Within you, I lose myself. Without you,

I find myself wanting to be lost again.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 389 / 39
Cập nhật: 2019-11-10 14:20:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4 - Một Ít Đại Số
êm đã trôi qua không có rắc rối gì. Thật ra từ “đêm” ở đây không được chính xác. Vị trí của vật phóng đối với Mặt Trời không thay đổi gì. Ngày đang diễn ra ở phần trên của quả đạn và đêm đang ở phần dưới. Vì vậy trong câu chuyện này, hai từ ngày và đêm được dùng để chỉ khoảng thời gian trôi qua giữa lúc Mặt Trời mọc và lúc Mặt Trời lặn trên Trái Đất.
Giấc ngủ của những nhà du hành càng êm đềm bao nhiêu, mặc dầu họ đang ở trong đầu đạn phóng với tốc độ rất nhanh, thì đầu đạn lại có vẻ như đứng yên bấy nhiêu. Không một chuyển động nào làm họ có cảm giác nó đang bay trong không gian. Sự chuyển động dẫu có nhanh đi nữa vẫn không dẫn đến một tác động cụ thể nào trên thân thể họ trong khi đầu đạn bay trong chân không hoặc khi khối lượng không khí cùng bay theo nó. Ai trên Trái Đất có thể nhận ra tốc độ của mình? Ai chú ý làm gì đến tốc độ chín mươi ngàn cây số một giờ? Sự chuyển động trong những điều kiện như thế chẳng ý thức được thì khác nào sự đứng yên. Cho nên ai cũng thờ ơ về điều đó. Một vật đang đứng yên, nó sẽ tiếp tục yên lặng cho đến khi một lực nào đó bên ngoài đẩy nó đi. Nếu nó đang chuyển động nó sẽ không ngừng lại nếu không có một vật cản nào chặn đường đi của nó. Tính chất đó đối với sự chuyển động và đứng yên gọi là quán tính.
Vì thế, một khi bị nhốt bên trong đầu đạn, Barbicane và các bạn đồng hành của ông có thể tin là họ đang đứng yên tuyệt đối. Mặt khác, họ cũng có cảm giác như vậy nếu họ ở bên ngoài. Nếu Mặt Trăng không càng ngày càng lớn ở trên đầu họ và ở phía dưới họ, nếu Trái Đất không nhỏ dần đi chắc họ sẽ cho rằng họ đang trôi trong tình trạng tù hãm, bất động hoàn toàn.
Sáng hôm đó, ngày 3 tháng 12, họ bỗng tỉnh dậy vì một tiếng động vui vẻ nhưng bất ngờ. Đó là tiếng gà gáy vang lên trong toa tàu.
Michel Ardan choàng phắt dậy trước tiên, anh leo lên đỉnh đầu đạn mở một cái thùng đậy nắp.
- Mày có câm không nào! – Anh thấp giọng – Con vật này sẽ làm hỏng mưu đồ của mình mất.
Nhưng Nicholl và Barbicane đã thức dậy.
- Một con gà trống à? – Nicholl nói.
- Ồ không! Các bạn ạ – Michel nhanh nhảu đáp – chính tôi đã muốn đánh thức các ông bằng cái giọng đồng quê đó!
Nói rồi, anh tròn miệng giả tiếng gà gáy thật vang y hệt một chú gà tốt tiếng.
Hai ông bạn người Mỹ không thể nào nín cười được.
- Một tài năng hiếm có đấy – Nicholl vừa nói vừa thoảng nghi ngờ người bạn đồng hành của mình.
- Vâng – Michel đáp – một trò vui của xứ sở tôi. Nó rất Pháp. Người ta giả làm gà gáy cả trong những ngày hội long trọng nhất.
Rồi anh lái câu chuyện.
- Barbicane, ông biết tôi nghĩ gì cả đêm qua không?
- Không – ông chủ tịch đáp.
