Within you, I lose myself. Without you,

I find myself wanting to be lost again.

Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Kidnapped
Dịch giả: Đỗ Minh Đạo
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Hiep Manh Nguyen
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 410 / 19
Cập nhật: 2019-12-06 08:59:50 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3 - Tôi Làm Quen Với Bác Tôi
gay sau đó có tiếng lạch cạch của xích sắt và chốt ở phía sau cửa. Cửa được mở ra rất thận trọng và ngay sau khi tôi vào nhà, nó được đóng lại liền.
— Đi vào bếp đi nhưng đừng mó vào nó – Một tiếng nói trong bóng tối. Trong lúc cửa đang được chốt lại và khóa an toàn bằng xích thì tôi lần mò trong bóng tối về phía bếp.
Lửa cháy trong bếp lò chiếu sáng căn phòng lạnh lẽo nhất mà tôi chưa từng thấy. Trên cái giá sát tường có độ nửa tá đĩa, trên bàn là một đĩa xúp lúa mạch của bữa tối, phía trước là một vại bia loãng đặt bên cạnh một cái thìa bằng sừng. Ngoài ra, dưới cái vòm to bằng đá này chỉ có một số hòm được khóa kín ở sát tường và một cái tủ góc với một ổ khóa lớn.
Khi người đàn ông vừa cho tôi vào nhà khóa xong cửa, ông ta cùng đi với tôi vào bếp. Thân thể nhỏ bé, vai hẹp của ông không có gì đáng chú ý, mặt ông ta có vết bẩn. Thật khó đoán tuổi ông ta, có thể từ năm mươi đến bảy mươi. Mũ cũng như áo khoác của ông ta bằng vái thô, chùm lên một cái áo sơ mi nhàu nát. Có lẽ lâu lắm rồi ông ta không cạo râu. Nhưng cái làm tôi bứt rứt và ngại nhất là cái cách nhìn trân trân vào tôi, nhưng lại không nhìn trực tiếp vào mặt. Thật là khó nói về nghề nghiệp và xuất xứ của con người này. Điều tôi đoán đầu tiên chắc ông ta là một nô bộc già, kiệt sức, ở lại đây lúc già và trông coi ngôi nhà.
— Mày có đói không? – Ông ta hỏi và nhìn vào đầu gối tôi – Mày có thể ngốn cái món xúp lúa mạch này.
Tôi nói rằng đó đâu phải là bữa ăn tối.
— À, tao có thể nhịn món đó. Tao sẽ uống bia, nó sẽ làm tao hết khát và đỡ ho.
Ông ta uống hết một nửa vại bia và tiếp tục nhìn tôi từ phía bên. Bỗng nhiên ông ta đưa tay ra:
— Đưa xem bức thư nào! – Ông ta nói.
Tôi đáp lại rằng bức thư này không gửi cho ông mà gửi cho ngài Balfour.
— Thế mày nghĩ tao là ai? – Ông ta hỏi – Hãy đưa bức thư của Alexander đây!
— Ông cũng biết tên cha tôi à? – Tôi ngạc nhiên kêu lên.
— Thật là nực cười nếu tao không biết ông ấy. – Người đàn ông đáp – Vì ông ta là em ruột tao và dù mày có đánh giá thấp tao, ngôi nhà và món xúp lúa mạch của tao, thì tao cũng là bác ruột mày và mày là cháu ruột tao. Thôi, đưa bức thư đây, Davie. Rồi ngồi xuống và nhét cái gì vào bụng đi.
Nếu tôi trẻ hơn vài tuổi chắc tôi đã gào lên vì xấu hổ, mệt mỏi và thất vọng. Tôi không tìm được lời đáp lại, cả những lời tốt đẹp, lẫn những lời thô bạo mà chỉ đưa cho ông bác bức thư và ngồi xuống trước cái đĩa xúp lúa mạch một cách không hứng thú mà đúng ra một người trẻ tuổi sau một cuộc hành trình dài như vậy phải có.
Trong lúc đó, bác tôi ngồi bên lò sưởi, hơi cúi xuống và xoay đi xoay lại bức thư trên tay.
