ diệu thay. Ông dùng “nhãn hình” tra tấn tôi một lát rồi quay sang bố và nói: “Con bé nó muốn làm, vậy thôi”.
Mồ hôi chảy thành sông hai bên thái dương tôi. Khi bố nói tiếp: “À thì lý ra là phải làm từ lâu rồi ấy chứ”, ông lại quay lại nhìn tôi và tôi hiểu – ông sẽ tôi qua truông vụ này dễ thế. Chúng tôi vừa đối thoại đấy thôi, chỉ có điều lần này chắc chắn là tôi không thoát được.
Sau khi rửa bát xong, tôi chui tọt vào phòng, nhưng ông cũng vào cùng ngay sau đó, đóng cửa và ngồi xuống giường. Ông làm tất cả những việc đó mà không hề phát ra một tiếng động nào. Không rít rít, không cọt kẹt, không sột soạt, không cả tiếng thở… Tôi thề đấy, ông vào phòng tôi cứ như ma ấy.
Và đương nhiên là tôi sợ muốn xụn cả gối, rớt cả bút chì và muốn tan luôn thành đống thạch Jell-O ấy chứ. Nhưng tôi đã cố tỏ ra thật lãnh đạm khi cất tiếng: “Ông ạ? Ông định đi thanh tra các phòng đấy ạ?”
Ông mím môi lại và không thèm nhìn mặt tôi.
Thế là tôi tông tốc khai. “Ông ơi, ông nghe cháu nói đã. Cháu biết là cháu sai rồi. Lẽ ra cháu phải nói với bạn ấy nhưng cháu không dám. Cháu cứ nghĩ là sẽ đến lúc bạn ấy không cho nữa. Ý cháu là, làm sao mà gà cứ đẻ trứng mãi được. Mấy con gà ấy nở từ hồi cháu học lớp năm. Như vậy là ba năm rồi còn gì? Chẳng nhẽ chúng nó cứ đẻ mãi được thế? Mà ông nói cháu phải làm thế nào chứ? Chẳng lẽ nói với bạn ấy là mẹ cháu sợ ngộ độc khuẩn salmonella? Bố cháu thì lại bảo cháu đi nói với bạn ấy là cả nhà mình bị dị ứng trứng. Ai mà tin cho được? Thế cho nên là… cháu mới vứt trứng đi. Cháu không hề biết là bạn ấy bán được trứng. Cháu chỉ nghĩ là đấy là trứng thừa không ăn hết thôi”.
Ông gật đầu nhưng chậm vô cùng.
Tôi thở dài: “Cháu cảm ơn ông vì lúc nãy ông đã không nói gì. Cũng may mà ông cứu cháu”.
Ông vén tấm rèm ở cửa sổ rồi nhìn sang bên kia đường. “Tính cách con người ta được hình thành ngay từ hồi nhỏ, con à. Lựa chọn của con bây giờ sẽ ảnh hưởng đến con trong suốt cuộc đời sau này”. Ông ngừng lại hồi lâu, rồi thả rèm xuống, và nói tiếp: “Ông không muốn nhìn con bơi đi quá xa mà không thể quay đầu lại”.
“Rõ rồi ạ”.
Ông nhíu mày và nói: “Đừng rõ rồi với ông, Bryce”. Rồi ông đứng lên và nói thêm: “Con cứ nghĩ về những gì ông vừa nói, và lần sau nếu con phải lựa chọn điều gì thì nhớ là phải làm điều đúng đắn. Như thế thì về lâu về dài con sẽ đỡ làm mọi người buồn”.
Và, bùm, ông biến mất.
Ngày hôm sau tôi qua nhà Garrett chơi bóng rổ và khi mẹ nó chở tôi về nhà lúc chiều, ông chẳng hề hay biết. Ông còn đang bận làm bác Joe Thợ Mộc* ở sân trước nhà Juli cơ mà.
*Đây là tên nhân vật trong truyện cổ nói về nguồn gốc của ngày Giáng Sinh. Joe Thợ Mộc (Joe Carpenter) được coi là người cha nuôi rất tốt bụng của Chúa Giê-su, đã che chở cho hai mẹ con Maria và Giê-su.
Tôi cố ngồi làm bài tập ở bàn ăn sáng trong bếp, nhưng mẹ lại đi làm về và bắt đầu buôn bán hết chuyện nọ tới chuyện kia, rồi Lynetta từ đâu đi ra và hai người lại bắt đầu nhặng xị về chuyện Lynetta tô son dặm phấn kiểu gì mà trông chị ấy như thể con gấu mèo bị chấn thương.
Lynetta ấy mà. Tôi thề là chị ấy sẽ không bao giờ khá lên được.
