Những lần thất bại chính là hạt giống gieo mầm cho thành công sau này. Bạn có thể buồn nhưng đừng tuyệt vọng.

Khuyết danh

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 389 / 40
Cập nhật: 2019-11-10 14:20:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2 - Nửa Giờ Đầu Tiên
huyện gì xảy ra? Sự chấn động khủng khiếp vừa rồi đã gây ra hậu quả gì? Sự khéo léo của những nhà chế tạo đầu đạn mang lại kết quả tốt đẹp chứ? Sự va chạm vừa rồi có được giảm bớt nhờ những lò xo, nhờ bốn tấm đệm, nhờ những lớp nước và nhờ những bức chắn vững chắc không? Người ta có chế ngự được sức đẩy kinh khủng của vận tốc ban đầu mười một ngàn mét, vận tốc đủ để bay ngang Paris hoặc New York trong một giây? Đó tất nhiên là câu hỏi mà hàng ngàn người chứng kiến cảnh tượng hồi hộp ấy đã đặt ra. Họ quên mục đích của cuộc du hành để chỉ nghĩ đến những nhà du hành mà thôi! Và nếu có ai trong bọn họ – J.T. Maston chẳng hạn, có thể đưa mắt nhìn vào bên trong vật phóng, người ấy sẽ thấy gì?
Lúc bấy giờ không thấy gì cả. Bóng tối dày đặc bên trong quả đạn. Nhưng lớp vỏ hình trụ nón đã chịu đựng rất tốt. Không có một chỗ vỡ nào, không bị oằn, không bị méo mó chỗ nào. Vật phóng tuyệt vời không bị hề hấn gì khi thuốc đạn bùng cháy dữ dội, cũng chẳng bị chảy ra thành một đám mưa nhôm như người ta đã lo ngại.
Bên trong nhìn chung không lộn xộn gì mấy. Vài đồ vật bị bắn lên phía vòm, nhưng những vật quan trọng hình như không chịu ảnh hưởng gì của sức giật. Những dây chằng chúng còn nguyên vẹn.
Tấm đĩa di động bị trụt xuống tận đáy, sau khi vách ngăn bị vỡ và nước bị thoát ra, ba cái xác nằm bất động. Barbicane, Nicholl, Michel Ardan còn thở không? Vật phóng chỉ là một chiếc quan tài bằng kim loại chở ba cái xác vào không gian chăng?
Vài phút sau khi quả đạn bay đi, một trong những cái xác này động đậy, cánh tay cử động, cái đầu ngóc lên và anh ta đã quỳ gối được. Đó là Michel Ardan. Anh sờ soạng mình mẩy “ha” một tiếng rõ to rồi nói.
- Michel Ardan hoàn toàn nguyên vẹn. Ta hãy xem mấy người kia ra sao!
Anh chàng người Pháp can đảm, muốn đứng dậy, nhưng anh không đứng được. Đầu anh lắc lư, máu dồn lên đầu làm anh hoa cả mắt. Anh giống như một người say rượu.
- Barbicane – Anh nói – Giống như hậu quả của hai chai rượu Corton. Chỉ có điều là hơi khó nuốt hơn!
Rồi anh đưa tay sờ lên trán và xoa xoa vào thái dương, giọng rắn rỏi.
- Nicholl! Barbicane!
Anh lo lắng chờ đợi. Không một lời đáp, cũng chẳng có một tiếng thở ra cho biết tim của các bạn đồng hành của anh còn đập không. Anh lại gọi. Vẫn yên lặng.
- Quỷ thần! – Anh nói – Như thể họ đã rơi dập đầu từ tầng năm xuống đất vậy! Úi chà! – Anh nói thêm – Nếu một người Pháp có thể quỳ dậy chứ vì cớ gì mà hai người Mỹ lại không đứng lên được. Nhưng trước hết, ta hãy xem xét tình hình đã.
Ardan cảm thấy sức sống trở lại trong mình.