— Mày có biết trong thư viết gì không? – Bỗng nhiên ông ta hỏi.
— Ông tự thấy mà, thưa ngài. Dấu niêm phong còn nguyên.
— Đúng – Ông ta nói – nhưng cái gì dẫn mày tới đây?
— Nhiệm vụ giao bức thư đến tay ông.
— Không phải. – Ông ta sốt ruột nói – Chắc là mày hy vọng một cái gì đó.
— Tôi công nhận, thưa ngài. Khi tôi nghe thấy có họ hàng giàu có, tôi hy vọng có lẽ người ta sẽ giúp tôi chút ít trong cuộc sống. Nhưng tôi không phái kẻ ăn xin và không cần xin ngài lòng từ thiện. Tôi cũng không cần những thứ không xuất phát từ lòng tốt, bởi vì tuy nghèo, tôi cũng có những bạn bè sẵn sàng giúp đỡ tôi.
— Ồ! chuyện nhảm nhí – Bác Ebenezer nói – Đừng có xúc động như vậy, cậu bé ạ. Chúng ta sẽ thỏa thuận được mà. Nếu mày no rồi, David ạ, tao sẽ tu nốt phần xúp còn lại.
Vừa đẩy tôi sang một bên, giật cái thìa khỏi tay tôi, ông ta nói tiếp:
— Xúp lúa mạch bổ và cũng ngon nữa.
Ông lẩm bẩm cái gì đó giống như lời cầu nguyện và cúi đầu trên đĩa xúp:
— Tao có thể hiểu ra là cha mày chưa bao giờ đủ ăn cả, đúng là một người luôn luôn không no. Còn tao, ngược lại, luôn luôn phải loanh quanh với thức ăn.
Ông ấy uống một ngụm bia loãng. Có lẽ lúc đó nghĩ đến nghĩa vụ là chủ nhà, nên ông ta nói:
— Nếu mày khát, có một ca nước ở ngay cửa đấy.
Tôi không trả lời. Tôi đứng trơ ở đó và đánh giá bác mình với lòng căm giận trong tim. Ngược lại, ông ta ngồi ăn như một người không có thời gian, thỉnh thoảng lại ngó một mắt vào đôi giầy và đôi tất bẩn bằng sợi tự xe lấy của tôi. Chỉ một lần khi nhìn lên ánh mắt chúng tôi mới gặp nhau. Kế cả một tên ăn cắp bị bắt quả tang đang móc túi người ta trông cũng không có vẻ biết lỗi hơn là ông bác Ebenezer của tôi. Cái bản chất ghê sợ của ông ta có phải do cách biệt quá lâu với con người? Và ông sẽ cởi mở hơn, thành một con người hoàn toàn khác nếu tôi quan tâm đến ông? Giọng nói sắc bén của ông làm tôi giật mình trong khi đang nghĩ như trên.
— Cha mày chết lâu chưa?
— Ba tuần nay rồi, thưa ngài – Tôi trả lời.
— Ông ta là một người kín đáo, ông em Alexander của tao ấy, một con người yên lặng dễ sợ. Ngay từ khi còn là một đứa trẻ, nó đã không đòi hỏi gì. Cha mày không hay nói về tao à?
— Cho đến vừa rồi được nghe ông nói, tôi hoàn toàn không biết cha tôi có một người anh.
— Mày nói thế à? Và mày cũng không biết những người họ Shaws phải không?
— Ngay cả tên gọi cũng chưa biết, thưa Ngài.
— Như thế đấy – Ông ta nói – một con người kỳ quái, cha mày ấy!
Nói chung ông ta có vẻ hài lòng về những điều vừa nghe được. Tôi không biết ông ta chỉ hài lòng vì sự im lặng của cha tôi hay còn vì cái gì đằng sau đó nữa. Vẻ ngoài, thái độ chống đối tôi của ông ta mất đi rất nhanh. Ông ta đứng dậy, đi đến chỗ tôi và thân mật đập vào vai tôi:
— Chúng ta sẽ sống tốt với nhau mà, David. Tao rất sung sướng là mày đã đến đây. Bây giờ đi theo, tao sẽ chỉ chỗ ngủ cho mày.
