Phần thưởng cho sự chịu đựng gian khổ chính là những kinh nghiệm bạn thu được.

Aeschylus

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 45
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3186 / 108
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10 - Cụ Hồ khuyên tôi: Chú còn trẻ, đẹp trai, Không lấy vợ uổng quá
ôi ra về mang nhiều lo âu. Tôi chưa biết gì nhiều về cụ Hồ Chí Minh nhưng có điều tôi nhận thấy ngay. Cụ Hồ là một con người cứng rắn, cuồng nhiệt, cương quyết, đã định làm gì thì dù bao nhiêu trở ngại cũng san bằng làm cho kỳ được. Sự mềm dẻo khéo léo của cụ Hồ chỉ ở bề ngoài, chỉ là một lối chinh phục cảm tình người đối thoại, thâm tâm cụ, không bao giờ cụ vì nghe người đối thoại hợp lý mà thay đổi quyết định của cụ. Tôi thán phục, nhung sợ hãi con người như thế.
Tôi mơ hồ thấy con đường mà cụ Hồ sẽ đưa đẩy dân tộc Việt Nam, giáo hội Việt Nam vào: chiến tranh, mâu thuẫn, thanh toán lẫn nhau, đàn áp và sát hại những thiểu số chống đối, trong đó có đạo công giáo.
Tôi cũng đã được biết qua tin tức, lịch sử của những phong trào cộng sản ở Nga, Mễ Tây Cơ, Tây Ban Nha, Nam Tư v.v… và không một nơi nào sự thành lập một chế độ cộng sản đem lại một điều gì tốt đẹp hơn cho người công giáo.
Tôi là một linh mục công giáo, tôi không thể nào đồng ý với một người chủ trương biến Việt Nam thành một quốc gia cộng sản. Nhưng tôi là người Việt Nam, và lúc này điều cấp thiết là phải đòi lại độc lập từ tay người Pháp, và nếu tôi không góp công sức thì cũng không nỡ lòng nào chống lại, dù bằng lời nói, bất cứ một thế lực chính trị nào đang mưu đòi Độc Lập cho đất nước.
Những ngày sau đó tôi không ngớt suy nghĩ về số phận đất nước mình. Tôi theo dõi qua tin tức, qua những câu chuyện với các Việt kiều, đôi lúc với Nguyễn Mạnh Hà, những hoạt động ở Ba-Lê của cụ Hồ. Có những Việt kiều ngưỡng mộ cụ Hồ thực tình, hay là được đảng cộng sản tổ chức thì không biết, nhưng ngày nào cũng ra đứng trước Hotel Royal chờ được nhìn mặt cụ Hồ một lần rồi trở về.
Những ai ra vào khách sạn này họ đều nhớ nhẵn mặt. Nhờ đó những câu chuyện với họ, tôi được biết sơ lược rằng người Pháp không thực tâm thương thuyết với cụ Hồ. Cụ buồn và bất mãn, không dự những cuộc họp ở Fontainebleau.
Nhờ những người sốt sắng theo dõi các hoạt động của cụ Hồ và quanh cụ Hồ, tôi biết được rằng trong thời gian ở Ba-Lê, cụ Hồ đã tiếp xúc với các lãnh tụ cách mạng Phi Châu, như lãnh tụ du kích quân Algérie sau này là ông Ferhat Abbas. Điều này không có gì khó hiểu, vì ai cũng biết cụ Hồ là tác giả cuốn “Le Proces De La Colonisationd Francaise” mà Nguyễn Thế Truyền đề tựa.
Ông Ben Gourison, sau này thủ tướng Do Thái, lúc bấy giờ chủ tịch một hội ái hữu Do Thái Pháp, cũng đến nói chuyện với cụ Hồ vài lần. Những nhân vật đến thường nhất là ông Paul Bernard, giám đốc Ngân Hàng Đông Pháp. Tôi nghĩ rằng cụ Hồ không quên được những vấn đề thiết thực của đất nước: vấn đề kinh tế.
