Nghị lực và sự kiên nhẫn cần có cho bất kỳ ai, ở bất kỳ vị trí nào.

Theodore F. Merseles

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 389 / 40
Cập nhật: 2019-11-10 14:20:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15 - Hiperbôn Hay Parabôn
ó thể người ta sẽ ngạc nhiên khi thấy Barbicane và các bạn đồng hành của ông không mấy lo lắng về tương lai mà cái nhà tù bằng kim loại đang lao trong không gian vô tận kia đã dành cho họ. Thay vì tự hỏi họ đang đi đâu như thế, họ lại dùng thời giờ để làm những cuộc thí nghiệm như thể họ đang ngồi bình an thoải mái trong phòng làm việc.
Người ta có thể đáp rằng những người đã được tôi luyện vượt lên trên thứ lo lắng ấy, họ không quan tâm về điều tuế toái như vậy, và họ có chuyện khác để làm hơn là lo nghĩ về số phận mai sau của họ.
Sự thật họ không làm chủ được vật phóng cho họ, họ không thể ngừng lại cũng không thể đổi hướng bay được. Một thủy thủ có thể đổi hướng tàu chạy theo ý mình, một người lái khí cầu có thể cho khí cầu lên hoặc xuống. Còn họ, trái lại, họ không có một ảnh hưởng nào đối với con tàu của họ.
Họ không thể điều khiển được gì. Tất cả phải để mặc, cứ “để chạy” nói theo ngôn ngữ của hàng hải.
Họ đang ở đâu vào lúc tám giờ sáng ngày 6 tháng mười hai hôm đó? Chắc chắn đang ở trong vùng lân cận nguyệt cầu, và còn gần đến nỗi trông nó như một tấm màn chắn cả bầu trời, về khoảng cách với Mặt Trăng thì không thể nào tính được. Đầu đạn bị đẩy đi bởi những lực không giải thích được, đã bay sát cực Bắc của nguyệt cầu không đầy năm mươi kilômét. Nhưng trong hai giờ qua, kể từ khi nó đi vào chóp bóng tối, thì cái khoảng cách này đã tăng hay giảm? Không có một điểm chuẩn nào để ước tính hướng và vận tốc của đầu đạn. Có thể là nó đang bay nhanh ra xa nguyệt cầu và chẳng mấy chốc sẽ ra khỏi vùng bóng tối. Có thể ngược lại, nó đang tiến dần đến gần và sắp đụng vào một đỉnh cao nào đó ở bán cầu không nhìn thấy được kia, và như thế là chấm dứt cuộc du hành, đương nhiên là chấm dứt luôn cuộc đời của những nhà du hành.
Một cuộc tranh luận lại nổ ra về đề tài này, và Michel người luôn giàu trí tưởng tượng, đã đưa ra ý kiến cho rằng quả đạn chịu áp lực của sức hút Mặt Trăng, sau cùng sẽ rơi xuống đó như một thiên thạch rơi xuống mặt địa cầu.
- Có điều là – Barbicane đáp lại lời của anh ta – không phải tất cả những thiên thạch đều rơi xuống Trái Đất anh bạn ạ. Chỉ một số nhỏ thôi. Cho dẫu chúng ta biến thành một thiên thạch đi nữa cũng không chắc là chúng ta sẽ đến được bề mặt của nguyệt cầu.
- Nhưng – Michel đáp – nếu chúng ta đến rất gần thì sao?
- Lầm to! – Barbicane vặn lại – Anh đã không thấy có thời kỳ hằng hà sa số sao xẹt[23] trên bầu trời từ bao đời nay đó à?
[23] Dịch từ “étoile filante” (ND).
- Có chứ.