Tôi rất ngạc nhiên là ông ta không đốt đèn lẫn một ngọn nến mà đi trên một con đường tối mò. Ông ta thở nặng nề, đi về phía trước, bước lên một vài bậc rồi dừng lại trước một cánh cửa và mở khóa. Tôi bám gót ông ta. Ông ta để tôi bước vào và nói rằng đây là phòng của tôi. Tôi làm theo lời ông nhưng được vài bước tôi dừng lại và xin một cây nến.
— Ồ, chuyện nhảm nhí – Ông bác nói – mặt trăng chiếu sáng đủ rồi.
— Tôi không nhìn thấy cả trăng lẫn sao, trời tối như mực và tôi cũng chẳng nhận ra đâu là giường nữa. – Tôi phản đối.
— Chuyện nhảm nhí. – Ông ta nhắc lại – Tao không muốn đốt lửa trong nhà, có có thể gây cháy Davie ạ, về việc này tao rất sợ.
Và trước khi tôi kịp nhắc lại yêu cầu của mình, ông ta đã đóng sập cửa từ phía ngoài và tôi nghe thấy tiếng khóa cửa.
Tôi thực không hiểu mình nên cười hay nên khóc nữa. Căn phòng vừa tối vừa ẩm như một cái hầm. Và cái giường, cuối cùng thì tôi cũng tìm thấy nó, ướt át như một đầm lầy. Rất may là tôi đã mang theo gói quần áo của mình và bây giờ có thể quấn mình trong cái chăn len, tôi nằm xuống nền nhà và ngủ rất nhanh.
Trời vừa sáng, tôi mở mắt ra và phát hiện là mình đã ngủ trong một phòng rất rộng, tường được dán bằng da ép. Trong phòng có những đồ gỗ đẹp. Những tấm bọc được thêu cẩn thận. Ánh bình minh tràn vào phòng qua ba cửa số lớn. Cách đây mười hoặc hai mươi năm nếu được ngủ và thức dậy ở một phòng như thế này có lẽ dễ chịu lắm. Nhưng hơi ẩm, bụi, chuột và nhện cũng như sự thiếu chăm sóc thường xuyên đã phát huy hết tác dụng. Rất nhiều kính cửa sổ bị vỡ, cũng như sự đổ vỡ khắp nơi trong ngôi nhà. Có lẽ đã có lúc ông bác tôi bị những người hàng xóm giận dữ bao vây và tấn công.
Bên ngoài mặt trời đã lên và trong cái phòng không được chăm sóc này rất lạnh nên tôi đập vào cửa và hét lên đến lúc người gác ngục của tôi tới và cho tôi ra ngoài. Ông dẫn tôi ra cái giếng sau nhà và bảo rửa mặt nếu tôi có hứng. Sau khi rửa mặt, tôi tìm cách trở về căn bếp nơi ông chủ đã nhóm lửa và nấu xúp lúa mạch. Trên bàn đã có hai cái tô, hai cái thìa bằng sừng nhưng chỉ có một vại bia loãng. Có lẽ tôi đặc biệt nhìn vào đó hoặc bác tôi nhận ra điều này, bởi vì lời nói sau đó cho thấy ông đã đọc được ý nghĩ của tôi: ông hỏi tôi có muốn uống bia không.
Tôi nói rằng tôi đã quen uống bia nhưng ông cũng chẳng cần bầy vẽ làm gì.
— Có chứ, có chứ! – ông ta nói – Tao chiều mày tất cả những gì hợp lý.
Ông ta lấy từ cái giá sát tường một cái vại nữa và, trước sự ngạc nhiên của tôi, đáng lẽ rót bia mới vào thì ông đã xẻ đúng nửa số bia của mình sang vại của tôi. Ông ta rót một cách trịnh trọng làm tôi nín thớ. Rõ ràng ông bác tôi là người bần tiện nhưng thuộc loại đã coi cái tính đáng xấu hổ đó là phẩm hạnh của mình.
