Sometimes your joy is the source of your smile, but sometimes your smile can be the source of your joy.

Thich Nhat Hanh

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 389 / 40
Cập nhật: 2019-11-10 14:20:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13 - Phong Cảnh Mặt Trăng
ào lúc hai giờ rưỡi sáng, quả đạn bay ngang vĩ tuyến ba mươi của Mặt Trăng, và cách Mặt Trăng một ngàn kilômét, nhìn qua ống kính thì chỉ còn cách mười kilômét. Nhưng chắc chắn không thể nào đến được dù chỉ một nơi trên Mặt Trăng. Vận tốc của đầu đạn rất nhỏ, ông chủ tịch Barbicane không thể giải thích được. Với một khoảng cách gần Mặt Trăng như thế này chắc chắn đầu đạn phải có một lực rất lớn mới có thể cưỡng lại được lực hút của Mặt Trăng. Đó là một hiện tượng vẫn chưa lý giải được, vả lại không có thời giờ để tìm ra nguyên nhân. Địa hình của Mặt Trăng đang hiện ra trước mắt những nhà du hành và họ không muốn bỏ mất một chi tiết nào.
Nhìn Mặt Trăng qua ống kính chỉ còn cách hai dặm rưỡi. Một nhà du hành khi cách Trái Đất một khoảng như vậy có thể phân biệt những gì trên bề mặt? Người ta không thể trả lời được vì khí cầu bay cao nhất cũng không quá tám ngàn mét.
Nhưng đây là khung cảnh mà Barbicane và các bạn đồng hành của ông thấy được ở độ cao đó.
Màu sắc rất khác nhau hiện ra từng mảng một trên Mặt Trăng. Những nhà nghiên cứu về Mặt Trăng không đồng ý với nhau về bản chất của những màu sắc này. Chúng khác biệt nhau và nổi bật hẳn lên. Julius Schmidt cho rằng nếu những đại dương của Trái Đất khô đi thì một nhà quan sát người nguyệt cầu trên Mặt Trăng sẽ không phân biệt được những sắc thái khác nhau giữa những đại dương và đồng bằng ở địa cầu trong khi một nhà quan sát ở Trái Đất thấy điều đó rất rõ trên Mặt Trăng. Theo ông, cái màu chung cho những đồng bằng rộng lớn có cái tên “Biển” đó là màu xám sẫm có pha màu xanh và màu nâu. Một vài miệng núi lớn cũng có cái màu này.
Barbicane biết ý kiến đó của nhà nghiên cứu Mặt Trăng người Đức này, các ông Beer và Moedler cũng đồng nhất quan điểm đó. Ông nhận thấy rằng sự quan sát tận mắt đã củng cố lý lẽ chống lại một số nhà thiên văn học cho là bề mặt của Mặt Trăng chỉ có màu xám. Ở một vài nơi, màu xanh lục trông rất rõ như theo Julius Schmidt mà người ta thấy ở các Biển Yên Tĩnh và Phẫn Nộ chẳng hạn. Barbicane cũng lựa ý kiến những miệng núi lửa lớn không có chóp ở bên trong phát ra một màu xanh nhạt tương tự như màu xám phản chiếu từ một tấm tôn được chà láng. Đây là những màu sắc thật của Mặt Trăng, không phải là kết quả của sự khiếm khuyết của ống kính quan sát hay sự ảnh hưởng của[21] lớp khí quyển Trái Đất như một số nhà thiên văn học đã nghĩ. Đối với Barbicane không có gì nghi ngờ về việc này. Ông nhìn qua khoảng không và lần này không thể bị sai lệch vì quang học được. Ông cho là sự kiện những màu sắc khác nhau này có thể giải thích được bằng khoa học. Có phải những sắc thái của màu xanh lục là do cây cối vùng nhiệt đới được một bầu không khí dày và thấp nuôi dưỡng chăng? Ông chưa thể khẳng định được điều đó.
[21] Phần in nghiêng do người hiệu đính dịch bổ sung (Caruri).
Xa hơn một chút, ông chú ý đến một màu đỏ nhạt trông rất rõ. Và ông cũng trông thấy một sắc thái tương tự dưới đáy của một vòng vây lẻ loi, dưới cái tên là đai vòng Lichtenberg nằm gần dãy Hercynien trên đường viền Mặt Trăng. Nhưng ông không thể biết được bản chất của nó.
Ông không thỏa mãn lắm về một quan điểm đặc biệt khác của Mặt Trời, vì ông không thể xác định chính xác được nguyên nhân. Đây là điểm đặc biệt đó.