Dòng máu lắng dịu lại và tiếp tục tuần hoàn bình thường. Anh cố gắng tìm lại được thăng bằng. Anh đứng dậy và lấy từ trong túi ra một que diêm và chà xát cho nó bật cháy. Rồi anh đưa nó đến gần cái van của bình chứa khí đốt và thấy sáng lên.
Bình chứa không hề gì. Khí đốt không thoát ra ngoài. Vả chăng nếu khí đốt bị thoát ra thì anh đã ngửi được mùi, và Michel Ardan đâu dám đưa que diêm ngao du trong không khí đầy hydro như vậy.
Khí đốt hoà với không khí sẽ tạo ra một hỗn hợp nổ, và một vụ nổ như thế sẽ kết thúc điều mà sự chấn động mới mở đầu.
Van khí vừa bật cháy, Ardan khom người lên thân thể của các bạn đồng hành. Những cái xác này bị lộn chồng lên nhau như những khối trơ. Nicholl nằm trên Barbicane nằm dưới.
Ardan dựng ông đại uý dậy, đặt ông ngồi vào chiếc đi văng và xoa bóp thật mạnh. Sự xoa bóp khéo léo đã làm Nicholl tỉnh lại. Ông từ từ mở mắt và lấy lại được bình tĩnh ngay, ông nắm lấy tay của Ardan rồi nhìn quanh mình, ông hỏi.
- Barbicane ra sao rồi?
- Tuần tự từng người một – Michel Ardan điềm tĩnh đáp – Tôi bắt đầu ông trước ông Nicholl ạ, vì ông nằm trên. Bây giờ đến lượt Barbicane.
Nói xong, Ardan và Nicholl nâng ông chủ tịch Câu lạc bộ Đại Pháo và đặt ông nằm trên đi văng. Barbicane có vẻ bị nặng hơn các bạn đồng hành. Barbicane bị chảy máu, nhưng Nicholl yên tâm vì đó chỉ là một vết thương nhẹ ở vai. Ông cẩn thận rịt vết này lại.
Tuy nhiên, phải một lát lâu Barbicane mới tỉnh lại được. Chuyện này làm cho các bạn của ông rất lo lắng nhưng họ vẫn luôn tay xoa bóp cho ông.
- Ông ta vẫn thở mà – Nicholl vừa nói vừa áp tai gần ngực của người bị thương.
- Phải – Ardan đáp – Ông ta thở cũng như một người vẫn quen với công tác hàng ngày ấy. Hãy xoa bóp Nicholl ạ, chúng ta hãy xoa bóp mạnh lên.
Và hai ông thầy thuốc bất đắc dĩ làm việc cật lực và làm việc thật tốt đến độ sau đó Barbicane hồi tỉnh lại. Ông mở mắt ra, đứng dậy, nắm tay các bạn và câu đầu tiên của ông là câu hỏi.
- Nicholl, chúng ta đang đi chứ?
Nicholl và Ardan nhìn nhau. Họ vẫn chưa nghĩ đến vật phóng vì việc bận rộn đầu tiên của họ dành cho những nhà du hành chứ không phải cho toa tàu.
- Thế nào? Chúng ta đang đi à? – Michel Ardan lặp lại.
- Hay là chúng ta nằm yên trên đất Florida? – Nicholl hỏi.
- Hay ở đáy vịnh México? – Michel Ardan thêm vào.
- Đừng nói thế! – Chủ tịch Barbicane la lên.
Hai giả thuyết của các bạn đồng hành gợi ra làm ông xúc động.
Dẫu gì đi nữa người ta vẫn chưa có thể nói gì về tình trạng của quả đạn. Cái vẻ bất động và việc không liên lạc được với bên ngoài khiến những băn khoăn của họ không tìm được lời giải đáp. Có thể vật phóng đang du hành trong không gian. Có thể sau một thời gian ngắn được phóng lên, nó lại rơi xuống đất hoặc đang nằm trong vịnh México, vì bán đảo Florida không rộng lắm nên chuyện đó có thể xảy ra lắm chứ.