Từ lúc tôi gặp cụ Hồ và nói chuyện với cụ được khoảng bốn hôm thì tôi và vài cha khác nhận được thư mời dự một buổi tiếp tân. Hỏi ra tôi được biết những Việt kiều khác như Trương Công Cừu, Trần Hữu Phương, Võ Văn Thái cũng nhận được thiếp mời như tôi. Nói là một buổi tiếp tân thì hơi quá đáng, đây chỉ là một bữa ăn thân mật, những người được mời phần nhiều tôi có quen, gồm tất cả khoảng non 30 người.
Tôi và cha Lập, cha Tiến đến với nhau cùng một lúc. Một vài anh em Việt kiều đã đến trước, và đang đứng trong phòng khách. Một lát thì thấy cụ Hồ bước ra, bắt tay mọi người, tôi trà trộn với mọi người, trong phòng khách, nói chuyện phiếm. Tôi phải công nhận cụ Hồ là một người hiểu biết rộng rãi.
Vấn đề gì cụ cũng có thể nói chuyện sơ qua và tỏ ra hiểu biết, chăm chú nghe chuyện. Những anh em Việt kiều được mời hôm ấy gồm toàn phần lớn những nhà trí thức, những sinh viên đã tốt nghiệp, nghĩa là thành phần Việt kiều ưu tú ở Pháp.
Dù mọi người kính nể cụ Hồ, nhưng trong câu chuyện, đôi lúc cố ý, đôi lúc vô tình, họ không khỏi nêu lên những vấn đề khó khăn, có thể làm cho người được hỏi lâm vào thế kẹt.
Tôi chưa lúc nào thấy cụ Hồ bị kẹt như thế. Vả lại cụ có lối đánh trống lảng tài tình. Vấn đề gì cu thấy khó trả lời thỏa mãn người đối thoại, cụ lập tức nói sang chuyện khác, nói đến một vấn đề khác thật hấp dẫn, làm cho người nêu lên câu hỏi khó quên mất câu hỏi của họ.
Khoảng nửa giờ sau, những khách mời đến đầy đủ, và cũng vừa đúng giờ ghi trong thiếp mời, tức đâu khoảng 12 giờ trưa, cụ Hồ mời mọi người sang phòng ăn. Hiện nay Hotel Royal vẫn còn, có lúc còn được gọi là Hotel Royal- Monceau, và phòng tiếp tân tại nơi này vẫn không thay đổi gì nhiều, bàn ăn là một bàn chữ nhật lớn.
Cụ Hồ cầm tay tôi dẫn đến chiếc ghế bên trái cụ, và chỉ cho cha Lập ngồi bên phải, cha Hoàng Trọng Tiến ngồi đối diện.
Những anh em khác được cụ sắp xếp ngồi vào bàn. Từ lúc gặp các anh em Việt kiều cho đến lúc ngồi vào bàn an, cụ Hồ chỉ nói những chuyện lặt vặt, thứ chuyện mà người ta gọi là chuyện phiếm, không đâu vào đâu cả.
Nhưng trong mọi câu nói cụ Hồ thương khuyên anh em Việt kiều tham gia vào công cuộc đấu tranh đòi độc lập.
Lúc vào bàn ăn, cụ Hồ chẳng hề dùng cái lối đọc diễn văn long trọng. Cụ ngồi ngay vào bàn ăn, và lúc nâng ly rượu đầu, cụ nói giọng thật là nồng nàn, thành thật:
- Chính phủ bên nước nhà đang theo đuổi mục tiêu tranh thủ độc lập, đem hạnh phúc lại cho toàn dân. Nhưng muốn đem hạnh phúc cho toàn dân, thì phải thực hiện xã hội chủ nghĩa. Giả sử mà chúa Giêsu sinh ra đời vào thời đại này, trước sự đau khổ của người đời như lúc này, mà Chúa muốn cứu vớt, thì chắc là cũng phải theo xã hội chủ nghĩa.
Tôi và các cha mỉm cười vì cái lối so sánh kỳ cục của cụ Hồ, tôi trả lời cụ:
- Thưa cụ Chủ tịch, về việc tranh thủ độc lập, thì mọi người Việt Nam công giáo hay không công giáo đều sẵn sàng tham gia. Nhưng về việc thực hiện xã hội chủ nghĩa, thì chúng tôi thiết nghĩ có nhiều người không đồng ý rằng đó là giải pháp duy nhất để đem hạnh phúc lại cho con người.