Tôi đành cuốn gói lên trên phòng gánh nạn, và đương nhiên là phí công cả thôi. Hai người đó cưa kéo rú điên cuồng khắp phố, và xen lẫn tiếng cắt, tôi có thể nghe thấy tiếng búa đập bụp, bụp, bụp! Bụp, bụp, bụp! Tôi nhìn qua cửa sổ và thấy Juli mồm phun đinh còn tay nện búa thình thịch. Không hề đùa tí nào. Con bé ngậm cả một đống đinh như hút thuốc lá, và tay nó thì quai búa cao quá đầu, đóng đinh vào gỗ mà cứ như thể cắm nến vào bánh ga-tô ấy.
Đúng lúc đó, tôi cảm tưởng như bị con bé giáng búa tạ vào đầu, sọ vỡ toác ra như thằng Trứng Tròn Mập Mít*. Tôi rùng mình và thả rèm xuống, vứt bài tập ở đấy và đi xem ti-vi.
*Tên tiếng Anh gốc là Humpty Dumpty, một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong các bài vè cho trẻ em ở các nước nói tiếng Anh từ đầu thế kỷ XIX. Humpty Dumpty thường được mô tả giống một quả trứng. Đây cũng là ngụ ý của tác giả để gợi lại chuyện Bryce và mấy quả trứng.
Hai người họ lao động cả tuần liền. Và mỗi tối ông đều về nhà, gò má hồng hào, và luôn miệng khen tài nghệ nấu nướng của mẹ. Rồi thứ Bảy đến. Đương nhiên tôi không bao giờ muốn ngồi ở nhà khi mà ông tôi thì lại lấm lem bụi đất và giúp đỡ Juli. Mẹ thì cố nài tôi cắt cỏ nhưng tôi thấy thế quá là nực cười. Tôi thì sẽ thủng thẳng cắt cỏ vườn nhà trong khi ngay bên kia đường, ông và Juli làm hẳn một cuộc đại cách mạng sân vườn?
Thế là tôi tự khóa mình ở trong phòng và gọi cho Garrett. Nó không ở nhà, và đứa nào tôi gọi cũng đều bận rộn cả. Giờ thì có tài thánh cũng chẳng rủ được mẹ hay bố chở đi xem phim hay mua sắm gì vì thể nào bố mẹ chả bảo là tôi phải đi cắt cỏ kia mà.
Tôi bị chết dí.
Và cuối cùng thì việc duy nhất mà tôi có thể làm là ngồi chầu chẫu trước cửa sổ và nhìn Juli với ông tôi. Nghe dở hơi không tả nổi, nhưng đấy đúng là những gì tôi đã làm.
Tôi bị bắt quả tang. Ông chứ ai. Và đương nhiên, ông phải “tố cáo” tôi ngay với Juli. Tôi chưa đủ khốn khổ sao hả trời? Tôi buông rèm và lao thẳng ra cửa sau nhà, phi qua hàng rào. Tôi phải đi khỏi đây ngay lập tức.
Tôi thề là tôi đã đi bộ tới hơn hai mươi cây số ngày hôm đó. Và tôi cũng chẳng hiểu nổi mình tức tối với ai – ông, Juli, hay chính bản thân tôi. Tôi không tài nào hiểu nổi mình bị làm sao nữa. Nếu muốn làm lành với Juli thì tại sao tôi lại không sang bên đó và giúp một tay? Cái gì đã ngăn tôi lại chứ?
Cuối cùng tôi tới nhà Garrett, và nói thật nhé, chưa bao giờ trong đời mà tôi thấy gặp được ai đó lại sung sướng đến thế. Đang khổ não về cái gì ư? Cứ để đó cho Garrett. Thằng khỉ đúng là thiên tài trong khoản này. Nó sẽ khiến bạn vứt được hết đống suy nghĩ nặng nề ấy ngay. Hai thằng tôi lại ra ngoài sân, chơi bóng rổ, xem ti-vi, và bàn về vụ đi trượt nước khi nghỉ hè.
Và khi tôi về nhà thì Juli đứng đó, phun nước ở ngoài sân.
Con bé nhìn thấy tôi, chả sao cả, nhưng nó không vẫy tay, cũng không cười hay gì hết. Nó chỉ quay đi.