Tình huống thật nghiêm trọng, nhưng vấn đề thật thú vị. Cần phải xác định vấn đề này càng sớm càng tốt. Barbicane kích động, nhờ nghị lực tinh thần đã thắng được sự suy nhược về thể xác nên ông đứng dậy. Ông lắng tai nghe. Bên ngoài vẫn yên lặng như tờ. Dẫu sao thì lớp đệm dày cũng đủ cách ly tất cả tiếng động của Trái Đất. Tuy nhiên có một sự kiện làm Barbicane chú ý. Nhiệt độ bên trong vật phóng đặc biệt cao. Ông chủ tịch rút hàn thử biểu ra khỏi hộp đựng: bốn mươi lăm độ C.
- Phải rồi! – Bây giờ ông mới reo lên – Phải! Chúng ta đang đi! Cái nóng ngột ngạt này thấm từ những vách của vật phóng do sự cọ xát với lớp khí quyển. Nó sẽ giảm ngay thôi, vì chúng ta đang trôi trong khoảng chân không, và sau cái nóng ngột ngạt này, chúng ta phải chịu cái lạnh dữ dội.
- Sao? – Michel Ardan hỏi – Barbicane, theo ông thì chúng ta đang bay ra ngoài lớp khí quyển của Trái Đất à?
- Đúng vậy, Michel ạ. Anh hãy nghe đây. Bây giờ là mười giờ năm mươi phút. Chúng ta đã đi được khoảng tám phút. Nếu vận tốc ban đầu của chúng ta không bị giảm vì ma sát thì chỉ cần sáu giây cũng đủ để chúng ta vượt qua mười sáu dặm lớp khí quyển bao quanh Trái Đất.
- Rất đúng – Nicholl đáp – nhưng ông ước chừng vận tốc bị giảm bao nhiêu vì ma sát?
- Khoảng một phần ba, Nicholl ạ – Barbicane đáp – Giảm như vậy lớn quá, nhưng theo tôi thì đúng như thế. Nếu vận tốc ban đầu của chúng ta là mười một ngàn mét/giây thì lúc ra khỏi lớp khí quyển nó chỉ còn là bảy ngàn ba trăm ba mươi hai mét/giây. Dù sao đi nữa thì chúng ta cũng đã vượt qua khoảng cách đó rồi.
- Nếu thế – Michel Ardan nói – thì ông bạn Nicholl đã thua hai lần cuộc rồi: bốn ngàn đô la, vì khẩu Columbiad không vỡ tung, năm ngàn đô la, vì vật phóng đã bay cao hơn sáu dặm. Vậy Nicholl giữ lời hứa đi.
- Trước tiên hãy quan sát đã – ông đại uý đáp – rồi chúng ta sẽ thanh toán sau. Có thể những suy đoán của Barbicane là chính xác và tôi mất chín ngàn đô la. Nhưng một giả thuyết mới loé lên trong đầu tôi và nó sẽ vô hiệu hóa lời đánh cuộc kia.
- Giả thuyết gì? – Barbicane vội hỏi.
- Giả thuyết là vì một lý do nào đó, lửa không đốt cháy được thuốc nổ nên chúng ta chưa đi được một tí nào cả.
- Sao thế, ông đại uý? – Michel Ardan hỏi – Tôi không thể tưởng tượng nổi một giả thuyết như vậy! Hoàn toàn không đúng! Chúng ta không từng bị nhừ tử vì sự chấn động khủng khiếp đó sao? Không phải tôi đã làm ông tỉnh lại đó sao? Vai của ông chủ tịch không chảy máu vì cú giật đó sao?
- Đồng ý, Michel ạ – Nicholl đáp lại – nhưng chỉ một câu hỏi nữa thôi.
- Nào, ông đại uý hỏi đi.
- Anh có nghe tiếng nổ chắc chắn là kinh khủng kia không?
- Không – Ardan rất đỗi ngạc nhiên đáp – Thật vậy, tôi không nghe thấy tiếng nổ.
