Trên mỗi ngọn núi đều có những lối đi mà khi đứng dưới thung lũng, bạn không thể nhìn thấy được.

James Rogers

 
 
 
 
 
Tác giả: Cao Văn Luận
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 45
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2794 / 94
Cập nhật: 2015-08-28 02:06:50 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 43: Tôi Trở Lại Huế
ự việc đang ở chỗ đó thì tôi được tin một Ủy ban đại diện các sinh viên và giáo sư Đại học Huế vào Sài Gòn gặp tôi. Trước hết họ trình bày sự kính mến của họ đối với tôi, và yêu cầu tôi trở lại giữ chức Viện trưởng Viện Đại học Huế.
Tôi cũng hơi vui mừng vì nhận thấy những việc làm của mình suốt thời gian làm Viện trưởng Đại học Huế ít ra còn để lại một số tình cảm tốt đẹp cho sinh viên và giáo sư Huế.
Nhưng thật tình tôi đã mệt mỏi lắm, và cũng không muốn mang tiếng là một người phục vụ chế độ ông Diệm, nay ông Diệm mới khuất, chế độ mới đổ mà tôi đã vội vàng nhận sự ưu đãi của tân chế độ, của những người lật đổ ông Diệm.
Dĩ nhiên là những ưu tư này tôi không thể trình bày thẳng với phái đoàn đại diện Viện Đại học Huế được, tôi tìm cách từ chối khéo và nói với họ:
-Các anh em có lòng tốt tưởng nhớ đến tôi, làm tôi rất cảm động và ghi nhớ tấm lòng đó của anh em. Nhưng quyền làm Viện trưởng hay không, thì không ở trong tay tôi. Tôi là một công dân Việt Nam. Trước đây ông Diệm với tư cách Tổng thống Việt Nam yêu cầu tôi giữ chức Viện trưởng thì tôi nhận và hết lòng làm việc cho Viện Đại học Huế lớn mạnh. Nay quốc gia chúng ta có một chính quyền mới, thì sự quyết định cử tôi làm Viện trưởng hay cử ai khác thay thế ông Viện trưởng Trần Hữu Thế là quyền của chính quyền đó. Anh em đến thăm tôi thì tôi xin cám ơn và gửi lời cám ơn tất cả anh em sinh viên, khoa trưởng, giáo sư Viện Đại học Huế, nhưng việc nhận chức Viện trưởng như lời yêu cầu anh em thì không thuộc quyền tôi, vậy các anh em nên nói với những người hữu trách trong tân chế độ thì hơn.
Tôi hiểu một vài người bạn, hoặc quen biết nghĩ rằng tôi đã được ông Diệm tin dùng thì nên giữ tiết tháo, đóng cửa nằm nhà đọc sách lo việc đạo thì hơn là trở ra làm việc với chính quyền mới. Một vài người theo quan niệm ấy đã gửi nhắn lời đến can gián tôi, khi hay tin có một phái đoàn đại diện Đại học Huế vào tiếp xúc với tôi. Những lời can gián đó cũng làm tôi suy nghĩ khá nhiều và quả thực tôi do dự. Nhưng tôi đinh ninh rằng tân chính phủ không hề nghĩ đến việc cử tôi làm Viện trưởng Viện Đại học Huế lần thứ hai.
Tuy nhiên tôi cũng lo lắng đến những xáo trộn ở Huế, những kỳ thị tôn giáo có thể xảy ra ở vùng miền Trung nơi mà tâm lý dân chúng có những phản ứng quá khích. Tôi nghĩ rằng nếu trở lại chức vụ Viện trưởng Đại học tôi có thể chứng minh được rằng trước cũng như bây giờ, đạo công giáo không hề có chủ trương kỳ thị tôn giáo.
Tôi cũng hy vọng với những cảm tình mà sinh viên Đại học Huế dành cho tôi, tôi có thể ngăn chận được phần nào cái hoạ kỳ thị tôn giáo. Tôi biết ở Huế sinh viên đóng vai trò hết sức quan trọng trong sinh hoạt xã hội và chính trị, cho nên nếu sinh viên Huế không gia nhập vào các hoạt động kỳ thị tôn giáo thì quần chúng Huế sẽ khó gây ra những vụ kỳ thị đáng kể nào.
Những điều này tôi chưa nói ra, mặc dầu đến nay vẫn còn nhiều người trách tôi đã nhận chức Viện trưởng Viện Đại học Huế lần thứ hai, do chính quyền cách mạng bổ nhiệm. Bây giờ chúng tôi nói ra không phải để biện hộ cho mình, nhưng chỉ để nói lên một nỗi ưu tư của tôi.