Bình thường có lẽ tôi cũng sẽ vờ như chả nhìn thấy nó đâu, hoặc không thì vẫy vẫy một cái chiếu lệ rồi chui vào nhà. Nhưng rõ là nó đang giận tôi đến cả thế kỷ rồi ấy chứ. Nó chẳng thèm nói với tôi dù chỉ một lời từ buổi sáng hôm nó phát hiện ra vụ mấy quả trứng. Nó triệt để chơi bài phớt ăng-lê với tôi trong tiết Toán mấy hôm trước khi tôi cười với nó và cố nói lời xin lỗi. Nó không thèm cười lại, cũng không thèm gật đầu, hay bất cứ gì hết. Nó chỉ quay đi và chẳng buồn ngoái lại.
Tôi thậm chí đã đợi ngoài cửa lớp để nói với nó, bất cứ cái gì, về chuyện nó sửa sang lại sân vườn và tôi đã dằn vặt, khổ sở như thế nào, nhưng nó lại đi ra bằng cửa khác. Và cứ mỗi khi tôi đến gần là thể nào nó cũng tìm cách chuồn đi.
Bây giờ thì con bé đứng đó, tưới sân vườn, càng khiến tôi thấy mình là thằng khốn nạn, và giờ thì tôi chán ngấy cái cảm giác đấy rồi. Tôi đi tới chỗ nó và nói: “Trông thực sự rất là đẹp đấy, Juli à. Cậu giỏi thật”.
“Cảm ơn”, con bé nói, không buồn nhếch mép. “Chủ yếu là ông Chet làm thôi”.
Chet? Tôi nghĩ thầm. Chet? Cái con bé này đang làm cái quái gì thế? Nó gọi ông ngoại tôi bằng tên ấy hả? “Này Juli”, tôi nói tiếp, cố gắng tiếp tục câu chuyện. “Tớ xin lỗi vì những gì tớ đã làm”.
Con bé nhìn tôi trong tích tắc, rồi quay lại nhìn theo tia nước phun vào chỗ bùn đất. Cuối cùng nó cất lời: “Tỡ vẫn không tài nào hiểu được, Bryce ạ. Vì sao cậu lại không nói với tớ?”.
“Tớ… tớ cũng không biết nữa. Đúng là tớ dốt thật. Lẽ ra tớ nên nói mới đúng. Và lẽ ra tớ cũng không nên nói gì về sân nhà cậu. Cái đó, cậu biết đấy, chỉ là lỡ lời thôi”.
Cuối cùng thì tôi cũng thấy lòng nhẹ nhõm hơn. Hơn rất nhiều ấy. Rồi Juli nói: “À, có lẽ như thế lại hay”. Nó bắt đầu giẫm vỡ mấy bong bóng nước dưới chân, và xử sự giống nó hơn. “Nhìn đẹp đúng không? Tớ đã học được rất nhiều từ ông Chet. Tuyệt cú luôn. Cậu sướng thật. Ông bà tớ mất cả rồi”.
“À thì…” tôi ấp úng, nhưng chẳng biết phải nói gì.
“Nhưng tớ cũng thấy thương thương ông. Chắc chắn là ông rất nhớ bà cậu”. Rồi con bé cười giòn tan và lắc lắc đầu: “Cậu có tin được không? Ông nói là tớ giống bà ngoại cậu”.
“Cái gì cơ?”
“Ừ, thì thế”, con bé lại cười. “Buồn cười đúng không? Nhưng tớ nghĩ là ông có ý tốt thôi”.
Tôi nhìn Juli và cố hình dung trong đầu xem hồi học lớp tám thì bà tôi sẽ trông như thế nào. Tuyệt vọng vô đối. Ý tôi là, Juli thì tóc nâu, dài và bông, mũi đầy tàn nhang, còn bà tôi thì tóc vàng kia. Mà bà còn dùng phấn nữa. Phấn trắng toát luôn. Bà dặm phấn lên mặt này, lên cả tóc này, rồi lên cả dép và cả ngực nữa… Tóm lại là bà dặm phấn lên mọi thứ.
Tôi không tài nào hình dung nổi cảnh tượng Juli người ngợm phủ đầy phấn trắng phớ. Thuốc súng thì còn tin được chứ cái thứ bột thơm nức ấy đó hả? Quên khẩn trương!
Tôi nghĩ lúc đó mắt tôi hẳn đã trố lồi ra cả tấc và nhìn chằm chằm như găm vào con bé, vì Juli phải cất lời: “Này, tớ không nói gì đâu nhé. Là ông nói đấy. Tớ chỉ nghĩ là như thế cũng hay. Chỉ thế thôi”.
“À ừ, sao cũng được. Vậy thì chúc may mắn với đám cỏ nhé. Cá là nó sẽ mọc nhanh thôi”. Rồi đến tôi cũng ngỡ ngàng với bản thân khi thốt ra câu này: “Cậu giỏi mà, thế nào cậu chả có cách làm chúng nảy mầm hết”. Tôi không hề có ý mỉa mai hay gì cả. Tôi thực sự nghĩ thế và nói thế. Tôi bật cười, rồi con bé cũng bật cười, và thế là tôi về nhà. Sau khi khiến con bé mỉm cười trong lúc đứng tưới đám hạt gieo sẽ sớm nảy mầm.