- Còn ông, Barbicane?
- Tôi cũng không.
- Thế thì sao? – Nicholl nói.
- Đúng vậy! – Ông chủ tịch thì thầm – Tại sao chúng ta không nghe tiếng nổ nhỉ?
Ba người bạn nhìn nhau vẻ bối rối. Đó là một vấn đề không thể giải thích được. Vật phóng đã bay đi và tiếng nổ phải xảy ra chứ?
- Trước tiên chúng ta phải xem chúng ta đang ở đâu – Barbicane nói – hãy hạ những tấm che xuống.
Công việc này vô cùng đơn giản và được làm ngay. Những con ốc vít, những bu lông trên tấm sắt che bên ngoài cửa sổ bên phải được tháo ra bằng một cái khóa. Những bu lông này được đẩy ra ngoài và những nắp bằng cao su che kín chỗ lại. Ngay sau đó, tấm sắt che bên ngoài gập xuống trên tấm bản lề như một cửa sổ thành tàu và tấm kính che cửa sổ hiện ra. Một cửa sổ khác giống hệt như vậy nằm bên vách đối diện của vật phóng, một cái khác ở trên vòm và cái thứ tư ở giữa đáy bên dưới, người ta có thể quan sát theo bốn hướng đối nhau, nhìn bầu trời qua những kính hai bên và nhìn thẳng, Trái Đất hoặc Mặt Trăng qua những cửa sổ phía trên và phía dưới của vật phóng.
Barbicane và hai người bạn đồng hành của ông lao ngay đến cái cửa kính đã được lột trần ra. Không một tia sáng nào rọi qua đó. Bóng tối sâu thẳm, bao trùm vật phóng, ông chủ tịch buột miệng la lên.
- Không, các bạn ạ, chúng ta không bị rơi xuống Trái Đất! Không, chúng ta không bị chìm dưới đáy vịnh México! Phải. Chúng ta đang bay trong không gian! Các bạn hãy nhìn những vì sao lấp lánh trong bóng đêm kia, bóng tối bí hiểm kia bao trùm dày đặc Trái Đất của chúng ta!
- Hoan hô! Hoan hô! – Michel Ardan và Nicholl cùng la lên.
Thật vậy, bóng tối dày đặc này chứng tỏ vật phóng đã rời xa Trái Đất, bởi vì mặt đất được Mặt Trăng chiếu sáng sẽ hiện ra trước mắt những nhà du hành nên họ còn nằm trên mặt đất. Bóng tối dày đặc này cũng chứng tỏ rằng vật phóng đã ra khỏi lớp khí quyển, bởi vì ánh sáng khuếch tán toả trong không khí, chiếu trên những vách kim loại sẽ phản chiếu lại, nhưng ở đây lại cũng không có chuyện đó. Ánh sáng đáng lẽ phải chiếu sáng tấm kính cửa sổ, nhưng cái cửa kính tối om. Không nghi ngờ gì nữa, những nhà du hành đã rời khỏi Trái Đất.
- Tôi đã thua cuộc – Nicholl nói.
- Tôi mừng cho ông đấy – Ardan đáp.
- Đây, chín ngàn đô la đây – Ông đại uý vừa nói vừa lôi một xấp đô la ra khỏi túi.
- Ông có cần biên lai không? – Barbicane vừa hỏi vừa cầm lấy số tiền.
- Nếu việc đó không làm phiền ông – Nicholl đáp – Nguyên tắc là như vậy.
Và nghiêm trang, điềm tĩnh như thể ông đang ngồi ở bàn thu ngân, ông chủ tịch Barbicane rút ra một cuốn sổ tay và lấy ra một tờ giấy trắng, thảo bằng bút chì một biên lai đúng quy cách, ngày tháng số hiệu, chữ ký, và đưa cho ông đại uý, ông này cẩn thận cất vào ví.