Khi chúng tôi vừa xong bữa sáng, ông Ebenezer mở ngăn bàn lấy ra cái tẩu bằng đất nung và một chút thuốc lá, cắt một núm nhỏ, đẩy phần còn lại vào ngăn bàn và khóa lại. Sau đó ông ta ngồi xuống bên một cửa sổ dưới nắng mặt trời và yên lặng hút thuốc. Thỉnh thoảng ông ta nhìn tôi và đặt những câu hỏi ngắn. Một lần ông ta muốn biết:
— Mẹ mày hiện nay ra sao?
Và khi tôi trả lời mẹ tôi cũng đã mất rồi thì ông ta nói:
— Bà ta là loại người ngoan ngoãn – Sau một lúc nghĩ khá lâu, nói tiếp – Nhưng bạn bè mà mày nói tới là loại nào vậy?
Tôi kể rằng có hai người tên là Campbell, mặc dù chỉ có ông mục sư mang tên đó quan tâm đến tôi thôi. Nhưng mà tôi cho rằng ông bác tôi nghĩ tôi bị thế giới lìa bỏ. Và bây giờ khi tôi một mình đến đây, không thể để ông ta cho rằng tôi hoàn toàn không có người giúp đỡ.
Hình như ông ta suy nghĩ về câu trả lời của tôi. Ông ta nói:
— Davie ạ, mi đã làm đúng khi tìm đến bác Ebenezer của mi. Gia đình là tất cả đối với ta và ta quyết tâm làm hết nghĩa vụ của mình. Nhưng để bây giờ ta suy nghĩ xem nghề gì thích hợp với mi: luật sư hay linh mục, cũng có thể là lính, một nghề đang được đám thanh niên yêu thích nhất, vì ta không muốn một người mang tên Balfour phải quy lụy một anh Campbell rừng núi. Vì vậy ta cần phải nói với mi là: hãy giữ mồm, giữ miệng, không thư từ, thông báo, không liên hệ với bất cứ ai, nếu không… thì đây là cánh cửa!
— Bác Ebenezer – Tôi nói – không có cơ sở để cho rằng ông không có ý định tốt với tôi, nhưng ông nên biết rằng tôi cũng có niềm tự hào của mình. Việc tìm đến ông không phải là ý muốn của tôi và nếu ông chỉ cái cửa, tốt thôi, tôi sẽ đi.
Bây giờ trông ông ta có vẻ rất giận dữ:
— Chuyện nhảm nhí, chuyện nhảm nhí! – Ông ta hét lên – Hãy cẩn thận, cậu bé ạ. Ta không phải là phù thủy và không thể tiên đoán tương lai của mi từ một đĩa cháo bột, cũng không thế dùng ảo thuật đem lại cho mi một kho báu. Hãy để cho ta hai ngày, không nói chuyện với một người nào, chắc chắn như ta đang ngồi trước mặt mày đây, ta sẽ tìm được việc đúng đắn.
— Được, nói thế đủ rồi. Nếu ông muốn giúp tôi, tôi rất sung sướng và cảm ơn.
Lúc đó tôi có vẻ như hoàn toàn tâm đắc với bác mình, điều này thật đáng tiếc như tôi đã lập tức nhận ra. Tiếp đó tôi nói với ông ấy là giường của tôi cần được dọn dẹp, phơi khô ngoài nắng vì tôi không thế ngủ được trong một cái ổ như thế này.
— Đây là nhà ta hay nhà mi? – Ông ta hỏi thô bạo, nhưng dừng lại hoàn toàn đột ngột rồi nói tiếp – Không, không. Ta không muốn nói vậy đâu. Cái gì của ta cũng là của mi, Davie con của ta ạ, cái gì thuộc về ta cũng thuộc về mi. Một giọt máu đào hơn ao nước lã và dòng họ Balfour bây giờ chỉ trông vào bốn con mắt chúng ta.
Sau đó ông ta tiếp tục tán gẫu về gia đình chúng tôi và thời kỳ hoàng kim trước đây của nó. Ông ta kể ông nội tôi đã định mở rộng ngôi nhà ra sao và bản thân ông ta đã đình chỉ việc xây dựng và chấm dứt sự lãng phí vô tội vạ này như thế nào. Điều đó đã đưa tôi đến quyết định chuyển lời nhắn của Jennet Clouston cho ông ta.