- Thế, những ngôi sao này, đúng hơn là những vật thể nhỏ này, chỉ sáng lên với điều kiện chúng bốc cháy khi trượt trên những lớp khí quyển. Nếu chúng băng ngang khí quyển, chúng cũng cách địa cầu không đầy mười sáu dặm, thế mà hoạ hoằn lắm chúng mới rơi xuống mặt đất. Đối với đầu đạn của chúng ta cũng vậy. Nó có thể đến rất gần Mặt Trăng nhưng sẽ không rơi xuống đó.
- Nhưng – Michel hỏi – tôi muốn biết con tàu phiêu lưu của chúng ta sẽ xử sự thế nào trong không gian.
- Tôi chỉ thấy có hai giả thuyết – Barbicane đáp sau một hồi suy nghĩ.
- Giả thuyết như thế nào?
- Đầu đạn sẽ chọn một trong hai đường vẽ toán học, tuỳ theo vận tốc của nó, và vận tốc này, tôi chưa thể ước tính được.
- Vâng – Nicholl nói – nó sẽ bay theo một đường parabôn hoặc một đường hiperbôn.
- Đúng thế – Barbicane đáp – Với một vận tốc nào đó, nó sẽ bay theo một đường parabôn, và với một vận tốc lớn hơn nó sẽ bay theo đường hiperbôn.
- Tôi thích những từ to tát này – Michel Ardan reo lên – Người ta biết ngay chúng có nghĩa gì. Vậy cái đường parabôn của ông là cái gì thế? Xin ông làm ơn cho biết.
- Anh bạn ạ – Nicholl giảng giải – parabôn là một đường cong bậc hai tạo nên bởi một hình nón tròn xoay cắt mặt phẳng song song với một đường thẳng của mặt nón.
- À! À!- Michel làm ra vẻ hiểu biết.
- Gần giống với đạn đạo của một quả đạn súng cối – Nicholl lại nói.
- Đúng. Thế còn hiperbôn? – Michel hỏi.
- Này Michel ạ, hiperbôn là một đường cong bậc hai tạo nên nhờ sự giao nhau của một mặt nón tròn xoay với mặt phẳng song song với trục của mặt nón, và tạo thành hai nhánh xa nhau đi về hai hướng đến vô hạn.
- Có thể như vậy! – Michel Ardan kêu lên như thể người ta vừa cho anh biết một điều quan trọng – Hãy nhớ lấy điều này ông đại uý Nicholl ạ. Điều tôi thích trong cái định nghĩa của ông về hiperbôn – mà tôi suýt gọi là hipeblagơ – là việc định nghĩa nó lại ít rõ ràng hơn chính từ mà ông định nghĩa!
Nicholl và Barbicane ít bận tâm đến những lời bông đùa của Michel Ardan. Họ lao vào một cuộc tranh luận khoa học. Đầu đạn sẽ bay theo đường nào, đó mới chính là điều họ đang mải mê suy nghĩ. Người cho là hiperbôn, kẻ lại bảo là parabôn. Họ cho x mọi trị số. Những lý lẽ được trình bày bằng một thứ ngôn ngữ làm Michel phải giật mình. Cuộc tranh cãi thật gay go, không đối thủ nào chịu nhường cho người khác đường cong mà họ đã chọn.
Cuộc tranh luận khoa học cứ kéo dài mãi, sau cùng làm Michel phải lo lắng, anh nói.
- Ái chà! Các ông Cosin ạ, các ông có chịu thôi nghĩ đến những thứ parabôn và hiperbôn đó nữa không? Tôi chỉ muốn biết mỗi việc lý thú trong chuyện này thôi. Được, chúng ta sẽ bay theo một trong hai đường của các ông. Nhưng chúng sẽ mang chúng ta đi đâu?
- Không biết – Nicholl đáp.
- Sao lại không biết?
- Rõ ràng đó là những đường không khép kín, những đường kéo dài đến vô cực! – Barbicane đáp.
- Chà! Các nhà bác học ơi, – Michel la lên – tôi van các ông! Parabôn hoặc hiperbôn thì có quan trọng gì trong khi cả hai đều đưa chúng ta đến không gian vô tận!