Michel Ardan vừa giở mũ cát két vừa nghiêng người, không nói một lời nào trước mặt hai người đồng hành. Những nghi thức như thế trong hoàn cảnh như vậy làm anh cứng miệng. Anh chưa bao giờ thấy cái “kiểu Mỹ” như thế.
Mọi việc đã xong, Barbicane và Nicholl lại đến bên cửa kính nhìn những chòm sao. Những vì sao nằm rải rác trên nền trời đen thẫm. Nhưng ở phía này, người ta không thể thấy Mặt Trăng, thường thì Mặt Trăng đi từ Đông sang Tây và từ từ lên đến đỉnh đầu. Sự vắng bóng của Mặt Trăng làm Ardan suy nghĩ.
- Thế Mặt Trăng đâu? – Anh ta nói – Phải chăng tình cờ nó không xuất hiện ở chỗ hẹn của chúng ta.
- Anh cứ an tâm, – Barbicane đáp – Mặt Trăng của chúng ta có mặt ở đó, nhưng chúng ta không thể thấy nó ở phía này được. Chúng ta hãy mở cửa sổ bên kia.
Khi Barbicane rời cửa kính và đến tháo chiếc cửa sổ bên phía bên kia ông chú ý thấy một vật sáng đang đến gần. Đó là một chiếc đĩa cực lớn, kích thước khổng lồ không thể tưởng tượng nổi. Tưởng chừng như Mặt Trăng bé nhỏ thường thấy chỉ là sự phản chiếu ánh sáng của Mặt Trăng to lớn này. Nó tiến tới gần với một tốc độ kinh khủng và hình như nó vẽ chung quanh Trái Đất một quỹ đạo cắt ngang đường bay của đầu đạn. Thiên thể lưu động này vừa chuyển vừa quay chung quanh mình nó. Như vậy nó cũng giống như tất cả những thiên thể khác bay trong không gian.
- Này – Michel Ardan kêu lên – cái gì kia? Một đầu đạn khác chăng?
Barbicane không trả lời. Sự xuất hiện của thiên thể khổng lồ này làm ông kinh ngạc và lo lắng. Một cuộc gặp nhau có thể xảy ra, và hậu quả sẽ thật thảm hại, hoặc vật phóng sẽ bị lệch ra khỏi đường bay, hoặc một sự va chạm sẽ hất nó trở lại Trái Đất, hoặc nó bị hút bởi lực hấp dẫn dữ dội của thiên thể kia.
Ông chủ tịch Barbicane nhanh chóng suy ra ngay hậu quả của ba giả thuyết này, dầu gì đi nữa chúng cũng dẫn đến sự thất bại thảm hại của công trình. Những người bạn đồng hành của ông im lặng nhìn vào không gian. Thiên thể càng đến gần càng lớn khủng khiếp và do ảo giác, vật phóng hình như cũng đang lao thẳng vào nó.
- Trời ơi! – Michel Ardan kêu lên – Hai chiếc tàu lửa sẽ đụng nhau!
Theo bản năng, những nhà du hành giật lùi lại phía sau. Họ kinh hãi tột độ, nhưng nỗi kinh hoàng này kéo dài không lâu, chỉ trong vài giây thôi. Thiên thể bay ngang qua, cách đầu đạn vài trăm bước và biến mất, không phải vì nó bay quá nhanh mà vì bề mặt của nó trái nghịch với Mặt Trăng nên nó lẫn vào bóng tối mênh mông của không gian.
- Chúc thượng lộ bình an! – Michel Ardan vừa kêu lên vừa thở phào nhẹ nhõm – Lạ chưa! Không gian vô tận lại không đủ lớn để một quả đạn bé tí có thể du hành mà không sợ xảy ra điều gì! Ôi chà! Quả cầu kiêu kỳ suýt đụng chúng ta này là cái gì vậy?
- Tôi biết nó rồi – Barbicane đáp.
- Tất nhiên! Ông biết tất cả mà.
- Đó chỉ là một thiên thạch, nhưng là một thiên thạch to tướng mà sức hút của Trái Đất đã giữ lại và biến nó thành một vệ tinh của Trái Đất.