- Nghĩ đến những ông bạn của chúng ta ở Cambridge. Ông đã biết đó, tôi là người mù tịt về toán học. Tôi không thể nào biết được những nhà bác học của chúng ta ở đài quan sát làm thế nào có thể tính được vận tốc ban đầu của đầu đạn khi ra khỏi nòng khẩu Columbiad để phóng đến Mặt Trăng.
- Anh muốn nói – Barbicane đáp lại – để đi đến cái điểm trung tính, nơi lực hút của Trái Đất và của Mặt Trăng cân bằng nhau, vì từ điểm nằm ở khoảng chín phần mười cuộc hành trình này, vật phóng sẽ rơi xuống Mặt Trăng chỉ nhờ chính trọng lực của nó?
- Đúng thế – Michel đáp – nhưng tôi xin lặp lại câu hỏi, làm thế nào họ có thể tính được vận tốc ban đầu.
- Không gì dễ bằng – Barbicane đáp.
- Và ông biết làm bài toán này chứ? – Michel Ardan hỏi.
- Chắc chắn rồi. Nicholl và tôi, cả hai chúng tôi sẽ làm việc này nếu đài quan sát không tha cho chúng tôi công việc mệt nhọc ấy.
- Ông Barbicane – Michel Ardan nói tiếp – chẳng thà người ta chặt đầu, chặt chân tôi còn hơn bắt tôi giải một bài toán như thế.
- Vì anh không biết đại số đó thôi – Barbicane bình thản đáp.
- Chà! Các ông khá thật, những người sống bằng con số x ạ! Các ông nghĩ là sẽ nói được tất cả khi nói lên hai chữ đại số.
- Michel – Barbicane nói – anh tin là người ta có thể rèn mà không cần búa hoặc cày ruộng mà không cần cái cày chăng?
- Khó có chuyện đó.
- Cũng thế, đại số là một dụng cụ, cũng như cái cày hay cái búa, và đó là một dụng cụ tốt đối với ai biết dùng nó.
- Nói nghiêm chỉnh chứ?
- Rất nghiêm chỉnh.
- Và ông có thể sử dụng cái dụng cụ đó trước mặt tôi chứ?
- Nếu anh thích.
- Và tôi cho thấy bằng cách nào người ta có thể tính vận tốc ban đầu của con tàu chúng ta chứ?
- Vâng, anh bạn thân mến ạ. Nếu biết được tất cả những yếu tố của bài toán khoảng cách từ trung tâm Trái Đất đến trung tâm Mặt Trăng, bán kính Trái Đất, khối lượng Trái Đất, khối lượng Mặt Trăng, tôi có thể tìm ra vận tốc ban đầu của vật phóng một cách chính xác và chỉ cần dùng một công thức đơn giản thôi.
- Chúng ta hãy thử xem công thức đó.
- Anh sẽ được xem. Chỉ có điều, tôi sẽ không cho anh biết đường bay cong thật sự của quả đạn giữa Mặt Trăng và Trái Đất, trong khi tính luôn cả chuyển động của hai thiên thể này quanh Mặt Trời. Không. Tôi sẽ xem hai thiên thể này như những điểm bất động, như vậy là đủ.
- Tại sao thế?
- Vì như vậy sẽ là tìm lời giải thích cho vấn đề mà người ta thường gọi là “bài toán tính tam thể” mà toán tích phân cũng chưa đủ trình độ để giải nó.
- Thế thì – Michel Ardan ranh mãnh nói – toán học không giải quyết được dứt khoát à?
- Chắc chắn là không – Barbicane đáp.
- Tốt! Có thể người Mặt Trăng tiến xa hơn các ông về tính tích phân đấy! Và luôn thể, tính tích phân là cái gì vậy?
- Đó là một bài tính ngược lại với tính vi phân – Barbicane trả lời nghiêm túc.
- Rất cám ơn!
- Nói cách khác, đó là một bài toán mà nhờ đó người ta tìm được những đại lượng hữu hạn khi người ta biết được vi phân.
- Ít ra là rõ ràng như thế – Michel đáp với vẻ thoả mãn.