Sau khi nghe tôi trình bày như vậy, phái đoàn Đại học Viện Đại học Huế lên gặp các tướng lnãh phe cách mạng và tân Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ. Ít hôm sau tôi được ông Nguyễn Ngọc Thơ mời lên gặp và chính thức yêu cầu tôi trở ra Huế giữ chức Viện trưởng Viện Đại học Huế.
Trong những câu chuyện ông Thơ cũng tỏ ý lo lắng rằng, nếu sinh viên Huế không có một vị Viện trưởng có uy tín hướng dẫn, thì có thể tham gia vào những phong trào kỳ thị tôn giáo gây ra không biết bao nhiêu tang thương cho đất nước và khó khăn cho chính phủ. Đại tướng Dương Văn Minh cũng mời tôi vào gặp riêng và ông cũng tỏ ý lo sợ tương tự như ông Thơ. Những lời nói của hai vị này làm tôi suy nghĩ thêm và ảnh hưởng đến quyết định và nhận lời yêu cầu của họ.
Tôi chưa ra Huế liền, mặc dầu ít hôm sau khi tiếp xúc với ông Thơ và tướng Minh đã có sắc lệnh bổ nhiệm tôi làm Viện trưởng Viện Đại học Huế. Tôi đi gặp các Đại sứ ngoại quốc tại Sài Gòn và ông Giám đốc phái bộ viện trợ Mỹ.
Trước hết tôi đến gặp Đại sứ Đức là ông Von Wenland. Ông này phàn nàn về cái chết của ông Diệm và ông Nhu. Tuy nhiên ông biết ông Diệm và chế độ của ông không tránh khỏi một vài tiếng khiếm khuyết nhưng không ai có thể phủ nhận những thiện chí của ông Diệm đối với quốc gia.
Cái chết của ông Diệm làm cho tương lai Việt Nam trở nên đen tối hơn. Tôi còn nhớ một đoạn trong câu chuyện của ông Đại sứ Đức:
- Tôi không theo tôn giáo nào cả, nhưng tôi tin rằng giờ đây linh hồn ông Diệm sẽ phảng phất nơi đây và sẽ gieo nhiều tai hoạ cho xứ sở mình. Mặt ông đượm buồn và giọng ông hết sức chua chát. Ông cho biết ông đã đệ đơn từ chức và sẽ rời Việt Nam trong ít lâu. Nghe vậy tôi không còn đề cập đến việc yêu cầu nước Đức giúp đỡ cho Viện Đại học Huế nữa.
Người thứ hai mà tôi gặp là Giám đốc viện trợ Hoa Kỳ. Ông hỏi tôi về cảm tưởng đối với cuộc cách mạng vừa qua, và những nhận định của tôi đối với tương lai đất nước tôi. Lúc bấy giờ báo chí Mỹ bắt đầu phân chia làm hai khuynh hướng chớ không thuần nhứt một chiều chỉ trích ông Diệm như trước. Cái chết của ông Diệm và ông Nhu đã làm cho một số người Mỹ xúc động và quay trở lại có cảm tình với ông Diệm hơn trước. Bộ mặt của những người thay thế ông Diệm cũng dần dần hiện rõ và người Mỹ thấy bộ mặt thật đó chẳng đẹp đẽ gì hơn.
Những người Mỹ trong đó có cựu Đại sứ Nolting, tướng Harkine, ông Richardson giám đốc Trung ương tình báo Mỹ (CIA) tại Việt Nam lên tiếng cảnh cáo rằng cuộc cách mạng 1-11 chẳng những sẽ không cải thiện được tình hình quân sự và chính trị tại Việt Nam như nhiều người Mỹ mong cầu, mà trái lại sẽ làm cho tình hình chung tồi tệ hơn. Những hỗn loạn chính trị đã bắt đầu diễn ra và về mặt quân sự Quân đội Việt Nam mải lo canh gác Sài Gòn và các đô thị lớn để đề phòng phe ông Diệm đã gần như bỏ trống các vùng nông thôn cho Việt cộng.