Cụ Hồ vỗ vai tôi, cười:
- Cha lại tuyên truyền rồi.
Có lẽ lúc đó tôi còn trẻ, nên tôi có hơi long trọng trong câu chuyện một cách quá đáng. Tôi không cười, thưa lại:
- Thưa cụ Chủ tịch, tôi đâu có ý tuyên truyền. Tôi nói ra ai nghe thì nghe, ai không thì thôi, tôi chẳng bao giờ chủ trương bắt những người không nghe theo lời nói của mình vào trại tập trung cả.
Cụ Hồ chỉ khẽ cau mày:
- Đạo Công giáo chỉ được nước binh nhà giàu, về với nhà giàu. Nhà giàu chết thì giật chuông inh ỏi, làm lễ mồ long trọng, còn nhà nghèo chết thì im hơi lặng tiếng. Như vậy làm sao Chúa biết linh hồn nhà nghèo vừa thoát khỏi xác mà đến rước về thiên đàng?
Tôi lại càng nghiêm hơn nữa, và nhất định phải cãi lại cụ Hhồ.
- Thưa cụ Chủ tịch, Đạo Công giáo chẳng hề bênh nhà giàu bao giờ. Chúa Giêsu ra đời trong gia đình nghèo khó, giảng đạo cho người nghèo trước. Nhưng sở dĩ có những người Công giáo nghèo, những người giàu, là vì đạo Công giáo là một thành phần xã hội, sống trong một xã hội, và xã hội đó có kẻ giàu người nghèo. Nếu xã hội có giai cấp thì đạo Công giáo phải chấp nhận, nhưng không phải là tán đồng hoàn toàn đâu. Đạo chủ trương mọi người ngang hàng, bình đẳng trước Thiên Chúa không phân biệt giai cấp chi cả.
Cụ Hồ làm thinh một lúc, mặt lúc ấy hơi nghiêm, nhưng cụ tươi cười ngay, đổi sang câu chuyện khác, giọng nửa bông đùa nửa thành thật:
- Các chú còn trẻ và đẹp trai cả sao không chịu lấy vợ đi? Các chú không lấy vợ, xã hội, đất nước thiệt thòi biết bao nhiêu?
Lúc này tôi dùng giọng bông đùa để trả lời cụ:
- Xin lỗi cụ chủ tịch, thế tại sao cụ không lấy vợ để làm lợi cho xã hội? Chúng tôi độc thân nhưng sự độc thân của chúng tôi không làm thiệt hại gì cho xã hội, cũng như độc thân của cụ chủ tịch vậy mà.
- Tôi độc thân được, nhưng các chú còn trẻ, độc thân sao nổi. Trông thấy hoa, sao khỏi muốn hái được.
- Thưa cụ, bây giờ cụ đã già, nhưng trước kia cụ cũng trẻ như chúng tôi, mà cụ vẫn độc thân được, thì chúng tôi cũng có thể độc thân được: chúng tôi cũng có thể trông thấy hoa mà không muốn hái vì bận theo một lý tưởng khác.
Thấy tôi cãi hơi hăng, cụ Hồ cười rồi bắt sang chuyện khác.
Trần Hữu Phương ngồi ở cuối bàn cất tiếng hỏi:
- Thưa cụ, cụ người ở đâu, xin cho chúng tôi được biết?
Cụ Hồ trả lời:
- Tôi người Việt Nam.
- Việt Nam nhưng là tỉnh nào?
Tôi nhìn về phía Trần Hữu Phương và nói:
- Anh Phương thật ngớ ngẩn, giọng của cụ là đặc giọng Nghệ An, anh còn hỏi làm gì nữa.
Mọi người cười ồ lên và bữa tiệc được tiếp tục trong bầu không khí vui vẻ đầm ấm cho đến hai giờ chiều mới tan.
Bên Giòng Lịch Sử 1940 - 1965 Bên Giòng Lịch Sử 1940 - 1965 - Linh mục Cao Văn Luận