Barbicane và Nicholl không thể nhịn được cười. Họ vừa mới làm một việc “nghệ thuật vị nghệ thuật”[24]. Họ đã làm một vấn đề không đâu vào đâu trong lúc không hợp tình hợp lý chút nào. Sự thật phũ phàng là dù đầu đạn có bay theo đường hiperbôn hoặc đường parabôn thì nó cũng không bao giờ gặp được Trái Đất lẫn Mặt Trăng.
[24] Dịch từ “de l’art pour l’art” (ND).
Điều gì xảy ra với những nhà du hành gan dạ này trong một tương lai rất gần đây? Nếu họ không chết đói hoặc chết khát, thì trong một vài ngày nữa đây, khi khí đã hết, họ sẽ chết vì thiếu không khí, nếu cái lạnh đã không giết chết họ trước!
Việc tiết kiệm khí là rất quan trọng nhưng trái lại việc nhiệt độ hạ thấp quá lại buộc họ phải dùng một số lượng khí nào đó. Họ có thể không cần đến ánh sáng, nhưng không thể bỏ qua nhiệt lượng được. Rất may là nhiệt lượng do máy Reiset – Regnault cung cấp đã làm tăng lên một chút nhiệt độ bên trong đầu đạn, và dầu không tốn lắm, người ta vẫn có thể giữ nhiệt độ ở mức có thể chịu được.
Nhưng việc quan sát qua cửa sổ lúc này đã trở nên khó khăn. Độ ẩm bên trong quả đạn đóng lại trên cửa kính đông lại ngay. Phải phá bỏ bóng mờ trên kính bằng cách chà cọ. Tuy nhiên người ta có thể nhận thấy một vài hiện tượng rất có lợi. Thật vậy, nếu nguyệt cầu không nhìn thấy kia có một lớp khí quyển, thì người ta sẽ không thấy được những sao xẹt trong lớp khí quyển này, làm thế nào người ta lại khỏi nghe thấy một âm thanh nào đó vọng từ Mặt Trăng, những tiếng gầm của một cơn dông chẳng hạn hoặc những tiếng ầm ầm của tuyết lở, hoặc tiếng núi lửa nổ. Và nếu một ngọn núi lửa nào đó bắn tung toé những tia chớp, làm thế nào người ta lại không thấy được những ánh lửa lớn đó? Những sự kiện như thế, nếu được thấy rõ, sẽ đặc biệt làm sáng tỏ vấn đề chưa được giải quyết về sự cấu tạo của nguyệt cầu. Vì thế, Barbicane, Nicholl đứng bên cửa sổ kiên nhẫn quan sát như những nhà thiên văn.
Nhưng cho đến lúc đó, Mặt Trăng vẫn câm lặng và tối om. Nó không chịu giải đáp những câu hỏi dồn dập mà những con người hăng say đó đặt ra.
Điều này đem lại cho Michel ý nghĩ.
- Nếu được bắt đầu lại chuyến du hành này, chúng ta sẽ tính toán kỹ để chọn cho đúng lúc có trăng tròn.
- Đúng thế – Nicholl đáp – trong một hoàn cảnh như vậy sẽ thuận lợi hơn. Tôi đồng ý là trong khi chúng ta đang bay, sẽ không nhìn thấy Mặt Trăng vì nó được những tia sáng Mặt Trời chiếu vào, nhưng ngược lại người ta sẽ thấy được Trái Đất, vì lúc ấy nó đang sáng. Hơn nữa, nếu chúng ta có bay chung quanh Mặt Trời trong lúc như thế, ít ra cũng thấy được mặt khuất của Mặt Trăng, vì lúc ấy nó sẽ sáng rực rỡ.
- Ông nói đúng đó, ông Nicholl ạ – Michel Ardan đáp – Ông nghĩ thế nào, ông Barbicane?