Lúc bấy giờ có thể nói rằng chính quyền Việt Nam chỉ kiểm soát được vài thành phố lớn. Và cũng chỉ kiểm soát được một cách lỏng lẻo. Các đảng phái vận động tìm chỗ đứng trong tân chế độ và chỉ vận động bằng cách liên kết với các tướng lãnh cách mạng mà không nghĩ đến việc tổ chức quân chủng. Sau cuộc cách mạng, Phật giáo bắt đầu bất mãn vì nghĩ rằng họ có công nhiều mà không được trọng vọng xứng đáng. Tổ chức Phật giáo còn quá mới mẻ, thời kỳ tranh đấu quá ngắn ngủi chưa kịp ra ánh sáng, chưa có một số lãnh tụ chính trị đáng giá nào cho nên giả sử lúc bấy giờ chính quyền được giao cho Phật giáo thì tình hình Việt Nam, có lẽ còn bi đát gấp mấy lần giao cho tướng lãnh.
Dựa trên những điều quan sát được kể đó, các chính khách Mỹ và dư luận báo chí Mỹ đã bắt đầu hối hận đã hạ bệ ông Diệm. Ít lâu sau cách mạng Đại sứ Nolting có trả lời một cuộc phỏng vấn và viết một tờ báo nhận định rằng rồi đây sẽ không có một nhân vật chính trị nào có khả năng thay ông Diệm để lãnh đạo dân tộc Việt Nam trong công cuộc chống Cộng.
Ông nhận định rằng người Mỹ đã phạm vào một lầm lỗi rất nặng khi hạ bệ ông Diệm, hoặc ít ra để cho chuyện hạ bệ này xảy ra trước mắt mình, và nhìn hành động này với đôi mắt đồng loã.
Những báo chí Mỹ trước đây chỉ trích ông Diệm nặng lời bao nhiêu bây giờ sự thật đã hiện rõ cũng bắt đầu chỉ trích tân chế độ bấy nhiêu. Lúc ông Giám đốc viện trợ Mỹ hỏi tôi về cuộc cách mạng ông đã biểu lộ sự lúng túng, lo sợ của số người Mỹ trước những bất ngờ sắp đến.
Tôi hỏi lại ông, thế thì người Mỹ nghĩ như thế nào, tiên liệu như thế nào, dự đoán như thế nào. Nhưng tôi biết có hỏi cũng vô ích, vì ông sẽ trả lời mập mờ, nước đôi, đưa ra những nhận định tổng quát của báo chí Mỹ.
Điều đó, như tôi đã trình bày trên, chia làm hai khuynh hướng, một khuynh hướng đông đảo tỏ ra hối hận vì đã xảy ra cuộc cách mạng, và một khuynh hướng khác tiếp tục ca tụng cách mạng một cách dè dặt, ngượng ngùng, gượng gạo.
Nghe ông hỏi tôi về cảm tưởng nhận định của tôi đối với cuộc cách mạng tôi mỉm cười chua chát:
- Tôi không có cảm tưởng gì đặc biệt, hay nhận định gì lạ lùng hết, vì tôi đã đoán trước những gì xảy ra và cũng đoán được những thế lực nào ở đằng sau gây ra. Tôi cũng làm hết mọi cách để ngăn chận những tai nạn cho ông Diệm, đưa những đề nghị chân thành lên ông Diệm nhưng tất cả nỗ lực của tôi vô ích. Ngày xưa, lúc mới về nước, ông Diệm tin cậy và sáng suốt nghe lời khuyên của tôi bao nhiêu, thì về sau này có vẻ không muốn nghe lời khuyên của tôi bấy nhiêu. Tôi sợ rằng chỉ trong một tương lai gần tình hình Việt Nam sẽ hỗn loạn. Dân chúng sau thời gian ngắn say sưa vì thành công, náo nức vì mới lạ, hứng khởi vì hy vọng, sẽ bắt đầu thất vọng, quay lại khiển trách tân chế độ và tiếc đã mất ông Diệm. Hẳn là ông nhớ câu chuyện cổ Hy Lạp: Một người dân dưới một chế độ độc tài vào đền thờ thần Jupiter cầu nguyện cho nhà độc tài sống lâu, làm một triết gia ngạc nhiên hỏi lý do. Người dân trả lời: tôi đã lớn tuổi, và đã sống dưới quyền ba nhà độc tài liên tiếp. Kinh nghiệm cho tôi biết kẻ đến sau bao giờ cũng bạo ngược hơn người trước, cho nên tôi lo sợ nếu nhà độc tài ngày nay mà chết thì kẻ thay thế ông ta sẽ còn độc tài hơn ông này vài phần, và khi đó không ai sống nổi với ông. Vì đó trí thức không mong ông chết để có ông mới…
Hai chúng tôi nhìn nhau chua chát. Tôi nói tiếp:
- Tôi quan niệm quốc gia Việt Nam chúng tôi như một cơ thể, hay ít ra chính quyền Việt Nam này như một cơ thể, mà ông Diệm là cái đầu, những kẻ phụ tá ông là những tay chân, những bộ phận trong cơ thể, và một chứng bệnh kỳ quái nào đó, những tay chân và những bộ phận trong cơ thể nổi loạn chặt cái đầu đi, thì dĩ nhiên là tay chân và các bộ phận khác không còn người chỉ huy, sẽ hành động rối loạn đấm đá lẫn nhau. Rồi các ông sẽ thấy, những tướng lãnh, những chính khách cầm quyền thay ông Diệm sẽ nghi kỵ lẫn nhau, thanh toán nhau, tranh giành nhau và gây thêm nhiều xáo trộn chính trị mới, nhiều hỗn loạn xã hội mới. Tôi là kẻ tin vào những uy lực thiêng liêng, nên tôi cho rằng không một việc làm nào dựa trên cái chết của kẻ khác, nhất là cái chết của chủ mình, thầy mình mà có thể tốt đẹp được. Dân chúng Việt Nam lên án nặng nề những kẻ phản vua phản thầy. Hay những kẻ dự phần vào cuộc đảo chánh cũng sẽ mang nặng cái mặc cảm đó, và sẽ lúng túng trong những nỗ lực để chạy tội mà không làm được gì khá. Họ sẽ mất tự tin, bị dằn vặt bởi những hối hận, những mặc cảm tội lỗi vì hầu hết họ đều được ông Diệm đào tạo nên, đưa từ chỗ tối tăm lên địa vị cao sang, cho nên cái bóng lớn của ông Diệm không thể nào phai nhoà trong tâm trí họ được, dù thân xác ông Diệm đã tan rã. Lãnh đạo mà thiếu tự tin thì làm sao gây tin tưởng cho dân chúng được?
Người Mỹ đối diện với tôi gật gù có vẻ đồng ý. Tôi trầm ngâm một lúc rồi tiếp:
- Những việc vừa xảy ra được đặt tên là một cuộc cách mạng, nhưng như ông thấy và mọi người Việt Nam chúng ta đều thấy không có gì đáng được gọi là một cuộc cách mạng hết. Những căn bản xã hội không thay đổi. Những tệ đoan xã hội không bị bãi bỏ, trái lại sẽ trầm trọng hơn, những bất công và chênh lệch xã hội sẽ nặng nề hơn. Tục ngữ Việt Nam chúng tôi có câu: Đục nước béo cò. Những hỗn loạn sắp tới sẽ làm cho tình hình trong nước chúng tôi chẳng khác nào một vũng nước đục, làm cho những con cá nhỏ, những người dân nghèo đói thiệt thòi hơn và đó là cơ hội tốt nhất để bọn hoạt động chính trị, bọn con buôn chiến tranh lợi dụng làm giàu, bóc lột. Những kẻ thay thế ông Diệm ngày nay không có tư tưởng, chính sách, sáng kiến gì khác hơn ông Diệm, trái lại những việc làm của họ chỉ là những học hỏi từ ông Diệm, và học hỏi không thuộc kỹ, áp dụng sai lầm. Dân chúng nhìn vào những người đó chẳng hạn ông Nguyễn Ngọc Thơ, Thủ tướng hiện nay, đã là một Phó Tổng thống vô quyền dưới thời ông Diệm và sẽ không thấy có gì mới lạ, gây được phấn khởi, hào hứng. Dân chúng sẽ nghĩ rằng đây là cái phần xấu, coi phần tệ của ông Diệm được dịp đem ra chưng bày, và tai hại hơn nữa, không còn ông Diệm để lãnh đạo và dạy bảo họ. Những thành phần chính phủ là những chuyên viên hạng hai nếu không nói là còn tệ hơn thế. Trước đây họ giữ chức giám đốc trong một chế độ trung ương tập quyền, nghĩa là họ không hề có dịp đưa ra sáng kiến, mà chỉ ngoan ngoãn thi hành lệnh. Nay họ làm bộ trưởng làm sao để một sớm một chiều họ có thể có khả năng đảm trách chức vụ mới? Dân chúng Việt Nam nhìn vào họ làm sao có thể tin tưởng họ làm được gì khác hơn chế độ cũ. Vì những lý lẽ trình bày trên, tôi tin chắc rằng chế độ gọi là cách mạng này sẽ không làm được gì tốt, và tình hình chung sẽ không sáng sủa hơn chút nào. Những mong ước mà dư luận và báo chí Mỹ đặt vào cuộc đảo chánh sẽ không thành tựu được. Người Mỹ rồi sẽ còn hối hận và tiếc đã mất ông Diệm hơn dân chúng Việt Nam nhiều.