- Và bây giờ – Barbicane nói tiếp – với một mảnh giấy, một mẩu bút trong nửa giờ tôi có thể tìm ra được công thức cần giải đáp.
Nói xong, Barbicane chăm chú vào công việc của ông, trong khi đó Nicholl quan sát không gian, mặc cho người bạn đồng hành chuẩn bị bữa ăn sáng.
Chưa đầy nửa giờ sau, Barbicane ngẩng đầu lên, đưa cho Michel Ardan xem một trang giấy chi chít những con số và dấu, ở giữa nổi bật lên cái công thức tổng quát này:
logotve
- Cái đó có nghĩa gì? – Michel hỏi.
- Có nghĩa là – Nicholl đáp – một phần hai của v bình phương trừ v zêrô bình phương, bằng gr nhân với r trên x trừ một, cộng m phẩy trên m nhân với r trên d trừ x, trừ r trên d trừ r…
- x trên y leo lên z và đè lên p – Michel Ardan cười phá lên – Và ông hiểu cái đó chứ, ông đại uý?
- Không có gì rõ ràng hơn.
- Sao? – Michel nói – Quá rõ đi chứ, và tôi không còn đòi gì thêm nữa.
- Anh chàng suốt đời đùa cợt! – Barbicane đáp lại – Anh muốn có đại số, và anh sẽ có đến tận cổ!
- Chẳng thà người ta treo cổ tôi còn hơn!
- Thật vậy – Nicholl vừa nói vừa nhìn cái công thức với vẻ hiểu biết – như thế này là đúng rồi, ông Barbicane ạ. Đó chính là tích phân của phương trình những lực sinh động, và tôi tin chắc nó sẽ cho chúng ta kết quả mong muốn!
- Nhưng tôi muốn hiểu mà! – Michel nói – Tôi có thể hy sinh mười năm cuộc đời một ông Nicholl để hiểu được cái công thức đó.
- Vậy hãy nghe đây, – Barbicane lại nói tiếp – Một phần hai của v bình phương trừ cho v zêrô bình phương, chính là công thức cho chúng ta biết một nửa giá trị biến đổi của vận tốc.
- Được, và ông Nicholl có biết điều đó nghĩa là gì không?
- Dĩ nhiên là biết, Michel ạ – ông đại uý đáp – Tất cả những ký hiệu này đối với anh có vẻ bí hiểm, nhưng chúng lại là một thứ ngôn ngữ trong sáng nhất, rõ ràng nhất, và hợp lý nhất đối với người biết đọc nó.
- Và ông cho rằng – Michel hỏi, – bằng những thứ chữ tượng hình rắc rối hơn là loại chữ hình chim của Ai Cập này, ông có thể tìm ra được vận tốc ban đầu của vật phóng?
- Đúng thế – Nicholl đáp – nhờ công thức này tôi còn có thể nói cho anh biết vận tốc của nó ở bất kỳ một điểm nào trong lộ trình của nó nữa.
- Ông giữ lời hứa chứ?
- Giữ lời hứa.
- Vậy ông cũng tài giỏi như ông chủ tịch của chúng ta chứ gì?
- Không, Michel ạ. Điều khó thì ông Barbicane đã làm rồi – là lập một phương trình bao gồm được tất cả dữ kiện của bài toán. Việc còn lại chỉ là một vấn đề của số học và chỉ cần bốn phép tính.
- Thế cũng đã là khá rồi đấy! – Michel Ardan đáp. Vì anh ta cả đời có bao giờ làm đúng một bài toán cộng đâu, và anh ta định ra luật này: “Một thứ trò chơi vỡ óc cho phép tìm những tổng số vô cùng khác nhau”.
Nhưng Barbicane đáp lại rằng, nếu Nicholl chịu khó suy nghĩ thì cũng đã tìm ra công thức đó.
- Tôi không dám chắc – Nicholl nói – vì càng nghiên cứu công thức này, tôi càng thấy đó là một công thức tuyệt vời.