Mấy tuần nay tôi đã không tài nào cười cho nổi. Nhưng giờ thì vụ trứng gà trứng vịt đã thực sự lui vào dĩ vãng. Tôi đã được giải thoát. Bình tâm. Và vui vẻ.
Tôi phải mất mấy phút mới nhận ra mình là người duy nhất thấy thế khi ngồi vào bàn ăn. Lynetta thì lúc nào chả lẩm bà lẩm bẩm. Nhưng bố thì vừa vào bàn đã kêu ca tôi về vụ cắt cỏ ngoài sân.
“Không vấn đề”, tôi trả lời bố. “Mai con sẽ làm ạ”.
Bố chả thèm nói gì, chỉ đánh mắt liếc tôi một cái cáu kỉnh.
Rồi mẹ hỏi ông: “Hôm nay bố mệt ạ?”
Tôi còn chả nhận ra là ông đang ngồi im lìm như tảng đá.
“Chứ gì”, bố bắt đầu châm ngòi. “Con bé đó chắc là đã bóc lột ông rồi?”
Ông ngoại chỉnh ngay ngắn cái dĩa trên khăn ăn rồi nói: “Con bé đó tên là Juli, và con bé không hề bóc lột tôi. Anh đừng có ác khẩu như thế”.
“Ác khẩu? Con á?”. Bố bật cười và nói “Ông lại đi thương xót cái con bé đấy chứ gì?”
Đến chị Lynetta cũng phải ngừng ngay trò lẩm bẩm. Đây rõ là khẩu chiến và ai cũng nhận ra. Mẹ đẩy đẩy chân bố, nhưng như thế chỉ làm mọi việc tệ hơn. “Kệ anh, Patsy! Anh muốn biết là tại sao bố em lại có sức với tình để đi kết bạn với một người dưng nước lã trong khi ông không thèm chơi bóng với cháu trai mình!”
À há! Tôi nghĩ. Nhưng rồi tôi nhớ ra – tôi nợ ông. Một món nợ rất lớn. Và chẳng kịp suy nghĩ gì, tôi nói: “Có sao đâu bố. Chỉ là vì Juli giống bà con thôi mà”.
Cả nhà bỗng im bặt, nhìn tôi chằm chằm. Thế là tôi đành quay ra nhìn ông và nói: “Đúng thế mà… ông nhỉ?”
Ông gật đầu, lại chỉnh chỉnh cái dĩa.
“Giống bà René ấy hả?”. Bố hết nhìn mẹ rồi lại nhìn ông. “Không thể nào!”
Ông nhắm mắt lại và nói: “Chính cái tinh thần của con bé ấy làm tôi nhớ đến René”.
“Tinh thần?”, bố thốt lên, cứ như thể bố đang nghe đứa nhóc lên ba nói dối.
“Đúng thế, tinh thần của con bé”. Ông im lặng một lúc rồi hỏi: “Thế anh có biết là vì sao mà nhà Baker lại không sửa cái sân cho đến tận bây giờ không?”
“Vì sao ạ? Đương nhiên là con biết. Nhà đó toàn lũ khố rách áo ôm, chứ còn sao nữa. Nhà cửa lụp xụp, xe cộ ọp ẹp, sân vườn thì bẩn thỉu”.
“Họ không phải là lũ khố rách áo ôm, Rick. Họ là những người lương thiện, thật thà, chăm chỉ…”.
“…Và là cái giống không hề có tí tự trọng nào khi sống như thế. Nhà này đã ở đối diện với nhà đó tới hơn sáu năm và chẳng có lý do nào bao biện cho việc nhà đó ăn ở như thế cả”.
“Chẳng có lý do nào ư?” Ông hít một hơi thật sâu và có vẻ như đang đắn đo cân nhắc. Rồi ông nói: “Tôi hỏi anh một câu nhé, Rick. Nếu như anh có anh chị em hay con cái bị tâm thần hay tàn tật thì anh làm thế nào?”
Câu hỏi đột ngột như thể ông vừa “xì bom” trong nhà thờ vậy. Mặt bố cau lại như bị cấu, bố lắc đầu và cuối cùng thì bố nói: “Việc này thì liên quan gì cơ chứ?”.
Ông nhìn bố một lát rồi rất khẽ, ông nói: “Bố của Juli có một cậu em trai bị chậm phát triển, và…”.