- Tôi đang nghĩ điều này – Ông chủ tịch điềm tĩnh đáp – Nếu có lúc nào đó chúng ta bắt đầu lại chuyến du hành, chúng ta sẽ khởi hành cũng cùng lúc như thế này và trong cùng những điều kiện như thế này. Giả sử chúng ta đến được mục tiêu, được nhìn thấy đất liền trong lúc trời sáng có phải hay hơn là nhìn một nơi đang chìm ngập trong bóng đêm không? Sự sắp đặt của chúng ta trước đây không phải là giải pháp hay sao? Vâng, dĩ nhiên là thế. Còn mặt khuất này, chúng ta sẽ viếng thăm trong những lúc đi thám hiểm trên Mặt Trăng. Vậy, lúc trăng tròn là thời điểm chúng ta chọn đúng. Nhưng phải đi đến đích và để đến được đích, thì đừng bị lệch đường bay.
- Điều đó còn phải nói gì nữa – Michel Ardan tiếp – Như vậy là mất một dịp may để quan sát phần bên kia của nguyệt cầu! Không chừng người của những hành tinh khác lại không hơn gì những nhà bác học của địa cầu kiến thức về những vệ tinh của họ.
Đối với nhận xét của Michel Ardan, người ta có thể trả lời dễ dàng như sau: Phải, những vệ tinh khác vì rất gần nên dễ nghiên cứu hơn. Những người dân ở Thổ Tinh, Mộc Tinh, Thiên Vương Tinh, nếu có, dễ bắt liên lạc với mặt trăng của họ hơn. Bốn vệ tinh của Mộc Tinh bay chung quanh hành tinh này với những khoảng cách: một trăm lẻ tám ngàn hai trăm sáu mươi dặm, một trăm bảy mươi hai ngàn hai trăm dặm, hai trăm bảy mươi bốn ngàn bảy trăm dặm và bốn trăm năm mươi ngàn một trăm ba mươi dặm. Nhưng những khoảng cách này tính từ tâm của hành tinh, nên nếu trừ đi chiều dài của bán kính tức từ mười bảy đến mười tám ngàn dặm, người ta thấy rằng vệ tinh thứ nhất cách xa bề mặt của Mộc Tinh không bằng Mặt Trăng cách bề mặt Trái Đất. Với tám mặt trăng của Thổ Tinh đã có bốn cái gần hơn rồi: Diane cách tám mươi bốn ngàn sáu trăm dặm, Thétys cách sáu mươi hai ngàn chín trăm sáu mươi sáu dặm, Encelade cách bốn mươi tám ngàn một trăm chín mươi mốt dặm, và sau cùng Mimas với khoảng cách trung bình chỉ là ba mươi bốn ngàn năm trăm dặm. Tám vệ tinh của Thiên Vương Tinh thì cái thứ nhất là Ariel chỉ cách hành tinh có năm mươi mốt ngàn năm trăm hai mươi dặm.
Như vậy ở bề mặt của thiên thể này một cuộc thí nghiệm của ông chủ tịch Barbicane sẽ gặp ít khó khăn hơn. Nếu người ở những nơi đó thử thám hiểm, họ có thể biết được cấu tạo nửa bên kia của vệ tinh mà họ không bao giờ thấy đó[25]. Nhưng nếu họ không bao giờ rời khỏi hành tinh của họ thì họ sẽ không hơn gì những nhà thiên văn của Trái Đất.
[25] Herschel đã nhận thấy rằng sự quay trên trục của những vệ tinh luôn luôn bằng sự quay chung quanh hành tinh. Vì thế ông ta chỉ luôn luôn thấy được một mặt của những vệ tinh này mà thôi. Chỉ ở Thiên Vương Tinh là có một hiện tượng khác biệt: những mặt trăng của hành tinh này di chuyển theo quỹ đạo và chúng chuyển động ngược chiều, nghĩa là những vệ tinh này di chuyển theo một chiều ngược lại với chiều của những hành tinh khác trong Thái Dương hệ (chú thích của tác giả).