Michel Ardan đứng quan sát cạnh Barbicane, anh chú ý thấy những đường dài màu trắng, sáng rực dưới những tia sáng chiếu thẳng của Mặt Trời: Đó là một loạt những vệt sáng rất khác nhau toả chung quanh mà họ vừa mới thấy trước đây ở ngọn Copernic. Những vệt sáng ấy chạy dài song song nhau.
Michel với cái thói quen bộc trực kêu lên.
- Kìa, những cánh đồng được trồng trọt!
- Những cánh đồng được trồng trọt à? – Nicholl nhún vai hỏi lại.
- Ít ra cũng đã được cày bừa – Michel Ardan nói – Nhưng những nông dân nguyệt cầu nào và những con bò khổng lồ nào phải cày những luống cày như thế nhỉ?
- Đó không phải là những luống cày, đó là những đường nứt – Barbicane nói.
- Đường nứt cũng được, chỉ có điều giới khoa học cho những đường nét đó là những cái gì?
Barbicane cho anh bạn đồng hành của ông biết ngay những gì ông biết được về những đường nứt trên Mặt Trăng. Ông biết rằng đó là những vệt nhìn thấy ở khắp những phần đất không phải là núi, những vệt này rải rác, lẻ loi, dài từ bốn đến năm mươi dặm, rằng bề rộng thay đổi từ một ngàn đến một ngàn năm trăm mét và chúng chạy song song với nhau. Nhưng ông không biết gì thêm nữa, cả về sự hình thành lẫn bản chất của chúng.
Barbicane quan sát qua ống nhòm thật cẩn thận những đường nứt này. Ông chú ý thấy bờ của chúng dốc đứng. Đó là những bờ thành song song và nếu tưởng tượng một chút, người ta có thể tin rằng đó là những dãy công sự do các kỹ sư nguyệt cầu xây dựng nên.
Những đường nét này có cái thật thẳng như được vạch theo dây căng, có cái thì hơi cong nhưng bờ của chúng vẫn song song. Một số đường bắt chéo nhau, một số khác thì cắt ngang miệng núi lửa. Ở chỗ này chúng chạy ngang những miệng vòng như Posidonius hoặc Petavius. Ở chỗ kia, chúng vạch ngoằn ngoèo trên biển, như Biển Yên Tĩnh chẳng hạn.
Những chỗ lồi lõm tự nhiên đã làm cho những nhà thiên văn học trên Trái Đất tha hồ tưởng tượng. Lúc đầu, người ta không khám phá thấy những đường nứt này. Hình như cả Hévélius lẫn Cassini, La Hire, Herschel đều không biết đến chúng. Năm 1789 chính Schroeter lần đầu tiên lưu ý những nhà bác học về những đường vạch này. Những người khác như Pastorff, Gruithuysen, Beer, Moedler tiếp tục nghiên cứu sau đó. Ngày nay thì số lượng những đường vạch đó được phát hiện đã lên tới bảy mươi đường. Nhưng nếu người ta đã tính được số lượng những đường vạch đó thì lại chưa xác định được bản chất của chúng. Đó chắc chắn không phải là những công sự phòng thủ, cũng chẳng phải là những lòng sông đã khô cạn, một mặt vì nước ở bề mặt của Mặt Trăng rất nhẹ, không thể nào đào được những đập tràn như vậy, mặt khác những đường vạch này thường chạy ngang những miệng núi lửa nằm trên cao.
Tuy nhiên phải công nhận là Michel Ardan đã có một ý nghĩ mà trong trường hợp này, ý anh không ngờ lại gặp ý của Julius Schmidt.
- Tại sao những thứ không giải thích được đó lại không phải chỉ là những hiện tượng canh tác trồng trọt nhỉ?
- Anh muốn nói gì? – Barbicane hỏi.
- Đừng nổi nóng, thưa ông chủ tịch đáng kính – Michel đáp lại – Những đường tối sẫm chạy ngang đó, cũng có thể là những hàng cây được bố trí đều đặn chứ?
- Anh vẫn bám vào cây cối của anh sao?
- Tôi giải thích điều mà các ông, những nhà bác học, không giải thích được! – Michel Ardan vặn lại – Ít ra giả thuyết của tôi có cái lợi là chỉ cho thấy lý do tại sao những đường vạch này biến mất hoặc có vẻ biến mất ở những thời kỳ đều đặn nào đó.
- Lý do nào?
- Vì cây cỏ ấy khi rụng lá không thể thấy được nhưng ta thấy được khi chúng đâm lá non.
- Sự giải thích của anh khéo đấy, anh bạn đồng hành của tôi ạ – Barbicane đáp – Nhưng không thể chấp nhận được.
- Tại sao thế?
- Bởi vì có thể nói không có mùa ở trên Mặt Trăng và vì thế những hiện tượng trồng trọt canh tác mà anh nói đó không thể xảy ra được.