Bố cười phá lên, ngắt lời ông. “Thế thì rõ quá còn gì nữa?”
“Rõ… quá?”, ông hỏi lại. Nhỏ. Nhưng rành rọt.
“Lại không ư? Thì vì sao mà cả cái nhà đó lại như thế…?” Bố nhăn nhở nhìn cả nhà. “Chắc chắn là di truyền rồi”.
Cả nhà nhìn bố. Lynetta rơi nguyên hàm, và đây là lần đầu tiên chị ấy á khẩu. Mẹ gắt lên: “Anh Rick!”, nhưng bố chỉ cười, giọng run run: “Chỉ đùa thôi mà! Ý anh là, rõ ràng là mấy người nhà đó có vấn đề. À, cho con xin lỗi. Con quên mất. Ông bảo con bé nhà đó giống bà René nhỉ?”
“Anh Rick!”, mẹ gọi bố, và lần này thì mẹ cáu thật.
“Thôi mà, Patsy. Bố em chỉ được cái kịch tính hóa mọi thứ. Cụ lôi chuyện họ hàng chậm phát triển ra chỉ để làm anh thấy mình xấu xa khi chỉ trích hàng xóm láng giềng chứ có cái gì đâu. Đầy nhà có chuyện này chuyện kia nhưng người ta vẫn cắt dọn được sân vườn. Lý ra cái nhà đó phải có tí sĩ diện về nhà cửa chứ”.
Má ông ngoại đỏ lựng cả lên nhưng giọng ông thì chắc nịch: “Đấy không phải là nhà của họ, Rick. Lý ra chủ nhà phải lo mấy chuyện đó nhưng anh ta không làm. Và vì bố của Juli phải chăm sóc em trai nên bao nhiêu tiền tiết kiệm đều đổ vào lo cho cậu ấy, và rõ ràng là chi phí cho việc ấy không hề rẻ gì”.
Mẹ hỏi rất nhẹ: “Con tưởng là có cơ sở nhà nước cơ mà?”
“Bố không biết rõ, Patsy. Có lẽ là không có cơ sở nhà nước nào ở gần ổn cả. Hoặc cũng có thể là nhà họ nghĩ cơ sở tư nhân thì tốt hơn”.
“Thế nhưng”, bố nói, “vẫn có cơ sở nhà nước đúng không? Và nếu nhà đó không muốn chọn cơ sở nhà nước thì đấy là tự họ chọn thế. Nhà đó bị đột biến gien thì có phải lỗi nhà mình đâu? Con chẳng việc gì phải thấy có lỗi khi muốn…”.
Ông đập bàn và khom lưng đứng dậy: “Không liên quan gì đến đột biến gien cả, Rick! Đó là do bị ngạt khi mới sinh”. Giọng ông trầm xuống, nhưng như thế càng khiến từng lời của ông thêm trọng lượng. “Chú của Juli bị dây rốn quấn quanh cổ. Hai vòng. Phút trước cậu ấy còn là đứa bé khỏe mạnh hoàn hảo, giống như thằng Bryce con anh đấy, nhưng chỉ phút sau thôi, mọi sự đã khác”.
Bỗng nhiên mẹ bị kích động. Chỉ trong tích tắc mẹ òa lên khóc nức nở, sụt sùi, và bố thì ra sức vỗ về, cố gắng làm mẹ bình tĩnh. Nhưng vô ích. Mẹ gần như đổ sụp tại chỗ.
Lynetta vứt khăn ăn xuống và lẩm bẩm: “Cái nhà này đúng là như phường chèo”, rồi biến mất. Đến lượt mẹ lao ra khỏi phòng, úp mặt vào hai bàn tay mà nức lên từng hồi, còn bố thì chạy theo mẹ, không quên quay lại ném cho ông cái nhìn cay nghiệt nhất mà tôi từng thấy.
Thế là còn mỗi ông và tôi ngồi đó, với một bàn đầy thức ăn nguội ngắt. “Chậc”, cuối cùng tôi đành lên tiếng, “cháu chả hiểu gì cả”.
“Làm sao mà con hiểu được”, ông nói.
“Tức là sao ạ?”
Ông ngồi im như pho tượng một lát rồi nhoài người về phía tôi và nói: “Thế theo con thì vì sao mẹ con lại phản ứng như thế sau khi nghe ông nói vậy?”
“Cháu… cháu chịu”. Tôi nửa cười nửa mếu nhìn ông: “Vì mẹ là phụ nữ ạ?”
Ông thoáng cười buồn. “Không phải. Mẹ con như thế là vì mẹ con biết suýt chút nữa mẹ con cũng rơi vào hoàn cảnh của chú Baker”.