Ông Giám đốc viện trợ Mỹ nghe tôi nói vậy có vẻ suy nghĩ lắm, một lúc sau ông gọi điện thoại cho ông Đại sứ Henry Cabot Lodge, và dứt cuộc điện đàm ông cho tôi biết rằng Đại sứ Lodge rất muốn gặp tôi. Tôi về nhà được mấy tiếng đồng hồ, chỉ chiều đó có người đại diện của Toà đại sứ Mỹ đến nói là ông Lodge muốn gặp tôi ngay và xe đã chờ sẵn.
Đây là lần đầu tiên tôi gặp ông Lodge, Nét mặt, dáng điệu của ông làm cho tôi nhớ đến hình ảnh một "Businessman" thành công đầy tự tin khinh bạc và kiêu ngạo, tuy nhiên bề ngoài và trong lời ông hết sức niềm nở, cởi mở, vui vẻ. Câu chuyện giữa tôi và ông Lodge cũng bắt đầu như câu chuyện với ông Giám đốc viện trợ Mỹ, nhưng tôi trình bày các nhận định của tôi cặn kẽ hơn.
Cuối cùng ông Lodge có vẻ thành khẩn tha thiết hỏi tôi:
- Theo ý cha thì bây giờ chúng ta phải làm cách nào để thành công, để thoát qua những khó khăn mà cha nêu lên?
Tôi mỉm cười:
- Đáng lý các ông đã tính đến chuyện này trước khi có cuộc đảo chánh mới phải chớ, tôi không phải là một chính trị gia, cũng không tham dự gì vào những biến động vừa qua, cho nên tôi không thể đưa ra một giải pháp nào toàn vẹn, nhưng tôi nghĩ rằng nếu muốn thành công phải làm cách nào để gây được và nuôi dưỡng được niềm phấn khởi, hào hứng, tin tưởng trong dân chúng. Sự thay đổi chính trị này đem lại một yếu tố thuận là đem lại cho dân chúng nhất là phía những người không thích ông Diệm một niềm hy vọng tương lại sẽ khá hơn. Nhưng nếu không hành động gấp thì chỉ ít lâu là dân chúng sẽ thất vọng chán chường và hết tin tưởng nổi vào chế độ mới. Mặt khác không phải tất cả chế độ ông Diệm đều sai lầm, vậy thì phải cố gắng duy trì những thành công tốt của ông Diệm. Tôi đang nghe người ta đồn rằng ấp chiến lược bị phá bỏ, các cán bộ ấp và thanh niên chiến đấu đang bị giải giới. Hẳn là ông hiểu cái gì sẽ xảy ra ở nông thôn sau đó, và ai sẽ được lợi, ai chịu thiệt hại.
Một việc phải làm khác là tránh thanh toán người của chế độ cũ, và làm sao kết hợp các đảng phái, các phần tử đối lập thành hai ba lực lượng chính trị mạnh, có thực lực, có quần chúng. Nếu không thể làm được việc này thì tôi thấy chỉ có một cách, giao quyền hành cho quân đội. Ít ra trật tự còn được duy trì.
Câu chuyện giữa tôi và ông Lodge chấm dứt ở đây. Khi đề cập đến việc nên tránh những vụ thanh toán, trả thù người chế độ cũ, tôi đã nghĩ đến trường hợp ông Cẩn và những người của chế độ hiện đang trốn tránh hay bị giam cầm. Trong đó dĩ nhiên có một vài người có tội, nhưng số đông chỉ là những kẻ hành động theo lệnh, và do đó thực tình họ chẳng có tội lỗi gì.
Nếu chỉ vì theo chế độ cũ mà trừng phạt thì cả những tướng lãnh và những nhân vật đang ở trong tân chế độ cũng đáng trừng phạt lắm, vì chính họ đã từng là người của chế độ cũ.
Những chuyện thanh toán và trừng phạt những người chế độ cũ đang xảy ra, nhưng theo tôi thấy thì không đến nỗi qui mô và tàn bạo như tôi lo sợ. Không có những cuộc đàn áp, bắt bớ, xử bắn tập thể. Cũng không nghe nói đến những vụ thủ tiêu rùng rợn, ngoại trừ một vài trường hợp lẻ loi và như tôi có lần trình bày, những kỳ thị tôn giáo và chính trị ngắn tuy có nhưng không lấy gì làm trầm trọng lắm.