Trong khi đó quả đạn vẫn đang bay trong bóng tối theo lộ trình không tính được vì không có một điểm chuẩn nào. Hướng bay của nó có bị thay đổi không do ảnh hưởng của sức hút Mặt Trăng hoặc dưới tác động của một thiên thể vô danh nào đó? Barbicane không thể nói được. Nhưng đã có một sự thay đổi của vị trí con tàu, và Barbicane đã nhận thấy điều này vào lúc bốn giờ sáng.
Sự thay đổi như thế này, đáy của đầu đạn quay về bề mặt nguyệt cầu và nằm trên đường thẳng đứng với trục của nó. Sức hút, tức trọng lực, đã gây ra sự thay đổi này. Phần nặng của quả đạn nghiêng về phía mặt khuất kia như thể nó sẽ rơi xuống.
Nó có rơi xuống không? Sau cùng những nhà du hành sẽ đến được mục tiêu mong ước! Không. Sự quan sát dựa trên một điểm chuẩn hơi khó giải thích cho Barbicane thấy rằng đầu đạn của ông không bay lại gần Mặt Trăng và nó đang di chuyển theo một đường cong gần như đồng tâm.
Điểm chuẩn này là một tia sáng mà Nicholl bất chợt thấy ở rìa chân trời tạo nên bởi cái đĩa tối đen kia. Điểm này không thể nào là một ngôi sao được. Đó là một điểm nóng sáng màu đỏ nhạt đang lớn dần, điều này chứng tỏ không thể chối cãi được rằng, đầu đạn đang di chuyển tới đó và nó không rơi thẳng đứng xuống bề mặt của nguyệt cầu.
- Một núi lửa! Một núi lửa đang nổ! – Nicholl kêu lên – Những tia lửa từ bên trong nguyệt cầu tràn ra. Như vậy có nghĩa là thiên thể này chưa tắt hẳn.
- Phải! Một vụ nổ – Barbicane đáp, ông chăm chú nghiên cứu hiện tượng bằng ống nhòm nhìn ban đêm – Sẽ là cái gì nếu không phải là núi lửa?
- Nhưng – Michel Ardan nói – để cháy được như thế cần phải có không khí. Như vậy phải có một bầu khí quyển bao quanh phần đất này của nguyệt cầu.
- Có thể – Barbicane đáp – nhưng không cần phải thế. Bằng cách phân tích một chất nào đó ta thấy núi lửa có thể tự cung cấp ôxi và phóng ra khoảng không những ngọn lửa. Theo tôi thì hình như sự bùng nổ này có cường độ và độ chói của những vật bị đốt cháy bằng ôxi nguyên chất. Chúng ta đừng vội khẳng định có một bầu khí quyển trên Mặt Trăng.
Ngọn núi lửa đó phải nằm ở vào khoảng vĩ tuyến bốn mươi lăm độ Nam ở phía khuất của Mặt Trăng. Nhưng Barbicane rất bực bội vì đường cong mà đầu đạn đang bay lại đưa ông đi xa điểm có vụ nổ. Vì vậy ông không thể nào xác định thật chính xác được bản chất của nó. Nửa giờ sau khi thấy, điểm sáng này lại biến mất sau chân trời tối thẳm. Nhưng dẫu sao thấy được hiện tượng này cũng là một sự kiện lớn trong việc nghiên cứu Mặt Trăng. Nó chứng tỏ nhiệt lượng chưa hoàn toàn hết hẳn ở trong lòng của quả cầu này và nếu nhiệt lượng còn thì ai có thể quả quyết là giới thực, động vật tồn tại được cho đến nay không bị thế lực nào tiêu diệt? Hiện tượng núi lửa mà các nhà thiên văn ở Trái Đất nhận thấy sẽ làm cho người ta nghiêng hơn về giả thuyết có khả năng sống được trên nguyệt cầu.