Tôi ngẫm nghĩ một lát rồi đành hỏi: “Thế cậu cháu cũng bị dây rốn quấn quanh cổ lúc sinh ra ạ?”
Ông lắc đầu.
“Ơ, thế thì…”.
Ông nhoài người về gần tôi hơn và nói rất khẽ: “Con bị”.
“Cháu ấy ạ?”
Ông gật đầu. “Hai vòng”.
“Nhưng mà…”.
“Ông bác sĩ đỡ con là người có kinh nghiệm, hơn nữa, may mà chỗ quấn không quá chặt nên ông ấy đã gỡ được con ra. May là con đã không bị làm sao nhưng nào có ai đoán trước được điều gì”.
Nếu mà tôi được kể chuyện này từ vài năm trước hay thậm chí là vài tuần trước thôi, rằng tí nữa thì tôi bị treo cổ khi nhảy dù từ bụng mẹ ra ngoài, thì có khi tôi đã bông đùa vài ba câu, hoặc cáu kỉnh cà khịa: “Ừ, thế thì sao? Không bàn tới chuyện đó không được à?”
Nhưng sau tất cả những gì đã xảy ra thì tôi thực sự cảm thấy hoảng, và tôi không tài nào ngừng được những câu hỏi đang dồn dập dâng lên trong đầu tôi như sóng thần. Tôi sẽ ở đâu nếu như mọi chuyện khác đi? Mọi người trong nhà sẽ làm gì với tôi? Từ cái cách mà bố nói thì rõ ràng bố sẽ chẳng thèm đoái hoài gì đến tôi cả. Bố sẽ tống tôi vào một trại thương điên nào đó, ở bất kỳ chỗ nào, và sẽ quên tịt luôn tôi. Nhưng rồi tôi lại nghĩ: “Không thể nào! Mình là con bố cơ mà. Bố sẽ không bao giờ làm thế đâu…”. Đúng không?
Tôi ngó quanh nhà. Nhìn tất cả những gì chúng tôi có - nhà to, thảm trắng, đồ cổ, đồ mỹ nghệ và bao nhiêu thứ khác. Liệu nhà tôi có bán hết đống đồ đạc này chỉ để lo cho tôi hay không?
Tôi nghi ngờ điều đó, và nói thật, vô cùng nghi ngờ. Chắc chắn lúc đó tôi sẽ là một nỗi ô nhục đáng xấu hổ. Một thứ cần phải quên đi. Bố mẹ lúc nào chả quan trọng hình thức. Đặc biệt là bố.
Ông nói rất khẽ: “Con đừng nghĩ quá nhiều về những chuyện có thể xảy ra, Bryce à”. Và cứ như thể đọc được suy nghĩ của trong đầu tôi, ông nói tiếp: “Và cũng không công bằng lắm nếu con cứ buộc tội bố con vì những chuyện mà bố con không làm”.
Tôi gật đầu và cố gắng bình tĩnh lại, nhưng rõ là tôi không giỏi việc này cho lắm. Rồi ông nói: “Nhân tiện, ông cũng muốn cảm ơn con về lời nhận xét đó”.
“Cái gì ạ?”, tôi hỏi lại, nhưng cổ họng tôi như bị cái gì đó nghiến lấy, đau rát.
“Về bà con ấy. Làm sao mà con biết được chuyện đó?”
Tôi lắc đầu và nói: “Juli kể cho cháu nghe”.
“Ồ, thế là con nói chuyện với con bé rồi hả?”
“Dạ. Thực ra thì cháu đã xin lỗi bạn ấy”.
“À…!”
“Và cháu đã thấy khá hơn nhiều lắm, nhưng giờ thì… Giời ơi, cháu lại thấy mình là thằng khốn nạn rồi”.
“Đừng nghĩ thế. Con đã xin lỗi. Đấy mới là điều quan trọng”. Ông đứng dậy và nói: “Giờ ông đang muốn đi dạo. Con có muốn đi cùng không?”
Đi dạo ấy hả? Giờ thì tôi chỉ muốn lên phòng, khóa cửa lại và ở một mình thôi.
“Ông thấy như thế giúp đầu óc thanh thản nhiều lắm”, ông nói tiếp, và đấy là lúc tôi nhận ra đây không chỉ đơn thuần là một cuộc đi dạo – đây là một lời mời cùng làm việc gì đó.
Tôi đứng dậy và nói: “Vâng. Hai ông cháu mình đi ra ngoài đi”.