- Lạ nhỉ! – Michel Ardan kêu lên – Trái Đất có đến hai Mặt Trăng cũng giống trường hợp Hải Vương Tinh à?
- Phải, anh bạn ạ, hai Mặt Trăng, mặc dầu nói chung nó chỉ có một. Nhưng Mặt Trăng thứ hai này quá nhỏ và tốc độ của nó quá lớn nên người ở Trái Đất chúng ta không thể thấy nó được. Chính vì thấy một vài sự rối loạn nào đó mà một nhà thiên văn người Pháp, ông Petit, đã xác định được sự hiện diện của vệ tinh thứ hai này, và đã tính được những yếu tố của nó. Theo ông thì thiên thạch này quay chung quanh Trái Đất chỉ mất ba giờ hai mươi phút mà thôi. Điều này cho thấy nó phải có một tốc độ kinh khủng.
- Tất cả những nhà thiên văn – Nicholl hỏi – đều công nhận sự hiện diện của vệ tinh này chứ?
- Không – Barbicane đáp – nhưng nếu họ gặp nó như chúng ta vừa chứng kiến thì họ không còn nghi ngờ gì nữa. Thật ra, tôi nghĩ nếu sao băng ấy mà chạm chúng ta, thì chúng ta cũng mệt lắm đấy, nhưng nó đã giúp ta định được vị trí của chúng ta trong không gian.
- Bằng cách nào? – Ardan nói.
- Vì ta biết được khoảng cách của nó, và lúc gặp nó, chúng ta cách mặt đất tám ngàn một trăm bốn mươi kilômét.
- Hơn hai ngàn dặm à! – Michel Ardan kêu lên – Những chuyến tàu lửa tốc hành của quả cầu thảm hại mà người ta gọi là Trái Đất kia chẳng thấm vào đâu cả!
- Đúng thế, bây giờ là mười một giờ – Nicholl vừa nói vừa xem đồng hồ – Như vậy chúng ta vừa rời khỏi lục địa nước Mỹ mới có mười ba phút mà thôi.
- Mười ba phút thôi à? – Barbicane nói.
- Phải – Nicholl đáp – và nếu vận tốc ban đầu mười một kilômét không thay đổi thì chúng ta sẽ bay với tốc độ gần mười ngàn dặm một giờ!
- Tất cả rất hay, các bạn ạ – ông chủ tịch Barbicane nói – nhưng vẫn còn câu hỏi chưa được giải đáp. Tại sao chúng ta không nghe tiếng nổ của khẩu Columbiad?
Không ai trả lời, câu chuyện ngừng lại và Barbicane vừa suy nghĩ vừa lo hạ tấm che cửa sổ bên hông, cửa kính hiện ra, ánh sáng rực rỡ của Mặt Trăng toả sáng bên trong vật phóng. Nicholl vốn là người tiết kiện, ông tắt ga đi vì không cần nữa, vả lại ánh chói của đèn gây trở ngại cho sự quan sát không gian liên hành tinh.
Lúc ấy, vầng trăng tỏ rạng. Những tia sáng không còn bị cản vì lớp khí quyển đầy hơi nước của Trái Đất lọt qua tấm cửa kính và toả màu trắng bạc long lanh khắp bên trong vật phóng. Bức màn đen của bầu trời càng tăng thêm ánh sáng chói lọi của Mặt Trăng vì thiên thể này đang ở trong lớp trống của ête không thuận lợi cho khuếch toả nên chẳng làm mờ được những vì sao lân cận. Bầu trời mở ra một quang cảnh thật mới lạ mà mắt người không ngờ thấy được.