Thật vậy, độ nghiêng của đường trục Mặt Trăng không bao nhiêu nên Mặt Trời vẫn luôn ở một cao độ không thay đổi trên mỗi đường vĩ tuyến. Trên vùng xích đạo, Mặt Trời vẫn luôn nằm ở thiên đỉnh và không vượt giới hạn của chân trời đối với những vùng địa cực. Như vậy, đối với vùng nào đó, hoặc là mùa đông, mùa xuân, mùa hè, hoặc mùa thu thì cứ thế chỉ có duy nhất một mùa đó mà thôi, cũng giống như trường hợp của Mộc Tinh, trục của nó cũng nghiêng rất ít đối với quỹ đạo của nó.
Do đâu mà có những đường vạch này? Vấn đề thật khó giải quyết. Chắc là chúng có sau những miệng núi lửa và những đai vòng, bởi vì nhiều đường vạch như thế chạy ngang phá huỷ những bờ thành vòng tròn. Như vậy, chúng có thể cùng thuộc thời kỳ địa chất sau cùng và do bành trướng của những lực tự nhiên mà hình thành.
Lúc đó đầu đạn bay ngang đường vĩ tuyến bốn mươi của Mặt Trăng và cách nó không quá tám trăm kilômét. Cảnh vật xuất hiện trong tầm ống kính như chỉ ở cách xa hai dặm. Ở vị trí này thì dưới chân họ là ngọn Hélicon cao năm trăm lẻ năm mét và ở bên trái là những ngọn đồi thấp chiếm một phần nhỏ của Biển Mưa, có tên là vịnh Iris.
Bầu khí quyển Trái Đất phải trong suốt hơn bảy mươi lần hiện tại thì các nhà thiên văn học mới có thể quan sát được đầy đủ bề mặt của Mặt Trăng. Trong khi đó, đầu đạn đang trôi trong một khoảng không, không có một lớp chất lỏng nào xen vào giữa mắt người quan sát và vật thể được nhìn. Hơn nữa, Barbicane đang ở một khoảng cách mà những ống kính viễn vọng của John Ross lẫn kính viễn vọng ở Núi Đá không có được. Như vậy đây là những điều kiện rất thuận lợi để giải quyết vấn đề lớn về khả năng có thể sống được không của Mặt Trăng. Tuy nhiên, hiện ông ta vẫn chưa được câu giải đáp. Ông chỉ mới phân biệt được lòng sông khô cạn, những đồng bằng mênh mông và những dãy núi khô cằn ở phía Bắc. Không một công trình nào chứng tỏ có bàn tay của con người. Không một dấu tích đổ nát nào chứng tỏ sự có mặt của họ. Không có một nhóm động vật nào cho thấy đời sống của chúng đã phát triển ở đó, dù ở mức độ thấp. Cũng không có một sự chuyển động nào. Không một vẻ gì chứng tỏ có sự tồn tại của việc canh tác trồng trọt. Trên địa cầu có ba thành phần địa chất thì trên Mặt Trăng chỉ có khoáng chất.
- Chà chà! – Michel Ardan đáp – Cho đến lúc này thì không. Không có một người nào, một con vật nào, một cây nào. Dẫu sao, khí quyển có nằm sâu ở đáy những lỗ trũng, bên trong những vành đai hoặc trên mặt bên kia của Mặt Trăng hay không, chúng ta không thể đoán được.
- Vả lại – Barbicane nói thêm – dẫu cho mắt có nhìn tinh hơn nữa ta cũng không thể nào thấy được một con người ở một khoảng cách xa hơn bảy kilômét. Vậy, nếu có người nguyệt cầu, họ có thể nhìn thấy đầu đạn của chúng ta, nhưng chúng ta không thể thấy họ được.
Vào lúc bốn giờ sáng, ở trên vĩ độ năm mươi khoảng cách chỉ còn sáu trăm kilômét. Ở bên trái có một dãy núi méo mó trông khác thường hiện rõ dưới ánh nắng. Và bên phải, ngược lại có một cái lỗ đen ngòm như một cái giếng lớn không dò thấy và tối om đục sâu trong đất Mặt Trăng.
Màu đen này khó gặp thấy ở bề mặt của nguyệt cầu. Người ta chỉ còn gặp thấy ở dưới sâu đai vòng Endymion, nằm ở phía Đông Biển Lạnh ở Bắc bán cầu và ở đáy đai vòng Grimaldi, nằm trên đường xích đạo ở bờ phía Đông của Mặt Trăng.