- Michel ạ, bây giờ anh hãy nghe đây – Barbicane nói với người bạn dốt nát của ông – anh sẽ thấy tất cả những con số này đều có một ý nghĩa.
- Tôi nghe đây – Michel nói với vẻ nhẫn nhục.
- d chính là khoảng cách từ trung tâm của Trái Đất đến trung tâm của Mặt Trăng, vì muốn tính đến những lực hút phải tính từ tâm.
- Tôi hiểu điều đó.
- r là bán kính của Trái Đất.
- r, bán kính. Được rồi.
- m là khối lượng của Trái Đất, m phẩy là khối lượng của Mặt Trăng. Phải tính đến khối lượng của hai vật thể hút nhau vì sức hút tỷ lệ với những khối lượng.
- Rõ.
- g chỉ trọng lực, tức vận tốc của vật thể rơi trên mặt đất trong mỗi giây. Sáng tỏ chưa?
- Rõ như nước suối ấy chứ! – Michel đáp.
- Bây giờ, tôi đặt x để chỉ khoảng cách thay đổi giữa đầu đạn với tâm của Trái Đất, và v là vận tốc của đầu đạn ở vào khoảng cách này.
- Được.
- Sau cùng, v số không trong phương trình là vận tốc của quả đạn lúc ra khỏi tầng khí quyển.
- Đúng thế – Nicholl nói – phải tính vận tốc ở điểm này, bởi vì chúng ta đã biết vận tốc lúc khởi hành bằng ba phần hai vận tốc lúc ra khỏi tầng khí quyển.
- Tôi không hiểu nổi nữa! – Michel nói.
- Nhưng rất đơn giản mà – Barbicane nói.
- Không đơn giản bằng tôi – Michel đáp lại.
- Điều đó có nghĩa khi đầu đạn của chúng ta vừa ra khỏi tầng khí quyển nó đã mất đi một phần ba vận tốc ban đầu.
- Đến thế kia à?
- Phải, anh bạn ạ, vì sự cọ xát của nó với những lớp khí quyển. Anh biết rằng nó càng đi nhanh thì lực cản của không khí càng lớn.
- Tôi đồng ý điều đó – Michel đáp – và tôi hiểu điều đó, mặc dù những chữ v số không, và những v số không bình phương của ông lục cục trong đầu tôi như những cái đinh trong túi xách!
- Tác dụng đầu tiên của đại số là thế – Barbicane nói tiếp – Và bây giờ, để cho anh biết, chúng ta sẽ thay thế những con số vào những ký hiệu này, có nghĩa là cho những trị số.
- Hãy kết liễu đời tôi đi! – Michel đáp.
- Đối với những ký hiệu này – Barbicane nói – có cái thì biết được trị số, có cái còn phải tính đã.
- Tôi chịu trách nhiệm về những tính toán sau đó cho – Nicholl nói.
- Chúng ta hãy xem r – Barbicane nói tiếp – r là bán kính của Trái Đất, ở vĩ tuyến Florida, nơi khởi hành, bán kính là sáu triệu ba trăm bảy mươi ngàn mét, d tức khoảng cách từ tâm của Trái Đất đến tâm của Mặt Trăng, là năm mươi sáu lần bán kính của Trái Đất, như vậy là…
Nicholl nhanh nhảu tính.
- Như vậy là, ba trăm năm mươi sáu triệu bảy trăm hai mươi ngàn mét, lúc Mặt Trăng ở điểm cận địa, nghĩa là lúc nó ở gần Trái Đất nhất.
- Tốt, – Barbicane nói – Bây giờ m phẩy trên m tức tỷ lệ khối lượng Mặt Trăng với khối lượng Trái Đất, bằng một phần tám mươi mốt.
- Rất tốt – Michel nói.
- g trọng lực, ở Florida là chín phẩy tám mươi mốt mét. Như vậy gr bằng…
- Sáu mươi hai triệu bốn trăm hai mươi sáu ngàn mét vuông – Nicholl đáp.