Barbicane mải mê suy nghĩ. Ông mơ màng trong thế giới bí ẩn của nguyệt cầu. Ông tìm cách liên kết các sự kiện đã quan sát được với nhau, ngay lúc đó một hiện tượng mới lạ xảy ra đưa ông về với thực tại.
Sự kiện này không chỉ là một hiện tượng trong vũ trụ mà là một mối nguy đang đe doạ và hậu quả của nó khó lường được hết.
Thình lình, giữa lớp khí ête tối đen sâu thẳm, xuất hiện một khối khổng lồ, trông giống như một mặt trăng, nhưng là một mặt trăng rực lửa, nó phá tan bóng tối phũ phàng của không gian bằng một thứ ánh sáng chói không thể chịu nổi. Cái khối hình tròn này cũng chiếu sáng rực cả đầu đạn.
Gương mặt của Barbicane, Nicholl và Michel cũng ở trong luồng ánh sáng trắng mà nhà vật lý tạo ra bằng cách để cho rượu cồn trộn muối cháy lên, trông họ nhợt nhạt và có vẻ quái dị.
- Quỷ thần! – Michel Ardan kêu lên – Trông chúng ta gớm ghiếc quá! Cái gì bất ngờ thế này?
- Một sao băng – Barbicane đáp.
- Một sao băng bốc cháy trong chân không à?
- Phải.
Quả cầu lửa này đúng là một sao băng. Barbicane không lầm đâu. Nhưng trong khi những sao băng kia nhìn từ Trái Đất chỉ là những vệt sáng yếu ớt với ánh sáng của Mặt Trăng thì ở đây trong không gian tối đen này chúng lại sáng chói. Những vật thể lang thang này tự nó có thể bốc cháy. Chúng bùng cháy không cần có khí chung quanh. Thật vậy, có những sao băng ở một khoảng cách không hề có những lớp khí quyển. Sao băng xuất hiện ngày 27 tháng mười năm 1844 hay ở độ cao một trăm tám mươi tám dặm, sao băng ngày 15 tháng tám, năm 1841 biến mất cách mặt đất một trăm tám mươi hai dặm, tất cả thuộc loại sao băng nói trên. Một vài sao băng to đến ba bốn kilômét và vận tốc có thể lên đến bảy mươi lăm kilômét trên giây[26] và bay ngược chiều với sự di chuyển của Trái Đất.
[26] Vận tốc trung bình của địa cầu bay ở đường hoàng đạo chỉ có 30 km/giây (ND).
Quả cầu bay đột ngột xuất hiện trong bóng tối cách đó một trăm dặm này, theo ước tính của Barbicane phải có đường kính là hai ngàn mét. Nó lao tới trước với vận tốc khoảng hai kilômét trên giây nghĩa là ba mươi dặm mỗi phút. Nó cắt ngang đường bay của đầu đạn và trong vài phút nữa nó sẽ đến đó. Càng đến gần nó càng to khủng khiếp.
Hãy tưởng tượng hoàn cảnh của các nhà du hành lúc ấy. Không thể nào diễn tả hết. Họ đứng yên lặng lẽ, tay chân co rúm, hốt hoảng tột cùng.
Cái đầu đạn mà họ không thể điều khiển đâm thẳng vào khối lửa dữ tợn như thể nó đang lao vào một hố lửa vậy.
Barbicane nắm lấy tay của hai người bạn đồng hành và cả ba nheo mắt nhìn thiên thể sáng rực này. Nếu ý nghĩ chưa vụt tắt trong đầu họ, nếu đầu óc họ còn làm việc trong kinh hoàng chắc họ phải nghĩ rằng họ sẽ chết mất.
Hai phút trôi qua sau khi sao băng bất ngờ xuất hiện – hai phút mà như hai thế kỷ tuyệt vọng! – đầu đạn có vẻ chuẩn bị đâm bổ vào nó, thì quả cầu lửa nổ như một quả bom, nhưng không gây một tiếng động nào vì âm thanh chẳng qua là sự chấn động những lớp không khí nên ở đây không thể nào gây ra âm thanh được.