Hóa ra người cả ngày chỉ nói mỗi mấy câu kiểu “Đưa lọ muối cho ông” như ông lại là một người nói chuyện đại tài. Hai ông cháu tôi đi bộ hết khu phố này sang khu phố khác và tôi nhận thấy rằng ông không chỉ biết rất nhiều thứ mà còn cực vui tính. Kiểu tẩm ngẩm tầm ngầm và tỉnh quèo. Chính những điều ông nói, cộng thêm cái cách mà ông nói nữa. Nó thế nào nhỉ? Chẳng biết phải nói thế nào nữa. Tóm lại là, rất chi là chất ấy!
Lúc quay lại khu phố nhà tôi, hai ông cháu đi qua ngôi nhà đang được xây dựng ở chỗ lúc trước là cây tiêu huyền. Ông dừng lại, ngước lên bầu trời đêm và nói: “Ắt hẳn trên đó phải rất tráng lệ”.
Tôi cũng nguớc lên, và tối hôm đó là lần đầu tiên tôi nhận ra rằng mình có thể nhìn thấy sao trời. “Ông đã bao giờ nhìn thấy bạn ấy ngồi trên cây chưa ạ?”, tôi hỏi ông.
“Có lần mẹ con đã chỉ cho ông thấy khi mẹ con lái xe qua. Lúc đó thấy con bé leo cao thế ông cũng thấy sợ, nhưng sau khi đọc bài báo ấy xong, ông hiểu vì sao con bé lại làm thế”. Ông lắc lắc đầu. “Cái cây bị chặt rồi nhưng con bé sẽ mãi có được ánh lửa từ cái cây. Con hiểu ý ông không?”
May mà tôi không phải trả lời. Ông chỉ cười rồi nói: “Con người… mỗi người một vẻ. Kẻ nhờ nhờ, kẻ hào hoa, kẻ bóng bẩy…”. Ông quay sang tôi. “Nhưng sẽ có lúc nào đó con tìm thấy được ai đó lấp lánh sáng và khi đó thì chẳng gì có thể sánh nổi”.
Khi về tới hiên nhà, ông choàng tay qua vai tôi và nói: “Đi dạo với con đúng là rất thích, Bryce à. Ông thấy vui lắm”.
“Cháu cũng thế ạ”, tôi đáp lại, và hai ông cháu đi vào nhà.
Ngay lập tức, chúng tôi biết là mình đang đi vào vùng chiến sự. Và dù không có ai gào thét hay khóc lóc nhưng chỉ cần nhìn mặt bố mẹ thôi là tôi biết ngay đã có một vụ xung đột nghiêm trọng xảy ra khi ông và tôi ra ngoài.
Ông thì thầm với tôi: “Giờ chắc ông lại phải sửa thêm một cái hàng rào khác rồi”, rồi đi vào phòng ăn để nói chuyện với bố mẹ.
Tôi chẳng thiết làm gì với bầu không khí đó. Tôi lên thẳng phòng, đóng cửa và nhảy tót lên giường.
Tôi nằm đó một lúc lâu và nhớ lại thảm kịch xảy ra trong bữa tối. Và khi đầu óc loạn hết cả lên thì tôi bật dậy, nhìn ra ngoài cửa sổ. Có ánh đèn đâu đó trong nhà Baker và ánh đèn đường leo lét, nhưng màn đêm thì dường như quánh đặc lại. Như thể nó mịt mùng hơn mọi ngày và, chẳng biết nữa, u ám hơn chăng?
Tôi nhoài người sát vào cửa sổ hơn và ngước lên bầu trời, nhưng tôi không tài nào nhìn thấy sao nữa. Tôi băn khoăn tự hỏi đã có lúc nào Juli ngồi trên cây tiêu huyền vào buổi đêm. Giữa những ánh sao trời.
Tôi lắc lắc đầu. Gì mà nhờ nhờ, gì mà hào nhoáng, gì mà lấp lánh? Thế thì làm sao chứ? Với tôi thì Juli Baker từ trước đến giờ vẫn chỉ là cát bụi mà thôi.
Tôi bật đèn bàn và lục tìm tờ báo có bài viết về Juli mà tôi đã vứt vào trong ngăn kéo.
Đúng như tôi nghĩ mà – bọn họ cứ làm như là Juli đang cố giải cứu núi Rushmore* không bằng. Họ gọi con bé nào là “một tiếng nói can trường trong thời buổi đô thị đảo điên” rồi thì “ngọn lửa truyền nhiệt cho việc cần hạn chế sự phát triển quá đà của một cộng đồng vốn yên bình và duyên dáng”.