Chỉ có điều đáng ngại, là sau ngày đảo chánh, giá sinh hoạt vọt lên cao, vật giá đắt đỏ chưa từng thấy, dân chúng đang cơn say sưa chính trị ngắn ngủi bắt đầu nghĩ đến chuyện thực tế, và ca thán khắp nơi về nạn vật giá leo thang. Những con đường tiếp tế bị cắt đứt, những hệ thống phân phối bị tắt nghẽn, và nhiều vùng thiếu thốn các nhu yếu phẩm.
Vào khoảng cuối tháng mười một, tôi ra Huế. Máy bay đang lượn trên sân bay Phú Bài, tôi đã nhìn thấy nhiều đám đông tụ họp trên bãi đất trống trước phòng khách sân bay này. Hàng đoàn xe gắn máy và xe lam, xe hơi đậu dài trên đường từ sân bay Phú Bài hướng về thành phố Huế. Một vài biểu ngữ đã được căng ra.
Tôi vừa bước xuống khỏi máy bay, lập tức một đám sinh viên học sinh nhào đến, dành nhau trèo lên thang máy bay, và tôi chưa kịp làm một cử chỉ gì hay nói một lời nào thì các sinh viên đã công kênh tôi lên vai đến trước đám đông sinh viên đang tụ họp. Tiếng reo hò ầm ĩ, tôi không còn nghe rõ tiếng nào thành tiếng nào.
Sau một vài phút lộn xộn, những sinh viên công kênh tôi dừng lại trước đám đông sinh viên. Tôi nhận ra những khuôn mặt quen thuộc, trong đó có một số giáo sư, khoa trưởng đã cộng tác với tôi lâu năm. Bây giờ đám đông đã hơi yên lặng đôi chút, và những tiếng hoan hô nghe đã rõ.
Tôi cảm động nhưng không khỏi lo ngại. Sự bồng bột này của các sinh viên làm cho nhiệm vụ của tôi trở nên khó khăn hơn. Làm sao tôi vừa có thể thoả mãn những đòi hỏi của sự khôn ngoan, của tình thế? Sự đón tiếp hôm nay càng nồng nhiệt bao nhiêu thì sau này nếu tôi không thành công trong nhiệm vụ khó khăn, sự thất vọng của họ lại càng lớn hơn bấy nhiêu. Tôi chỉ vẫy tay chào các sinh viên học sinh, và hình như chỉ lẩm bẩm một vài tiếng cám ơn.
Các sinh viên lại công kênh tôi ra xe. Đoàn người đón tiếp tôi kéo dài trên trăm thước.
Đến Huế, một đám sinh viên khác không có phương tiện lên Phú Bài đã chờ sẵn, nhập đoàn, rước tôi qua cầu Trường Tiền, chợ Gia Hội rồi mới quay trở về Toà Viện trưởng Đại học Huế. Bây giờ tôi bước lên thềm đại học, đứng trước hàng ngàn sinh viên học sinh vẫy tay chào, tôi yêu cầu im lặng, rồi nói một vài lời. Thực tình tôi rất cảm động, cho nên giọng nói của tôi có phần ấp úng:
- Bây giờ chúng ta đã lật qua một trang lịch sử. Những hận thù, hiểu lầm, kỳ thị nên chôn theo dĩ vãng. Mọi người Việt Nam chúng ta, dù là Công giáo hay Phật giáo đều chung một số phận khốn đốn như nhau hết. Moi người Việt Nam chúng ta, nhất là thành phần trí thức, giáo sư, sinh viên, phải đoàn kết lại để viết một trang sử đẹp đẽ hơn, ít lầm lỗi hơn, nhiều hứa hẹn hơn.
Các sinh viên reo hò inh ỏi, nhiều anh em đứng gần chạy lại ôm chầm lấy tôi. Một đại diện sinh viên đứng ra bày tỏ nỗi hân hoan được gặp lại tôi, cám ơn chính phủ cách mạng đã thoả mãn yêu cầu của anh em, và tỏ ý tin tưởng rằng sự hợp tác giữa tôi và các anh em sinh viên học sinh Huế sẽ bền chặt và tốt đẹp.
Bên Giòng Lịch Sử 1940 - 1965 Bên Giòng Lịch Sử 1940 - 1965 - Cao Văn Luận Bên Giòng Lịch Sử 1940 - 1965