— Con mẹ già đó – Ông ta hét lên – Nó nguyền rủa ta một ngàn hai trăm mười chín lần mỗi ngày từ hôm tao tịch biên và bán đấu giá gia sản của nó. Mày nghe chứ, David? Tao sẽ cho con mẹ đó lên chảo rán nếu nó không để tao yên. Đó là một mụ phù thủy, một mụ phù thủy hoàn hảo. Chờ đây, tao sẽ đến ngay tay thư ký tòa án.
Vừa nói xong, ông ta mở tủ lấy ra một cái áo khoác đã cũ nhưng được giữ rất cẩn thận, một áo gi-lê kèm theo và một cái mũ lông nghiêm chỉnh, tất cả trông đơn giản, không có vật trang sức nào. Ông ta mặc đồ rất nhanh, khóa tủ lại, đã định đi nhưng lại nảy ra một ý:
— Tao không thể để mày ở trong nhà một mình, – ông ta nói – tao phải nhốt mày lại và khóa cửa.
Máu dồn lên mặt tôi:
— Nếu ông đẩy tôi ra khỏi cửa thì chúng ta sẽ không gặp nhau nữa và chấm dứt sự quen biết.
Mặt ông ta tái đi, răng cắn chặt môi:
— Bằng cách đó. – Ông ta nói và nhìn trơ trơ xuống đất – Bằng cách đó mày sẽ không ở chỗ ta được, chỉ làm tiêu tan lòng tốt của ta, David ạ.
— Thưa ngài. – Tôi nói – Với tất cả sự kính trọng tuổi tác của ngài và sự lưu ý đến quan hệ họ hàng của chúng ta, còn thì, cái lòng tốt của ngài tôi xin khiếu. Tôi có lòng tự trọng và dù ngài có mười lần là ông bác độc nhất của tôi, là người máu mủ ruột thịt của tôi đi nữa, tôi cũng không mua lòng tốt của ngài với cái giá đó đâu.
Ông bác Ebenezer quay lại, đi tới cửa sổ và nhìn chăm chú ra ngoài, nhưng mà tôi nhận thấy toàn thân ông ta rung động tựa như vừa bị một đòn mạnh ấy. Khi quay lại phía tôi, ông ta mỉm cười gượng gạo:
— Thôi được, Davie, chúng ta cần chấm dứt cãi cọ, ta sẽ không đi nữa. Thôi, chấm dứt chuyện đó.
— Bác Ebenezer. – Tôi đáp lại – Tôi không hiểu tất cả chuyện này. Ngài đối xử với tôi như một kẻ ăn trộm. Cái ý nghĩa có tôi ở trong nhà làm ngài nổi giận, điều này tôi nhận ra qua mỗi lời nói và ánh mắt của ngài. Tôi cũng biết rằng ngài không chịu đựng được tôi, tôi đã nói với ngài không giống bất cứ ai. Nếu tình hình đã như vậy, tại sao ngài tìm cách giữ tôi lại? Hãy để tôi đi, hãy để tôi quay lại với bạn bè tôi, những người quý mến tôi.
— Không, không, không. – Ông ta nhấn mạnh – Ta cũng thích mi và dần dần chúng ta sẽ hiểu nhau. Cho mi quay về sẽ tổn hại đến danh dự của ngôi nhà này. Hãy yên tâm ở lại đây, hãy chờ đợi như một cậu bé ngoan ngoãn và sẽ thấy chúng ta sẽ hiểu nhau tuyệt vời.
Sau một lúc yên lặng suy nghĩ, tôi nói:
— Thôi được, thưa ngài. Tôi sẽ ở lại đây một thời gian ngắn nữa. Một người họ hàng ruột thịt chứ không phải người dưng nước lã quan tâm đến tôi, tất nhiên là đều hợp lẽ. Tôi sẽ làm tất cả để chúng ta sống tốt với nhau. Nếu việc đó đổ vỡ chắc không phai lỗi ở tôi.
Bắt Cóc Bắt Cóc - Robert Louis Stevenson Bắt Cóc