- Và bây giờ đến gì nữa? – Michel Ardan hỏi.
- Bây giờ đổi ra số – Barbicane đáp – tôi sẽ tìm vận tốc v số không, tức vận tốc của vật phóng khi rời tầng khí quyển để đến điểm hấp lực tương ứng với vận tốc không. Vì lúc đó, vận tốc sẽ là không, nên tôi đặt nó bằng zero và x, khoảng cách của điểm trung hoà này, sẽ được tính bằng chín phần mười của d, tức khoảng cách giữa hai tâm.
- Tôi mơ hồ thấy nó phải là như vậy – Michel nói.
- Như vậy tôi sẽ có: x bằng chín phần mười d, và v bằng zero, công thức sẽ trở thành…
Barbicane viết nhanh lên giấy:
logotve
Nicholl hăm hở đọc và kêu lên.
- Đúng rồi! Đúng rồi!
- Rõ ràng chứ? – Barbicane hỏi.
- Rõ như ban ngày vậy[6]! – Nicholl đáp.
[6] Nguyên văn: Rõ ràng như viết chữ bằng lửa! (ND).
- Những con người gan dạ! – Michel thầm thì.
- Sau cùng anh có hiểu không nào? – Barbicane hỏi anh ta.
- Tôi hiểu ư? – Michel Ardan nói – Đầu tôi có thể vỡ mất!
- Như vậy – Barbicane lại tiếp tục – v zêrô bình phương bằng hai gr nhân với một, trừ mười r trên chín d, trừ một phần tám mươi mốt nhân với mười r trên d trừ r trên d trừ r.
- Và bây giờ – Nicholl nói – để có được vận tốc của quả đạn lúc ra khỏi khí quyển, chỉ còn có việc tính toán thôi.
Ông đại uý, vốn là người thực tiễn quen với mọi khó khăn, tính nhanh kinh khủng. Tính chia và tính nhân dài thòng dưới những ngón tay của ông. Những con số chiếm đầy trang giấy trắng. Barbicane đưa mắt theo dõi, trong khi Michel Ardan hai tay ôm đầu chịu đựng cơn đau đầu mới xuất hiện.
- Thế nào? – Barbicane hỏi sau nhiều phút im lặng.
- Tốt! Tính xong rồi – Nicholl đáp – v zêrô, tức vận tốc của đầu đạn khi ra khỏi tầng khí quyển để đến điểm hai lực hấp dẫn bằng nhau, phải là…
- Là bao nhiêu?… – Barbicane hỏi.
- Mười một ngàn năm mươi mốt mét, trong giây đầu tiên.
- Hả – Barbicane giật thót, hỏi – Ông nói sao.
- Mười một ngàn năm mươi mốt mét.
- Trời đất! – Ông chủ tịch kêu lên với một cử chỉ thất vọng.
- Ông làm sao vậy? – Michel Ardan kinh ngạc hỏi.
- Tôi sao à! Nhưng nếu lúc đó vận tốc đã giảm một phần ba vì sự cọ xát thì vận tốc ban đầu phải là…
- Mười sáu ngàn năm trăm bảy mươi sáu mét! – Nicholl đáp.
- Thế mà Đài quan sát Cambridge bảo rằng vận tốc mười một ngàn mét trong một giây là đủ để khởi hành và quả đạn của chúng ta chỉ bay với vận tốc đó.
- Thế thì sao? – Nicholl hỏi.
- Như vậy thì chưa đủ!
- Được.
- Chúng ta sẽ không đến được điểm trung hoà!
- Trời đất!
- Chúng ta sẽ không đi được nửa đường là đàng khác!
- Quả đạn quỷ tha ma bắt! – Michel Ardan vừa kêu vừa nhảy giật như để đầu đạn sắp chạm quả đất.
- Và như thế chúng ta sẽ rơi xuống lại Trái Đất!
Bay Quanh Mặt Trăng Bay Quanh Mặt Trăng - Jules Verne Bay Quanh Mặt Trăng