Nicholl hét lớn, ông và các bạn đồng hành lao đến cửa sổ.
Thật là một cảnh tượng khủng khiếp! Bút nào có thể tả được, màu nào có thể vẽ được cái cảnh huy hoàng đó?
Trông nó giống như miệng núi lửa nổ tung, một đám cháy khổng lồ bắn tung toé. Hàng ngàn hàng vạn mảnh lửa vạch ngang vạch dọc không gian. Đủ cỡ, đủ màu, đủ sắc thái hoà lẫn vào nhau, màu vàng nhạt, màu đỏ, màu xanh, màu xám lan tỏa ra tạo thành một vòng pháo hoa muôn màu. Quả cầu to tướng và khủng khiếp chỉ còn là một mảnh vụn vung vãi khắp nơi, những mảnh vụn này lại trở thành những kiểu thiên thể, cái thì cháy bùng như một thanh gươm lửa, cái thì được bao bọc bằng một lớp mây bạc, có cái để lại phía sau những vết bụi vũ trụ sáng ngời.
Những khối nóng chảy này bay giao nhau đụng nhau, vung vãi, thành những mảnh nhỏ hơn, có những mảnh va vào đầu đạn. Tấm cửa kính ở bên trái bị nứt vì một cái va quá mạnh nào đó. Trông chẳng khác nào đầu đạn đang bay giữa một trận mưa đạn mà chỉ cần một quả đạn nhỏ cũng đủ tiêu huỷ nó ngay.
Ánh sáng toả khắp không gian sáng rực lên bởi những tiểu thiên thể này đang bay tứ tung ở đó. Có lúc sáng đến nỗi Michel vừa lôi Barbicane và Nicholl lại bên cửa sổ anh đang đứng vừa gào lên.
- Mặt Trăng không nhìn thấy bây giờ nhìn thấy được rồi kia kìa!
Và cả ba trong một thoáng vụt sáng đã thấy được cái đĩa trăng bí mật mà lần đầu tiên mắt người nhìn thấy được.
Họ nhận ra những gì ở khoảng cách mà họ không thể ước tính được trước kia. Một vài dải đất dài trên nguyệt cầu, những đám mây ở nơi có lớp khí quyển rất mỏng nào đó, từ chỗ ấy nhô lên không những núi non mà còn có cả những địa hình khác như những núi vòng giống miệng núi lửa há hốc rải rác đây đó. Tất cả như ở mặt nhìn thấy bên kia. Rồi khoảng không gian mênh mông, không còn là đồng bằng khô cằn mà là biển thật, đại dương rộng mênh mông phản chiếu trên mặt nước tất cả cái đám lửa sáng rực ma quái này của không gian. Sau cùng, trên mặt đất liền là những khối lớn tối om dưới ánh sáng kia trông nó giống như những cánh cung.
Một ảo giác chăng? Hay một sự đánh lừa của thị giác, họ có thể đưa ra xác quyết có tính chất khoa học trong một thoáng nhìn như thế này không? Họ dám tuyên bố về vấn đề có thể ở được sau khi chỉ nhìn thoáng qua cái bề mặt không thấy được đó không?
Cùng lúc đó, những tia chớp loé trong không gian từ từ yếu dần, những tiểu thiên thể chạy vụt đi theo các lộ trình khác nhau và tắt ngấm ở đằng xa. Không gian trở lại tối đen như thường lệ, những vì sao sau một hồi bị khoả lấp, lại lấp lánh trên bầu trời, và Mặt Trăng vừa mới thoáng thấy, lại mất hút trong bóng đêm bí hiểm.
Bay Quanh Mặt Trăng Bay Quanh Mặt Trăng - Jules Verne Bay Quanh Mặt Trăng