Platon là một ngọn núi vành khăn tròn nằm ở 51° vĩ Bắc và 9° kinh Đông. Đai vòng của nó dài chín mươi hai kilômét và rộng sáu mươi mốt kilômét. Barbicane tiếc không bay ngang thẳng đứng trên cái miệng mênh mông của nó. Ở đó còn một vực thẳm cần thăm dò, có thể ở đó có nhiều điều làm người ta ngạc nhiên. Nhưng lộ trình của đầu đạn không thể thay đổi được. Phải đành chịu vậy thôi. Người ta không thể điều khiển được những khí cầu, lại càng không thể làm được đối với những quả đạn, khi người ta bị nhốt bên trong.
Vào lúc năm giờ sáng, biên giới phía Bắc của Biển Mưa sau cùng đã được vượt qua. Còn lại những ngọn núi La Condamine và Fontenelle, một ngọn nằm ở bên trái, một ngọn nằm ở bên phải. Phần Mặt Trăng này kể từ vĩ độ sáu mươi trở đi gồm toàn là núi non. Ống nhòm đưa nó lại gần còn cách xa một dặm, tức khoảng cách nhỏ hơn khoảng cách giữa đỉnh ngọn Mont Blanc với mặt biển. Tất cả vùng này đầy những đỉnh núi và đai vòng, ở vĩ độ bảy mươi có ngọn Philolus, cao ba ngàn bảy trăm mét với cái miệng hình êlíp dài mười sáu dặm, rộng bốn dặm.
Mặt Trăng nhìn ở khoảng cách này càng trông rất quái dị. So với Trái Đất nó nhỏ hơn và quang cảnh nhìn cũng khác hẳn.
Mặt Trăng không có bầu khí quyển, việc thiếu cái vỏ khí này gây ra những hậu quả đã cho thấy. Không có hoàng hôn trên mặt đất, đêm tiếp nối ngày và ngày theo sau đêm giống như một chiếc đèn vụt tắt rồi vụt cháy giữa cõi tối tăm sâu thẳm. Không có một sự chuyển tiếp từ lạnh sang nóng, nhiệt độ nước sôi phút chốc rơi xuống độ lạnh của không gian.
Một hậu quả khác của việc thiếu bầu không khí là chuyện này: bóng tối bao phủ hoàn toàn nơi nào ánh sáng Mặt Trời không đến được. Cái mà người ta gọi là ánh sáng khuếch tán trên Trái Đất, cái chất sáng mà không khí treo lơ lửng đó, cái tạo ra những buổi hoàng hôn và những buổi bình minh, tạo ra bóng tối và vùng nửa tối nửa sáng và tất cả cái ma thuật sáng lờ mờ đó, không có trên Mặt Trăng. Từ đó chỉ có sự đối nghịch phũ phàng giữa hai màu đen và trắng. Một người nguyệt cầu cho mắt tránh những tia sáng Mặt Trời, bầu trời sẽ tối om và những ngôi sao sẽ sáng trước mắt anh giống như trong những đêm tối trời nhất.
Người ta có thể suy ra cái cảm giác của Barbicane và hai người bạn của ông trước cái hiện tượng lạ đời này. Mắt họ quáng lên, chúng không thể định được những khoảng cách khác nhau nữa. Một phong cảnh của Mặt Trăng, nếu không giảm nhẹ bằng hiện tượng tranh sáng tranh tối, sẽ khiến một người hoạ sĩ phong cảnh của Trái Đất không thể nào tái hiện được. Chỉ là những chấm mực trên tờ giấy trắng, chỉ có vậy mà thôi.
Cảnh tượng này không hề thay đổi, cả khi vật phóng bay ngang vĩ độ tám mươi, và chỉ còn cách Mặt Trăng một trăm kilômét; cả lúc năm giờ sáng, khi nó bay cách ngọn núi Gioja năm mươi kilômét, khoảng cách mà ống nhòm rút ngắn lại còn một phần tám dặm, trông như thể sờ được Mặt Trăng bằng tay. Trông như quả đạn thế nào cũng chạm phải cực Bắc của Mặt Trăng lúc ấy đang nổi bật lên trên nền trời đen thẳm. Michel Ardan muốn mở một cánh cửa sổ để lao xuống Mặt Trăng. Rơi từ trên độ cao mười hai dặm xuống, anh không tính đến chuyện đó. Dầu sao đó cũng là một toan tính vô ích. Vì nếu đầu đạn không chạm được một điểm nào đó của Mặt Trăng thì Michel sẽ bị cuốn hút đi theo với nó và không thể nào đến đó được.
Lúc ấy là sáu giờ sáng, cực của Mặt Trăng hiện ra. Vầng trăng chỉ còn thấy sáng có một nửa, trong khi nửa kia chìm vào bóng tối. Thình lình vật phóng vượt qua đường ranh giới giữa ánh sáng và bóng tối hoàn toàn và đột nhiên rơi vào trong bóng đêm sâu thẳm.
Bay Quanh Mặt Trăng Bay Quanh Mặt Trăng - Jules Verne Bay Quanh Mặt Trăng