Người ta tưởng tượng được sự thích thú của những con người táo bạo này khi say ngắm chị Hằng, mục tiêu cuối cùng của chuyến du hành của họ. Vệ tinh của Trái Đất trong chuyển động xê dịch đã tiến dần đến thiên đỉnh, điểm toán học mà nó phải đến vào khoảng chín mươi sáu giờ sau đó. Những dãy núi, những đồng bằng, tất cả địa hình của nó không hiện rõ ra dưới mắt họ như lúc họ nhìn chúng từ một nơi nào đó ở mặt đất. Nhưng ánh sáng của nó qua khoảng trống không lại toả ra với một cường độ tuyệt vời. Mặt Trăng sáng rực như một chiếc gương bạch kim. Những nhà du hành không còn nhớ gì nữa về Trái Đất đã lùi xa dưới chân họ. Chính đại uý Nicholl là người đầu tiên nhắc lại quả địa cầu đã biến mất.
- Phải – Michel Ardan đáp – Chúng ta đừng bội bạc đối với nó. Vì chúng ta đang rời xa quê hương của chúng ta, những ánh mắt sau cùng của chúng ta phải dành cho nó. Tôi muốn nhìn Trái Đất trước khi nó hoàn toàn biến mất khỏi tầm mắt tôi!
Đáp lại ao ước của người bạn đồng hành, Barbicane lo dọn dẹp, mở chiếc cửa sổ ở đáy vật phóng để có thể quan sát trực tiếp Trái Đất. Vì lực phóng đi rất lớn, chiếc đĩa di động ép sát vào đáy đầu đạn nên tháo nó ra không phải là dễ. Những bộ phận của nó được đặt tựa vào vách cẩn thận vì còn có thể dùng được khi cần đến. Liền đó xuất hiện một cửa hình tròn rộng năm mươi xăngtimét, nằm ở phần dưới quả đạn. Một tấm kính dày mười lăm xăngtimét, có khung bằng đồng che kín lỗ cửa. Bên dưới có một tấm nhôm được vít bằng những bu lông. Những con ốc được tháo, những bu lông được vứt ra, tấm nhôm buông sập xuống và bây giờ có thể nhìn suốt từ trong ra ngoài.
Michel Ardan quỳ trên tấm cửa kính. Kính tối om hình như mờ đục.
- Nào – Anh kêu lên – Thế Trái Đất đâu rồi.
- Trái Đất, nó kia kìa – Barbicane nói.
- Sao! – Ardan ngạc nhiên – Cái đường viền nhỏ này ấy à? Cái lưỡi liềm trắng bạc này ấy à?
- Đúng thế Michel ạ. Trong bốn ngày nữa, khi Mặt Trăng đầy đặn, chính là lúc chúng ta đến đó. Trái Đất sẽ khác. Nó chỉ còn là một lưỡi liềm nhỏ, chẳng bao lâu sau sẽ biến mất và lúc ấy Trái Đất trong vài ngày sẽ chìm đắm trong bóng tối dày đặc.
- Đó là Trái Đất sao! – Michel Ardan vừa lặp lại vừa mở to đôi mắt nhìn cái mảnh nhỏ xíu của hành tinh quê hương này.
Lời giải thích của chủ tịch Barbicane thật là đúng. Đối với vật phóng Trái Đất đang ở vào giai đoạn cuối cùng. Nó chỉ còn một phần tám nên chỉ thấy một lưỡi liềm nhỏ trên nền trời tối đen. Ánh sáng của nó xanh nhạt vì có lớp khí quyển dày không sáng bằng ánh sáng của mảnh trăng lưỡi liềm. Mảnh trăng lưỡi liềm này có kích thước rất lớn, trông chẳng khác gì cây cung to tướng giương trên bầu trời. Một vài điểm sáng rực, nhất là ở phần lõm báo hiệu những dãy núi cao, nhưng có khi chúng bị khuất vì những chấm dày không hề thấy trên bề mặt của Mặt Trăng. Đó chính là những vòng mây bố trí đồng tâm quanh quả đất.