*Núi Rushmore – Khu tưởng niệm Quốc gia là một tác phẩm điêu khắc trên đá hoa cương ở núi Rushmore thuộc bang South Dakota, Hoa Kỳ. Đây là tác phẩm của Gutzon Borglum (1867 – 1941) và sau này là con trai ông, Lincoln Borglum (1912 – 1986). Núi Rushmore thể hiện chân dung bốn vị tổng thống kiệt xuất của Mỹ: George Washington, Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt và Abraham Lincoln.
Cho tôi xin. Có cái gì là sai nếu một ông muốn chặt một cái cây mọc trên đất nhà ông ấy để xây nhà? Đất của ông ấy, cây của ông ấy, đương nhiên là ông ấy có quyền. Hết chuyện. Đoạn báo vừa rồi đúng là nhảm nhí.
Ngoại trừ. Ngoại trừ những chỗ mà họ trích lời của Juli. Có thể đơn giản chỉ là những dòng đối ngược với những gì bóng bẩy, thiên lệch của tay phóng viên, nhưng những gì mà Juli nói lại không hề có kiểu khoe mẽ như tôi tưởng. Chẳng biết nói thế nào nữa. Nó kiểu sâu sắc ấy. Ngồi trên cái cây đó, với con bé, thực sự là một triết lý.
Và kỳ lạ là tôi hoàn toàn hiểu được điều này. Con bé nói về cảm giác khi ở trên cây, và làm sao mà cảm giác đó lại tựa như vượt qua được giới hạn về không gian. “Như được nâng lên khỏi mặt đất và được gió vuốt ve”, con bé nói, “giống như trái tim cháu được cái đẹp âu yếm”. Có đứa nào học trung học cơ sở mà lại ăn nói được như thế không? Chẳng có đứa nào bạn tôi làm được thế cả, chắc chắn!
Con bé còn nói nữa cơ, gì mà có những điều có thể còn giá trị hơn gấp nhiều lần những thứ tạo nên nó, và vì sao mà con người ta lại cần có những điều có thể giúp họ vượt lên trên những cái thường nhật để hiểu được sự kỳ diệu của cuộc sống.
Kết quả là tôi đọc và đọc lại và đọc lại những đoạn Juli nói. Vừa đọc vừa tự hỏi từ khi nào con bé bắt đầu nghĩ được như thế. Thì đúng là Juli Baker thông minh thật, nhưng đây còn hơn cả việc toàn được điểm A đấy chứ.
Nếu đọc bài báo này từ tháng trước, không chừng tôi đã vứt luôn nó vào thùng rác, nhưng giờ thì chẳng hiểu sao nó lại trở nên có ý nghĩa với tôi. Rất nhiều ý nghĩa là đằng khác.
Và nếu là tháng trước, tôi cũng sẽ chẳng thèm để ý tới bức ảnh chụp Juli đâu, nhưng giờ thì tôi lại cứ nhìn chằm chằm vào nó. Không phải là bức ảnh chụp toàn cảnh – bức đó thì toàn trang thiết bị cứu hộ khẩn cấp chứ chả thấy Juli ở đâu cả. Bức khác kia, bức ở nửa dưới trang báo. Chắc ai đó phải dùng ống kính siêu cự tầm xa chuyên dụng để chụp, vì có thể nhìn rõ là con bé đang ở trong tán cây mà lại được chụp từ vai lên. Con bé đang nhìn nơi nào đó xa xăm, mái tóc tung bay trong gió như thể nó đang cầm lái một con tàu căng buồm hướng về phía mặt trời.
Tôi đã mất bao nhiêu năm để tránh mặt Juli Baker, đến mức chưa bao giờ tôi thực sự nhìn con bé, và giờ thì tự dưng tôi không dừng được. Cảm giác kỳ lạ này bắt đầu lan dần khắp trong người tôi, và tôi thì không thích thế. Không một chút nào. Nói thật nhé, nó khiến tôi sợ vãi cả linh hồn luôn.
Tôi nhét tờ báo thật sâu xuống dưới gối và cố tự nhắc bản thân rằng Juli Baker đã là đứa phiền toái ra sao. Nhưng rồi đầu óc tôi lại vẩn vơ, và vèo một cái tôi lại lôi cái tờ báo chết giẫm ấy lên đọc.
Điên mất thôi! Tôi đang làm cái quái gì thế không biết?
Tôi bắt mình phải tắt đèn và leo lên giường. Có vẻ như tôi đang bị sa lầy mất rồi, bạn thân mến ạ, và chắc chắn là từ giờ, nếu muốn giữ lấy cái mạng thì tôi phải bám cho thật chặt.
Bên Kia Đường Có Đứa Dở Hơi Bên Kia Đường Có Đứa Dở Hơi - Wendelin Van Draanen Bên Kia Đường Có Đứa Dở Hơi