Tuy nhiên, một hiện tượng tự nhiên cũng giống như hiện tượng xảy ra trên Mặt Trăng khi nó chỉ còn một phần tám, người ta có thể thấy tất cả viền quanh của quả địa cầu. Trọn bề mặt của Trái Đất hiện ra khá rõ dưới ánh sáng màu tro, nhưng không rõ bằng ánh sáng màu tro thấy ở Mặt Trăng. Lý do của cường độ yếu kém này cũng dễ hiểu thôi. Ánh sáng phản chiếu lên Mặt Trăng là do những tia sáng của Mặt Trời mà Trái Đất phản chiếu lại cho vệ tinh của mình. Trong khi ở đây, sự việc ngược lại, những tia sáng Mặt Trời được Mặt Trăng phản chiếu lại Trái Đất. Ánh sáng Trái Đất mạnh gấp mười ba lần ánh sáng Mặt Trăng, nguyên do là ở thể tích khác nhau của hai thiên thể. Vì thế, hệ quả là trong hiện tượng ánh sáng màu tro, phần tối của Trái Đất không được rõ bằng phần tối của Mặt Trăng, bởi vì cường độ của hiện tượng tuỳ theo độ sáng của hai thiên thể. Cũng cần nói thêm rằng hình lưỡi liềm của Trái Đất hình như làm thành một đường cong dài hơn là đường cong của bề mặt Trái Đất. Đó chỉ là hệ quả của sự lan toả mà thôi.
Trong khi những nhà du hành đang cố nhìn qua bóng tối dày đặc của không gian, một chùm sao băng nở ra trước mắt họ. Hàng trăm thiên thạch bốc cháy khi chạm phải khí quyển, vạch trong bóng tối những đường sáng dài và những đường lửa ngoằn ngoèo trong phần màu xám tro của Trái Đất. Đó là lúc Trái Đất đang ở điểm gần Mặt Trời nhất, và tháng mười hai thuận lợi cho sự xuất hiện những sao băng đến độ những nhà thiên văn đếm được đến hai mươi bốn ngàn sao băng mỗi giờ. Nhưng Michel Ardan xem thường những lý luận khoa học, thích nghĩ rằng Trái Đất với những pháo bông đẹp nhất đang chào sự ra đi của ba đứa con của mình. Nói tóm lại, đó là tất cả những gì mà họ nhìn thấy cái thiên thể mất hút trong bóng tối từ một thiên thể cấp dưới của Thái Dương Hệ, một thiên thể mà đối với những hành tinh to lớn hơn chỉ là một thứ Sao Mai hoặc Sao Hôm đơn giản lặn và mọc mà thôi. Một điểm nhỏ không thể nhận thấy được trong không gian – quả cầu nơi mà họ đã để lại tất cả thương yêu, bây giờ chỉ còn là một vành liềm đang khuất dần.
Trong một hồi lâu, ba người bạn không nói gì nhưng cùng chung một tâm trạng ngoái lại nhìn trong khi vật phóng xa dần với vận tốc đều đều giảm dần. Thế rồi, một cơn buồn ngủ không cưỡng lại được xâm chiếm đầu óc họ. Phải chăng là sự mệt mỏi của thể xác hay của tâm trí? Có lẽ sau những giờ phút bị kích thích cao độ ở Trái Đất, phản ứng không thể tránh khỏi này phải diễn ra thôi.
- Nào – Michel nói – vì cần phải ngủ nên chúng ta hãy đi ngủ.
Và tất cả ba người nằm dài trên giường, họ nhanh chóng chìm sâu vào giấc ngủ.
Nhưng họ thiu thiu ngủ được một khắc đồng hồ thì thình lình Barbicane trỗi dậy, và đánh thức những người bạn đồng hành với một giọng rùng rợn.
- Tôi đã tìm ra rồi! – Ông la lên.
- Tìm ra cái gì? – Michel Ardan bật dậy khỏi giường hỏi.
- Lý do vì sao chúng ta không nghe được tiếng nổ của khẩu Columbiad!
- Vì sao nào? – Nicholl hỏi.
- Bởi vì đầu đạn của chúng ta vượt qua vận tốc của âm thanh.
Bay Quanh Mặt Trăng Bay Quanh Mặt Trăng - Jules Verne Bay Quanh Mặt Trăng